Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 10-1

Những Chiến Dịch Đặc Biệt
 
Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 10: California Ở Krym

1. Vấn đề Do Thái trong đường lối đối nội và đối ngoại của Kremli những năm 1930-1940

Vào 1942-1945 cái gọi là vấn đề Do Thái trong quan hệ với các đồng minh có ý nghĩa thiết thực trong đường lối đối nội và đối ngoại của nhà nước Xô viết.
Kremli tính nhận được phương tiện để phục hồi kinh tế quốc dân dưới dạng sự giúp đỡ dân chúng Do Thái Liên Xô bị thiệt hại vì sự xâm lược của Hitler. Chính phủ vẫn tiếp tục đường lối cũ ve vãn các giới Do Thái, cố dùng “vấn đề Palestine” làm át chủ bài trong các thương thuyết với người Anh vốn đang e sợ cho địa vị của mình tại Cận Đông và cản trở việc di dân hàng loạt người Do Thái và sự thành lập ở đó quốc gia Do Thái.
Đầu những năm 1920, khi chính quyền Xô viết đã đứng vững, trong số lãnh đạo các cấp có không ít nhân vật người Do Thái.
Những năm 1922-1923 trong nước đã tiêu diệt nhiều tổ chức Do Thái và tổ chức dân tộc khác và các lãnh tụ của họ bị bắt. Một trong những tổ chức tích cực nhất kiểu này, thí dụ là Poalei Tsion ở Odessa. Thành viên của tổ chức bí mật này đã vô hiệu hóa được sự theo dõi bên ngoài, dụ mấy cán bộ tác chiến ra nghĩa địa hoang vắng và đánh họ nhừ tử. Nhóm bí mật khác, Khagana, hình thành ở Gitomia, nhưng trớ trêu, chính những cán bộ tác chiến của GPU làm việc tại thành phố này là những người Do Thái được trao nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch chống lại nhóm dân tộc chủ nghĩa Do Thái.
Các lãnh tụ những tổ chức Do Thái hoặc bị lưu đày hoặc đi ra nước ngoài. Người ta cho họ làm điều đó: đến 1928 không tồn tại những cản trở đối với việc đi ra nước ngoài và thủ tục rất đơn giản.
Trong tất cả các cơ quan lớn thời ấy người Do Thái chiếm các vị trí có uy tín. Tôi nhớ rằng năm 1939 chúng tôi nhận được chỉ thị truyền miệng bắt buộc, sau những vụ thanh trừng hàng loạt, theo dõi bao nhiêu phần trăm người dân tộc thiểu số có trong ban lãnh đạo những cơ quan, theo quan điểm an ninh, quan trọng nhất. Nhưng chỉ thị đó sâu sắc hơn nhiều theo ý đồ của nó so với mức tôi giả định. Rất may đa số bạn chiến đấu của tôi đến thời gian ấy đạt được những thành tích lớn, đã chứng minh lòng trung thành của mình đối vối đảng và không bị ảnh hưởng bởi chỉ thị đó.
Sự thành lập tỉnh tự trị Do Thái với trung tâm Birobidjan được Stalin phê duyệt để tăng cường chế định biên giới ở Viễn Đông bằng cách thành lập ở đấy một kiểu lớp đệm, chứ hoàn toàn không phải là một bước tiến tới thành lập nhà nước Do Thái. Biên giới ở những khu vực này vẫn thường bị xâm phạm bởi các nhóm khủng bố Bạch vệ và Trung Quốc. Ý tưởng của Stalin là để dựng lớp chướng ngại vật trên đường đi của chúng bằng những làng mà dân chúng có tinh thần thù địch với bọn Bạch Vệ lưu vong, và đặc biệt là với dân Cossack. Chế định của khu vực được xác định một cách sáng suốt như một tỉnh tự trị, chứ không phải nước cộng hòa, có nghĩa: ở đây sẽ không có cơ quan lập pháp của mình, chẳng có Tòa án tối cao lẫn những cơ cấu lãnh đạo cấp bộ. Dù tỉnh có quyền tự trị, nó vẫn chỉ là lãnh thổ biên giới đặc biệt, chứ không phải một trung tâm chính trị. Sau khi bắt đầu chiến tranh nảy ra ý tưởng lợi dụng các thủ lĩnh tổ chức Bund [đảng Xã hội Chủ nghĩa Do Thái], Henrik Erlikh và Viktor Alter vào các mục đích chính trị đối ngoại. Cựu phó Tổng cục phản gián tình báo tướng Raikhman năm 1970 kể với tôi rằng những thủ lĩnh Bund này bị chúng ta bắt ở Đông Ba Lan vào tháng 9, 10-1939. Khi bắt đầu chiến tranh với Đức, vào tháng 9-1941 họ được thả. Tại cuộc gặp gỡ với Beria họ được đề nghị thành lập Ủy ban Do Thái chống Hitler; ban đầu Erlikh sẽ là chủ tịch Ủy ban, Mikhoels là phó của ông, còn thư ký chịu trách nhiệm là Alter. Phải từ bỏ kế hoạch bởi Erlikh và Alter biết quá nhiều về ý đồ của Stalin lợi dụng họ để moi tiền phương Tây. Sau 12-1941 Alter và Erlikh lại bị tống giam, dù người ta không đưa ra được chứng cứ nào buộc tội họ. 27-12-1941 Erlikh gửi thư cho chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Kalinin, phản kháng việc bắt giữ và chứng minh rằng ông là người ủng hộ chính phủ Xô viết và sẵn sàng hợp tác với NKVD.
Từ bức thư này thấy rõ rằng chính NKVD cố thúc đẩy thông qua Erlikh việc thành lập Ủy ban Do Thái chống phát xít (EAK). Nhiệm vụ chính của Ủy ban, trong thư nói, phải là tuyên truyền tích cực trong các cộng đồng Do Thái Mỹ và Anh về địa vị của người Do Thái ở Liên Xô, nhằm nhận được sự giúp đỡ tối đa cần cho Liên Xô trong cuộc đấu tranh chống sự xâm lược của Hitler. Tất cả các đề nghị của EAK nhận được sự khuyến khích trọn vẹn của lãnh đạo, và NKVD được trao việc chọn lựa địa điểm thuận tiện cho bộ chỉ huy của Ủy ban. Đứng đầu Ủy ban gồm: Mikhoels; nhà đạo diễn chính và diễn viên tài ba của nhà hát Quốc gia Do Thái, Fefer; nhà thơ danh tiếng Epstein, nhà báo và nhà phê bình văn học.
Erlikh đã không nhận được thư phúc đáp. Các lưu trữ chứng tỏ rằng vào tháng 12 Beria đã ra lệnh chuyển Erlikh và Alter vào xà lim đơn. Những tù phạm này được biết tới như các con số 41 và 42, cấm việc hỏi cung và viết tên họ vào sổ lưu ở nhà tù Quybưsev nơi họ bị giam giữ. Tướng Raikhman sau này kể với tôi rằng tồn tại một mệnh lệnh đặc biệt cấm các nhân viên nhà tù không được quyền biết họ tên thật của họ. Những chỉ thị này xuất phát từ Stalin, Molotov và Beria.
Các chính quyền Mỹ và Ba Lan hỏi về số phận của Erlikh và Alter, Molotov ủy quyền cho Litvinov thông báo rằng ngày 23-12-1941 Erlikh và Alter đã bị xử bắn vì vào tháng 9 và tháng 10 năm đó họ đã hoạt động phản bội một cách có hệ thống, tìm cách phổ biến ở Liên Xô thông tin thù địch nhằm phá hoại các hoạt động quân sự và ký hiệp ước hòa bình với nước Đức phát xít.
Đó là sự dối trá.
Erlikh tự vẫn: ngày 14-5-1942 ông đã treo cổ trong xà lim.
Alter sống trong sự giam hãm đơn độc đến ngày 17-2-1943 bị bí mật xử bắn theo lệnh của Beria.
Chỉ đến tháng 9-1992 tuần báo của MVD Thanh Kiếm và Lá Chắn mới cho biết về số phận Erlikh và Alter. Họ bị thủ tiêu để giấu đi những tiếp xúc bí mật của lãnh đạo Xô viết với những đại diện có uy tín của các cộng đồng Do Thái ở nước ngoài. Erlikh và Alter bị thủ tiêu còn vì Stalin sợ ảnh hưởng chính trị của họ ngoài phạm vi Liên Xô.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét