Thiên Thần Nổi Loạn
Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987
Chương 21
Chuyện kể tiếp theo và hết.
“Tưởng chừng như khoa học và tư tưởng đã chết
vĩnh viễn rồi và trái đất sẽ không bao giờ được biết sự thanh bình, sự vui mừng
và cái đẹp nữa.
Nhưng một hôm, dưới những bức tường thành
La Mã, những người phu đào đất ở ven một con đường cổ xưa, tìm thấy một cỗ quan
tài bằng cẩm thạch ở các mặt ngoài có hình điêu khắc những hình tượng thần Ái
tình và các cảnh tượng hoan hỷ của thần Bacchus. Nhấc cái nắp lên thì một nữ đồng
trinh hiện ra, nét mặt sáng ngời một vẻ tươi mát lộng lẫy. Mớ tóc dài, lòa xòa
trên đôi vai trắng nõn, nàng mỉm cười trong giấc ngủ. Một đám xã dân xúc động
vì hưng phấn, nhấc chiếc quan tài lên và khiêng về Capitole(1). Nhân dân, hàng
đàn lũ, đến chiêm ngưỡng sắc đẹp không lời nào tả xiết của cô nữ đồng trinh La
Mã, và im lặng rình xem sự tỉnh thức của linh hồn thần thánh chứa đựng trong
cái hình thể đáng tôn thờ kia. Sau cùng, toàn đô thành xúc động lớn về quang cảnh
đó đến nỗi Giáo Hoàng e sợ không phải là không có lý, rằng một sự sùng bái dị
giáo lại nảy sinh trên cái thi hài lộng lẫy kia, cho người ban đêm lấy trộm đi
và chôn vùi bí mật. Đề phòng hão huyền! Chăm lo vô ích! Cái đẹp cổ xưa, sau bao
nhiêu thế kỷ man rợ, đã hiện ra một chốc lát trước con mắt loài người: thế là đủ
để cho hình tượng của nó in sâu vào trái tim của họ, gợi cho họ một sự thèm muốn
nồng nhiệt được yêu và được biết. Từ đó, ngôi sao của vị thần của những người
Cơ đốc giáo mờ nhạt đi và dẫn tới chỗ suy tàn. Những người hăng hái mạo hiểm
khám phá ra những thế giới ở đó sinh tụ những dân tộc đông đảo. Họ không biết
gì đến lão già Jéhovah, và người ta ngờ rằng chính lão cũng không biết đến họ
vì lão đã không cho họ biết tin tức gì về lão và cả về con trai đền tội của
lão. Một vị tu sĩ người Ba Lan(2) chứng minh sự chuyển vận của trái đất, và người
ta thấy rằng, không những không hề sáng tạo ra vũ trụ, thần sáng tạo già của
Israel cũng không ngờ gì đến cơ cấu của vũ trụ cả. Những văn cảo của các nhà
triết học, các nhà hùng biện, các luật gia và các nhà thi sĩ, được lôi ra khỏi
bụi bặm của các tăng viện và được chuyền tay, gợi cho các đầu óc tình yêu sự
tri thức. Ông trợ tế của vị thần độc tôn, tức là bản thân Giáo Hoàng, cũng
không tin ở Đấng mà ông ta đại diện trên trái đất. Ông ta yêu thích nghệ thuật
và không có lo nghĩ gì khác hơn là thu thập những pho tượng cổ và xây dựng những
tòa kiến trúc huy hoàng ở đó được triển khai các dạng thức của Vitruve(3) đã được
Bramante(4) phục hồi. Chúng tôi được thở. Các thần chân chính, được gọi về khỏi
cuộc lưu đày dài dặc, đã trở lại cư ngụ trên trái đất. Các vị lại thấy lại ở đó
những đền đài và những ban thờ. Léon(5), đặt dưới chân các vị chiếc nhẫn chủ
giáo, ba vòng mũ miện và chùm chìa khóa, bí mật dâng cúng các vị hương trầm của
các lễ hy sinh. Polymnie(6) tì khuỷu tay đã bắt lại sợi chỉ vàng của dòng suy
tư trầm mặc; trong các vườn cây, các nữ thần Kiều Diễm(7) và các Lâm Tuyền tiên
nữ đã cùng với các Satyre họp thành những đoàn hợp xướng múa hát; nghĩa là,
trái đất học lại sự vui mừng. Nhưng ôi bất hạnh, ôi số kiếp hẩm hiu, biến cố
tai hại, đây là một thày tu người Đức(8) toàn thân căng phồng những rượu bia và
thần học, đứng lên chống cái đa thần giáo Phục hưng, dọa nạt nó, giáng sấm sét
vào nó, một mình thắng thế chống các giáo chủ của Nhà thờ, và xúi giục các dân
tộc nổi dậy, động viên họ vào một cuộc cải cách, nó cứu vãn cái đang sắp bị
tiêu hủy. Những anh khéo léo nhất trong bọn chúng tôi thử cố sức làm cho y đổi
hướng đừng theo đuổi công trình đó nữa, nhưng vô hiệu. Một vị quỷ thần khôn
khéo, mà ở trần gian người ta gọi tên là Belzébuth(9), bám riết lấy y, lúc thì
làm cho y lúng túng bằng những luận cứ của một cuộc tranh luận uyên bác, lúc
thì trêu chọc y bằng những trò ranh mãnh cay độc.
Tên thày tu ngoan cố ném lọ mực của y vào đầu
anh ta và tiếp tục công việc cải cách đáng buồn của y. Nói gì được nữa đây? Anh
lái thuyền cường tráng sửa chữa, bịt trám các lỗ thủng, dựng lại con thuyền hư
nát của Nhà thờ. Jesus Christ nhờ anh thày tu đó mà được trông thấy sự đắm thuyền
lùi lại được có lẽ hơn mười thế kỷ. Từ đó, mọi sự đều mỗi ngày một tồi tệ. Sau
anh chàng to lớn đội mũ trùm, nghiện rượu và gây gổ đó, đến anh chàng giảng dạy
ở Genève(10), cao lêu đêu và gầy đét, đầy tinh thần của Jéhovah xưa cũ, cố gắng
lôi kéo thế giới trở lại những thời khả ố của Joshua(11) và các Quan xét của
Israel, con người gàn dở cuồng nộ lạnh lùng, con người tà giáo chuyên thiêu sống
những người tà giáo khác, kẻ thù hung dữ nhất của các nữ thần Kiều diễm.
Những sứ đồ cuồng nhiệt đó và những đồ đệ
cuồng nhiệt của họ làm cho cả đến những quỷ thần như tôi, những con quỷ có sừng,
cũng nhớ tiếc cái thời mà Đức Chúa Con cùng với Mẹ đồng trinh ngự trị trên những
dân tộc bị lóa mắt vì những cảnh lộng lẫy: đá trổ hoa văn của các nhà thờ lớn,
những màu hồng rực rỡ trên kính cửa sổ, những bức họa nước vôi tô màu rực rỡ,
trên đó biểu diễn hàng nghìn truyện thần kỳ, những bức thêu kim tuyến hoa lệ,
những nước men bóng lộn của những rương đựng thánh tích và những hộp thánh
tích, những vàng thếp của các thánh giá và các bình thánh thể, những nến bạch lạp
chắp thành chòm sao trong bóng tối của những vòng cung của cửa tò vò, những tiếng
ì ầm êm tai của những đàn organ. Tất cả cái đó, cố nhiên, chưa phải là đền
Parthénon(12), chưa phải là lễ Panathenées(13) trọng thể; nhưng cái đó làm vui
mắt và vui lòng vẫn còn là cái đẹp. Và những kẻ làm cải cách đáng nguyền rủa
kia lại không chịu nổi cái gì làm vui lòng người và đáng yêu. Ta hãy trông họ
leo trèo từng đàn lũ đen kịt lên các cổng chính của nhà thờ, các bệ cột, các
nóc đền, các tháp chuông, và dùng cái búa ngu dại của họ nện vào những hình tượng
bằng đá kia, mà các quỷ thần đá đẽo nên, đồng tình với các thợ cả, những hình
thánh khá vui tính và những nữ thánh xinh xắn kia, và những ngẫu tượng cảm động
lòng người của các Đức Mẹ Đồng Trinh ôm ấp trẻ hài nhi vào trong lòng. Vì, để
nói cho công bằng, một đôi chút ngẫu tượng giáo dễ thương đã len lỏi vào sự sủng
bái vị Thần độc tôn. Chúng tôi làm hết sức mình, các đồng bạn của tôi và tôi, để
ngắt công việc khủng khiếp của chúng, và về riêng phần tôi, tôi đã có cái thú
vui được quẳng vài tá những đứa đó từ trên cao những cổng chính và những nhà
nguyện xuống sân trước nhà thờ, ở đó bộ óc thối tha của chúng tung tóe ra.
Cái điều tệ hại nhất, là nhà thờ Thiên chúa
giáo cũng tự cải cách và trở thành độc ác hơn từ trước đến đó. Trong nước Pháp
dịu dàng, bọn thần học Sorbonne và bọn tu sĩ đả kích ráo riết các quỷ thần tài
trí và các con người uyên bác, với một sự cuồng nhiệt chưa hề thấy. Ông tu viện
trưởng của chúng tôi lại hết sức chống đối với văn học. Từ ít lâu nay, những buổi
thức đêm học hỏi của tôi làm cho y lo nghĩ, và có lẽ y đã trông thấy móng chân
trẽ của tôi. Tên do thám đó lục soát trong tăng phòng của tôi và tìm thấy giấy
mực, những sách Hy Lạp mới in và một ống sáo của thần Pan treo trên tường. Thấy
những dấu hiệu đó, nhận ra rằng tôi là một tinh thần ma quỷ, y cho ném tôi vào
một buồng giam kín, đáng lẽ ở đó tôi phải sống cực khổ đắng cay(14). Nếu tôi
không mau lẹ trốn thoát bằng cửa sổ và ẩn náu trong các nơi tịch mịch của rừng
rú, giữa đám Lâm Tuyền tiên nữ và thần Thôn dã.
Khắp nơi những giàn lửa đã nhóm tỏa ra mùi
thịt cháy. Khắp nơi những tra tấn, khổ hình, những xương gãy và những lưỡi bị cắt.
Tinh thần của Jéhovah cũng chưa hề thổi nên những cuồng nộ ác độc đến thế. Tuy
vậy, những con người đã nhấc cái nắp đậy cỗ quan tài cổ kính và chiêm ngưỡng nữ
đồng trinh La Mã, không phải là vô ích. Trong cuộc khủng bố lớn này, mà phe
Giáo Hoàng và phe cải cách ganh nhau về hung bạo và tàn ác, giữa những khổ
hình, tinh thần con người lấy lại được sức mạnh và can đảm. Nó dám nhìn lên các
tầng trời và trông thấy ở đó không phải là lão già Sémites say chuyện báo thù,
mà là, yên lặng và lộng lẫy, Venus Uranie(15).
Bấy giờ một kỷ cương mới nảy sinh. Bấy giờ
bắt đầu những thế kỷ vĩ đại. Không công khai phủ nhận vị thần của tổ tiên, mọi
đầu óc đều thuận tòng hai kẻ tử thù của y, Khoa học và Lý trí, và linh mục
Gassendi nhẹ nhàng liệt y vào vực thẳm xa xôi của những kẻ đệ nhất nguyên nhân.
Các quỷ thần ân đức vẫn dạy dỗ và an ủi những khách trần khổ sở, khởi hứng cho
các bậc văn nhân tài tử của thời này những diễn từ đủ loại, những hài kịch và
những truyện kể nghệ thuật tinh vi. Các phụ nữ sáng chế ra thể đàm thoại, thư
tín thân mật và sự lễ phép, phong tục nhuốm một vẻ dịu dàng và một vẻ cao quý,
những thời trước đó không hề biết. Một trong những đầu óc của thế kỷ lý trí,
ông Bernier dễ thương, một hôm viết thư cho Saint-Évremond(16): “Nhịn một thú vui là một tội lỗi lớn”. Và
chỉ riêng một câu nói đó cũng đủ để phát hiện sự tiến bộ của những trí thông
minh ở châu Âu.
Đành rằng bao giờ cũng vẫn có những người
theo đạo lý của Épicurisme(17) nhưng họ không có ý thức về thiên tư của họ như
Bernier, Chapelle và Molière(18). Bây giờ ngay cả những người sùng tín cũng hiểu
thiên nhiên. Và Racine, mặc dù là sùng tín ngu muội, cũng biết, ngang với một
nhà vật lý học vô thần, như Guy Patin(19), quy cho những tình trạng của các cơ
quan sinh lý, dục vọng nó làm cho con người bị xáo động.
Ngay cả trong tu viện của tôi, tôi đã trở về
đây sau cơn bão tố, ở đó chỉ có toàn những kẻ dốt nát và đầu óc tủn mủn, có một
anh tu sĩ trẻ tuổi không đến nỗi dốt như những kẻ khác, nói nhỏ với tôi rằng Đức
Chúa Thánh Linh nói tiếng Hy Lạp tồi để làm nhục các nhà bác học.
Và dẫu sao, thần học và tranh biện vẫn còn
hoành hành trong cái xã hội lý trí đó. Người ta thấy, ở gần Paris, trong một
thung lũng âm u, những người ẩn dật mà người ta gọi là các Ngài; họ tự xưng là đồ đệ của thánh Augustin và chủ trương, với
một niềm kiên trì đáng kính trọng, rằng vị Thần của Thánh kinh gia hại kẻ nào sợ
y, kiêng nể kẻ nào đương đầu với y, không kể gì đến các công cuộc từ thiện, và
tùy ý thích, đày đọa những kẻ phục vụ y trung thành nhất; vì cái công lý của y
không phải công lý của chúng ta và những đường lối của y thật không sao hiểu nổi.
Một buổi chiều hôm, tôi đã gặp một người trong bọn các Ngài kia trong vườn của ông ta, đương trầm tư mặc tưởng, giữa
những khoảnh vuông trồng cải bắp và rau xà lách. Tôi nghiêng trước mặt ông ta
cái đầu có sừng của tôi và nói thì thầm với ông ta những lời bạn hữu này:
“- Cầu cho ông già Jéhovah gìn giữ ngài,
thưa ngài! Ngài biết rõ ông ta lắm. Ô! Ngài biết ông ta rõ lắm. Và ngài đã hiểu
rõ tính khí của ông ta biết bao nhiêu”.
Con người thánh đức thấy tôi là một thiên
thần của vực thẳm, tưởng là bị đày đọa, và chết đột ngột vì kinh hoàng.
Thế kỷ tiếp theo là thế kỷ của triết học.
Tinh thần thẩm sát(20) phát triển, sự tôn trọng(21) mất đi. Các uy quyền nhục
thể yếu đi và trí óc được thêm những sức mạnh mới. Phong tục đượm một vẻ thú vị
trước đó chưa hề biết. Ngược lại, các thầy tu trong dòng tu của tôi ngày càng dốt
nát và cáu bẳn, và tu viện chẳng còn đem lại cho tôi một ưu thế gì khác, khi mà
sự lễ phép ngự trị trong các thành phố. Tôi không chịu nổi nữa. Sau khi đã quẳng
áo tu hành vào đám cỏ gai(22), tôi đeo một bộ tóc giả rắc phấn trên cái đầu có
sừng của tôi, giấu giếm trong đôi bít tất trắng đôi cẳng chân dê và, tay cầm
chiếc gậy, các túi ních đầy báo chí, tôi chu du thiên hạ xã giao, qua lại những
đường dạo chơi thịnh hành và có mặt đều đặn trong các tiệm cà phê có những nhà
văn học tụ tập. Người ta đón tiếp tôi trong những phòng khách, ở đó, do một tục
lệ mới tốt đẹp, các ghế bành đều ôm sát hình thể mông đít, và đàn ông đàn bà lý
luận có lương tri. Ngay cả những nhà siêu hình học cũng nói năng sáng nghĩa.
Trong thành phố, tôi có được một uy tín lớn về khoa chú giải kinh sách, và
không phải tự khoe, tôi dự một phần lớn trong di chúc của cha xứ Meslier và
trong Thánh kinh diễn giải của các cha tuyên úy của vua nước Phổ.
Hồi đó, xảy ra cho lão già Jéhovah một câu
chuyện rủi hài hước và cay độc. Một tu sĩ quaker(23)
người Mỹ, bằng một cái diều, ăn cắp được sấm sét của lão.
Tôi đương cư trú ở Paris và được dự bữa ăn
đêm trong đó người ta nói chuyện thắt cổ tên giáo sĩ cuối cùng bằng bộ ruột của
tên vua cuối cùng. Nước Pháp đương sôi sục; một cuộc cách mạng kinh hoàng nổ ra...
Các thủ lĩnh phù du của Nhà nước bị đảo lộn, ngự trị bằng khủng bố giữa những
nguy biến chưa hề thấy. Phần đông, họ không độc ác và không tàn nhẫn bằng các
vương hầu và các quan phán xét được thiết lập bởi Jéhovah trong các vương quốc
trên trái đất; tuy nhiên, họ có vẻ hung dữ hơn, bởi vì họ phán xử nhân danh
lòng nhân đạo. Khốn nỗi, họ dễ mủi lòng và có một tính dễ cảm lúc nào cũng xúc
động. Mà những người dễ cảm lại dễ cáu và hay bị những cơn cuồng nộ bột phát. Họ
có đạo đức, họ có hạnh kiểm; nghĩa là họ quan niệm những bổn phận đạo lý được
xác định chặt chẽ và phán xét các hành vi của con người, không theo những hậu
quả tự nhiên của nó, mà theo những nguyên tắc trừu tượng. Trong tất cả các nết
xấu có thể nguy hại cho một số chính khách thì đạo đức là cái nết tai hại nhất:
nó đẩy người ta đến tội ác. Muốn làm việc có ích cho hạnh phúc của con người,
thì phải vượt trên tất cả mọi đạo lý, như Jules thần thánh nọ(24). Đức Chúa Trời
ít lâu nay bị làm cho điêu đứng mọi bề, chung quy không đến nỗi bị đau khổ vì
những con người mới đó. Y tìm thấy trong bọn họ những người che chở và được thờ
kính dưới danh hiệu Đấng tối cao(25).
Thậm chí có thể nói rằng sự khủng bố đánh lạc hướng triết học và có lợi cho vị
thần sáng tạo già, y có vẻ tiêu biểu cho trật tự tốt, cho sự yên ổn công cộng,
cho sự an ninh của con người và của xã hội.
Trong khi sự tự do nảy sinh trong bão táp,
thì tôi đương cư trú ở Auteuil(26) và đi lại nhà bà Helvétius(27). Ở đó có những
người tư tưởng tự do về mọi chủ đề. Chẳng có gì hiếm hơn sự tự do tư tưởng,
ngay cả sau Voltaire. Có người, đương đầu với cái chết mà không run sợ, nhưng
không có can đảm biểu lộ một ý kiến khác thường về phong tục. Chính cái sự sợ
dư luận thúc đẩy y liều chết. Nó cũng lại làm cho y cúi đầu trước cảm nghĩ của
công chúng. Hồi đó, tôi thưởng thức câu chuyện của Volney, Cabanis và Tracy(28),
môn đồ của Condillac vĩ đại(29). Họ quy cho cảm giác nguồn gốc của tất cả mọi
tri thức của chúng ta. Họ tự gọi là những nhà duy ý luận(30), họ là những người
chính trực đáng kính nhất trần gian và làm phật ý những đầu óc dung tục khi từ
chối họ sự bất tử. Vì đa số thiên hạ, không biết dùng cuộc sống này làm cái trò
gì, lại muốn có một cuộc sống nữa, không bao giờ hết. Trong cơn biến loạn, cái
hội triết học nhỏ của chúng tôi thỉnh thoảng bị quấy nhiễu, dưới những bóng râm
yên ổn của Auteuil, bởi những đội tuần cảnh những người yêu nước. Condorcet(31)
bậc vĩ nhân của chúng tôi, bị hãm hại. Bản thân tôi cũng bị tình nghi đối với
các bạn dân, họ, mặc dầu cái vẻ quê mùa và cái áo vải đay của tôi, tưởng tôi là
người quý phái, và tôi tuyên bố rằng sự độc lập của tư tưởng là cái quý phái
kiêu hãnh nhất.
Một buổi chiều tối, tôi đương rình xem những
nữ thần Dryades ở Boulogne(32) lấp lánh dưới cành lá, cùng với mặt trăng khi nó
bắt đầu ló ra ở trên phía chân trời, thì tôi bị bắt coi như tình nghi và ném
vào một buồng giam kín. Đó chỉ là một sự hiểu lầm; nhưng bọn Jacobins(33) lúc
đó, theo gương những tu sĩ mà họ đã chiếm lĩnh địa điểm, đánh giá rất cao sự nhất
trí tuân lệnh. Sau khi bà Helvétius chết, hội của chúng tôi lại tái họp trong
phòng khách của bà de Condorcet. Bonaparte cũng hạ cố đến chuyện trò với chúng
tôi.
Sau khi đã công nhận ông ta là một bậc vĩ
nhân, chúng tôi tưởng ông ta cũng là nhà duy ý luận như chúng tôi. Thế lực của
chúng tôi khá mạnh trong nước. Chúng tôi sử dụng nó để giúp ông ta và thúc đẩy
ông ta tiến tới Đế chính, để trình bày cho thế giới một Marc Aurèle(34) mới.
Chúng tôi trông cậy ở ông ta để bình định vũ trụ; ông ta đã không chứng minh được
những dự đoán của chúng tôi và chúng tôi đã sai lầm khi oán trách ông ta về sự
thất vọng của chúng tôi.
Không ai cãi được, ông ta vượt quá những
người khác rất nhiều bởi sự lanh lẹ của trí thông minh, sự sâu sắc của tài giấu
giếm và khả năng hành động. Cái điều làm cho ông ta thành một kẻ thống trị hoàn
hảo, đó là ông ta sống hoàn toàn trong giây phút hiện tại và không quan niệm gì
khác ngoài cái hiện thực tức khắc và khẩn thiết. Thiên tư của ông ta rộng lớn
và nông nổi. Trí thông minh của ông ta, mênh mông về diện tích nhưng thông thường
và dung tục, bao quát cả nhân loại nhưng không vượt qua nhân loại. Ông ta tư
duy cái tư duy của bất cứ binh lính thường nào trong binh đoàn của ông ta;
nhưng ông ta tư duy với một sức mạnh lạ thường. Ông ta thích cái tác dụng của
những sự tình cờ và ưa chuyện cầu may bằng cách đẩy những chú lùn hàng trăm
nghìn, kẻ nọ chống kẻ kia, những trò vui của một đứa trẻ con vĩ đại bằng cả thế
giới. Ông ta khá khôn ngoan để không quên đem vào trò chơi của ông ta lão già
Jéhovah, hãy còn quyền lực trên trái đất, và giống ông ta bởi đầu óc hung bạo
và thống trị. Ông ta dọa nạt y, nịnh nọt y, vuốt ve y và thị uy với y. Ông ta bỏ
tù viên trợ tế của y, đòi hỏi viên này, dao kề cổ, làm lễ xức dầu cho ông ta: lễ
nghi này, từ thời Saul(35) cổ sơ, làm cho các vị vua được mạnh; ông ta phục
hưng sự sùng bái vị Thần sáng tạo, hát thờ vị đó những bài Te Deum(36) và được thừa nhận, bởi vị đó, là chúa tể trên trái đất,
trong những quyển sách bản nho nhỏ gieo rắc trong toàn cõi Đế quốc. Họ chặp những
sấm sét của họ lại với nhau và thế là thành một trò huyên náo khủng khiếp.
Trong khi những trò vui của Napoléon đảo lộn
cả châu Âu, chúng tôi lấy làm mừng về sự khôn ngoan của mình. Tuy vậy cũng hơi
buồn vì trông thấy kỷ nguyên của triết lý mở ra bằng những tàn sát, khổ hình và
chiến tranh. Tệ hại nhất, là những đứa con của thế kỷ, sa vào một tình trạng
phóng đãng đau lòng nhất, tưởng tượng ra một thứ Cơ đốc giáo mỹ lệ và văn
chương(37), nó chứng tỏ một sự bạc nhược tinh thần không thể nào tưởng tượng được,
và cuối cùng, rơi vào chủ nghĩa lãng mạn. Chiến tranh và chủ nghĩa lãng mạn, những
tai họa khủng khiếp! Và thật là thảm thương biết bao khi trông thấy những con
người này nuôi dưỡng một lòng ham mê, trẻ con và điên cuồng, đối với súng đạn
và chiêng trống! Họ không hiểu rằng chiến tranh xưa kia đã đào luyện các trái
tim và dựng nên các đô thành của những người dốt nát và man rợ, bây giờ chỉ đem
lại cho ngay cả kẻ chiến thắng sự tàn phá và khốn cùng và chỉ còn là một tội ác
kinh khủng và ngu dại khi mà các dân tộc đã được liên kết với nhau bởi sự cộng
đồng của nghệ thuật, khoa học và thông thương. Những người châu Âu thật là dại
dột khi trù tính chuyện cắt cổ lẫn nhau, trong khi thuộc cùng một nền văn minh
bao bọc và đoàn kết họ!
Tôi từ bỏ không chuyện trò gì với những kẻ
điên rồ đó nữa; tôi rút lui về cái làng xóm này, làm một kẻ làm vườn. Những quả
đào trong vườn quả của tôi làm tôi nhớ lại nước da phơi nắng của các nữ thần
Ménade. Tôi vẫn giữ tình bạn hữu xưa cũ của tôi đối với loài người, một chút
thán phục và rất nhiều thương xót, và tôi chờ đợi, trong khi trồng trọt khoảnh
vườn kín này, cái ngày xa xôi thần Dionysus vĩ đại sẽ đến, sau chân có những Thần
Thôn Dã và những cô đồng bacchante của
người, dạy lại cho trần gian sự hoan hỉ và cái đẹp, và phục hồi thời đại hoàng
kim. Tôi sẽ vui mừng bước đi sau cỗ xe của Người, nhưng ai biết được rằng trong
cuộc khải hoàn tương lai đó, chúng tôi có thấy lại được những con người hay
không? Biết đâu nòi giống kiệt quệ của họ khi đó đã chẳng hoàn thành số kiếp rồi
và những sinh vật khác lại chẳng vươn lên trên đống tro tàn và phế tích của con
người ngày trước và thiên tư của họ? Biết đâu những sinh vật có cánh đã không
chiếm đoạt được đế quốc địa đàng! Thế thì nhiệm vụ của những quỷ thần tốt vẫn
chưa hết: họ sẽ dạy bảo các nghệ thuật và sự khoái lạc cho nòi giống những loài
chim.
-------------
Chú thích
1. Capitole: Capitole là một trong bảy quả
đồi cao ở La Mã, và trong nghĩa thu hẹp, là một trong hai đỉnh cao của cái đồi
đó, một đỉnh mang Đền thờ Jupiter, đỉnh kia mang Thành trì.
2. Người Ba Lan: ám chỉ Copernic, nhà thiên
văn học Ba Lan (1473-1543) đã chứng minh được sự chuyển vận của các hành tinh
chung quanh bản thân và chung quanh mặt trời.
3. Vitruve: nhà kiến trúc La Mã của thế kỷ
1 trước CN. Tác giả quyển De architectura
(nói về kiến trúc) đề tặng Augustus.
4. Donato Bramante (1444-1514): nhà kiến
trúc nổi tiếng nước Ý.
5. Léon: có nhiều Giáo hoàng tên là Léon, từ
Léon I (440-461) đến Léon XIII (1873-1903). Đây có lẽ là ám
chỉ Léon X (Jean de Medicis), làm
Giáo Hoàng từ 1513 đến 1521, là người thán phục các kiệt tác cổ đại, che chở các
nghệ thuật, văn học và khoa học và xứng đáng đem tên của mình đặt cho một trong
những thế kỷ xuất sắc nhất của lịch sử. Ông ký với vua François I nước Pháp Hòa
thân điều ước 1516.
6. Polymnie: một trong chín nữ thần văn nghệ,
chủ trì về thơ trữ tình. Người ta thường hình dung vị nữ thần này trong dáng điệu
trầm tư, tì một khuỷu tay lên một chỗ tựa nào đó. Cho nên tác giả chỉ nói tì
khuỷu tay mà không cần nói tì vào đâu.
7. Các nữ thần Kiều Diễm (les Graces): những
nữ thần của đa thần giáo, biểu trưng cho cái gì quyến rũ nhất trong cái đẹp. Có
ba nữ thần kiều diễm: Aglaé, Thalie, Euphrosyne.
8. Thầy tu người Đức: ám chỉ Luther thày tu
dòng thánh Augustine, nhà cải cách tôn giáo ở Đức (1483-1546).
9. Belzébuth: tên một con quỷ, coi như thủ
lĩnh những tinh thần ma quái trong Kinh thánh.
10. Anh chàng giảng dạy ở Genève: ám chỉ
Jean Calvin, người tuyên truyền và phổ biến cải cách tôn giáo ở Pháp và Thụy
Sĩ, rồi sau lan tràn sang cả Hà Lan, Hungary và Scotland (1509-1564).
11. Joshua và các quan xét (Juges): những
nhân vật trong Cựu ước (xem Kinh thánh Sách của Joshua và các quan xét).
Joshua, trợ tá và kế nghiệp Moïse, đánh chiếm lại Đất Hứa tức Palestin và các
quan xét là những anh hùng được Chúa Trời kích động để đi giải phóng một số những
bộ tộc Israel. Toàn là những chuyện đánh nhau, giết nhau để tranh cướp đất đai.
12. Parthénon: đền thờ nổi tiếng ở Athènes,
thờ nữ thần Minerve, là một tòa kiến thiết huy hoàng, bằng cẩm thạch trắng của
núi Pentélique, trong đó có bức bích họa nước vôi (fresques), diễn ra đám rước của những ngày hội Panathénées (xem chú thích tiếp).
13. Panathenées: Những khánh tiết cử hành ở
Athènes để thờ phụng nữ thần Minerve.
14. Sống cực khổ đắng cay (nourri du pain
d’angoisse et de l’eau d’amertume): Đây là thành ngữ, chỉ dịch lấy nguyên ý cho
gọn.
15. Venus Uranie: Nữ thần Venus thì ta đã quen biết rõ, còn Uranie là một trong chín nữ thần văn nghệ,
chủ trì khoa thiên văn học, lúc nào cũng cầm một cái compa trong tay. Ở đây tác
giả kết hợp hai vị thần đó làm một thành vị nữ thần của sắc đẹp và khoa học
thiên văn.
16. Bernier, Saint-Evremond: có hai Bernier,
đây không biết là nói ông nào: François
Bernier (1620-1688), nhà du lịch người Pháp làm thầy thuốc dưới triều vua
Moghol (Ấn Độ) Aurangzeb, tác giả tập Du
ký kể lại thời kỳ lưu cư ở phương Đông; Étienne
Bernier (1762-1806), chủ giáo người Pháp, một trong những người thương nghị
Hòa thân điều ước, sau làm Giám mục ở Orleans. Có lẽ là ông trên, vì có thư tín
với Saint Evremond sinh năm 1610 và mất
năm 1703, khi ông Bernier thứ hai
chưa ra đời.
Saint-Evremond (1610-1703), mà tác giả viết là Evremont: Nhà văn Pháp, tính tình dí dỏm và gầy gò, phải lưu vong
sang Luân Đôn, tác giả vở hài kịch Academistes (các nhà Hàn lâm viện chủ nghĩa)
và những luận văn lý thú v.v...
17. Đạo lý Épicurisme: hưởng lạc phong nhã.
18. Bernier, Chapelle và Molière: Bernier và Molière, thì độc giả quen biết rồi, còn Chapelle (1626-1686), là nhà thơ Pháp, sinh ở Paris, bạn thân của
Boileau, Racine, La Fontaine, ba nhà văn nổi tiếng của thế kỷ XVII; tác giả tập
Du ký Provence và Languedoc, cộng tác với Bachaumont, vui
và dí dỏm.
19. Guy Patin (1601-1672): Thầy thuốc người
Pháp, nổi tiếng về trí tuệ dí dỏm và tài ăn nói lưu loát, tác giả những bức thư
rất thú vị và có giọng điệu châm biếm.
20. Tinh thần thẩm sát (esprit d’examen): thẩm
định, kiểm sát bất cứ điều gì xem có đúng chân lý không, chứ không nhắm mắt tin
lời dạy của các chủ giáo hoặc các nhà học giả có uy tín cũ.
21. Tinh thần tôn trọng (respect): Trái ngược
với tinh thần thẩm sát, chỉ một mực tôn trọng uy tín cũ của bề trên.
22. Quẳng áo tu hành vào đám cỏ gai: thành
ngữ thông dụng, ý nói dứt bỏ tu hành, trở về thế tục. Vì thành ngữ này có hình
tượng nên dịch nguyên văn.
23. Tu sĩ quaker: Giáo đồ của một môn phái
tôn giáo nước Anh và nước Mỹ, đặc tính nói chung là thanh khiết, lương thiện và
từ thiện. Đây có lẽ tác giả ám chỉ nhà vật lý học kiêm chính khách và nhà báo
người Mỹ Benjamin Franklin
(1706-1790) đã sáng chế ra cột thu lôi để trị sấm sét của bầu trời (làm thất bại
những sấm sét của Jéhovah).
24. Jules thần thánh (divin Jules): Jules
César.
25. Đấng tối cao (l’Être supreme): trong thời
cách mạng Pháp dưới chế độ cộng hòa thứ nhất do Hội nghị quốc ước (Convention) lãnh đạo và Robespierre là thủ lĩnh,
sau phong trào khủng bố, mưu đồ triệt bỏ Cơ đốc giáo có khuynh hướng quá khích,
nên Robespierre phải hòa hoãn lại, và tổ chức sự thờ phụng Đấng tối cao chứ không phải là Đức
chúa trời nữa, và các nghi lễ và khánh tiết được chính phủ Cộng hòa quy định
rõ rệt. Thường các từ điển Pháp-Việt, Pháp-Hoa, vẫn dịch l’Être supreme là Thượng đế.
Chúng tôi bỏ lối dịch đó, sợ làm lầm lẫn với những khái niệm cũ về Đế với Vương
với Chúa v.v… và dịch sát nguyên văn là Đấng
tối cao.
26. Auteuil: tên một xã trong tỉnh Seine được
sáp nhập vào Paris (quận XVI). Đã từng là nơi cư ngụ ưa thích của những nhà văn
trứ danh: Boileau, Molière, La Fontaine, về sau này là Condorcet v.v...
27. Helvétius: nhà tổng trưng thuế vụ và nhà
triết học Pháp, sinh ở Paris, tác giả quyển sách Nói về tinh thần, biện giải cho thuyết duy cảm tuyệt đối (1715). Vợ
ông mở phòng khách tiếp chuyện các văn nhân, học giả đương thời.
28. Volney, Cabanis, Tracy:
- Volney (1757-1820) là học giả Pháp, đầu
óc công bằng và khoan dung, tác giả sách Bình
luận về các cuộc cách mạng.
- Cabanis (1757-1808) là thầy thuốc người
Pháp, bạn thân của Mirabeau, môn đệ của Condillac, tác giả một cuốn sách Khảo luận về thể chất và tinh thần của con
người, có tiếng vang dội rất lớn.
- Tracy (1754-1836) tức là Destutt de Tracy, môn đệ của Condillac,
sinh ở Paris, được Napoléon coi là thủ lĩnh trường phái duy ý luận.
29. Condillac (1715-1780): nhà triết học
Pháp, thủ lĩnh trường phái duy cảm luận (Sensualisme), tác giả cuốn Khảo luận về cảm giác.
30. Duy ý luận (ideologue): hoặc cũng gọi là
quan niệm luận, là một trường phái
triết học về quan niệm luận, thoát thai từ học thuyết của Condillac, chỉ khảo
sát các quan niệm tự bản thân nó, gạt bỏ tất cả mọi tính chất siêu hình học.
31. Condorcet: nhà triết học và toán học
Pháp sinh năm 1743 ở xứ Dauphine, Nghị sĩ trong Hội nghị Quốc ước (Convention), thư ký vĩnh viễn của Học viện khoa
học, ông được coi là người kế thừa những tư tưởng mới của Rousseau, Voltaire,
d’Alembert, Diderot, v.v… Trong thời khủng bố, vì ông gắn bó với phe Girondins,
kình địch của phe Jacobins, nên khi phe Girondins bị lật đổ, ông bị lệnh bắt
giam để xử tội tử hình; trốn tránh được ít lâu, rồi cuối cùng bị bắt, ông bèn uống
thuốc độc chết trong ngục để tránh khỏi máy chém, ngày 29 tháng ba 1794.
32. Dryades: nữ thần của rừng rú; Boulogne
là khu rừng nằm ở quận XVI phía Tây Paris.
33. Jacobins: phe cách mạng quá khích nhất,
tự xưng là dân chủ tiến bộ, bị giải tán sau khi thủ lĩnh là Robespierre bị hành
quyết, ngày 9 tháng Termidoro (là tháng 11, trong lịch cộng hòa) năm II tức là
27-7-1794.
34. Marc-Aurèle: vị hoàng đế La Mã có đạo đức
nhất. Trị vì từ 161 đến 180, ông phải đảm đương những cuộc chiến tranh dài lâu,
chống những quân man di đe dọa đế quốc và nổi tiếng vì sự hiền minh có tính chất
hoàn toàn khắc kỷ, kiên nhẫn, tính ôn hòa và lòng ham mê tha thiết triết học và
văn học. Tập Cách ngôn của ông, gồm
những lời nói, ý nghĩ của ông nảy sinh trong các trường hợp cụ thể, được người
sau gom góp lại, là những cách ngôn và cảm tưởng thấm nhuần học thuyết khắc kỷ
chủ nghĩa Zenon.
35. Saul: Vua đầu tiên của Israel, trị vì ở
thế kỷ XI trước công lịch. Nhận đi tìm đàn lừa cái của bố, Saul gặp Samuel, nhà
tiên tri này do Jéhovah soi lòng, biết đây là người sẽ ngự trị trên dân tộc
Israel, bèn xức dầu cho Saul để Saul làm vua của Israel (Kinh thánh, Samuel,
IX, X).
36. Te Deum: gọi tắt bài thánh ca bắt đầu bằng
mấy tiếng “Te Deum laudamus” (lạy Chúa, chúng con ca tụng Chúa), hát tạ
ơn trong những dịp long trọng.
37. Một cơ đốc giáo mỹ lệ và văn chương (Un
christianisme pittoresque et littéraire) ám chỉ nhà văn Chateaubriand
(1768-1848), người đi đầu phong trào văn học lãng mạn, tác giả bộ sách lớn Tinh thần của đạo Cơ đốc (Génie du
Christianisme, 1802).
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét