Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

Thiên Thần Nổi Loạn - Chương 3

Thiên Thần Nổi Loạn

Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987

Chương 3

Trong chương này ta đi vào chuyện bí mật.

Tối hôm đó (1), lúc bảy giờ, sau khi như thường lệ đã đặt lại vào các ngăn tất cả các sách đã lấy ra, và đã chắc chắn là tất cả mọi thứ đâu vào đấy cả rồi, ông ta ra khỏi thư viện và đóng cửa bằng hai vòng khóa.
Ông ta ăn bữa tối, như thường lệ ở quán ăn Bốn Giám Mục, đọc tờ nhật báo Thánh giá, và đến mười giờ, trở về căn nhà nhỏ ở phố Con Mắt Nhìn. Con người bình dị đó không có gì xao xuyến và không có linh cảm gì; giấc ngủ của ông yên tĩnh. Sáng hôm sau, đúng lúc bảy giờ, đi vào gian tiền sảnh thư viện, đúng như thói quen hàng ngày, ông trút bỏ chiếc áo ngoài đẹp đẽ và mặc một chiếc cũ kỹ treo trong một cái tủ ngầm trong tường bên trên bồn rửa mặt. Rồi ông đi sang phòng làm việc, nơi từ mười sáu năm nay, sáu ngày một tuần, ông vẫn liệt kê thư mục dưới con mắt uy nghi của Alexandre d’Esparvieu, và đi duyệt qua các gian phòng, bắt đầu từ gian phòng thứ nhất và lớn nhất, đựng sách Thần học và các Tôn giáo trong những cái tủ rộng, đầu tủ có những mép viền trên đó đặt những tượng bán thần bằng thạch cao màu đồng đen của các thi sĩ và các nhà hùng biện thời cổ đại. Hai hình cầu to lớn bày ở các khung cửa sổ, biểu tượng trái đất và bầu trời. Nhưng, vừa bước được bước đầu tiên, thì ông Sariette đứng khựng lại, sững sờ, không thể ngờ vực mắt mình mà cũng không thể tin đó là sự thực. Trên tấm thảm xanh lơ của bàn làm việc, nhiều cuốn sách in bày ra bừa bãi cẩu thả, quyển nằm, quyển đứng chổng gáy lên trời. Nhiều quyển khổ nhỡ chất thành một chồng ngất ngưởng. Hai quyển tự vị Hy Lạp lồng vào nhau hợp thành một vật duy nhất, quái dị hơn những con người ghép đôi với nhau theo quan điểm lý tưởng trong trắng của triết gia Plato. Một quyển khổ lớn in gấp cuốn có mép mạ vàng há hốc ra, để lộ ba tờ sách xoắn góc nom đến tệ hại.
Lát sau, khi tình trạng sững sờ cao độ đã qua đi, viên quản thư lại gần bàn và nhận ra, trong đống hỗn độn kia, những kinh thánh Hebrew, Hy Lạp và La tinh quý giá nhất của ông, một quyển pháp điển Do Thái độc nhất, những khảo luận về giáo lý Do Thái in và viết tay, những văn bản bằng tiếng Aramée và Samaritan, những cuốn thư của giáo hội Do Thái, tóm lại, những công trình quý giá nhất của Israel chồng đống, lổng chổng và tanh bành.
Trước mặt ông Sariette là một cái gì không thể nào hiểu nổi, nhưng ông vẫn cố gắng để tự lý giải chuyện đó. Lẽ ra ông phải vồ ngay lấy cái ý nghĩ rằng tác giả của sự hỗn độn kinh khủng này chính là ông Gaétan, người vốn không có nguyên tắc gì cả và vẫn cậy thế đã có những tặng phẩm tai hại hiến cho thư viện để đến đó vơ vét đầy tay những ngày ông ấy ở lại Paris. Nhưng ông Gaétan khi đó lại đương đi du lịch ở bên Ý. Sau vài giây lát suy nghĩ, ông Sariette giả thiết rằng lúc đêm đã khuya, ông René d’Esparvieu đã lấy chùm chìa khóa của bác hầu phòng Hippolyte, người hai mươi nhăm năm nay vẫn dọn dẹp các căn phòng tầng gác thứ hai và các gian buồng xép áp mái. Ông René d’Esparvieu không bao giờ làm việc đêm và không đọc được tiếng Hebrew, nhưng, ông Sariette nghĩ, có thể ông ấy đã dẫn hoặc cho người dẫn vào phòng này một vị giáo sĩ nào đó, một tu sĩ nào đó ở Jérusalem ghé qua Paris, tay bác học Đông Phương học chuyên về phần chú giải sách thánh. Ông Sariette lại tự hỏi, hay là linh mục Patouille, người hiếu kỳ tri thức và có thói quen hay vê xoắn góc những trang sách in đã lao vào những văn bản Thánh kinh và pháp điển Do Thái này trong một cơn nhiệt thành muốn khám phá tâm hồn của Shem (2). Đã có lúc ông ngờ hay chính bác hầu già Hippolyte, sau khi đã phẩy bụi và quét tước thư viện trong một phần tư thế kỷ, bị đầu độc lâu năm bởi một thứ bụi bác học và trở thành quá ham biết, đêm vừa qua, dưới một tia sáng trăng, lại chẳng hủy hoại đôi mắt và lý trí, đánh mất linh hồn trên những dấu hiệu không hiểu nổi ý nghĩa kia. Ông Sariette thậm chí tưởng tượng rằng, cậu Maurice, đi câu lạc bộ hoặc đi dự một cuộc họp nào đó của Đảng quốc gia về, có thể đã rút những sách Do Thái kia ra khỏi ngăn và vứt hỗn độn ở đó, do lòng căm thù ông Jacob (2) cổ xưa và con cháu mới của ông ta, vì cậu con trai nhà nòi này vẫn tuyên bố là bài Sémites và chỉ giao du với những người Do Thái bài Sémites như cậu. Thật là quá thiên về giả thuyết, nhưng đầu óc của ông Sariette không sao rảnh rang được, cứ lang thang giữa đám giả thuyết hết sức kỳ cục. Nóng ruột muốn biết sự thật, người giữ sách sốt sắng bèn gọi bác hầu đến.
Hippolyte không biết gì cả. Người gác cổng dinh thự khi được hỏi cũng không thể cung cấp một hình tích nào hết. Trong đám gia nhân, không có ai hay biết tí gì hết. Ông Sariette đành xuống phòng giấy của ông René d’Esparvieu, ông này mặc áo ngủ và đội mũ ngủ để tiếp ông, nghe ông kể với cái vẻ một người nghiêm nghị bị quấy rầy vì những chuyện nhảm nhí rồi tống tiễn ông về, sau khi nói những lời để lộ ra một nỗi thương hại độc ác như sau:
- Đừng lo lắng làm gì, ông Sariette hiền hậu ơi, và ông hãy tin chắc rằng sách sáng hôm nay vẫn ở yên chỗ ông đặt hôm qua thôi.
Ông Sariette điểm đi điểm lại đến hai chục lần, không tìm ra cái gì cả và do đó cảm thấy lo âu đến nỗi mất ngủ. Hôm sau, đúng bảy giờ, khi bước vào căn phòng có những bức tượng bán thân và những hình cầu, ông thấy mọi thứ đều trật tự đâu vào đấy và thở dài một cái nhẹ nhõm. Rồi bỗng nhiên tim ông đập tưởng như đến vỡ mất, ông vừa mới thoáng thấy một cuốn sách khổ 13x19 khâu chỉ, một quyển sách hiện đại, có kẹp con dao bằng gỗ hoàng dương để rọc trang đặt nằm trên mặt đá lò sưởi. Đó là một thiên nghị luận về hai bản dịch liền nhau của kinh Sáng thế ký, tác phẩm bị ông Sariette liệt trên gác kho, chưa hề bao giờ được lôi ra, vì cho đến lúc đó chưa có ai chung quanh ông d’Esparvieu lại hiếu kỳ đã phân biệt đâu là tính chất độc thần chủ nghĩa và đa thần chủ nghĩa của người biên soạn trong cấu tạo quyển đầu (4) các sách thánh. Quyển sách đó mang ký hiệu R3214 VIII/2 và sự thật buồn lòng này bỗng làm cho ông Sariette nhận ra rằng cách đánh số khôn khéo đến đâu cũng không giúp ta tìm thấy một quyển sách không còn nằm nguyên chỗ nữa.
Những ngày tiếp sau đó, trong một tháng ròng, trên bàn chất đầy những sách in tiếng Hy Lạp và tiếng La tinh lẫn lộn với tiếng Hebrew. Ông Sariette tự hỏi hay là những kẻ gian đã lọt vào phòng bằng cửa sổ trên mái nhà để ăn trộm những cuốn sách quý hiếm nhất đã gây ra những vụ xô dịch ban đêm đó. Nhưng ông không phát hiện được một tí dấu vết cậy phá nào và mặc dầu ra công soát xét rất kỹ vẫn không hề thấy mất một thứ gì. Đầu óc ông rối loạn khủng khiếp và ông tự hỏi hay là một con khỉ nào đó của gã hàng xóm từ mái nhà tụt xuống qua ống khói lò sưởi đã đến đó làm những trò bắt chước nghiên cứu. Ông nghĩ, khỉ thường khéo nhại các hành động của loài người. Được biết phong cách những con vật đó, nhất là nhờ những bức họa của Watteau và Chardin (5), ông tưởng tượng chúng trong nghệ thuật bắt chước một cử chỉ hoặc mô phỏng một tính cách, đã thành những Arlequin, những Scaramouche, những Zerlines, những bác sĩ của hài kịch Ý (6); ông hình dung chúng sử dụng bảng màu và bút son, giã thuốc trong cối hoặc lần giở từng trang một quyển khảo luận cũ về khoa luyện kim, bên cạnh có một cái lò âm ỉ. Thế rồi vào một buổi sáng khốn khổ, thấy một vết mực lớn nhoe nhoét trên một tờ của tập thứ ba bộ Thánh kinh viết bằng nhiều thứ tiếng, đóng bìa da dê thuộc màu xanh lơ, có mang huy hiệu của bá tước de Mirabeau (7), ông không ngờ vực gì nữa; hẳn là có một con khỉ đã gây ra vài trò tai hại kia. Con khỉ đã giả bộ ghi chú và đã đánh đổ lọ mực. Chắc là con khỉ của một nhà bác học.
Trong đầu chỉ có ý nghĩ đó, ông Sariette nghiên cứu kỹ địa hình của khu phố cổ để xác định chính xác khóm nhà trong đó có dinh thự d’Esparvieu. Rồi ông đi khắp bốn phố chung quanh, đến cửa mỗi nhà lại hỏi xem trong nhà có khỉ không. Ông hỏi những anh giữ cửa và những chị giữ cửa, những chị thợ giặt, những chị người ở, hỏi một anh thợ giày, một chị bán hoa quả, một anh thợ cắt kính, những người đại lý bán sách, một vị giáo sĩ, một anh đóng sách, hai anh cảnh binh, hỏi con trẻ, và ông cảm nhận rõ con người như nhau, mà sao các tính cách thì chẳng ai giống ai và tính khí mỗi người một vẻ; vì các câu trả lời của ông nhận được đều không giống nhau; có những câu chỏn lỏn và những câu dịu dàng, những câu thô lỗ và những câu lễ độ, những câu chất phác và những câu mỉa mai, những câu rườm rà và những câu ngắn gọn, thậm chí có cả những câu câm lặng nữa. Về con vật ông đang tìm kiếm chưa có tăm hơi gì thì, dưới cổng tò vò ngôi nhà cũ kỹ ở phố Servandoni, một em gái nhỏ tóc hung, mặt có tàn hương, đương canh cổng, cho ông biết:
- Có con khỉ của ông Ordonneau… Ông có muốn xem không?
Và, chẳng nói thêm một lời, em dẫn ông già vào tận cuối sân tới một gian nhà xe. Ở đó, trên cái ổ rơm được ủ nóng và những mảnh chăn rách tả tơi, một con khỉ nhỏ bị xích ngang lưng đang run cầm cập. Nó không lớn hơn một đứa trẻ lên năm. Mặt nhợt nhạt, trán nhăn nheo, đôi môi mỏng của nó biểu lộ một nỗi buồn như ở con người. Nó ngước lên người khách một khóe nhìn hãy còn linh hoạt của đôi tròng mắt vàng khè. Rồi, nó đưa bàn tay nhỏ khô của nó ra nắm lấy một củ cà rốt, đưa lên miệng và lại quẳng đi ngay. Sau khi đã nhìn một lát những con người đến thăm, con vật bị đầy ải quay mặt đi, như thể không còn trông chờ gì ở loài người và cuộc sống. Co ro thu mình lại, một bàn tay ôm lấy đầu gối, nó không động đậy nữa, nhưng thỉnh thoảng một cơn ho khan lại làm cho ngực nó rung lên.
- Nó là con Edgar, - cô bé nói. - Người ta bán đấy. Ông ạ!
Nhưng người tình nhân già của sách vở, lòng đã rắp sẵn giận dữ và oán hận, tưởng gặp được kẻ thù trớ trêu, con ác quái ranh mãnh, kẻ thù của người yêu sách vở, bây giờ đứng ngơ ngác, buồn thiu, chán nản trước con vật bé nhỏ, bất lực, không niềm vui và không ước vọng. Nhận thấy mình lầm, bối rối trước cái khuôn mặt gần như mặt người được nỗi buồn đau càng làm cho có tình người hơn nữa, ông vừa nói vừa nghiêng đầu chào:
- Xin lỗi.
-------------
Chú thích.

1. Hôm đó, tức là ngày mùng 9 tháng chín năm 1912 nói ở câu cuối chương trên, ngày vừa tròn 16 năm công tác quản trị thư viện của ông Sariette, không hề để mất một tờ sách nào.

2. Shem: Con của Noah, thủy tổ một dòng Do Thái gọi là dòng Sémites.

2. Jacob - một tộc trưởng Hebrew, con của Isaac và Rebecca, sinh được 12 con trai là thủy tổ của 12 bộ tộc Israel. Sau 14 năm lưu lạc để tránh sự giận dữ thù hằn của anh cả là Esau, ông ta trở về Canaan, dọc đường phải đánh nhau một trận với một thiên sứ (chính là Jéhovah hiện thân) và đánh thắng, do đó được gọi tên là Israel (tiếng Hebrew có nghĩa là khỏe chống lại trời), (Kinh Thánh, Sáng thế ký XXII, 23-38).

4. Quyển đầu Sáng thế ký là quyển thứ nhất trong 5 quyển đầu của Kinh Thánh.

5. Watteau, Chardin - hai họa sĩ Pháp nổi tiếng. Watteau (1684-1721), ưa vẽ những đề tài thôn dã; Chardin (1699-1779), sinh ra ở Paris, hay vẽ tĩnh vật và chân dung.

6. Arlequin, Scaramouche, Zerlines… những nhân vật truyền thống của hài kịch Ý cổ, xuất hiện trong tất cả mọi vở hài kịch cổ của Ý.

7. Bá tước de Mirabeau (1749-1791) - nhà hùng biện lỗi lạc bậc nhất của cách mạng Pháp.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét