Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 12-3

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 12: Âm Mưu Chống Beria Và Sự Sụp Đổ Của Ông

3. Thanh trừng có chọn lọc với ban lãnh đạo các cơ quan an ninh thời Khrusev

Ngày 26-6-1953 quay về biệt thự từ nơi làm việc, tôi ngạc nhiên thấy một dãy xe tăng chuyển động đầy cả đường lớn, nhưng thầm nghĩ đó là cuộc diễn tập thông thường mà cơ quan cảnh sát giao thông điều phối tới.
Ngày hôm sau khi đến Lubianka, lập tức tôi hiểu ra: đã xảy ra gì đó đặc biệt. Không còn bức ảnh Beria treo ở phòng tiếp khách của tôi trên tầng bảy. Sĩ quan trực ban báo cáo rằng một trong số cán bộ ban quản trị đã đem bức ảnh đi mà không giải thích gì. Trong Bộ tình hình vẫn yên tĩnh. Bất chấp những tin đồn lan rộng, không có mệnh lệnh nào đưa các đơn vị MVD về Moskva. Khoảng một giờ sau tôi được gọi đến phòng hội nghị nhỏ, nơi đã tập trung tất cả lãnh đạo các Ban, Cục độc lập và các Thứ trưởng, trừ Bogdan Kobulov.
Kruglov và Xerov ngồi ở vị trí chủ tọa. Kruglov thông báo rằng vì những hoạt động khiêu khích chống chính phủ vào những ngày cuối, theo chỉ thị của chính phủ, Beria đã bị bắt giam, rằng ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Kruglov kêu gọi chúng tôi bình tĩnh làm việc và thi hành các mệnh lệnh của ông. Chúng tôi có nghĩa vụ báo cáo riêng với ông về những hoạt động khiêu khích của Beria mà chúng tôi biết.
Xerov cắt ngang lời Kruglov, tuyên bố là ông ta ở lại chức vụ Thứ trưởng thứ nhất. Ông ta cũng thông báo về việc bắt giữ B. Kobulov, em trai ông ta Amaiak Kobulov và Cục trưởng phản gián quân đội Goglidze vì mối liên hệ tội phạm với Beria. Ngoài họ, Xerov nói, đã bắt giam Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ucraina Mesik, chỉ huy cảnh vệ của Beria là Xarkixov và trưởng ban thư ký của ông là Liudvigov.
Tất cả chúng tôi sững sờ. Kruglov vội vã bế mạc cuộc họp, nói rằng sẽ báo cáo với đồng chí Malenkov: Bộ Nội vụ và các đơn vị của nó vẫn trung thành với đảng và chính phủ.
Tôi đi nhanh về văn phòng mình và gọi ngay cho Eitingon. Cả hai chúng tôi rõ ngay, sắp có vụ thanh lọc nghiêm trọng. Thế nhưng chúng tôi vốn ngây thơ đến nỗi cho rằng, dường như Kruglov, khi quyết định số phận các cán bộ lãnh đạo, sẽ lưu ý đến các quyền lợi quốc gia. Hai tháng trước Beria đã mời tôi và Eitingon làm việc dưới sự lãnh đạo của ông, mặc dù chúng tôi không gần gũi với ông đó thôi. Eitingon vốn thực tế hơn tôi. Ông hiểu ngay, đòn giáng đầu tiên sẽ nện xuống đầu các cán bộ người Do Thái mới được phục hồi.
Ngay đó tôi điện thoại gọi bí thư đảng ủy Ban 9 đến và thông tin về những gì Kruglov nói với chúng tôi: Beria bị bắt như kẻ thù của nhân dân. Ông ta nhìn tôi với vẻ không tin. Tôi nhắc ông cảnh giác, nhưng giữ bình tĩnh và cảnh báo với các đảng viên để họ đừng phổ biến tin đồn. Kruglov, tôi nói, đòi hỏi giữ bí mật việc bắt giam Beria và đồng đảng của ông cho đến khi có thông báo chính thức của chính phủ.
Danh sách những người bị bắt làm tôi lo buồn bởi rơi vào trong đó không chỉ các chỉ huy, mà cả những người thừa hành đơn giản như Xarkixov, người đã bị Beria loại bỏ 3 tuần trước khi ông bị bắt. Sau việc đó Xarkixov được cử vào chức phó trưởng ban những chiến dịch đặc biệt của phản gián trong nước, nhưng trưởng ban đại tá Prudnikov đã không nhận anh ta. Phó của Beria, B. Kobulov tuyên bố với Prudnikov, người tham gia chiến tranh du kích, Anh hùng Liên Xô:
- Thứ nhất, cậu là ai để cãi lệnh bộ trưởng, hả? Thứ hai, đừng lo, Xarkixov sắp đi khỏi Moskva. Anh ta không đe dọa địa vị của cậu đâu.
Tóm lại, rõ ràng Xarkixov không còn được trọng vọng. Điều đó chứng tỏ rằng, quyết định bắt Beria đã được phê chuẩn trước đó, khi Xarkixov còn gần gũi với ông, hoặc được phê duyệt bởi những người không biết rằng Xarkixov đã bị cách chức chỉ huy đội bảo vệ của bộ trưởng.
Beria bị bắt theo lệnh của Malenkov. Thế nhưng tôi không thể tưởng tượng Beria lại có thể chống Malenkov mà ông vốn có quan hệ tin cậy.
Ngày 26-6-1953 vừa bắt xong Beria, tất cả các cộng sự của ông biết về bức thư của Mdivani đều bị bắt ngay và tống vào ngục. Chỉ sau khi Khrusev đổ, mười một năm sau họ mới được ân xá.
Không đợi hết ngày làm việc, tôi đi thăm mẹ đang ốm đã hai tuần nằm trong quân y viện. Ban thư ký của Kruglov báo cho tôi về việc này. Gọi điện thoại cho vợ ở biệt thự, tôi thỏa thuận gặp nhau ở trung tâm cùng ăn trưa sau khi vào bệnh viện. Cô đang lo hơn tôi và cho rằng danh sách người bị bắt sẽ kéo dài thêm và nhất thiết tôi sẽ rơi vào số đó. Như chỉ huy một cơ quan đặc biệt quan trọng của Bộ mà Malenkov, Molotov và Khrusev đều biết rõ, tôi không thể thoát khỏi sự chú ý sát sao của họ. Tất cả những gì còn lại đối với chúng tôi là giữ thấp hơn cỏ, lặng hơn nước, đừng làm gì và nhanh chóng đưa các con khỏi Kiev. Vợ tôi lập tức gọi cho anh trai tôi, giám đốc nhà máy đồ hộp ở Kiev và yêu cầu cho bọn trẻ về Moskva ngay bằng các kênh riêng của ông, và trong bất cứ trường hợp nào cũng không nhờ cơ quan an ninh Ucraina. Cô bóng gió về người ông cùng ăn trưa, tức Mesik, mà việc bắt giữ còn đang bí mật.
Rất may, ở quân y viện tôi gặp Agaianets, một trong những phụ trách phòng của Cục tình báo của Bộ, người chưa biết chuyện gì đang xảy ra. Trong trường hợp cần thiết anh ta bao giờ cũng có thể khẳng định đích thực tôi đến thăm mẹ ốm.
Tối cùng ngày tôi với vợ ở chỗ chị gái tôi, khi kể với bà về những sự kiện đã xảy ra và về sự bắt bớ đang đe dọa chúng tôi. Từ chỗ bà, tôi gọi một lần nữa về Kiev để không dùng điện thoại nhà chúng tôi. Anh Grigori nói sẽ gửi bọn trẻ chúng tôi với cô cháu đi Moskva vào ngày mai. Là giám đốc nhà máy ông có quyền đặt vé tàu mà không cần nhờ cậy ai. Chúng tôi quyết định chị gái tôi Hadejda đón các cháu ở ga và đưa chúng về nhà bà, nếu tôi và vợ đã bị bắt. Tôi tin chắc vợ tôi sẽ bị bắt cùng với tôi hoặc ngay sau tôi.
Hai ngày sau em trai tôi, Konxtantin, cán bộ cấp thấp trong Sở Nội Vụ Moskva cho tôi một thông tin quan trọng. Vợ chú ấy là nhân viên đánh máy trong ban thư ký của Malenkov và làm việc trong Kremli. Từ Konxtantin tôi biết rằng Beria bị Jukov và mấy vị tướng bắt tại cuộc họp của Đoàn chủ tịch BCHTƯ và bị giữ trong boongke ban tham mưu quân khu Moskva. Theo lời cô, ở Kremli vào ngày bắt Beria tình hình rất căng thẳng. Xukhanov trưởng ban thư ký của Malenkov ra lệnh để tất cả các nhân viên trong suốt ba giờ - trong thời gian cuộc họp Đoàn chủ tịch - ở lại chỗ làm việc và không được bước ra hành lang. Từ Konxtantin, tôi biết rằng trong Kremli (điều vô tiền lệ!) xuất hiện hơn mười vị tướng vũ trang từ Bộ Quốc phòng được gọi đến Đoàn chủ tịch BCHTƯ ĐCS Liên Xô. Theo lệnh của Xerov và Kruglov, những Thứ trưởng thứ nhất của Beria, đội bảo vệ chính phủ chuyển trực chiến tại Kremli cho họ. Trong số họ có Brejnev, phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Hồng quân và Hải quân. Còn thêm hai cán bộ MVD bị bắt mà không ai được thông báo: Cục trưởng Cục bảo vệ chính phủ thiếu tướng Kuzmitsev và Cục trưởng Cục đặc biệt lưu trữ thống kê “A” thiếu tướng Gertsovxky.
Thông tin của Konxtantin làm tôi lo lắng nghiêm trọng: sự tranh giành quyền lực trong Kremli có quy mô nguy hiểm. Thời Stalin khi vào Kremli bị cấm mang theo vũ khí, duy nhất có đội cảnh vệ mang vũ khí. Bộ trưởng Quốc phòng Bulganin đã tạo một tiền lệ thế nào kia, khi dẫn một nhóm sĩ quan và tướng lĩnh vũ trang, bí mật đem theo súng! Các sĩ quan vũ trang không biết về mục đích triệu tập: Bộ trưởng Quốc phòng ra lệnh đến với vũ khí cá nhân mà không giải thích gì cả. Sau này tôi nghe nói nguyên soái Jukov nghe thấy kế hoạch bắt Beria chỉ mấy giờ trước khi việc đó diễn ra.
Liudvigov bị bắt tại cửa sân vận động Dinamo bởi hai sĩ quan cao cấp của Cục tác chiến MVD phục sẵn. Họ thông báo chính thức rằng ông đã bị bắt và đưa về nhà tù Butưrok. Sau này, trong tù, ông kể với tôi rằng cứ ngỡ bị bắt theo lệnh Beria, vì thế đã kinh ngạc khi sau mấy ngày tại nơi hỏi cung các điều tra viên nói với ông rằng ông và Beria bị buộc tội âm mưu chống chính phủ Xô viết. Ông nghĩ phải chăng là sự khiêu khích từ phía Beria để lấy lời khai giả dối nhằm loại bỏ ông. Sau đó thoáng qua trong ông, vì ông lấy con gái của Mikoian, mà Beria, biết rõ Mikoian và đôi khi cãi cọ với ông ấy, muốn có tài liệu bôi nhọ về ông ấy. Nhưng nhanh chóng các công tố viên thuyết phục được Liudvigov rằng những lời buộc tội đối với ông và Beria có thể kết thúc bằng xử bắn cả hai người.
Xarkixov bị bắt khi đang nghỉ phép, và anh ta hoàn toàn tin chắc là bị bắt theo lệnh Beria.
Rất rõ ràng, đứng sau vụ đảo chính ở Kremli là Khrusev, và những người của ông ta, không phải Xerov và Kruglov phó của Beria bắt ông, mà là những quân nhân trực tiếp dưới quyền Bulganin, kẻ như ai cũng rõ, là người của Khrusev. Vào những năm 30 họ làm việc với nhau ở Moskva, Khrusev là bí thư thành ủy Moskva, còn Bulganin là chủ tịch Xô viết Moskva. Sự kiện Beria bị giam chỗ quân đội chứng tỏ Khrusev đã nắm “vụ án Beria” vào tay mình. Sau này tôi biết rằng các quân nhân theo lệnh Bulganin tiến hành những bước không có tiền lệ, không cho phép Kruglov, Bộ trưởng Nội vụ mới hỏi cung Beria. Malenkov về hình thức còn là người đứng đầu chính phủ, dù là ra lệnh bắt Beria, trong thực tế ít có ảnh hưởng đến tiến triển các sự kiện. Vốn là người gần gũi với Beria suốt cả chục năm trước đó, về thực chất, ông cũng đã bị phán quyết.
Những hồi ức của Khrusev về việc bắt Beria trông có vẻ không đủ sức thuyết phục. Giờ đây đã xác định rằng Beria không hề có âm mưu gì với mục đích cướp quyền hay xóa bỏ sự lãnh đạo tập thể. Đối với điều đó ông không đủ thực lực và sự ủng hộ trong bộ máy đảng và nhà nước. Những sáng kiến ông tiếp nhận chỉ ra rằng ông chỉ muốn tăng thêm ảnh hưởng của mình trong việc quyết định những vấn đề đối nội và đối ngoại. Beria sử dụng các quan hệ cá nhân với Malenkov và thực tế đặt ông ta vào tình trạng khó khăn, khi bị cách ly khỏi các thành viên khác của Đoàn chủ tịch BCHTƯ. Thế nhưng địa vị của Beria phụ thuộc hoàn toàn vào Malenkov và sự ủng hộ của ông ta. Beria làm Malenkov bực tức: trong liên minh với Khrusev, Beria vội vàng loại bỏ Ignatiev, người của Malenkov, chịu trách nhiệm kiểm soát của đảng đối với cơ quan an ninh. Về phần mình, Malenkov đánh giá quá mức sức mạnh của chính mình; ông ta không thấy rằng sự ủng hộ của Beria là quyết định đối với địa vị của ông ta trong Đoàn chủ tịch BCHTƯ. Vấn đề là ở chỗ Beria, Pervukhin, Xaburov và Malenkov đại diện một thế hệ tương đối trẻ trong ban lãnh đạo Xô viết. “Những người già” Molotov, Vorosilov, Mikoian, Kaganovich, bị Stalin tước đi quyền lực vào những năm cầm quyền cuối của ông, - có thái độ thù địch với thế hệ trẻ đến với quyền lực qua những cuộc thanh trừng những năm 30-40 này. Giữa hai nhóm này vào tháng 3, tháng 4-1953 hình thành sự cân bằng mong manh, nhưng uy tín xã hội của lớp thủ lĩnh già cao hơn so với của Malenkov, Khrusev và Beria, những người dưới mắt nhân dân vốn chỉ là tay sai của Stalin chứ không phải là những lãnh tụ đáng kính.
Khrusev khôn khéo luồn lách giữa hai nhóm này, ông ta ủng hộ Beria để làm suy yếu Malenkov, khi Ignatiev bị vấy bẩn sau thất bại của “vụ các bác sĩ”. Ông ta cũng ủng hộ Beria khi cần tước quyền của Malenkov ở chức vụ Bí thư BCHTƯ. Giờ đây tôi rõ hoàn toàn là Khrusev lợi dụng đúng lúc sự bất bình trong các nhà lãnh đạo khác do sự tích cực của Beria gây nên để loại bỏ ông. Năm 1952 giải tán chức vụ Tổng bí thư ĐCS Liên Xô, điều đó làm Khrusev thành ủy viên duy nhất của Đoàn chủ tịch BCHTƯ trong số các Bí thư BCH. Để đạt được quyền lực cao nhất, ông ta cần trừ khử Malenkov như người đứng đầu chính phủ và BCHTƯ. Để làm được điều đó cần phá vỡ liên minh, Beria-Malenkov vốn bảo đảm cho Malenkov quyền lực thực tế và kiểm soát công tác của bộ máy đảng và nhà nước. Khrusev nhất thiết phải đặt được người trung thành của mình đứng đầu các cơ quan an ninh và Viện Công tố.
Các tài liệu lưu trữ cho thấy rằng Khrusev sau khi bắt Beria đã có toàn quyền quyết định. Dưới áp lực của ông ta Đoàn chủ tịch BCHTƯ cách chức Tổng Công tố Xafonov và đặt vào đó Rudenko, người thân của Khrusev. Vừa được đề cử làm Tổng Công tố, ngày 29-6-1953 Rudenko được giao điều tra vụ án Beria.
Tôi không bao giờ tin việc Beria có âm mưu lật đổ chính phủ, và đến nay càng được khẳng định vì không tìm ra chứng cứ, không có những mệnh lệnh hay triển khai các đơn vị để làm đảo chính, thêm nữa, vào lúc ấy Beria đang bận rộn với những phiêu lưu tình ái.
Các lời buộc tội Beria chỉ dựa trên “những sáng kiến phản bội” của ông trong lĩnh vực đường lối dân tộc, những bước nhằm ổn định quan hệ với Nam Tư, và những ý định của ông về thống nhất nước Đức. Người ta buộc tội ông có liên hệ với tình báo Anh: công tố viên kết luận như thế dựa trên lệnh của Beria ngừng điều tra vụ án Maixky, ông còn bị buộc tội ra lệnh chuẩn bị thử bom khinh khí thiếu sự cho phép của BCHTƯ. Thực ra, sau khi bắt ông, chẳng ai thay đổi mệnh lệnh đó, và công việc chuẩn bị vẫn tiến hành suốt cả tháng 6, khi Beria đang ngồi tù, còn vụ thử được tiến hành vào tháng 8.
Một trong những buộc tội chính chống Beria quy lại là trong thời nội chiến, năm 1919 ông là điệp viên của tình báo phái dân tộc chủ nghĩa Muxavat thiết lập những tiếp xúc bí mật với tình báo Anh ở Baku mà nó đã cài ông vào tổ chức bolsevich. Trong cáo buộc khẳng định rằng Beria đã thủ tiêu tất cả các nhân chứng về hành vi phản bội của mình trong nội chiến ở Kavkaz và bôi nhọ ký ức người bolsevich lừng danh Xergo Ordjonikidze, anh hùng của nhân dân Gruzia và người bạn trung thành của Lenin và Stalin.
Sau này, vào những năm 50 cho đến tận cuộc bạo loạn tháng 8-1991, tất cả các nhà lãnh đạo từ Khrusev đến Gorbachov tiếp tục khẳng định rằng Ordjonikidze trở thành nạn nhân của Stalin và Beria do sự đối lập của mình đối với các vụ thanh trừng của Stalin những năm 30. Thế nhưng các tài liệu lưu trữ vẽ ra một bức tranh hoàn toàn khác. Theo lời Mamulov, phụ trách ban thư ký của Beria, Ordjonikidze chuẩn bị và tự tay viết tuyên bố gửi Ủy ban Kiểm tra đảng, khẳng định rằng Beria được ĐCS phái vào tổ chức dân tộc chủ nghĩa Azerbaizan nhằm thâm nhập vào cơ quan đặc biệt của chúng. Có những tài liệu chứng tỏ những đụng độ cá nhân giữa Ordjonikidze với Stalin, nhưng không có chứng cứ gì của việc ông chống lại các vụ bắt bớ và thanh trừng.
Tháng 1-1991 trên tạp chí Tin tức của BCHTƯ ĐCS Liên Xô bất ngờ đăng biên bản Hội nghị BCHTƯ về vụ án Beria. Các phát biểu tại Hội nghị của Molotov, Malenkov, Khrusev, Mikoian và những người khác cho thấy rằng những lời buộc tội chống Beria chỉ dựa trên những lời đồn đại do chính họ tung ra. Biên bản không có những chứng cứ trực tiếp nào, thế nhưng đầy rẫy những nhận xét không xác định: “Tôi nghĩ”, “Ngay từ đầu tôi đã không tin ông ta”, kiểu như thế.
Theo sau việc bắt Beria, cuối tháng 6 hay đầu tháng 7-1953, Malenkov cử Bí thư BCHTƯ đảng Satalin kiêm nhiệm chức Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ, giao cho ông ta phụ trách tình báo đối ngoại. Tôi lập tức báo cáo với ông ta về công việc của mình nhằm chống lại các căn cứ chiến lược Mỹ, và yêu cầu những chỉ thị tiếp theo, chỉ ra rằng tôi lo những công việc nghiêm túc, chứ không phải mưu mô của những nhà cầm quyền. Tôi đề nghị ông ta cho phép tiếp tục nghiên cứu khả năng chiến đấu của các lực lượng NATO. Đáp lại ông ta tuyên bố:
- Tôi ở đây không phải để quyết định gì đó. Và tôi cũng không định ký các tài liệu.
Và trả lại báo cáo của tôi.
Sau khi việc bắt giữ Beria được thông báo chính thức và ông bị khai trừ khỏi đảng và bị gọi là kẻ thù của nhân dân, cuộc họp cốt cán đảng của thành phần lãnh đạo Bộ Nội vụ được tổ chức. Các phát biểu của Malenkov và Satalin giải thích nguyên nhân bắt giữ Beria với các nhà chuyên nghiệp tập trung tại phòng hội nghị, vang lên một cách ngây ngô và bất lực kiểu trẻ con. Phòng họp im lặng nghe sự cởi mở của Satalin về việc, nhằm làm mê muội sự cảnh giác của Beria, BCHTƯ đã phê chuẩn các nghị quyết biết rõ là giả dối và ra những mệnh lệnh tương ứng. Mọi sự đó là vô tiền khoáng hậu. Tất cả chúng tôi tin rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào ban lãnh đạo chúng ta cũng không tiếp nhận những chỉ thị để lừa dối đảng viên cho dù là vì mục đích tối thượng nhất.
Lúc ấy tôi ngây thơ quá mức là đã tin: thời Stalin mọi thứ đều khác. Mà tất cả chúng tôi đều cho rằng một sự trơ trẽn như thế là không thể. Trong khi đó Satalin tiếp tục phát biểu. Theo lời ông ta, lãnh đạo BCHTƯ và đồng chí Malenkov cùng với các tướng lĩnh lừng danh - ông nhắc tới nguyên soái Jukov và các tướng Batitsky và Moxkalenko, những người giúp bắt Beria, - đã lập một chiến công anh hùng.
- Hoàn toàn không đơn giản khi lập kế hoạch và tiến hành bắt giữ một kẻ ác độc như thế, - Satalin nói.
Eitingon, Raikhman và tôi ngồi cạnh nhau, trao đổi những ánh mắt đa nghĩa. Chúng tôi lập tức hiểu rằng, không có mưu mô nào hết của Beria, chỉ là mưu mô chống Beria trong ban lãnh đạo đất nước.
Lập tức sau Satalin, Thứ trưởng phụ trách cán bộ Obrutsnikov lên tiếng và gọi Raikhman, Eitingon và tôi là những nhân vật không xứng đáng với lòng tin. Nói chung ông ta không phải là kẻ thù của chúng tôi - ông ta chỉ là kẻ thi hành. Obrutsnikov chỉ trích tôi vây bọc quanh mình những nhân vật đáng ngờ và đáng ghét kiểu Eitingon, Xerebrianxky và Vaxilevxky trước kia bị bắt và bị loại khỏi công tác tình báo. Mọi cố gắng thanh minh của tôi bị Xerov chủ tọa chặn lại.
Mãi đến năm 1991 tôi mới biết: Obrutsnikov đơn giản nhắc lại đúng từng lời mà Kruglov nói tại Hội nghị trong Kremli. Khác với Xerov, Kruglov không phải là nhân vật chủ chốt trong âm mưu chống Beria: ông ta quá sợ đến nỗi trong những ngày bấn loạn ấy đã mất đi một nửa trọng lượng cơ thể.
Satalin báo rằng trưởng phòng trong Cục phản gián, đại tá Potapov đã thiển cận chính trị và kém chuyên môn: khi gặp người cung cấp tin ngay trước việc bắt giữ Beria, anh ta đã tán dương Beria. Tôi thấy mặt Potapov trắng bệch khi nghe Malenkov hỏi: “Người này có đây không?”. Potapov đứng lên nhưng không đủ sức nói gì. Xerov can thiệp vào, tuyên bố rằng những kẻ thiếu trách nhiệm đưa ra những phát biểu chống đảng như thế, không thể dự cuộc họp kín của Đảng, và Potapov bị đưa ra khỏi phòng. May thay, anh ta giữ chức vụ không cao để cần gây một vụ om sòm, vì thế chỉ bị đuổi khỏi cơ quan và nhận cảnh cáo đảng.
Dù cuộc họp cốt cán đảng có đánh bật sự thăng bằng tinh thần của tôi, tôi vẫn còn hi vọng rằng mọi chuyện trong bộ sẽ nhanh chóng trở lại bình thường. Tôi đi làm đều đặn, nhưng người ta không giao cho việc gì cả. Xét theo những ghi chép của tôi, cuộc họp tổ chức ngày 15-7, còn 5-8 tôi bị gọi đến văn phòng Rruglov và được lệnh đem đến hồ sơ điệp viên Xtamenov, đại sứ Bungari ở Liên Xô những năm 1941-1944, điệp viên NKVD mà tôi phụ trách. Không giải thích gì, Kruglov bảo “bề trên” đang đợi chúng tôi, - điều đó có nghĩa là chúng tôi đi vào Kremli. Chúng tôi qua cổng Xpaxkie rồi đi theo những hành lang quen thuộc. Người ta tiếp đón khá quái lạ. Tôi và Kruglov lập tức hiểu ngay: sẽ xảy ra gì đó bất thường. Thay vào chỗ mời Bộ trưởng và thuộc cấp của ông vào văn phòng, phụ trách ban thư ký Malenkov đề nghị Kruglov ở lại phòng đón khách (thời Stalin không có chuyện đó), còn tôi được mời vào văn phòng cũ của Stalin.
Đó không phải một sự tình cờ. Các nhà lãnh đạo đất nước biết rằng Kruglov và Xerov đứng đầu MVD, không nắm rõ một loạt chi tiết và hoàn cảnh quan trọng trong công tác của cơ quan an ninh những năm 1945-1953. Có thể Đoàn chủ tịch BCHTƯ còn chưa quyết được có đáng hay không một loạt vụ việc đặc biệt quan trọng trong và ngoài nước mà ngoài Beria, cả Khrusev, Molotov, Malenkov và Bulganin - những người buộc tội Beria hiện giờ - đều trực tiếp có dính dáng.
Trong văn phòng cũ của Stalin, ngồi sau bàn hội nghị Đoàn chủ tịch BCHTƯ có Khrusev, Molotov, Malenkov, Bulganin, Mikoian và Vorosilov. Dù được xem rằng với tư cách Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Malenkov là người đứng đầu ban lãnh đạo tập thể, nhưng không phải ông, mà Khrusev chào tôi và mời ngồi. Rồi ông ta nói:
- Đồng chí Xudoplatov ạ, anh biết là chúng ta đã bắt Beria vì hoạt động phản bội. Anh làm việc với y nhiều năm. Beria viết rằng muốn giải thích với chúng tôi. Nhưng chúng tôi không muốn trò chuyện với y. Chúng tôi mời anh để làm rõ một số hành động phản bội của y. Tôi nghĩ anh sẽ cởi mở trả lời những câu hỏi của đảng.
Im lặng một chốc, tôi đáp:
- Trách nhiệm đảng viên của tôi - trình ban lãnh đạo đảng và chính phủ những sự kiện chân thực.
Sau khi kinh ngạc nghe giải thích việc bắt giữ Beria, tôi nói thêm:
- Rất tiếc, tôi biết về âm mưu của ông ta chỉ từ thông báo chính thức.
Malenkov tham gia vào câu chuyện và đòi tôi giải thích sự tham gia của tôi trong những cố gắng bí mật của Beria vào những tháng đầu chiến tranh thiết lập tiếp xúc với Hitler, để bắt đầu đàm phán hòa bình trên cơ sở nhún nhường lãnh thổ.
Tôi kể lại những gì liên quan đến Xtamenov và công việc tung thông tin giả trong chiến tranh. Malenkov cắt lời tôi, đề nghị ra phòng đón khách và viết bản tường trình về vấn đề này. Trong lúc đó Kruglov được gọi vào văn phòng, còn khi thư ký của Malenkov báo rằng tôi đã viết xong, tôi lại được mời vào.
Sau này tôi biết rằng trong các lời khai của Beria về sự việc này nói rằng ông nhận lệnh của chính phủ nhờ sự giúp đỡ của Xtamenov tạo các điều kiện cho chúng ta khả năng triển khai tác chiến để có thì giờ tập trung lực lượng, bằng cách qua Xtamenov tung tin giả và ngăn cản sự tiến quân của quân Đức.
Khrusev đọc lời khai một trang của tôi. Molotov tiếp tục im lặng, Khrusev lại đề nghị tôi kể về công việc thời Abakumov và Beria sau chiến tranh.
Và ở đây hình như tôi đã có một sai lầm định mệnh.
Sau khi tôi mô tả những chiến dịch được lập để chống lại các căn cứ quân sự của NATO, Khrusev đề nghị báo cáo về những vụ thủ tiêu bí mật. Tôi bắt đầu từ hành động chống Konovalets và Trotsky, sau đó chuyển sang những chiến dịch đặc biệt ở Minxk và Berlin trong những năm chiến tranh. Tôi nêu bốn hoạt động sau chiến tranh: với Ogginx, Xamet, Romja và Sumxky - và trong mỗi trường hợp đều chỉ ra ai ra lệnh thủ tiêu, rằng mọi hành động đều được không chỉ Stalin, mà cả Molotov, Khrusev và Bulganin khích lệ. Khrusev lập tức sửa lại tôi, quay về phía Đoàn chủ tịch, tuyên bố rằng trong phần lớn các trường hợp sáng kiến xuất phát từ Stalin và các đồng chí nước ngoài của chúng ta. Một khoảng im lặng khó xử.
Bất ngờ tôi được ủng hộ: Bulganin nói rằng các chiến dịch ấy được thực hiện chống những kẻ thù đáng nguyền rủa của chủ nghĩa xã hội. Khrusev kết thúc cuộc trò chuyện, nói với tôi:
- Đảng không có gì chống lại anh. Chúng tôi tin anh. Hãy tiếp tục công tác. Sắp tới chúng tôi đề nghị anh chuẩn bị kế hoạch tiêu diệt ban lãnh đạo Bandera đứng đầu phong trào phát xít Ucraina ở Tây Âu dám láo xược lăng nhục các nhà lãnh đạo Xô viết.
Sau đó ông ta cho tôi hiểu là không còn câu hỏi tiếp, và Kruglov bằng cử chỉ cho tôi biết đợi ông ta ở phòng đón khách. Tôi đợi ở đấy chừng 1 giờ rưỡi, và sự lo lắng lớn dần lên. Tôi không tin một lời Khrusev nói với tôi lúc kết thúc. Ấn tượng nặng nề đè lên tôi từ sự thù địch của Malenkov và sự lặng thinh của Molotov.
Tôi lo lắng tợn. Cái khả năng Kruglov đi ra từ văn phòng với lệnh bắt tôi là có vẻ hoàn toàn thực tế. Đã ở trong xe, ông ta nói, tôi không chậm trễ trình lên ông ta báo cáo tự viết tay về tất cả các trường hợp thủ tiêu tôi rõ - cả trong lẫn ngoài nước, trong đó kể cả sự hủy bỏ mệnh lệnh. Vấn đề nói tới những chiến dịch mà mệnh lệnh tiến hành hay hủy bỏ xuất phát từ Beria, Abakumov và Ignatiev.
Trong văn phòng mình, tôi lập một danh sách tất cả những phi vụ đặc biệt tôi rõ và đưa chúng cho đại tá Xtudnikov, bí thư đảng Ban 9. Trong báo cáo tôi chỉ kể những chiến dịch đích thân tôi rõ hoặc trong đó tôi cách này hay cách khác có tham dự. Sau đó đề nghị Xtudnikov đưa tài liệu đến ban thư ký của Kruglov, bởi vì tôi muốn tin chắc rằng tôi có nhân chứng. Còn khắp Bộ đã loan tin đồn rằng cơ quan của tôi chịu trách nhiệm vì những vụ giết người hàng loạt theo lệnh của Beria.
Sau khi thư ký của Kruglov khẳng định rằng Xtudnikov đã chuyển báo cáo của tôi trong phong bì gắn kín, tôi đến biệt thự để bàn bạc tình hình với vợ. Dù chúng tôi cố giữ lạc quan, cô đã đúng khi cho rằng chắc chắn nhất ban lãnh đạo mới sẽ xem tôi như một kẻ đồng lõa tích cực trong mọi vụ việc của Beria.
Sau 2-3 ngày, em trai Konxtantin cho biết tên tôi bắt đầu nổi lên trong các biên bản hỏi cung Beria, Kobulov và Mairanovxky.
Qua điện thoại Tổng Công tố Rudenko gọi cho tôi và đòi phải đến chỗ ông ta, như ông ta diễn đạt, “làm sáng tỏ một số sự kiện anh biết rõ”. Trước khi đến gặp Tổng Công tố trên phố Puskin, tôi tự nhủ: ta sẽ chẳng tự bắn mình và sẽ đấu tranh đến cùng - tôi chưa bao giờ là đồng lõa của Beria, thậm chí chưa bao giờ là người thuộc giới thân cận của ông.
Tại Viện Công tố Liên Xô trong phòng đón khách tôi gặp đại tướng Maxlenikov, Anh hùng Liên Xô, vừa ra khỏi văn phòng của Rudenko. Chúng tôi gật đầu chào nhau, và tôi kịp nhận thấy khuôn mặt ông u ám. Với tư cách Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ, ông chỉ huy các đơn vị MVD: danh hiệu Anh hùng Liên Xô ông nhận như tư lệnh mặt trận trong thời gian chiến tranh. Tôi bao giờ cũng kính trọng ông.
Suy nghĩ nhiều về đề nghị nghỉ phép, tôi nghiêng về ý tưởng rằng họ muốn bắt tôi không gây ầm ĩ, ở bên ngoài Moskva và giữ kín việc bắt giữ.
Sau đó tôi biết một tin sững sờ - Maxlenikov tự vẫn trong văn phòng. Sau những cuộc hỏi cung có vẻ như Beria có những kế hoạch đưa về Moskva các đơn vị MVD dưới sự chỉ huy của ông và bắt giữ toàn bộ chính phủ. Không hề có một kế hoạch như thế, và Maxlenikov quyết định: tốt nhất là kết liễu bản thân còn hơn bị bắt. Ông đã bảo vệ danh dự một đại tướng như thế.
Trong văn phòng Rudenko có đại tá tư pháp Tsaregradxky: qua thời gian trò chuyện ông ta không thốt ra một lời nào và chỉ cẩn thận ghi các câu hỏi của Rudenko và lời đáp của tôi. Rudenko tuyên bố rằng đã nhận được chỉ thị từ BCHTƯ đảng sắp xếp các lời giải thích của tôi, sau đó gài vào vụ án Beria, và nhấn mạnh rằng trong các giải thích của tôi câu chuyện với Xtamenov có viện dẫn tới Stalin và Molotov, cần phải bỏ chúng và thay vào đó viện dẫn đến Beria, người truyền đạt cho anh tất cả các chỉ thị và mệnh lệnh mà ông ta nhận được từ “cấp trên”. Tôi không phản đối: đối với bất cứ ai quen với trật tự thời ấy, cách đặt vấn đề như thế được coi là bình thường. Thì trong các báo cáo của tôi gửi Bộ trưởng không bao giờ tôi viết rằng tôi đề nghị vụ việc này hay vụ việc kia theo chỉ đạo của đồng chí Khrusev hay Malenkov. Mà thay vào tên và chức vụ, mọi người viết và nói “cấp trên” đã thừa nhận là hợp lý tiến hành chiến dịch này hoặc nọ.
Ngay từ đầu tôi không thích ngữ điệu và nội dung các câu hỏi mà Rudenko đặt ra. Chúng như thế này:
- Khi nào anh nhận được mệnh lệnh phạm pháp của Beria bắt đầu thăm dò khả năng hiệp ước hòa bình với Hitler?
Tôi lập tức phản đối, nhận xét rằng những diễn đạt như “mệnh lệnh phạm pháp” không được các đồng chí Khrusev và Malenkov dùng khi họ đặt câu hỏi và nghe giải thích của tôi. Về những hành động phạm tội của Beria tôi chỉ được biết qua thông báo chính thức của chính phủ. Còn chính tôi, như một cán bộ tác chiến, không thể tưởng tượng rằng, con người được chính phủ cử phụ trách cơ quan an ninh, lại là kẻ tội phạm hiện giờ bị vạch trần.
Rudenko rất không thích những câu trả lời của tôi được ghi biên bản. Dù ông ta vẫn giữ vẻ lịch thiệp trong giao tiếp, nhưng trách tôi là quá trịnh trọng và dùng những diễn đạt bảo thủ trong việc vạch trần một kẻ thù đáng nguyền rủa của đảng và chính phủ như Beria.
Tất nhiên, tôi trở về Lubianka trong tâm trạng u uất nhất: quay lại trong trí câu chuyện ở Viện Công tố, tôi cố hình dung chuyện gì sẽ tiếp theo sau đó. Tôi hiểu rằng tương lai chẳng hứa hẹn điều gì tốt với tôi, và tôi đã tuyệt vọng.
Nhanh chóng tôi biết về những đổi thay như những điềm dữ. Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ Xerov tuyên bố với tôi: Ban 9 từ nay không còn là phân ban độc lập nữa, mà thuộc thành phần Tổng cục tình báo mà sau việc bắt giữ Beria chịu sự lãnh đạo của Paniuskin. Đó là một kẻ quan liêu tự đắc, cũng như không có lấy một chút kinh nghiệm trong các chiến dịch tác chiến, bất kể đã từng là đại sứ và trưởng nhóm tình báo ở Trung Quốc, sau đó ở Washington vào đầu những năm 50. Điều đó đi ngược hẳn với những lời cam đoan của Khrusev, rằng tôi sẽ tiếp tục công việc của mình như cũ. Paniuskin và Xerov cố moi từ tôi sao cho nhiều hơn các kế hoạch tác chiến. Dù họ khẳng định rằng tôi vẫn là phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo, thật kinh ngạc đối với tôi, họ đề nghị tôi nghỉ phép - nghỉ ngơi, ví dụ, tại viện điều dưỡng của Bộ. Tôi đồng ý nhưng nói rằng sắp sửa đến năm học, và tôi có thể đi nghỉ phép sau khi các con tôi đến trường.
Tình hình vô cùng căng thẳng. Cô vợ lo để làm sao ở nhà tôi không với tay đến được vũ khí, - cô sợ tôi sẽ tự tử để tránh việc bắt bớ và cứu gia đình khỏi bị đày đi Xibiri.
Những ngày ấy Raikhman vừa bị Xerov đuổi việc một tuần sau cuộc họp cốt cán đảng về vụ án Beria, đã đến thăm chúng tôi. Theo lời Raikhman, người có những liên hệ trong các nhóm chính phủ, người ta cam đoan với ông rằng sự thanh lọc chỉ hạn chế bởi những ai đã bị bắt cùng với Beria, và ông hi vọng rằng ông và Eitingon chỉ bị buộc nghỉ việc. Cả hai chúng tôi muốn nghĩ sẽ được như thế. Bởi chúng tôi chưa bao giờ thuộc số những người gần gũi với Beria, mà những người thực sự quan hệ với ông như Kruglov và Xerov, vẫn giữ quyền lực.
Dự đoán của Raikhman hóa ra sai lầm.
Eitingon, Elizabeta và Vaxili Zarubin, Xerebrianxky, Afanaxiev, Vaxilevxky và Xemenov bị đình chỉ công việc. Sau đó Eitingon và Xerebrianxky bị bắt, những người khác bị đuổi, dù người già nhất cũng chỉ mới hơn năm chục tuổi. Xemenov, nổi tiếng bởi những hoạt động anh hùng trong việc thu thập những bí mật nguyên tử cho đất nước, bị đuổi khỏi cơ quan không lương hưu.
Nửa năm sau khi tôi bị bắt, người ta đuổi Zoia Rưbkina khỏi ngành an ninh. Cô bị cử đến phục vụ ở hệ thống trại giam miền Bắc. Năm 1955 cô về hưu, nhận lương hưu của MVD chứ không phải của KGB.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét