Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 11-5

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 11: Giai Đoạn Cầm Quyền Cuối Cùng Của Stalin

5. Sắp xếp lại cán bộ trong Kremli và cơ quan an ninh ngay trước cái chết của Stalin

Những chi tiết cụ thể của “vụ Leningrad” vẫn là bí mật đối với cốt cán đảng; thậm chí Anna cũng không tưởng tượng nổi sức nặng của những lời buộc tội. Giờ đây chúng ta biết rằng họ bị buộc tội mưu toan chia rẽ ĐCS bằng cách lập một trung tâm đối lập ở Leningrad. Một người bị xử, Kapuxtin, bị gán tội làm gián điệp, nhưng không có chứng cứ.
Mọi chuyện đó được bày đặt và dựng lên bởi cuộc cạnh tranh không ngừng trong số những trợ thủ của Stalin. Các môtíp buộc Malenkov, Beria và Khrusev tiêu diệt bè cánh Leningrad là rõ: tăng quyền lực cho mình. Họ sợ êkíp trẻ Leningrad sẽ thay thế Stalin. Giờ đây chúng ta biết kết quả kiểm tra phiếu kín ở Leningrad năm 1948 đúng là có bịa đặt, nhưng những người bị xử không hề có liên quan đến. Bộ Chính trị đủ thành phần kể cả Stalin, Malenkov, Khrusev và Beria, nhất trí phê chuẩn nghị quyết buộc Abakumov bắt và xét xử nhóm Leningrad, nhưng dù có viết gì đi nữa trong sách giáo khoa phổ thông về lịch sử đảng, và dù Khrusev có viết gì đi nữa trong hồi ký, Abkumov cũng không phải là người có sáng kiến. Đích thị thuộc cấp của ông ta đã xuyên tạc vụ này, nhưng Abakumov hành động theo mệnh lệnh nhận được.
“Vụ án Leningrad” trùng hợp với sự hạ bệ đột ngột Molotov, người dù vẫn còn là ủy viên Bộ Chính trị, nhưng bị mất chức Ngoại trưởng năm 1949. Vưsinxky thay ông. Molotov rất đau khổ vì việc vợ ông, Jemtsujina, người Do Thái bị bắt; thoạt đầu người ta khép bà tội vượt quyền và đánh mất tài liệu mật (mà người ta có thể lấy cắp theo lệnh Stalin). Theo lệnh Stalin, dưới áp lực của các điều tra viên, để bôi nhọ Jemtsujina trong mắt người chồng ủy viên Bộ Chính trị, hai thuộc cấp của bà buộc phải thú nhận có quan hệ tư tình với bà. Bà ở trong tù một năm, sau đó bị đày đi Kazakxtan. Stalin hi vọng nhận được lời nói xấu của Jemtsujina về Molotov. Bà bị bắt rất kín đáo nên tôi chỉ biết chuyện này ngay trước khi Stalin chết, khi Fitin lúc đó là Bộ trưởng An ninh Kazakxtan than vãn với tôi là ông rất cực khổ phải chịu trách nhiệm về Jemtsujina. Ignatiev suốt thời gian hỏi cung bà, cố tìm biết về các liên hệ của bà với phái Do Thái và với đại sứ Israel ở Liên Xô, Golda Meier.
Thời ấy, cuối 1952 - đầu 1953, chúng tôi biết Stalin công khai phát biểu chống Molotov và Mikoian tại hội nghị BCHTƯ. Stalin buộc tội họ là những kẻ mưu phản. Ngay sau hội nghị người ta bắt Molotov đưa từ ban thư ký Bộ Ngoại giao về phòng quản trị của Stalin nguyên bản các tài liệu về Hiệp ước Molotov - Ribbentrop, kể cả những biên bản mật. Từ đó đến năm 1992 khi chúng được công bố, chúng được giữ trong lưu trữ mật của Bộ Chính trị. Tôi không loại trừ khả năng Stalin định cáo buộc Molotov tội thân Đức hoặc nịnh bợ Hitler trong những thương thuyết ấy.
Tháng 9-1952, Drozdov, Thứ trưởng Bộ An ninh Ucraina được chuyển về Moskva. Chúng tôi biết nhau gần ba chục năm. Vợ tôi kết bạn với vợ ông ta. Khi đến Lvov để tìm tên lãnh đạo OUN bí mật Sukhevich, tôi đã sống ở nhà nghỉ của Drozdov. Ở Moskva Drozdov được đặt vào chức vụ trưởng Văn phòng đặc biệt số 2 của MGB Liên Xô vốn chuyên trách việc theo dõi và bắt cóc các kẻ thù của Stalin trong nước - cả kẻ thù thực tế lẫn được bịa ra.
Thoạt đầu Abakumov và Ogolsov cho rằng Văn phòng phá hoại và tình báo của tôi sẽ tiến hành những chiến dịch tương tự trong và ngoài nước, còn Drozdov sẽ là phó của tôi, bởi Eitingon đã bị thất sủng. Điều đó không vừa lòng Abakumov và ông ta tổ chức công việc sao cho Drozdov được giao phó các chiến dịch trong nước. Drozdov không có các mối liên hệ ở Moskva, nhưng được tin cậy trong công việc tế nhị này. Việc đầu tiên của ông ta là kiểm soát độ tin cậy của hệ thống máy nghe trộm, và để tin chắc chúng không bị phát hiện.
Chính lúc ấy từ Drozdov tôi biết Stalin lệnh cho B. Kobulov, phó của Beria, lắp thiết bị nghe trộm trong nhà các nguyên soái Vorosilov, Budyonnyy và Jukov. Sau này, trong danh sách có thêm Molotov và Mikoian.
Drozdov rất mừng là ông không bị lôi kéo vào một vụ bắt cóc nào theo lệnh Stalin, nhưng thuộc cấp của ông thì hai lần phải làm việc cho Tổng cục phản gián: họ phải bắt chuyện trên đường phố và gây một vụ ẩu đả với các nhà ngoại giao nước ngoài, những người thường gặp gỡ các nhà văn Liên Xô.
Sau khi Stalin chết, Beria lập tức cho Drozdov nghỉ viẹc vì ông biết quá nhiều mưu mô nội bộ và không thân thiện với B. Kobulov. Drozdov bị sa thải ở tuổi 50, việc đó khiến ông thoát nạn, dù lúc ấy có vẻ là thảm bại, nếu không, ông sẽ bị bắt cùng với Beria.
Tháng 7-1951 người ta bắt Abakumov. Năm cuối cùng trên ghế Bộ trưởng An ninh, đặc biệt là 9 tháng cuối, ông tuyệt đối bị cách ly khỏi Stalin, sổ trực Kremli cho thấy trong danh sách tiếp khách của Stalin từ tháng 11-1950 không có Abakumov. Stalin cho là Abakumov biết quá nhiều.
Đối với tôi sự hạ bệ Abakumov như sấm giữa trời quang. Ông bị buộc tội trì hoãn điều tra những vụ tội phạm quan trọng và che giấu thông tin, rằng Gavrilov và Lavrentiev là gián điệp đôi của CIA và MGB.
Tất nhiên, trên lương tâm của Abakumov có những chuyện bịa đặt và những lời khai dối trá, nhưng cũng là sự thực, đầu tiên là Viện Công tố, sau đó là Riumin khép ông vào những tội mà ông không có. Ông chưa bao giờ là nhà chính trị, và không thể tổ chức âm mưu với mục đích tiếm quyền; ông tuyệt đối trung thành và tin tưởng Stalin.
Lúc đầu tôi không hiểu hoàn cảnh thất sủng của Abakumov; tôi với ông thường có những quan điểm đối chọi nhau, và tôi ngỡ ban lãnh đạo đảng muốn sửa chữa những sai lầm nghiêm trọng trong công việc của MGB. Nhưng nhanh chóng trở nên rõ ràng, việc bắt Abakumov là khởi đầu một vụ thanh trừng mới. Kết quả là địa vị Malenkov được củng cố, vì Stalin cử Ignatiev giữ chức Bộ trưởng An ninh. Thiếu Abakumov và nhóm Leningrad, Malenkov và Ignatiev trong liên minh với Khrusev lập nên một trung tâm quyền lực mới trong lãnh đạo.
Những vụ bắt bớ liên tục trong số cán bộ MGB làm tôi và vợ lo lắng. Cả trong chiến dịch bài Do Thái, lẫn trong những âm mưu nội bộ sự căng thẳng đang tăng dần. Vợ tôi cảm thấy tôi và cô có tên trong những lời khai của những người bị bắt - Raikhman, Eitingon, Matuxov, Xverdlov. Khi Anna đến nhà chơi, lần đầu tiên tôi nói đến khả năng tìm công việc khác. Phụ trách một cơ quan dưới trướng một Bộ trưởng không chuyên nghiệp và phó kiểu Riumin, kẻ phiêu lưu và hám danh, tôi tất yếu sẽ bị rơi vào hoàn cảnh phức tạp. Tôi vừa nhận bằng tốt nghiệp Học viện quân sự, và điều đó cho tôi hi vọng tìm được công việc trong quân đội hoặc đảng. Anna hứa giúp tôi.
Năm 1952, Malenkov gọi điện thoại cho tôi và nói rằng đảng giao cho tôi một nhiệm vụ quan trọng mà các chi tiết sẽ được Ignatiev nói rõ. Nhanh chóng tôi được mời đến văn phòng Ignatiev, rất lạ lùng là ông ta chỉ có một mình. Chào xong, Ignatiev nói: Trên rất lo khả năng thành lập “Khối các dân tộc chống bolsevich” đứng đầu là Kerenxky. Tôi được lệnh lập tức chuẩn bị kế hoạch hành động ở Paris và London, nơi Kerenxky dự định sẽ đến. Sau một tuần tôi báo cáo với Ignatiev rằng trong chuẩn bị chiến dịch nảy sinh những phức tạp, vì người của ta ở Paris, Khokhlov, người có thể tìm được cách đến gần Kerenxky, đã lọt vào tầm ngắm của phản gián đối phương. Lần cuối khi anh ta qua biên giới, cảnh sát Bỉ đã quan tâm đến giấy tờ anh ta, còn hộ chiếu giả thì bị tịch thu để kiểm tra.
Công tước Gagarin mà nhiệm vụ là tìm cách tiếp cận bộ tham mưu NATO ở Fontainebleau để tiêu hủy hệ thống liên lạc và báo động trong tình huống căng thẳng hay bắt đầu hành động quân sự, lãnh đạo nhóm chiến đấu bí mật ở Paris. Về sự tồn tại nhóm chiến đấu này được báo cáo theo những lý do khác nhau cho cả Stalin lẫn Malenkov. Tôi hỏi Ignatiev, chúng tôi có phải điều chỉnh lại mạng điệp viên này cho việc thủ tiêu Kerenxky hay không.
Ignatiev vốn không bao giờ dám liều điều gì, nói rằng điều đó phải được “bên trên” quyết định. Hai ngày sau tôi nghe thông báo của TASS về việc bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina và giới lưu vong Croatia không đồng tình với việc thành lập “Liên minh chống bolsevich” do Kerenxky làm chủ tịch - họ không muốn có một người Nga đứng đầu tổ chức này.
Sáng hôm sau tôi gửi báo cáo về công việc của nhóm chiến đấu, kèm thông báo của TASS để ông ta hiểu rằng Kerenxky không còn là hiểm họa đối với Liên Xô. Ignatiev gọi tôi, Riaxnoi và Xavtsenko đến văn phòng. Ông ta bắt đầu trách cứ, rằng họ đã đề nghị thủ tiêu Kerenxky khi không đi sâu vào mâu thuẫn nội bộ trong các tập đoàn chống cộng sản. Ignatiev nhấn mạnh, đồng chí Malenkov đặc biệt lo lắng việc để chúng ta không rời xa hoạt động cơ bản là đấu tranh với đối thủ chính - nước Mỹ.
Sau cuộc họp, Ignatiev yêu cầu chúng tôi chuẩn bị các đề nghị tổ chức lại công tác tình báo ở nước ngoài. Tự Stalin chỉ đạo công việc tổ chức này. Theo sáng kiến của ông, cuối năm 1952 trong MGB thành lập Tổng cục tình báo. Pitovranov vừa được tha khỏi nhà tù Lefortovo lãnh đạo nó. Tổng cục trưởng giữ luôn chức Thứ trưởng Bộ An ninh.
Tôi không được mời dự cuộc họp mà Stalin chủ trì, nhưng Malenkov thông báo chính thức tại MGB về quyết định mà ông ta đánh giá là kế hoạch thành lập “mạng lưới điệp viên tình báo hùng hậu ở nước ngoài”, dựa vào các chiến dịch phản gián tích cực trong nước. Đồng thời Malenkov trích dẫn Stalin: “Công việc chống kẻ thù chính của chúng ta là không thể thiếu sự thành lập bộ máy tình báo phá hoại ở nước ngoài. Không nhất thiết lập mạng điệp viên trực tiếp tại Mỹ, nhưng chúng ta phải hành động cương quyết chống Mỹ, trước tiên ở châu Âu và Cận Đông”. “Điểm yếu của Mỹ là cơ cấu đa dân tộc của nó. Chúng ta phải tìm khả năng lợi dụng các dân tộc thiểu số ở Mỹ. Không thể buộc một người Mỹ không chính gốc nào, khi làm việc cho ta, chống lại đất nước là quê hương anh ta. Chúng ta phải sử dụng tối đa các kiều dân từ Đức, Italia và Pháp, thuyết phục họ rằng, khi giúp đỡ chúng ta, họ làm việc cho tổ quốc mình đang bị lăng nhục bởi sự thống trị của Mỹ”.
Bắt đầu năm 1953, tôi và vợ rất lo về sự thay đổi cán bộ trong MGB. Tôi biết tên mình nằm trong danh sách 213 người là cán bộ lãnh đạo cao cấp đã được nhắc tới trong các lời khai của những người bị thanh trừng liên quan với “vụ án Leningrad”, vụ Ủy ban Do Thái chống phát xít và “âm mưu của các bác sĩ”. Sử dụng tài liệu này, Malenkov cách chức hoặc đơn giản đuổi khỏi Moskva nhiều cán bộ khi bắt đầu sự sắp xếp lại cán bộ trong các cơ cấu cao nhất của đảng và chính phủ. Ông ta muốn lôi kéo vào bộ máy những người mới, ít biết về cơ chế quyền lực ở Moskva và thi hành bất cứ mệnh lệnh nào không chút chần chừ.
Vụ thanh lọc này là đẫm máu. Trung tướng Vlaxik, chỉ huy bảo vệ Kremli, bị đẩy đi Xibir làm trưởng trại giam, và bị bắt bí mật ở đấy. Sau khi bị bắt người ta đánh đập và tra tấn dã man Vlaxik. Những bức thư tuyệt vọng của ông gửi Stalin kêu oan không được đáp lại. Ông ở trong tù đến năm 1955, còn sau được ân xá, nhưng không được minh oan, dù nguyên soái Jukov rất ủng hộ.
Sa thải Vlaxik không có nghĩa là giờ đây Beria có thể thay người của mình vào đội bảo vệ Stalin. Chính Ignatiev tự chỉ huy Cục bảo vệ Kremli, mặc dù là Bộ trưởng An ninh.
Tất cả mọi lời bịa đặt rằng người của Beria giết chết Stalin, là hoàn toàn nhảm nhí. Thiếu Ignatiev và Malenkov, không ai trong số người thân cận Stalin có thể được tiếp xúc với Stalin. Đó là một người già, ốm đau với bệnh tưởng cấp tính, nhưng đến tận ngày cuối cuộc đời ông vẫn là nhà cầm quyền toàn năng. Hai lần ông công khai mong muốn nghỉ ngơi, lần đầu sau kỷ niệm Ngày Chiến thắng trong Kremli năm 1945 và một lần nữa tại Hội nghị BCHTƯ tháng 10-1952, nhưng toàn bộ đó chỉ là cái bẫy để làm rõ sự phân bố lực lượng trong giới thân cận của mình và hun nóng cạnh tranh trong Bộ Chính trị.
Tháng 1-1953, Malenkov và Ignatiev ra lệnh cho tôi chuẩn bị đề nghị cách sử dụng cố vấn chúng ta ở Trung Quốc trở về, người báo cáo với Stalin về chỉ thị của lãnh đạo Trung Quốc tuyển mộ các điệp viên trong số các chuyên gia Xô viết làm việc ở đấy. Theo lời Malenkov, Stalin quyết định gửi bản sao thông báo này cho Mao Trạch Đông, tuyên bố rằng chúng ta gọi cố vấn trở về vì tin tưởng hoàn toàn ban lãnh đạo Trung Quốc. Kovalev, theo tôi, tên ông là thế, được cử ngay làm trợ lý của Stalin trong bộ máy Hội đồng bộ trưởng. Malenkov lệnh cho tôi bàn với Kovalev về việc thành lập mạng lưới điệp viên mới ở Viễn Đông để thu nhận những tin tức chân thực về Trung Quốc. Trong khi đó, ông ta nhấn mạnh, rằng mạng lưới này không nên có liên lạc với những nguồn cũ mà phía Trung Quốc có thể đã biết từ thời Quốc tế cộng sản.
Bầu không khí căng thẳng. Cuối tháng 2-1953 tôi bị gọi vào văn phòng Ignatiev, nơi có mặt Goglidze, Thứ trưởng thứ nhất của ông ta, và Koniakhin, phó phụ trách bộ phận điều tra. Ignatiev nói là chúng tôi đi lên “cấp trên”.
Đã muộn - Ignatiev, Goglidze và Koniakhin bước vào văn phòng Stalin, còn tôi ngồi lại gần một giờ ở phòng tiếp khách. Sau đó Goglidze và Koniakhin bước ra, còn tôi và Ignatiev được mời 2 giờ sau đến gặp Stalin tại biệt thự của ông ở Kuntsevo để báo cáo.
Tôi rất kích động khi bước vào văn phòng Stalin, nhưng chỉ nhìn ông, là cảm giác ấy biến mất. Điều tôi nhìn thấy làm tôi sững sờ. Tôi trông thấy một lão già mỏi mệt. Stalin thay đổi nhiều. Tóc ông thưa thớt đi, và dù ông bao giờ cũng nói chậm, giờ đây ông đúng là thốt ra từng từ một cách gắng gượng, còn quãng dừng thì kéo dài hơn. Rõ ràng tin đồn về hai cơn đột quỵ là chính xác: một lần ông trải qua sau hội nghị Yalta, một lần khác - trước sinh nhật 70 tuổi, năm 1949.
Stalin bắt đầu từ việc sắp xếp lại tình báo ở nước ngoài. Ignatiev hỏi, có cần thiết để trong MGB hai trung tâm tình báo độc lập hay không: Văn phòng phụ trách phá hoại ở nước ngoài và Tổng cục tình báo. Tôi được đề nghị phát biểu. Tôi giải thích rằng để thực hiện các chiến dịch chống lại các căn cứ chiến lược Mỹ và NATO vây quanh biên giới chúng ta, chúng tôi cần liên tục hợp tác với tình báo MGB và Bộ Quốc phòng. Sự triển khai nhanh chóng lực lượng để thi hành những chiến dịch như phá hoại, đòi hỏi sự tác động liên đới.
Tôi nhấn mạnh rằng thành công của các chiến dịch phá hoại chống bọn Đức ở mức độ lớn phụ thuộc vào chất lượng mạng lưới điệp viên phân bố gần trực tiếp với các căn cứ cần bị hủy diệt, nói thêm rằng chúng tôi sẵn sàng, phù hợp với chỉ thị của BCHTƯ, cho nổ các kho chất đốt của Mỹ tại Insbruk, ở Áo. Chúng tôi không đơn giản cử đến đó nhóm tác chiến. Các điệp viên của ta có cách tiếp cận trực tiếp với đối tượng, nhưng mệnh lệnh bất ngờ của Abakumov hủy bỏ chiến dịch mà chắc sẽ gây khó nhiều cho vận chuyển hàng không Mỹ sang Đức, đã làm chúng tôi không hiểu gì cả.
Stalin không đáp lại. Một quãng ngừng bứt rứt. Sau đó ông nói: “Văn phòng phụ trách phá hoại ở nước ngoài nên giữ như một bộ máy độc lập trực thuộc bộ trưởng. Nó sẽ là công cụ quan trọng trong trường hợp chiến tranh để gây tổn thất nghiêm trọng cho kẻ thù ngay vào đầu các hành động quân sự. Cũng nên để Xudoplatov làm phó Tổng cục tình báo để anh ta nắm vững mọi khả năng điệp viên của ta, nhằm dùng tất cả mọi thứ đó trong công tác phá hoại”.
Stalin hỏi tôi quen Mironov hay không, người trước là cán bộ đảng, nay là cán bộ quan trọng của phản gián quân đội, trợ lý của Episev, và đề nghị để Mironov trở thành một trong các phó của Tổng cục tình báo. Tôi đáp là chỉ gặp Mironov một lần khi theo lệnh Bộ trưởng kể với ông ta các nhiệm vụ chủ yếu của văn phòng.
Một chốc sau Stalin chuyển cho tôi một tài liệu viết tay và đề nghị tôi cho ý kiến.
Đó là kế hoạch ám sát nguyên soái Tito. Tôi chưa bao giờ thấy tài liệu này, nhưng Ignatiev giải thích rằng sáng kiến xuất phát từ Riaxnoi và Xavtsenko, các Thứ trưởng Bộ An ninh, và Pitovranov cũng biết rõ vụ này.
Pitovranov nổi bật bởi trí tuệ và nhãn quan trong số lãnh đạo MGB. Trong thời gian chiến tranh ông phụ trách sở NKVD ở Gorky. Một thời gian Riumin giam ông trong tù theo cáo buộc trong “âm mưu của Abakumov”, nhưng ông được tha năm 1952.
Ông kết thân với Eitingon phó của tôi, nhưng theo mệnh lệnh, bắt buộc phải tổ chức bắt giữ ông vào tháng 10-1951. Sau 2 ngày tự ông vào Lefortovo và ngồi trong xà lim đối diện Eitingon. Sau này tôi nghe nói Pitovranov trong tù viết thư gửi Stalin buộc tội Riumin đã phá vỡ kế hoạch những chiến dịch phản gián. Ông được tha, quay lại vị trí cũ, sau khi chữa bệnh một tháng ở Arkhangenxk, trong viện điều dưỡng của cán bộ quân sự cao cấp.
Tôi nói rằng trong kế hoạch thủ tiêu Tito, thể hiện sự yếu kém nghiệp vụ.
Thư gửi Stalin nói:

MGB Liên Xô xin phép chuẩn bị và tổ chức mưu sát Tito với việc sử dụng điệp viên mật “Makx” - đ/c Grigulevich I.P., công dân Liên Xô, đảng viên ĐCS Liên Xô từ 1930.

Makx” được cài theo hộ chiếu Costa-Rica sang Italia, nơi anh đã chiếm được lòng tin và gia nhập giới ngoại giao các nước Mỹ Latinh, những nhà hoạt động và các doanh nghiệp nổi tiếng của Costa-Rica đi thăm Italia.
Lợi dụng các liên hệ của mình, “Makx” đã được đề cử chức vụ phái viên Đặc biệt và Toàn quyền của Costa-Rica ở Italia đồng thời cả ở Nam Tư. Thực hiện các trách nhiệm ngoại giao của mình, vào nửa sau năm 1952 anh đã hai lần thăm Nam Tư, được tiếp đón tốt, có người quen trong những nhóm gần gũi với bọn Tito, và đã nhận được lời hứa có cuộc tiếp kiến riêng với Tito. Địa vị “Makx” giữ hiện nay cho phép sử dụng khả năng của anh để tiến hành những hoạt động tích cực chống lại Tito.
Đầu tháng 2 năm nay “Makx” được gọi sang Vienne, nơi tổ chức cuộc gặp trong điều kiện bí mật. “Makx” đề nghị có một hoạt động nào đó thiết thực riêng chống Tito.
Liên quan với đề nghị ấy, chúng tôi tiến hành một cuộc trò chuyện, kết quả một số phương án có thể thực hiện vụ chống Tito như sau:

1. Giao cho “Makx” xin được hội kiến riêng với Tito lợi dụng thả một lượng vi trùng dịch hạch bao đảm đủ lây truyền gây cái chết của Tito và những người có mặt trong phòng. “Makx” sẽ không biết về sự tồn tại của chất được sử dụng. Để bảo vệ sự sống “Makx” được tiêm chủng miễn dịch trước.

2. Nhân chuyến đi sắp tới của Tito sang London, “Makx” được cử sang đó, lợi dụng địa vị chính thức của mình và các quan hệ tốt với Velebit, đại sứ Nam Tư ở Anh, đến buổi tiếp trong sứ quán Nam Tư mà chắc Velebit sẽ tổ chức mừng Tito.
Vụ mưu sát được thực hiện bằng súng giảm thanh được ngụy trang thành đồ dùng thông thường đồng thời thả hơi cay để làm những người có mặt hoảng loạn và tạo điều kiện rút lui của “Makx” và xóa dấu vết.

3. Lợi dụng một trong những buổi chiêu đãi chính thức ở Belgrad nơi những bà vợ của các nhà ngoại giao được mời dự. Vụ mưu sát được tiến hành như ở mục 2, được giao cho chính “Makx”, nhà ngoại giao chắc sẽ được mời đến một buổi tiếp.

Ngoài ra, giao cho “Makx” soạn ra phương án và chuẩn bị điều kiện qua một trong những đại diện Costa-Rica chuyển quà cho Tito dưới dạng đồ quý gì đó trong hộp mà khi mở kéo theo hoạt động của cơ chế tức thời phóng ra chất độc.
“Makx” được chọn phương án thiết thực nhất chống Tito. Sẽ quy ước các biện pháp liên lạc và thỏa thuận để nhận những chỉ thị bổ sung.
Chúng tôi nghĩ là hợp lý việc dùng khả năng của “Makx” để tiến hành mưu sát Tito. Theo phẩm chất cá nhân và kinh nghiệm làm việc trong tình báo, “Makx” phù hợp để thực hiện một nhiệm vụ như thế.

Chúng tôi xin sự đồng ý của Người”.

Stalin không đánh dấu gì trên tài liệu. Bức thư không có chữ ký. Trong văn phòng Stalin, nhìn thẳng vào mắt ông tôi nói rằng “Makx” không hợp cho một công vụ như thế, vì anh ta chưa bao giờ là sát thủ khủng bố. Anh ta tham gia vào chiến dịch ám sát Trotsky ở Mexico, chống nhân viên bảo vệ ở Latvia, trong vụ thủ tiêu thủ lĩnh Trốtkít Tây Ban Nha A.Nin, nhưng chỉ làm nhiệm vụ bảo đảm cho các phần tử vũ trang tiếp cận mục tiêu hành động. Ngoài ra, từ tài liệu không thấy nói đã bảo đảm việc tiếp cận được Tito. Chúng ta có nghĩ thế nào về Tito đi nữa, chúng ta cũng phải coi Tito như một đối thủ mạnh, kẻ đã tham gia các chiến dịch chiến đấu trong chiến tranh và, rõ ràng, sẽ bình tĩnh chống trả sự tấn công.
Tôi viện ra điệp viên của chúng ta, “Vai” - Moro Djurovich, thiếu tướng trong đội bảo vệ của Tito. Theo đánh giá của ông ta, Tito luôn luôn cảnh giác do tình hình bên trong Nam Tư căng thẳng. Tiếc rằng, liên quan với những mưu mô nội bộ này, Djurovich đã bị mất đi sự ưu ái của Tito và hiện đang ngồi tù.
Sẽ hợp lý hơn nếu lợi dụng bất đồng ý kiến trong giới thân cận của Tito, tôi nhận xét, khi nghĩ một cách bấn loạn bằng cách nào đưa Eitingon đang ngồi tù vào trò chơi để ông chịu trách nhiệm thi hành chiến dịch này, vì Grigulevich đánh giá ông rất cao - suốt 5 năm họ làm việc bên nhau ở nước ngoài.
Ignatiev không thích những nhận xét của tôi, nhưng tôi cảm thấy tự tin vì việc nhắc đến một nguồn thông tin cao cấp từ cơ quan an ninh của Tito đã gây ấn tượng với Stalin.
Nhưng Stalin cắt ngang tôi, nói rằng vụ này cần suy nghĩ kỹ lại, lưu ý đến sự tranh giành trong lãnh đạo Nam Tư. Nhìn tôi, ông nói đây là nhiệm vụ quan trọng để củng cố địa vị của chúng ta ở Đông Âu và ảnh hưởng của chúng ta đối với vùng Balkan, cần tiếp cận nhiệm vụ hết sức thận trọng tránh thất bại như đã xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1942, khi đổ vỡ vụ ám sát von Papen, đại sứ Đức. Mọi hi vọng nêu vấn đề giải phóng cho Eitingon trong tích tắc đã biến mất.
Ngày hôm sau ở Bộ tôi được giao hai hồ sơ - Kền kềnNeron, chứa tài liệu bôi nhọ thanh danh Tito. Ở đây có tổng kết hàng tuần từ mạng điệp viên của ta ở Belgrad. Hồ sơ có cả những chỉ thị ngớ ngẩn của Molotov: tìm các liên hệ của Tito với các tập đoàn thân phát xít và bọn dân tộc chủ nghĩa Croatia. Tôi chẳng thấy khả năng nào cho phép tiếp xúc gần với giới thân cận Tito để điệp viên ta có thể tiến lại đủ gần để ra tay.
Ngày hôm sau, tôi bị gọi đến văn phòng Ignatiev, ở đó có ba người của Khrusev - Xavtsenko, Riaxnoi và Episev, - tôi lập tức cảm thấy mình ở không đúng chỗ, vì trước kia bàn những vấn đề tế nhị thế này chỉ với Stalin hay Beria. Giữa những người có mặt hiện giờ chỉ tôi là nhà tình báo duy nhất có kinh nghiệm công tác ở nước ngoài. Làm sao có thể nói với các Thứ trưởng, rằng kế hoạch của họ là ấu trĩ? Tôi không tin tai mình khi Episev đọc cho tôi một bài giảng mười lăm phút về tầm quan trọng chính trị của nhiệm vụ. Sau đó Riaxnoi và Xavtsenko cùng hòa vào, nói rằng Grigulevich thích hợp nhất cho công việc, và cùng với những lời này, họ đưa cho tôi đọc thư của anh ta gửi vợ, trong đó anh nói về ý nguyện hy sinh bản thân vì sự nghiệp chung.
Hẳn là Grigulevich bị buộc viết lá thư đó.
Tôi hiểu những lời cảnh tỉnh của tôi sẽ không có tác dụng, và nói rằng, là đảng viên tôi cho nghĩa vụ của mình là nói với họ và đồng chí Stalin rằng chúng ta không có quyền phái điệp viên đến một cái chết chắc chắn vào thời bình. Kế hoạch nhất thiết phải xem xét các khả năng giải thoát cho điệp viên, tôi không thể đồng tình với kế hoạch trong đó điệp viên được lệnh ám sát một đối tượng được bảo vệ nghiêm ngặt mà thiếu sự phân tích sơ bộ hoàn cảnh tác chiến.
Để kết luận Ignatiev nhấn mạnh rằng tất cả chúng tôi phải suy nghĩ, suy nghĩ và suy nghĩ nữa về việc thực hiện chỉ thị của đảng.
Đó là gặp gỡ công vụ cuối cùng của tôi với Ignatiev. Sau 10 ngày Ignatiev biên chế tác chiến và dựng các đơn vị MGB dậy theo lệnh báo động và thông báo một cách bí mật cho các cục trưởng và cơ quan độc lập về bệnh tình của Stalin. Sau hai ngày nữa, Stalin mất, và ý tưởng mưu sát Tito bị chôn vùi vĩnh viễn.
Trong khi đó ý đồ xin chuyển công tác của tôi bắt đầu có thành quả. Năm 1952 tôi gửi lên BCHTƯ thông tin nhận được từ mạng điệp viên tại Vienne về kế hoạch người Mỹ bắt cóc bí thư BCHTƯ đảng Áo. Tôi bị gọi đến chỗ Xuxlov để thảo luận các thông tin này. Mấy ngày sau, những ngày đầu tháng 3-1953 người ta nói với tôi, tôi được xem xét là ứng cử viên chức phó chủ tịch Ban đối ngoại của BCHTƯ vừa thành lập, phụ trách các liên hệ “bí mật” với các ĐCS nước ngoài. Thực tế là đề cử tôi làm người lãnh đạo cơ quan tình báo đặc biệt trực thuộc BCHTƯ đảng. Tôi và vợ tràn ngập hi vọng có thể chấm hết công việc trong cơ quan an ninh mà đứng đầu là những kẻ thiếu nghiệp vụ, gây tội ác do thiếu chuyên môn và vì những khao khát háo danh.
Nhưng các sự kiện xoay trở nhanh đã thay đổi tận gốc số phận của tôi.
Ngày 5-3-1953 Stalin mất, đêm khuya cùng ngày Beria được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ giờ đây bao gồm cả công an, bộ máy các cơ quan an ninh (MGB).
Tôi có mặt tại đám tang Stalin và trông thấy Xerov, Goglidze và Riaxnoi, những kẻ đã kiểm soát tình hình trong thành phố một cách tồi tệ. Thậm chí họ không nghĩ được việc bố trí các đoàn đại biểu đến đám tang ra sao, một sự nhốn nháo vô cùng, kết quả là hàng trăm người bị chết do giẫm đạp, chen lấn.
Trong đám tang Stalin, sự đau buồn của tôi là chân thành; tôi nghĩ rằng sự khắc nghiệt và sự trừng phạt của ông là sai lầm gây ra do tính phiêu lưu và trình độ chuyên môn kém của Ejov, Abakumov, Ignatiev và thuộc hạ của họ. Sang ngày hôm sau, tôi hiểu một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Thư ký của Beria gọi điện thoại cho tôi lúc 6 giờ chiều và báo rằng Ông chủ mới đã rời văn phòng và ra lệnh không phải chờ ông trở về. Từ thời điểm đó tôi được rời nơi làm việc vào 6 giờ chiều, khác hẳn thời phải làm việc đến 2-3 giờ sáng, khi Stalin ngồi bên bàn làm việc trong điện Kremli hay tại biệt thự của ông.
Bắt đầu sự bố trí lại cán bộ trong Bộ mới. Kruglov vốn làm việc với Malenkov trong BCHTƯ những năm 30 và là Bộ trưởng Bộ Nội vụ suốt 7 năm cuối, trở thành Thứ trưởng thứ nhất của Beria trong MVD mở rộng. Goglidze vô tình bị dính líu với “vụ án Megrel”, thôi chức Thứ trưởng và được cử phụ trách phản gián quân đội. B. Kobulov, thân Beria, bị Abakumov đuổi khỏi cơ quan an ninh năm 1946, nay trở lại Lubianka giữ chức phó của Beria. Xerov, người của Khrusev, giữ nguyên địa vị và làm phó cho Beria. Riaxnoi và Xavtsenko cũng như Xerov, công tác cùng Khrusev ở Ucraina, đứng đầu Tổng cục tình báo. Fedotov, bao giờ cũng trầm tĩnh và có kỷ luật, năm 1946 thay Fitin lãnh đạo tình báo đối ngoại một thời gian không lâu, còn sau đó làm việc tại Ủy ban thông tấn, lại như trước chiến tranh, phụ trách cục phản gián. Beria cử trung tướng Xazưkin, cựu phó của tôi ở Cục tình báo “nguyên tử”, làm Cục trưởng Cục đấu tranh chống phá hoại tư tưởng hệ và dân tộc chủ nghĩa, là Cục 5 (chính trị) tương lai của KGB.
Song song với những cất nhắc đó, diễn ra sự vạch mặt những kẻ buộc tội về vụ âm mưu Do Thái và “vụ các bác sĩ”.
Eitingon, Raikhman, Xelivanovxky, Belkin, Subniakov và những cán bộ cao cấp khác bị bắt vì bị cáo buộc đã che giấu âm mưu Do Thái hoặc giúp Abakumov trong kế hoạch chiếm chính quyền, được trả tự do vào cuối tháng 3-1953.
Vụ Jemtsujina do chính Beria khép lại ngày 23-3, nhưng bà được tha ngay hôm sau tang lễ Stalin nhân sinh nhật Molotov, ngày 9-3.
Beria ra lệnh xét lại vụ Eitingon và Raikhman và nhanh chóng bỏ qua các thủ tục quan liêu để giải phóng họ.
Sau này Eitingon kể với tôi là ông không chờ điều gì tốt lành khi sau cái chết của Stalin mà ông chưa biết, ông bị gọi gặp điều tra viên. Ông kinh ngạc khi thấy ở đó Goglidze và Kobulov, người bị đuổi khỏi cơ quan an ninh 7 năm về trước. Ông hiểu ngay đã có những thay đổi lớn. Ông chỉ được hỏi một câu: sau khi được trả tự do ông còn sẵn sàng làm việc hay không? Ông cảm thấy mệt mỏi, nhưng chữa bệnh xong ông sẵn sàng làm việc. Sau đó Kobulov nói với Eitingon là Stalin đã chết, Beria vừa được cử làm Bộ trưởng MVD mở rộng, và ông ta, Kobulov - Thứ trưởng phụ trách công tác điều tra và phản gián. Kobulov hứa sẽ nhanh chóng thả Eitingon, và nói rằng Riumin đang ngồi tù vì các tội đã phạm; còn Beria, trở thành Bộ trưởng, bằng mệnh lệnh đầu tiên đã cấm đánh và tra tấn những người bị điều tra tại Lubianka và Lefortovo.
Sau đó Kobulov gọi lính gác đưa Eitingon về chỗ, lính gác muốn nịnh Kobulov, quát Eitingon quặt tay sau lưng. Kobulov lập tức cắt ngang lời cậu ta và ra lệnh xử sự với Eitingon như với một thiếu tướng an ninh, vì ông không còn bị điều tra nữa. Điều đó cuối cùng thuyết phục được Eitingon rằng mọi thứ đang diễn ra không phải là một trò chơi.
Beria ra lệnh cho tôi và các tướng khác kiểm tra những lời buộc tội được dựng lên về âm mưu Do Thái. Tôi kinh ngạc nhất là việc Jemtsujina, vợ Molotov, người đâu như thiết lập các tiếp xúc mật qua Mikhoels và các cốt cán Do Thái với anh trai ở Mỹ. Thư của bà không dính dáng một chút nào đến chính trị. Là sĩ quan tình báo tôi hiểu ngay rằng ban lãnh đạo cho phép bà viết thư đó để tạo lập kênh bí mật liên hệ với các tổ chức Do Thái. Tôi không thể tưởng tượng Jemtsujina có thể viết một lá thư tương tự mà không có sự cho phép. Cuối cùng tôi bắt đầu bàn bạc với Beria vai trò mà Jemtsujina có thể đóng trong việc phục hồi các tiếp xúc không chính thức với cộng đồng Do Thái thế giới, ông cắt ngang tôi, nói rằng vấn đề này trong các chiến dịch tình báo đã khép lại vĩnh viễn.
Thay vào đó ông chỉ ra Maixky, theo lời ông, là ứng cử viên lý tưởng và quan trọng hơn nhiều để thực hiện thăm dò các sáng kiến mới của chúng ta ở phương Tây. Ông có thể nối các tiếp xúc cá nhân ở cấp cao để tiến hành đường lối thay đổi của chúng ta sau cái chết của Stalin.
Viện sĩ Maixky, cựu đại sứ ta ở London và Thứ trưởng Bộ ngoại giao, lúc ấy đã gần 70 tuổi. Có thời ông là một trong những thủ lĩnh mensevich đối lập Lenin, nhưng sau này đạt được địa vị cực cao trong cơ quan ngoại giao Xô viết. Năm 1952 ông bị buộc tội trong âm mưu Do Thái. Chống lại ông, người ta ngụy tạo những lời buộc tội rất ngớ ngẩn: các tổ chức Do Thái ở nước ngoài muốn cử ông làm ngoại trưởng trong chính phủ mới sau khi Abakumov “cướp chính quyền”.
Beria nói với tôi: “Vì anh biết Maixky trong thời gian chiến tranh, trước thời Yalta, còn vợ anh chơi thân với vợ ông ấy, anh phải chuẩn bị để cùng làm việc với ông ấy”.
Chỉ huy phản gián Fedotov, người “xem xét lại” vụ Maixky, khuyên tôi tạm thời chưa nên gặp ông, dừng mọi cuộc thảo luận quan trọng về ngoại giao và tình báo lại sau vài ba tuần: “Pavel Anatolievich ạ, ngay buổi gặp đầu tiên với ông ấy khi tôi tuyên bố chính thức: “Ông đang ở chỗ chỉ huy phản gián, tướng Fedotov, người được giao xem xét những lời buộc tội vu vơ chống lại ông, và hoàn cảnh bắt giam ông một cách phạm pháp”. Ông ấy liền bắt đầu thú nhận là gián điệp của Nhật, rồi của Anh, sau đó là của Mỹ”.
Tất nhiên Maixky “thú nhận” với Fedotov nhằm tránh bị đánh đập tra tấn. Ông không tin Stalin đã chết và được mai táng trong Lăng; ông nói đó là sự khiêu khích thường nhật. Theo lệnh Beria, Fedotov chuyển ông từ xà lim về phòng nghỉ sau văn phòng mình, nơi Maixky có thể gặp vợ và ông được xem những thước phim về đám tang Stalin.
Ba tuần hoãn suýt trở thành định mệnh, vì vụ Maixky chưa khép lại, khác với những vụ khác vào tháng 5-1953. Khi người ta bắt Beria, Maixky người mà Malenkov và Molotov có quan hệ xấu, đang sống ở Lubianka với vợ, trong căn phòng phía sau văn phòng Fedotov. Giờ đây người ta buộc Maixky vào tội âm mưu với Beria với mục đích trở thành Bộ trưởng Ngoại giao và lại bị nhốt vào tù, nơi ông đã bị đứt mạch thần kinh.
Sau này, vợ tôi gặp vợ ông tại phòng tiếp tân ở Butưrok, nơi cả Maixky và tôi đang ngồi tù, bà nói bà đang sống như trong thần thoại - dù tiền của Maixky và toàn bộ tín phiếu bị tịch thu, nhưng tín phiếu riêng của bà vẫn còn, và một trong số tín phiếu trúng thưởng - 50.000 rúp (lúc ấy 1 rúp = 4 đôla Mỹ). Khi bà gặp vợ tôi trong tù nơi cả hai đến đưa thức ăn cho chồng, bà Maixkaia không thể nhớ lại ngay họ đã gặp nhau ở đâu. Vợ tôi phải nhắc là họ gặp nhau tại nhà Emelian Iaroxlavxky, không xa biệt thự của chúng tôi, và tại căn hộ của Iaroxlavxky ở trung tâm Moskva.
Ở trong tù 4 năm, cuối cùng Maixky ra trước Tòa án tối cao vì bị cáo buộc ủng hộ Beria tiếm quyền và giữ liên lạc giữa Beria và tình báo Anh. Maixky phủ nhận mọi lời buộc tội, và hội đồng tòa án quân sự không tìm được chứng cứ nào buộc tội ông. Cuối cùng ông bị kết án 10 năm tù còn sau đó được ân xá. Mãi đến 1964 ông mới được minh oan.
Viện sĩ Maixky công bố những hồi ký của mình, không một lần gợi đến những vụ phiêu lưu và sự làm quen đầy khắc nghiệt trong nhà tù Xô viết.
Vụ án âm mưu Do Thái tại các cơ quan an ninh cuối cùng đã khép lại vào giữa tháng 5-1953, khi người ta thả Andrei Xverdlov và Matuxov, những cán bộ có trách nhiệm của MGB. Beria cử Xverdlov làm trưởng phòng điều tra và kiểm tra các thư nặc danh. Đồng nghiệp của ông, Matuxov, từ ghi chép của ông ta có thể biết được tư liệu thú vị những cuộc thanh trừng từ 1930 đến 1950, được tha năm 1953, nhưng không được phục hồi công tác. Ông mất cuối những năm 60. Vợ tôi nhờ tư vấn của ông để củng cố những yêu cầu giải phóng cho tôi. Matuxov nhanh chóng bị khai trừ khỏi Đảng và bị tước mất tiền hưu của MGB do dính líu với các vụ thanh trừng. Dựa vào sự ủng hộ của Xverdlov, ông không ngừng khiếu nại tới BCHTƯ ĐCS Liên Xô.
Năm 1963, Xerdiuk, thân cận của Khrusev, phó chủ tịch Ủy ban Kiểm tra đảng, cho gọi Matuxov và Xverdlov, yêu cầu họ ngừng viết thư lên BCHTƯ, nếu không, đảng sẽ trừng trị cả hai người vì tội tung tin nhảm, và hơn nữa, vì sự săn đuổi phạm pháp nhà văn danh tiếng Alexandr Xoljenitsưn.
Xverdlov và Matuxov phản đối quyết liệt, khẳng định rằng họ không ngụy tạo vụ đó. Bức thư của Xoljenitsưn phê phán hệ thống Xô viết và bản thân Stalin vì những thất bại chiến sự, bị kiểm duyệt quân đội bắt được trong chiến tranh, và nó đã khởi xướng vụ án chống Xoljenitsưn. Trong điều kiện chiến tranh sự chỉ trích lãnh đạo quân sự được đánh giá ít nhất là đáng ngờ. Xerdiuk ngắt lời họ và nói rằng, xét theo các chứng cứ có ở Ban Kiểm tra đảng, Xoljenitsưn luôn luôn là một người theo Lenin kiên định, và cho họ xem bức thư mà Xoljenitsưn gửi Khrusev.
Xverdlov bị cảnh cáo đảng, nhưng tiếp tục làm cán bộ khoa học trong trường đảng Mác-Lenin trực thuộc BCHTƯ ĐCS Liên Xô, nơi ông được chuyển đến sau khi bắt giam Beria. Còn Matuxov bị khai trừ khỏi đảng “vĩnh viễn”. Đó là điều được công bố và không bao giờ được xem xét lại, nhưng ông được để yên và cho phép hoạt động văn học. Cùng với Xverdlov, họ viết được một loạt truyện trinh thám.
Abakumov không được tha. Beria và Malenkov thù ông ta. Ông bị buộc tội ngụy tạo vụ Jemtsujina. Lúc ấy Abakumov không làm tôi quan tâm, tôi có lý do để không thích ông ta, nhưng tôi được biết từ Raikhman, rằng Abakumov phủ nhận mọi lời buộc tội gắn ông với âm mưu Do Thái, bất chấp Riumin tra tấn ông rất dã man. Raikhman kể với tôi rằng ông xử sự như một người đàn ông chân chính. Năm 1990 tôi bị gọi làm nhân chứng, khi vụ án của ông được xem xét lại bởi Viện Công tố quân sự; tôi đã thay đổi ý kiến về ông, dù ông có gây nên những tội ác nào đi nữa, ông cũng đã trả nợ trọn vẹn ở trong tù. Nhờ sự cứng rắn và lòng dũng cảm của ông, vào tháng 3 và tháng 4-1953 mới có khả năng giải thoát nhanh tất cả những người bị bắt dính vào cái gọi là âm mưu, bởi chính Abakumov bị buộc tội là thủ lĩnh của nó.
Thế nhưng Beria và Malenkov quyết định kết liễu Abakumov. Tại cuộc họp trong văn phòng mình, Beria tuyên bố rằng, dù những lời buộc tội Abakumov là thiếu cơ sở, nhưng dù sao ông ta vẫn đang bị điều tra vì sự tiêu tán các phương tiện của chính phủ, sự lạm dụng, và nghiêm trọng hơn, vì sự ngụy tạo vụ án chống lại ban lãnh đạo cũ của Bộ công nghiệp hàng không, bộ chỉ huy Không quân, chống Polina Jemtsujina, vì sự sát hại Mikhoels.

Ngày 23-3-1953, khi người ta vừa tha Eitingon, lập tức ông liền được đưa vào bệnh viện vì loét dạ dày và suy kiệt. Ông nhờ tôi thúc đẩy nhanh việc giải phóng Xonia em gái ông, người bị bắt cùng ông năm 1951 và bị kết án 10 năm tù giam “vì khước từ chữa bệnh cho người Nga và ủng hộ âm mưu Do Thái”. Tôi lợi dụng buổi gặp Beria tiếp theo để chuyển thư của Eitingon xin cho em gái. Rất may cho Xonia, Thứ trưởng thứ nhất của Beria, Kruglov lúc ấy có trong văn phòng Beria. Khi tôi định giải thích vấn đề, Beria cắt ngang tôi, chuyển thư cho Kruglov mà không ký nó, và nói: “Ngay lập tức giải phóng cho cô ấy”.
Tôi theo Kruglov đến văn phòng ông ta, nơi ông đọc một đề nghị ngắn gửi Tòa án tối cao:

Sự kiểm tra của Bộ Nội vụ những lời buộc tội chống lại Xonia Ixakovna Eitingon cho thấy rằng vụ án được ngụy tạo, còn các chứng cứ là giả trá. MVD đề nghị Tòa án tối cao hủy bỏ bản án, ngừng vụ án chống lại Eitingon X.I, do thiếu thành phần tội phạm”.

Chữ ký: “X.Kruglov, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Liên Xô”.

Tôi theo dõi để bức thư được chuyển đến Tòa án tối cao, và cố đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để giải phóng Xonia.
Xác định của Tòa án tối cao mãi ba tuần sau mới được ký, và cần thêm một tuần để ban quản lý trại giam nhận được nó. Tôi trực tiếp gọi điện thoại cho trưởng trại, đề nghị tha nhanh cô, nhưng ông ta đáp rằng cô đang trong bệnh viện và người ta sẽ làm phẫu thuật cho cô. Lợi dụng địa vị của mình, tôi ra lệnh lập tức cho cô xuất trại và chuyển đến bệnh viện địa phương ngay khi phẫu thuật xong.
Cô gặp may là Kruglov chứ không phải Beria ký bức thư về sự giải phóng cho cô. Sau đó mấy tuần, Beria bị bắt, và chỉ thị của ông trên bức thư hẳn sẽ không cho cô ra khỏi tù ít nhất cũng hai năm nữa, khi người ta tha cả những tù nhân khác hết hạn theo những lời buộc tội vụ âm mưu Do Thái.
Vụ Xonia là một trong những ân xá đầu tiên của Beria tiến hành ngay sau khi Stalin chết.
Tất nhiên rõ ràng thậm chí làn sóng này có vẻ như là sự sửa sai những lầm lẫn quá khứ, vẫn được dấy lên bởi những kế hoạch đầy tham vọng của Beria.
Điều lệ mới của ĐCS được phê chuẩn tại đại hội XIX ĐCS Liên Xô năm 1952 trước cái chết của Stalin. Theo Điều lệ này chỉ có một cơ quan lãnh đạo - Đoàn chủ tịch BCHTƯ mở rộng gồm 25 người có cả các kỳ cựu - Molotov, Kaganovich và Vorosilov - và những người tương đối trẻ như Brejnev, Tsexnoxov và Xuxlov. Thế nhưng quyền lực thực tế tập trung vào Văn phòng Đoàn chủ tịch được bầu tại hội nghị cuối của BCHTƯ do Stalin chủ tọa vào tháng 10-1952. Trong Văn phòng có Stalin, Malenkov, Beria, Khrusev, Vorosilov, Kaganovich, Bulganin, Xaburov, Pervukhin. Molotov và Mikoian, những kỳ cựu có uy tín không được vào, đến lúc đó họ đã bị tước quyền lực.
Tại hội nghị BCHTƯ ngày 2-4-1953, chưa đầy một tháng sau khi Stalin chết, Beria công bố rằng Stalin và Ignatiev lạm dụng quyền lực khi dựng lên “vụ các bác sĩ”.
Ignatiev là người của Malenkov. Việc loại bỏ ông ta khỏi vị trí ủy viên trung ương phụ trách an ninh làm vừa lòng Beria và Khrusev, nhưng không vừa lòng Malenkov, người mất đi chỗ dựa trong Ban bí thư TW đảng. Đối với Malenkov điều đó càng đặc biệt nguy hiểm vì tháng 4-1953 ông rời khỏi bộ máy BCHTƯ khi bị giải phóng khỏi chức vụ Bí thư BCHTƯ.
Không đi sâu vào đánh giá động cơ các sáng kiến của Beria vào tháng 4 đến tháng 6-1953, không thể không thừa nhận rằng trong các đề nghị của ông về hủy bỏ các trại giam của MVD, thả tù chính trị, bình thường hóa quan hệ với Nam Tư..., chứa đựng tất cả những biện pháp “thủ tiêu tệ sùng bái cá nhân” được Khrusev thực hiện trong những năm “băng tan”.
Trong thời gian những năm cuối đời Stalin, Khrusev lợi dụng liên minh với Malenkov và Beria để tăng ảnh hưởng của mình trong đảng và nhà nước. Giành chiến thắng trước những kẻ cạnh tranh nhờ các mưu mô, ông ta bố trí người của mình vào những vị trí có ảnh hưởng: các Thứ trưởng MGB-MVD Xerov, Xavtsenko, Riaxnoi và Episev. Ba người đầu làm việc với ông ta ở Ucraina, người thứ tư phục vụ dưới trướng ông ta, khi ông ta là bí thư tỉnh ủy Ôđecxa và Kharkov.
Lập tức sau Hội nghị BCHTƯ, Malenkov mất đi vị trí lãnh đạo trong đảng, dù ông vẫn tập trung quyền lực lớn trong tay như người đứng đầu chính phủ, nhưng thực tế ông đã mất sự kiểm soát tình hình trong các tỉnh và các nước cộng hòa. Ở Moskva, Malenkov bị mất chỗ dựa vào các nhà lãnh đạo tỉnh, thành ra như con tin “bị cầm tù” của các ủy viên Đoàn chủ tịch BCHTƯ trong Hội đồng bộ trưởng.
Như thế, giờ đây vị trí của ông ta trong ban lãnh đạo hoàn toàn phụ thuộc vào liên minh với Beria. Ông không hiểu điều đó và phóng đại uy tín của mình, vẫn cứ còn nghĩ rằng ông là người thứ hai trong Đảng và nhà nước, sau Stalin, và tất cả những gì xoay quanh ông, kể cả Đoàn chủ tịch BCHTƯ, luôn chỉ mong có quan hệ tốt với ông. Thế nhưng sau cái chết của Stalin, hành xử của các thành viên ban lãnh đạo Xô viết trở nên độc lập hơn, và mỗi người đều muốn đóng vai của mình. Như thế, nảy sinh hoàn cảnh mới mở đường cho Khrusev leo lên đỉnh cao quyền lực.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét