Thiên Thần Nổi Loạn
Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987
Chương 2
Sẽ thấy ở chương này những chỉ dẫn bổ ích về một thư
viện, nơi đó ít lâu sau sẽ xảy ra những biến cố lạ kỳ.
Rất thèm khát bao quát được toàn bộ kiến thức
của loài người và ước mong đem lại cho thiên tài bách khoa của mình một biểu tượng
cụ thể và một thiết bị phù hợp với túi tiền, nam tước Alexandre d’Esparvieu đã
thành lập một thư viện có ba trăm sáu mươi nghìn cuốn sách, vừa sách in vừa bản
thảo, đại bộ phận là từ tu viện dòng thánh Benedictines ở Ligugé(1) đến.
Bằng một điều khoản đặc biệt trong chúc
thư, ông đã quy định cho các người thừa kế sau này sẽ phải gia tăng cho thư viện
của ông tất cả những sách xuất bản quan trọng về các môn khoa học tự nhiên,
nhân sinh, chính trị, xã hội, triết lý và tôn giáo. Ông đã chỉ rõ những món tiền
cần trích ở di sản của ông để dùng vào việc đó, và ủy thác cho con trai cả là
Fulgence-Adolphe tiến hành công cuộc gia tăng này. Fulgence-Adolphe, với một niềm
hiếu kính, thực hiện các ý muốn đã được người cha hiển danh bày tỏ.
Sau khi ông chết, cái thư viện mênh mông
đáng giá hơn một phần thừa kế của con cái đó vẫn để nguyên chưa chia cho ba người
con trai và hai người con gái của ông nguyên lão nghị viên; còn René
d’Esparvieu được thừa hưởng tòa dinh thự ở phố Garancière, có trách nhiệm trông
nom bộ sưu tập phong phú đó. Hai người chị em gái của ông ta, bà Paulet de Saint-Fain
và bà Cuissart, nhiều lần đòi thanh lý một tài sản lớn lao mà chẳng sinh lợi
chút nào. Nhưng René và Gaétan đã mua lại phần của hai bà chị cùng thừa kế, và
thế là thư viện được cứu vãn. René d’Esparvieu thậm chí gia tăng nó theo đúng
những ý định của người sáng lập. Nhưng năm này qua năm khác, ông ta giảm bớt số
sách mua cả về số lượng và chất lượng vì cho rằng sản phẩm trí tuệ ở châu Âu
đương sút kém.
Xong, Gaétan lại dùng tiền túi để làm giàu
thêm cho thư viện bằng những tác phẩm mới mà ông cho là hay, xuất bản cả ở Pháp
cũng như ở nước ngoài; và xem chừng ông ta không thiếu trí phán đoán, mặc dầu
anh em của ông không thừa nhận lấy một mảy may. Nhờ con người nhàn rỗi và hiếu
kỳ đó, các bộ sưu tập của nam tước Alexandre hầu như được hoàn bị kịp thời.
Thư viện nhà d’Esparvieu hiện nay vẫn còn
là một trong những thư viện tư khá nhất châu Âu về thần học, pháp học và sử học.
Các bạn có thể đến đó nghiên cứu môn vật lý học hay nói cho đúng hơn, mọi ngành
của vật lý học và nếu các bạn có đôi chút quan tâm, môn siêu hình học hoặc các
khoa siêu hình học, nghĩa là những gì chắp vào các khoa vật lý và không có tên
gọi khác, vì thật không thể nào gọi được bằng một danh từ chỉ vật chất(2) cái gì vốn
không có chất mà chỉ là mơ mộng và ảo tưởng. Các bạn có thể đến đó chiêm ngưỡng
các nhà triết học tiến hành công việc hòa tan, phân hủy và phân tích cái tuyệt
đối, xác định cái vô định và định ranh giới cho cái vô biên. Có đủ mọi thứ
trong cái đống chất chồng những kinh điển lớn và kinh điển nhỏ thiêng liêng hay
phàm tục đó, có đủ mọi thứ cho đến cả cái chủ nghĩa thực dụng mới toanh và
trang nhã nhất hạng.
Những thư viện khác có nhiều hơn những bộ
sách đóng bìa cứng đáng tôn kính vì cổ kính, vì gốc gác hiển hách, vì nét gân
và màu sắc của da bọc dịu dàng, quý về nghệ thuật của người thợ thếp vàng đã ấn
những mũi sắt thành những đường chỉ và những đường ren, thành những cành cây uốn
và hoa lá, thành những biểu tượng, những huy hiệu và ánh ngời dịu dàng của
chúng đã làm mê mẩn những con mắt sành sỏi; những thư viện khác có thể tích chứa
với số lượng lớn hơn những bản thảo trang trí bằng những bức tiểu họa tinh tế
và linh hoạt nhờ ngòi bút lông của xứ Venice, Flanders, hoặc Touraine(3).
Nhưng không một thư viện nào vượt được thư
viện này về những xuất bản phẩm hình thức đẹp và nội dung hay của những tác giả
cổ đại và hiện đại, thánh nhân hoặc phàm nhân. Ở đó có tất cả những gì còn lại
của thời cổ đại; tất cả các Cha của Giáo hội(4), các nhà biện giải
cho Cơ đốc giáo và các nhà nghiên cứu thành thạo về giáo lệnh của các Giáo Hoàng
xưa, tất cả các nhà nhân văn thời Phục hưng, tất cả các nhà bách khoa, toàn bộ
triết học, toàn bộ khoa học.
Chính cái đó làm cho Hồng y giáo chủ
Merlin, khi hạ cố đến thăm thư viện đó, đã phải thốt lên:
- Không một đầu óc nào đủ sức chứa tất cả
kiến thức chứa đựng trên những giá sách kia. May thay, việc đó không cần thiết.
Đức cha Cachepot, khi còn là trợ tế ở
Paris, đến làm việc ở đó, vẫn thường nói:
- Tôi thấy ở đó có đủ chất liệu để làm nên
nhiều đại tác giả chính giáo và tà giáo(5), nếu tâm trí con người ta đã không mất
đi cái cuồng nhiệt có tự xưa đối với thiện và ác, đó là điều không ai chối cãi.
Phần phong phú nhất của bộ sưu tập đồ sộ kia là những bản thảo. Đáng kể nhất
trong đó là những thư tín chưa hề in của Gassendi(6), của cha Mersenne(7), của
Pascal(8), chúng rọi những ánh sáng mới lên tinh thần thế kỷ XVII. Cũng không
được phép quên những kinh thánh Hebrew, những pháp điển Do Thái, những khảo luận
về giáo lý Do Thái, hoặc in hoặc viết tay, những văn bản tiếng Aramée(9) và tiếng
Samaritan(10) viết trên da cừu và trên những mảnh vỏ tước ở cây phong(11), rút
cục là tất cả những bản sách cổ kính và quý báu được Moïse de Dina(12) thâu lượm
được ở Ai Cập và Syrie và Alexandre d’Esparvieu đã chuốc được không mấy tốn kém
khi nhà bác học chuyên nghiên cứu tiếng Hebrew đến Paris chết già và khốn cùng
năm 1836.
Thư viện của dòng họ d’Esparvieu chiếm cả tầng
gác thứ hai của tòa nhà cũ. Những tác phẩm xét là không thú vị gì mấy, như các
sách có chú giải của phái Tin lành thế kỷ XIX và XX, do ông Gaétan tặng cho, bị
liệt vào một xó tận cùng sâu thẳm của gác xép dưới mái nhà, không đóng bìa cứng
gì cả. Thư mục, với các phụ trương, gồm không kém mười tám quyển in gấp cuốn(13).
Thư mục đó được hoàn bị kịp thời, và thư viện được sắp xếp nghiêm chỉnh.
Ông Julien Sariette, nhà quản lý tàng thư
chuyên về cổ tự học, vốn nghèo và giản dị, dạy học để sống, năm 1895 được Giám
mục địa phận Agra giới thiệu, trở thành gia sư của chàng Maurice và hầu như đồng
thời là người quản thư viện nhà d’Esparvieu. Bẩm sinh làm việc có phương pháp
và kiên trì nhẫn nại, ông Sariette đã ra tay sắp xếp tất cả các bộ phận của cái
toàn khối mênh mông đó. Cái phương thức rất đỗi phức tạp do ông ta nghĩ ra và
áp dụng, các ký hiệu ông ta đề vào các sách, gồm bao nhiêu là chữ hoa và chữ
thường, La tinh và Hy Lạp, bao nhiêu là chữ số Ả Rập và La Mã, kèm theo những dấu
một hoa thị, hai hoa thị, ba hoa thị và những ký hiệu số học chỉ các đại lượng
và các nghiệm, nghiên cứu những thứ đó còn tốn nhiều thì giờ và công sức hơn là
để học đại số học cho hoàn hảo, và, vì không ai muốn tìm hiểu sâu các biểu tượng
tối tăm kia bằng thì giờ tốt hơn là dùng để phát minh các định luật số học, cho
nên ông Sariette vẫn là con người duy nhất có khả năng lần mò ra được trong các
cách xếp đặt của ông ta, và kết quả là nếu không có sự giúp đỡ của ông, ta sẽ
không thể lần tìm được cuốn sách mình cần trong số ba trăm sáu mươi nghìn quyển
sách giao cho ông trông nom. Kết quả của bao nhiêu công phu bỏ ra là như vậy
đó.
Ông ta chẳng những không phàn nàn tí nào,
mà trái lại, ông ta thấy thỏa mãn vô cùng.
Ông Sariette yêu cái thư viện của ông. Ông
yêu nó bằng một tình yêu thiết tha. Hằng ngày, ông tới đó từ bảy giờ sáng, và ở
đó, trên một bàn giấy lớn bằng gỗ đào hoa tâm, ông liệt kê sách vào thư mục.
Phiếu do ông viết tay ních đầy cái tủ hồ sơ đồ sộ dựng đứng gần bên ông và trên
nóc có bức tượng bán thân bằng thạch cao Alexandre d’Esparvieu tóc bay lộng
gió, con mắt nhìn uy nghi, hai chòm tóc nhô bên mang tai như Chateaubriand(14),
miệng tròn xoe, ngực để trần. Đúng lúc chuông điểm mười hai giờ trưa, ông
Sariette đi ăn bữa trưa ở phố Vịt Con(15) chật hẹp và tối tăm, ở cửa hàng bán đồ
ăn nhẹ Bốn Giám Mục, nơi mà Baudelaire(16), Théodore de Banville(17), Charles
Asselineau(18), Louis Ménard(19) và một đại nhân Tây Ban Nha người đã dịch “Những
bí mật thành Paris”(20) sang tiếng của những conquistador(21), thường hay lui tới. và những con vịt cái bì bõm đến
xinh trên tấm biển cũ kỹ bằng đá đã thành tên cho cả dãy phố cũng nhận ra ông
Sariette.
Đúng mười hai giờ bốn mươi lăm phút, ông trở
về thư viện ở lì đó cho đến bảy giờ rồi lại đến quán Bốn Giám Mục ngồi trước
cái bàn ăn đạm bạc, trên có bày những trái mận. Chiều tối nào cũng vậy, sau bữa
ăn, người bạn của ông là Michel Guinardon, mọi người đều gọi là ông già
Guinardon, họa sĩ trang trí, sửa chữa tranh, làm việc cho các nhà thờ, từ căn
gác xép ở phố Bà Chúa đến quán Bốn Giám Mục để uống cà phê và rượu mạnh, và hai
ông bạn chơi với nhau một ván đôminô. Ông già Guinardon, còn tráng kiện ra trò
và đầy nhựa sống, thực tuổi già hơn người ta tưởng: ông ta đã quen biết
Chenavard(22). Trinh khiết đến mức hoang dại, ông ta luôn mồm tố cáo các trò
nhơ nhớp của tân Đa thần giáo bằng một thứ ngôn ngữ tục tĩu ghê gớm. Ông ta
thích nói. Ông Sariette sẵn lòng nghe. Ông già Guinardon ưa nói chuyện với ông
bạn về điện thờ các Thiên sứ ở nhà thờ St. Sulpice, nơi đó các bức họa đã tróc
lở từng chỗ, và ông ta sẽ phải phục chế khi nào Chúa ưng, vì từ ngày phân lập
các nhà thờ chỉ còn thuộc về Chúa thôi và chẳng có ai lo những công việc sửa chữa
cấp bách nữa. Nhưng ông già Guinardon không đòi hỏi công sá gì hết.
- Michel là thần bảo hộ của tôi, - ông ta
nói, - và tôi có một lòng thành kính đặc biệt đối với các Thiên sứ.
Sau khi đã đánh xong một ván đôminô, ông
Sariette bé loắt choắt, và ông già Guinardon lực lưỡng như một cây sồi, tóc bờm
xờm như một con sư tử đực, cao lớn như một Thánh Christopher(23), hai người ra
đi sát cạnh nhau, vừa đi vừa chuyện trò to nhỏ, qua quảng trường St. Sulpice,
dưới bóng đêm bất kể tốt trời hay xấu trời. Ông Sariette thẳng đường trở về nhà
riêng, làm cho nhà họa sĩ, vốn thích kể chuyện và lang thang ban đêm, rất lấy
làm tiếc.
Ngày hôm sau, ông Sariette đúng lúc chuông
điểm bảy giờ lại đến ngồi ở vị trí mình tại thư viện, và lại liệt kê thư mục.
Song ngồi ở bàn giấy mà bất kỳ ai đến ông đều nhìn bằng con mắt của Medusa(24),
sợ rằng đây lại là một kẻ đến mượn sách. Ông ta những muốn bằng cái nhìn đó, biến
thành đá không những các quan tư pháp, các nhà chính khách, các chủ giáo cậy thế
có thân tình với chủ nhà để đòi hỏi được trao cho một tác phẩm nào đó, mà cả đến
ông Gaétan, là ân nhân của thư viện, đôi khi đến lấy một cuốn sách cổ lỗ nhảm
nhí hoặc vô tín ngưỡng nào đó để đem về nông thôn đọc trong những ngày mưa, cả
đến bà René d’Esparvieu, khi bà đến kiếm một cuốn sách để nhờ người đọc cho bệnh
nhân trong bệnh viện của bà, và ngay cả chính ông René d’Esparvieu nữa, tuy ông
này thường chỉ cần đến quyển Dân luật và bộ Dalloz(25) là đủ. Có ai mang đi một
quyển sách nhỏ nhặt nhất cũng như thể giằng xé tâm hồn ông. Để từ chối cho mượn
sách ngay với những người có nhiều quyền hỏi mượn nhất, ông Sariette bịa ra
hàng nghìn cách nói dối khôn khéo hoặc thô lỗ, và không ngại vu khống chính
công việc quản trị của ông hoặc gây ra sự ngờ vực cẩn mật của ông, khi nói rằng
đã lạc đâu mất, hay đã mất hẳn rồi, một cuốn sách mà mới một giây lát trước đó
ông ta còn ấp ủ bằng đôi mắt và ôm chặt vào trái tim. Và, khi rút cục nhất thiết
ông phải xì ra một cuốn sách, thì ông lấy đi lấy lại hai chục lần ở tay người
mượn, trước khi buông cho người đó.
Không lúc nào ông ngớt run sợ rằng một vật
gì đó, trong những vật được giao phó cho ông chăm sóc, chẳng may lại lọt đi đâu
mất chăng. Là người quản thư ba trăm sáu mươi nghìn cuốn sách, ông thường xuyên
có ba trăm sáu mươi nghìn lý do để mà lo sợ. Đôi khi ông thức dậy ban đêm, người
ướt đẫm mồ hôi lạnh toát và thét lên một tiếng não nùng, vì đã nằm mơ thấy một
lỗ hổng trên một ngăn tủ.
Một quyển sách phải rời khỏi ngăn đối với
ông quả là quái gở, vô lý và đau lòng. Sự keo kiệt cao quý của ông làm cho ông
René d’Esparvieu điên tiết, ông này không nhận ra những đức tốt của người quản
thư tuyệt hảo, lại gọi ông ta là lão già lẩm cẩm.
Ông Sariette không biết tới điều bất công
đó, nhưng ví dù có phải đương đầu với những thất sủng cay độc nhất, có phải chịu
đựng sự lăng nhục và thóa mạ để cứu vãn tính toàn vẹn của vật ký thác, thì ông
cũng cam lòng. Nhờ ở đây đức cần mẫn, chu đáo, lòng nhiệt thành của ông, hay để
nói gọn tất cả bằng một tiếng, nhờ ở tình yêu của ông ta, thư viện của dòng họ
d’Esparvieu đã không mất một tờ nào dưới quyền quản trị của ông ta, trong mười
sáu năm trời tính vừa tròn đến ngày mùng 9 tháng 9 năm 1912.
-------------
Chú thích.
1. Ligugé: tên một xã ở tỉnh Vienne, quận Poitiers, miền tây nước
Pháp, có tu viện dòng Thánh Benedictines sáng lập năm 361. François Rabelais hồi
đầu đã là tu sĩ của tu viện đó.
2. Substantif: trong tiếng Pháp, có
hai tên để gọi danh từ: nom là danh từ chỉ tên các sự vật nói chung, và
substantif vốn là danh từ chỉ tên các vật có chất (substance: chất) như cái
bàn, hòn đá, cái cây, v.v… Về sau, trong các sách ngữ pháp, người ta hay dùng từ
substantif (thay cho từ nom) để chỉ tên bất cứ cái gì, có chất, hay không có chất
(như cái đẹp, sự suy nghĩ, sự khởi thủy, cái kết cục, v.v…). Ở đây, Anatole
France dí dỏm gọi khoa học siêu hình học là cái vốn không có chất (substance)
cho nên không có tên gọi (substantif), nó chẳng qua “chỉ mơ mộng và ảo tưởng”.
3. Tên những thành phố (Venice nước Ý hoặc xứ Flanders hoặc tỉnh
Touraine miền Tây Bắc nước Pháp) nổi tiếng về nghề vẽ những tranh nhỏ bằng son
(minium) tinh xảo trên các bản thảo cổ kính.
4. Les Pères de l’Eglise:
những nhà giảng dạy giáo lý (docteurs de la loi) trước thế kỉ XIII, những vấn đề
tín ngưỡng đã được Giáo hội coi là khuôn phép cho mọi tín đồ.
5. (Nguyên văn: …làm nên nhiều Thomas d’Aquin và nhiều Arius).
- Thomas d’Aquin thường được gọi là Thánh Thomas (1225-1271) - nhà thần học lớn nhất của đạo Thiên chúa, tác giả những sách Đại toàn thư chống những người ngoại đạo (Somme contre les gentils) và Đại toàn thư thần học (Somme théologique) v.v. đều là sách diễn đạt hoàn hảo nhất của triết lý Thiên chúa giáo.
- Arius (256-336) - giáo sĩ, sinh ở Alexandrie, hải cảng Ai Cập, trên bờ Địa Trung Hải, ông tổ nổi tiếng của một “tà giáo”, sáng lập ra môn phái những người Ariens, nghĩa là những người theo học thuyết của Arius (Arianisme).
- Thomas d’Aquin thường được gọi là Thánh Thomas (1225-1271) - nhà thần học lớn nhất của đạo Thiên chúa, tác giả những sách Đại toàn thư chống những người ngoại đạo (Somme contre les gentils) và Đại toàn thư thần học (Somme théologique) v.v. đều là sách diễn đạt hoàn hảo nhất của triết lý Thiên chúa giáo.
- Arius (256-336) - giáo sĩ, sinh ở Alexandrie, hải cảng Ai Cập, trên bờ Địa Trung Hải, ông tổ nổi tiếng của một “tà giáo”, sáng lập ra môn phái những người Ariens, nghĩa là những người theo học thuyết của Arius (Arianisme).
6. Gassendi (linh mục
Pierre Gassend tức Gassendi) (1552-1655) - nhà toán học, triết học duy vật
Pháp, nổi tiếng vì những cuộc công kích triết lý của Aristotle. Ông là người
phóng đại vô tín ngưỡng trứ danh nhất của thế kỷ XVII.
7. Cha Mersenne (1588-1648) - nhà bác học, tu sĩ bạn thân thường
trao đổi thư tín với Descartes, nhà triết học người Pháp nổi tiếng của thế kỉ XVII.
Tác giả bộ sách Sự điều hòa của vũ trụ (Harmonie universelle).
8. Blaise Pascal (1623-1662): nhà hình học, vật lý học, triết học
và nhà viết văn nổi tiếng của Pháp, có nhiều phát kiến về khoa học, và đứng
hàng đầu những nhà viết văn xuôi Pháp thế kỷ XVII.
9. Tiếng Aramée - Aramée là tên trong Kinh thánh gọi chung hai nước
Syrie và Lưỡng hà (Mésopotamie). Tiếng Aramée là thổ ngữ của dân Sémites du mục
ở phía Tây sông Euphrate.
10. Tiếng Samaritan - Samaritan là một miền của xứ Palestin, giữa
Galilee và Judaea.
11. Cây phong (sycomore), có thể là cây vông, có nơi dịch là cây
sung, hoặc cây chỉ thảo, loại cây gỗ nhẹ và chắc, vỏ cây tước ra thành phiến để
viết.
12. Moïse de Dina - tên nhân vật hư cấu.
13. Tức in Folio - cỡ sách in to nhất, giấy nguyên tờ chỉ gấp ba hoặc
gấp đôi, thành bốn hoặc sáu trang.
14. François-René de Chateaubriand (1768-1848): nhà văn người Pháp
có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của văn học lãng mạn Châu Âu thế kỷ XIX.
Trong các bức họa chân dung của ông được phổ biến, ông đều được vẽ có hai chòm
tóc nhỏ ở mang tai và bộ tóc gió thổi lòa xòa.
15. Phố Vịt con (Rue des Canettes), đây dịch nghĩa từ Canettes (là
những con vịt cái con) chứ không dịch âm, cũng như ở dưới, cửa hàng Bốn Giám Mục
cũng là dịch nghĩa (Quatre Évêques), và phố Princesse dịch là phố Bà Chúa.
16. Charles Baudelaire (1821-1867): thi sĩ người Pháp.
17. Théodore de Banville (1823-1891): thi sĩ người Pháp.
18. Charles Asselineau (1820-1874): học giả uyên bác người Pháp.
19. Louis Ménard (1822-1901): nhà hóa học và nhà văn người Pháp đã
phát minh ra chất collodion.
20. Những bí mật của Paris (Les Mystères de Paris) - tác phẩm nổi
tiếng của Eugène Sue (1804-1857).
21. Conquistadors - tiếng Tây Ban Nha (có nghĩa là những người đi
chinh phục), để chỉ những tay phiêu lưu Tây Ban Nha đi chinh phục châu Mỹ thế kỷ
XV và XVI.
22. Paul Chenavard (1807-1895): họa sĩ người Pháp sinh ở Lyon, tác
giả bức họa Divina Tragedia, đối ứng với La Divina Commedia (Thần khúc) của
Dante.
23. Thánh Christopher, sinh ra ở Syrie, tử vì đạo vào khoảng năm
250. Tên gọi do tiếng Hy Lạp Cristo - phoros, nghĩa là mang đức Chúa Cristo, ám
chỉ huyền thoại kể rằng ông này vác hài nhi Jesus trên vai để đưa qua sông, như
vậy chắc hẳn ông ta phải cao lớn lực lưỡng.
24. Medusa - một trong ba nữ quái Gorgone, có phép làm cho kẻ nào
nhìn họ, nhất là Medusa, hóa thành đá.
25. Dalloz - tên một bộ sách của Victor Dalloz (1795-1869), nhan đề
là Vị tập (thường gọi là Vựng tập… do sự phiên âm sai lầm của mấy thế hệ nhà
Nho của ta), Án lệ đại cương (Répertoire de la Jurisprudence générale).
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét