Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Thiên Thần Nổi Loạn - Chương 5

Thiên Thần Nổi Loạn

Tác giả: Anatole France
Dịch giả: Đoàn Phú Tứ
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 1987

Chương 5

Trong chương này, lấy điện thờ các Thiên sứ ở St. Sulpice làm đề tài bàn luận về nghệ thuật và thần học.

Khi đi vào nhà thờ St. Sulpice, điện thờ các Thiên sứ thần thánh bên phía tay phải khuất đằng sau một cái vách bằng ván ghép. Ông linh mục Patouille, ông Gaétan, cậu Maurice, cháu ông và ông Sariette nối đuôi nhau vào trong điện, qua cái cửa thấp trổ ở bức vách, họ thấy ông già Guinardon đứng trên cái mặt bằng của chiếc thang bắc trước bức họa Héliodore (1).
Nhà nghệ sĩ già, trang bị đủ các chất liệu và dụng cụ, đang trét một thứ vữa ngà ngà trắng vào cái khe nứt đã khiến thầy cả thượng phẩm Onias(2) bị tách làm hai phần. Zéphyrine, người mẫu được ưa chuộng của Paul Baudry (3). Zéphyrine, người có bộ tóc vàng hoe và đôi vai óng ánh từng làm mẫu vẽ nên bao nhiêu Madeleine và Marguerite, bao nhiêu thiên tiên và thủy tiên (4). Zéphyrine, nghe nói đã từng được Hoàng đế Napoléon Đệ Tam sủng ái, lúc ấy đó đương đứng dưới chân thang, bộ tóc bờm xờm bối rối, cái mặt vàng ệch, đôi mắt toét đỏ ngầu, cái cằm điểm lác đác mấy sợi lông dài, già hơn ông già Guinardon, người được bà chia sẻ cuộc đời từ hơn nửa thế kỷ đến nay. Lúc đó, bà ta mang bữa ăn trưa đựng trong làn đến cho nhà họa sĩ.
Mặc dầu, qua khung cửa sổ dát chỉ và có rào lưới ánh sáng lách vào chênh chếch và lạnh lẽo, màu sắc của Delacroix vẫn rực rỡ, và nước da của những hình người và hình thiên sứ vẫn ganh đua chói lói với sắc mặt phè phỡn và đỏ rực của ông già Guinardon lúc này đương leo cao trên một cái trụ của ngôi đền. Những bức bích họa của điện thờ các Thiên sứ, bị chế giễu, la ó khi mới xuất hiện, bây giờ được liệt vào hàng cổ điển lâu đời, tỏ ra cũng bất tử như các kiệt tác của Rubens và của Tintoretto (5).
Ông già Guinardon, râu mọc xồm xoàm, trông giống như thần Thời gian (6) đương xóa bỏ các công trình của thiên tài. Gaétan, hoảng sợ, kêu với ông ta:
- Phải thận trọng, ông Guinardon; phải thận trọng. Đừng cạo nhiều quá.
Nhà họa sĩ nói để ông ta yên lòng:
- Đừng sợ gì, ông d’Esparvieu ạ. Tôi không vẽ theo cái kiểu cách này đâu. Nghệ thuật của tôi cao hơn nữa kia. Tôi làm nên những Cimabue, những Giotto, những Beato Angelico(7); chứ không làm nên những Delacroix đâu. Hạ phẩm này đầy những đối xứng và tương phản nên không tạo ra một ấn tượng thực sự thiêng liêng. Đành rằng Chenavard có nói rằng Cơ đốc giáo thích cái chất kỳ thú, nhưng Chenavard là một tên vô lại, vô đạo, vô luân, một kẻ vô tín ngưỡng… Ông xem đây ông d’Esparvieu: tôi trét kín kẽ nứt, tôi dán lại những vẩy tróc đã bong ra. Thế thôi… Nếu do một chỗ tường vách đã bị sụt, hoặc rất có thể do một chấn động của quả đất thì những hư hại cũng chỉ khoanh ở một khoảng rất nhỏ thôi. Cái thứ sơn có dầu và sáp này trát lên trên một lớp vữa thật khô còn bền hơn là người ta vẫn nghĩ. Tôi đã xem Delacroix dựng tác phẩm này. Hăng say, nhưng cả lo; ông ta nắn nót xóa đi rồi đặt chồng lên mãi một cách cuồng nhiệt, bàn tay mãnh liệt của ông vẫn vụng về như tay con nít; ông vẽ thành thục như một thiên tài và bỡ ngỡ như một anh học trò. Cái đó mà đứng vững được thật là có phép kỳ lạ.
Ông già ngừng nói và lại trét cái kẽ nứt.
- Cái bố cục này, - Gaétan nói, - thật hết sức cổ điển và truyền thống! Ngày xưa nhìn vào thì thấy đầy những mới lạ thật kinh ngạc. Bây giờ lại thấy đầy những công thức cũ rích của người Ý.
- Tôi có thể tự cho phép được công bằng, tôi có đủ phương tiện, - từ trên cái thang cao ngạo nghễ ông già nói, - Delacroix đã sống trong một thời buổi báng bổ và vô tín ngưỡng. Là họa sĩ của suy đồi, song không phải ông ta không lẫm liệt và cao cả. Giá trị của ông cao hơn thời đại. Nhưng ông thiếu lòng tin, thiếu cái hồn hậu của trái tim, thiếu trong sáng. Muốn thấy và vẽ Thiên sứ mà lại thiếu cái đức của những Thiên sứ và của những nghệ sĩ tiền Phục hưng, cái đức tối cao mà ơn Chúa tôi đã thực hành hết sức mình, đó là đức trinh khiết.
- Thôi câm mồm đi, Michel, anh là một con quỷ dâm dật như những đứa khác!
Zéphyrine, bị lòng ghen tuông giày vò, kêu lên như vậy, vì sáng hôm đó, bà đã trông thấy người tình của bà ôm hôn đứa con gái mụ đưa bánh mì, con bé Octavie, nhếch nhác và sáng ngời như một cô dâu mới của Rembrandt (8). Là tình nhân cuồng nhiệt của Michel những ngày tốt đẹp đã qua từ lâu, tình yêu vẫn chưa tắt trong trái tim Zéphyrine.
Ông già tiếp nhận câu lăng mạ hởi lòng hởi dạ kia bằng một nụ cười được giấu kín, và ông ngước mắt lên bầu trời có vị thượng đẳng thiên sứ Michel, dữ dội trong bộ giáp trụ bằng ngọc lưu ly và chiếc mũ bạc mạ vàng đang nhảy chồm trong ánh hào quang sáng chói lọi.
Trong khi đó, ông linh mục Patouille lấy chiếc mũ che làn ánh sáng thô bạo của khung cửa sổ và lim dim mắt lần lượt xem xét kỹ nhân vật Héliodore bị các thiên sứ quất roi, thánh Michel đánh thắng bọn quỷ dữ, và cuộc chiến đấu của Jacob cùng Thiên sứ.
- Mọi cái này thật đẹp, - cuối cùng ông lầm bầm, - nhưng tại sao lại chỉ vẽ trên các bức tường này toàn những thiên sứ đang giận dữ? Tôi đưa mắt nhìn khắp các điện thờ này, chỉ thấy rặt những sứ giả đi rao cái thịnh nộ, các vị thừa hành những cuộc báo thù của Chúa trời. Chúa trời muốn được người ta sợ; Người cũng muốn được người ta yêu nữa chứ. Thật sung sướng nếu thấy trên các tường vách này những sứ giả của khoan hồng và bình yên. Hẳn là ai cũng ước ao được trông thấy ở đó vị đệ nhất thiên sứ đã làm cho đôi môi của nhà tiên tri thành trong sáng; thánh Raphael (9), trả lại thị giác cho ông già Tobias; Gabriel (10), báo cho bà Mary lẽ huyền bí của giáng sinh; vị thiên sứ giải thoát thánh Pierre khỏi xiềng xích; các tiểu thiên sứ mang thi hài nữ thánh Catherine lên đỉnh núi Sinai. Nhất là ở đây hẳn ai cũng vui lòng được chiêm ngưỡng các thiên thần hộ mệnh Chúa ban cho tất cả những người được rửa tội nhân danh Người. Mỗi người chúng ta đều có thiên thần hộ mệnh của mình. Có lẽ sẽ ấm lòng biết bao nếu được ngưỡng vọng trong điện thờ này những tinh thần đầy quyến rũ kia, những khuôn mặt mê ly kia!
- Chà! Thưa linh mục, đành phải theo quan điểm của ông ấy thôi, - Gaétan đáp lời, Delacroix không có tình âu yếm. Ông già Ingres (11) nói chẳng sai rằng tranh vẽ của bậc vĩ nhân đó sặc mùi lưu hoàng. Ông hãy nhìn những thiên sứ kia đẹp huy hoàng biết bao và cũng ảm đạm biết bao, những vị thần á nam á nữ kiêu hãnh và hung dữ kia, những thanh niên độc ác kia giơ những cái roi bảo thủ lên đầu Héliodore, chàng đô vật trẻ huyền bí kia đã nắm được hông vị tộc trưởng (12)…
- Suỵt! - Linh mục Patouille thốt lên, - trong Thánh kinh chàng đó không phải là một thiên sứ như các vị thiên sứ khác; nếu có thì phải là thiên sứ sáng tạo, đấng con vĩnh hằng của Chúa Trời. Lạ thật, vị cha sứ đáng tôn kính của St. Sulpice, ủy thác cho ông Eugène Delacroix trang trí điện thờ này, đã không dặn trước ông ta rằng cuộc chiến đấu tượng trưng của vị tộc trưởng với Đấng-không-chịu-xưng-tên, đã diễn ra trong một đêm tối mịt mùng và đề tài cũng không đúng chỗ, vì đây là miêu tả sự giáng sinh của Jesus Christ. Những nghệ sĩ tài giỏi nhất cũng lầm lạc khi họ không tiếp thu được của một giáo sỹ có uy tín những khái niệm khoa học về tranh tượng Cơ đốc. Đã có rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu các thể chế của nghệ thuật Cơ đốc giáo mà chắc hẳn ông biết, ông Sariette ạ.
Ông Sariette đương đảo ngang đảo ngược đôi mắt lờ đờ. Bữa đó là buổi sáng thứ ba sau sự cố ban đêm ở thư viện. Tuy vậy, thấy vị giáo sư tôn kính gọi hỏi, ông cố tập trung tư tưởng lại và trả lời:
- Về đề mục này, có thể tra cứu có hiệu quả Molanus, De Historia Sacrarum Imaginum et Picturarum (13) trong bản in của Noël Paquot, ấn hành ở Louvain (14) năm 1771, Hồng y giáo chủ Frederico Borromeo, De Pictura Sacra (15) và sách giải thích khoa học tranh tượng của Didron; nhưng tác phẩm cuối cùng này phải đọc dè dặt cẩn thận.
Nói vậy xong, ông Sariette lại chui về cái vỏ im lặng. Ông nghiền ngẫm về cái thư viện khiếp đảm của mình.
- Trái lại, - linh mục Patouille nói tiếp, - vì cần phải nêu gương ngay trong điện thờ này về cơn giận dữ thiêng liêng của các thiên sứ, nên ta phải tán thành nhà họa sĩ bắt chước Raphael (16) miêu họa ở đây các sứ giả của trời trừng phạt Héliodore. Được Seleucus, vua Syrie giao phó việc cướp đoạt của báu tàng trữ trong Đền. Héliodore bị quật ngã bởi một thiên sứ đeo giáp trụ bằng vàng và cưỡi một con ngựa đóng yên cương huy hoàng. Hai vị thiên sứ khác dùng roi quất. Hắn ngã gục xuống đất, như ông Delacroix miêu họa cho ta thấy ở đây, và bị bao phủ trong tối tăm. Thật xứng đáng và bổ ích như sự cố đó được nêu làm gương cho cảnh sát trưởng của nền Cộng hòa và các nhân viên thuế vụ láo lếu. Không đời nào hết sạch những Héliodore, nhưng nên biết rằng: mỗi khi xâm phạm đến của cải Nhà thờ, là của cải của những người nghèo, họ sẽ bị ăn roi và sẽ bị các thiên sứ làm cho mù mắt. Tôi chỉ muốn rằng bức họa này, hoặc hơn thế nữa, tác phẩm trác tuyệt của Raphael cùng về đề tài này phải được khắc họa thu nhỏ, với đủ các màu sắc và phân phát làm phiếu khen trong các trường học.
- Thưa chú, - chàng trẻ Maurice vừa nói vừa ngáp, - cháu thấy những cái trò kia thật là bẩn. Cháu thích Matisse (17) và Metzinger hơn.
Những lời đó rơi tõm chẳng được ai nghe, và ông già Guinardon, ngất ngưởng trên thang, lên giọng tiên tri:
- Chỉ có những nghệ sĩ tiền Phục hưng là đã hé trông thấy trời. Chỉ từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV mới có cái đẹp. Nghệ thuật cổ đại, cái nghệ thuật nhơ bẩn ấy đã ảnh hưởng độc hại đến các đầu óc của thế kỷ XVI, đã gợi cho các thi sĩ, họa sĩ, những tư tưởng tội ác, những hình tượng huênh hoang, những trò ô uế kinh khủng, những cái bẩn thỉu đê tiện. Tất cả các nghệ sĩ thời Phục hưng đều là đồ lợn, không ngoại trừ Michelangelo (18).
Rồi khi thấy Gaétan sắp bỏ về, ông già Guinardon lấy vẻ hiền lành thật thà thì thầm tâm sự:
- Ông Gaétan ạ, nếu ông không ngại leo năm tầng gác, thì xin mời ông quá bộ đến nơi ở nhếch nhác của tôi; tôi có hai ba bức tranh nhỏ đang muốn nhường đi, và có thể chúng sẽ gợi được cảm tình của ông chăng. Nói thật thà đấy, không có gì lắt léo đâu. Tôi sẽ cho ông xem vài thứ khác nữa, trong đó có một tác phẩm nhỏ của Baudouin, ngon lành và đủ chua cay mặn chát làm cho ông phải nhỏ dãi.
Nghe dứt lời, Gaétan bỏ đi ra ngoài, và trong khi ông bước xuống những bậc thềm của nhà thờ và đi quành qua phố Bà Chúa liền vớ được ông già Sariette, ông bèn thổ lộ với ông ta, cũng như có thể thổ lộ với bất cứ con người nào, với một cái cây, một ngọn đèn hơi, một con chó, với cái bóng của mình, về nỗi bất bình trước cái lý thuyết mỹ học của nhà họa sĩ già.
- Cái lão Guinardon, lão phô ra nghệ thuật Cơ đốc và các nghệ sĩ tiền Phục hưng để bịp chúng ta! Mọi quan niệm của họa sĩ về cõi trời đều lấy ở trái đất. Chúa trời, Đức Bà Đồng Trinh, các thiên thần, các thánh nam thánh nữ, ánh sáng, các lớp mây. Khi vẽ hình người lên những cửa kính màu nhà nguyện ở Dreux, ông già Ingres đã phác họa bằng chì theo mẫu một thân hình đàn bà lõa thể, tinh tế và thuần khiết mà ngày nay vẫn còn thấy ở nhiều bức khác nữa trong viện bảo tàng Bonnat ở Bayonne. Ông già Ingres ấy đã ghi phía dưới tờ giấy cho khỏi quên: “Cô Cécile, đôi chân và bắp đùi tuyệt vời”. Và để biến Cécile thành một nữ thánh ở thiên đường, ông ta khoác cho cô một chiếc áo dài, một áo măng tô, một tấm mạng che. Làm như vậy là hành hạ cô bằng cách giáng truất nhục nhã, vì hàng tơ lụa Lyon và Genoa đều là tồi tàn so với thứ tơ lụa sống và trẻ nhuốm hồng bởi một dòng máu thuần khiết, vì những nếp vải phủ đẹp nhất cũng chỉ đáng khinh bỉ nếu đem so sánh với các đường nét của một thân hình đẹp, và cuối cùng vì y phục đối với da thịt đương dậy thì là một nỗi ô nhục không đáng có và một điều sỉ nhục tồi tệ nhất.
Gaétan hờ hững đặt hai chân vào rãnh nước băng giá của phố Garancière, nói tiếp:
- Lão già Guinardon là một thằng vừa ngu vừa ác. Lão báng bổ cổ đại, cái cổ đại thần thánh, cái thời mà chư thần đều nhân đức. Lão tán dương một thời đại mà các nhà họa sĩ và điêu khắc đều phải học lại mọi thứ. Thực sự là đạo Cơ đốc đã phản lại nghệ thuật, vì lẽ nó đã không ủng trợ người ta nghiên cứu dạng lõa thể. Nghệ thuật là sự biểu hiện thiên nhiên, và thiên nhiên tột bực là thân thể con người, là lõa thể.
- Xin phép, xin phép! - Ông già Sariette nói thầm thì, - có một cái đẹp tinh thần và có thể nói là cái đẹp nội tâm, mà từ Fra Angelico cho đến Hippolyte Flandrin, nghệ thuật Cơ đốc…
Chẳng thèm nghe, Gaétan phóng những lời cuồng nhiệt vào đá lát trên phố cũ và vào những đám mây đầy tuyết đương trôi qua trên đầu ông:
- Không thể phán xét các nghệ sĩ tiền Phục hưng bằng một lời bao trùm được, vì họ không giống nhau mấy. Cái lão già điên rồ kia thật bát nháo. Cimabué là một nghệ sĩ thuộc phái đoàn Byzantine đồi bại. Có thể đoán Giotto là một thiên tài mãnh liệt, nhưng ông ta không biết nắn nót cho nổi hình khối và vẽ như con nít, đầu của mọi nhân vật đều giống nhau. Các nghệ sĩ tiền Phục hưng Ý thì có vẻ duyên dáng và hân hoan vì họ là người Ý. Các nghệ sĩ Venice thì có bản năng về màu sắc đẹp. Nhưng rút cục những tay thợ tuyệt diệu đó chỉ in hình lên vải và thếp vàng chứ đâu phải là hội họa. Cứ như ý tôi thì dứt khoát là tay Beato Angelico nhà các ông có trái tim và bảng màu quá ủy mị. Còn bọn nghệ sĩ Flanders thì lại là một chuyện khác. Bọn họ khéo tay và tài nghệ họ cao siêu, ngang hàng các nghệ nhân sơn mài Trung Hoa. Kỹ thuật của anh em Van Eyck (19) thì tuyệt vời. Tuy nhiên trong bức họa Sự thờ phụng của con Chiên tôi không sao tìm thấy cái chuyện huyền bí mà ai ai cũng ca tụng. Mọi thứ ở đó đều được xử lý hoàn hảo chặt chẽ, tất cả ở đó đều tỏ ra dung tục về tình cảm và xấu xí gớm ghê. Memling (20) có lẽ dễ xúc động lòng người, nhưng ông ta chỉ sáng tạo những nhân vật ốm yếu và què quặt, và dưới những bộ áo dài hoa lệ nặng nề và thô kệch của các Đức Bà Đồng Trinh và các nữ thánh, có thể đoán thấy những lõa thể thảm hại. Tôi không nghĩ rằng vì Rogier van der Wyden lấy tên là Roger de la Pasture và trở thành người Pháp nên tôi ưa thích ông ta hơn Memling. Cái nhà ông Rogier hoặc Roger đó ít ngây ngô hơn; bù lại, ông ta bi thảm hơn, và nét bút vững chắc trên các tấm tranh đã tố cáo mãnh liệt sự nghèo nàn của các hình thể. Thật lầm lạc lạ kỳ không có thể hài lòng với những bộ mặt nhịn đói kia, khi đã có những bức họa của Léonard, của Titien, của Correggio, của Velasquez, của Rubens, của Rembrandt, của Poussin, của Prud’hon (21). Chuyện đó quả thật là có tính chất bạo dâm (22).
Trong khi đó ông linh mục Patouille và Maurice d’Esparvieu đi nhẩn nha sau nhà mỹ học và ông quản thư viện, ông linh mục Patouille, thường ít có khuynh hướng bàn về thần học với những người thế tục, ngay cả với những tăng lữ nữa. Nhưng trước sức hấp dẫn của đề tài, ông cũng thuyết minh với cậu Maurice về chức vụ thần thánh của các thiên thần hộ mệnh nọ mà ông Delacroix đã loại trừ không đúng khỏi các bức tranh ông ta vẽ. Và để diễn đạt tốt hơn tư tưởng của ông về những đề tài cao siêu đến thế, linh mục Patouille mượn của ông Bossuet (24) những cú ghép, những từ ngữ, những câu văn nguyên vẹn mà ông đã học thuộc lòng để đưa và các bài thuyết giáo của ông, vì ông rất gắn bó với truyền thống.
- Phải, con ạ, - ông nói, - phải, Chúa đã đặt những thần hộ mệnh sát chúng ta. Khi đến với chúng ta, các vị mang nặng những ân huệ của Chúa; khi các vị trở về lại mang nặng những nguyện vọng của chúng ta. Chức vụ của các vị là như vậy. Bất cứ giờ nào, bất cứ phút nào, các vị cũng sẵn sàng để hỗ trợ chúng ta như những người canh giữ bao giờ cũng nhiệt thành và không mệt mỏi, giống như những lính canh bao giờ cũng tỉnh táo.
- Hoàn toàn đúng như vậy, thưa ông linh mục, - Maurice nói lầm bầm.
Anh ta đương trù định mưu mẹo khôn ngoan nào đó để đánh vào lòng âu yếm của bà mẹ và vớ của bà một món tiền anh ta đương rất cần.
--------------
Chú thích.

1. Héliodore: tên gọi tắt bức bích họa của Delacroix trong nhà thờ St. Sulpice, tên đầy đủ là Héliodore bị đuổi ra khỏi đền. Đó cũng là tên bức bích họa của Raphael, danh họa nước Ý, trong điện Vatican. Hai bức họa đều lấy đề tài tại Kinh thánh (II Maccabe, III, 7-40), Héliodore quan tể tướng của Seleucus vua nước Syrie, được sai đến cướp đoạt những kho báu của đền Jérusalem, lúc định cướp thì bị một kỵ sĩ chặn đánh và cho ngựa giày xéo lên thân xác hắn.

2. Thầy cả thượng phẩm Onias - thầy cả của thành Jérusalem đã cố gắng cản trở việc cướp đoạt kho báu của đền, và sau khi Héliodore bị đánh trọng thương, lại cầu Chúa cứu vớt cho y khỏi và giúp y theo đạo (Thánh kinh, II, Maccabe II, 1-49, IV, 1-38).

3. Paul Baudry (1828-1886): họa sĩ người Pháp, trang trí nhà hát Opéra ở Paris.

4. Madeleine, Marguerite, thiên tiên, thủy tiên (sylphides, ondines) - những nhân vật trong các tranh vẽ. Madeleine - người phụ nữ tội lỗi được Chúa Jesus cứu vớt, sau được phong là nữ thánh Mary Madeleine. Văn học và hội họa thường dùng nhân vật này làm biểu tượng tượng trưng cho người phụ nữ lầm lạc biết ăn năn hối lỗi. Marguerite - nữ thánh đồng trinh và tử vì đạo ở Antioche vào khoảng năm 275. Sylphides - nữ thần tiên của không trung (nam thần tiên, gọi là sylphe) trong thần thoại Celtic, Germanic và Scandinavia. Ondines - nữ thần tiên dưới nước trong thần thoại Germanic và Scandinavia.

5. Rubens (1577-1640): họa sĩ trứ danh của xứ Flanders. Tintoretto (1518-1594): danh họa người Ý, sinh ở Venice.

6. Thời gian (le Temps) - thời cổ đại, người ta thần thánh hóa và nhân cách hóa thời gian dưới biểu tượng một ông già có hai cánh (để ngụ ý đi nhanh) và một lưỡi hái để ngụ ý có mãnh lực phá hủy.

7. Cimabue, Giotto, Beato Angelico: tên những họa sĩ có danh tiếng, Cimabue (1240-1302) - họa sĩ của xứ Florence nước Ý, một trong những họa sĩ tiền khu của phong trào Phục hưng, thầy của Giotto. Giotto (1266-1337) - họa sĩ của xứ Florence, bạn thân của Dante. Beato Angelico, cũng tức là Fra Angelico (nghĩa là họa sĩ vẽ những thiên thần), biệt danh của họa sĩ Giovanni (1395-1436).

8. Rembrandt (1606-1669): họa sĩ và nhà điêu khắc người Hà Lan, tác giả hơn 350 bức họa mẫu và cũng được gần bằng số đó những tranh khắc đồng, được xếp vào những thiên tài lớn nhất hội họa.

9. Raphael - Vị thượng đẳng thiên sứ đã dìu dắt ông Tobias đến xứ dân Medes, và đã mách cho con trai ông già phương thuốc cứu chữa cho ông khỏi mù (Kinh thánh, Sách Tobit, XI - XII).

10. Gabriel - Thiên sứ đã báo cho Mary biết bà sẽ là mẹ Đấng cứu thế (Kinh thánh, Lucas, I, 26-38).

11. Jean Auguste Dominique Ingres: danh họa Pháp (1780-1867).

12. Vị tộc trưởng (le patriarche) ám chỉ Jacob, trong trận đánh nhau với một thiên sứ, tuy thắng thế nhưng vị thiên sứ đó dùng phép thần bắn vào hông, làm cho sai khớp xương (Kinh thánh, Sáng thế ký, XXXII, 23-38).

13. De Historia Sacrarum Imaginum et Picturarum - tên sách bằng tiếng La tinh nghĩa là nói về lịch sử hình tượng và hội họa thiêng liêng.

14. Louvain, tiếng Flanders là Leuven, tên thành phố ở nước Bỉ, có trường Đại học cũ nổi tiếng, trong đó có thư viện huy hoàng, bị quân Đức thiêu hủy năm 1911, sau được trùng tu và khánh thành năm 1928.

15. De Pictura Sacra: tên sách bằng tiếng La tinh, nghĩa là nói về hội họa thiêng liêng.

16. Raphael (1483-1520): nhà danh họa, điêu khắc và kiến trúc sư của trường phái La Mã, sinh ở Urbino, một thành phố của nước Ý. Được triều đình Giáo Hoàng Julius II và Leo X biệt đãi, ông cộng tác công việc trang trí điện Vatican và được mai táng ở điện Panthéon. Chết rất trẻ, để lại rất nhiều tác phẩm tuyệt tác, trong đó có bức họa Héliodore bị đuổi khỏi đền, đã nói đến ở trên.

17. Henry Matisse (1869-1954): họa sĩ người Pháp.

18. Michelangelo (1475-1564): nhà họa sĩ đại danh người Ý, tên đầy đủ là Michelangelo Buonarroti, vừa là nhà điêu khắc, kiến trúc sư và thi sĩ.

19. Anh em Van Eyck - tức Hubert Van Eyck (1385-1426) và Jan Van Eyck (1390-1441), là hai họa sĩ Flander (nước Bỉ).

20. Hans Memling (1430-1494): họa sĩ Flander thiên tài độc đáo mãnh liệt và hồn nhiên. Tác phẩm: Cuộc phán xét cuối cùng (Le Jugement dernier), Nỗi thương khổ (La passion)…

21. Léonard, Titien, Correggio, Rubens, Poussin:
- Léonard tức là Leonard de Vinci (1452-1519) - họa sĩ trứ danh của trường phái Florence tác giả bức họa bất hủ La Joconde, và bao nhiêu họa phẩm danh tiếng khác. Ông vừa là họa sĩ, vừa là nhà điêu khắc, kiến trúc sư, kỹ sư, nhà văn và nhạc sĩ, và trong ngành nào của nghệ thuật và khoa học, ông đều lỗi lạc.
- Titien (1488-1576): thường gọi là La Titien họa sĩ Ý, người cầm đầu trường phái Venice.
- Correggio (Antonio da Correggio, 1489-1534): họa sĩ Ý, sinh ra ở Correggio.
- Velasquez (1599-1660): họa sĩ Tây Ban Nha, sinh ra ở thành phố Sevilla, là nhà họa sĩ vẽ chân dung độc đáo, của trường phái Tây Ban Nha.
- Poussin (1594-1665): một trong những họa sĩ nổi tiếng của Pháp, tác giả của một số lớn những tuyệt tác, là bậc thầy của hội họa cổ điển ở Pháp.

22. Prud’hon (1758-1823): họa sĩ Pháp, một trong những họa sĩ độc đáo nhất của thời đại.

23. Bạo dâm (Sadisme) chứng bệnh tâm lý bộc lộ rõ nhất ở ý thích dâm dật một cách thô bạo, phải làm đau đớn cho đối phương mới thỏa thích.

24. Jacques Bénigne Bossuet (1627-1704): Giám mục địa phận Meaux, sinh ra ở Dijon (Pháp), nhà hùng biện của tế lễ tôn giáo. Những diễn văn và thuyết giáo của Bossuet đưa ông vào hàng ngũ các nhà văn thuyết giáo nổi tiếng nhất, nhà sử học lớn, uyên bác nhất và có tác phẩm mang giá trị phê phán nhất của nước Pháp.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét