Thiên Thần Nổi Loạn
Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987
Chương 11
Thiên thần, mặc bộ áo quần di vật của một người chết
vì tự tử, bỏ anh chàng Maurice ở lại đó, không còn thiên thần hộ mệnh nữa như
thế nào.
Ngồi xổm trên giường, hai đầu gối nhẵn bóng
của bà ta lấp loáng trong bóng tối ở dưới gấu chiếc áo sơ mi ngắn và nhẹ; hai
cánh tay vắt chéo che bộ ngực, bà ta chỉ để mặc cho người ta trông thấy đôi vai
béo múp tròn trĩnh và bộ tóc hung hung lòa xòa rũ rượi.
- Bà cứ yên tâm, thưa bà, - cái bóng hiện
hình trả lời; - tình cảnh của bà không đến nỗi như bà nói đâu: bà không phải là
đương ở trước mặt hai người đàn ông, mà đúng ra là trước mặt một người đàn ông
và một thiên thần.
Bà ta quan sát ông khách lạ với một con mắt
dò xét và băn khoăn về một hình tích tuy còn mơ hồ, nhưng không phải là tầm thường,
và hỏi:
- Thưa ông, có thật chắc chắn ông là một
thiên thần không?
Cái bóng hiện hình yêu cầu bà đừng nghi ngờ
điều đó và chỉ dẫn rành mạch cho bà hiểu về gốc gác của y:
- Có ba đẳng cấp các tinh thần thiên giới(1), mỗi đẳng cấp gồm có chín thứ bậc; đẳng cấp
thứ nhất gồm có các Séraphin, các Chérubin và các Vương vị (Trônes); đẳng cấp thứ hai, các Tể trị (Dominations), các Hữu năng (Vertus) và các Binh quyền (Puissances); đẳng cấp thứ ba, các Chấp
chính (Principautés) (2), các Thượng
đẳng thiên thần và các Thiên thần chính danh. Tôi thuộc vào thứ bậc thứ chín của
đẳng cấp thứ ba.
Bà des Aubels, vẫn còn giữ những lý do để
ngờ vực, nên đã nói lên một lý do:
- Ông không có cánh.
- Tại sao tôi lại phải có cánh, thưa bà?
Tôi có bắt buộc phải giống những thiên thần của những bình nước thánh của bà
không? Những mái chèo bằng lông vũ kia, nó đập nhịp nhàng những làn sóng của
không trung, các thiên sứ không phải là bao giờ cũng cứ phải chất nó lên đôi
vai đâu. Các Chérubin có thể là không có cánh. Họ cũng không có cánh, hai vị
thiên sứ quá đẹp kia, đã qua một đêm chập chờn trong ngôi nhà của Loth(3), bị một
toán quân của phương Đông vây hãm. Không! Họ trông rõ giống hệt như những người
thường và bụi đường trường phủ trắng đôi bàn chân của họ, mà vị tộc trưởng đã rửa
bằng một bàn tay thành kính. Tôi sẽ lưu ý bà, thưa bà, rằng theo khoa học những
biến hóa cơ thể, do Lamarck và Darwin(4) sáng lập nên, thì những cánh của loài
chim đã chuyển biến dần thành những đôi chân trước của loài vật bốn chân và
thành những đôi cánh tay của loài linh chưởng(5)*. Và có lẽ anh còn nhớ,
Maurice, rằng do một hiện tượng di truyền khá phiền, miss Kate(6) chị bảo mẫu
người Anh của anh, vẫn thú cái trò phát vào đít anh lắm, chị có đôi cánh tay rất
giống đôi cánh khẳng khiu của một con gia cầm đã vặt lông. Vì thế người ta có
thể nói rằng một sinh vật mà có cả đôi tay lẫn đôi cánh, là một quái vật thuộc
vào phạm vi của quái hình học(7) ở thiên đường, chúng ta có những Chérubin hoặc
Keroub(8) dưới hình thể những con bò mộng có cánh; nhưng đó là những sáng chế nặng
nề của một vị thần không có đầu óc nghệ sĩ. Tuy nhiên, quả thật, những tượng thần
chiến thắng ở đền thờ Athéna Nike, trên Acropole(9) của thành Athènes, quả thật
là đẹp với đôi cánh tay và đôi cánh; tượng chiến thắng ở Brescia(10) quả thật
là đẹp, hai cánh tay giang ra và đôi cánh dài buông rủ trên vòng lưng cột khỏe
mạnh. Tinh thần cố hữu của Hy Lạp đã biết sáng tạo ra những quái vật hài hòa,
thật là một trong những điều kỳ diệu của nó. Người Hy Lạp xưa kia không hề bao
giờ lầm lạc. Người hiện đại thì bao giờ cũng lầm lạc.
- Xét cho cùng, - bà des Aubels nói, - ông
không có vẻ gì là một tinh thần thuần túy.
- Ấy vậy mà, thưa bà, tôi là một tinh thần
thuần túy, hơn ai hết. Bà đã được rửa tội, thì bà không được phép ngờ vực điều
đó. Nhiều các cha, như thánh Justin, Tertullien, Origène và Clément
d’Alexandrie(11), đã nghĩ rằng các thiên thần không phải thuần túy là tinh thần,
và có một cơ thể tạo thành bằng một vật chất tinh vị. Thánh Augustine có ý kiến
rằng các thiên thần có một cơ thể ngời sáng. Ý kiến đó đã bị giáo hội gạt bỏ; vậy
tôi là tinh thần. Nhưng tinh thần là cái gì và vật chất là cái gì? Trước kia,
người ta đem đối lập chúng với nhau như hai cái trái ngược; và bây giờ thì khoa
học nhân gian của bà có khuynh hướng hợp nhất chúng lại, coi như hai mặt của
cùng một sự vật. Khoa học đó dạy rằng tất cả đều từ éther(12) mà ra và tất cả lại trở về éther, rằng chỉ có chuyển động làm chuyển biến các làn sóng thiên
không thành sỏi đá và kim loại, các nguyên tử rải khắp không gian vô tận tạo
thành do tốc độ khác nhau của các quỹ đạo của chúng, tất cả các chất của thế giới
hữu hình…
Nhưng bà des Aubels có nghe đâu, bà còn bận
tâm về một ý nghĩ, và để được biết rõ ràng sự thật, bà hỏi:
- Ông đến đây từ lúc nào?
- Tôi cùng đến với Maurice.
Bà lắc đầu:
- Thế này thì! Tôi cũng đến chịu!
Nhưng thiên thần nói tiếp với một vẻ thanh
thản thần tiên:
- Tất cả mọi thứ trong vũ trụ chỉ toàn là
hình tròn, hình bầu dục, hình hyperbole, và cùng những quy luật như nhau chi phối
các tinh tú và cũng cai trị hạt cát bụi này(13). Do các chuyển động tiên thiên
và bẩm sinh của bản chất, cơ thể của tôi là tinh thần; nhưng nó có thể, như bà
trông thấy đấy, chuyển sang trạng thái vật chất bằng cách thay đổi nhịp điệu của
các nguyên tố của nó.
Y nói xong và ngồi vào một chiếc ghế bành,
đè lên đôi bít tất đen của bà des Aubels.
Một chiếc đồng hồ treo điểm chuông.
- Trời ơi! - Bây giờ, Gilberte kêu lên. -
Tôi sẽ nói thế nào với nhà tôi đây? Ông ấy tưởng tôi đang dự tiệc trà ở phố
Rivoli. Tối hôm nay chúng tôi ăn cơm ở nhà vợ chồng La Verdelière. Ông hãy đi
đi, mau lên, ông Arcade. Tôi phải mặc xống áo vào; không được để mất một giây
phút nào.
Thiên thần trả lời rằng y sẽ tự thấy có bổn
phận phải tuân lời bà des Aubels, nếu y được ở trạng thái xuất hiện chỗ công
chúng một cách nhã nhặn, nhưng y không hề nghĩ đến chuyện đi ra ngoài không có
một tí nào quần áo trên người.
- Nếu tôi đi tồng ngồng ngoài phố, - y nói
thêm, - thì tôi sẽ xúc phạm một dân chúng thiết tha với những thói quen cũ, mà
họ chưa bao giờ thẩm sát. Đó là cơ sở của phong tục. Xưa kia, các thiên thần nổi
loạn như tôi, hiện ra cho những người Cơ đốc giáo với những vẻ bề ngoài thô lậu
và tức cười, đen đủi, có sừng, đầy lông lá, không chặt đuôi, chân trẽ đôi và
đôi khi với một cái mặt người ở đít. Thật là hoàn toàn ngây ngô!... Họ là trò
cười của những người ưu nhã, chỉ dọa nạt được những bà già và những con nít và
chẳng làm được cái trò trống gì.
- Đúng là ông ấy không thể đi ra ngoài như
thế này được, - bà des Aubels nói cho công bằng.
Maurice bèn ném cho vị thiên sứ thần tiên bộ
áo quần pyjama và đôi giày pantoufle của anh. Kể là quần áo đi phố
thì chưa đủ. Gilberte thúc giục tình nhân chạy đi ngay lập tức để kiếm quần áo.
Anh chạy đi hỏi mượn quần áo của anh gác cổng. Bà ta hết sức can ngăn anh. Theo
bà, thì lôi những kẻ hầu hạ vào một việc như thế này, thật là dại dột điên cuồng.
- Anh lại muốn, - bà ta kêu lên, cho họ biết
rằng...
Bà ta trỏ vào thiên thần và không nói nốt
câu.
Chàng trẻ d’Esparvieu bèn chạy đi kiếm một
hàng bán quần áo.
Trong khi đó Gilberte, không thể chậm trễ
hơn nữa mà không gây thành một chuyện tai tiếng kinh khủng trong chốn xã giao,
bèn bật đèn lên mặc xống áo trước mặt thiên thần. Bà làm công việc đó chẳng chút
lúng túng, vì bà biết thích ứng với mọi hoàn cảnh, và bà quan niệm rằng, trong
những cuộc gặp gỡ lạ lùng chưa hề thấy, nó trộn lẫn trời với đất trong một cảnh
bát nháo không tả xiết, thì người ta được phép giảm bớt chuyện thẹn thùng. Vả lại
bà tự biết thân hình cân đối và có những quần áo lót thu hẹp đúng mốt. Vì cái
bóng hình có ý tứ từ chối không mặc bộ pyjama
của Maurice, nên Gilberte không thể nào không nhận thấy, dưới ánh sáng đèn, rằng
những nghi ngờ của bà là có cơ sở và thiên thần quả thật là có một ngoại hình của
những người đàn ông. Tò mò muốn biết cái ngoại hình đó là hư ảo hay hiện thực,
bà hỏi người con của ánh sáng xem các thiên thần có giống như con khỉ, chúng
nó, để yêu đàn bà, chỉ thiếu có tiền thôi.
- Đúng vậy, Gilberte ạ, - Arcade trả lời, -
các thiên thần có thể yêu phụ nữ người trần được. Thánh kinh có dạy điều đó.
Trong quyển thứ bảy của kinh Sáng thế ký(14) có nói rằng: “Khi loài người đã bắt
đầu đông đảo trên mặt đất, và sinh đẻ ra những đứa con gái, thì các con trai của
Chúa trời thấy rằng con gái của loài người đẹp đẽ, và họ lấy về làm vợ tất cả
các ả nào vừa ý họ”.
Bỗng nhiên, Gilberte kêu rên:
- Trời ơi! Không bao giờ tôi có thể cài
khuy cái áo dài của tôi được; nó cài đằng sau lưng.
Khi Maurice trở về gian buồng, anh thấy
thiên thần đương quỳ, buộc dây giày cho người đàn bà ngoại tình.
Sau khi đã lấy trên bàn cái ống bao tay và
cái xắc:
- Tôi không quên gì chứ? Không... - Gilberte
nói. - Chào ông Arcade, chào Maurice... Chà! Thật quả, tôi sẽ nhớ mãi cái ngày
hôm nay.
Và bà ta biến đi như một giấc mơ.
- Đây này, - Maurice vừa nói vừa ném cho
thiên thần một mớ quần áo cũ.
Chàng thanh niên, sau khi trông thấy trong
cửa kính của một hàng bán đồ cũ, những quần áo nát thảm hại, lẫn lộn với những
cái kèn clarinet và những ống bơm rửa
ruột, đã mua, với giá tiền mười chín franc,
bộ quần áo di vật của một anh chàng nghèo khổ mặc đồ đen và đã tự tử chết.
Thiên thần, với một vẻ trang nghiêm thiên bẩm, tiếp nhận những quần áo đó và mặc
vào. Được y mặc vào người, bộ áo quần đó có ngay một vẻ thanh lịch không ngờ.
Y bước một bước ra phía cửa.
- Thế là, anh rời bỏ tôi đấy, - Maurice nói
- Quyết định rồi chứ? Tôi e rằng một ngày kia anh sẽ hối tiếc cay đắng cái hành
động gàn bướng này.
- Tôi không được nhìn lại phía sau. Vĩnh biệt
Maurice.
Maurice rụt rè đút năm đồng louis vào tay y.
- Vĩnh biệt Arcade.
Nhưng khi thiên thần bước qua ngưỡng cửa, vừa
đúng lúc chỉ còn trông thấy, trong khung cửa, cái gót chân nhấc lên thì Maurice
gọi giật y lại:
- Arcade!... Tôi quên mất!... Tôi, thế là
tôi không có thần hộ mệnh nữa!
- Đúng đấy, Maurice, anh không còn nữa.
- Thế thì tôi sẽ trở thành thế nào?... Người
ta cần phải có một thần hộ mệnh chứ. Này anh, không có thần hộ mệnh, thì không
có những hậu quả nghiêm trọng gì sao, không có nguy cơ gì sao?
- Trước khi trả lời anh, Maurice ạ, tôi xin
hỏi anh xem anh muốn tôi nói với anh theo những tín ngưỡng của anh, nó trước
kia cũng đã là tin tưởng của tôi, theo những lời dạy bảo của giáo hội và của
tín ngưỡng Thiên chúa giáo, hay theo triết học tự nhiên.
- Tôi cần quái gì cái triết học tự nhiên của
anh. Anh hãy trả lời tôi cho phù hợp với cái tôn giáo mà tôi tin tưởng và tôi
tuyên bố công nhiên, cái tôn giáo mà tôi quyết sống và chết trong đó.
- Thế thì! Anh bạn Maurice thân mến ạ, mất
thần hộ mệnh có lẽ làm cho anh thiếu mất một số cứu trợ tinh thần, một số ân điển
của trời. Tôi biểu lộ với anh về vấn đề ấy ý nghĩ trước sau như một của giáo hội.
Anh sẽ thiếu một sự trợ lực, một sự ủng hộ, một sự khuyến miễn đáng lẽ đã hướng
dẫn anh và kiên định anh trong con đường cứu rỗi. Anh sẽ có bớt sức mạnh để
tránh xa tội lỗi. Vốn anh đã chẳng có nhiều sức mạnh đó lắm rồi. Rút cục, anh sẽ,
về mặt tinh thần, không được cường tráng và không được vui thích. Vĩnh biệt,
Maurice. Khi nào gặp bà des Aubels, xin anh cho tôi hỏi thăm.
- Anh đi à?
- Vĩnh biệt.
Arcade đi khuất, và Maurice, chìm đắm trong
một chiếc ghế bành sâu rộng, hai tay ôm đầu hồi lâu.
-------------
Chú thích
1. Tinh thần thiên giới
(esprits célestes) tức là thiên thần.
2. Vương vị (Trônes), Tể trị (Dominations), Hữu năng (Vertus),
Binh quyền (Puissances), Chấp chính (Principautés): tên của các cấp bậc thiên
sứ.
3. Loth: con trai của
Haran, em Abraham, sinh hoạt ở vùng Jordan cắm lều trại đến tận Sodom. Dân cư
Sodom hư hỏng trác táng, nên Jéhovah quyết thiêu hủy cả thành Sodom, nhưng muốn
cứu vớt Loth ra khỏi tai nạn đó, bèn sai hai vị thiên sứ hiện thành người thường
đến nhà Loth để chỉ bảo cứu giúp. Chuyện này xem ở Kinh thánh (Sáng thế ký,
XIX, 1-20).
4. Lamarck, Darwin:
hai bác học vật học sáng lập ra thuyết Tiến hóa luận (transformisme) hoặc cũng được gọi là tiểu luận. Lamarck, người Pháp
(1744-1829); Darwin, người Anh (1809-1882).
5. Loài linh chưởng (primates): loài vật cao đẳng, có vẻ hai
chân trước đã dần biến thành cánh tay. Giống người là ở trong loài này.
6. miss Kate: tiếng Anh, nghĩa là cô Kate.
Kate là tên tắt của Katherine. Theo phong tục thời cũ của người Pháp, người
giàu hay thuê bảo mẫu người Anh chưa chồng, cho thế là sang trọng.
7. Quái hình học (tératologie): cũng có gọi là biến
hình học, là khoa học nghiên cứu những hình thể quái gở của sinh vật, như
gà ba chân, chó hai mõm…
8. Keroub: Chérubin, đọc theo âm Pháp là Sêruybanh, âm La tinh là Kerubin do tiếng Hebrew Keroubin đọc tắt là Keroub, trong tiếng Việt, gọi là Kêrabin.
9. Acropole: dịch ra
tiếng Hán-Việt là cao đài - tiếng Hy Lạp (akros):
cao, và polis: thành, thành phố.
Nghĩa là điểm cao nhất của các thành thị Hy Lạp. Nổi tiếng nhất là Acropole của
thành Athènes, thành thị cũ của Athènes, xây dựng trên một ghềnh đá cao 180 pie (vào khoảng gần 40 mét), trên mặt ghềnh
tua tủa những điện đài và tượng đài nổi tiếng như tượng Thần chiến thắng không
cánh (Victoire aptère). Nhưng ở đây
Anatole France lại không nói đến bức tượng có đôi cánh tay dài và đôi cánh. -
Athéna Nikè, tiếng Hy Lạp nghĩa là chiến thắng.
10. Brescia: thành phố
ở nước Ý (xứ Lombardie).
11. Justin,
Tertullien, Origène và Clément d’Alexandrie:
- Thánh Justin, tác
giả một quyển Biện giải đạo cơ đốc (Apologie
de christianisme), tử vì đạo năm 165.
- Tertullien, giáo sư
giảng dạy của giáo hội, sinh ở Carthage, thiên tài có uy lực, nhà biện giải có
giá trị lớn nhưng bị dính líu vào vụ tà giáo của Montaniste (người xứ Phrygie,
160-220).
- Origène (185-253),
sinh ở Alexandrie, học giả và giáo sư thần học.
- Clément
d’Alexandrie, giáo sư của giáo hội, thầy của Eugène, một trong những nhà biện
giải lỗi lạc nhất mất năm 220.
12. Éther: tên xưa để chỉ một chất khí bị ký
tinh kế lấp đầy khoảng không gian bên ngoài khí quyển. Trước kia, ta thường dịch
là thinh không, nay chỉ dịch âm thôi.
13. Hạt cát bụi này: chỉ trái đất của chúng
ta.
14. Sáng thế ký:
Anatole France nói là quyển thứ bảy, nhưng thực ra là chương thứ 6, tiết 1, 2.
Nguyên văn như sau: “vậy khi loài người
khởi thêm nhiều trên mặt đất và khi loài người đã sinh ra được con gái rồi, các
con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt đẹp bèn cưới người vừa
lòng làm vợ” - Con trai của Đức Chúa Trời (Fils Dieu) thường chỉ các thiên sứ, khi dùng theo số nhiều.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét