Thiên Thần Nổi Loạn
Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987
Chương 10
Táo bạo hơn rất nhiều so với các tưởng tượng của Dante
và Milton(1).
Maurice, sau rồi cũng ngoảnh đầu lại, trông
thấy cái hình đó và thấy nó cựa quậy, anh cũng đâm hoảng hốt. Trong khi đó,
Gilberte hồi tỉnh lại; bà ta cho rằng cái bà vừa trông thấy chắc là một ả nhân
tình được người yêu của bà giấu trong buồng.
Nghĩ đến chuyện lừa lọc đó, bừng bừng nổi
cơn hờn giận, sôi sục phẫn uất bà nhìn chòng chọc vào kẻ giả định là tình địch
đó:
- Một con đàn bà, - bà ta kêu lên, - một
con đàn bà trần truồng nữa chứ!... Anh tiếp tôi trong một cái buồng anh dắt gái về
và khi tôi đến chúng nó chưa kịp mặc lại xống áo. Anh lại còn trách tôi đến chậm
quá. Anh trơ tráo thật! Thôi, cút, anh bảo con đĩ của anh xéo đi... Anh phải biết,
nếu anh muốn một lúc cả hai đứa ít ra anh cũng phải hỏi xem tôi có ưng không chứ…
Maurice hai mắt mở to và sờ soạng tìm trên
bàn đầu giường một khẩu súng lục chưa hề có ở đấy bao giờ, nói thầm với cô bạn:
- Im đi nào! Không phải đàn bà đâu... Chả
trông thấy gì cả... nhưng hình như là một thằng đàn ông thì phải.
Bà ta lấy hai bàn tay bịt mắt mà hét to hơn
nữa.
- Một thằng đàn ông! Nó ở đâu chui ra vậy?
Một tên kẻ trộm!... Một đứa giết người!... Ai cứu tôi! Ai cứu tôi! Maurice, giết chết
nó đi! Giết chết nó đi!... Bật đèn lên... không! Đừng bật đèn!
Bà ta nguyện thầm, nếu thoát khỏi cơn nguy
này, sẽ thắp một cây nến cúng Nữ thánh Đồng Trinh. Hai hàm răng bà đánh lập cập.
Cái hình kia chuyển động.
- Đứng im, không được lại gần! - Gilberte
kêu lên, - không được lại gần!
Bà ta hứa với tên trộm sẽ ném cho nó tất cả
tiền bạc và đồ nữ trang trên mặt bàn xoay, nếu y bằng lòng không động đậy.
Giữa lúc ngạc nhiên và kinh hoảng, bà ta chợt
có ý nghĩ rằng chồng bà ngấm ngầm ngờ vực, đã cho người theo dõi bà, đã phục sẵn
những kẻ làm chứng, đã yêu cầu cảnh sát trưởng giúp sức. Thoáng một giây, bà thấy
hiển hiện một tương lai dài dặc và đau đớn, một vụ tai tiếng om sòm trong giới
xã giao, các bạn gái ra bộ khinh bỉ và ruồng bỏ một cách hèn nhát, những lời
đàm tiếu xác đáng của mọi người, vì xét cho cùng bị bắt quả tang thì thật là dơ
dáng. Bà thấy rõ nào ly dị, nào mất hết thứ bậc và địa vị. Bà thấy rõ cuộc sống
tù túng và u sầu ở nhà mẹ đẻ, chẳng còn ai tán tỉnh, vì đàn ông họ lánh xa những
người đàn bà không đảm bảo cho họ được sự an toàn của tình trạng có chồng. Và
vì sao lại xảy ra tất cả những cái đó? Suy sụp như thế, tai họa như thế, vì
sao? Vì một trò ngu dại, vì một trò chả đáng gì. Trong một ánh chớp, tiếng nói
lương tâm của Gilberte des Aubels lên tiếng.
- Xin bà đừng sợ! - Một tiếng người rất dịu
dàng nói.
Bà hơi vững tâm và cố hỏi:
- Ông là ai?
- Tôi là một thiên thần. - tiếng nói trả lời.
- Ông bảo sao?...
- Tôi là một thiên thần, tôi là thần hộ mệnh
của Maurice.
- Nói lại đi!... Tôi phát điên lên mất... Tôi
không hiểu.
Maurice cũng không hiểu gì hơn, lấy làm phẫn
nộ. Sau khi đã xốc lại chỉnh tề bộ pyjama, anh nhảy khỏi giường và hiện ra, người
đầy hoa. Tay phải võ trang một chiếc giày vải, anh giơ lên đe dọa và nói giọng
hung dữ:
- Anh là một thằng vô giáo dục... Xin anh làm
ơn ra khỏi đây, vào bằng lối nào anh ra lối ấy.
- Maurice d’Esparvieu, - tiếng nói dịu dàng
lại tiếp, - kẻ mà anh kính thờ làm đấng sáng tạo đã đặt lên mỗi tín đồ một
thiên sứ tốt(2) mang sứ mạng khuyên bảo và hộ mệnh cho y: đó là ý kiến trước
sau như một của các Cha(3). Cơ sở của nó nằm ở nhiều đoạn trong Kinh thánh;
Giáo hội đồng thanh chấp nhận điều đó tuy không tuyên cáo trục xuất những kẻ
trái ngược. Trước mặt anh đây là một trong những thiên sứ đó; thiên sứ hộ mệnh
của anh, Maurice ạ. Tôi được ủy nhiệm chăm sóc cho anh ngây thơ vô tội và giữ
gìn cho anh trinh khiết.
- Cứ cho là thế đi, - Maurice đáp, - nhưng
chắc chắn anh không phải một người lịch sự. Người lịch sự không thể tự tiện vào
buồng giữa lúc… Rút cục, anh đến làm cái cóc gì ở đây?
- Tôi đã đội cái lốt mà anh đương thấy
Maurice ạ, bởi vì phải hành động giữa con người, tôi phải biến hình cho giống họ.
Các Linh thần thiên giới(4) có khả
năng khoác một hình hài cụ thể và có thể cảm nhận được. Cái hình hài đó là hiện
thực, vì nó mang một hình thức và ở đời chỉ có những hình thức là hiện thực
thôi(5).
Gilberte bây giờ đã yên tâm, sửa sang món
tóc trên vầng trán.
Thiên thần nói tiếp:
- Các Linh
thần thiên giới có thể tùy thích biến thành nam tính hay nữ tính; hoặc cả
hai cùng một lúc. Nhưng họ không thể bất cứ lúc nào cũng biến hình tùy hứng và lông
bông. Họ có biến hóa đến đâu thì cũng theo những quy luật ổn định các anh không
thể nào hiểu được. Như vậy, tôi không có ý muốn, và cũng không có năng lực biến
hình dưới mắt anh để mua vui cho anh hoặc cho tôi, thành sư tử, thành hổ, thành
con ruồi, thành vỏ cây phong, như chàng trẻ tuổi Ai Cập có tiểu truyện được tìm
thấy trong một ngôi mộ, hoặc là biến thành con lừa, như Lucius đã làm với thuốc
mỡ của nàng Fotis(6). Tài trí uyên bác của tôi đã ấn định giờ tôi hiện hình cho
loài người, không gì có thể khiến giờ đó sớm lên hoặc lùi lại.
Nóng ruột muốn được sáng tỏ, Maurice hỏi lại
một lần thứ hai:
- Rút cục anh đến làm cái “cóc” gì ở đây?
Lúc đó, chặp thêm tiếng nói của mình vào tiếng
nói của tình lang:
- Phải rồi! Ông làm gì đó? - Bà des Aubels
hỏi.
Thiên thần trả lời:
- Hỡi người nam, hãy lắng tai; hỡi người nữ
hãy nghe tiếng của ta. Để ta tiết lộ cho các người một bí mật quyết định số phận
của vũ trụ. Nổi dậy chống kẻ được các người coi như đấng sáng tạo muôn vật hữu
hình và vô hình, ta chuẩn bị cuộc nổi loạn của thiên thần.
- Không được nói giỡn, - Maurice nói, anh
ta vốn có tín ngưỡng và không chịu để thiên hạ đùa cợt các chuyện thiêng liêng.
Nhưng thiên thần nói bằng một giọng trách
móc:
- Này Maurice, ai làm cho anh tưởng rằng ta
phù phiếm và dông dài hão huyền?
- Thôi đi! - Maurice nhún vai nói, - có lẽ
nào anh lại nổi loạn chống…
Anh chỉ lên trần nhà, không dám nói hết
câu.
Nhưng thiên thần nói:
- Anh không biết sao, các con Chúa trời đã
nổi loạn rồi và một cuộc đánh nhau lớn đã diễn ra ở trên trời (7)?
- Chuyện đó đã lâu rồi, - Maurice vừa nói vừa
xỏ chân vào bít tất.
Bấy giờ thiên thần nói:
- Đó là chuyện từ trước khi sáng tạo thế giới.
Nhưng từ đó đến nay chẳng có gì thay đổi trên các tầng trời. Bản chất các thiên
thần ngày nay cũng không khác gì hồi sơ thủy. Điều họ đã làm khi đó, bây giờ họ
có thể làm lại.
- Không! Không thể nào được; đó là trái với
tín ngưỡng. Nếu anh là một thiên thần, một thiên sứ tốt như anh tự hào, hẳn anh
sẽ không có ý nghĩ không tuân lệnh đấng sáng tạo của anh.
- Anh lầm rồi, Maurice, và uy tín của các
cha đều bác ý kiến của anh. Origène(8) trong các bài giảng chủ trương rằng các
thiên sứ tốt cũng có thể sai lầm, họ phạm tội lỗi hằng ngày và từ trên trời họ
rơi xuống như ruồi. Hay là anh muốn bác ý kiến của vị cha cố đó (tôi xin mạn
phép nói) mặc dầu hiểu biết Kinh thánh nhưng chỉ vì ông ấy đã bị loại trừ khỏi
giáo quy của các Thánh(9). Nếu đúng thế tôi xin nhắc anh chương hai kinh Khải huyền(10), trong đó nói chuyện khiển
trách các thiên sứ ở Éphese và Pergame(11) vì đã không bảo vệ tốt Hội Thánh. Chắc
anh sẽ viện lẽ rằng những thiên sứ được thánh tông đồ nói đến ở đây chính là những
Giám mục của hai thành phố đó, gọi bằng thiên sứ là vì chức vụ của họ. Có thể
là thế và tôi cũng đồng ý. Nhưng Maurice, liệu anh có thể chống lại ý kiến của
biết bao giáo sư và trưởng giáo đã dạy rằng tất cả các thiên sứ đều có thể đổi
từ thiện sang ác? Đó là điều khẳng định của thánh Jérôme trong Thư gửi Damase(12).
- Ông ơi, - bà des Aubels nói, - xin ông
rút lui đi cho.
Nhưng vị thiên thần không nghe thấy và tiếp
tục:
- ... Thánh Augustine (13), Nói về tôn giáo chân chính, chương XIII,
thánh Grégoire(14). Đạo lý, chương XXIV, Isidore(15)…
- Ông ơi, để cho tôi mặc xống áo, tôi có việc
gấp.
- ... Nói
về điều phúc tối cao, quyển thứ nhất, chương XII; Bède (16), nói về Job...
- Ông ơi, xin ông…
- ... Chương VIII; Damacus. Nói về tín ngưỡng quyển II, chương III.
Tôi nghĩ rằng đó là những uy tín có đủ trọng lực; và anh chỉ còn có việc thừa
nhận mình sai lầm đi thôi, Maurice ạ. Điều đã khiến anh lầm ấy là anh không xét
bản chất của tôi, nó tự do, năng động và linh hoạt, cũng như bản chất của các
thiên thần khác mà anh chỉ nhìn vào các thiên ân và hồng phúc, mà anh tưởng tôi
được hưởng dồi dào. Lucifer(17) cũng được hưởng có kém gì đâu: vậy mà ông ấy đã
nổi loạn.
- Thế các anh nổi loạn để làm gì? Để làm
gì? - Maurice hỏi.
- Isaiah, - đứa con ánh sáng(18) trả lời, -
Isaiah đã hỏi trước anh: “Quomodo
cecidisti de coelo, Lucifer, qui mane oriebaris?” Hãy học hỏi cho biết,
Maurice ạ! Trước các thời gian(19), các thiên thần đã nổi dậy để thống trị cõi
trời. Vị Séraphin đẹp nhất(20) đã nổi
loạn vì kiêu ngạo. Tôi thì chính là khoa học đã gợi cho tôi một ý muốn hào sảng
là tự giải phóng. Gần bên anh, thấy mình được ở trong tòa nhà có một thư viện
quảng bác nhất trần gian, tôi sinh ra thích đọc sách và yêu học hành. Trong
khi, mệt mỏi vì những công việc của một cuộc sống thô lậu, anh ngủ một giấc li
bì, thì tôi, sách vở khắp quanh mình, tôi học hỏi, tôi nghiền ngẫm các văn bản,
lúc thì ở trong một phòng của thư viện, dưới hình tượng của các bậc danh nhân
thời cổ đại, lúc thì ở tận cuối vườn, trong gian buồng của biệt thất, phía trước
buồng của anh.
Nghe những lời đó, chàng trẻ Maurice phá
lên cười và giáng những quả đấm mạnh tới tấp vào chiếc gối bông, nó là những dấu
hiệu chắc chắn của một cơn cười rộ không thể nào nén đi được.
- Hà! Hà! Hà! Thế là chính anh đã làm loạn
cái thư viện của ba tôi và đã làm cho ông già Sariette khốn khổ phát điên. Anh
biết không: ông ta đã trở thành hoàn toàn mất trí.
- Còn bận tâm, - thiên thần nói, - đào tạo
cho mình một trí hiểu biết tối cao, tôi đã chẳng thèm để ý gì đến con người thấp
kém đó; và khi ông ta nghĩ chuyện làm trở ngại những tìm tòi của tôi và quấy rối
các công việc của tôi, tôi đã trừng phạt ông ta về tội quấy rầy.
Có một đêm mùa đông, trong căn phòng những
nhà hiền triết và những hình cầu, tôi đã giáng vào đầu ông ta một quyển sách rất
nặng, mà ông ta định giằng khỏi hai bàn tay vô hình của tôi. Gần đây hơn nữa,
dùng một cánh tay mãnh liệt tạo thành bằng một cột không khí ngưng tụ, để lấy đi
một bản thảo quý giá của Flavius Josephus, tôi làm cho cái lão ngu độn kia khiếp
sợ đến nỗi vừa kêu rống vừa chạy ra vỉa cầu thang và (để mượn Dante Alighieri một
từ ngữ mạnh mẽ) ngã lăn kềnh như một thây chết lăn kềnh vậy. Lão được đền bù hậu
hĩnh, vì bà cho lão, thưa bà, để cầm máu những vết thương, chiếc khăn tay thơm
tho của bà... chính là cái hôm, nếu bà còn nhớ, đằng sau một hình cầu thiên tượng,
bà trao đổi với Maurice một cái hôn.
- Ông! - Bà des Aubels thấy bị xúc phạm, vừa
cau lông mày vừa nói, - tôi không cho phép ông được...
Nhưng bà dừng ngay lại, nghĩ rằng không phải
lúc tỏ ra khó tính quá về chuyện thể diện...
Thiên thần nói tiếp, thản nhiên:
- Tôi đã quyết tâm thẩm sát các cơ sở của
tín ngưỡng. Tôi bắt đầu trước hết tra cứu các công trình của Do Thái giáo, và
tôi đọc tất cả các văn bản tiếng Hebrew.
- Vậy ra anh biết tiếng Hebrew! - Maurice
kêu lên.
- Tiếng Hebrew là tiếng mẹ đẻ của tôi: trên
cõi thiên đường, trong một thời gian lâu dài, chúng tôi chỉ nói thứ tiếng đó
thôi.
- À! Anh là Do Thái: đáng lẽ tôi đã nhận thấy
điều đó khi thấy anh thiếu lịch sự.
Thiên thần, chẳng thèm nghe thấy, nói tiếp
bằng cái giọng êm ái của anh:
- Tôi đã đi sâu vào các thời cổ đại Đông
phương, vào Hy Lạp và La Mã, tôi đã đọc ngấu nghiến các nhà thần học, triết học,
vật lý học, địa chất học, bác vật học. Tôi đã được hiểu biết, đã tư duy, và đã
mất tín ngưỡng.
- Thế nào? Anh không tin ở Chúa trời à?
- Tôi có tin, vì sự tồn tại của tôi tùy thuộc
vào sự tồn tại của vị đó, và nếu vị đó không còn nữa thì chính tôi cũng rơi vào
cõi hư vô. Tôi tin ở vị đó cũng như các Silène
và Ménade(21) xưa kia tin ở Dionysus và cũng vì những lý do giống nhau. Tôi
tin ở Chúa trời của những người Do Thái giáo và những người Cơ đốc giáo. Nhưng
tôi phủ nhận rằng ông ta đã sáng tạo ra thế giới; bất quá ông ta chỉ tổ chức một
bộ phận rất nhỏ của thế giới, và tất cả cái gì ông ta đã mó đến đều mang dấu vết
của đầu óc cẩu thả và thô bạo của ông ta. Tôi không nghĩ rằng ông ta là vĩnh hằng
vô hạn, vì quan niệm một kẻ sinh linh không có hạn định trong không gian và thời
gian, thì thật là mơ hồ. Tôi cho rằng ông ta có giới hạn và rất giới hạn(22) là
khác nữa. Tôi cũng không tin rằng ông ta là vị thần(23) duy nhất nữa; trong một
thời gian rất lâu chính ông ta cũng không tin: lúc đầu tiên, ông ta đã theo
thuyết đa thần. Về sau, lòng kiêu ngạo của ông ta và những nịnh nọt của những kẻ
kính thờ ông ta làm cho ông ta trở thành tin thuyết nhất thần. Ông ta ít có mạch
lạc trong các suy nghĩ, ông ta không có quyền lực như người ta nghĩ đâu. Và, để
nói gọn một câu, ông ta không phải là một vị thần chúa tể, mà chỉ là một thần
sáng tạo(24)* dốt nát và huênh hoang. Những kẻ nào như tôi, biết rõ bản chất thực
của ông ta, thì đều gọi ông ta là Ialdabaoth.
- Anh bảo thế nào?
- Ialdabaoth
(25).
- Ialdabaoth, là cái gì vậy?
- Tôi đã nói với anh rồi: đó là vị thần
sáng tạo mà trong sự mù quáng, anh thờ kính như bậc thần duy nhất.
- Anh điên thật, tôi không khuyên anh kể lể
những chuyện nhảm nhí đó với linh mục Patouille đâu nhé.
- Tôi không hy vọng gì, anh Maurice thân mến
ạ, chọc thủng được những tối tăm dày đặc trong trí thông minh của anh. Chỉ cần
anh biết rằng tôi sắp đánh Ialdabaoth với hy vọng sẽ thắng.
- Nói thực tình, anh sẽ không thành công
đâu.
- Lucifer đã làm lung lay ngai vàng của ông
ta và có một lúc đã bất phân thắng bại.
- Anh tên là gì?
- Abdiel đối với các vị thiên thần và các
thánh, Arcade đối với người trần tục.
- Vậy thì! Anh Arcade khốn khổ ơi, tôi tiếc
rằng trông thấy anh lầm lạc đến thế. Anh hãy thú nhận rằng anh đang nhạo báng
chúng tôi đây. Kể ra thì tôi cũng có thể hiểu được nếu anh rời bỏ cõi trời vì một
người đàn bà. Tình yêu xui người ta làm những trò ngu dại nhất. Nhưng không bao
giờ anh có thể làm cho tôi tin rằng anh đã trông thấy Chúa trời tận mắt, sau đó
lại tìm được chân lý trong những sách cũ của ông già Sariette. Không, không đời
nào chuyện đó có thể nhập vào đầu óc của tôi được!
- Anh Maurice thân mến ạ, Lucifer đã mặt dàn
mặt với Chúa trời, vậy mà đã từ chối không phục ông ta. Còn cái thứ chân lý mà
người ta tìm thấy trong sách vở, thì đó là một cái chân lý nó làm cho người ta
đôi khi nhận thức được rằng các sự vật không là thế này thế nọ, chứ không bao
giờ làm cho ta khám phá ra nó là thế nào. Và cái chân lý nhỏ bé khốn khổ đó đã
đủ để chứng tỏ cho tôi rằng kẻ mà trước kia tôi tin mù quáng, thật là không thể
nào tin được và các người trần tục và các thiên thần đã bị lừa gạt bởi những dối
trá của Ialdabaoth.
- Không làm gì có Ialdabaoth. Chỉ có Chúa
trời. Thôi, cố gắng đi một tí Arcade ơi! Hãy từ bỏ những trò điên cuồng, những
trò nghịch đạo, hãy trút bỏ xác thịt người trần, hãy trở lại thành một tinh thần
thuần túy, và hãy lấy lại chức vụ thiên thần hộ mệnh. Hãy trở về với bổn phận.
Tôi tha thứ cho anh, nhưng không muốn trông thấy anh nữa.
- Tôi cũng không muốn làm vừa lòng anh,
Maurice ạ. Tôi cảm thấy có cảm tình đối với anh, vì trái tim của tôi mềm yếu.
Nhưng số kiếp của tôi lôi cuốn tôi, từ nay, đến với những kẻ có khả năng tư duy
và hành động.
- Ông Arcade ạ, - bà des Aubels nói, - ông
hãy rút lui đi, tôi xin ông. Tôi bị phiền một cách kinh khủng là chỉ mặc có sơ
mi trần giữa hai người đàn ông. Ông hãy tin cho rằng tôi không quen cái trò đó.
--------------
Chú thích.
1. Dante, Milton:
- Dante (1265-1321)
là thi sĩ Ý, tác giả trường thi Thần khúc
(Divine Comédie) được coi là thủy tổ
của nền thơ ca Ý.
- Milton (1608-1674)
là thi sĩ Anh, tác giả trường thi Thiên
đường đã mất (Paradise Lost).
2. Thiên sứ tốt (bon ange): Các linh thần ở trên trời
chia làm hai loại. Loại theo Jéhovah, gọi là thiên sứ tốt (bon ange) hoặc thiên sứ ánh sáng (ange de lumière); loại theo chúa quỷ (Lucifer, Diable, Salam) gọi là thiên sứ xấu (mauvais ange) hoặc thiên sứ tối tăm (ange des ténèbres).
3. Các Cha (les Pères): tức là các cha của giáo hội
(Pères de l’Eglise), gọi vắn tắt.
4. Các Linh thần
thiên giới (Esprits célestes): tức là
thiên thần.
5. Biểu hiện vẻ bề
ngoài, hiện thực (apparences, réalité):
thông thường người ta hay đối lập hai khái niệm đó, cho rằng những cái bề ngoài
không phải là sự hư thực, nhưng Anatole France lại nói trái ngược lại theo một
triết lí thâm thúy hơn: “Chỉ có những biểu
hiện bề ngoài là hiện thực, ngoài ra đều là mơ hồ cả”; ý kiến này rõ ràng
là theo thuyết duy cảm (sensualisme)
của Condillac, triết gia Pháp (1714-1780).
6. Lucius, Fotis: Lucius
de Patras, nhà văn Hy Lạp ở thời đại hoàng đế Antonin, từ năm 138 đến năm 161,
được coi là tác giả truyện ngắn Con lừa bằng
vàng (l’Âne d’or), Fotis là tên một
nhân vật trong truyện đó.
7. Cuộc đánh nhau lớn
ở trên trời: Theo truyền thuyết, từ trước khi khai thiên lập địa đã có cuộc
đánh nhau rất lớn giữa các thiên sứ của Chúa trời với các thiên sứ của Lucifer.
Cuối cùng đạo quân của Chúa trời thắng trận, và Lucifer cùng với đạo quân thiên
sứ của mình bị đày xuống địa ngục gọi là Chúa quỷ hoặc Satan (Xem tường thuật tưởng tượng cuộc chiến tranh
đó trong sách này, chương XVIII).
8. Origène (185-254):
Nhà chú giải Kinh thánh và nhà thần học sinh ở Alexandrie (Ai Cập). Ông đã lạm
dụng phương pháp tỉ dụ (allégorie) để
giải thích Kinh thánh. Học thuyết của ông bị kết tội.
9. Giáo quy của các
Thánh (Canon des Saints): Các luật lệnh,
quy tắc, giáo điều của các bậc thánh.
10. Khải huyền (Apocalypse): Kinh cuối cùng của Tân Ước
(cũng dịch là kinh Khải thị).
11. Éphese, Pergame:
- Éphese là một thành phố cũ của nước Ý,
trên bờ biển Égée, nổi tiếng vì có đền thờ nữ thần Diane, được coi là một trong
bảy kỳ quan của thế giới, và bị Érostrate đốt cháy. Truyện thiên sứ ở hội thánh
Éphese bị quở trách, xem Kinh thánh (Khải huyền, II, 1-7).
- Pergame: Là một thành phố cũ ở Tiểu Á,
bây giờ là Bergama. Truyện thiên sứ ở hội thánh Pergame bị quở trách xem Kinh
thánh (Khải huyền, II, 12-17).
12. Saint Jérôme,
Damase: thánh Jérôme, cha và giáo sư giảng dạy của hội thánh La tinh, có dịch
Kinh thánh ra tiếng La tinh, viết những khảo luận, những bức thư (337-420).
Thánh Damase I, Giáo Hoàng từ 366 đến 384, ủy nhiệm cho thánh Jérôme dịch Kinh
thánh ra tiếng La tinh.
13. Thánh Augustin vốn
là Giám mục địa phận Hippone (nay là Annaba thành phố hải cảng ở Algeria), sau
một thời niên thiếu sóng gió, được thánh Ambrose lôi cuốn về đời sống tu hành
và trở thành người nổi tiếng nhất trong các Cha của giáo hội La tinh (354-430
14. Saint Grégoire:
có 4 ông Giáo Hoàng Grégoire được phong thánh:
- Grégoire I, gọi là
Grégoire vĩ đại (Grégoire le Grand), Giáo Hoàng từ 590 đến 604;
- Grégoire II từ 715
đến 731;
- Grégoire III từ 731
đến 741; và
- Grégoire VIII từ
1073 đến 1085, một trong những trưởng giáo La Mã lớn nhất, nổi tiếng về những
cuộc đấu tranh với hoàng đế Đức Henry IV mà ông ta làm nhục ở Canossa trong cuộc
tranh chấp quyền làm phép cho phong chức (Querelle
des Investitures), và về nhiều biện pháp kỷ luật giáo hội,… Ở đây vì liên
quan đến Isidore de Séville nên là Grégoire I.
15. Isidore tức là
thánh Isidore ở Seville, Giám mục thành Seville (560-636), có công đem lại cho
giáo hội Tây Ban Nha một nền tổ chức dứt khoát, tác giả nhiều khảo luận về từ
ngữ học.
16. Bède: Thánh Bedơ
Tối tôn kính (Bède le Vénérable), tu
sĩ và sử gia Anh có kiến thức bách khoa. Tiếng la-tinh là Beda, phiên âm Pháp
hóa là Bède.
17. Lucifer: một
trong những tên gọi Chúa Quỷ (Lucifer, do
hai tiếng La tinh kết hợp Lux: ánh sáng, ferre: mang, có nghĩa là mang ánh sáng).
Đồng nhất với Satan đã được nói đến trong Cựu ước, vốn có nghĩa là “kẻ tố cáo”
(accusateur), không nhất thiết là
tinh thần của điều ác, mà thường chỉ có nghĩa là kẻ trung gian giữa Chúa trời với
loài người trong câu chuyện đau khổ và thưởng phạt (xem Kinh thánh, Job, I,
6-12). Sau dần dần tên đó trở thành chỉ thiên sứ sa ngã, cám dỗ, và kẻ thù của
loài người (xem Sáng thế ký, III, 1-15; Sách Hiểu Minh II, 24 (sách này bị gạt bỏ trong các bản kinh thánh của
giáo phái Tin lành); Khải Huyền, XII,
1-12).
18. Đứa con ánh sáng
(Enfant de lumière): nghĩa là thiên
thần, thiên sứ tốt.
Isaac:
nhà tiên tri bắt đầu công vụ ở Jérusalem từ năm 740 trước CN. Sách của Isaac là
bộ sách mở đầu một loạt sách Tiên tri trong Kinh thánh (Cựu Ước); trong sách đó
không thấy có Lucifer trong câu văn đúng như Anatole France trích dẫn ở đây, bằng
tiếng La tinh: nghĩa câu đó là Thế nào mà
Người đã từ trên trời rơi xuống, Lucifer, khi đương vùng dậy? Nhưng có câu
văn này gần đúng ý như vậy: “Hỡi sao mai,
con trai của sáng sớm kia, sao người từ trời sa xuống?” Có lẽ Lucifer là
tên riêng để gọi Sao Mai, chói lọi trên bầu trời, cho đến khi Mặt Trời (ám chỉ
Đức Chúa Trời) hiện gần, thì Sao Mai mới tắt.
19. Trước các thời
gian (avant les temps): trước khi
khai thiên lập địa.
20. Séraphin: đứng đầu
hàng các thiên sứ, thường dịch là đệ nhất thiên sứ, danh từ Séraphin đẹp nhất chuyên dùng để chỉ
Lucifer.
21. Silène, Ménade,
Dionysus:
- Dionysus là tên Hy
Lạp của tửu thần trong thần thoại (tên La tinh là Bacchus);
- Silène, vị thần của
thần thoại xứ Phryge, bố đẻ ra các thần Satyre (là các thần thứ hạng, tùy tòng
của thần Bacchus), và bố nuôi nấng thần Bacchus;
- Ménade, tên cũ của
các thyrsus thờ phụng tửu thần.
22. Giới hạn (borné): bản thể có hạn định trong thời
gian và không gian. Ngụ thêm nghĩa thứ hai của borné là: Bị giới hạn trong đầu óc, thiển cận.
23. Vị Thần (le Dieu): Tiếng Dieu vốn nghĩa rất rộng
có nơi là Thần, có nơi là Chúa, hoặc Chúa Trời, nghĩa là Thần chúa tể (viết chữ
D hoa).
24. Thần sáng tạo (démiurge): danh từ dùng trong triết lý của
nguồn phái Plato để chỉ thông minh sáng tạo (intelligence créatrice), hoặc cũng gọi là Thần sáng tạo (tiếng thần
ở đây không có nghĩa là thánh thần, mà chỉ là tinh thần).
25. Ialdabaoth: trong Kinh thánh cả Cựu Ước
lẫn Tân Ước, không thấy có tên này, nhưng có từ Sabaoth, là một danh từ Hebrew, có nghĩa là “cơ binh” hoặc “quân
đoàn”. Thường được dùng trong Kinh thánh không phải để chỉ một toán binh sĩ, mà
để chỉ tất cả các thiên sứ và muôn loài đã được sáng tạo ra, vì đông đảo nên họp
thành như một đạo quân, nói lên quyền lực và quang vinh của đấng sáng tạo (Xem
Kinh thánh, Sáng thế ký II, I; I Các Vua XXII, 19:11, Sử ký, XVIII, 18; Thi
thiên CII). Có thể Ialdabaoth là một tiếng Hebrew có nghĩa là vị thần có vạn
quân (Dieu des armées).
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét