Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 11-2

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 11: Giai Đoạn Cầm Quyền Cuối Cùng Của Stalin

2. Sự cạnh tranh của hai tập đoàn Malenkov-Beria và Jdanov-Kuznetsov

Tháng 12-1945 Beria bị giải phóng khỏi chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ mà ông giữ từ năm 1938. Ông đã không còn phụ trách các cơ quan an ninh, nếu điều đó không liên quan trực tiếp đến công việc cơ bản của ông: ông lãnh đạo Ủy ban đặc biệt về vấn đề số 1 - bom nguyên tử và tổ hợp năng lượng, nhiên liệu.
Năm 1946 khi Abakumov được cử thay Merkulov làm Bộ trưởng An ninh, ông không gần với Beria. Ngược lại Stalin ra chỉ thị cho Abakumov thu thập chứng cứ bôi nhọ đối với tất cả những ai có quyền lực, kể cả Beria. Abakumov có thể chứng minh rằng Malenkov biết rất rõ về sự che giấu những khiếm khuyết trong công nghiệp hàng không, và năm 1947 Malenkov bị cảnh cáo, bị mất chức và tạm thời bị phái về Kazakxtan. Ông ta bị đưa ra khỏi BCHTƯ, còn các trách nhiệm của ông ta chuyển sang Kuznetsov, thân cận của Jdanov. Abakumov và Kuznetsov thiết lập những quan hệ thân tình chặt chẽ nhất.
Thế nhưng sau hai tháng, Stalin cất nhắc Malenkov làm Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng. Beria thời ấy ủng hộ Malenkov và không che giấu rằng họ vẫn thường gặp nhau. Abakumov, về phần mình, báo với Stalin về việc Beria và Malenkov cảm tình với các lãnh đạo ngành công nghiệp hàng không và quân nhân bị thanh trừng. Abakumov thu thập tài liệu về các vệ sĩ của Beria cướp phụ nữ trên đường phố và đưa tới chỗ Beria, điều dấy lên sự phẫn nộ của các ông chồng và cha mẹ.
Sự phân bố lực lượng trong giới thân cận Stalin là như sau: cả Beria cả Malenkov giữ quan hệ công tác chặt chẽ với Pervukhin và Xaburov, chuyên trách các vấn đề kinh tế. Tất cả họ cùng thuộc một tập đoàn. Họ đưa người của mình vào những địa vị quan trọng trong chính phủ. Tập đoàn thứ hai, sau này nhận được tên “tập đoàn Leningrad” gồm: Voznexenxky, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng bộ trưởng và phụ trách Ủy ban Kế hoạch nhà nước; Jdanov, Bí thư thứ hai BCHTƯ đảng; Kuznetsov, Bí thư BCHTƯ phụ trách cán bộ, trong đó có các cơ quan an ninh, Rodionov, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Bang Nga, Koxưgin, Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng phụ trách công nghiệp nhẹ và tài chính được đưa lên vào giai đoạn chuẩn bị và tiến hành cải cách tiền tệ, còn sau “vụ việc Leningrad” bị chuyển qua công việc ít quan trọng ở Bộ Công nghiệp nhẹ. Tập đoàn thứ hai đề cử người của mình vào chức vụ bí thư các tổ chức đảng cấp huyện. Kuznetsov năm 1945 đề đạt Popov, cựu giám đốc nhà máy sản xuất máy bay làm bí thư tổ chức đảng Moskva, và Popov trở thành thành viên văn phòng tổ chức và đồng thời là Bí thư BCHTƯ ĐCS Liên Xô. Jdanov khuyến khích những ý đồ của ông kiểm soát các bộ trưởng thông qua bầu cử trong Đảng ủy Moskva. Jdanov và Kuznetsov thực hiện sự kiểm soát hai lần đối với các thành viên chính phủ: thông qua Popov và qua BCHTƯ (Eltsin định làm như thế khi trở thành Bí thư thành ủy Moskva, đó là một trong những nguyên nhân đụng độ của ông với bộ máy BCHTƯ). Bằng cách đó, có thể giật dây các thành viên chính phủ mà không có sự can thiệp của Beria, Malenkov và Pervukhin. Năm 1948 khi Jdanov chết, Popov đòi hỏi để các bộ trưởng như đảng viên trực thuộc ông ta, người đứng đầu thành ủy Moskva. Malenkov khát khao trừ khử Popov, lý lẽ của ông ta như chứng cứ của “sự mưu phản” và sự xuất hiện một trung tâm quyền lực độc lập tổ chức đảng Moskva. Ý kiến của Malenkov được ủng hộ bởi các bộ trưởng vẫn từng than phiền với Stalin rằng Popov liên tục can thiệp vào công việc của họ. Khrusev hàng tuần có mặt tại các cuộc họp và vào những năm ấy thân cận với nhóm của Beria và Malenkov.
Stalin khuyến khích sự cạnh tranh đó, ông hiểu quyền lực của ông không bị tổn hại bởi chuyện đó. Ngoài ra Stalin ý thức được rằng cuộc tranh chấp quyền lực của các lãnh đạo kỳ cựu cho ông khả năng khi cần thiết loại bỏ tất cả bọn họ. Ông luôn luôn có thể thay thế họ bằng những cán bộ trẻ tuổi từ các địa phương vốn không có kinh nghiệm với các mưu mô ở chóp bu.
Một năm sau khi Churchill đọc bài diễn từ nổi tiếng của mình ở Fulton (1946) và “chiến tranh lạnh” đã bắt đầu, lập tức là sự lạnh lùng trong mọi mặt đối với cuộc sống trí thức của Liên Xô, đã nảy sinh những điều được gọi là tranh cãi khoa học trong sinh học, phê bình văn học và ngôn ngữ học, triết học, chính trị kinh tế học. Hai tập đoàn điện Kremli lợi dụng chiến dịch này, mỗi tập đoàn vì lợi ích của mình, cố tìm ra những tội lỗi về mặt tư tưởng hệ ở đối thủ của mình.
Tất cả đã rõ “vụ các nhà sinh vật”: những cuộc tranh cãi nảy sinh vào những năm 30 về di truyền học đã nhanh chóng chuyển từ lĩnh vực khoa học sang lĩnh vực chính trị. Ở một phía là các nhà sinh học nổi tiếng thế giới, dựa trên sự cần thiết tài trợ tài chính cho các nghiên cứu về di truyền học. Đối chọi với họ là nhóm những kẻ hám danh đứng đầu là Trofim Lưxenko, kẻ buôn lậu hệ tư tưởng mác-xít. Ông ta trình chính phủ viễn cảnh vấn đề thực phẩm trên cơ sở các thành tựu sinh học mácxít, hứa sau 10 năm sẽ bắt đầu kỷ nguyên mới, dư thừa, công khai bôi nhọ các nhà di truyền học, khi khẳng định rằng họ chọc gậy bánh xe tiến bộ.
Các lời hứa của ông ta là hứa hão. Bắt đầu những cuộc tranh luận, những bài báo trong các tạp chí khoa học đã chỉ trích Lưxenko và những kẻ đi theo ông ta. Các nhà bác học xuất chúng viết thư về BCHTƯ, vạch rõ các sai lầm nghiêm trọng của nhà sinh vật học của điện Kremli.
Jdanov giới thiệu Iuri, con trai ông, người một thời là chồng Xvetlana, con gái Stalin, vào chức vụ Trưởng ban Khoa học của BCHTƯ. Iuri Jdanov ủng hộ sự phê phán Lưxenko. Trong khi đó được sử dụng thông tin của Abakumov từ các giới sinh vật học: Lưxenko có ý lừa đảo chính phủ, cao giọng về những thành tựu của mình trong sinh học nông nghiệp mà trên thực tế là không có. Trong những bức thư các bác học nói rằng sự thống trị của Lưxenko trong sinh học nông nghiệp từ những năm 30 và sự cố chấp của ông ta đối với bất cứ nghiên cứu di truyền học nào là nguy hại cho tiến bộ khoa học.
Liudvigov, phụ trách ban thư ký của Beria trong Hội đồng bộ trưởng kể với tôi rằng Jdanov đã lợi dụng tình huống đó để cất nhắc người của mình vào các chức vụ kiểm soát khoa học và công nghiệp để mở rộng ảnh hưởng.
Đường lối chính thức trong khoa học sau cái chết của Jdanov lại thiên về ủng hộ Lưxenko và không chấp nhận di truyền học, nhưng những thay đổi bất ngờ trong thái độ đối với các nhà bác học di truyền học trùng với các thay đổi chủ yếu trong ban lãnh đạo đảng chịu trách nhiệm về khoa học, và phần nhiều được gợi lên bởi chính các nhà di truyền học.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét