Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 12-2

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 12: Âm Mưu Chống Beria Và Sự Sụp Đổ Của Ông

2. Thay đổi phân bố lực lượng bên trong ban lãnh đạo Kremli vào tháng 4 - tháng 6 năm 1953

Những mưu mô này diễn ra đúng vào thời điểm Beria bắt tay vào thực hiện thêm một sáng kiến, lần này liên quan đến khu vực công tác của tôi. Trong cuộc họp chỉ huy các cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng và MVD ông chỉ trích mãnh liệt Riaxnoi, người phụ trách sau cùng của tình báo đối ngoại của MVD, người được Khrusev cất nhắc, vì những biện pháp sơ sài và thiếu hiệu quả: các chỉ thị của Stalin về việc trừ khử các thủ lĩnh của giới lưu vong (Kerenxky) và những nhân vật hạng hai, theo lời ông, không có ý nghĩa thực tiễn gì cả.
Beria nói, hiện giờ nhiệm vụ chính là thành lập một cơ sở để tiến hành các chiến dịch tình báo. Ở Đức để làm việc đó cần sử dụng những gì còn lại từ mạng điệp viên “Dàn đồng ca Đỏ” ở Hambourg. Tại các nước giáp ranh với Mỹ, cần tăng cường địa vị của những điệp viên ngầm. Cũng cấp thiết, ông tiếp tục, chuẩn bị nghị quyết của chính phủ giao trách nhiệm cho MVD, Bộ Ngoại giao, TASS và các cơ quan Xô viết khác ở nước ngoài mở rộng sự ủng hộ các chiến dịch của tình báo Xô viết ở nước ngoài.
Ông cũng nhấn mạnh sự hợp lý của việc tồn tại hai cơ quan tình báo song song trong Bộ Nội vụ và trong Bộ Quốc phòng.
Beria cho tôi chỉ thị chuẩn bị trong vòng một tuần cùng với chỉ huy tình báo quân đội, đại tướng Zakharov và nguyên soái Golovanov, Tư lệnh không quân chiến đấu tầm xa đặc biệt, báo cáo về các biện pháp vô hiệu hóa ưu thế chiến lược của Mỹ ở trên không và tiến hành phá hoại các cơ sở nguyên tử và chiến lược của Mỹ và NATO. Đã có lệnh trình kế hoạch loại bỏ các cơ sở cung ứng của Không quân và Hải quân Mỹ ở châu Âu.
Tuần sau trong gian phòng rộng của Beria ở Kremli nơi diễn ra cuộc họp, thủy sư đô đốc Kuznetsov, Tư lệnh hải quân, cảm ơn Beria đã minh oan cho trợ lý của ông là đô đốc hải quân Gontsarov chết năm 1948 trong thời gian bị hỏi cung. Hầu hết các phó của Kuznetsov bị bắt năm 1948, riêng ông bị hạ chức và được cử làm Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương. Ba năm sau ông gửi thư lên Stalin đề nghị vũ trang lại hạm đội hải quân và xây dựng hạm đội tàu ngầm, chế tạo tàu ngầm nguyên tử. Stalin ủng hộ các đề nghị của Kuznetsov và phục chức cho ông dù các cựu phó của ông vẫn trong tù. Tôi luôn luôn kính trọng Kuznetsov như một tướng lĩnh quân sự tài ba được đánh giá cao trong giới tình báo chúng ta. Và lần này cũng như mọi khi, Kuznetsov tạo không khí tốt cho cuộc họp.
Tôi báo cáo kế hoạch của các mạng điệp viên đặc biệt có thể theo dõi thường xuyên 159 cơ sở chiến lược chủ chốt của phương Tây tại châu Âu và Mỹ. Đô đốc Kuznetsov trình chúng tôi xem xét một phương án hành động khác. Theo ý kiến ông, những chiến dịch đặc biệt và công tác phá hoại phải được soạn thảo phù hợp với đòi hỏi của việc tiến hành chiến tranh hiện đại. Những đụng độ quân sự hiện giờ không kéo dài, ông nói, chúng phải được kết thúc nhanh và kiên quyết. Kuznetsov đề nghị thảo luận khả năng giáng đòn ngăn chặn, được tính đến khả năng dự trữ hạn chế của chúng ta, để tiêu diệt 3-4 tàu sân bay Mỹ, cho các tàu ngầm ta có ưu thế lớn hơn khi triển khai các chiến dịch chống xâm nhập đường biển của đối phương. Tướng Zakharov, sau này là Tổng tham mưu trưởng, nhận xét rằng đòn ngăn chặn trước là hoàn toàn mới trong nghệ thuật quân sự và cần nghiên cứu nó một cách nghiêm túc.
Nguyên soái Golovanov không đồng ý với chúng tôi. Ông nhận xét rằng, trong điều kiện chiến tranh, với dự trữ hạn chế, hẳn là hiện thực hơn cho rằng chúng ta sẽ có thể giáng cho đối phương chỉ 1 đến 2 đòn vào các công trình chiến lược. Và trong trường hợp ấy nên tấn công không phải các tàu chiến tại căn cứ của địch, mà trước hết tiêu diệt tại sân bay một phần lực lượng không quân của nó vốn có khả năng giáng đòn hạt nhân xuống các thành phố chúng ta.
Tôi ủng hộ Zakharov, dẫn ra các thí dụ từ thực tiễn thế chiến II và kinh nghiệm không lớn của chúng ta nhận được từ cuộc chiến tranh Triều Tiên, - lúc ấy các mạng tình báo công khai của ta chỉ có khả năng tiến hành theo dõi các căn cứ quân sự của Mỹ ở Viễn Đông. Kinh nghiệm cuộc chiến vừa qua thì nó chỉ hạn chế bằng việc chiếm những cơ sở riêng biệt, cũng như những nhân vật nắm thông tin chiến lược và tác chiến quan trọng nhất. Những đòi hỏi mới trong điều kiện chiến tranh hạt nhân dự tính phải xem xét lại toàn bộ hệ thống các chiến dịch phá hoại của chúng ta. Tôi nói chúng ta cần không chỉ trong việc huấn luyện cá nhân, mà phải huấn luyện những nhóm tấn công được tất cả các mạng điệp viên chủ chốt phối hợp. Nhiệm vụ của họ là tấn công các kho vũ khí hạt nhân hoặc các căn cứ không quân hạt nhân. Tôi cũng chỉ ra kinh nghiệm thế chiến hai và chiến tranh Triều Tiên: sự phá hủy tuyến cung ứng của địch, đặc biệt khi chúng bị kéo dài trên diện lớn, về mặt tác chiến có thể quan trọng hơn nhiều so với đòn giáng thẳng vào các mục tiêu quân sự. Thực ra, với những đòn đánh trực tiếp có thể gây sự hoảng loạn trong hàng ngũ kẻ thù và bề ngoài có vẻ hiệu quả, nhưng tiêu hủy đường cung ứng là đáng kể hơn, mà tác động sẽ lâu dài hơn. Thêm nữa các căn cứ quân sự được canh phòng tăng cường và khi tấn công chỉ nên tính là sẽ loại khỏi vòng chiến đấu 2-3 công trình mà thôi.
Kế hoạch tôi đưa ra về sử dụng các chiến dịch phá hoại thay cho những cú đánh bởi khả năng hạn chế của không quân và hải quân có vẻ thuyết phục được ban lãnh đạo quân đội. Những người có mặt tại cuộc họp trong văn phòng Beria đã đồng tình với tôi.
Beria nghe tôi chăm chú, nhưng ông chưa hình dung ra cơ quan phá hoại được tổ chức lại với các quyền hạn rộng hơn phải được xây dựng ra sao.
Trong khi thảo luận, tướng Zakharov đề nghị để các chiến dịch phá hoại của các cơ quan đặc biệt tiến hành theo tuyến các quân chủng của lực lượng vũ trang và Bộ Nội vụ. Thế nhưng, theo ý ông, ưu tiên hàng đầu trong công tác điệp viên phải dành cho cơ quan tôi. Cũng trong thời gian đó cần có một nhóm công tác cố định để điều phối trên cấp độ các phó Cục trưởng tình báo quân đội, MVD và các cơ quan tình báo không quân và hải quân.
Beria đồng ý và bế mạc cuộc họp. Sau một tháng chúng tôi cần phải trình kế hoạch chi tiết về phối hợp công tác phá hoại ở nước ngoài. Người ta hứa giúp tôi các nguồn dự trữ và cán bộ, đặc biệt là các thẩm định viên trong lĩnh vực vũ trang, chế biến dầu lửa, giao thông và cung ứng.
Ngày hôm sau Beria gọi tôi và Kruglov đến và ra chỉ thị bổ sung biên chế và phương tiện cho tôi. Chúng tôi quyết định thành lập binh đoàn đặc nhiệm để tiến hành phá hoại. Một binh đoàn như thế từng có dưới quyền tôi trong những năm chiến tranh và bị Abakumov giải tán năm 1946. Beria và Kruglov khuyến khích đề nghị của tôi lôi kéo các chuyên gia tình báo và các chiến sĩ du kích làm việc tích cực trong cơ quan. Vaxilevxky, Zarubin và vợ ông, Xerebrianxky, Afanaxiev, Xemenov và Taubman đã bị sa thải, lại được gọi về Lubianka và giữ các chức vụ cao trong Ban 9 mở rộng của MVD. (Nhưng ba tháng sau việc bắt giữ tôi, họ lại bị đuổi việc, còn Xerebrianxky bị bắt ngay sau tôi và ông mất trong tù). Trong khi đó tôi bàn với nguyên soái Golovanov liên quan đến các khả năng tấn công trên không vào các căn cứ NATO ở Tây Âu. Tôi đề nghị một vụ bay thử của máy bay có khả năng tấn công những căn cứ chiến lược, và kiểm tra xem rađa đối phương có phát hiện ra chúng hay không.
Chuyến bay thử chúng tôi thỏa thuận với ban chỉ huy không quân chiến lược. Sĩ quan liên lạc của chúng tôi với Bộ tổng tham mưu, đại tá Zimin, đã thông báo về thành công của chiến dịch, còn tôi báo cho Beria. Các tướng Stemenko và Zakharov, như tôi nghe kể, rất có ấn tượng về thành công của chiến dịch tình báo này.
Tháng 5 cùng năm, Beria, sau khi thỏa thuận sơ bộ với Malenkov và Khrusev, đã ra mệnh lệnh chuẩn bị và tiến hành thử quả bom khinh khí đầu tiên.
Ý định của Beria liên quan đến nước Đức và Nam Tư. Ý tưởng thống nhất nước Đức nói chung không phải của chính Beria: năm 1951 Stalin đã đề nghị thành lập một nước Đức thống nhất có tính toán đến quyền lợi của Liên Xô (vấn đề này vẫn được bàn cho đến tận lúc bức tường Berlin được dựng lên năm 1961). Còn trước khi Stalin chết, Ignatiev đã phê chuẩn sự thăm dò đặc biệt của các cơ quan đặc biệt ở nước ngoài về vấn đề này. Ngay trước ngày lễ 1-5-1953 Beria giao cho tôi chuẩn bị những hoạt động tình báo bí mật để thăm dò khả năng thống nhất nước Đức. Ông nói với tôi rằng nước Đức thống nhất trung lập với chính phủ liên hiệp sẽ củng cố địa vị của chúng ta trên thế giới. Đông Đức sẽ trở thành như một tỉnh tự trị của nước Đức thống nhất mới. Nước Đức thống nhất sẽ trở thành một khu đệm đặc thù giữa nước Mỹ và Liên Xô mà quyền lợi sẽ đụng chạm ở Tây Âu. Điều đó sẽ là sự nhượng bộ từ phía chúng ta, nhưng có thể được bù đắp bằng một khoản tiền bồi thường, dù điều đó có vẻ giống sự phản bội.
Kế hoạch của Beria định trước việc sử dụng các tiếp xúc với Đức của Olga Tsekhova, công tước Ianus Radzivill và các liên hệ của Grigulevich: ở Vatican họ phải tung tin là Liên Xô sẵn sàng tiến đến thỏa hiệp về vấn đề thống nhất nước Đức. Chúng ta cần nắm phản ứng của Vatican và các giới chính trị Mỹ, cũng như những người có uy tín trong giới thân cận của thủ tướng Tây Đức Konrad Adenauer. Sau sự thăm dò đó Beria hi vọng bắt đầu thương thuyết với các cường quốc phương Tây.
Thoạt đầu định kéo vào việc này tướng Utekhin mà Tsekhova có liên hệ riêng theo sự ủy thác của Abakumov vào những năm 1945-1951. Nhưng Utekhin sau một năm rưỡi tù đày bị tra tấn dã man chưa phục hồi sức lực. Đại tá Zoia Rưbkina, chỉ huy phòng nước Đức của Tổng cục tình báo MVD, phải đi Berlin và Vienne tiến hành việc thăm dò thông qua Olga Tsekhova, mà như chúng ta hi vọng, sẽ kéo theo những cuộc thương thuyết, giống như đã xảy ra ở Phần Lan năm 1944. Beria cảnh báo tôi rằng kế hoạch này là siêu bí mật và bộ máy của Molotov, cũng như hết thảy Bộ Ngoại giao, được kéo vào vụ việc chỉ ở giai đoạn hai, khi bắt đầu những cuộc thương lượng.
Các sự kiện ở Đông Đức nhanh chóng tuột khỏi tầm kiểm soát của chúng ta, một phần cũng do sáng kiến của Beria. Tháng 5 chúng tôi gọi tướng Vellveber, Bộ trưởng Bộ An ninh Đông Đức, người thông báo cho chúng ta về sự chia rẽ nghiêm trọng trong ban lãnh đạo sau tuyên bố của Ulbrikht rằng mục đích chủ yếu của Đông Đức là xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chuyên chính vô sản. Tuyên bố của Ulbrikht dấy lên những cuộc tranh luận nóng bỏng và làm Moskva lo lắng, bởi cần lưu ý đến dư luận xã hội phương Tây và của các nhà chính trị, cố vấn chính trị của ta bên cạnh Ulbrikht, cựu đại sứ ở Trung Quốc, bị khiển trách. Molotov đề nghị để Đoàn chủ tịch BCHTƯ đảng phê chuẩn một quyết định đặc biệt về sai lầm đường lối đẩy nhanh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Đức. Nhưng Beria, tiến hành đường lối của mình và đề cao khẩu hiệu nước Đức thống nhất dân chủ và trung lập: nói chung chúng ta không cần một nước Đức xã hội chủ nghĩa không ổn định mà sự tồn tại của nó phụ thuộc hoàn toàn vào sự nâng đỡ của Liên Xô.
Molotov phản đối cực lực, và nhanh chóng thành lập một Ủy ban gồm Beria, Malenkov và Molotov để soạn thảo đường lối chính trị về Đức. Ủy ban phải chuẩn bị các điều kiện hiệp ước thống nhất nước Đức có lưu ý đến việc kéo dài 10 năm trả bồi thường chiến tranh bằng thiết bị để khôi phục công nghiệp và xây dựng đường ô tô và đường sắt ở Liên Xô, điều hẳn cho phép chúng ta giải quyết được vấn đề giao thông và trong trường hợp chiến tranh nhanh chóng đưa quân sang châu Âu. Tổn phí chiến tranh được tính khoảng 10 tỷ đôla - cái tổng số mà chúng ta trước kia dự tính nhận bằng hình thức tiền vay ở các tổ chức Do Thái quốc tế. Kế hoạch xem xét việc củng cố địa vị của ta cả ở Đông Đức lẫn ở Ba Lan, lúc đó đang khủng hoảng kinh tế làm hàng nghìn người Ba Lan chạy sang Tây Đức. Vấn đề về thống nhất nước Đức là cấp thiết, bởi chúng ta buộc phải cung cấp theo giá rẻ nhiên liệu và thực phẩm cả cho Đông Đức và Ba Lan cho đến khi kinh tế nông nghiệp tập thể và phục hồi công nghiệp trong những nước này đem lại những thành quả.
Ngày 5-6-1953, khi lại được cử làm chính ủy tối cao, Xemenov sang Đức để theo dõi việc thực hiện các chỉ thị của Moskva. Ban lãnh đạo Đức xin hai tuần để điều chỉnh đường lối chính trị, nhưng Xemenov thúc giục trả lời nhanh, khi khẳng định rằng Đông Đức sẽ trở thành một tỉnh tự trị trong cơ cấu nước Đức thống nhất. Vì thế bắt đầu từ ngày 5-6, chính phủ Đông Đức hoàn toàn bị tê liệt - loan đi những tin đồn rằng những ngày của Ulbrikht đã sắp hết.
Trong khi đó ở Moskva tướng Vollveber và đại tá Fadeikin, nhóm phó tình báo của ta ở Berlin, kể với tôi về sự bất mãn đang tăng ở Đức do những khó khăn kinh tế và sự bất lực của các cơ cấu lãnh đạo. Ulbrikht và các nhà lãnh đạo khác của Đông Đức vào đầu tháng 6 bị gọi sang Moskva, nơi họ được thông báo về đường lối chính trị mới của ta trong quan hệ với Đông Đức được phê chuẩn bởi Đoàn chủ tịch BCHTƯ ngày 12-6.
Dù tôi không có mặt ở cuộc gặp gỡ phái đoàn Đông Đức nơi có Beria, Malenkov, Khrusev, Xemenov và tướng Gretsko Tư lệnh các đơn vị Xô viết ở Đức, về sau tôi biết rằng Ưlbrikht cực lực phản đối mạnh kế hoạch của chúng ta. Vì thế Beria, Malenkov và Khrusev quyết định loại bỏ Ulbrikht. Đình công nổi lên ở Đông Đức. Người ta nghĩ sai rằng chính phủ Ulbrikht không được Moskva ủng hộ và họ sẽ không chống lại người đình công, nhưng khi xảy ra những sự kiện này, Beria đã ra lệnh cho Gretsko và Xemenov lập lại trật tự bằng lực lượng quân sự. Kết quả bi thảm, hàng nghìn người chết.
Beria vẫn chưa thôi nghĩ về sự thống nhất nước Đức. Trình diễn sức mạnh, như ông hi vọng, chỉ tăng các cơ hội thành công trong việc đạt tới thỏa hiệp của phương Tây về tiến trình thống nhất nước Đức một cách hòa bình. Ông cho rằng phương Tây sẽ mất đi ảo tưởng dường như có thể loại bỏ sự hiện diện của Liên Xô ở Đức bằng con đường đấu tranh quần chúng.
Zoia Rưbkina sang Berlin thăm dò phản ứng của phương Tây về việc thống nhất nước Đức. Tôi nhận được tin là cô đã nối được liên hệ với Olga Tsekhova, nhưng không kịp báo kết quả với Beria: ngày 26-6 Beria bị bắt trong điện Kremli.
Tôi lệnh cho Zoia Rưbkina về ngay Moskva bằng máy bay quân sự mà không giải thích gì cả.
Nhưng ra lệnh thì dễ, thực hiện mệnh lệnh mới khó.
Vấn đề là Gretsko nhận được chỉ thị bắt giữ tất cả các cán bộ MVD mới được cử sang Đức chưa lâu. Amaiak Kobulov, đại diện MVD ở Đức, Goglidze phụ trách phản gián quân đội, sang Đức để ổn định trật tự, liền bị bắt và áp giải về Moskva. Mọi phương tiện liên lạc nằm dưới sự kiểm soát của tướng Gretsko. Rưbkina phải xin trực tiếp ông ta giúp bay về Moskva. Rất may viên tướng chưa bao giờ cho phụ nữ là nghiêm túc, thêm nữa cô không thông báo về nhiệm vụ của mình. Sự bắt giữ Beria lúc ấy còn được giữ bí mật. Cô nói nhận được lệnh về Moskva ngay. Gretsko không biết tôi là ai và người phụ nữ này có thể là ai - đại tá an ninh. Ông ta cho phép cô bay có các sĩ quan tình báo quân đội đi cùng. Cô thật gặp may: các sĩ quan này biết Rưbkina với những chuyến đi thường xuyên sang Đức và khuyên được Gretsko không bắt cô. Họ cũng rõ cô là cán bộ cao cấp của MVD, và cuối cùng, nhiệm vụ mật của cô chỉ được nói miệng và không khẳng định bằng văn bản nào.
Ngày 29-6-1953, Đoàn chủ tịch BCHTƯ đã hủy bỏ quyết định của mình ngày 12 về vấn đề nước Đức.

Lịch sử cũng xảy ra như thế với Nam Tư.
Beria thuyết phục Malenkov về sự cần thiết hòa hảo với Tito. Kế hoạch thủ tiêu Tito bị hủy bỏ, Beria đề nghị cử đại diện của mình, đại tá Fedoxeev để thiết lập tiếp xúc với ban lãnh đạo Nam Tư. Anh ta cần báo với người Nam Tư đường lối mới của Liên Xô nhằm khôi phục hợp tác giữa hai nước. Sự lựa chọn rơi vào Fedoxeev là vì cán bộ tình báo trẻ năng nổ này đã có không ít kinh nghiệm và vừa được cử vào chức vụ phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo. Tôi biết anh trong những năm chiến tranh khi anh phụ trách cơ quan phản gián trong sở công an Moskva. Từ 1947 anh làm việc tại Ủy ban thông tấn. Bởi anh chưa ra nước ngoài nên các cơ quan đặc biệt nước ngoài không rõ về anh. Beria phê chuẩn anh làm trưởng nhóm tình báo ở Belgrad, còn Malenkov ủng hộ sự lựa chọn này bằng văn bản.
Không biết về nhiệm vụ của Fedoxeev, tôi tiến hành thăm dò song song hướng đến sự thiết lập quan hệ hòa bình với Tito. Điệp viên Grigulevich được gọi về Moskva cũng liên quan đến việc này. Nhưng ý đồ không thành do Beria bị bắt.

Trong các kế hoạch của Beria có sự bố trí lại cán bộ trong ban lãnh đạo Hungari. Ông đề đạt ứng cử viên thủ tướng là Nagy Imre. Từ những năm 30 ông này là điệp viên của NKVD (mật danh “Volodia”), và được ban lãnh đạo ta đánh giá cao. Chính vì thế Beria mới đề cử ông cho chức vụ thủ tướng. Không nghi ngờ, Nagy Imre sẽ ngoan ngoãn thực hiện mọi mệnh lệnh của Moskva.
Năm 1956 ông ta lãnh đạo khởi nghĩa ở Hungari.
Như sau này tôi nghe kể, ông bị dụ đến điểm hẹn, dường như để có cuộc nói chuyện với đại diện chính phủ Liên Xô. Ông bị bắt bởi nhóm tác chiến KGB đứng đầu là Xerov, Korotkov và Krokhin. Sự cộng tác của Nagy Imre với NKND đóng vai trò định mệnh trong cuộc đời ông.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét