Thiên Thần Nổi Loạn
Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987
Chương 22
Trong đó người ta trông thấy,
trong một cửa hàng đồ cổ, hạnh phúc đầy tội ác của ông già Guinardon bị quấy rối
bởi sự ghen tuông của một người đàn bà có tình yêu lớn.
Ông già Guinardon (như Zéphyrine đã tường
thuật trung thành với ông Sariette) đã dọn nhà lén lút đem đi các bức tranh, đồ
đạc và những đồ quý chứa chất trong gian gác xép ở phố Bà chúa, mà ông ta gọi
là xưởng vẽ của ông ta, đem chất vào một cái cửa hàng ông ta thuê ở phố
Courcelles, để đến ở, bỏ mặc Zéphyrine, sau năm chục năm sống chung, không một ổ
rơm, không một cái nồi, không một xu, ngoài số tiền một franc bảy mươi centime ở
trong ví tiền của người đàn bà khốn khổ. Ông già Guinardon mở một cửa hàng bán
tranh cổ và những đồ quý, và an bài cô Octavie trẻ tuổi ở đó.
Mặt cửa hàng ra vẻ lắm: người ta trông thấy
ở đó những thiên thần Flamand(1) khoác áo màu xanh lục, theo lối của Gérard
David, một Salomé(2) của trường phái Luini(3), một nữ thánh Barbe(4) bằng gỗ sơn
thủ công của người Pháp, những đồ men của Limoges(5), những đồ pha lê của
Bohemia(6) và Venice, những đĩa men của Urbino(7); người ta thấy ở đó những
hàng ren mũi thêu kiểu Anh, mà Zéphyrine, cái thời trẻ tuổi rực rỡ, đã tiếp nhận
được, theo lời mụ nói, của hoàng đế Napoléon III. Phía trong, những ánh vàng thếp
lấp lánh trong bóng tối, và người ta nhận rõ thấy đây đó những Chúa Jesus, những
thiên sứ, những phụ nữ quý phái và những Lâm Tuyền tiên nữ. Một bức tranh để
quay mặt vào vách, để chỉ cung hiến cho con mắt nhìn của những người sành sỏi,
thường là hiếm; đó là một bản vẽ phỏng theo bức tranh Gimblette của Fragonard,
bức họa sơn dầu màu sáng, có vẻ như chưa có thì giờ khô. Chính ông già
Guinardon nói như vậy. Một tủ ngăn bằng gỗ tử đàn, ở trong tận cùng của hàng,
chứa đựng trong các ngăn kéo của nó những của hiếm, những tranh bột màu của
Baudouins, những sách in có tranh vẽ của thế kỷ XVIII, những tranh nhỏ vẽ son.
Trên một giá vẽ, bức vẽ kiệt tác được đặt,
có màn che phủ, vật kỳ diệu, vật quý báu, vật tuyệt mỹ, một Fra Angelico rất êm
dịu, màu thếp vàng, xanh lơ, và hồng phớt, một Lễ đăng quang của Đức Mẹ Đồng
Trinh, mà ông già Guinardon đòi giá một trăm nghìn franc. Trên một chiếc ghế tựa
kiểu Louis XV, đằng trước một cái bàn nữ công kiểu Đế chế, có bày một bình hoa,
cô Octavie trẻ tuổi ngồi, tay cầm tấm thêu, cô ta, đã để lại trong gian gác lụp
xụp của cô ở phố Bà chúa những xống áo rách mướp rực rỡ của cô, nay hiện ra,
không phải là như một Rembrandt phiên chế, nhưng với ánh ngời sáng êm dịu và sự
trong trẻo của một Vermeer de Delft(8), để làm vui thích cho các tay sành sỏi
thường đi lại nhà ông già Guinardon. Lặng lẽ và trinh khiết, cô ở suốt ngày
trong cửa hàng, trong khi ông già, dưới mái nhà, vẽ cái gì không biết. Ông ta
đi xuống vào quãng năm giờ và chuyện trò với những khách quen.
Người khách siêng năng nhất là bá tước
Desmaisons, một người đàn ông cao lớn, gày xanh xao, còng lưng. Một dòng những
sợi lông, dưới mỗi bên gò má, từ chỗ hõm sâu của hai má tuôn ra, càng xuống
càng tỏa rộng ra và giải thành những dòng thác tuyết trên cằm và ngực của ông
ta. Luôn luôn ông nhúng vào đó bàn tay dài ngoẵng và xương xẩu của ông ta, có
đeo những nhẫn vàng. Từ hai chục năm nay, khóc bà vợ mất vì bệnh lao trong tuổi
hoa niên và nhan sắc đương độ, ông dành cuộc đời của ông để tìm tòi những cách
giao cảm với người chết và để chất đầy những bức họa tồi vào trong dinh thự vắng
vẻ của ông. Lòng tin cậy của ông vào Guinardon thật vô biên.
Ông Blancmesnil, quản trị một ngân hàng tín
dụng lớn, cũng có mặt không kém thường xuyên ở cửa hàng. Đó là một con người đã
ngũ tuần, tươi tốt và mập mạp, ít hiếu kỳ về nghệ thuật, tay sành sỏi tầm thường,
có lẽ, nhưng bị hấp dẫn bởi cô Octavie trẻ tuổi, ngồi giữa cửa hàng như con
chim mồi(9) trong lồng.
Ông Blancmesnil nhanh chóng giao kết với cô
những tình cảm ngầm mà chỉ riêng ông già Guinardon không nhận thấy, do thiếu
kinh nghiệm, vì ông già còn non nớt trong mối tình với Octavie.
Ông Gaétan d’Esparvieu đôi khi cũng vì tò
mò mà đến nhà ông già Guinardon mà ông ngờ là một tay giả mạo cừ khôi.
Ông Le Truc de Ruffec, nhà kiếm thuật danh
tiếng, một hôm đến nhà ông già bán đồ cổ và ngỏ cho ông ta biết về những dự định
của mình. Ông Le Truc de Ruffec, tổ chức ở Tiểu cung điện một cuộc triển lãm hồi
cố những gươm đao giáo mác để giúp công cuộc từ thiện Giáo dục các trẻ em
Maroc, và hỏi ông già Guinardon cho mượn vài chiếc quý giá nhất trong bộ sưu tập
của ông.
- Lúc đầu chúng tôi đã nghĩ, - ông ta nói, -
tổ chức một cuộc triển lãm gọi là Thánh
giá và Thanh kiếm. Sự kết hợp hai tiếng đó cũng đủ để ông cảm thấy cái tinh
thần chủ đạo sáng kiến của chúng tôi. Một ý nghĩ vô cùng ái quốc và trọng đạo
làm cho chúng tôi liên kết thanh kiếm, tượng trưng của danh dự, với thánh giá,
dấu hiệu của sự cứu rỗi. Đáng lẽ công cuộc từ thiện đã được đặt dưới quyền bảo
trợ tối cao của ông Bộ trưởng bộ Chiến tranh và của Đức cha Cachepot. Khốn nỗi,
sự thực hiện tại lại có những khó khăn và phải hoãn lại... Lúc này, chúng tôi tổ
chức triển lãm Thanh kiếm. Tôi đã dự
thảo mấy dòng nói rõ ý nghĩa của cuộc biểu thị đó.
Nói xong, ông Le Truc de Ruffec rút trong
túi ra một cái ví nhét đầy giấy má, và tìm được, trong đám các thư biên bản những
cuộc gặp nhau quyết đấu hoặc những vụ khiếm diện, một mẩu giấy nhỏ viết rất lem
nhem:
- Đây, ông ta nói, - “Thanh kiếm là một cô
gái đồng trinh e dè. Đó là thứ vũ khí có tính chất Pháp tột điểm. Vào một thời
mà tinh thần dân tộc, sau một thời kỳ lẩn khuất quá dài, lại rạng rỡ chói chang
hơn bao giờ hết, v.v...”. Ông thấy không?
Và ông ta nhắc lại lời yêu cầu mượn một vài
tấm mà người ta sẽ đặt ở hàng đầu trong cuộc triển lãm vì công cuộc giúp các trẻ
em Maroc, dưới quyền chủ tọa danh dự của tướng d’Esparvieu.
Ông già Guinardon vốn rất ít để ý chuyện vũ
khí: ông bán phần nhiều là tranh hội họa, tranh đồ họa, sách in. Nhưng không
bao giờ ông ta bị thiếu sót bất ngờ. Ông bèn tháo ở móc treo xuống một thanh
trường kiếm có đốc loe chạm trổ kiểu Louis XIII - Napoléon III rất đặc trưng,
và đưa cho ông chủ thầu triển lãm, ông này ngắm nghía nó với đôi chút kính trọng,
trong một sự im lặng dè dặt.
- Tôi còn có hơn thế nữa, - ông chủ hàng đồ
cổ nói. Và ông rút ra ở buồng sau cửa hàng, trong đó nó nằm lẫn lộn với những gậy
chống và những cái ô, một thanh kiếm vĩ đại trang trí hoa huệ, thật là vương giả:
đó là kiếm của Philippe Auguste(10), đã được một diễn viên ở rạp Odéon(11) mang
trong những buổi biểu diễn vở Agnès de
Méranie(12), năm 1846. Guinardon cầm thanh kiếm đó, mũi kiếm cắm xuống đất,
như thể để làm thành một cây thập tự, chắp hai tay một cách thành kính trên tai
đốc kiếm(13), và tỏ vẻ trung thành như thanh kiếm đó.
- Ông hãy cho bày nó ở cuộc triển lãm của
ông, - ông ta nói. - Cô trinh nữ bõ công đấy. Tên cô ấy là Bouvines(14).
- Nếu tôi cho bán nó được hộ ông, - ông Le
Truc de Ruffec hỏi, vừa xoắn đôi ria mép to tướng, - thì ông sẽ cho tôi một
chút hoa hồng chứ?
Sau đó vài ngày, ông già Guinardon cho bá
tước Desmaisons và ông Blancmesnil xem với một vẻ bí mật, một Gréco mới được phát
hiện, một Gréco lạ lùng, với lối vẽ cuối cùng của một đại danh họa. Bức tranh
miêu tả một thánh François d’Assise(15), đứng trên ghềnh đá của Alverne(16), bốc
lên trời như một cột khói và đâm thẳng vào mấy tầng mây một cái đầu nhỏ hẹp một
cách quái dị, bị thu nhỏ đi vì cự ly. Nghĩa là một Gréco chân chính, rất chân
chính, quá chân chính. Hai người thích tranh ngắm nghía chăm chú tác phẩm,
trong khi ông già Guinardon ca tụng những màu đen sâu thẳm của nó và nét biểu
hiện cao siêu của nó. Ông ta giơ hai cánh tay lên trời để hình dung
Theotocopuli(17) từ Tintoret mà ra, vượt ông này một trăm cánh tay.
- Thật là một con người trinh khiết, trong
trẻo, khỏe, huyền bí, huyền ám(18).
Bá tước Desmaisons tuyên bố rằng Gréco là họa
sĩ ông ưa thích nhất. Blancmesnil, trong thâm tâm, không hoàn toàn thán phục.
Cửa bỗng mở ra và ông Gaétan, mà không ai
chờ đợi, hiện ra.
Ông liếc nhìn bức vẽ thánh François một cái
và nói:
- Úi chà!
Ông Blancmesnil, muốn học hỏi ông ta xem
ông ta nghĩ như thế nào về nhà họa sĩ hiện nay rất được thán phục đó, thì
Gaétan trả lời, không phải đợi nài nỉ, rằng ông không nghĩ Gréco là một kẻ cuồng
dị và một thằng điên rồ, như trước kia người ta vẫn tưởng, và, đúng hơn, ông giả
thiết rằng một cái tật của thị giác, mà ông Theotocopuli bị mắc, bắt buộc ông
ta vẽ biến dạng các hình tượng.
- Bị loạn thị và mắc chứng tà thị, - Gaétan
nói tiếp, - ông ta vẽ cái gì ông ta trông thấy và như ông ta trông thấy.
Bá tước Desmaisons không sẵn lòng chấp nhận
một lối giải thích quá tự nhiên như vậy, trái lại, ông Blancmesnil lại thích
nó, vì sự giản đơn của nó.
Ông già Guinardon phẫn nộ, kêu lên:
- Ông d’Esparvieu ơi, thế ông có bảo rằng
thánh Jeanne cũng loạn thị bởi vì ông ấy đã trông thấy một người đàn bà có ánh
sáng mặt trời bao bọc(19) và đầu đội vòng sao, với mặt trăng ở dưới chân; con vật
có bảy đầu và mười sừng và bảy vị thiên sứ mặc áo vải lanh, mang bảy cái bát đầy
nỗi giận dữ của Chúa trời hằng sống không?
- Dù sao, - ông Gaétan - kết luận, người ta
thán phục Gréco là có lý, khi ông đã có đủ thiên tài để bắt mọi người phải chấp
nhận cái ảo ảnh bệnh tật của ông ta. Bởi vì, những sự hành hạ mà ông ta bắt
hình tượng con người phải chịu có thể làm vừa lòng những linh hồn yêu thích đau
khổ, và những linh hồn đó nhiều hơn người ta tưởng.
- Thưa ông, - bá tước Desmaisons đối đáp, vừa
thò bàn tay dài ngoẵng vào bộ râu tươi tốt của ông, - cần phải yêu cái gì yêu
ta. Sự đau khổ yêu chúng ta và bám riết lấy chúng ta. Ta phải yêu nó nếu ta muốn
chịu đựng cuộc sống; và sức mạnh và lòng tốt của đạo Cơ đốc, là đã hiểu điều đó...
Than ôi! Tôi không có lòng tin, và chính đó là điều làm tôi thất vọng.
Ông già thì nghĩ đến người mà ông khóc
thương từ hai chục năm nay, và ngay tức khắc lý trí của ông mê loạn và tư tưởng
của ông trôi theo, không cưỡng lại, những tưởng tượng của một cơn điên êm dịu
và buồn bã.
Sau khi đã nghiên cứu, - ông nói, - các khoa
học tâm linh và thực hành, với sự giúp đỡ của một ông đồng bán thâu, những thử
nghiệm về bản chất và thời gian tồn tại của linh hồn, ông đã thâu lượm được những
kết quả lạ kỳ, nhưng không làm ông vừa lòng. Ông đã đi tới mức trông thấy linh
hồn người chết dưới hình dạng một khối keo dính lầy nhầy và trong suốt, nó chả
giống tí nào cái hình thể mà ông đã yêu quý. Và cái điều khổ tâm nhất trong cuộc
thử nghiệm nhắc đi nhắc lại trăm lần đó, là cái khối keo lầy nhầy kia, có những
cái tua cực kỳ mỏng mảnh, luôn luôn chuyển động theo một tiết điệu rõ ràng là cốt
để tạo thành những dấu hiệu, mà người ta không làm sao hiểu được ý nghĩa của những
chuyển động đó.
Suốt trong thời gian kể chuyện như vậy, ông
Blancmesnil cặp kè với cô Octavie trẻ tuổi, yên lặng, im lìm và cụp mắt xuống.
Zéphyrine không chịu yên lòng để người tình
của mình cho một kẻ tình địch không xứng đáng. Thường thường, buổi sáng, mụ đến,
tay cắp cái làn cói, lởn vởn chung quanh cửa hàng đồ cổ, điên cuồng và khổ não,
bị trăm nghìn ý nghĩ trái ngược nhau xáo động, mụ trù tính sẽ úp một nồi cường
toan lên đầu kẻ bạc tình, hoặc quỳ xuống chân hắn khóc dầm dề và hôn chi chít
đôi bàn tay yêu quý của hắn. Một hôm mụ đang rình gã Michel rất quý báu và rất
có tội như vậy, thì nhìn qua kính cửa thấy cô bé Octavie trẻ tuổi đương thêu
trước cái bàn nữ công có một bông hồng tàn héo trong một cái cốc pha lê.
Zéphyrine, nổi cơn cuồng nộ, lấy cái cán ô nện vào cái đầu vàng hoe của kẻ tình
địch và gọi cô là con vật giống cái và đồ cứt đái rác rưởi. Octavie hoảng hồn
chạy trốn và đi tìm cảnh sát, trong khi Zéphyrine, đau đớn và yêu đến điên cuồng,
lấy gót sắt của chiếc giày cũ nát của mụ cào lên Gimblet của Fragonard, thánh
François đầy mồ hóng của Gréco, và các Đức Bà Đồng Trinh, và các Lâm Tuyền tiên
nữ và các sứ đồ, và làm bật cả những vàng thếp của Fra Angelico, vừa kêu lên:
- Tất cả những bức tranh này, Gréco, Beato Angelico,
Fragonard, Gerard David, và những Baudouins, phải, những Baudouins, tất cả, tất
cả, tất cả, đều là Guinardon nó vẽ, thằng khốn nạn, thằng vô lại. Và cái tranh
Fra Angelico này, tôi đã trông thấy nó vẽ trên một tấm ván là quần áo, cái
tranh Gerard David này, nó đã vẽ trên một cái biển của bà đỡ. Đồ con lợn! Con
đĩ của mày với mày, tao chọc thủng mắt chúng mày như tao chọc thủng những bức
tranh bẩn thỉu của mày cho mà xem!
Và kéo áo một ông già yêu tranh nấp run rẩy
trong một xó đen tối nhất của gian buồng sau cửa hàng, mụ lấy ông ta làm chứng
những tội ác của Guinardon, giả mạo và bội ước. Những cảnh sát đã phải rứt mụ
ra khỏi cửa hàng bị tan hoang. Bị dẫn lên đồn cảnh sát trưởng và có một đám rất
đông dân chúng đi theo, mụ ngước lên trời đôi mắt cuồng nhiệt và kêu lên, qua
những tiếng nức nở:
- Vậy ra các ông không biết Michel à? Nếu
các ông được biết hắn, thì các ông sẽ hiểu rằng không thể nào sống không có hắn
được. Michel! Hắn đẹp, hắn tốt, hắn dễ thương! Đó là một vị thần, đó là tình
yêu! Tôi yêu hắn! Tôi yêu hắn! Tôi đã được biết những người đàn ông của tầng lớp
thượng lưu, những công tước, những bộ trưởng và hơn nữa... Không một người nào
đáng gột bùn đế giày cho Michel. Thưa các ông phúc đức, hãy trả hắn lại cho
tôi!
--------------
Chú thích.
1. Flamand: thuộc trường phái hội họa của xứ
Flandre.
2. Salomé: công chúa Do Thái, con gái của
vua Hérode Philippe và hoàng hậu Herodias. Nhờ tài nhảy múa, nàng xin được chú
là Hérode Antipas cho chém đầu thánh Jean Baptiste. Xem Kinh Thánh.
3. Bernardino Luini (1481-1532): họa sĩ của
trường phái xứ Milan (Ý), học trò của Léonard de Vinci, nổi tiếng nhất về nhũng
bức họa nước vôi (fresques).
4. Thánh Barbe: người xứ Tiểu Á, đồng trinh
và tử vì đạo trong thời những sự ngược đãi của hoàng đế La Mã Maximilien (trị
vì từ 235-238).
5. Limoges: tỉnh lỵ tỉnh Haute-Vienne, cách
Paris 400km về Tây-Tây Nam, nổi tiếng về đồ men sứ.
6. Bohemia: tên một xứ quan trọng nhất của
nước Tiệp Khắc (cũ), nổi tiếng trên thế giới về đồ pha lê, thủy tinh và rượu
bia.
7. Urbino: thành phố nước Ý, quê hương của
Raphael, xưa là một trung tâm sản xuất đồ gốm, đồ tráng men.
8. Vermeer de Delft (1632-1675): họa sĩ vẽ
phong cảnh và cảnh sinh hoạt gia đình, người Hà Lan, sinh ở Delft.
9. Chanterelle: con chim mái, nhốt trong lồng
để làm mồi nhử con trống tới.
10. Philippe Auguste: tức vua Phillip II
(1165-1223), con vua Louis VII lên ngôi năm 1180. Thời kỳ đầu, ông dốc sức đánh
thắng vua Henry II (Anh), thắng Richard Coeur de Lion (Richard Sư Tử Tâm) và cuộc tranh giành kết thúc bằng sự đắc thắng của
dòng họ Capétiens, Pháp chống dòng họ Plantageneis, Anh năm 1199. Sau đó, cuộc
chiến đấu lại tiếp diễn giữa vua nước Pháp với Jean sans Terre (nghĩa là Jean
Vô Thổ) nối nghiệp Richard. Triều đình Pháp tuyên cáo tịch thu những đất thuộc
Anh cũ năm 1204. Rồi Philippe Auguste lại đánh lên xứ Flandre vì bá tước
Ferrand xứ đó tuyên bố lãnh vực Jean sans Terre và được quân Anh ủng hộ. Vua
Philippe thắng quân địch ở trận Bouvines, 1214. Vua Philippe có nhiều công
trình xây dựng nội chính nước Pháp, sáng lập trường Đại học, sửa sang và xây tường
thành bao bọc đô thành Paris. Vợ thứ nhất chết, ông lấy vợ thứ hai là con gái
vua Đan Mạch nhưng rồi sau ruồng bỏ để lấy Agnès, con của Berthold de Meranie
trong xứ Tyrol.
11. Odéon: vốn là tên một điện đài ở
Athènes, sau được lấy tên đặt cho rạp thứ hai của Pháp Quốc hí viện (Théâtre
Français) sáng lập năm 1797, cũng là rạp kịch quốc gia như rạp thứ nhất (Comédie Français) do nhà nước trợ cấp.
12. Agnès de Méranie: vợ vua Philippe
Auguste.
13. Đốc kiếm: ngăn giữa lưỡi kiếm với chuôi
kiếm, làm theo kiểu cắt ngang thanh kiếm, thanh hình chữ thập; mỗi bên của cái
đốc ngang đó gọi là tai đốc kiếm.
14. Bouvines: tên một xã ở tỉnh Nord trong
vùng Hauts-de-France.
15. Thánh François d’Assise: người sáng lập
dòng tu gọi là franciscains (dòng tu
thánh François), sinh ở Ombrie, Ý.
16. Alverne: tên một quả núi.
17. Theotocopuli: tên thật của El Gréco là Domenico Theotocopuli (phiên âm từ tiếng
Hy Lạp là Domínikos Theotokópoulos).
18. Huyền ám (apocalyptique): u ám huyền bí
như những cảnh tượng trong Kinh Khải Huyền
(Apocalypse), kinh cuối cùng của Tân Ước, trong đó tác giả miêu tả những ảo cảnh
của thị giác, cho là viễn tưởng tương lai của Cơ đốc giáo, đến tận ngày phán
xét cuối cùng.
19. Người đàn bà có ánh sáng mặt trời bao bọc:
Kinh Khải Huyền, chương XII nói về người đàn bà và con rồng. Một người đàn bà có mặt trời bao bọc, dưới
chân có mặt trăng và trên đầu có mão triều thiên bằng mười hai ngôi sao. Người
có thai và nhọc nhằn đau đẻ. Trên trời cũng hiện ra một dấu khác nữa là con rồng
lớn sắc đỏ có bảy đầu, mười sừng, trên đầu có bảy mão triều thiên. Còn về bảy vị
thiên sứ mặc áo lanh xem Khải Huyền,
XV, 5-8 và XVI, 1-21.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét