Thiên Thần Nổi Loạn
Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987
Chương 28
Dành cho một cảnh gia đình xô xát nặng nề.
Trước kia, chừng nào Maurice chỉ có những
nhân tình là phụ nữ tử tế, thì hạnh kiểm của anh chẳng bị chê trách điều gì. Từ
khi anh đi lại với Bouchotte thì tính tình lại khác hẳn.
Bà mẹ của anh, trước vẫn nhắm mắt làm ngơ
trước những chuyện luyến ái đành rằng có tội đấy, nhưng lịch sự và kín đáo, bây
giờ lấy làm phẫn nộ khi nghe thấy con bà cặp kè lộ liễu với một ả con hát.
Berthe, em gái của Maurice, đã được biết ở lớp học kinh bổn kiên tín, những
chuyện trăng hoa của anh cô, và kể lại không chút công phẫn những chuyện đó cho
các cô bạn trẻ. Thằng bé Léon, vừa mới tròn bảy tuổi, một hôm tuyên bố với mẹ,
trước mặt nhiều bà sang trọng, rằng khi nào lớn, nó sẽ ăn chơi, như Maurice.
Trái tim người mẹ của bà René d’Esparvieu lấy làm đau xót.
Đồng thời lại có một chuyện nghiêm trọng xảy
đến trong gia đình làm cho ông René d’Esparvieu phát hoảng. Có những hối phiếu
được trao gửi cho ông, do con trai của ông ký bằng tên ông; nét chữ viết không
bị giả mạo, nhưng ý định rõ rệt là làm cho người ta tưởng lầm chữ ký của con là
của bố, đủ là một sự man trá về tinh thần(1). Và do sự việc đó, thấy rõ ràng là
Maurice đương sống phóng đãng, mắc công nợ, gần đến lúc sẽ phạm những điều khiếm
nhã. Ông bố của gia đình hỏi ý kiến vợ về chuyện đó. Hai bên ước định với nhau
rằng ông sẽ nghiêm nghị quở mắng con trai ông, sẽ nói đến những trừng phạt
nghiêm ngặt, và sau đó vài giây lát bà mẹ sẽ xuất hiện đau khổ và dịu dàng, để
làm cho một người bố đương tức giận đúng lý phải xiêu lòng khoan thứ. Công việc
được sắp xếp như thế rồi, ông René d’Esparvieu sáng hôm sau cho gọi con trai
ông lên văn phòng của ông. Để cho được trịnh trọng hơn, ông đã mặc áo redingote. Thấy dấu hiệu đó, Maurice thấy
rằng cuộc chuyện trò sẽ nghiêm trọng đây. Ông chủ gia đình, sắc mặt hơi tái, giọng
nói thiếu quả quyết (ông vốn tính nhu nhược) tuyên bố rằng ông không thể dung
thứ lâu hơn nữa sự bừa bãi trong cuộc sống của con và đòi hỏi một sự cải cách tức
thì và tuyệt đối. Không được phóng đãng nữa, không nợ nần nữa, không bạn bè xấu
nữa, mà phải làm việc, phải sống vào khuôn khổ, phải giao du với những bạn tốt.
Đáng lẽ Maurice đã sẵn lòng trả lời ông bố
một cách kính cẩn, dẫu sao ông ấy cũng đã trách mắng anh đúng lẽ. Khốn nỗi,
Maurice cũng nhu nhược, vì chiếc áo redingote
mà ông d’Esparvieu đã đóng bộ vào để thi hành, cho long trọng một vụ xử án gia
đình, có vẻ ngăn cấm mọi sự thân mật. Maurice lúc đó im lặng một cách vụng về
và có vẻ láo xược. Sự im lặng đó bắt buộc ông d’Esparvieu phải nhắc lại những lời
quở mắng và nhắc lại dưới một dáng vẻ nghiêm khắc hơn. Ông mở một ngăn kéo của
chiếc bàn giấy lịch sử của ông (đó là chiếc bàn giấy trên đó Alexandre
d’Esparvieu đã viết bộ sách Khảo luận về
những thiết chế dân sự và tôn giáo của các dân tộc) và rút ra những hối phiếu
mà Maurice đã ký nhận.
- Con ơi, - ông nói, - con có biết rằng con
đã phạm ở đó một tội man trá thực sự không? Để chuộc lại một lỗi lầm nghiêm trọng
đến thế...
Vừa lúc đó, như đã ước định, bà René
d’Esparvieu xuất hiện, mặc áo dài đi phố. Bà phải đóng vai thiên thần tha thứ.
Nhưng bà chẳng có bộ mặt, cũng chẳng có tính cách của thiên thần đó. Nét mặt bà
lầm lầm và khắc nghiệt. Maurice vốn có trong mình mầm mống của tất cả mọi đức hạnh
phổ thông và cần thiết. Anh vẫn yêu và kính trọng mẹ. Anh yêu bà vì bổn phận
còn nhiều hơn là vì xu hướng, và sự kính trọng của anh là do tục lệ nhiều hơn
là do tình cảm. Bà René d’Esparvieu có bệnh mẩn đỏ ở mặt, và vì bà đã đánh phấn
để tỏ vẻ mỹ mạo hơn trong phiên tòa gia đình, nên bà phơi bày ra ở đó một nước
da giống những trái phúc bồn tử dầm đường. Maurice, vốn có khiếu thẩm mỹ, không
thể nào tránh khỏi thấy bà xấu quá, và xấu một cách hơi kinh tởm. Anh đã mất cảm
tình với bà, và khi bà đã nhắc lại, vừa làm cho nghiêm trọng hơn, những lời chê
trách mà ông chồng của bà đã chất nặng lên đầu cậu con trai, thì đứa con hoang
toàng ngoảnh mặt đi để khỏi cho bà thấy một bộ mặt cáu kỉnh.
Bà nói tiếp:
- Cô de Saint-Fain của mày đã gặp mày ngoài
phố với những bạn bè xấu đến nỗi cô phải cám ơn mày đã không chào cô.
Nghe thấy những lời đó, Maurice bùng nổ
lên:
- Cô de Saint-Fain của con! Mời cô cứ việc
công phẫn! Tất cả thiên hạ đều biết cô đã đốt
cháy chổi(2) đến tận cán rồi, và bây giờ mụ già đạo đức giả ấy lại muốn...
Anh dừng lại, mắt anh đã gặp nét mặt của
ông bố, nó biểu lộ nhiều nỗi buồn hơn là phẫn nộ. Maurice tự trách mình những lời
nói vừa rồi, như một tội ác, và không hiểu vì thế nào mà anh đã buột miệng ra
được. Anh sắp òa lên khóc, quỳ xuống, van xin tha thứ, thì bà mẹ của anh, ngước
mắt lên trần nhà, thở dài:
- Tôi đã có tội tình gì với Chúa để đến nỗi
đã đẻ ra một thằng con tội lỗi thế này!
Bị lời nói đó như có bàn tay xoay ngược anh
lại, lời nói mà anh xét là giả tạo và lố bịch, Maurice từ một niềm hối hận cay
đắng bỗng chuyển sang sự kiêu hãnh thú vị của tội ác. Anh lao một cách điên cuồng
vào sự láo xược và phản loạn, và phán ra một hơi những lời mà một người mẹ đáng
lẽ không bao giờ nên nghe thấy:
- Mẹ ơi, nếu mẹ muốn để con nói ra, thì
đáng lẽ cấm con đi lại với một nữ nghệ sĩ ca nhạc đầy tài năng và tính tình
không vụ lợi, thì mẹ nên ngăn cấm chị lớn của con, là bà de Margy không được tối
nào cũng trương mặt ra ở chốn xã giao và ở rạp hát với một thằng đáng khinh bỉ
và ghê tởm, mà ai cũng biết là nhân tình của chị ấy. Đáng lẽ mẹ cũng phải giám
sát con em Jeanne của con, nó tự viết cho nó những bức thư tục tĩu, bằng cách
giả mạo nét chữ cho khác đi, làm ra bộ phát hiện thấy trong quyển sách kinh của
nó, và đưa cho mẹ với một vẻ ngây thơ giả vờ để làm cho mẹ hoảng hồn và rối loạn.
Có lẽ cũng không có hại gì nếu mẹ ngăn cấm thằng em Léon của con, không cho nó,
mới bảy tuổi đầu, đã giở trò cực kì hung bạo cưỡng bức cô Caporal; và có lẽ mẹ
có thể bảo với chị hầu phòng của mẹ...
- Đi ra, ông ơi, tôi đuổi ông ra khỏi cái
nhà này, - ông René d’Esparvieu hét lên, ông ta, giận đến xanh xám, trỏ ra phía
cửa bằng một ngón tay run rẩy.
--------------
Chú thích.
1. Man trá về tinh thần (un faux moral): chứ
không phải về tư pháp, vì không có giả mạo chữ viết và chữ ký, chỉ có chuyện cố
tình mập mờ cho người ta lầm tưởng là chữ ký của ông bố, tuy anh ta ký tên của
anh ta, không có giả mạo.
2. Đốt cháy chổi (rôtir son balai): thành
ngữ, có nghĩa bóng là chơi bời phóng đãng.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét