Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 13-4

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 13: Những Năm Giam Cầm Đấu Tranh Để Được Minh Oan

4. Tự do ngôn luận và sự đóng kín hồ sơ lưu trữ

Năm 1984 như Klimov nói với tôi, đã chuẩn bị một quyết định tích cực, nhưng Chernenko chết, và vẫn không có lời đáp của Gorbachov hay Xolomentsev, chủ tịch Ủy ban Kiểm tra đảng rồi sau đó trở thành chủ tịch Ủy ban đặc biệt về minh oan các nạn nhân của những vụ thanh trừng chính trị. Bố của con dâu tôi, Thứ trưởng Bộ công nghiệp than, có quan hệ thân mật với Xolomentsev, và tôi đề nghị ông tác động cho quyết định thuận lợi. Xolomentsev báo cáo với Gorbachov, nhưng ông ta từ chối.
Iogan Stainer phó Tổng bí thư ĐCS Áo và cựu điệp viên của Nhóm đặc biệt NKVD, năm 1988 đòi hỏi để tên tuổi ông cũng như tên tuổi những người cộng sản nổi tiếng khác được tẩy sạch khỏi những lời buộc tội một cách vu khống trong hồ sơ của Xudoplatov. Người ta nghe ông một cách nhã nhặn, nhưng không làm gì cả. Năm 1988 tôi được mời vào Viện công tố, nơi người ta nói rằng vụ án của tôi sẽ không được xem xét lại, và trao phúc đáp chính thức do Tổng công tố Rekunkov ký. Trong tài liệu này có một sai lầm nghiêm trọng: trong nó nói rằng tôi bị xử như kẻ tòng phạm của Beria và kể cả của Abakumov, dù trong bản buộc tội nói chung không nhắc tới Abakumov.

Năm 1986, vợ tôi 81 tuổi, và sức khỏe của cô xấu đi đột ngột. Thoạt đầu cứ ngỡ cô chỉ yếu đi so với thường lệ, nhưng sau phát hiện là cô bị bệnh Parkinson. Là cựu chiến binh, cô được quyền điều trị trong quân y viện của KGB. Hai tháng cuối cùng tôi luôn ở bên vợ, và đau đớn nhận thấy sự sống từ từ rời bỏ cô. Cô mất vào tháng 9-1988, và di hài của cô được yên nghỉ trên bức tường nghĩa trang tu viện Donxkoi. Bên cạnh cô yên nghỉ di hài của Grigulevich, Eitingon và Abel. Irina Gugo - Raixa Xobol cũng mất. Zoia Rưbkina sống lâu hơn vợ tôi ba năm.
Từ nhóm bạn bè nhỏ hẹp chỉ còn lại ba người - Zoia Zarubina, Anna Tsukanova và tôi - đã trải qua những thời vinh quang nhưng bi thương của lịch sử đất nước. Chúng tôi già đi và ngày càng khó gặp nhau hơn.
Sau khi vợ tôi mất sức khỏe của tôi xấu đi, và lúc đó con trai Anatoli xin Kriutskov, lúc đó là phó Chủ tịch thứ nhất KGB, cho tôi nhập viện. Sau khi ở viện, trong vòng hai tuần tôi được điều trị ở viện an dưỡng của BCHTƯ. Ban lãnh đạo tối cao vào giữa những năm 80 có thái độ nước đôi với tôi. Một mặt cho rằng vụ án của tôi là do ngụy tạo, tôi được mời đến trường đại học mang tên Andropov giảng bài về lịch sử ngành tình báo, tôi tham gia các hội nghị của KGB về nghiên cứu lịch sử các chiến dịch tình báo.
Mặt khác, tôi vẫn không được minh oan.
Trong khi đó Gorbachov quan tâm đến cách chuẩn bị và truyền đạt các mệnh lệnh thủ tiêu người và các phương thức tiêu diệt họ.
Nhân chuyện đó thiếu tướng Sadrin, chịu trách nhiệm ở KGB về thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt, đã đến thăm tôi, nhưng tôi tránh né lời yêu cầu của ông ta mô tả cách thực hiện các nhiệm vụ đó. Tôi giải thích rằng các tổng kết đầy đủ nằm trong lưu trữ của BCHTƯ đảng, và chỉ ra rằng riêng tôi chuẩn bị hai báo cáo viết tay về các chiến dịch ở Mexico và Roterdam mà tôi chịu trách nhiệm. Các tổng kết khác được viết bởi những lãnh đạo cao cấp khác trực tiếp chịu trách nhiệm - Ogolsov, Xavtsenko, Tsanava và Abakumov, hoặc Molotov và Vưsinxky khi họ đứng đầu Ủy ban thông tấn.
Sadrin lần đầu được biết tình báo quân đội vào những năm 1930-1950 có một nhóm đặc biệt chuyên thủ tiêu các điệp viên hai mang và những kẻ vượt tuyến.
Tôi khuyên ông ta hỏi về những vấn đề đó với Bộ chỉ huy quân sự. Tôi cho rằng ông ta đã thông tin về buổi gặp gỡ này với lãnh đạo của mình.

Năm 1990 tôi biết được từ một cán bộ cao cấp KGB: Gorbachov không bằng lòng với việc quá trình dân chủ hóa đang tuột khỏi tầm kiểm soát. Mùa thu năm đó KGB và quân đội được lệnh chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng chiến đấu. Thời gian ấy lương tất cả các quân nhân được tăng gấp đôi.
Tôi lại đâm đơn xin minh oan và được không chỉ KGB mà còn các quan chức cao cấp trong bộ máy đảng ủng hộ. Tự do ngôn luận cho phép tôi sử dụng báo giới. Tôi viết thư cho ủy ban của Iakovlev yêu cầu minh oan các nạn nhân bị thanh trừng, cho Kriutskov rằng tôi thông báo với báo giới: sự thật về cơ chế thực tế của các vụ thanh trừng đến nay vẫn bị che giấu, rằng tôi yêu cầu chuyển cho Viện công tố các bản sao về công tác tình báo của tôi và nêu số các mệnh lệnh về nhiệm vụ của các phân đội mà tôi chỉ huy.
KGB phản ứng không chậm trễ. Phó Cục trưởng phụ trách cán bộ cho tôi biết rằng tất cả các tài liệu sẽ được phân tích và xem xét như tài liệu mới trong vụ án của tôi. Tôi được mời vào Viện công tố nơi người ta báo rằng vụ án của tôi sẽ được xem xét lại. Việc điều tra mới chiếm mất một năm.
Bỗng xuất hiện trên báo chí những bài bôi xấu và phỉ báng tôi, rồi những bài móc máy ám chỉ chống lại tôi và Eitingon. Và tôi hiểu việc minh oan của tôi sẽ kéo dài đến vô tận, bởi chẳng ai đang cầm quyền muốn công khai hết sự thật làm ô danh chính sách tự do của Khrusev. Còn các nhà cải cách lại muốn lợi dụng “sự ấm lên” của Khrusev như khuôn mẫu của cải tổ. Gorbachov sợ làm vấy bẩn đại hội đảng lần thứ XX lịch sử tại đó Khrusev công kích các tội ác của Stalin, nếu vụ án của tôi nổi lên sẽ xuất hiện Khrusev với vai trò tòng phạm của những tội ác đó.
Beria và những kẻ thù của ông đều chung một đạo lý.
Tôi đồng tình hoàn toàn với nhà văn Kirill Xtoliarov, người viết rằng, sự khác biệt duy nhất giữa Beria và các đối thủ của ông chỉ ở số lượng máu đã đổ.
Nhưng, bất chấp những sai lầm của mình, Beria, Stalin, Molotov đã cải tạo được một đất nước nông nghiệp lạc hậu thành một siêu cường quốc có vũ khí hạt nhân. Gây ra những sai lầm cũng kinh khủng như thế, Khrusev, Bulganin và Malenkov thì ở mức độ ít hơn thúc đẩy xây dựng tiềm năng hùng hậu của Liên Xô. Khác với Stalin, họ làm suy yếu nhà nước vì tranh giành quyền lực. Gorbachov và các trợ thủ của ông ta bị chi phối bởi những tham vọng không nhỏ hơn, đưa một cường quốc vĩ đại đến sự đổ vỡ trọn vẹn. Gorbachov và A. Iakovlev xử sự như những thủ lĩnh đảng điển hình, khi nấp dưới các khẩu hiệu dân chủ để củng cố quyền lực của mình.

Sau mưu toan đảo chính không thành vào tháng 8-1991 thực tế diễn ra sự đánh cắp không thể kiểm soát các lưu trữ mật của ĐCS với mục đích sử dụng và bán chúng cho các nhà làm phim, các nghiên cứu khoa học và văn chương. Tướng Volkogonov nắm được tài liệu lưu trữ, viết cuốn sách về Trotsky, có nhắc đến tôi và Eitingon và nói về vai trò của chúng tôi trong chiến tranh du kích chống nước Đức phát xít và trong quyết định vấn đề nguyên tử. Với ưu và khuyết điểm của cuốn sách, Volkogonov cố đánh giá khách quan công việc của tôi và Eitingon. Nhiều năm tháng, họ tên tôi không ai rõ - không thể tìm ra nó cả trong những mô tả các sự nghiệp anh hùng trong chiến tranh với Hitler, lẫn trong lịch sử tình báo chúng ta. Chính Volkogonov làm nảy sinh trong tôi ý nghĩ kể lại câu chuyện cuộc đời mình và của thế hệ tôi. Câu chuyện có thể cho tôi khả năng giờ đây cố sắp xếp mọi thứ đúng vào chỗ của mình.
Cái chết của nhà nước Xô viết, những ấn phẩm hôi tanh gạt bỏ lịch sử hào hùng của tổ quốc tôi, trở thành một động cơ bắt tôi cầm bút và kể về các sự kiện được trình bày trong cuốn sách này.
Sau các sự kiện tháng 8-1991 và sự tan rã của Liên Xô, không lâu trước khi về hưu, Tổng công tố quân sự ngừng các vụ án của chúng tôi và tuyên bố: nếu tôi không minh oan cho các ông, chắc những tài liệu lưu trữ sẽ cho thấy rằng lại thêm tên tôi là kẻ che giấu sự thật về những cốt lõi bí mật của cuộc tranh giành quyền lực trong Kremli những năm 30-50. Ông cắt đứt vụ án của chúng tôi và ký nghị quyết về sự minh oan cho tôi và Eitingon. Sau thất bại của ĐCS Liên Xô, sự minh oan của tôi không còn là vụ việc chính trị, mà chỉ là một cảnh tầm thường trong thời kỳ Liên Xô tan rã. Tư pháp quân đội không cần hỏi chỉ thị của những lãnh đạo cao nhất của đất nước để thi hành vụ án của tôi. Bởi một thế hệ mới đã lên cầm quyền. Dù họ lớn lên trong chế độ cũ, nhưng các lãnh đạo hiện thời không bị dính vào những tội ác của Stalin và Khrusev, những nhà cầm quyền quân phiệt cũ.

Liên Xô mà tôi trung thành hết lòng và vì nó tôi sẵn sàng hiến cả cuộc đời, vì nó tôi cố không nhận thấy những sự tàn nhẫn được tạo ra, khi biện minh chúng bằng khát vọng biến đất nước lạc hậu thành một nước tiên tiến, vì hạnh phúc của nó tôi đã trải qua những tháng dài ở xa Tổ quốc, nhà cửa, vợ con - thậm chí cả 15 năm ngồi tù cũng không giết chết được lòng trung thành của tôi - Liên Xô này đã chấm dứt sự tồn tại của mình.

Trong hoàn cảnh phức tạp sau sự tan rã của Liên Xô, vẫn giữ lòng thù địch đối vối tôi không chỉ là những kẻ muốn để những người biết rõ các tình huống đích thực của màn bi hùng quá khứ im lặng từ giã cõi đời. Họ công khai mong chiếm quyền độc tôn lý giải các sự kiện của quá khứ chúng ta.
Tôi hi vọng câu chuyện của tôi sẽ giúp thế hệ hiện thời có được sự tự do khi đánh giá quá khứ hào hùng và bi thương của chúng ta.

Hết

Beria và đồng phạm đã phạm tội ác chống lại loài người: họ đã thử nghiệm các chất độc chết người, gây ra cái chết đau đớn, trên người sống. Một phòng thí nghiệm đặc biệt, được thành lập để thử nghiệm hành động của các chất độc đối với người sống, hoạt động dưới sự giám sát của Sudoplatov và phó của y là Eitingon từ năm 1942 đến 1946. Họ yêu cầu y chỉ cung cấp cho họ những chất độc đã được thử nghiệm trên người...

https://vi.wikipedia.org/wiki/Pavel_Anatolyevich_Sudoplatov

Không riêng Sudoplatov và các thuộc cấp của ông ta là những tên tội phạm. Toàn bộ ban lãnh đạo Soviet, bắt đầu từ Lenin, Stalin... cho đến về sau, qua hồi ức của Sudoplatov, đã hiện ra như những tên tội phạm khát máu, giết người không ghê tay để thỏa mãn tham vọng quyền lực của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét