Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 9-3

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 9: Raul Vallenberg, “Phòng Thí Nghiệm - X” Và Những Bí Mật Chính Trị Khác Của Kremli

3. Khu đặc biệt của nhà tù nội bộ và phòng thí nghiệm đặc biệt của NKVD-MGB những năm 1940-1950

Ở Moskva, bị giam trong khu đặc biệt của nhà tù Lubianka có các nhân vật đặc biệt quan trọng cần chiêu dụ, nếu họ từ chối, họ bị thủ tiêu. Các biên bản hỏi cung Vallenberg đều đặn được gửi cho phòng nước Đức của tình báo chúng ta. Có khả năng, các điều tra viên dọa ông khi buộc tội ông có quan hệ với Gestapo.
Từ những tài liệu được công bố trên báo chí thấy rõ: Vallenberg bị giam ở Moskva trong hai nhà tù, nhà tù nội bộ ở Lubianka và ở Lefortovo.
Khu đặc biệt của nhà tù nội bộ giống một khách sạn hơn nhà tù. Các phòng giữ những người bị bắt chỉ có thể gọi tạm là phòng giam: trần cao, đồ gỗ bình thường. Thức ăn được đem tới từ nhà ăn hay nhà hàng của NKVD, tất nhiên khác hẳn thức ăn nhà tù. Thế nhưng đó là điềm báo dữ. Trong tòa nhà này có ban quản trị NKVD-MGB nơi những năm 1937-1950 tiến hành thực thi bản án liên quan đến những nhân vật bị kết án tử hình, cũng như những ai cần thủ tiêu đặc biệt, tức không qua xét xử.
Tại ngõ Varxonofiev, đằng sau nhà tù Lubianka, là phòng thí nghiệm chất độc và xà lim đặc biệt của nó trực tiếp trực thuộc Bộ trưởng và ban quản trị. Phòng thí nghiệm chất độc trong các tài liệu chính thức được gọi là “Phòng thí nghiệm - X”. Trưởng phòng thí nghiệm là đại tá quân y, giáo sư Mairanovxky chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của các khí độc và thuốc độc chết người và bệnh ung thư. Trong các giới khoa học giáo sư được đánh giá cao.
Toàn bộ công việc của phòng thí nghiệm, các cán bộ được sử dụng cho các chiến dịch của cơ quan đặc biệt, cũng như việc đi vào phòng thí nghiệm bị hạn chế hà khắc, thậm chí đối với cả thành phần lãnh đạo của NKVD-MGB, như tôi và phó của tôi Eitingon, cũng không được đến gần “Phòng thí nghiệm - X” và khu đặc biệt.
Phụ trách công việc của phòng thí nghiệm là Bộ trưởng và Thứ trưởng thứ nhất, về phòng thí nghiệm này đến giờ vẫn còn nhiều lời đồn đại kinh khủng. Sự kiểm tra tiến hành từ thời Stalin sau việc bắt giữ Mairanovxky, còn sau đó thời Khrusev trước 1960 trong mục đích đả phá Stalin, cho thấy rằng Mairanovxky và các cán bộ nhóm của ông được dùng để thi hành các bản án tử hình và thủ tiêu những nhân vật không có lợi theo quyết định trực tiếp của chính phủ những năm 1937-1947 và năm 1950. Tôi biết những hành động loại này cũng được tình báo chúng ta thực hiện ở nước ngoài vào những năm 60-70. về điều này thiếu tướng KGB Oleg Kalugin đã viết.
Các sĩ quan tình báo và phản gián dưới sự chỉ đạo của Utekhin, đã làm việc với Vallenberg. Thường là trung tá Kapelianxky hỏi cung. Ông ta bị sa thải khỏi cơ quan năm 1951 do nguồn gốc Do Thái. Dù sự tham gia của Kapenlianxky vào những cuộc hỏi cung được khẳng định bằng văn bản, tên ông ta ghi trong sổ trực gọi tù nhân đi hỏi cung chỗ điều tra viên, ông ta phủ nhận điều đó và nói rằng không nhớ tù phạm nào có tên như thế. Thế nhưng theo các ghi chép trong sổ thấy rõ chính Kapelianxky gọi Vallenberg từ xà lim đến hỏi cung một ngày trước cái chết của ông.
Vụ Vallenberg đến đầu tháng 7-1947 đã rơi vào ngõ cụt. Ông từ chối cộng tác với tình báo Xô viết và đã không còn cần thiết như một nhân chứng của các trò chơi chính trị bí mật, hoặc như một con tin tòa án Nuremberg đã kết thúc.
Giống như Vallenberg bị chuyển vào xà lim đặc biệt của “Phòng thí nghiệm - X” nơi người ta tiêm cho ông một mũi tiêm chết người với lý do chữa bệnh. Cơ quan y tế nhà tù không có chút khái niệm gì về điều đó, và cái chết của ông được xác nhận theo cách thông thường. Thế nhưng bộ trưởng an ninh Abakumov hẳn được báo về nguyên nhân cái chết, đã cấm mổ tử thi và đã hỏa táng ông.
Những người bị hỏa táng đều chôn vào mộ chung. Sau này người ta rất không muốn thừa nhận rằng những người nổi tiếng như Tukhatrevxky, Iakir, Uborevich, Meierkhold và những người khác được chôn trong mộ chung đó. Nhà hỏa thiêu của tu viện Donxkoi lúc đó là duy nhất, vì thế có thể trong ngôi mộ ấy đang có di hài thủ trưởng, bạn và thầy tôi Spigenglaz và nhà lãnh đạo tình báo Xerebrianxky. Cũng rất có khả năng là di hài Vallenberg và Beria đều được chôn ở đó.
Tháng 6-1993 tờ Tin tức đăng bài báo của Makximova Vallenberg đã chết. Đáng tiếc, chứng cứ có đủ, còn báo Hôm Nay,bài báo của Abarinov “Người ta không chỉ rửa tiền mà còn cả các giả thuyết”. Trong cả hai bài báo đều dẫn từ các tài liệu liên quan đến số phận Vallenberg.
Từ ghi chép công vụ của Vưsinxky gửi Molotov (1947) thấy rõ rằng, cuối 1944 người Thụy Điển đề nghị Bộ Ngoại giao Liên Xô bảo vệ bí thư thứ nhất của phái đoàn Thụy Điển ở Budapest, Raul Vallenberg.
Sau một thời gian người Thụy Điển thông báo với Bộ Ngoại giao rằng Vallenberg không có trong phái đoàn của họ khi rời Budapest và đề nghị tìm kiếm ông. Về vấn đề này họ gửi 8 công hàm đến các cấp Liên Xô và 5 lần dò hỏi miệng. Đại sứ Thụy Điển ở Moskva Sederblom năm 1946 trực tiếp xin riêng Stalin làm sáng tỏ số phận Vallenberg.
Về phần mình Bộ Ngoại giao cũng mấy lần hỏi XMERS và Bộ An ninh về Vallenberg. Cuối cùng vào tháng 2-1947 Bộ Ngoại giao được thông tin bởi P.Fedotov lúc ấy là trưởng Tổng cục tình báo, rằng Vallenberg ở trong tay MGB.
Từ ghi chép công vụ đã nhắc tới, Vưsinxky viết: “bởi vụ Vallenberg đến hiện nay tiếp tục không tiến triển, tôi đề nghị bắt đồng chí Abakumov trình bản trường trình về thực chất vụ việc và về đề nghị thủ tiêu ông ta”.
Đối với tôi không có nghi ngờ ý nghĩa đáng sợ trong những lời cuối của Vưsinxky. Ông ta không đề nghị khép vụ án (hồi ấy dùng chữ ngưng vụ án), mà hầu như “đòi” để Abakumov trình đề nghị thủ tiêu Vallenberg như một nhân vật không mong muốn đối với lãnh đạo Liên Xô. Và thế, Vưsinxky đã có yêu cầu như thế, điều cực kỳ quan trọng, vốn là phó của Molotov về công tác tình báo mà thời đó được thực hiện bởi Ủy ban thông tấn. Fedotov, người báo với Vưsimtky về việc Vallenberg đang trong nhà tù, hồi đó cũng là một trong những lãnh đạo Ủy ban thông tấn.
Chỉ thị của Molotov trên ghi chép của Vưsinxky cũng có ý nghĩa lớn: “Gửi đ/c Abakumov. Yêu cầu báo cáo với tôi, 18.5.1947”.
Thực tế đó là sự chỉ thị của người phó đứng đầu chính phủ và là lãnh đạo tình báo yêu cầu trình đề nghị về việc thủ tiêu Vallenberg như thế nào. Sau khi đề nghị được xem xét, Stalin hoặc Molotov cho sự đồng ý của mình bằng miệng hoặc đôi khi bằng văn bản. Nếu nói miệng, thì Abakumov như được xác định trong tiến trình kiểm tra và điều tra vụ án ông ta, ghi trên các tài liệu ấy: “Đã nhận được sự đồng ý của các đ/c Stalin, Molotov” và ghi ngày tháng.
Theo các tài liệu chính thức: Vallenberg chết ngày 17-7-1947. Thế nhưng 18-8-1947 Vưsinxky thông tin cho đại sứ Thụy Điển về việc chính phủ Xô viết không có các tư liệu về Vallenberg và ông ta không thể bị bắt giữ bởi chính quyền Xô viết, mà rất có thể, đã là nạn nhân vô tình của những trận đánh trên đường phố Budapest.
Vào ngày 3-5-1956 trong tiến trình đàm phán Thụy Điển - Liên Xô diễn ra ở Moskva, phía Thụy Điển trao cho chính phủ ta các tài liệu liên quan đến Raul Vallenberg. Lúc ấy BCHTƯ đã phê chuẩn quyết định kiểm tra và làm sáng tỏ các hoàn cảnh cái chết của nhà ngoại giao Thụy Điển. Quyết định của BCHTƯ đến tận bây giờ vẫn chưa công bố.
Chính phủ Xô viết thông tin cho chính phủ Thụy Điển rằng các cơ quan chuyên ngành đã nghiên cứu và kiểm tra các tài liệu phía Thụy Điển trao về Raul Vallenberg. Những cuộc tìm kiếm thận trọng trong lưu trữ nhà tù ở Lubianka, Lefortovo cũng như Vladimir và các nhà tù khác đã không cho được gì cả: không phát hiện ra các tin tức về việc Vallenberg đến Liên Xô (năm 1947 chúng ta thông báo với Bộ Ngoại giao rằng Vallenberg ở trong tay MGB). Các cơ quan chuyên trách sau đó kiểm tra tất cả các tài liệu lưu trữ của các cơ quan bổ trợ, kết quả trong tài liệu cơ quan quân y nhà tù nội bộ ở Lubianka phát hiện ra báo cáo của Xmoltsov gửi cựu Bộ trưởng An ninh Abakumov. Báo cáo nói rằng tội nhân Vallenberg đã bất ngờ chết trong xà lim của mình tối 17-7-1947. Nguyên nhân cái chết: vỡ động mạch cơ tim.
Tôi cho rằng sự tiêu hủy các tài liệu điều tra lưu trữ về vụ Vallenberg bắt đầu trong quá trình kiểm tra. Thấy rõ bởi người có sáng kiến trực tiếp việc bắt giữ và ám hại ông là Molotov và Bulganin, tất cả đang nắm quyền lực và giữ chức vụ chủ đạo trong giới lãnh đạo đất nước. Bulganin ký lệnh bắt Vallenberg, đang đứng đầu chính phủ, còn Molotov ra lệnh thủ tiêu nhà ngoại giao Thụy Điển, vẫn đang ở trong ban lãnh đạo tối cao của nhà nước.
Mười năm sau cái chết của Vallenberg, chính quyền thừa nhận chính thức sự kiện bắt giữ Vallenberg, nhốt ông vào ngục và chết vì vỡ động mạch cơ tim. Nó cũng tuyên bố rằng Raul Vallenberg bị bắt một cách phạm pháp theo lệnh Abakumov, kẻ vì những tội ác phạm phải trong đó có việc bắt Vallenberg, đã chịu hình phạt khốc liệt nhất.
Đó là sự dối trá trơ tráo. Trong tiến trình điều tra vụ án đã không đưa ra lời buộc tội như thế đối với Abakumov.
Đến giờ vẫn chưa tìm ra trong lưu trữ KGB ghi chép của Abakumov gửi Molotov mà trong đó hẳn phải trình bày bản chất sự việc Vallenberg, và hẳn là chứa những đề nghị khốc hại đối với ông ta, do Vưsinxky tác động.
Thế nhưng trong lưu trữ KGB, như người ta tuyên bố với con trai tôi mùa thu 1994, đã tìm được một tài liệu từ đó thấy rằng chủ tịch KGB Xerov đề nghị Molotov tiếp ông ta nhân vụ Vallenberg vào tháng 2-1957, khi chuẩn bị công hàm ngoại giao gửi chính phủ Thụy Điển với sự thừa nhận việc bắt giữ Vallenberg và cái chết của ông.
Hiện thời chưa phát hiện ra ghi chép của Xerov trong đó ông ta trước khi chuẩn bị công hàm chính thức của chính phủ Liên Xô, phải báo với Khrusev và Bulganin, tương ứng là bí thư thứ nhất BCHTƯ và chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, về điều gì đã xảy ra với Vallenberg.
Biết kiểu cách của Khrusev, tôi khẳng định rằng ông ta giữ trong lưu trữ của mình ghi chép của Xerov một cách vô điều kiện, chứa đựng sự bôi nhọ nghiêm trọng Molotov. Đối với Khrusev ghi chép này có ý nghĩa thiết thực trong hoàn cảnh đấu tranh gay gắt vì quyền lực vào đầu năm 1957 mà kết thúc, như đã rõ, bằng sự thất bại của cái được gọi là nhóm chống đảng Molotov, Kaganovich, Malenkov và gia nhập với họ là Sepilov. Thế nhưng nguyên do gì không rõ đối với tôi, Khrusev đã không lợi dụng vụ Vallenberg chống lại Molotov. Tôi vẫn nhớ các điều tra viên đã khá lì lợm lấy từ tôi các số liệu về sự tham gia của Molotov trong các vụ việc bí mật với các nhà công nghiệp và ngoại giao phương Tây, và tôi hiểu rằng những câu hỏi của họ còn lâu mới là tình cờ. Nhưng cái tên Vallenberg lúc ấy chưa được chú trọng.
Xerov nhất thiết phải xin phép Khrusev để tiêu hủy các tài liệu về vụ Vallenberg. Hoàn toàn có thể là sau đó nó được tiêu hủy. Nguyên nhân là rõ ràng: tháng 2-1957 Molotov đang còn mạnh và là nhân vật khá uy tín trong lãnh đạo. Ông cũng như những nhà hoạt động nhà nước khác có liên hệ trực tiếp đến những hoạt động tai tiếng, hẳn quan tâm để những chứng cứ biến đi.
Nhất thiết phải còn một bức thư khác của Xerov trong đó ông ta có nghĩa vụ báo cáo với Khrusev rằng hồ sơ của Vallenberg đã bị tiêu hủy.
Lần cuối cùng vụ Vallenberg được điều tra theo lệnh Gorbachov dưới sự giám sát của Bakatin, chủ tịch KGB. Sự điều tra mới đã khẳng định rằng đích thực Vallenberg đã chết trong tù. Cũng đã xác định rằng hồ sơ nhà tù và điều tra lưu trữ bị tiêu hủy.
Chắc rằng cháu của Molotov, giáo sư Nikonov, chủ tịch quỹ “Chính trị” vốn lúc ấy là trợ lý của Bakatin, phải biết một số chi tiết của những cuộc tìm kiếm tài liệu về vụ án Vallenberg.
Tiếc thay, các lưu trữ cũng như bản thảo cứ cháy và cứ bị tiêu hủy, Nhưng dấu vết vẫn còn lại. Thường tìm được những cái tình cờ và bất ngờ. Như một cán bộ kỹ thuật trong lưu trữ KGB, không liên quan gì đến vụ Vallenberg, đã phát hiện hộ chiếu ngoại giao và tư trang của ông trong cái túi rơi ra từ một bọc lớn những tài liệu chưa chọn lọc.
Sau vụ tai tiếng lớn được gây nên bởi cuốn sách được xuất bản ở phương Tây, tôi đã viết vào tháng 5-1994 lời giải thích cho phòng lưu trữ thống kê cơ quan an ninh Liên bang theo yêu cầu của Ủy ban Liên Xô - Thụy Điển về vụ Vallenberg. Con trai tôi trò chuyện với các đại diện Thụy Điển: việc làm sáng tỏ sự thật về vụ án Raul Vallenberg phụ thuộc không ít từ phía Thụy Điển vốn kiên trì từ chối đưa ra công luận các số liệu các báo cáo của ông về các tiếp xúc với các cơ quan đặc biệt Đức và Mỹ vào những năm 1941-1945.
Như nhà sử học Phần Lan Seppo Izotalo nói với tôi, hiện nay trong tay chính quyền Thụy Điển có các tài liệu về việc Vallenberg thực hiện các nhiệm vụ của tình báo Mỹ, cũng như sự tham gia của ông theo ủy nhiệm của người chú, nhà tài phiệt Markus Vallenberg trong việc “tẩy rửa” những tài sản bọn Hitler chiếm được của dân Do Thái.
Tôi nghĩ rằng lúc nào đó các nhà nghiên cứu vẫn sẽ tìm tới các tài liệu lưu trữ của chúng ta và của nước ngoài, như điều đó đã xảy ra với vụ Katyn, và sẽ đặt dấu chấm trong câu chuyện rối rắm và bi thảm của Vallenberg.

Ý đồ của nhà cầm quyền chúng ta, phải nói là không phải không thành công, che giấu sự thật về Vallenberg làm gợi nhớ đến vụ xử bắn năm 1940 các tù binh Ba Lan trong rừng Katyn gần Smolensk và ở những địa điểm khác. Chỉ đến năm 1992 trên báo chí đăng các tài liệu lưu trữ vụ án này, nói riêng là báo cáo của cựu chủ tịch KGB Selepin về sự tiêu hủy các tài liệu gắn với hành động đó. Tất cả điều đó cho cơ sở tiên đoán rằng, cả vụ Vallenberg người ta cũng xử lý như thế.
Dù B.N. Eltsin đã chuyển cho Lech Walesa các tài liệu và vụ án về các tù binh Ba Lan dường như đã khép lại, lớp phủ bí mật vẫn còn chưa được gỡ bỏ đến cùng. Từ các tài liệu trích dẫn trong lưu trữ của KGB không có các tư liệu là những hành động này được lên kế hoạch và được thực hiện như thế nào. Thậm chí những người tham gia tích cực việc chiêu mộ các sĩ quan Ba Lan, đã không tưởng tượng nổi một số phận như thế nào chờ đợi họ khi từ chối cộng tác với NKVD. Tôi cho rằng Raikhman người có quan hệ tới các vụ Ba Lan, biết điều đó.
Thông báo chính thức của chính phủ nói rằng các tù binh Ba Lan đang trong các trại giam, đã rơi vào tay quân Đức và bị bắn. Đích thực một số sĩ quan Ba Lan bị giết bởi vũ khí Đức. Lúc ấy nhiều người, và tôi cũng vậy, đã tin vào giả thuyết này.
Lần đầu tiên tôi nghe thấy rằng chúng ta bắn các tù binh Ba Lan, từ thiếu tướng KGB Kevorokov, phó tổng giám đốc TASS vào những năm 80. Ông nói rằng Falin, phụ trách ban quốc tế BCHTƯ ĐCS Liên Xô vào những năm 70 đã nhận cảnh cáo từ Andropov vì sự quan tâm tới vụ Katyn và đề nghị bắt đầu sự điều tra mới. Tôi kinh ngạc bởi rằng theo lời Kevorkov, ở BCHTƯ lo lắng nhất là làm sao để đổ toàn bộ trách nhiệm về vụ này cho NKVD và che giấu vụ việc thực ra được thực hiện theo quyết định của Bộ Chính trị.
Nói về sự tiêu diệt hàng loạt một cách tội lỗi các tù binh Ba Lan và ý đồ Khrusev và Gorbachov che giấu bi kịch này, cần ghi nhận cả cái tình huống, rằng, rất có thể, việc xử bắn người Ba Lan năm 1940 là một dạng hành động thanh toán nợ với những kẻ chống Liên Xô cuồng nhiệt, các sĩ quan Ba Lan, vì sự tàn sát 40 nghìn (theo các tài liệu khác nhau thì con số khác nhau) tù binh của ta trong các trại tập trung sau thất bại của Hồng quân năm 1920 gần Varsava.

Năm 1953, tôi và Eitingon bị buộc tội đã tổ chức thủ tiêu những người không có lợi cho Beria bằng chất độc tại các căn hộ bí mật đặc biệt ở ngoại ô, và những vụ giết người này được công bố như cái chết vì tai nạn.
Abakumov cũng bị buộc tội tiêu diệt những người có hại cho ông ta.
Bất chấp các đòi hỏi của luật pháp, trong các bản luận tội, trong tuyên án về các vụ án không có tên “những nạn nhân của chúng tôi”. Đó không phải là sự vô tình hay kết quả công việc cẩu thả của điều tra viên, họ biết công việc của mình. Đơn giản là không có, không tồn tại các nạn nhân. Trong sự thanh toán của Beria và Abakumov với các đối thủ của họ, cả tôi lẫn Eitingon đã không tham gia.
Tất cả những vụ thủ tiêu bí mật các điệp viên hai mang và đối thủ chính trị của Stalin, Molotov, Khrusev những năm 1930-1950 được thực hiện theo mệnh lệnh của chính phủ. Chính vì thế những chiến dịch chiến đấu cụ thể được tiến hành bởi các thuộc hạ của tôi và cán bộ “Phòng thí nghiệm - X” chống lại kẻ thù đích thực nguy hiểm đối với nhà nước Xô viết như hình dung thời ấy, người ta không bắt tội tôi và Eitingon.
Abakumov người ra lệnh nhân danh chính phủ về việc tiến hành các chiến dịch, cũng không bị khép tội. Còn Beria những năm 1945-1953 không hề có liên quan gì đến các vụ này và thậm chí không biết về chúng nữa.
Toàn bộ công việc của “Phòng thí nghiệm - X” không chỉ là khoa học như danh nghĩa đối với những ai điều tra vụ án, Beria và Abakumov, chính phủ và BCHTƯ đảng, đang theo dõi và điều hành tiến trình điều tra và xác định nội dung của nó.
Năm 1951 Mairanovxky cùng với Eitingon, Raikhman, Matuxov và A. Xverdlov bị bắt và bị khép tội giữ chất độc bất hợp pháp, cũng như họ là những người tham gia vào âm mưu Do Thái mà mục đích là chiếm chính quyền và tiêu diệt các nhà lãnh đạo cao nhất của nhà nước, kể cả Stalin. Riumin đứng đầu việc điều tra vụ này đã lấy được những lời thú nhận huyễn hoặc ở Mairanovxky (ông phản cung năm 1958) và Broverman, phó phụ trách ban thư ký của Abakumov. Cuối năm 1952 khi Riumin, phó của Bộ trưởng An ninh Igantiev, bị cách chức, bộ phận điều tra đã không thể trình kết luận buộc tội chống Mairanovxky như Riumin đã chuẩn bị nó. Những lời khai của trưởng phòng thí nghiệm chất độc không được củng cố bởi các thừa nhận của các bác sĩ bị bắt theo vụ Abakumov, những người không hề có khái niệm về phòng thí nghiệm này.
Không ai trong số bác sĩ bị bắt biết gì về hoạt động bí mật của Mairanovxky: ông tự tiến hành thử nghiệm với những người bị kết án tử hình theo chế độ được chính phủ và Bộ An ninh thiết lập. Ghi lại toàn bộ những thú nhận của Mairanovxky là quá mạo hiểm, bởi ông viện dẫn tới những chỉ thị của các cấp cao hơn và những huân chương ông được nhận. Chính vì thế vụ án của ông đã được xem xét tại cơ quan ngoài tòa án, Hội nghị đặc biệt thuộc Bộ An ninh. Rõ ràng, có những kế hoạch nào đó trong tương lai sử dụng Mairanovxky với tư cách nhân chứng chống lại ai đó ở cấp lãnh đạo tối cao. Người ta để ông sống và vào tháng 2-1953 tuyên án mười năm tù vì giữ chất độc một cách phạm pháp và lạm dụng địa vị công tác.
Mairanovxky bị xét xử không lâu trước cái chết của Stalin. Khi Beria lại đứng đầu các cơ quan an ninh, Mairanovxky gửi cho ông một khối lượng lớn tuyên bố, đòi hỏi được trả tự do, được minh oan và viện tới công việc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông những năm 1938-1945. Hẳn Beria định thả ông ta, nhưng nhanh chóng chính ông bị bắt. Viện Công tố không chậm trễ lợi dụng ngay các tuyên bố của Mairanovxky chống lại chính ông, chống lại Beria, Abakumov và Merkulov. Giờ đây Mairanovxky được đưa ra như một kẻ đồng lõa của Beria trong những kế hoạch huyền thoại của ông tiêu diệt ban lãnh đạo Xô viết bằng thuốc độc.

Tôi được rõ về bốn sự kiện năm 1946-1947. Tôi có ý nói đến những kẻ dân tộc chủ nghĩa Ucraina nổi tiếng mà tôi đã kể, cũng như người nước ngoài, Samet và Orrins.

Samet, kỹ sư Ba Lan gốc Do Thái, được chiêu mộ năm 1939, nghiên cứu những công trình tuyệt đối bí mật về sử dụng những thiết bị chiến lợi phẩm của Đức trên các tàu ngầm của ta. Samet liên hệ với người Anh: ông ta định di cư sang Palestine. Để cài điệp viên vào nhóm thân cận của Samet và kiểm soát các liên hệ của ông ta với người nước ngoài, Eitingon được cử đến Ulianovxk nơi mọi sự xảy ra. Mairanovxky đến sau, cùng với điệp viên là bác sĩ bệnh viện nhà máy, đã tiêm cho Samet một mũi tiêm chất độc curra trong lúc khám bệnh kiểm tra.

Tướng Volkogonov năm 1992 trình lên thượng viện Mỹ danh sách những người Mỹ chết ở Liên Xô trong những năm thế chiến II cũng như “chiến tranh lạnh”, và nhân danh tổng thống Eltsin bày tỏ sự tiếc nuối liên quan với cái chết của họ. Trong danh sách này có Orrins. Người ta thủ tiêu Orrins, như Volkogonov xét, để ông ta không thể kể sự thật về các nhà tù và trại giam Xô viết.
Ở phương Tây đến thời gian đó đã khá rõ về trại giam GULAG và nguyên nhân vì thế người ta tiêu diệt Orrins không đơn giản như được viết trong báo chí của chúng ta. Xét theo các tài liệu, Orrins bị NKVD bắt một cách bất hợp pháp và bị kết án bởi Hội nghị đặc biệt 8 năm tù giam vì tuyên truyền chống Liên Xô. Trong thực tế Orrins đến Liên Xô bằng hộ chiếu giả Tiệp Khắc, về điều này báo chí không nói một lời. Ông ta thực sự có cảm tình với các lý tưởng cộng sản và là đảng viên bí mật ĐCS Mỹ. Orrins cũng là điệp viên lâu đời của Quốc tế cộng sản và NKVD ở Trung Quốc, Viễn Đông và Mỹ. Vợ ông là Nora thuộc mạng điệp viên của NKVD ở Mỹ và Tây Âu và chịu trách nhiệm về sự phục vụ các căn hộ bí mật của chúng ta ở Pháp và Mỹ những năm 1938-1941. Orrins bị bắt năm 1938 khi bị nghi là gián điệp hai mang. Vợ ông trở về Mỹ năm 1939. Thoạt đầu bà cho rằng chồng ở Liên Xô vì lý do tác chiến, nhưng sau đó đã hiểu là ông bị bắt. Chúng ta có những cơ sở giả định rằng Nora đã bắt đầu cộng tác với FBI và các cơ quan đặc biệt khác của Mỹ và Nhật. Có thể, bà cố theo nhiệm vụ của tình báo Mỹ thiết lập lại các liên hệ với mạng điệp viên của ta ở Mỹ bị đứt năm 1942. Vào cuối chiến tranh Nora nhờ chính quyền Mỹ để họ giúp tìm chồng bà, tính chuyện giải phóng cho ông. Trong giai đoạn quan hệ tốt của chúng ta với Mỹ, người ta cho phép cán bộ sứ quán Mỹ ở Moskva gặp Orrins ở nhà tù Butưrxk, khi theo đuổi các mục đích của mình, làm sáng tỏ người Mỹ biết những gì về hoạt động của ông ta.
Sau sự đổ vỡ mạng tình báo của ta ở Mỹ và Canada những năm 1946-1947, Molotov e sợ rằng nếu thả Orrins, thì người Mỹ có thể lôi kéo ông ta vào Ủy ban điều tra hoạt động chống Mỹ và sử dụng như nhân chứng chống lại ĐCS Mỹ. Ngoài ra, theo ý kiến của các cơ quan đặc biệt, các tiếp xúc của Nora Orrins với chính quyền Mỹ và sự cộng tác với FBI đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho mạng tình báo chúng ta ở Mỹ và Pháp.
Abakumov khi biết điều đó, đã đề nghị trừ khử Orrins, đề nghị được Stalin và Molotov phê chuẩn. Năm 1947 Mairanovxky trong lúc kiểm tra y tế đã tiêm cho Orrins đang trong tù một mũi tiêm chết người. Tôi và Eitingon được giao tổ chức việc mai táng ông ta tại nghĩa địa Do Thái ở Penza và xác nhận ngày chôn cất vào năm 1944 hoặc 1945.

Giờ đây nhớ lại con người ấy, tôi cảm thấy hối tiếc. Nhưng lúc ấy, trong những năm “chiến tranh lạnh” cả chúng ta lẫn người Mỹ đều không có khái niệm đạo đức khi thủ tiêu những đối thủ nguy hiểm, những điệp viên hai mang.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét