Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Thiên Thần Nổi Loạn - Chương 6

Thiên Thần Nổi Loạn

Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987

Chương 6

Kể chuyện ông già Sariette tìm lại được của báu.

Sáng hôm sau, ông Sariette vào thư phòng ông René d’Esparvieu, không gõ cửa. Ông giơ hai tay lên trời, trên đầu những sợi tóc lơ thơ dựng đứng. Đôi mắt hãi hùng mở tròn xoe. Ông lắp bắp, thông báo tai họa xảy ra: một bản thảo rất cổ của Flavius Josephus(1), sáu chục tập đủ các cỡ giấy, một báu vật vô giá, là quyển Lucrèce(2) có mang huy hiệu của Philippe de Vendôme, Pháp quốc đại tu viện trưởng(3), với những ghi chú thủ bút của Voltaire(4), một bản thảo của Richard Simon(5) và tập thư tín trao đổi giữa Gassendi và Gabriel Naudé(6), gồm hai trăm ba mươi tám bức thư chưa hề in, đã biến mất.
Lần này thì ông chủ của thư viện hoảng hồn. Ông vội lên phòng có những triết gia và những hình cầu và ở đó, ông được thấy tận mắt quy mô của sự tổn thất. Trên nhiều ngăn sách thấy những lỗ hổng toang hoác. Ông tìm bừa phứa, mở các tủ ngầm trong vách, bới ra được nào chổi quét, nào giẻ lau, nào bơm cứu hỏa. Ông lấy xẻng xúc vào đống lửa than cốc, ông giũ chiếc áo ngoài đẹp đẽ của ông Sariette treo trong buồng rửa mặt và chán nản, ông đứng ngắm cái trống rỗng ở chỗ các cặp giấy của Gassendi. Giới bác học từ một nửa thế kỷ nay lớn tiếng đòi hỏi công bố những thư tín đó. Ông René d’Esparvieu đã không đáp ứng nguyện vọng chung đó, vì chẳng muốn đảm đương một nhiệm vụ nặng nề như vậy, và cũng chẳng muốn trút trách nhiệm đó cho ai. Vì thấy trong những bức thư kia nhiều tư tưởng táo bạo và nhiều chỗ phóng đãng vô tín ngưỡng mà tinh thần kính tín của thế kỷ XX khó có thể chịu đựng nổi, ông những mong những trang đó đừng in ra, nhưng ông lại cảm thấy món ký gửi đó khiến ông phải gánh nặng trách nhiệm đối với nước ông và đối với nền văn minh thế giới.
- Sao ông lại có thể để mất trộm một kho báu như vậy? - Ông hỏi ông Sariette một cách nghiêm khắc.
- Sao tôi lại có thể để mất trộm một kho báu như vậy, - ông quản thư trả lời, - thưa ông, cứ phanh ngực tôi ra, thì sẽ thấy câu hỏi đó khắc sâu nơi trái tim tôi.
Không cảm động vì lời nói khảng khái đó, ông d’Esparvieu cố nén giận dữ nói tiếp:
- Và ông không phát hiện được một hình tích gì để có thể lần ra dấu vết kẻ trộm, hở ông Sariette? Ông không có một tia ngờ vực nào, không có một tý ý kiến nào về cách thức diễn ra sự việc? Ông đã không trông thấy gì, không nghe thấy gì, không quan sát thấy gì, không nghe biết tin tức gì sao? Ông hãy công nhận đi, không thể nào tưởng tượng được chuyện như thế. Ông Sariette, ông hãy nghĩ đến những hậu quả có thể có của vụ trộm lạ đời diễn ra dưới mắt ông. Một tài liệu vô giá cho lịch sử tâm trí loài người đã biến mất. Kẻ nào đã lấy trộm nó? Lấy trộm để làm gì? Vì lợi ích của ai? Những kẻ đã chiếm đoạt được nó chắc hẳn biết rõ rằng không thể bán chúng ở nước Pháp được. Chúng sẽ đem bán ở Mỹ, ở Đức. Nước Đức đang thèm khát những công trình văn học loại đó. Nếu bộ thư tín Gassendi trao đổi với Gabriel Naudé lọt sang Berlin, nếu những nhà bác học Đức công bố nó ra, thì tai hại biết bao, thậm chí tai tiếng biết bao! Ông Sariette, ông chưa nghĩ đến điều đó ư?
Bị một lời khiển trách ác, lại càng ác vì chính ông cũng tự khiển trách như vậy, ông Sariette thừ người ra và đứng im.
Và ông d’Esparvieu lại bồi thêm những lời quở trách chua chát:
- Vậy mà ông không toan tính gì, không nghĩ ra cái gì để tìm lại những của cải vô giá kia? Tìm tòi đi, nhúc nhắc đi, ông Sariette, tìm công phu vào. Việc này cũng bõ công đấy.
Và ông d’Esparvieu lạnh lẽo lườm người quản thư một cái, rồi bỏ đi.
Ông Sariette đi tìm các sách in và bản thảo đã mất, tìm ở tất cả các nơi ông đã tìm đến trăm lần và những nơi không thể nào có chúng, tìm đến cả cái thùng đựng than, tìm cả ở dưới cái vòng da trên mặt ghế bành ông ngồi, và khi nghe chuông điểm mười hai giờ, ông đi xuống như một cái máy. Xuống đến chân cầu thang, ông nhìn mọi người mọi vật chỉ qua một đám mây mờ.
Ông quản thư đau khổ vừa ra tiền sảnh thì Maurice gọi ông lại:
- Ông Sariette, nói ngay kẻo tôi lại quên, ông hãy cho người đến lấy về những quyển sách chẳng biết ai đem nhét đầy biệt thất của tôi.
- Những sách nào, cậu Maurice?
- Tôi cũng chả biết nữa, ông Sariette ạ. Nhưng có những quyển đã mọt ruỗng bằng tiếng Hebrew, với một đống lộn xộn những giấy tờ cũ nát. Ngổn ngang ở nhà tôi. Không còn xoay mình trong lối đi vào nhà được nữa.
- Ai đã đem những cái đó đến nhà cậu?
- Tôi chả biết quái gì cả.
Và chàng thanh niên rảo bước đi về phía phòng ăn, vì giờ ăn bữa trưa đã báo từ một lúc rồi.
Ông Sariette chạy đến ngôi biệt thất. Maurice đã nói đúng sự thật. Có hàng trăm cuốn sách ở đó, trên các mặt bàn, mặt ghế, trên sàn nhà. Trông thấy thế, vừa mừng vừa sợ, đầy ngạc nhiên và xao xuyến, sung sướng được tìm thấy của báu đã mất đi và lo sợ lại mất lần nữa, kinh ngạc đến lịm người, con người của sách vở lần lần lượt lượt hết ríu rít như một đứa bé sơ sinh lại kêu lên những tiếng khàn khàn như kiểu những thằng điên. Ông nhận ra những kinh thánh tiếng Hebrew của mình, những pháp điển Do Thái của mình, bản thư rất cổ kính của Flavius Josephus, những bức thư Gassendi và Gabriel Naudé gửi cho nhau và đại báu vật của ông, là quyển Lucrèce có mang huy hiệu của Pháp quốc đại tu viện trưởng, với những ghi chú thủ bút của Voltaire. Ông cười, ông khóc, ông ôm hôn những da dê, da bò non, da thuộc để viết, những da dê mịn làm giấy, những tấm ván lởm chởm đinh. Bác hầu Hippolyte cứ mang lại thư viện một ôm sách nào là ông Sariette bằng bàn tay xúc động lại đặt chúng về đúng chỗ cũ một cách thành kính.
-------------
Chú thích.

1. Flavius Josephus (37-100): nhà sử học Do Thái, tác giả bộ sách Những cổ vật Do Thái giáo (Antiquités judaïques).

2. Lucrèce hay Lucretius: thi sĩ La tinh, sinh ở La Mã (99-55 TCN), tác giả thi phẩm Bản chất sự vật (De la nature des choses) phát triển hệ thống triết lý của Epicure trong một ngôn ngữ có văn khí mãnh liệt và chất thơ có khí phách.

3. Philippe de Vendôme (1665-1727): Dòng dõi của công tước César de Vendôme (con hoang của vua Henri IV nước Pháp), được phong chức Pháp quốc đại tu viện trưởng (Grand Prieur de France), có nhiều chiến công hiển hách.

4. Voltaire (1691-1778): Văn hào người Pháp nổi tiếng thế kỉ XVII, có học vấn uyên bác và thiên tài đa dạng, tác giả nhiều tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến cuộc cách mạng Pháp ngang hàng với J. J. Rousseau và Montesquieu.

5. Richard Simon: Ông thuộc hội Oratorian, tác giả hai cuốn “Phê bình lịch sử Cựu ước” (1678) và “Phê bình lịch sử văn bản Tân ước” (1689). Richard Simon là một trong những tổ phụ của khoa chú giải phê bình Kinh Thánh.

6. Gassendi, Gabriel Naudé: Gassendi (1592-1655): nhà toán học và triết học duy vật Pháp thế kỉ XVIII. Gabriel Naudé (1600-1653): Học giả uyên bác người Pháp, quản lý thư viện của Richelieu và Mazarin - tể tướng Pháp dưới triều Louis XIII và XIV.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét