Thiên Thần Nổi Loạn
Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987
Chương 7
Là một chương khá thú vị và có một đạo lý chắc rằng sẽ
được các độc giả bình thường rất vừa ý, vì nó được nói lên bằng câu cảm thán
đau đớn này: “Lôi ta đi đâu vậy, hỡi tư duy?” và quả thật có một chân lý được mọi
người chấp nhận: tư duy là không lành mạnh, khôn ngoan nhất là không nghĩ gì cả.
Tất cả các sách lại được tập hợp dưới đôi
bàn tay thành kính của ông Sariette. Nhưng sự liên hợp tài tình đó không được bền.
Ngay đêm sau, hai chục cuốn sách lại ra đi và trong số đó có quyển Lucrèce của tu viện trưởng de Vendôme.
Trong có một tuần, các văn bản xưa bằng tiếng Hebrew và Hy Lạp của cả Tân ước
và Cựu ước, đều trở lại ngôi biệt thất, và suốt trong tháng tiếp sau đó, mỗi
đêm, chúng đều rời bỏ ngăn sách, bí mật đi theo con đường cũ. Có những sách
khác không biết là đi đâu.
Nghe kể những sự cố tối tăm đó, ông René
d’Esparvieu chỉ nói, không có chút gì ân ưu với người quản thư:
- Ông Sariette khốn khổ ơi, tất cả cái đó
quả là kỳ dị, rất kỳ dị.
Và khi ông Sariette ngỏ ý muốn đi thưa hoặc
trình với ông cảnh sát trưởng, thì ông René d’Esparvieu hét lên:
- Ông đề nghị với tôi cái gì vậy, ông
Sariette? Tiết lộ những chuyện kín trong nhà làm ầm ĩ lên!… Không đời nào!… Tôi
có những kẻ thù, tôi chẳng cần giấu giếm, tôi đáng có những kẻ thù đó. Điều
đáng cho tôi phải phàn nàn, là bị công kích ngay trong phe đảng kịch liệt chưa
từng thấy, bởi những người bảo hoàng nhiệt thành, họ là những người Thiên Chúa
giáo tốt, tôi cũng muốn tin như vậy, nhưng là những người Cơ đốc giáo(1) xấu…
Nghĩa là, tôi đang bị rình mò, theo dõi, dò la, mà ông Sariette ơi, ông lại đề
nghị tôi cúng cho bọn nhà báo tinh quái một chuyện kín tức cười, cho một sự cố
hài hước, nghĩa là một việc rắc rối trong đó bộ mặt cả hai chúng ta đều khá dơ
dáng. Vậy ông muốn làm cho tôi dơ mặt sao?
Dứt câu chuyện, hai người thỏa thuận với
nhau thay tất cả các ổ khóa của thư viện. Họ đi hỏi giá cả và cho gọi thợ đến.
Suốt sáu tuần từ sáng đến tối dinh thự d’Esparvieu vang dội tiếng búa gõ, tiếng
mũi khoan vo vo và tiếng giũa kèn kẹt. Đèn đuốc thắp sáng căn phòng các nhà triết
học và các hình cầu, và một mùi dầu máy làm cho những người trong nhà buồn nôn
lộn mửa. Ở các cửa thông các phòng và các tủ, các ổ khóa cũ êm ái và yên ổn bị
thay bằng những ổ khóa dở chứng và bướng bỉnh. Toàn là những ổ khóa hiểm hóc,
những khóa chữ, những then chốt an toàn, những thanh chặn, những dây xích, những
chuông điện. Tất cả những dụng cụ bằng đồng bằng sắt linh tinh đó nom rõ ghê
người. Các ổ khóa ngời sáng và các mỏ khóa rít kèn kẹt. Muốn mở mỗi phòng, mỗi
tủ, mỗi ngăn kéo, cần phải nắm được một mật mã chỉ một mình ông Sariette biết.
Đầu ông ta nhồi đầy những chữ kỳ cục và những con số khổng lồ, và ông bị rối
trí trong những bảng chữ bí mật, những con số bình phương, lập phương đó. Ông
ta không mở nổi cả các cửa thông lẫn các tủ nữa, và sáng nào cũng thấy chúng mở
toang, và các sách in bị xô đẩy, tàn phá, lấy trộm. Một đêm kia lính cảnh sát
nhặt được trong rãnh nước ở phố Servandoni một cuốn sách khâu chỉ của Salomon
Reinach(2) nói về tông tích lai lịch của Barrabas(3) và Jesus. Vì cuốn sách đó
đóng dấu thư viện nhà d’Esparvieu, nên anh ta đem trả lại cho sở hữu chủ.
Ông René d’Esparvieu cũng chẳng thèm báo
cho ông Sariette biết, quyết định đi hỏi một vị thẩm phán bạn thân của ông, một
con người đáng tin cậy. Ông des Aubels, làm hội thẩm tại tòa thượng thẩm, người
đã thẩm cứu nhiều vụ quan trọng. Đó là một con người thấp bé, tròn trĩnh, da rất
đỏ, đầu rất hói, cái sọ nhẵn bóng như một viên bi-a. Một buổi sáng, ông ta vào
thư viện và giả vờ như một người mê sách, nhưng ngay tức khắc ông ta tỏ ra
không biết gì về sách cả. Các tượng bán thân những nhà triết học cổ đại phản
chiếu thành vòng tròn trên sọ ông trong lúc ông chất vấn ông Sariette những câu
linh tinh thâm hiểm, làm cho ông này rối tinh rối mù và thẹn đỏ cả mặt. Vì hồn
nhiên vô tội thì vẫn mau xúc động. Thế là ông des Aubels lập tức ngờ ngay ông
Sariette là tác giả những vụ trộm cắp mà ông ta tố cáo một cách hãi hùng; và
ông nghĩ ngay đến chuyện truy tìm các đồng lõa của vụ phạm tội. Còn về các động
cơ thì ông chẳng quan tâm: thế nào mà chẳng tìm ra được động cơ. Ông des Aubels
nhận giúp ông d’Esparvieu cho một thám tử của sở liêm phóng bí mật giám sát
dinh thự.
- Tôi sẽ bảo họ cắt cho ông tên Mignon. Đó
là một tên thuộc hạ tuyệt trần, chăm chỉ và thận trọng.
Sáng hôm sau, ngay từ sáu giờ, đã thấy
Mignon đi dạo trước dinh thự d’Esparvieu. Đầu rụt giữa hai vai, những món tóc
xoáy vòng móc câu thò ra dưới vành hẹp chiếc mũ quả dưa, con mắt ngó nghiêng, một
bộ ria to tướng màu đen sì, đôi bàn tay bàn chân hộ pháp, tóm lại là một vẻ
ngoài dễ nhớ, anh ta bước đều đặn từ cột trụ gần nhất của những cột trụ tạc
hình đầu cừu trang trí cho dinh thự de la Sordière, đến tận cuối phố
Garancière, khoảng gần mé hậu cung nhà thờ St. Sulpice và mái vòm của điện thờ
Đức Bà Đồng Trinh. Thế là, không thể nào đi ra hoặc đi vào dinh thự d’Esparvieu
mà không cảm thấy nhất cử nhất động cho đến cả các ý nghĩ của mình không bị
rình mò. Mignon là một con người kỳ diệu, bẩm sinh có những năng khiếu mà tạo
hóa từ khước tất cả mọi người khác. Hắn không ăn không ngủ, bất cứ giờ nào,
ngày cũng như đêm, gió cũng như mưa, đều thấy hắn trước tòa dinh thự và không một
ai thoát khỏi xạ tuyến con mắt hắn. Mọi người cảm thấy cơ thể mình bị đâm suốt,
xương xẩu lộ cả ra, tệ hại hơn là trần truồng, vì chỉ có lại bộ xương. Chỉ cần
một giây đồng hồ là xong; viên cảnh sát thậm chí không dừng bước và vẫn tiếp tục
cuộc đi dạo muôn đời của hắn. Không ai chịu nổi. Chàng Maurice đe không trở về
mái nhà của bố mẹ nữa nếu cứ bị chiếu chụp điện như vậy. Bà mẹ và cô em Berthe
của anh thì kêu ca về con mắt nhìn xuyên thấu kia, nó xúc phạm tâm hồn khiêm tốn
trắng trong của họ. Cô Caporal, bảo mẫu của cậu bé Léon d’Esparvieu, thì cảm thấy
một nỗi khó chịu không sao tả xiết. Ông René d’Esparvieu, bực mình mỗi khi bước
qua ngưỡng cửa nhà mình, lại phải sụp mũ xuống tận mắt để tránh cái tia quang
tuyến dò la kia và nguyền rủa lão Sariette, căn nguyên và nguồn gốc của mọi tai
họa. Người thân thuộc của gia đình, như linh mục Patouille và ông chú Gaétan,
cũng ít thấy lai vãng, khách khứa chẳng còn ai đến thăm viếng, những người cung
cấp hàng hóa ngần ngại trong việc giao hàng, các xe chở hàng của những hiệu
buôn lớn hầu như không dám dừng bánh. Nhưng chính sự giám sát đó đẻ ra những lộn
xộn nghiêm trọng nhất trong đám kẻ hầu người hạ. Bác hầu phòng vì có con mắt cảnh
sát nên sợ không dám đi tìm gặp cô vợ anh thợ giày vào buổi chiều khi cô ta làm
việc một mình ở nhà, nên thấy không sao chịu nổi cái nhà này nữa và xin ông chủ
cho thôi việc. Odile, chị hầu phòng của bà d’Esparvieu, vì không dám đưa anh
chàng Octave, gã ủy nhiệm viên đẹp trai nhất của hiệu sách gần bên nhà, lên
gian buồng áp mái như thường lệ sau khi bà chủ đã đi nằm, trở nên buồn bã, dễ nổi
nóng, dễ cáu kỉnh, khi chải đầu cho bà chủ thì rứt tóc bà, ăn nói hỗn láo với
bà, và tống tình cậu Maurice. Mụ nấu bếp, bà Malgoire, người đứng đắn, tuổi trạc
ngũ tuần, vì không được gã Auguste ở cửa hiệu rượu vang phố Servandoni lui tới
thăm nom, không chịu nổi cảnh thiếu thốn rất trái với khí chất của mụ, trở
thành điên cuồng, dọn ăn cho chủ nhà một món thịt thỏ còn sống nguyên và báo
tin rằng đức Giáo Hoàng hỏi mụ làm vợ. Cuối cùng, sau hai tháng trời chuyên cần
phi thường, trái với mọi quy luật được biết về sự sống hữu cơ và các điều kiện
chủ yếu của sự điều hòa cơ thể, viên cảnh sát Mignon sau khi chẳng quan sát thấy
cái gì bất thường, bèn ngừng công việc giám sát và lẳng lặng rút lui và từ chối
mọi sự thưởng công. Trong thư viện, cuộc nhảy múa của sách tiếp tục càng dữ dội
hơn nữa.
- Tốt lắm, - ông des Aubels nói. - Không có
gì vào, chẳng có gì ra, tất kẻ gian phải ở ngay trong nhà.
Vị thẩm phán đó nghĩ rằng, chẳng cần tra vấn,
chẳng cần khám xét, rồi cũng khám phá ra kẻ phạm tội. Một ngày đã ước định, lúc
nửa đêm, ông ta cho người rắc một lớp phấn hoạt thạch lên mặt sàn thư viện, lên
các bậc cầu thang, phòng hiên, lối đi trong vườn dẫn đến ngôi biệt thất của cậu
Maurice và lên lối vào của biệt thất. Sáng hôm sau, có một người nhiếp ảnh của
Sở Liêm phóng phụ lực, và có ông René d’Esparvieu cùng ông Sariette đi theo,
ông des Aubels đến để ghi nhận các dấu vết. Chẳng thấy gì trong vườn: gió đã thổi
bay bụi phấn hoạt thạch, cả ở trong biệt thất cũng chẳng thấy gì. Cậu Maurice
nói rằng, tưởng đó là một trò đùa nhảm nhí, đã lấy chổi quét lò xóa sạch lớp bụi
phấn trắng ấy đi. Sự thực là cậu ấy đã quét sạch dấu vết đôi giày cao cổ của
Odile, chị hầu phòng. Trong cầu thang và trong thư viện, thấy loáng thoáng dấu
in rất nhẹ của một bàn chân không giày dép, có vẻ như nó lướt trên không trung
và chỉ đặt khẽ xuống cách từng quãng xa nhau. Thấy tất cả năm dấu vết đó. Dấu vết
rõ nhất là ở trong căn phòng những tượng bán thân và những hình cầu, ở mép cái
bàn chồng chất đầy sách. Viên nhiếp ảnh của Sở Liêm phóng chụp nhiều lần ấn
tích đó.
- Quả là khủng khiếp nhất hạng, - ông
Sariette lẩm bẩm.
Ông des Aubels không giấu nổi nỗi ngạc
nhiên.
Ba ngày sau, phòng nhân trắc của Sở Liêm
phóng gửi lại những tấm ảnh in thử đưa cho họ xem xét, trả lời rằng trong các
phiếu theo dõi của họ không có các dấu tích tương tự. Ông René, sau bữa ăn tối,
đưa những tấm ảnh đó cho ông em Gaétan, ông này xem xét rất kỹ, rồi sau một lát
lâu im lặng ông nói:
- Tôi cũng tin rằng dấu tích này không có ở
Sở Liêm phóng. Đây là bàn chân một vị thần hoặc một lực sĩ thời cổ đại. Dấu gan
bàn chân này nom thật hoàn mỹ, các chủng tộc và các miền khí hậu chúng ta không
có loại này. Rõ ràng là những ngón chân thanh nhã, tuyệt vời và một gót chân thần
tiên.
René d’Esparvieu nói rằng ông em của ông
điên mất rồi.
- Chú ấy là một người thơ mộng, - bà
d’Esparvieu thở dài.
- Thưa chú, - Maurice nói, chú sẽ si mê cái
chân đó nếu có khi nào bắt gặp nó.
- Đó chính là số kiếp của Vivant Denon(4)
người đã đi theo Napoléon ở Ai Cập, - Gaétan trả lời, - Denon tìm thấy trong một
hầm mộ bị người Ả Rập xâm phạm ở Thebes một bàn chân xác ướp nhỏ nhắn đẹp một
cách kỳ diệu. Ông ngắm nghía nó với một vẻ nhiệt thành dị thường. Đây là bàn
chân một thiếu phụ, ông nghi của một bà chúa, của một con người xinh đẹp; chưa
hề có một thứ giày dép nào làm hư hại hình dáng hoàn mỹ của nó. Denon ngưỡng mộ
bàn chân đó, tôn thờ nó, yêu nó. Trong tập bản đồ du lịch của Denon ở Ai Cập có
một bức tranh vẽ bàn chân xác ướp nhỏ nhắn đó, chẳng phải tìm đâu xa, có thể lần
giở trang sách đó ngay ở trên kia, nếu ông già Sariette chịu cho ta đụng đến một
cuốn sách nào của thư viện.
Đôi khi, từ giường nằm, khi thức giấc vào
lúc nửa đêm Maurice tưởng như nghe thấy một tiếng sột soạt những trang sách
đang được giở trong căn buồng liền bên và tiếng những cuốn sách đóng bìa cứng
va chạm sàn nhà.
Một buổi sáng vào lúc năm giờ, ở câu lạc bộ
về sau một đêm đen đủi(5)*, anh ta đứng trước cửa vào biệt thất lục tìm chùm
chìa khóa trong các túi, hai tai anh bỗng nghe thấy rành mạch một người thở
dài.
- Dẫn
ta đi đâu vậy? Hỡi tri thức? Lôi cuốn ta đi đâu, hỡi tư duy?
Nhưng, sau khi đã vào cả hai căn buồng, anh
chẳng thấy một ai, và anh nghĩ bụng rằng tai anh bị ù.
-------------
Chú thích
1. Cơ đốc giáo là nói gốc đạo Jesus Christ
lập ra: Thiên chúa giáo là đẹp đẽ khi
thành thiết chế với La Mã là trung tâm.
2. Salomon Reinach
(1858-1932): nhà ngữ văn học và khảo cổ học người Pháp, sinh ra ở
Saint-Germain-en-Laye.
3. Barrabas: thường
cũng viết là Barabbas: một nhân vật có nói đến trong Kinh thánh Mathius, XXVII,
15-26. Là một người Do Thái. Khi Jesus bị bắt và dẫn đến trước mặt Ponce
Pilate, tổng đốc La Mã ở xứ Judea thì Barrabas đương bị giam cầm trong ngục vì
tội phiến loạn và giết người. Ponce Pilate, muốn giũ trách nhiệm về vụ xử quyết
này, đề nghị nhân dân Do Thái lựa chọn một trong hai người Jesus và Barrabas, để
phóng thích nhân dịp Passover/Pesach
(lễ Vượt qua, Xem Kinh thánh, Xuất
Ediptô ký, XII - 26), nhân dân chọn Barrabas. Thế là Barrabas thoát chết và
Jesus bị giao cho các quan xử tội.
4. Vivant Denon tức
là Dominique-Vivant, nam tước Denon (1747-1825): nhà khắc họa người Pháp, tổng
giám đốc các viện bảo tàng nước Pháp dưới Đệ nhất Đế chế.
5. Đen đủi (déveine): tức là thua bạc.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét