Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

Thiên Thần Nổi Loạn - Chương 17

Thiên Thần Nổi Loạn

Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987

Chương 17

Trong đó ta được biết rằng Sophar, cũng đói vàng ngang với Mammon(1), thích nước Pháp hơn tổ quốc thiên đình của ông ta, nước Pháp là đất được ban phước Ngân hàng trữ kim và Tín dụng, và một lần nữa chứng tỏ cho ta thấy rằng kẻ nào có của cũng đều sợ mọi thứ thay đổi.

Trong khi đó, Arcade sống một cuộc sống vô danh và cần cù. Anh làm việc trong một nhà in ở phố St. Benoît và cư ngụ ở một gian gác áp mái Mouffetard. Các bạn đồng sự của anh bãi công, anh bèn rời bỏ xưởng in và dành những ngày, giờ của anh cho công việc tuyên truyền một cách thắng lợi đến nỗi anh tranh thủ được cho phe mưu loạn hơn năm chục nghìn những thiên thần hộ mệnh, họ, như Zita đã phán đoán, đều bất mãn về thân phận của họ và thấm nhuần các tư tưởng của thời đại. Nhưng anh thiếu tiền, do đó thiếu tự do, và không thể dùng, như ý anh muốn, thì giờ của anh để dạy dỗ các con trời.
Cũng giống như vậy, do thiếu tiền, hoàng thân Istar chế tạo được ít tạc đạn hơn yêu cầu, và kém đẹp hơn. Cố nhiên anh chuẩn bị được nhiều loại vũ khí nhỏ bỏ túi. Anh đã chất đầy chúng ở căn hộ của Théophile và ngày nào cũng bỏ quên ít nhiều trên những đi văng của các tiệm cà phê. Nhưng một trái tạc đạn lịch sự, dễ sử dụng, tiện lợi và có thể tiêu diệt rất nhiều ngôi nhà to lớn, giá đắt từ hai mươi đến hai mươi nhăm nghìn franc. Và hoàng thân Istar chỉ có hai trái vào loại đó. Cả hai đều mong muốn như nhau kiếm được vốn liếng. Arcade và Istar bèn cùng nhau đi đến hỏi vốn ở nhà một tay tài phiệt trứ danh, Max Everdingen(2) đương làm chủ, ai cũng biết, ngân hàng tín dụng lớn nhất của nước Pháp và thế giới. Người ta biết ít hơn rằng Max Everdingen không phải do một người đàn bà đẻ ra, mà là một thiên sứ giáng trần. Vậy mà sự thật là thế. Ông ta khi ở trên trời tên là Sophar và trông nom các kho báu vật của Ialdabaoth, ông này rất thích vàng và ngọc quý. Trong khi thừa hành chức vụ, Sophar nhiễm được một thói yêu thích những của quý, mà người ta không thể nào thỏa mãn được trong một cái xã hội không biết giao dịch chứng khoán là gì, ngân hàng là gì. Trái tim ông ta hừng hực một mối tình nồng nàn đối với Chúa trời của người Hebrew, vẫn trung thành với vị thần đó suốt một thời gian dài dặc. Nhưng đến đầu thế kỷ XX của kỷ nguyên Cơ đốc, sau khi đã từ trên cao của bầu trời đưa mắt xuống nước Pháp, ông ta thấy rằng dưới cái tên cộng hòa, nước đó cấu thành một chính thể phú hào trị, và, dưới những bề ngoài của một chính quyền dân chủ, giới đại tài phiệt thi hành ở đó một quyền lực chủ tể, không ai giám sát kiểm tra. Từ lúc đó, sự lưu cư ở Thiên cung trở thành không thể nào chịu nổi đối với ông ta. Ông ta khát vọng nước Pháp như tổ quốc lý tưởng của ông ta và, một hôm, đem theo tất cả những ngọc quý thuần chất mà ông ta có thể mang được, ông ta xuống trần gian và đến lập nghiệp ở Paris. Vị thiên sứ ham hố đó kinh doanh ở đấy. Từ khi hiện hình, nét mặt của ông không có vẻ gì là thần tiên cả: nó mô phỏng đúng cái điển hình Sémites thuần túy, và người ta chiêm ngưỡng trên đó những nét nhăn nhó nó làm méo mó các bộ mặt của ngân hàng mà người ta đã được thấy rồi, ở những người cân vàng ở Quentin Matsys. Những bước đầu của ông thật hèn mọn, hồng vận của ông thật phi thường. Ông lấy một người vợ xấu xí và cả hai người có thể trông thấy hình ảnh của mình ở bọn con cái, như soi gương. Dinh thự của nam tước Max Everdingen, dựng trên ngọn đồi cao của Trocadéro(3), đầy ứ những di vật của châu Âu Cơ đốc giáo.
Nam tước tiếp Arcade và hoàng thân Istar trong phòng làm việc là một trong những gian phòng giản dị nhất của dinh thự. Trần nhà được trang trí một bức họa màu nước của Tiepolo(4), dỡ từ một cung điện ở Venice ra. Trong phòng đó, người ta trông thấy cái bàn giấy của nhiếp chính vương Philippe d’Orleans(5). Ở đó có những tủ gỗ, tủ kính, những bức họa, bức tượng.
Arcade đưa mắt nhìn các bức tường vách:
- Thế nào mà, Sophar huynh đệ ơi, anh, vốn hãy còn trái tim Israel, anh lại tuân thủ dở đến thế luật răn của Đức Chúa Trời của anh rằng: “Người chớ có làm tượng đẽo gọt cho mình”(6) vì tôi trông thấy ở đây có một Apollon của Houdon, một Hébé của Lemoine, và nhiều tượng bán thân của Caffieri(7). Và khác nào Solomon lúc về già, hỡi con của Chúa trời, anh bày trong nơi ở của anh những thần tượng của thế giới: Ví dụ, đây này, tượng Venus này của Boucher(8), tượng Jupiter nọ của Rubens và những Lâm Tuyền tiên nữ kia nhờ ngọn bút của Fragonard mà có dòng xirô lựu(9) nó chảy ròng ròng giữa hai mông đít có lúm đồng tiền(10) của chúng. Và anh giữ gìn, Sophar ơi, riêng trong tủ kính này thôi, nào là vương trượng của thánh Louis(11), nào là sáu trăm hạt trân châu của dây chuyền đeo cổ của hoàng hậu Marie Antoinette(12), tấm hoàng bào của Charles Quint(13), cỗ ngọc miện do Ghiberti(14) chạm trổ cho Giáo Hoàng Martin V Colonna(15), thanh kiếm của Bonaparte… Còn những gì nữa, ai biết?...
- Những trò nhảm nhí ấy mà! - Max Everdingen nói.
- Anh bạn nam tước thân mến, - hoàng thân Istar nói, - thậm chí anh có cả chiếc nhẫn mà Charlemagne(16) đeo vào ngón tay cho một tiên nữ, và người ta tưởng đã thất lạc... Nhưng thôi, ta hãy vào công việc của chúng ta. Anh bạn tôi và tôi, chúng tôi đến để hỏi tiền anh.
- Tôi biết mà, - Max Everdingen đáp. - Tất cả mọi người đều hỏi tiền, nhưng vì những lý do khác nhau. Các anh hỏi tiền để làm gì?
Hoàng thân Istar đáp gọn:
- Để làm cách mạng ở Pháp.
- Ở Pháp? - Nam tước nhắc lại, - ở Pháp?... Thế thì, tôi sẽ không đưa tiền cho các anh để làm cái trò đó, các anh có thể tin chắc như vậy.
Arcade không giấu giếm rằng đáng lẽ anh chờ đợi ở một anh em ruột thịt thiên đình lòng hào hiệp lớn hơn và một sự giúp sức nhiệt tình hơn.
- Kế hoạch của chúng tôi rộng lớn. Nó bao gồm cả bầu trời và mặt đất. Nó đã được ấn định trong tất cả mọi chi tiết. Trước hết, chúng tôi sẽ làm cách mạng xã hội ở Pháp, ở châu Âu, ở tất cả hành tinh này; rồi chúng tôi sẽ đưa chiến trận lên trời và chúng tôi sẽ thiết lập ở đó một chính thể dân chủ hòa bình. Nhưng muốn phá tan các thành trì của thiên đình, muốn lật đổ ngọn Núi của Chúa tể, muốn tấn công đền Jérusalem thiên giới, cần phải có một đạo quân lớn lao, một kho vũ khí vĩ đại, những bàn trữ điện có một sức mạnh chưa hề thấy. Chúng tôi không có phương tiện để kiếm ra được những khí tài đó. Cuộc cách mạng ở Âu châu có thể tiến hành đỡ tốn hơn. Ý định của chúng tôi là bắt đầu ở nước Pháp.
- Các anh điên rồ, - nam tước Everdingen kêu lên, - điên rồ và ngớ ngẩn. Hãy nghe tôi nói: không còn phải làm một cải cách nào ở nước Pháp nữa. Tất cả mọi thứ ở đó đã hoàn hảo, dứt khoát không thể thay đổi. Các anh nghe thấy chứ: không thể thay đổi.
Và, để truyền thêm sức mạnh cho lời khẳng định của ông, nam tước Everdingen đấm bốn cái lên mặt bàn giấy của Nhiếp chính vương.
- Quan điểm của chúng ta khác nhau, - Arcade nói dịu dàng, - tôi nghĩ, cũng như hoàng thân Istar, rằng tất cả mọi thứ đều phải thay đổi ở nước này. Nhưng tranh luận làm gì? Và cũng muộn quá rồi. Chúng tôi đến đây để nói với anh, hỡi người anh em Sophar nhân danh năm trăm nghìn tinh thần thiên giới quyết tâm bắt đầu ngày mai cuộc cách mạng toàn vũ trụ.
Nam tước Everdingen kêu lên rằng họ là những kẻ ngu muội, rằng ông sẽ không bỏ ra xu nào, rằng tấn công vào cái điều tuyệt vời nhất thế giới là tội ác và điên rồ và vào cái vật nó làm cho trái đất trở nên đẹp đẽ hơn bầu trời: đó là tài chính.
Ông ta là nhà thơ và nhà tiên tri. Trái tim ông bừng lên một niềm hưng phấn thần thánh; ông ta chỉ ra Ngân hàng trữ kim Pháp, Ngân hàng đức hạnh, Ngân hàng trinh khiết và trong trẻo, giống như nàng trinh nữ của Nhã ca từ nông thôn sâu thẳm tới, mặc váy thiên nữ, đem cho chàng tân lang đang chờ đợi này, tráng kiện và tráng lệ, tức là Ngân hàng Tín dụng, kho báu tình yêu của nàng. Và ông ta cho trông thấy Ngân hàng Tín dụng, giàu có vì những của ban tặng từ vợ mình. Trút xuống tất cả mọi dân tộc trong vũ trụ những dòng thác hoàng kim, nó tự ý bằng hàng nghìn tia vô hình, trở lại phong phú hơn trước, trên mặt đất hồng phúc từ đó nó đã vọt ra.
- Nhờ trữ kim và tín dụng, nước Pháp đã trở thành đền Jérusalem mới, lộng lẫy trên tất cả mọi quốc gia dân tộc của Âu châu, và các bậc đế vương của trái đất đến hôn hai bàn chân tươi thắm của nó. Và chính cái đó, các anh định phá hủy sao? Các anh là những kẻ vô đạo và bất kính.
Thiên sứ tài phiệt nói như vậy. Một cây đàn hạc vô hình đệm theo giọng nói của ông ta và đôi mắt ông ta ngời lên những tia chớp.
Trong khi đó Arcade, uể oải tựa khuỷu tay vào bàn giấy của Nhiếp chính vương, bày ra trước mắt nam tước những bản đồ của mặt đất, tầng dưới mặt đất và tầng trời của Paris, với những chữ thập đỏ chỉ những điểm mà các tạc đạn sẽ được đặt đồng thời trong các hầm rượu và các hầm mộ, được ném lên các đường công cộng, trút xuống bằng một tiểu phi đội máy bay. Tất cả các trụ sở tài chính và nhất là các ngân hàng Everdingen và các chi nhánh của nó, đều dược đánh dấu chữ thập đỏ.
Nhà tài phiệt nhún vai:
- Thôi đi! Các anh chỉ là những kẻ khốn cùng và lưu manh, bị tất cả các cảnh sát trên thế giới lùng bắt. Các anh không có một xu dính túi. Các anh làm thế nào mà chế tạo được tất cả những vũ khí đó?
Để trả lời, hoàng thân Istar rút trong túi ra một cái ống tròn nhỏ bằng đồng và trình bày một cách hòa nhã cho Nam tước Everdingen xem.
- Anh trông, - hoàng thân nói, - cái hộp đơn giản này. Chỉ cần buông nó rơi xuống cái sàn nhà này là đủ làm tiêu tan ngay tức khắc thành một đám tro ngùn ngụt khói, tòa dinh thự to tát này với các cư dân của nó và nhóm lên một đám cháy nó sẽ ngốn hết tất cả khu phố của Trocadéro. Tôi có mười nghìn chiếc như thế này; và mỗi ngày tôi chế tạo được ba tá.
Nhà tài phiệt xin chàng Chérubin cất cái vũ khí đó vào túi và bằng một giọng dung hòa:
- Hãy nghe tôi nói, các bạn ơi. Các bạn hãy ngay lập tức đi làm cách mạng trên trời đi và hãy để y nguyên mọi sự trong cái xứ sở này. Để tôi ký cho các bạn một cái séc. Các bạn có thể sắm tất cả khí giới cần có để tấn công đền Jérusalem thiên giới.
Và Nam tước Everdingen đã mưu tính ngay trong đầu óc một cuộc kinh doanh vĩ đại những bàn trữ điện và những quân nhu quân dụng.
--------------
Chú thích.

1. Mammon: danh từ chung gốc ở dân tộc Aram, có nghĩa là lợi nhuận (gain) hoặc tài lợi (richesse). Trong kinh Phúc âm, dùng như danh từ riêng để nhân cách hóa sự giàu có (Mathew, VI, 24).

2. Max Everdingen: ở đoạn dưới, gọi nam tước Everdingen; có ý ám chỉ rõ rệt nam tước Rothschild, con cháu của Mayer Amschel Rothschild (1744-1812) chủ ngân hàng người Do Thái, thủy tổ mọi dòng họ tài phiệt có thế lực lớn ở Pháp, gốc gác ở Francfort-sur-le-Main nước Đức; trong dòng dõi đó, có một tay tài phiệt có thế lực rất lớn ở Pháp, được phong nam tước. Suốt đoạn văn này, tác giả ám chỉ rõ rệt tính cách, chân dung, thân thế và uy quyền của tên đại tài phiệt đó.

3. Trocadéro: tên một cung điện xây ở Paris trên những đồi cao của Passy (một xã cũ ở ngoại thành Paris) nhân dịp cuộc Triển lãm 1878, đến cuộc Triển lãm 1937 được xây lại gọi là cung điện Chaillot.

4. Giovanni Battista Tiepolo (1696-1770): họa sĩ và khắc họa gia người Ý sinh ở Venice.

5. Philippe d’Orleans: có bốn chi họ d’Orleans, đều là dòng dõi quý tộc, kẻ làm quận công, kẻ làm vua (Louis XII), v.v… Đây là Philippe II d’Orleans (1674-1723), con của Philippe I d’Orleans, em ruột của Louis XI; thuộc chi thứ IV của dòng họ, làm Nhiếp chính (Régent) trong thời kỳ Louis còn nhỏ tuổi, thi hành chính sách phản động đối với các khuynh hướng của triều vua Louis XIV, phá hoại tài chính quốc gia và phong tục công cộng do đời sống trụy lạc đồi bại.

6. “Chớ có làm tượng chạm”: trong 10 điều răn của Jéhovah do Moïse ban bố, có điều thứ nhất ngăn cấm thờ thần tượng, dù là hình tượng trên trời, mặt đất, mạch nước trong lòng đất, không được thờ thần nào khác Jéhovah (Kinh thánh, Xuất Ediptô ký, XX, 3-6).

7. Houdon, Lemoine, Caffieri:

- Houdon, nhà tạc tượng Pháp, đã tạc nhiều bức tượng bán thân của các nhân vật trứ danh như Voltaire, Catherine II (nữ hoàng Nga), Jean-Jacques Rousseau, Diderot, d’Alembert, v.v...

- Lemoine (chính tả đúng là Lemoyne), họa sĩ về đề tài lịch sử, sinh ở Paris (1688-1737); Hébé là nữ thần của thanh niên, con gái của Jupiter và Junon, lấy á thần Héraclès khi chàng này được chấp nhận vào hàng ngũ chư thần.

- Caffieri, một dòng họ thợ đúc và điêu khắc người Ý, có nhiều người hành nghề ở Paris; người nổi tiếng nhất là Jean-Jacques Caffieri (1725-1792), tác giả một bức tượng rất đẹp về nhà thơ và kịch tác gia Pháp Pierre Corneille (1606-1684).

8. François Boucher (1703-1770): họa sĩ Pháp, sinh ở Paris, vẽ những cảnh mục đồng thôn dã hoặc thần thoại.

9. Xirô lựu: Nguyên văn là confiture de groseilles (mứt phúc bồn tử, màu hồng tươi) dịch chuyển cho độc giả Việt Nam dễ hình dung hơn.

- Fragonard: họa sĩ và khắc họa gia người Pháp (1732-1806). Tác giả những bức vẽ sơn dầu có một vẻ quyến rũ khoái lạc.

10. Có lúm đồng tiền: nguyên văn là fesses souriantes (mông đít tươi cười), dịch như trên cho có hình tượng hơn.

11. Thánh Louis: tức là vua Louis IX nước Pháp, sinh năm 1214, trị vì từ 1226 đến 1270, nổi tiếng liêm chính và đạo đức được mọi người yêu quý, được phong thánh năm 1297.

12. Marie Antoinette: hoàng hậu vợ vua Louis XVI, bị cách mạng xử tử hình, trên máy chém.

13. Charles Quint: vua Charles thứ V - hoàng đế của đế quốc German gồm một bộ phận lớn của Châu Âu, Đức, Phổ, Tây Ban Nha, v.v… kình địch với vua Pháp François I.

14. Ghiberti (1378-1455): nhà điêu khắc ở Florence, kiến trúc sư có tài.

15. Martin V Colonna (1369-1431): Martin V Giáo hoàng từ 1417 đến 1431, được bầu làm Giáo hoàng khiến cho cuộc đại phân biệt trong Thiên chúa giáo chấm dứt. Colonna là một dòng họ nổi danh ở La Mã, đã cung cấp cho giáo hội Thiên chúa nhiều Giáo hoàng, Hồng y giáo chủ, tướng lĩnh quân sự v.v...

16. Charlemagne: nghĩa là Charlemagne vĩ đại, làm hoàng đế của đế quốc Tây phương, gồm tất cả các nước ở Tây Âu, trong đó có nước Pháp sau này. Sinh năm 742, lên ngôi năm 768, trị vì đến chết, năm 814.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét