Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

Thiên Thần Nổi Loạn - Chương 34

Thiên Thần Nổi Loạn

Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987

Chương 34

Kể chuyện Bouchotte và Maurice bị bắt giam, thư viện Esparvieu bị tai họa và các thiên thần ra đi.

Maurice d’Esparvieu trải qua một đêm khủng khiếp. Hơi nghe thấy một tiếng động nhỏ nào là anh vớ ngay lấy khẩu súng lục để khỏi bị bàn tay của công lý bắt sống. Đến sáng, anh giằng những báo chí ở tay mụ giữ cổng, đọc lướt qua một cách hăm hở và kêu lên một tiếng hoan hỉ: anh vừa đọc thấy rằng sau khi viên đội trưởng cảnh sát Grolle đã được đưa xuống nhà xác, để mổ tử thi, thì các thầy thuốc pháp y đã kiểm nghiệm chỉ thấy trên thân thể những vết bầm máu và những vết thương rất nông, và cái chết của ông ta là do một cái bướu máu đông, trong đại động mạch, bị vỡ.
- Mày xem, Arcade, - anh nói với một vẻ đắc thắng, - mày xem: tao không phải là một kẻ sát nhân. Tao vô tội. Chưa bao giờ tao có thể tưởng tượng được là kẻ vô tội thì thú vị đến chừng nào.
Rồi anh ta nghĩ ngợi, và do một hiện tượng bình thường, sự suy nghĩ làm tan biến niềm hoan hỉ của anh.
- Tao vô tội. Nhưng chả nên tự giấu mình, - anh vừa nói vừa lắc đầu, - tao vào bè với một lũ bất lương; tao sống với những quân giặc cướp. Mày ở đó là đúng chỗ, Arcade ạ, mày, là một kẻ bất minh, độc ác và bất chính. Còn tao, là con nhà tử tế và đã được tiếp thu một nền giáo dục ưu việt, tao lấy làm xấu hổ vì chuyện đó.
- Tao cũng vậy, - Arcade nói, - tao cũng đã được tiếp thu một nền giáo dục ưu việt.
- Ở đâu vậy?
- Ở thiên đình.
- Không, Arcade ơi, không; mày chưa được giáo dục. Nơi người ta đã truyền thụ cho mày những tôn chỉ đạo lý, thì bây giờ mày vẫn còn giữ được. Những tôn chỉ không bao giờ mất. Tao đã được học tập trong thời thơ ấu sự tôn kính gia đình, tổ quốc và tôn giáo. Tao vẫn chưa quên, và sẽ không bao giờ quên. Mày có biết có cái gì ở mày mà tao lấy làm chướng nhất không? Không phải là sự bất chính của mày, sự độc ác của mày, sự bất nhân bất nghĩa đen tối của mày, không phải cái chủ nghĩa bất khả tri của mày, kể ra cũng còn có thể chấp nhận được, không phải cái chủ nghĩa hoài nghi của mày, tuy rằng đã rất lỗi thời (vì từ ngày quốc gia thức tỉnh, ở nước Pháp người ta không còn hoài nghi nữa), không, cái gì ở mày làm tao ghê tởm, chính là sự thiếu ưu nhã của mày, sự kệch cỡm của những ý nghĩ của mày, sự bất thanh lịch của những chủ nghĩa của mày; mày tư duy như một kẻ trí thức, mày tư duy như một kẻ tự do tư tưởng, mày có những lý thuyết sặc mùi bọn cấp tiến hạ lưu, sặc mùi chủ nghĩa combisme(1), những chủ nghĩa nhơ nhớp. Mày đi đi! Tao ghê tởm mày lắm... Arcade, bạn duy nhất của tao, Arcade, thiên thần hộ mệnh cố cựu của tao, Arcade, bé em yêu quý của tao, hãy lắng nghe thiên thần hộ mệnh của mày: hãy xuôi theo những lời khẩn cầu của tao, hãy từ bỏ những ý nghĩ điên cuồng của mày, hãy trở lại nhân hậu, hồn nhiên, ngây thơ, sung sướng. Hãy đội mũ vào; đi với tao đến nhà thờ Đức Bà, chúng ta sẽ làm một lễ cầu nguyện và sẽ thắp một cây nến.
Trong khi đó, dư luận công chúng vẫn còn xúc động; báo chí lớn, cơ quan của sự thức tỉnh của quốc gia trong những bài chân chính cao thượng và thực sự sâu sắc, rút ra cái triết lý của vụ mưu hại tàn khốc, nó làm cho mọi lương tâm phải phẫn nộ. Người ta phát hiện ra cái nguồn gốc chân chính của nó, những nguyên nhân gián tiếp, nhưng có tác dụng của nó trong các học thuyết cách mạng, được truyền bá vô tội vạ, trong sự lỏng lẻo của mối quan hệ xã hội, trong sự lung lay của kỷ luật đạo lý, trong những lời kêu gọi liên tiếp hướng tới mọi sự thèm khát, mọi sự ham muốn. Để cắt bỏ điều ác tận gốc rễ, cần phải trừ khử hết sức nhanh chóng các ảo tưởng và các không tưởng, như chủ nghĩa nghiệp đoàn, thuế lợi tức, v.v... và v.v... Nhiều tờ báo, và không phải là những tờ bé mọn nhất, vạch ra, trong sự gia tăng những tội ác, những kết quả đương nhiên của sự bất kính và kết luận rằng sự cứu rỗi của xã hội là ở trong một sự nhất trí và chân thành trở về với tôn giáo.
Ngày chủ nhật tiếp theo tội ác, người ta nhận thấy một sự đông đảo lạ thường trong các nhà thờ.
Ông thẩm phán Salneuve, phụ trách dự thẩm, trước hết tra hỏi những kẻ bị công an bắt giam, và đi lạc lõng theo những đường đời hấp dẫn nhưng sai lầm; bản báo cáo của chỉ điểm viên Montremain, được truyền đạt cho ông, làm cho ông lưu ý vào một định hướng đúng và cho ông mau chóng nhận ra, trong những tác giả của tội ác ở phố Feutrier, bọn kẻ cướp ở Jonchère. Ông cho truy nã Arcade và Zita và phát ra một trát bắt giữ hoàng thân Istar; hai cảnh binh tóm được hoàng thân, khi chàng ở nhà Bouchotte ra, sau khi đã cất giấu ở đó những tạc đạn kiểu mới. Chàng Chérubin khi được biết chủ ý của hai viên cảnh binh, mỉm cười nhếch miệng và hỏi họ xem họ có một xe ô tô vững chắc không. Được họ trả lời rằng họ có một chiếc ở ngoài cửa, chàng khẳng định với họ rằng chàng chỉ muốn có thế. Và ngay tức khắc, chàng đánh gục hai tên đó trong cầu thang, lại gần chiếc xe đương đợi chàng, ném tên lái xe dưới một chiếc ô tô buýt đương đi qua vừa đúng lúc, và nắm lấy tay lái, trước mắt một đám đông khiếp sợ.
Ngay chiều hôm đó, ông Jeancourt, quan tư pháp cảnh sát, vào căn hộ của Théophile vừa lúc Bouchotte đang nuốt một quả trứng sống cho trong giọng, vì cô sẽ phải hát tối hôm đó ở rạp Eldorado quốc gia(2)*, bài hát mới của cô: Bên Đức họ không có cái đó. Chàng nhạc sĩ đi vắng. Bouchotte tiếp quan tư pháp với một vẻ cao ngạo, nó bù lại sự đơn giản của y phục, Bouchotte đương mặc sơ mi trần.
Quan tư pháp tôn kính tịch thu nhạc phổ của vở Aline, nữ hoàng xứ Golconde và các thư tình mà cô ca sĩ giữ gìn cẩn thận trong ngăn kéo ban đêm, vì cô là người ngăn nắp. Ông ta sắp ra về thì trông thấy một cái tủ ngầm, bèn mở ra một cách hững hờ và thấy trong đó những chiến cụ có thể làm nổ tung nửa thành phố Paris, và một đôi cánh trắng to lớn, mà ông chẳng hiểu có tính chất và công dụng gì. Bouchotte được mời ăn mặc cho hoàn chỉnh vào, và mặc dầu kêu gào, được dẫn về nhà giam.
Ông Salneuve không biết mệt mỏi là gì. Sau khi thẩm sát những giấy tờ tịch thu được ở nhà của Bouchotte và căn cứ vào những chỉ điểm của Montremain, ông ra một cái trát bắt chàng trai trẻ d’Esparvieu, được thi hành ngày thứ tư 27 tháng Năm, lúc bảy giờ sáng, một cách rất kín đáo. Đã ba ngày rồi, Maurice không ngủ được nữa, không ăn, không yêu, không sống nữa rồi. Anh không có một giây phút nào nghi ngờ gì về tính chất cuộc thăm viếng buổi sáng sớm mà anh được tiếp. Trông thấy quan cảnh sát tư pháp, tất cả các giác quan của anh cảm thấy một sự bình tĩnh bất ngờ. Hôm đó, Arcade không đến ngủ ở căn hộ của anh. Maurice yêu cầu quan cảnh sát đợi anh, và ăn mặc chỉnh tề, rồi đi theo quan tư pháp vào trong chiếc xe taxi đỗ ngay trước cửa. Anh được hưởng một sự thanh thản hầu như không giảm sút tí nào khi cánh cửa xép của Đề lao(3) khép lại sau lưng anh. Ở một mình trong phòng giam, anh trèo lên bàn để nhìn ra ngoài. Anh thoáng thấy một góc trời xanh và mỉm cười. Sự bình tĩnh của anh là do tâm trí mệt mỏi, giác quan tê bại và do anh không còn lo sợ bị bắt nữa. Những tai họa của anh truyền cho anh một sự hiền minh ưu việt. Anh cảm thấy bản thân được cảm thụ thiên ân. Anh không tự đánh giá cao cũng không tự khinh miệt quá và trao quyền xét xử mình vào bàn tay của Chúa. Không muốn che đậy những sai trái của mình, mà chính anh cũng không tự giấu mình, anh tâm niệm khẩn cầu thượng đế để xin người xét cho rằng nếu anh đã sa vào sự phóng đãng và sự phản loạn, thì chính là để lôi kéo trở về chính đạo thiên thần lạc lõng của anh. Anh ngả lưng trên ghế nằm và ngủ bình yên.
Nghe tin bắt bớ một nữ ca sĩ và một người con nhà tử tế, Paris và các tỉnh(4) cảm thấy một sự ngạc nhiên nặng nề. Bị xúc động bởi những cảnh tượng bi thảm mà báo chí lớn trình bày cho họ, dư luận đòi hỏi pháp luật lôi ra pháp đình những tên vô chính phủ hung dữ, nghi ngút và ròng ròng những tội giết người và đốt phá, và không hiểu vì sao người ta lại tấn công vào giới nghệ thuật và thanh lịch. Nghe thấy tin đó, mà ông là một trong những người cuối cùng được biết, ông Thủ tướng, kiêm Chưởng ấn, nhảy bắn người trên ghế ngồi có trang trí những hình tượng quái vật Sphinx(5) không dữ dội bằng ông. Và, trong những cơn rùng mình của sự trầm ngâm cuồng nộ của ông, lấy dao nhíp vạch nát, theo gương Napoléon, mặt gỗ đào hoa tâm của án thư đế vương của ông. Và khi ông thẩm phán Salneuve, được ông cho triệu, xuất hiện trước mắt ông, ông Thủ tướng bèn ném con dao nhíp của ông vào lò sưởi, như Louis XIV xưa kia đã ném gậy chống của người qua cửa sổ trước mặt Lauzun(6), và cũng nhờ một sức cố gắng tột độ, ông nén đi được và nói bằng một giọng lợt lạt:
- Anh có điên hay không?... Tôi đã bảo khá kĩ rằng tôi muốn vụ âm mưu này là do bọn vô chính phủ, phản xã hội, căn bản phản xã hội và phản chính quyền, với một sắc độ nghiệp đoàn chủ nghĩa; tôi đã biểu lộ khá rõ ràng ý chí duy trì vụ này trong những ranh giới đó, và anh đã biến nó thành cái gì? Sự trả thù của bọn vô chính phủ và bọn tự do chủ nghĩa. Anh đã bắt giam cho tôi những ai? Một nữ ca sĩ được công chúng quốc gia chủ nghĩa yêu quý và một cậu con của một người được trọng vọng lớn trong phe Thiên Chúa giáo, vẫn tiếp các vị Giám mục của chúng ta và vẫn vào điện Vatican, một người có thể ngày một ngày hai được phái đi sứ bên Đức Giáo Hoàng. Do chuyện này, anh làm tôi mất một trăm sáu mươi hạ nghị sĩ và bốn mươi thượng nghị sĩ cánh hữu, vừa lúc sắp có một cuộc chất vấn(7) về việc bình định tôn giáo, anh làm tôi bất hòa với các bạn hôm nay của tôi, với các bạn hữu ngày mai của tôi. Có phải là để biết anh có bị mọc sừng như cái thằng des Aubels ngu ngốc kia không, mà anh đã tịch thu những thư tình của chàng trai d’Esparvieu(8)? Về chuyện đó, tôi có thể cho anh một điều tin chắc: anh mọc sừng rồi, và tất cả Paris đều biết. Nhưng không phải là để trả thù những chuyện bị xúc phạm của anh mà anh được ngồi ở sở Biện lý của Pháp đình.
- Thưa ngài Chưởng ấn, - viên dự thẩm nói thì thầm bằng một giọng nghẹt thở, trong một cơn bị ứ huyết trên đầu, - tôi là một người chính trực.
- Anh là một thằng ngu ngốc... và một thằng nhà quê(9). Hãy nghe đây: nếu Maurice d’Esparvieu và cô Bouchotte không được thả ngay trong nửa tiếng đồng hồ, thì tôi đập anh tan xác. Thôi, đi!
Ông René d’Esparvieu thân hành đi đón con ở Đề lao và đưa anh trở về ngôi nhà cổ kính ở phố Garancière. Cuộc trở về đó thật là một cuộc khải hoàn: người ta đã gieo rắc tin đồn rằng chàng trai trẻ Maurice với một sự bất cẩn hào phóng, đã ra sức hoạt động cho một mưu đồ phục hưng chế độ quân chủ, và ông dự thẩm Salneuve, một hội viên tam điểm nhơ nhớp, chân tay của bọn Combes và André(10), đã cố sức đổ tội cho chàng trai can đảm liên lụy với bọn giặc cướp. Ông linh mục Patouille hình như cũng tin như vậy, ông ấy vốn bảo đảm về Maurice như về chính mình. Ngoài ra, người ta còn biết rằng, đoạn tuyệt với ông bố quy thuận nền Cộng hòa, chàng trai d’Esparvieu lần bước tới chủ nghĩa bảo hoàng hoàn toàn. Những người thông thạo tin tức lại trông thấy trong sự bắt giam anh, sự báo thù của bọn Do Thái, Maurice há chẳng có tiếng là bài Sémites đó ư? Đám thanh niên Thiên Chúa giáo đến lăng nhục ông dự thẩm Salneuve dưới cửa sổ căn nhà ông, ở phố Guénégaud, đối diện Sở đúc tiền.
Trên Đại lộ Cung điện(11), một nhóm sinh viên trao tặng Maurice một huy chương chiến thắng.
Maurice được thấy lại tòa dinh thự cổ kính của thời thơ ấu, mủi lòng và vừa khóc vừa ngả vào lòng mẹ. Thật là một ngày tốt đẹp, chẳng may bị một sự cố não lòng quấy rối. Ông Sariette, đã mất trí sau tấm thảm kịch ở phố de Courcelles, trở thành đột nhiên rồ dại. Sau khi đã tự giam mình trong thư viện, ông ta ở lì đó đã được hai mươi bốn tiếng đồng hồ, kêu lên những tiếng kinh khủng, và mặc dầu những dọa nạt và khẩn cầu, nhất định không ra. Ông ta đã qua đêm trong một trạng thái xáo động cực độ, vì người ta thấy ngọn đèn chạy đi chạy lại không ngớt đằng sau những tấm màn gió. Sáng ngày, nghe thấy tiếng Hippolyte gọi ông ta ở ngoài sân, ông ta mở một cửa sổ của gian phòng những Hình cầu và những Triết gia và ném vài ba quyển sách khá nặng vào đầu bác hầu cận già. Tất cả gia nhân, đàn ông, đàn bà, và trai trẻ, chạy đến, và ông già quản thư ném từng ôm sách lên những người đó. Trong trường hợp như vậy, ông René d’Esparvieu đành phải can thiệp. Ông xuất hiện, với mũ chỏm đội đêm và cái áo dài buồng ngủ, và cố làm cho lão già điên rồ khốn khổ nghe ra lẽ phải. Lão này chỉ đáp lại bằng cách phun ra những lời chửi bới trút như thác đổ lên con người mà từ trước đến đó lão vẫn kính trọng như ân nhân của lão, và cố sức đè bẹp ông dưới những Kinh thánh, những Pháp điển Do Thái, tất cả những sách thánh của Ấn Độ và Ba Tư, tất cả các Cha Hy Lạp và cả Cha La tinh, thánh Jean Chrysostome, thánh Grégoire de Nazianze, thánh Augustin, thánh Jérôme, tất cả các nhà biện giải, và dưới bộ Lịch sử những biến đổi(12) do chính Bossuet chú thích. Những sách in-octavo, in-quarto, in-folio trút sập xuống đá lát nền sân chẳng ra thể thống gì nữa. Những thư tín của Gassendi, của Cha Mersenne, của Pascal bay tan tác trước gió. Chị hầu phòng, vừa cúi để nhặt những tờ rơi ở trong rãnh nước, bị ngay vào đầu một tập địa đồ to tướng của Hà Lan. Bà René d’Esparvieu, bị tiếng ồn ào ầm ầm ghê gớm đó làm cho phát khiếp, xuất hiện, mới đánh phấn qua loa. Trông thấy bà ta, lão già Sariette càng hung tợn hơn. Bị quăng liên tiếp hết sức mạnh, những tượng bán thân các thi sĩ, các triết gia, các sử gia của cổ đại, Homère, Eschyle, Sophocle, Euripide, Hérodote, Thucydide, Socrate, Platon, Aristote, Démosthènes, Cicéron, Virgile, Horace, Sénèque, Épictète rơi vỡ tan tành trên nền đá lát, quả địa cầu và hình cầu thiên giới bị đập nát với một tiếng đổ vỡ kinh khủng. Tiếp theo là một sự im lặng ghê sợ, chỉ có tiếng cười lanh lảnh của cậu bé Léon xuyên qua, cậu bé đứng ở một cửa sổ ngắm xem cái trò lạ. Sau khi một thợ chữa khóa đã mở được cửa thư viện, tất cả bọn gia nhân đều kéo vào và người ta trông thấy ông già Sariette nấp đằng sau những đống sách chồng chất, đương rạch nát cuốn Lucrèce của Tu viện trưởng de Vendôme, có chú thích thủ bút của Voltaire. Phải mở một đường đi xuyên qua cái đống chướng ngại vật đó. Nhưng lão già điên, thấy chỗ ẩn náu của lão bị đột phá, bèn trốn thoát qua tầng gác dưới mái nhà và trèo lên mái nhà. Suốt hai tiếng đồng hồ, lão ở trên đó cất lên những tiếng rú vang đi tận xa. Trong phố Garancière, một đám đông mỗi lúc một tăng chen chúc nhau nhìn xem lão già khốn khổ và hét lên những tiếng kinh hãi khi lão vấp chân vào những mảnh đá đen lợp mái, nó vỡ tan dưới chân lão. Đứng lẫn vào đám đông, linh mục Patouille, dự phòng trông thấy lão bất chợt lúc nào sẽ bị lao xuống khoảng không, bèn đọc vì lão những lời cầu nguyện cho những người hấp hối, và chuẩn bị làm phép xá tội in extremis(13) cho lão. Những lính tuần cảnh giám sát tòa nhà và tổ chức một đội trật tự. Người ta gọi lính cứu hỏa, chả mấy chốc tiếng kèn của họ đã vang lên. Họ dựng một cái thang dựa vào tường tòa dinh thự và, sau một cuộc vật lộn kinh khủng, tóm được lão điên khùng, lão ta trong khi chống cự tuyệt vọng, bị bong một cơ thịt cánh tay. Lão được dẫn ngay tức khắc vào một an dưỡng đường.
Maurice ăn bữa tối với gia đình, và mọi người mỉm cười cảm động khi Victor, bác đầu bếp già, dọn lên món thịt bê quay. Ông linh mục Patouille, ngồi bên phải bà mẹ Cơ đốc giáo, ngắm nhìn với vẻ cảm động thấm thía cái gia đình được Trời ban phước. Trong khi đó bà d’Esparvieu có vẻ lo âu. Hàng ngày, bà vẫn nhận được những bức thư nặc danh rất hỗn láo và rất thô bỉ đến nỗi đầu tiên bà nghi là của một tên hầu cận bị đuổi, nhưng bây giờ bà biết là của đứa con gái nhỏ nhất của bà, con Berthe, một đứa con nít! Thằng bé Léon cũng cho bà những duyên cớ lo lắng và buồn bã. Nó không học hành gì và có những thói quen xấu. Nó tỏ ra độc ác. Nó đã vặt lông sống những con chim bạch yến của chị nó; nó cắm đanh ghim tua tủa ở chiếc ghế tựa của cô Caporal thường ngồi và đã lấy cắp mười bốn franc của cô gái tội nghiệp đó, cô ta chỉ biết khóc sụt sịt từ sáng đến chiều.
Vừa ăn xong bữa tối, Maurice nóng ruột muốn tìm lại thiên thần của anh, chạy ngay đến căn hộ tầng dưới nhà ở phố La Mã, anh nghe thấy, qua khung cửa ầm ĩ những tiếng người và trông thấy tụ tập, trong gian buồng hiện hình, Arcade, Zita, thiên thần nhạc sĩ và chàng Chérubin, chàng ta đang nằm dài trên giường, đang hút một tẩu thuốc lá to tướng, đốt cháy một cách cẩu thả nào gối, nào ga giường, nào chăn. Họ ôm hôn Maurice và báo tin cho anh biết họ sắp ra đi. Nét mặt họ sáng ngời niềm vui sướng và lòng quả cảm. Duy chỉ có tác giả hứng khởi của vở Aline, nữ hoàng xứ Golconde, là khóc lóc và ngước nhìn lên trời với vẻ kinh hoàng. Chàng Chérubin đã kéo tai anh vào phe phiến loạn, và vạch cho anh thấy hai con đường: hoặc tự để người ta lôi vào các nhà tù của trần gian, hoặc mang sắt và lửa vào cung điện của Ialdabaoth.
Maurice đau lòng trông thấy họ chả còn thiết tha gì mấy với cõi trần. Họ ra đi, đầy một hy vọng mênh mông và được phép có. Cố nhiên, họ có ít chiến sĩ để đối đầu với những binh lính vô vàn của bạo chúa thiên cung, nhưng họ tính đền bù sự thiểu số của họ bằng khí thế bất khả kháng cự của một cuộc tấn công đột ngột. Họ cũng không lạ gì rằng Ialdabaoth, vẫn tự phụ là cái gì cũng biết, đôi khi cũng bị bất ngờ. Và hình như, quả vậy, cuộc dấy loạn thứ nhất đáng lẽ đã khiến y bất ngờ nếu không có những lời khuyến cáo của thượng đẳng thiên sứ Michel. Đạo quân thiên đình cũng chưa tiến bộ được gì từ cuộc chiến thắng quân phiến loạn trước thời khai thủy của các thời đại. Về binh khí và các chiến cụ, nó vẫn còn lạc hậu, như quân đội Maroc. Các tướng lĩnh thì vẫn ngủ yên trong sự dật lạc và dốt nát. Được thừa mứa danh vọng và của cải, họ thích cái vui của hội hè hơn những mệt nhọc của chiến tranh. Michel, đại tướng tổng tư lệnh, bao giờ cũng trung thành và dũng cảm, với các thế kỉ trôi qua, đã mất đi tính hăng hái và quả cảm. Những thiên thần đồng mưu năm 1914, trái lại, biết rõ các áp dụng mới mẻ nhất và tinh vi nhất của khoa học vào nghệ thuật phá hoại. Nghĩa là, tất cả các nơi hoang vắng của Trái đất: thảo nguyên hoang dã, sa mạc, đồi băng, bãi tuyết, đã sẵn sàng để bay vút lên trời.
Các thiên thần, bằng cách đổi thay tiết điệu của các nguyên tử cấu thành của họ, có thể xuyên qua các môi trường hết sức linh tinh. Những thiên thần đã giáng trần, từ khi hiện hình trần tục, được cấu thành bằng một chất liệu dày đặc quá không thể tự mình bay lên được nữa; muốn bay bổng lên những miền đầy khí éther và dần dần biến thành khinh khí vi diệu ở trên đó, họ cần đến sự cứu trợ của các anh em của họ, cũng phản loạn như họ, nhưng vẫn còn ở lại Thiên cung và vẫn còn, không phải là phi vật chất (vì trong vũ trụ hết thảy đều là vật chất), nhưng tinh tế và trong suốt trong ánh hào quang. Cố nhiên, không phải là không có một nỗi lo âu đau đớn mà Arcade, Istar và Zita sẵn sàng để chuyển dịch từ khí quyển dày đặc của trái đất sang những vực thẳm trong veo của thiên giới. Để lao mình vào khí éther, họ cần phải phát huy một năng lượng lớn đến nỗi những kẻ táo bạo nhất cũng ngập ngừng không dám cất cánh. Chất liệu của họ, khi thâm nhập vào môi trường vi diệu đó, phải tự vi diệu hóa bản thân, tự biến thành hơi và chuyển từ những kích thước con người sang dung lượng của những đám mây rộng lớn nhất đã có bao giờ bao phủ địa cầu của chúng ta. Chẳng mấy chốc, họ sẽ to lớn vượt các hành tinh viễn vọng, mà họ, vô hình, bất khả trắc lượng, sẽ xuyên qua quỹ đạo mà không nhiễu loạn. Trong công trình đó, công trình lớn nhất mà các thiên thần có thể cung ứng được, chất liệu của họ sẽ lần lượt nóng rực hơn lửa và lạnh hơn băng, và họ sẽ cảm thấy một sự đau đớn tệ hại hơn cái chết.
Maurice đọc thấy sự quả cảm và ưu tư của một mưu đồ như vậy trong đôi mắt Arcade.
- Mày đi đấy à? - Anh vừa nói với y, vừa khóc.
- Chúng tao đi cùng với Nectaire tìm gặp, để dẫn dắt chúng tao đến chiến thắng, vị thượng đẳng thiên thần.
- Mày mệnh danh ai như vậy?
- Các giáo sĩ của thần sáng tạo đã cho mày biết rồi, khi họ vu cáo Người.
- Khốn khổ! - Maurice thở dài.
Và hai tay bưng đầu, anh khóc sướt mướt.
--------------
Chú thích.

1. Chủ nghĩa Combisme: chủ nghĩa của Émile Combes (1835-1921), thủ tướng Pháp 1902-1905.

2. Eldorado quốc gia (Eldorado national): Eldorado là tên gọi một xứ tưởng tượng, có rất nhiều vàng (tiếng Tây Ban Nha nghĩa là xứ vàng). Đây là tên một rạp ca vũ nhạc.

3. Cửa xép của Đề lao (le guichet de la Conciergerie): trong những tòa nhà của tòa án Paris có xây ẩn bên trong một nhà giam nổi tiếng gọi là Conciergerie, vốn xưa kia là nhà của người gác cổng (concierge), dịch là Đề lao để phân biệt với nhà tù xây riêng biệt. Cửa xép là một cửa nhỏ, trổ vào cánh cửa lớn.

4. Paris và các tỉnh: tức là cả nước Pháp.

5. Quái vật Sphinx: con quái Sphinx mình sư tử đầu người. Ở Ai Cập biểu tượng cho mặt trời.

6. Lauzun: Công tước de Lauzun (1632-1723), nhân vật đóng vai trò phiêu lưu kiếm chác trong triều đình của Louis XIV, và sau được coi là điển hình của triều thần mánh lới.

7. Chất vấn (interpellation): nghị viện chất vấn chính phủ về chính sách trên những vấn đề quan trọng, sau khi chính phủ đã trả lời, nghị viện bỏ phiếu tín nhiệm hay không, nếu bị đa số không tín nhiệm thì chính phủ phải từ chức để bầu nội các mới.

8. Thư tình của d’Esparvieu: ở trên chỉ thấy nói về việc tịch thu những lá thư tình của Bouchotte để trong ngăn kéo bàn, không hề thấy nói đến thư tình của chàng trai trẻ d’Esparvieu. Không biết là tác giả sơ ý hay những lá thư tình của Bouchotte nói trên là của Maurice viết cho cô ta? Dù sao cũng là điểm tối nghĩa.

9. Nhà quê (provincial): theo nghĩa chặt chẽ thì provincial nghĩa là tỉnh lẻ nhưng dịch là nhà quê cho đúng ngữ khí tương đương trong tiếng Việt.

10. CombesAndré: Émile Combes (1835-1921), Thủ tướng Pháp 1902-1905 - Louis André (1838-1913), Bộ trưởng Chiến tranh của chính phủ Combes.

11. Đại lộ Cung điện: Boulevard du Palais.

12. Lịch sử những biến đổi (Histoire des Variations): nhan đề bộ sách của Jacques-Bénigne Bossuet viết.

13. In extremis: tiếng La-tinh, nghĩa là lúc tột cùng, đó là tên gọi phép xá tội lúc lâm chung.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét