Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 11-3

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 11: Giai Đoạn Cầm Quyền Cuối Cùng Của Stalin

3. Những vụ thanh trừng có chọn lựa chống các chỉ huy quân sự vào cuối những năm 40

Cuối những năm 40 tôi làm quen với Anna Tsukanova phó trưởng ban lãnh đạo các tổ chức đảng, về thực chất là phó của Malenkov.
Tôi biết vợ tôi có bà bạn là Anna, nhưng chỉ đến khi họ mời tôi ăn trưa tại nhà hàng “Ararat” ở trung tâm Moskva tôi mới gặp bà, nghe giới thiệu họ tên thì tôi biết đó là phó của Malenkov. Đó là một phụ nữ bề ngoài đáng yêu với mái tóc tết dài đen huyền, đúng là một phụ nữ Nga xinh đẹp.
Chúng tôi nói chuyện như những đồng nghiệp đã biết trách nhiệm của nhau, chúng tôi có khả năng tiếp cận các tài liệu mật, vì thế có thể tự do bàn bạc công việc. Và bây giờ, đã qua hơn 40 năm, chúng tôi vẫn là bạn bè.
Anna thường nói rằng đường lối của đồng chí Stalin và chiến hữu của ông, Malenkov, quy kết lại là sự thay đổi liên tục các nhà lãnh đạo đảng cấp cao và các quan chức an ninh, không cho phép họ ở lại một chỗ quá 3 năm liên tục, để họ không thể quen với quyền lực.
Gây cho tôi ấn tượng mạnh là những lời của Anna về việc BCHTƯ không thi hành các biện pháp chống tham nhũng và hối lộ. Stalin và Malenkov không trừng phạt các quan chức cao cấp trung thành, nhưng nếu họ thuộc phái các đối thủ thì sự ô danh ấy lập tức được dùng để sa thải hoặc thanh trừng.
Anna hé lộ cho tôi rằng ban lãnh đạo biết về những chi tiêu của mỗi chiến dịch chính trị, nhưng như Malenkov nói, mục đích đủ biện minh cho những chi phí đó. Bây giờ đã rõ nhân dân phải chịu một giá đắt đáng sợ vì những chiến dịch chính trị và thanh lọc, đó là sai lầm của các nhà cầm quyền thời đó và điều đó đã làm đổ vỡ toàn bộ hệ thống.
Anna không hề ngờ đã mở mắt cho tôi về tình hình thực tại ở chóp bu khi nói rằng BCHTƯ biết: chiến dịch chống những người theo chủ nghĩa toàn cầu được thổi phồng và phóng đại. Thật ra bà tin rằng với thời gian những sai lầm ấy sẽ được sửa chữa.
Chính từ bà tôi biết rằng Stalin phê chuẩn quyết định về sự thanh lọc ĐCS Gruzia. Bà nói rằng trong BCHTƯ tất cả đều sợ đề nghị bất cứ sự thay đổi nào trong thành phần ban lãnh đạo ĐCS Gruzia, bởi vì nó động chạm đến những liên hệ riêng của Stalin và điều đó có thể làm phật ý ông. Giờ đây từ hồ sơ lưu trữ đã rõ cái gọi là vụ án “Megrel”, một trong những vụ thanh trừng cuối cùng do Stalin tổ chức.
Vào những năm cầm quyền cuối cùng của Stalin, trong ban lãnh đạo có một nhóm gồm Malenkov, Bulganin, Khrusev và Beria, còn Stalin tìm đủ cách gây ra sự cạnh tranh giữa họ. Năm 1951 Beria bị thất sủng, Stalin ra lệnh đặt máy nghe trộm tại nhà của mẹ Beria, cho rằng Beria và vợ ông sẽ không có những lời phát biểu chống Stalin, nhưng mẹ ông, Marta, sống ở Gruzia hoàn toàn có thể nói những lời cảm thông với những người dân tộc chủ nghĩa Megrel đang bị săn đuổi. Beria là người Megrel, người Megrel lại không hòa hợp với người Guriits mà Stalin tin cậy. Stalin bày ra vụ Megrel nhằm loại bỏ Beria. Ông bắt Beria tiêu diệt những người bạn thân nhất của mình. Làm ra vẻ vẫn tin Beria, Stalin cho ông vinh dự hiếm có được phát biểu trước đảng viên và cán bộ cốt cán nhân kỷ niệm 34 năm cách mạng tháng 10 vào ngày 6-11-1951.
Năm 1948, bốn năm trước vụ thanh lọc Gruzia, Stalin cử tướng Rukhadze làm Bộ trưởng An ninh Gruzia. Ông này vốn rất ghét Beria, mà chuyện đó ai cũng biết. Theo lệnh riêng của Stalin, Rukhadze cùng với Riumin tìm chứng cứ bôi nhọ Beria và những người thân cận của ông.
Thời ấy trong chính phủ có tin là con trai của Beria sắp cưới con gái của Stalin sau khi cô li dị với con trai của Jdanov. Nhưng Beria kiên quyết chống lại đám cưới ấy. Beria biết các đối thủ của ông trong Bộ Chính trị lợi dụng đám cưới này trong cuộc tranh giành quyền lực, rằng sức mạnh của Stalin đã không còn như xưa, và nếu Beria gắn mình với Stalin bằng mối dây gia đình, thì trong trường hợp Stalin chết, ông cũng hết thời. Tình huống đó đẻ ra sự không thân thiện, và vì thế năm 1951 Stalin ra lệnh cho Rukhadze tiếp tục điều tra về nạn hối lộ của những người Gruzia-Megrel vốn giữ khá nhiều địa vị quan trọng trong các cơ quan an ninh.
Stalin ra lệnh cho Rukhadze tìm các chứng cứ và nhân chứng quan hệ với nước ngoài của người Megrel. Thế là đủ cho Rukhadze hiểu ông ta cần ngụy tạo một âm mưu.
Sau cuộc gặp gỡ đó, tại một bữa tiệc, Rukhadze trong lúc say rượu đã ba hoa rằng ông ta gần gũi với Stalin, và Stalin đã cho ông ta chỉ thị tiến hành phá hoại và bắt cóc ở Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp. Tại bữa tiệc có Bộ trưởng Nội vụ Gruzia Bziava, người Megrel, sang ngày hôm sau đã viết thư về Moskva cho Bộ trưởng An ninh vừa mới nhậm chức Ignatiev, thông báo về hành vi của Rukhadze. Ignatiev báo cáo việc này với Stalin. Stalin ra lệnh cho Rukhadze đọc bức thư và hủy nó trước mặt ông ta. Ignatiev cảnh cáo Rukhadze rằng dù ông ta được lòng Stalin, nhưng “không được quyền buông thả”.
Bước tiếp theo Rukhadze bắt cựu Bộ trưởng An ninh Gruzia Rapava, Tổng công tố Sonia và viện sĩ Saria - thành viên Ban Kiểm tra Hội đồng dân tộc Xô viết Tối cao Liên Xô, một thời gian đã làm phó chỉ huy tình báo đối ngoại NKVD. Tất cả họ bị buộc tội có quan hệ với các tổ chức lưu vong thông qua điệp viên của NKVD Gigelia, người trở về từ Paris với người vợ Pháp năm 1947. Gigelia và vợ lập tức bị bắt theo lệnh Stalin và sau đó buộc phải hành động theo kịch bản viết sẵn.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét