Thiên Thần Nổi Loạn
Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987
Chương 26
Cuộc thảo luận.
Ngày hôm đó, được Arcade và Zita triệu tập,
các thiên thần phản loạn hội họp trên bờ sông Seine, ở khu Jonchère(1), trong một
rạp hát bỏ không và tàn tạ, mà hoàng thân Istar đã thuê của một anh chủ quán
tên là Barattan.
Ba trăm thiên thần chen chúc nhau trên các tầng bậc và trong
các biệt phòng. Một cái bàn, một chiếc ghế bành và những ghế tựa được đặt trên
sân khấu ở đó còn lủng lẳng những mảnh rách mướp của một cảnh trí thôn dã. Các
bức tường vách, vẽ bằng nước hồ những hoa và trái cây, ẩm mốc và rạn nứt, lở xuống
từng mảng. Sự dung tục khốn khổ của nơi họp càng làm rõ rệt sự lớn lao của những
dục vọng ham say xáo động trong đó. Khi hoàng thân Istar yêu cầu hội nghị thành
lập ban chủ tọa và trước hết đề cử một chủ tịch danh dự, thì cái tên cả thế giới
đều biết, được cử tọa đều nghĩ đến: nhưng một niềm tôn kính thiêng liêng làm
cho ai cũng ngậm miệng, và sau một lát im lặng, Nectaire vắng mặt được bầu chọn
bằng cách hoan hô. Được mời ngồi vào chiếc ghế bành giữa Zita và một thiên thần
Nhật Bản, Arcade lên tiếng ngay:
- Các con trời! Các bạn đồng chí! Các bạn
đã tự giải thoát khỏi vòng nô lệ thiên đình; các bạn đã giũ bỏ cái ách quàng cổ
của kẻ mà người ta gọi tên là Jéhovah. Nhưng ở đây, chúng ta phải trả cho hắn
cái tên thật của hắn, là Ialdabaoth, vì hắn không phải là kẻ sáng tạo ra các thế
giới, mà chỉ là một thần sáng tạo dốt nát và man rợ, sau khi đã chiếm lĩnh được
một mẩu rất nhỏ bé của vũ trụ, đã gieo rắc ở đó sự đau đớn và sự chết chóc. Hỡi
các con trời, tôi xin các bạn hãy nói các bạn có quyết chí đả phá và tiêu diệt
Ialdabaoth hay không?
Một tiếng nói duy nhất, do tất cả mọi tiếng
nói hợp thành, trả lời:
- Chúng tôi quyết chí.
Và nhiều người, cùng nói một lúc, thề sẽ
leo lên núi của Ialdabaoth, lật đổ các bức tường thành bằng vân thạch và ảo vân
thạch(2) và dìm tên bạo chúa ở thiên đình vào cõi tối tăm muôn đời(3).
Nhưng một giọng lanh lảnh cất lên xuyên qua
đám lào xào âm thầm:
- Bọn vô đạo, phạm thánh, điên cuồng, hãy
run lên! Chúa đã giơ lên đầu chúng bay cánh tay đáng sợ của Người rồi đấy!
Đó là một gã thiên thần trung thành, trong
một cơn hăm hở của lòng tin và lòng yêu, thèm muốn vinh quang của những vị nghe
tội và những bậc tuẫn giáo, thiết tha, cũng như chính Chúa của hắn, muốn bằng
Người(4) trong cái đẹp của hy sinh, đã lao vào giữa đám những kẻ báng bổ để đối
đầu với họ, nói cho mất mặt họ và ngã gục dưới những đòn của họ.
Cử tọa chĩa vào gã cơn cuồng nộ nhất trí. Những
người đứng gần nhất đánh gã.
Gã nói với một giọng mạnh mẽ trong trẻo:
- Sáng danh Đức Chúa Trời! Sáng danh Đức
Chúa Trời! Sáng danh Đức Chúa Trời!
Một thiên thần phản loạn bóp cổ gã và đập
tan trong họng gã những lời ca tụng Chúa. Gã bị vật ngã xuống, bị chà đạp dưới
chân.
Hoàng thân Istar nhấc gã lên, dùng hai ngón
tay kẹp lấy đôi cánh của gã, rồi đứng lên như một cột khói, mở một cái cửa sổ
trên mái nhà, mà không một ai khác có thể với tới được, và ném gã thiên thần
trung thành qua lỗ cửa. Trật tự lại tái lập ngay.
- Hỡi các bạn đồng chí, - Arcade lại nói tiếp,
- bây giờ chúng ta đã khẳng định quyết tâm của chúng ta rồi, thì chúng ta phải
tìm các phương tiện hành động và chọn những phương tiện tốt nhất. Vậy các bạn
phải xét xem chúng ta nên tấn công địch thủ bằng cường lực, hay tốt hơn, bằng một
cuộc tuyên truyền lâu dài và chuyên cần, tranh thủ các chúng dân trên thiên
đình theo về chính nghĩa của chúng ta.
- Chiến tranh! Chiến tranh! - Cử tọa kêu
lên.
Và tưởng chừng như nghe thấy tiếng kèn và
tiếng trống rền vang.
Théophile, mà hoàng thân Istar đã kéo bằng
được đến cuộc họp, đứng dậy, mặt mày nhợt nhạt và xanh xao, và nói bằng một giọng
xúc động:
- Các anh em, đừng phật ý điều tôi sắp nói
đây, chính là tình bạn thân thiết của tôi đối với các anh, soi lòng cho tôi đấy.
Tôi chỉ là một anh nhạc sĩ quèn. Nhưng xin nói thực tình: các mưu đồ của các bạn
sẽ lại một lần nữa bị đập tan khi đụng phải sự khôn ngoan thần thánh, nó đã
tiên liệu tất cả.
Théophile bị la ó, ngồi xuống. Và Arcade tiếp
lời:
- Ialdabaoth tiên liệu tất cả: tôi không
cãi lại điều đó. Hắn tiên liệu tất cả; nhưng vì để chúng ta có tự do ý chí, hắn
xử sự với chúng ta hoàn toàn như chẳng tiên liệu gì hết. Lúc nào hắn cũng bị bất
ngờ chưng hửng; những biến cố có thể phỏng đoán nhất cũng làm cho hắn bị bất ngờ.
Sự bắt buộc mà hắn đã tự đặt mình vào, phải dung hòa sự tiên đoán của hắn với sự
tự do của loài người và của các thiên thần, luôn luôn ném hắn vào những nỗi khó
khăn không biết đằng nào mà gỡ và những nỗi lúng túng kinh khủng. Không bao giờ
hắn trông thấy xa hơn cái mũi của hắn. Hắn trước kia đã không ngờ đến sự không
tuân lời của Adam và rất ít tiên đoán sự độc ác của loài người, đến nỗi phải hối
hận đã tạo ra loài người, và dìm chết họ trong nạn hồng thủy cùng với tất cả mọi
giống động vật mà hắn chẳng có gì chê trách cả. Về sự mù quáng, thì hắn chỉ có
thể so được với Charles X(5), ông vua mà hắn ưa nhất. Nếu chúng ta giữ cho được
đôi chút cẩn mật, thì chúng ta sẽ dễ dàng khiến hắn bất ngờ. Tôi tin rằng những
lời suy luận đó, cũng đủ để làm yên lòng người anh em của tôi.
Théophile không trả lời. Anh ta yêu Chúa,
nhưng anh ta sợ cái số phận của gã thiên thần trung thành nọ.
Một trong những thiên thần có học thức nhất
trong hội nghị là Mammon, không được hoàn toàn yên tâm với những suy luận của
người anh em Arcade.
- Hãy nghĩ cho kỹ, - thiên thần đó nói, -
Ialdabaoth không có nhiều văn hóa phổ thông, nhưng y là quân nhân từ trong
xương tủy. Tổ chức của Thiên đàng là một tổ chức hoàn toàn quân sự, căn cứ vào
đẳng cấp và kỷ luật. Sự tuân lệnh thụ động được áp đặt ở đó như một pháp luật
tuyệt đối. Các thiên thần hợp thành một đạo quân. Hãy so sánh cái thiên đàng ấy
với Cực lạc quốc mà Virgile cho chúng ta. Trong Cực lạc quốc, tất cả đều là tự
do, lý trí, hiền minh; các vong hồn hạnh phúc trò chuyện với nhau trong những
cánh rừng sim. Trong thiên đình của Ialdabaoth, không có thường dân, tất cả mọi
người đều bị nhập ngũ, đăng bạ, đánh số. Đó là một doanh trại và một thao trường.
Hãy nghĩ cho kỹ!
Arcade đối đáp rằng phải hình dung đối thủ
dưới cái dáng vẻ thực của nó, và cái tổ chức quân sự của thiên đàng giống những
xóm làng của vua Gléglé(6) nhiều hơn là giống nước Phổ của Frédéric đại đế(7).
- Ngay từ cuộc dấy loạn đầu tiên, - anh
nói, - trước hồi khởi thủy các thời đại, chiến trận diễn ra trong hai ngày và
ngai vàng của Ialdabaoth đã lung lay rồi. Tuy vậy, gã thần sáng tạo đã thắng.
Nhưng chiến thắng của y đã nhờ vào cái gì? Nhờ sự may rủi của một cơn giông tố
nổ ra trong lúc chiến đấu. Sấm sét rơi xuống đầu Lucifer và các thiên sứ của
Người, đã quật đổ họ xuống, đen thui và tan tành. Ialdabaoth nhờ vào sấm sét mà
đã chiến thắng. Sấm sét là vũ khí duy nhất của y. Y lạm dụng nó. Chính là giữa
những sấm chớp mà y đã ban bố luật pháp của y. “Lửa tiến quân làm tiền đạo cho y”, nhà tiên tri đã nói. Nhưng,
Seneca nhà triết học nói rằng sấm sét, khi rơi xuống, đem lại sự nguy vong cho
một số rất ít người, và sự sợ hãi cho tất cả mọi người. Lời nhận xét đó đúng đối
với loài người ở thế kỷ thứ nhất của kỷ nguyên Cơ đốc; đối với các thiên sứ của
thế kỷ XX thì không đúng nữa. Điều đó chứng tỏ rằng, mặc dầu có sấm sét, y
không phải là mạnh lắm, chính là một cái tháp xây bằng gạch sống và nhựa đường
đã làm cho y bị một nỗi sợ kinh khủng. Khi nào hằng hà sa số những thiên thần,
được trang bị những vũ khí mà khoa học hiện đại đặt vào quyền sử dụng của họ, tấn
công lên trời, thì các bạn có nghĩ, các bạn đồng chí ơi, rằng vị chúa tể già của
thái dương hệ, chung quanh có các thiên thần xúm xít, vũ trang như ở thời
Abraham, sẽ có thể chống cự lại được không? Các chiến sĩ của vị thần sáng tạo,
giờ này đây, còn đội những cái mũ bằng vàng và mang những cái khiên bằng kim
cương. Michel, tướng lĩnh giỏi nhất của y, không biết chiến thuật nào khác chiến
thuật của những cuộc độc chiến. Ông ta vẫn chỉ biết có những chiến xa của các
Pharaon và chưa bao giờ nghe thấy nói đến chấp kích đội của quân Macédonie(8).
Và chàng Arcade trẻ tuổi kéo dài liên miên
sự so sánh giữa đàn gia súc vũ trang của Ialdabaoth với những đoàn cơ binh có ý
thức của cách mạng. Sau đó, hội nghị luận bàn sôi nổi đến vấn đề những nguồn
tài chính.
Zita khẳng định rằng anh em có đủ tiền để
khởi đầu chiến tranh, rằng những bàn trữ điện đã được đặt mua, rằng một cuộc
chiến thắng đầu tiên sẽ cho anh em có tín dụng.
Cuộc bàn cãi tiếp tục, kịch liệt và hỗn độn.
Trong cuộc hội nghị thiên thần này, cũng như các hội nghị của loài người, những
lời nói hão huyền tuôn ra rất nhiều. Càng gần đến lúc biểu quyết, những trò
huyên náo trở nên càng mãnh liệt và càng dồn dập. Có điều không ai kháng nghị
được, là quyền chỉ huy tối cao sẽ trao cho người đã giơ cao đầu tiên ngọn cờ của
phiến loạn. Nhưng vì mọi người đều ước ao được làm trợ tá cho Lucifer, nên mỗi
người, khi mô tả người chiến sĩ phải được ưu tiên, thì mô tả đúng chân dung của
chính mình. Như vậy, Alcor, trẻ nhất trong các thiên thần phiến loạn, phát biểu
những lời nhanh chóng như sau:
- Cũng may mà trong quân đội của
Ialdabaoth, quyền chỉ huy dành cho thâm niên. Như vậy, ít có khả năng những chiến
tướng tài giỏi nắm được nó. Không phải là do đã trường kỳ tuân lệnh mà người ta
học tập được cách chỉ huy, cũng không phải là do chuyên chú vào những chi tiết
vụn vặt mà người ta tự luyện để bao quát được những đại thể rộng lớn. Xem các lịch
sử cổ kim, chúng ta thấy rằng những tướng lĩnh tài giỏi nhất đều là những bậc đế
vương như Alexandre và Frédéric(9), những nhà quý tộc như César và Turenne(10),
hoặc tay quân sự tồi như Bonaparte. Một người nhà nghề bao giờ cũng sẽ kém cỏi
hoặc tầm thường. Các đồng chí, chúng ta hãy tự chọn những thủ lĩnh thông minh,
đương tuổi hoa niên. Một ông già có thể đã giữ được thói quen thắng trận, nhưng
cần phải trẻ tuổi để tập nhiễm được thói quen đó.
Một vị Séraphin hiền triết thay Alcor trên
diễn đàn:
- Chiến tranh, - anh nói, - chưa bao giờ là
một khoa học chắc chắn, hoặc một nghệ thuật xác định. Tuy nhiên, thiên tư của một
dòng giống, hoặc tư duy của một con người, được cảm thấy trong đó. Nhưng làm
sao xác định được những đức tính cần thiết cho một tướng tổng tư lệnh trong chiến
tranh tương lai, trong đó sẽ cần phải xem xét nhiều tập đoàn và nhiều vận động
hơn là trí thông minh của một con người có thể quan niệm được? Số lượng ngày
càng tăng của những phương tiện kỹ thuật, khi bội tăng vô cùng tận những nguyên
nhân sai lầm, làm tê liệt thiên tư của các tướng lĩnh. Đến một trình độ nào đó
của sự bành trướng quân sự, mà người Âu châu, là gương mẫu của chúng ta, hiện
đã gần đạt tới, thì ông tướng lĩnh thông minh nhất và ông tướng lĩnh dốt nát nhất
trở thành bằng nhau về sự bất cập của họ. Một hiệu quả khác nữa của những quân
bị lớn hiện đại, là cái quy luật về số đông có khuynh hướng chiếm uy thế ở đó với
một sự tất yếu không thể nào lay chuyển được. Quả vậy, mười thiên thần dấy loạn
mạnh hơn mười thiên sứ của Ialdabaoth, cái đó là chắc chắn, nhưng không chắc chắn
tí nào một triệu thiên thần dấy loạn mạnh hơn một triệu thiên sứ của
Ialdabaoth. Những số đông lớn trong chiến tranh cũng như trong địa hạt khác, thủ
tiêu trí thông minh và những ưu việt cá nhân, làm lợi cho một thứ linh hồn tập
thể rất sơ sài.
Tiếng chuyện trò ồn ào át mất tiếng nói của
thiên thần hiền triết, anh ta kết thúc diễn từ giữa sự thờ ơ của toàn thể.
Sau đó, diễn đàn lại vang lên những lời kêu
gọi đầu quân và những lời hứa hẹn chiến thắng. Anh em biểu dương trên đó thanh
kiếm bảo vệ các chính nghĩa. Cuộc khải hoàn của các thiên thần khởi nghĩa được
biểu dương trước hai chục lần, được đám đông cuồng si vỗ tay hoan hô. Những tiếng
hò la: “Chiến tranh muôn năm” bốc lên
tận trời xanh im lìm.
Giữa những cuồng nhiệt tràn trề đó, hoàng
thân Istar leo lên bục, và sàn gỗ rên rỉ dưới sức nặng của anh.
- Các bạn đồng chí, - anh nói, - các bạn muốn
chiến thắng và đó là một ao ước rất đương nhiên. Nhưng các bạn phải là chìm đắm
mê muội vì văn thơ mới đi đòi hỏi chiến thắng ở chiến tranh. Cái ý nghĩ làm chiến
tranh, bây giờ chỉ có thể thâm nhập vào đầu óc những anh trưởng giả mụ mẫm hoặc
những anh lãng mạn lạc hậu. Chiến tranh là cái gì? Một trò đeo mặt nạ khôi hài,
trước mặt nó là mối tình nồng nhiệt của những anh gảy đàn yêu nước được phấn
khích một cách ngu ngốc. Ví thử Napoléon trước đây đã có một trí thông minh thực
tiễn, thì ông ta đã không làm chiến tranh: nhưng ông ta là một anh mơ màng, say
sưa Ossian(11). Các bạn kêu: “Chiến tranh muôn năm!” Các bạn là những anh mơ tưởng
hão. Bao giờ thì các bạn sẽ trở thành những người trí thức? Những người trí thức
không đi đòi hỏi sức mạnh và quyền uy ở tác cả các mơ mộng nó cấu thành nghệ
thuật quân sự: chiến thuật, chiến lược, công sự, pháo binh và những trò nhảm
nhí khác. Họ không tin ở chiến tranh, nó là một trò phù phiếm; họ tin ở hóa học,
nó là một khoa học. Họ biết nghệ thuật giấu kín chiến thắng trong một công thức
đại số học.
Và, rút trong túi ra một cái chai nhỏ mà
anh giơ lên cho cử tọa xem, hoàng thân Istar reo lên với một nụ cười đắc thắng:
-
Chiến thắng, là đây!
--------------
Chú thích.
1. Jonchère nghĩa đen là bãi cói, ruộng
cói. Nay là đường Jonchère, bên bờ sông Seine, gần nhà thờ Đức Bà.
2. Vân thạch (jaspe), vân ban thạch (porphyre): tên những thứ đá hoa khác nhau. Jaspe là một thứ đá hoa thuộc loại đá mã não
(agate), có những vệt hoặc những vết màu sắc; Porphyre, là một thứ cẩm thạch
rất rắn, đỏ hoặc xanh lục, có vân hoặc lốm đốm màu sắc khác nhau.
3. Cõi tối tăm muôn đời (ténèbres
éternelles): tức là địa ngục.
4. Người: đây có lẽ là chỉ Jesus Christ.
5. Charles X (1757-1836): ông vua tồi tệ,
hèn đớn nhất của nước Pháp trong thời Trung Hưng, vốn là bá tước d’Artois, em
ruột của Louis XVI và Louis XVIII, lên ngôi năm 1824, kế ngôi Louis XVIII. Là một
người phóng phiếm, hào hoa, phong nhã, nhưng trị dân rất tồi, phản cách mạng,
và đẩy đến cuộc cách mạng 1830, bị truất ngôi và bỏ chạy sang Anh, để Louis
Philippe lên ngôi thay thế - gọi là ông
vua mà hắn ưa nhất, có lẽ là vì một thời, nhân một cái tang riêng, ông ta
trở thành sùng tín bồng bột: dân chúng Paris ngạc nhiên thấy ông vua đi bộ theo
những đám rước của nhà thờ, và nghe đồn ông ta đã chịu phép phong làm giáo sĩ.
6. Vua Gléglé: Hay còn gọi là Badohou (chết năm 1889) là vua thứ mười
của vương quốc Dahomey. Dahomey là vương quốc tại Châu Phi trước đây, nằm ở
Bénin ngày nay. Vương quốc này được thành lập vào thế kỷ 17 và tồn tại đến cuối
thế kỷ 19, khi nó bị quân đội Pháp từ Sénégal chiếm và sáp nhập vào Tây Phi thuộc
Pháp.
7. Frédéric đại đế (1712-1786): tức là vua
Frédéric II, le grand của nước Phổ,
lên ngôi năm 1740. Là một ông vua tài giỏi, một chiến tướng hiền danh, một nhà
cai trị khôn khéo, xây dựng nên sự hùng vĩ của nước Phổ. Bạn của văn học, nhà
văn tốt và sính triết học. Ông thu hút đến nước Phổ chung quanh cung điện của
ông là nhà văn hào Pháp Voltaire và nhiều nhà bác học, nhà triết học nước Pháp.
8. Chấp kích đội của quân Macédonie:
Macédonie là một miền của châu Âu xưa, ở phía Bắc nước Hy Lạp (ngày nay là tên
một miền có ranh giới khác xưa, và thuộc vào lãnh thổ Hy Lạp). Dưới thời vua
Philippe và Alexandre Đại đế, vương quốc Macédonie thống trị Hy Lạp. Quân đội của
vương quốc được tổ chức thành đội hình chiến đấu chặt chẽ của những binh lính cầm
kích gọi là chấp kích đội (Phalange), rất hùng dũng làm thành công cụ cho những
cuộc chiến thắng lớn của Philippe và Alexandre.
9. Alexandre, Frédéric: tức là Alexandre Đại đế nước Macédonie và Frédéric Đại đế nước Phổ.
10. Turenne (1611-1675): tên đầy đủ là Henri de la Tour d’Auvergne, tử tước de Turenne, thống chế nước Pháp,
sinh ở Sedan. Là một tướng lĩnh đại danh, chiến thắng lẫy lừng nhiều trận lớn,
mở rộng và củng cố lãnh thổ nước Pháp. Rất giản dị, rất khiêm tốn, có tài quân
sự phần lớn do tính toán và suy nghĩ.
11. Ossian: nhà thơ truyền thuyết của xứ
Scotland thế kỷ thứ III, chuyên ca vịnh các vị anh hùng dân tộc và các thần
thánh, trong những nghi lễ và khánh tiết tôn giáo. Những nhà thơ loại đó của
các dân tộc dòng giống Celtic (celtique) như dân Gaulois, Ireland, Scotland, tiếng
Celtic gọi là bardes, vừa đệm đàn
thiên cầm theo để kích thích các chiến sĩ xông trận, bài ca chiến tranh, gọi là
bardit. Ossian là một trong ba nhà
thơ bardes nổi tiếng nhất. Tập thơ của
ông được in năm 1760 là một bản ngụy tác. Bản chính được ấn hành năm 1807.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét