Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 12-1

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 12: Âm Mưu Chống Beria Và Sự Sụp Đổ Của Ông

1. Những sáng kiến của Beria trong đường lối đối nội và đối ngoại sau cái chết của Stalin

Trong vòng một ngày sau cái chết của Stalin, Bộ An ninh và Bộ Nội vụ được thống nhất dưới sự lãnh đạo chung của Beria. Ngày 10-3-1953 trong Bộ đã thành lập bốn nhóm để kiểm tra và xem xét lại những vụ án bị ngụy tạo: “âm mưu của bọn Do Thái và bác sĩ”, “vụ những người Megrel” và “vụ án MGB”.
Beria giải phóng các bác sĩ và đề nghị minh oan cho các thành viên “Ủy ban Do Thái chống phát xít” đã bị xử bắn, nhưng bị Khrusev và Malenkov từ chối.
2-4-1953 Beria gửi Hội đồng bộ trưởng Liên Xô bản báo cáo trong đó nói rằng Mikhoels bị vu khống và bị giết một cách tàn bạo theo lệnh Stalin bởi một nhóm cán bộ MGB đứng đầu là Ogolsov và Tsanava, cùng 5 cán bộ tác chiến. Ông đề nghị hủy bỏ Sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô tặng thưởng huân chương cho những người đó, và đề nghị bắt giữ Ogolsov và Tsanava như những kẻ thi hành hành động độc ác và tội giết người.
Tsanava bị bắt theo lệnh Beria vì thủ tiêu Mikhoels vào tháng 4-1953, đã biến thành, khi đang trong tù, “thành viên bè lũ Beria”, và chết trong tù không đợi được đến ngày xử án.
Ogolsov và nhóm ông ta bị thu hồi huân chương, nhưng không phải ra tòa.
Nhân thể nói thêm, tại Đoàn chủ tịch BCHTƯ, Beria phát biểu và trình lên để thảo luận đề án ân xá rộng các tù phạm chính trị. Thế nhưng đề nghị của ông không được phê chuẩn.
Sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô về ân xá liên quan tới tất cả mọi đối tượng, kể cả tù chính trị bị kết án thời hạn đến 5 năm tù. Đó là một quyết định nông nổi: hơn một triệu tù hình sự , kẻ trộm, cưỡng dâm, lừa đảo, du côn, cùng lúc được thả khỏi các trại giam. Thành phố và làng mạc đầy rẫy trộm cướp và phá phách, tình cảnh trở nên nguy hiểm và căng thẳng. Để đối phó với việc này Beria chuyển bộ máy của Bộ sang chế độ làm việc tăng cường, ra lệnh cho các phó của mình và các Cục trưởng bảo đảm trật tự công cộng ở thủ đô. Trật tự nhanh chóng được thiết lập lại, nhưng tình trạng lộn xộn đã làm lung lay uy tín của Beria.
Beria còn có quyết định chuyển trại giam từ MVD cho Bộ Tư pháp và đặt vấn đề giải tán nó. Sau khi bắt giữ Beria, quyết định này bị thay đổi.
Tại Hội nghị tháng 6-1953 của BCHTƯ, Beria bị buộc tội có ý đồ chuyển quyền lực thực tế từ BCHTƯ đảng sang Hội đồng bộ trưởng. Hiện giờ người ta gắn các kế hoạch cải cách cơ cấu chính quyền của ông với điều đó.
Tháng 4-1953 trong cách xử sự của Beria tôi nhận thấy có những thay đổi: khi trò chuyện trước mặt tôi (đôi khi cả trước một số sĩ quan an ninh cao cấp khác) với Malenkov, Bulganin và Khrusev, ông công khai chỉ trích các thành viên Đoàn chủ tịch BCHTƯ đảng, nói với họ một cách suồng sã “cậu cậu tớ tớ”. Có lần trước mặt Cục trưởng phản gián tư tưởng Xazưkin, ông nhắc lại đã cứu Ilia Erenburg khỏi cơn giận của Stalin như thế nào. Theo lời ông, năm 1939 ông nhận lệnh Stalin bắt giữ Erenburg khi ông kia từ Pháp trở về. Tại Lubianka, Beria nhận được báo cáo của Vaxilevxky nhóm trưởng tình báo ở Paris, trong đó đánh giá cao đóng góp chính trị của Erenburg trong sự phát triển quan hệ Xô-Pháp và hoạt động chống phát xít của ông ta. Thay vào chỗ thực hiện mệnh lệnh, ở lần gặp tiếp Beria đưa Stalin xem bức điện của Vaxilevxky. Đáp lại Stalin lẩm bẩm:
- Thôi được, nếu anh đã thích tên Do Thái ấy đến thế thì cứ làm việc tiếp với hắn.
Có lần ghé vào văn phòng Beria, tôi nghe ông tranh cãi với Khrusev:
- Nghe này, chính cậu đề nghị tôi tìm biện pháp tiêu diệt Bandera, thế mà bây giờ cái BCHTƯ của các cậu lại cản trở đề cử ở MVD những cán bộ chuyên nghiệp về đấu tranh với dân tộc chủ nghĩa.
Trước kia không bao giờ ông cho phép bản thân một sự phóng túng như vậy, khi bên cạnh có thuộc cấp của ông.
Mùa xuân 1953 vị trí công tác của tôi không rõ ràng. Phó của Beria, B. Kobulov muốn cử tôi làm trưởng thanh tra MVD, tức phụ trách việc thi hành mệnh lệnh và chỉ dẫn của bộ máy trung tâm đối với tất cả các cơ quan an ninh Liên bang. Tôi không ưng điều này, vì gánh nặng quá lớn. Kruglov Thứ trưởng thứ nhất thay vào đó, đề nghị để tôi và Eitingon, khi vẫn giữ chức vụ ở Văn phòng tình báo và công tác phá hoại, được cử làm Cục phó cục phản gián tư tưởng vừa thành lập.
Tôi đồng ý nhưng chưa bắt đầu công việc mới. Chưa qua một tuần, Beria đề nghị tôi thay Tổng cục trưởng Tổng cục phản gián tình báo Fedotov. Thế nhưng ngày hôm sau, khi tôi và Fedotov đến văn phòng Beria, Kobulov bất ngờ đề cử tôi làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ucraina; sau đó nói, có lẽ nên phái tôi làm đại diện đặc quyền của MVD phụ trách nước Đức để có thể sống một thời gian trong điều kiện khá hơn. Biết B. Kobulov là nghệ nhân lớn về các âm mưu, tôi đáp không thể tiếp nhận những đề nghị này vì lý do cá nhân. Tôi viện ra sức khỏe kém của vợ và nêu ứng cử viên tiềm năng cho công tác về nước Đức là Amaiak Kobulov thời gian ấy là Cục trưởng Cục phụ trách các việc tù binh của MVD.
Tôi nghĩ B. Kobulov muốn đẩy tôi ra khỏi bộ máy trung tâm của Bộ, vì tôi biết quá nhiều về những chiến dịch mà ông ta và Beria tiến hành chống người lưu vong Gruzia ở Paris. Tôi cũng biết rằng cháu vợ Beria, tên là Savdia, bị quân Đức bắt và hoạt động với tư cách điệp viên hai mang của ta khi cộng tác với Gestapo ở Paris. Năm 1945 anh ta trở về Moskva, còn sau đó về Tbilixi. Năm 1951 Stalin ra lệnh bắt giam anh ta vì cộng tác với Đức và như một kẻ dân tộc chủ nghĩa Megrel, bị kết án 20 năm tù giam. Beria không tìm cách cứu anh ta, nhưng mối liên hệ gia đình với kẻ tội phạm bị xử vẫn là dấu đen trong lý lịch ông và tiềm ẩn hiểm họa.
Beria đồng ý rằng tôi không nên rời khỏi Moskva. Trong vòng một tuần tôi nhận sự cất nhắc vào chức vụ phụ trách Ban 9 mới của MVD trực thuộc Bộ trưởng. Ban này được biết đến với tên Văn phòng các nhiệm vụ đặc biệt, có trong tay một binh đoàn quân đặc nhiệm để tiến hành các chiến dịch phá hoại ở nước ngoài. Dù không ai nói thẳng về tính chất các nhiệm vụ mà binh đoàn phải thi hành, nhiệm vụ mới của tôi phù hợp với giới thiệu của Stalin nêu lên trước kia - thực tế tôi trở thành phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo - phản gián An ninh Quốc gia và nhận được khả năng huy động tất cả mọi lực lượng và phương tiện của tình báo trong trường hợp khẩn cấp.
Sau khi Stalin chết, chúng tôi bắt đầu xem xét lại những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác ở nước ngoài và trong nước. Beria nắm sáng kiến vào tay mình.
Tôi thuộc số người được ông giao chuẩn bị báo cáo với sự liệt kê chi tiết và phân tích các sai lầm đã có của các tổ chức đảng và cơ quan an ninh trong cuộc đấu tranh với hoạt động bí mật của phe dân tộc chủ nghĩa ở Litva và Ucraina. Beria cho là cần thiết đè bạt các cán bộ địa phương vào các chức vụ lãnh đạo, còn chức phó thì dành cho người thuộc những dân tộc Xlavơ. Beria cố đòi hỏi cho sự phát triển các truyền thông dân tộc trong lĩnh vực văn hóa và ngôn ngữ. Nói riêng, ông quan tâm vấn đề giáo dục giới trí thức trẻ dân tộc mà đối với họ các lý tưởng xã hội chủ nghĩa là gần gũi.
Tiếc rằng, vào lúc chuẩn bị báo cáo về những sai lầm trong đường lối dân tộc, ở Ucraina, đã bùng lên đụng độ giữa Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ucrainai vừa được cử Mesik với các quan chức đảng địa phương cũng như các cán bộ MVD Ucraina. Mesik tìm mọi cách đuổi việc người quen của Khrusev là Xtrokats, người năm 1941 bị sa thải khỏi an ninh vì không tổ chức chuyển được một phần hồ sơ lưu trữ của NKVD, khi quân Đức bao vây Kiev. Thêm nữa, Mesik không hòa hợp với các lãnh đạo đảng Ucraina Xerdiuk và Selext. Xerdiuk định lấy tòa nhà dành làm nhà trẻ cho con em MVD: ông ta thích biệt thự này tại Lvov. Xerdiuk phái trợ lý đến nhà trẻ, nhưng Mesik đã cắt đội bảo vệ canh giữ. Selext, lúc ấy là bí thư thành ủy Kiev, lấy cho bản thân chiếc canô của thanh tra cứu hỏa để đi săn và không trả lại. Mesik báo cáo điều đó cho MVD và chính phủ. Dù tại cuộc họp BCHTƯ Ucraina vẫn nói tiếng Nga, Mesik xấc xược nói với mọi người bằng tiếng Ucraina, đề nghị với những người Nga đang bị sốc, kể cả Bí thư thứ nhất BCHTƯ Melnikov, học tiếng Ucraina.
Mesik tự hào kể với tôi về những chuyện ấy, chứng minh, theo ông ta, về phương hướng đúng đắn trong đường lối dân tộc. Tôi nói với ông ta rằng ông ta là thằng ngốc nếu đụng độ với chính quyền địa phương. Sau đó tôi giới thiệu ông ta với Muzưtsenko có thời là điệp viên ngầm của ta ở Paris và có kinh nghiệm lớn làm việc với những người dân tộc chủ nghĩa Ucraina. Chúng tôi biết rằng ông sẽ biết phân biệt những kẻ khủng bố thật sự với bọn ba hoa và sẽ giúp Mesik tránh những đụng độ không cần thiết.
Muzưtsenko đang ở Moskva khi người ta bắt Beria và Mesik. Bởi ông chưa được phê chuẩn chức vụ mới Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ucraina nên ông thoát khỏi sự bắt bớ. Và ông không xuất hiện ở cơ quan an ninh nữa và làm lại công việc cũ tại MONIKI. Hai lần Viện Công tố hỏi ông liên quan đến kế hoạch dường như của Mesik phục hồi dân tộc chủ nghĩa tư sản. Nhưng ông đủ kinh nghiệm và đáp là không biết gì, bởi chưa bắt tay vào công việc.
Abakumov suốt thời gian đó vẫn ngồi tù, dù hầu hết cán bộ an ninh đã được tha, trừ phụ trách ban thư ký của ông ta và các lãnh đạo Bộ phận điều tra về các vụ đặc biệt quan trọng của XMERS và của cựu MGB.
Beria cũng đặt chấm hết cho cái được gọi là “vụ án Mrgrel” bắt đầu từ hai năm trước theo lệnh Stalin. Ông thả các bí thư BCHTƯ ĐCS Gruzia Barami và Saria và cựu Bộ trưởng An ninh Rapava, người bất chấp sự tra tấn, vẫn không lay chuyển và không chịu khai dối trá. Thế nhưng nhà tổ chức chính của “vụ Megrel”, Rukhadze, mà theo chỉ thị của Stalin ngụy tạo ra nó, cũng như lắp thiết bị nghe trộm tại nhà và biệt thự của Beria và mẹ ông ở Abkhazia và Tbilixi, vẫn ở trong tù.
Khrusev giúp Beria đặt dấu chấm hết trong “vụ Megrel”, bằng quyết định của BCHTƯ ĐCS Liên Xô. Beria tự đi Tbilixi, sau khi từ tổ chức đảng Gruzia được gỡ bỏ lời buộc tội vì tính dân tộc chủ nghĩa. Mgeladze, đối thủ chính của Beria, kẻ bày những mưu mô chống lại ông, bị truất chức bí thư thứ nhất BCHTƯ ĐCS Gruzia. Được sự đồng ý của Khrusev, Beria đặt cựu phụ trách ban thư ký của mình ở Moskva, Mamulov, lên vị trí ủy viên Bộ Chính trị phụ trách tổ chức cán bộ ĐCS Gruzia. Trong đảng của nước cộng hòa diễn ra sự thanh lọc rộng khắp. Sau này Mamulov kể với tôi rằng không phải Beria mà là Khrusev giao cho ông ta tiến hành chiến dịch không đổ máu này không có bắt bớ. Sự mỉa mai của số phận là ở chỗ Mamulov cần phải xử trí những người đã lừa dối Stalin và viết thư vu khống gửi Moskva về mối liên hệ của Beria và Malenkov với phái mensevich và dân tộc chủ nghĩa Gruzia, dù chính Stalin ra những mệnh lệnh như thế bằng tiếng Gruzia để có tài liệu bôi nhọ Beria.
Sau này chúng tôi biết rằng Stalin, Rukhadze và Mgeladze thảo luận bên bàn ăn nội dung những bản tố cáo này.
Nguồn gốc Megrel của Beria lúc đầu cản trở ông trong sự nghiệp, cuối cùng trở thành định mệnh. Tình bạn chân tình của Beria với Malenkov đã kết thúc vào tháng 5-1953. Nhà viết kịch nổi tiếng Mdivani trực tiếp biết Beria, đã trao cho Liudvigov phụ trách ban thư ký của Beria một bức thư trong đó buộc tội Malenkov vừa trở thành Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô, rằng trong báo cáo của mình tại đại hội đảng lần thứ XIX dường như ông ta đã sử dụng tài liệu từ bài phát biểu của Bulưgin Bộ trưởng Nội vụ Sa hoàng trong Duma quốc gia khi nói rằng cần những Gogol và Sedrin mới để nâng tinh thần xã hội.
Vào thời kỳ cạnh tranh gay gắt ấy thì lời buộc tội này là đáng kể. Beria bực tức ra lệnh hủy bức thư này và ngừng giao tiếp với “kẻ đểu giả Gruzia”.
Thế nhưng bức thư vào tháng 5-1953 từ ban thư ký Beria được chuyển sang ban thư ký Malenkov, tình bạn chân thành của họ đã chấm dứt.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét