Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

Thiên Thần Nổi Loạn - Chương 19

Thiên Thần Nổi Loạn

Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987

Chương 19

Truyện kể tiếp theo.

“Khi loài người đã biết canh tác, chăn dắt đàn gia súc, xây tường bao quanh các thành trì thiêng liêng và nhận biết các thần về vẻ đẹp của họ, tôi bèn rút lui về cái miền êm đềm nọ, có những khu rừng dày rậm bao quanh, có những dòng sông chảy qua, sông Stymphale, sông Olbios, sông Erymanthos, và sông Styx (1) lạnh giá, và ở đó, trong một thung lũng tươi mát, dưới chân một ngọn đồi trồng những cây dương mai (2), cây ô liu, cây thông, dưới một cụm những cây phong và cây bạch dương, bên bờ một dòng suối chảy róc rách êm đềm giữa những khóm nhũ hương rậm rạp, tôi ca vịnh cho những mục đồng và những Lâm Tuyền tiên nữ nghe chuyện đản sinh của thế giới, nguồn gốc của lửa, của không khí tinh vi, của nước và của đất.
Tôi nói cho họ nghe những con người đầu tiên đã sống khổ cực và trần trụi như thế nào, trong rừng rú, trước khi những quỷ thần có trí xảo dạy bảo cho họ các kỹ năng và nói cho họ biết các giáo đoàn của Thần (3) và người ta tương truyền Sémélé (4) là mẹ của Dionysus như thế nào, bởi vì tư tưởng ân ưu của Người phát sinh ra từ trong sấm sét.
Cái dân tộc dễ thương hơn tất cả các dân tộc, đối với mắt của các quỷ thần, dân tộc Hy Lạp đó, không phải đã tìm ra, không phải vất vả, nền văn hiến tốt đẹp và các kỹ năng. Ngôi đền đầu tiên của họ là một cái chòi kết bằng những cành nguyệt quế; hình tượng chư thần tiên đầu tiên của họ, là một phiến đá sù sì, còn nhuốm máu của Iphigenie (5). Nhưng chỉ ít lâu, họ đem sự khôn ngoan và cái đẹp lên đến một điểm chưa có một dân tộc nào, đã đạt tới trước họ, chưa có một dân tộc nào, từ đó về sau, đã bén được tới gần. Cái kỳ tích độc nhất trên trái đất đó, Arcade ơi, từ đâu mà ra? Vì sao mảnh đất thiêng liêng của xứ Ionie và xứ Attique (6) đã sinh dưỡng được bông hoa vô song đó? Vì ở đó không có giáo quyền, giáo điều, thiên khải gì cả, cả người Hy Lạp không biết đến vị thần duy ngã độc tôn. Chính thiên tư cố hữu của họ, vẻ đẹp cố hữu của họ, mà người Hellène (7) làm thành những thần thánh của họ, và khi họ ngước mắt nhìn lên trời, thì họ thấy lại ở trên đó hình ảnh của chính mình. Họ quan niệm mọi sự vật theo tầm vóc họ và cho các đền đài của họ những kích thước hoàn hảo: tất cả mọi thứ ở đó đều ưu nhã, hài hòa chừng mực và khôn ngoan; tất cả ở đó đều xứng đáng với các vị thần tiên được thờ phụng, và dưới những danh hiệu tốt lành, dưới những hình thể trọn vẹn, các vị đó đều biểu hiệu thiên tư của con người. Các cột trụ nó nâng đỡ cái dầm bằng cẩm thạch, cái diềm phẳng và cái gờ trên diềm (8) có một cái gì gần gũi với con người, làm cho chúng đáng tôn kính, và đôi khi người ta trông thấy, cũng như ở Athènes và ở Delphes (9), những cô gái xinh đẹp, cường tráng và tươi cười, mang cả cái khối đầu cột của những kho tàng và của những điện thánh. Ôi lộng lẫy thay, hài hòa thay, hiền minh thay!
Dionysus quyết định đi sang nước Ý. Ở đó có những dân tộc thèm khát được tung dương những huyền bí của Người, gọi tên Người là Bacchus. Tôi kiếm chỗ ngồi trong chiếc thuyền của Người có trang trí những cành nho, và ghé bên dưới con mắt nhìn của hai người em trai nàng Hélène (10), ở cửa sông Tibre (11) vàng óng. Nhờ những bài học của vị thần, các cư dân của xứ Latium (12) đã biết phối hợp cây nho với cây tiểu du. Tôi thích đến cư ngụ, dưới chân núi Sabins (13), ở một thung lũng nhỏ có cành lá sum suê, có những dòng suối trong trẻo chảy qua. Tôi hái trong những cánh đồng cỏ, hoa mã tiên và hoa cẩm quỳ. Những cây ô liu xanh lợt, vặn vẹo ở dốc sườn đồi những cái thân bị xuyên thủng lỗ chỗ, cung cấp cho tôi những quả óng mượt. Ở đó, tôi dạy bảo cho những con người có cái đầu ngoan cố, họ không có như người Hy Lạp, một đầu óc trí xảo, nhưng có trái tim cương nghị, có tâm hồn nhẫn nại và họ tôn kính chư thần. Anh chàng láng giềng của tôi, binh sĩ quê mùa, suốt trong mười lăm năm, còng lưng dưới gánh nặng, đã đi theo con đại bàng La Mã (14) qua núi cao, biển cả, và đã trông thấy những quân thù của dân tộc - đế vương bỏ chạy. Bây giờ anh ta điều khiển trong ruộng cày hai con bò thiến màu hung hung của anh, chúng mang trên trán, giữa đôi sừng nở nang, một ngôi sao trắng. Trong khi đó, dưới mái rạ, vợ anh ta, trinh tiết và nghiêm trang, giã tỏi trong một cái cối bằng thanh đồng và nấu món đậu hột trên phiến đá thiêng liêng của bếp lửa. Và tôi, bạn của anh, ngồi không xa dưới một gốc cây sồi, tôi làm vui cho công việc của anh bằng tiếng sáo của tôi và tôi mỉm cười với lũ con trẻ của anh khi vào giờ mặt trời ngả bóng, chúng ở rừng về, mang nặng những củi cành. Ở cửa vườn, có những trái lê và trái bầu đang chín và có cây hòe và cây acanthe (15) muôn đời xanh tươi đang nở hoa, một tượng thần Priape (16) đẽo gọt vào một cái thân cây vả, đe dọa bọn trộm cắp bằng cái dương vật (17) to tướng và những cây lau sậy gió thổi phất phơ trên đầu tượng thần đó, làm kinh hãi bọn chim phá phách. Đầu tuần trăng, anh chàng nông phu thành kính cung hiến các thần gia trạch đầu kết vòng hoa sim và hoa mê điệt, một nắm muối và lúa đại mạch.
Tôi được trông thấy các con của anh và các con của các con anh lớn lên, chúng vẫn giữ được trong trái tim lòng thành kính ban đầu và không quên dâng của lễ hy sinh cho Bacchus, Diane và Vénus, cũng không quên rót rượu vang thuần khiết và trút những bông hoa xuống dòng suối. Nhưng dần dà, chúng sút kém tính nhẫn nại và hồn nhiên như cũ. Tôi nghe thấy chúng rên rỉ khi dòng thác, bị những trận mưa to làm cho nước dềnh lên, bắt buộc chúng phải đắp một con đê để bảo vệ đồng ruộng của ông cha: rượu vang gắt của xứ Sabine làm cho mồm miệng tế nhị của chúng chán ngán. Chúng đi uống những rượu vang Hy Lạp ở quán rượu lân cận và quên cả giờ giấc khi nhìn xem nhảy múa, dưới giàn nho treo tường, cô nàng thổi sáo khéo uốn éo đôi hông nhẵn bóng của cô, theo tiếng chuông rung của con rắn mai gầm (18). Các nông phu tự tạo những giây phút rảnh rang vui thú khi nghe tiếng rầm rì của cành lá và của những dòng suối, nhưng người ta trông thấy, qua khe hở của rặng bạch dương, dựng lên ở bờ con đường cái thiêng liêng, những ngôi mộ to lớn, những bức tường, những bàn thờ, và tiếng rầm rầm của những chiến xa trở thành quen thuộc hơn trên những đá lát đường đã mòn. Một cây anh đào còn tơ, do một cựu chiến binh mang lại, cho chúng tôi biết những cuộc chinh phục xa xôi của một vị tổng tài, và những bài đoản thi, hát theo tiếng thiên cầm, mách bảo cho chúng tôi biết những chiến thắng của La Mã, chúa tể thế giới.
Tất cả các miền mà Dionysus vĩ đại đã rong ruổi qua, biến đổi các dã thú thành những con người, và làm nảy nở hoa quả và mùa màng trên con đường của những ménade của người, bây giờ được sống cảnh thanh bình của La Mã, Đứa con bú sữa của con Sói mẹ (19), vừa là binh sĩ và thợ đào đắp, bạn của các dân tộc thua trận, vạch ra các con đường đi từ các bờ của Biển cả mù sương đến tận những sườn dốc hiểm trở của rặng núi Caucasus; trong tất cả các đô thành, những đền đài của Augustus và của La Mã được dựng lên, và lòng tin của tất cả loài người vào nền công lý La tinh lớn đến nỗi trong các hẻm núi của xứ Thessalie (20) hoặc trên những bờ sum suê của sông Rhin, người nô lệ sắp ngã gục dưới một sức đè nặng bất công, kêu lên: “César!”. Nhưng tại sao, trên trái cầu đất và nước này, mọi cái đều phải héo hon và chết đi, và những cái đẹp nhất lại chóng tàn nhất? Hỡi những con gái (21) đáng yêu của Hy Lạp, hỡi khoa học, hỡi Hiền minh, hỡi cái đẹp, những thần thánh ân đức, các người ngủ một giấc hôn mê, trước khi bị sự xúc phạm của những quân man di (22) chúng đã sẵn sàng, trong đầm lầy phương Bắc và các thảo nguyên hoang vắng, để tấn công các người, chúng đang cưỡi trên những con ngựa không yên bé nhỏ lông dài của chúng.
Arcade thân mến ơi, trong khi người binh sĩ nhẫn nại đóng quân ở những bờ sông Phase và Tanaïs (23), thì những phụ nữ và những giáo sĩ của châu Á và của châu Phi quái đản xâm lược đô thành Vĩnh cửu (24) và đem những uy thế của chúng làm hoang mang những người con của Rémus. Từ trước đến đó kẻ ngược đãi các quỷ thần tài trí, Jéhovah, chỉ được biết đến trong thế giới, mà y mạo xưng là đã sáng tạo ra, bởi vài bộ tộc khốn khổ ở Syrie, từ lâu vẫn hung dữ như y, và vĩnh viễn bị kéo lê từ vòng nô lệ này sang vòng nô lệ kia. Lợi dụng nền thanh bình của La Mã bảo đảm khắp nơi sự tự do buôn bán, du hành và khuyến khích sự trao đổi những sản phẩm và những tư tưởng, vị thần già nua này chuẩn bị cuộc chinh phục láo xược vũ trụ. Ngoài ra, y không phải có một mình làm một cuộc mưu đồ như thế. Cùng một lúc với y, một đoàn lúc nhúc những chư thần, những thần sáng tạo, những ma quỷ, như Mithra, Thamous, thần Isis hiền hậu, Euboulos (25) cũng trù tính xâm chiếm thế giới thanh bình. Trong số tất cả những thần đó, thì Jéhovah có vẻ ít được sẵn sàng để chiến thắng hơn cả. Sự dốt nát của y, sự độc ác, sự khoa trương, sự xa hoa mang tính chất châu Á, sự khinh thường các quy luật, sự giả vờ ẩn hình của y, chắc là phải xúc phạm người Hellène, các người La tinh kia, họ đã được tiếp thu những bài học của Dionysus và của các Nữ thần văn nghệ. Bản thân y cũng tự cảm thấy không có khả năng tranh thủ những trái tim của những con người tự do và của những đầu óc đã được khai hóa, và y dùng mưu mẹo. Để cám dỗ các linh hồn, y bịa ra một chuyện hoang đường, mặc dầu không khôn khéo bằng những huyền thoại, mà chúng tôi đã trang trí cho đầu óc của những đồ đệ xưa cũ của chúng tôi, nhưng cũng có thể làm cảm động những trí thông minh yếu ớt, ở đâu thì cũng có từng đoàn lũ dày đặc. Y tuyên bố rằng loài người vì tất cả đã phạm một tội nặng đối với y, một tội nặng truyền tử nhập tôn, phải chịu sự hình phạt trong đời sống hiện tại và đời sống tương lai của họ (vì những con người trần tục nghĩ một cách điên rồ rằng đời sống của họ còn kéo dài tới địa ngục) và lão Jéhovah láu lỉnh cho biết lão đã phái con trai của chính lão xuống trần gian để lấy máu của y chuộc tội cho loài người. Không thể nào tin được rằng khổ hình lại chuộc được tội lỗi, và lại càng khó tin hơn nữa rằng kẻ vô tội có thể đền tội cho kẻ có tội. Những đau khổ của một kẻ vô tội chẳng đền bù được gì cả và chỉ thêm một sự đau khổ vào một sự đau khổ khác. Ấy vậy mà, có những con người khốn khổ đi thờ kính Jéhovah và con trai đền tội của lão, và đi báo tin những huyền bí của bọn họ như một tin lành. Đáng lẽ chúng tôi phải ngờ trước sự điên rồ đó. Chúng tôi đã chẳng thấy bao phen những con người kia, khi còn nghèo khổ và trần trụi, quỳ xuống trước mặt tất cả những bóng ma của sự kinh hãi và đáng lẽ theo các bài học của những quỷ thần ân đức, lại vâng theo cái điều răn của những thần sáng tạo độc ác? Jéhovah, bằng mưu mẹo, vơ được các linh hồn như một mẻ lưới. Nhưng lão không rút ra được, để làm vinh quang cho lão, tất cả cái lợi mà lão chờ đợi. Không phải lão ta, mà là con trai của lão được tiếp nhận những lễ vật của loài người và đem tên của y (26) đặt cho sự sùng bái mới. Bản thân lão thì hầu như cả trái đất không ai biết đến”.
--------------
Chú thích.

1. Stymphale là con sông ở vùng Peloponese - Hy Lạp, nơi Héraclès thực hiện kỳ công thứ sáu, tiêu diệt bầy chim Stymphale.
Olbios: Tên con sông cổ gần Phénéos, Hy Lạp.
Erymanthos: tên con sông phía tây Peloponese - Hy Lạp.
Styx: trong thần thoại Hy Lạp, Styx là con sông tạo nên ranh giới giữa trần gian và âm phủ.

2. Cây dương mai (arbousier): các từ điển Pháp-Hoa và Pháp-Việt đều dịch như vậy, không rõ là cây gì, arbousier, là một giống cây ở miền Nam nước Pháp, có quả màu đỏ gần giống như dâu tây.

3. Các giáo đoàn của thần (les thyases du Dieu): Thần, đây là Dionysus; thyases là các đoàn thể do những người tín mộ lập nên để cúng bái thần Dionysus.

4. Sémélé: mẹ của Dionysus, con gái của Cadmos, vua sáng lập thành Thèbes (Hy Lạp).

5. Iphigenie: con gái của Agamennon và Clylemnestre.
Agamemnon, thủ lĩnh những anh hùng Hy Lạp vây hãm thành Troie. Để làm yên cơn giận dữ của nữ thần Diane và làm dứt những cơn gió ngược, Agamemnon phải hy sinh con gái là Iphigenie, theo lời khuyên của thầy bói Calchas (Truyện hy sinh Iphigenie đã làm đề tài cho vở bi kịch lớn của Raisin).

6. Ionie, Attique:
- Ionie là một xứ ở Tiểu Á châu xưa, nơi cư trú của những người Hy Lạp di cư; những người này là những người Hy Lạp thông minh và quả cảm nhất.
- Attique: một miền của Hy Lạp cổ, thủ phủ là Athènes. Tiếng Attique đi vào ngôn ngữ phổ thông và có nghĩa bóng là có tính ưu nhã, tế nhị và tinh tế của tinh thần Athènes.

7. Hellène tức là người Hy Lạp.

8. Diềm phẳng, gờ trên diềm (frise, corniche): trên đầu những cột trụ (trong kiến trúc các đền đài) có xây một khối đè lên đầu cột và đỡ mái nhà, cả khối gọi là khối đầu cột (entablement), chia làm ba bộ phận: bộ phận dưới cùng đè trực tiếp vào đầu cột, gọi là architrave (đế của khối), bộ phận trên cùng đỡ mái, có đường gờ nhô ra, gọi là corniche (gờ trên diềm), bộ phận giữa, là frise (diềm phẳng) hoặc nhẵn nhụi hoặc có đắp hình trang trí.

9. Delphes: thành của cổ Hy Lạp, ở chân núi Parnasse, trên núi có một đền thờ Apollon.

10. Hélène: công chúa Hy Lạp, có sắc đẹp nổi tiếng, con gái của Léda (chị của Castor và Pollux), vợ của Ménélas, vua thành Sparte. Hélène bị Pâris con của vua thành Troie bắt cóc đem đi, do đó nổ ra cuộc chiến tranh thành Troie, đề tài của sử thi Iliade của Homère.
Hai người anh em trai là Castor và Pollux, con của Léda và Jupiter (hóa thân làm một con thiên nga vào ủ Léda, sinh ra hai con trai nói trên), sau được mang lên trời, hóa thành chòm sao Gémeaux, nghĩa là anh em sinh đôi, tên gọi chòm sao Song tử, là cung thứ ba trong 12 cung Hoàng đạo tương ứng với thời gian từ 21 tháng 5 đến 22 tháng 6 là ngày Hạ chí. Có lẽ ở đây, A. France muốn nói thuyền ghé bến vào thời gian đó.

11. Tibre: con sông ở nước Ý, chảy qua La Mã.

12. Latium: một miền của nước Ý, giữa xứ Toscane và xứ Campanie ở bờ biển Tyrrhénienne, dân cư gọi là dân La tinh. Thủ phủ: La Mã.

13. Núi Sabins: Sabins là tên gọi một dân tộc dòng giống Assyria, đến định cư ở nước Ý, miền Sabins (Sabins ở trung tâm nước Ý, phía Bắc miền Latium) đã từ lâu đời. Dân cư trên dãy núi Sabins, mãi đến năm 220 trước CN mới thần phục người La Mã.

14. Con đại bàng La Mã (l’aigle romaine): tức là quân kỳ, hiệu kỳ của La Mã.

15. Acanthe: một loài cây có gai ở miền nam, lá xanh quanh năm rất rộng và có hình cắt chung quanh rất đẹp, uốn éo thành hình trang trí, thường được khoa kiến trúc lấy làm mẫu đắp hình trang trí ở đầu cột trụ. Các từ điển Pháp-Việt và Pháp-Hoa dịch là: cây tước sang. Đây chỉ là dịch âm.

16. Priape: thần các vườn cây và nương nho.

17. Cái dương vật: ở đây, tác giả không nói son bras mà nói son membre, thì đích là chỉ cái dương vật, chứ không phải cẳng tay, cẳng chân.

18. Rắn mai gầm (Crotale): loài rắn độc, vết cắn bao giờ cũng chết người (có tên gọi nữa là rắn chuông rung). Nhưng crotale còn có nghĩa là cái phách gõ nhịp của các giáo sĩ thờ nữ thần Cybèle. Vậy chúng tôi ngờ rằng ở đây, au son du crotale, có lẽ là phải hiểu theo nghĩa theo nhịp phách thì xuôi hơn. Tuy vậy, cứ đưa cả hai nghĩa ra để bạn đọc tham khảo.

19. Con sói mẹ (la Louve): tương truyền là hai anh em RomulusRémus hồi sơ sinh được một chú sói mẹ cho bú sữa, sau lớn lên Romulus sáng lập ra thành La Mã, làm vua đầu tiên của La Mã. Rémus bị Romulus giết chết. Đây, nói đứa con bú sữa, có lẽ là chỉ Romulus.

20. Thessalie: một miền của Hy Lạp.

21. Con gái: Khoa học, hiền minh, và cái đẹp, tiếng Pháp là Science, Sagesse, Beauté, đều là những danh từ giống cái.

22. Man di (barbare): vốn tiếng barbare (gốc ở tiếng Hy Lạp barbaros, nghĩa là ngoại tộc, ngoại quốc) chỉ dùng ở Hy Lạp và La Mã để chỉ bất cứ người ngoại quốc nào, bị coi là văn minh thấp kém. Sau có nghĩa chung là: kém văn minh, man rợ. Rồi từ đó mở rộng nghĩa là: độc ác, vô nhân đạo, không có văn hóa, thô lỗ, v.v… Dịch là man di cho gần với nghĩa thứ nhất của nó.

23. Phase: Sông nhỏ ở xứ Colchis, chảy vào Hắc Hải.
Tanaïs: tên xưa của sông Don (Nga).

24. Đô thành Vĩnh cửu (Ville Éternelle): tức là La Mã.

25. Mithra, Thamous, Isis, Euboulos:
Mithra, một trong những thần trong tôn giáo của người Iran;
Thamous (Thammuz hoặc Tammuz) là thần của người Sumérien; Isis: đã chú thích; Euboulos: tên vị thần Hy Lạp.

28. Tên của y: Là Jesus Christ, tiếng Christ do tiếng Hy Lạp Christos (nghĩa là được xức dầu) phiên âm qua tiếng Trung Hoa, ta đọc là Cơ đốc đem đặt cho tôn giáo mới Christianisme, ta gọi là Cơ đốc giáo.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét