Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Những Chiến Dịch Đặc Biệt - Chương 10-5

Những Chiến Dịch Đặc Biệt

Tác giả: Pavel Xudoplatov
Người dịch: Nguyễn Văn Thảo
Thể loại: Hồi ký
Nhà xuất bản Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2003 (Lưu hành nội bộ)

Chương 10: California Ở Krym

5. Sự tranh giành quyền lực trong ban lãnh đạo Kremli. Ngụy tạo vụ án về âm mưu lãnh đạo MGB lôi kéo các bác sĩ mưu phản người Do Thái

Cuộc đấu tranh nội bộ vào giai đoạn từ 1948-1952 khơi lên một làn sóng bài Do Thái mới, nảy sinh ‘Vụ án các bác sĩ”. Dù nó là một phần của chiến dịch bài Do Thái, nó đã không hạn chế chỉ bằng những người Do Thái. Đúng hơn có thể nói rằng “vụ các bác sĩ” là sự tiếp tục của cuộc đấu tranh nhằm thanh toán những mâu thuẫn cũ trong ban lãnh đạo đất nước. Stalin nhờ Malenkov và Khrusev muốn thanh lọc trong hàng ngũ kỳ cựu và gạt bỏ Beria. Những nhân vật chính trong cái “vụ án các bác sĩ” ngoắt ngoéo phải là Molotov, Vorosilov và Mikoian, “những người Mohican cuối cùng” trong Bộ Chính trị của Stalin. Thế nhưng toàn bộ sự thật liên quan đến “vụ án các bác sĩ” chẳng bao giờ được công bố, thậm chí vào thời kỳ tự do công luận của Gorbachov. Bởi đó là sự tranh chấp bẩn thỉu vì quyền lực được triển khai rộng trong Kremli trước cái chết của Stalin và, về bản chất, bao trùm toàn bộ ban lãnh đạo.
Vẫn được cho rằng “vụ án các bác sĩ” bắt đầu từ một bức thư kích động gửi Stalin, trong đó các bác sĩ người Do Thái bị buộc tội nuôi dưỡng những kế hoạch giết chết các nhà lãnh đạo đất nước nhờ các phương pháp điều trị không đúng và thuốc độc. Tác giả bức thư là bà Lidia Timasuk nổi danh gây tai tiếng, bác sĩ phòng khám đa khoa của Kremli. Thế nhưng bức thư của Timasuk gửi Stalin không phải năm 1952, ngay trước các vụ bắt bớ, mà từ tháng 8-1948. Trong đó khẳng định rằng viện sĩ Vinogradov đã chữa bệnh không đúng cho Jdanov và các nhà lãnh đạo khác mà kết quả là Jdanov chết. Lúc ấy Stalin cho đó là những lời “vớ vẩn”, và bức thư được cho vào lưu trữ. Ở đấy nó nằm im ba năm cho đến tận lúc người ta lôi nó ra vào cuối năm 1951. Bức thư cần như một công cụ trong cuộc tranh giành quyền lực. Tất cả các ủy viên Bộ Chính trị biết về bức thư, biết về phản ứng của Stalin. Thế nhưng điều quan trọng nhất là Timasuk không buộc ai vào tội mưu phản. Trong bức thư bà chỉ báo động về sự bất cẩn và sai sót vẫn có trong việc điều trị bệnh cho các lãnh đạo đảng và nhà nước. Theo lý do đó văn bản bức thư đến tận giờ vẫn chưa được công bố, trong đó trình bày, về thực chất, sự chỉ trích lẫn nhau của các bác sĩ, về điều này tôi được đại tá Liudvigov, trợ lý của Beria, kể trong nhà tù Vladimir.
Tôi luôn luôn cho rằng “vụ án các bác sĩ” do Abakumov bày đặt như sự tiếp tục chiến dịch chống phái chủ nghĩa hoàn vũ. Thế nhưng năm 1990, khi đến Viện Kiểm sát quân sự nơi người ta gọi tôi làm nhân chứng liên quan với sự điều tra lại vụ án Abakumov bị bắt năm 1951, bị buộc tội là đã che giấu các tài liệu về vụ âm mưu giết Stalin. Trong khi đó Abakumov, theo lời những người buộc tội ông ta, dựa vào các bác sĩ người Do Thái và người Do Thái cộng sự trong bộ máy Bộ An ninh, một phần là dựa vào Eitingon.
Malenkov và Beria, miễn nghi ngờ, khát khao loại trừ Abakumov, và cả hai sẵn sàng sử dụng bất kỳ phương tiện gì để đạt mục đích của mình. Xukhanov trợ lý của Malenkov, mùa xuân 1951 tiếp tại phòng tiếp khách của BCHTƯ điều tra viên bộ phận điều tra về những vụ đặc biệt của MGB, trung tá Riumin nổi tiếng bởi thái độ bài Do Thái. Kết quả cuộc gặp gỡ này là tai hại đối với số phận của giới trí thức Do Thái Xô viết. Vào thời gian đó Riumin đang sợ bị đuổi khỏi cơ quan an ninh vì bị cảnh cáo do quên chiếc cặp với các tài liệu điều tra trong xe buýt cơ quan. Ngoài ra ông ta che giấu Đảng và Cục cán bộ Bộ An ninh chuyện bố ông ta là phú nông, em trai em gái của ông ta bị buộc tội ăn cắp, còn bố vợ phục vụ trong quân đội của Koltsak.
Cần đánh giá đúng Abakumov: ông ta biết rất rõ rằng những mưu toan của Riumin tiếp nhận trước đấy coi các bác sĩ bị bắt là những kẻ khủng bố tất thẩy chỉ là khúc dạo đầu. Trong vòng mấy tháng của năm 1950 ông ta kìm giữ được phần nào Riumin trong dây xích. Để cứu vãn công danh và lối thoát khỏi gánh nặng bài Do Thái của mình, Riumin sung sướng chấp nhận yêu cầu của Xukhanov viết thư tố cáo Abakumov.
30 năm sau các sự kiện được mô tả, cô họ của tôi làm nhân viên đánh máy trong ban thư ký của Malenkov (thủ trưởng trực tiếp của cô là Xukhanov) kể với tôi rằng Riumin là kẻ hết sức vô học và dốt nát, đã viết đi viết lại mười một lần bức thư của mình với những lời buộc tội Abakumov. Xukhanov giữ anh ta lại trong phòng tiếp chừng sáu giờ, sau đó trao đổi với Malenkov về bức thư gửi Stalin. Chỉ Xukhanov biết tại sao lại chọn Riumin để buộc Abakumov tội mưu phản. Thế nhưng ông ta không nói về khía cạnh này của sự việc khi phát biểu trên truyền hình Nga vào tháng 7-1992 trong buổi truyền tin về lịch sử “cuộc mưu phản của các bác sĩ”.
Đến thời gian đó nhiều bác sĩ giỏi người Do Thái đã bị bắt, có lẽ người nổi tiếng nhất là chuyên gia tên tuổi thế giới Etinger, người đã chết bi thảm trong tù. Riumin buộc Abakumov chịu trách nhiệm về cái chết của Etinger vì đã cố ý nhốt ông ta vào xà lim với mục đích trừ khử một trong những kẻ tham gia “âm mưu các bác sĩ” để không khai ra những kẻ mưu phản khác.
Abakumov vốn kinh nghiệm hơn trong những mưu mô tương tự, so với Riumin, rất sợ thổi phồng “âm mưu Do Thái”, đã dùng đến sự ngụy tạo quá lộ. Ông ta thấy trước rằng Stalin có thể đòi hỏi những chứng cứ hiện thực trong trò chơi khiêu khích quá mạo hiểm này. Ngoài ra, Abakumov biết rất rõ rằng trong những vụ mà sáng kiến thuộc ban lãnh đạo cao nhất, không nên thể hiện ý đồ của mình.
Xét mọi tình thế Abakumov không vội mở rộng phạm vi vụ án Ủy ban Do Thái chống phát xít tới cấp độ vụ âm mưu toàn cầu. Ông ta biết những buộc tội như thế sẽ làm cấp trên căng thẳng, đặc biệt sự không bằng lòng của Vorosilov và Molotov, những người có vợ người Do Thái, và của Kaganovich vốn chính là người Do Thái.
Sự thận trọng của Abakumov đã đóng vai trò tàn khốc trong số phận ông.
Riumin nhiệt thành được cử làm phụ trách bộ phận điều tra những vụ án đặc biệt quan trọng, sau đó là Thứ trưởng Bộ An ninh phụ trách điều tra. Điều đó cởi trói cho Riumin trong việc làm các tài liệu dối trá chống Abakumov.
Các điều tra viên của Riumin đòi Abakumov khai tên các thành viên văn phòng bộ trưởng mà họ cho là ông ta dự định thành lập sau khi lật đổ Stalin. Ông cũng bị buộc tội che giấu các ý đồ phản bội của vợ Molotov, Polina Jemtsujina, đặc biệt là các tiếp xúc của bà với nhà hoạt động chính trị Israel Golda Meier.
Abakumov cực lực phủ nhận các tội lỗi, chứng minh rằng ông không giấu tài liệu gì về “vụ âm mưu các bác sĩ” lại càng không phải là người lãnh đạo của nó hoặc lôi kéo các cán bộ An ninh người Do Thái vào vụ đó. Dù bị tra tấn ông vẫn phủ nhận. Như thế vụ án “âm mưu các bác sĩ” phụ thuộc vào lời khai của đại tá Svarsman, là nhà báo, người Do Thái. Ông ta khai là trợ lý của Abakumov về tổ chức khủng bố Do Thái mà tất cả các sĩ quan cao cấp MGB đều tham gia. Ông ta “thú nhận” đã nhận nhiệm vụ từ Abakumov thành lập nhóm người Do Thái mưu phản để tiến hành khủng bố các thành viên chính phủ.
Svarsman cũng “thú nhận” rằng, vốn là kẻ đồng tính, ông ta có quan hệ luyến ái với Abakumov, với con trai ông ta và với đại sứ Anh ở Moskva. Theo lời ông ta, các quan hệ đồng tính của ông ta với các điệp viên hai mang của Mỹ Gavrilov và Lavrentiev là để qua họ cài vào sứ quán Mỹ những người nhận chỉ dẫn và mệnh lệnh cho những kẻ mưu phản Do Thái. Ông ta bịa ra những câu chuyện khó tin nhất kiểu như: “họ hàng” “những người Do Thái” đã giúp ông ta đến với hoạt động khủng bố, rằng ông ta ngủ với con gái riêng của vợ và đồng thời lại có quan hệ đồng tính với con trai mình. Ông ta đòi được vào bệnh viện tâm thần để thẩm định. Khi những lời khai của Svarsman chống lại 30 cán bộ người Do Thái của Bộ An ninh với tội khủng bố được báo cáo với Stalin, ông mắng Ignatiev và Riumin:
Cả hai anh là đồ ngu, thằng đểu giả này chỉ kéo dài thời gian thôi. Chẳng thẩm định gì hết, bắt ngay lập tức cả nhóm”.
Theo mệnh lệnh của Stalin, tất cả những người Do Thái, những cán bộ quan trọng của bộ máy Bộ An ninh, cũng như “một loạt cán bộ lãnh đạo không phải người Do Thái” đã bị bắt. Và thế, rơi vào sau chấn song sắt là Eitingon, Raikhman; các Thứ trưởng Bộ An ninh: các trung tướng Pitovranov và Xelivanovxky. Người ta bắt cả đại tá phục viên Makliarxky đến lúc ấy đã là một nhà đạo diễn phim nổi tiếng: Svarsman trong lời khai có nhắc đến tên ông. Cùng với những người đó các thuộc cấp trực tiếp của họ là người Nga cũng bị bắt.
Những người từ BCHTƯ chỉ đạo bộ phận điều tra, đôi khi tham gia hỏi cung. Những người bị điều tra bị tra tấn tàn nhẫn, nhốt vào xà lim bị làm lạnh, hầu như luôn luôn bị gông cùm, còn những biên bản hỏi cung bất lợi thì bị tiêu hủy.
Trong số “những kẻ mưu phản tại MGB” bị bắt chỉ có Abakumov, Eitingon, Pitovranov và Matuxov là không thừa nhận có tội trong bất cứ chuyện gì.
Theo kịch bản của Riumin, đóng vai liên lạc giữa các bác sĩ và “những kẻ mưu phản tại MGB” phải là Xonia, em gái Eitingon, có vẻ như cô giữ liên hệ giữa các bác sĩ với anh trai, người lập kế hoạch mưu sát các nhà lãnh đạo của đất nước.
Người ta không công khai thông báo về các vụ bắt bớ, và tôi không nhận thức hết quy mô của cuộc thanh trừng này trong MGB. Tôi cảm thấy mối đe dọa nên đã cố liên lạc với đại tá Subniakov, tướng Utekhin, các phó Tổng cục phản gián tình báo. Tôi cố gọi cho Thứ trưởng Pitovranov, nhưng tất cả đều bặt tăm. Năm 1951, khi Abakumov bị bắt tôi gọi cho Riumin vừa được cử làm trưởng bộ phận điều tra của MGB. Ông ta nói có trong tay những tài liệu buộc tội nghiêm trọng đối với Eitingon và em gái ông. Lúc đó Eitingon đang đi công tác 3 tháng ở Litva. Tôi đề nghị Riumin đưa hồ sơ để tôi xem xét, và tôi phát hiện thấy không có chứng cớ nào có cơ sở. Tôi tuyên bố rằng điều đó không thuyết phục được tôi, và dưới mắt tôi, Eitingon vẫn là người tin cậy và là một cán bộ có trách nhiệm xứng đáng với lòng tin của cơ quan an ninh. Riumin phản đối: Thế mà trong BCHTƯ người ta cho các tài liệu này là đủ sức thuyết phục.
Tình hình trong Bộ An ninh trở nên lộn xộn. Bộ trưởng Abkumov đang trong tù, thế nhưng vị trí của ông vẫn bỏ trống, chưa có người thay thế. Khi tôi gọi điện thoại cho Thứ trưởng Ogolsov để bàn về tình hình của Eitingon và em ông, ông ta đáp:
- Đó là chuyện chính trị, và chỉ BCHTƯ mới có thể xem xét nó.
Theo lời ông ta, khi chưa sắp đặt Bộ trưởng mới, ông ta sẽ không ký một tài liệu nào hết.
Tôi đành gọi cho Ignatiev lúc đó là bí thư BCHTƯ đảng phụ trách công tác của MGB-MVD. Ông ta là thành viên Ủy ban BCHTƯ về tổ chức lại Bộ sau khi Abakumov bị bắt.
Gặp ông ta, tôi nói tôi lo lắng bởi những ý đồ vu khống Eitingon và em gái ông, khi gán cho họ những quan điểm dân tộc chủ nghĩa.
Ông ta gọi Riumin mang đến hồ sơ anh em Eitingon, Riumin đọc những lời khai chống lại Eitingon và em gái ông, trong đó khẳng định rằng cả hai có thái độ thù địch đối với nhà nước Xô viết.
Tôi lại kể công lao của Eitingon trong việc thủ tiêu Trotsky, tổ chức mạng điệp viên ở nước ngoài, và cuối cùng, ông là một trong những nhân vật chủ chốt bảo đảm thông tin bí mật về vũ khí nguyên tử. Ignatiev ngắt lời tôi:
- Hãy để Eitingon và gia đình ông ấy yên.
Sau cuộc gặp gỡ đó tôi thấy yên tâm cho Eitingon và em gái ông.
Khoảng một tháng sau Ignatiev được cử làm Bộ trưởng An ninh. Còn vào tháng 10-1951 chính theo lệnh trực tiếp của ông ta, Eitingon bị bắt khi từ Latvia trở về tại sân bay Vnukovo, như Zoia Zarubina, con riêng của vợ ông, kể với tôi.
Việc bắt giữ Eitingon kết thúc sự phục vụ của Zoia Zarubina trong cơ quan tình báo chúng ta. Cô đã làm việc rất thành công với các tài liệu về vũ khí nguyên tử, tại hội nghị Yalta và Potsdam. Tri thức tiếng Anh tuyệt vời giúp cô trở thành một trong những giảng viên hàng đầu của trường đại học ngoại ngữ, còn sau này cô chỉ đạo công tác chuẩn bị các phiên dịch cho Liên hiệp quốc. Zoia Zarubina đến giờ vẫn là một diễn giả tuyệt vời, nhà hoạt động xã hội, người tham dự nhiều hội nghị quốc tế.
Tôi phải dừng lại một chút ở những hồi tưởng của mình. Tôi bao giờ cũng xem “vụ án các bác sĩ” và “âm mưu Do Thái” là điều bịa đặt trắng trợn được phổ biến bởi những kẻ tội phạm như Riumin rồi sau đó báo cáo thành tích điều tra với những kẻ thiếu chuyên môn như Ignatiev. Mỗi lần, sau khi gặp Ignatiev, tôi lại sửng sốt là con người này thiếu nghiệp vụ tới mức nào. Ông ta tin ngay bất cứ báo cáo nào của điệp viên, mà không hề nghĩ tới việc kiểm tra lại.
Ignatiev hoàn toàn không phù hợp với công việc được giao cho ông ta. Ông ta dễ dàng triển khai các vụ án hình sự chống lại những con người hoàn toàn vô tội. Sau đó tôi hiểu ra, ông ta hành động không phải theo sáng kiến của bản thân, mà thực hiện mệnh lệnh nhận được từ Stalin, Malenkov và những người khác.
Khi TASS đưa tin về vụ mưu phản của các bác sĩ Do Thái với mục đích giết Stalin và toàn bộ Bộ Chính trị, tôi cho đó là sự khiêu khích, sự tiếp diễn chiến dịch bài Do Thái được chuẩn bị trước đó.
Khi tôi có các tài liệu buộc tội Eitingon, tôi biết rằng, người ta cho là ông huấn luyện các bác sĩ cách tiến hành hoạt động khủng bố chống Stalin và các thành viên chính phủ Xô viết. Trong lời buộc tội nói Eitingon giấu mìn, thiết bị gây nổ được nguy trang được dạng các thiết bị điện thông dụng trong văn phòng. Trong khi đó tất cả đều biết rõ đó là các mẫu của kỹ thuật tác chiến luôn luôn có trong sự điều hành của chúng tôi.
Trong những ngày này Moskva tràn ngập tin đồn ghê sợ: các bác sĩ và dược sĩ Do Thái có ý đồ đầu độc các dân thường. Người ta nói về những vụ cướp phá có thể xảy ra. Tôi lo cho các con tôi, một đứa lên mười, đứa khác 12 tuổi, khi chúng từ trường học trở về đã kể với chúng tôi những tin đồn ấy.
Dần dần chiến dịch được thổi phồng xung quanh “âm mưu Do Thái” đã vượt khỏi tầm kiểm soát của những người tổ chức ra nó. Riumin và Ignatiev ủng hộ sự buộc tội của Bộ trưởng An ninh Gruzia Rukhadze đối với Beria, rằng ông che giấu nguồn gốc Do Thái của mình và bí mật chuẩn bị cuộc mưu phản chống Stalin ở Gruzia. Rõ ràng Beria đứng đầu trong danh sách chịu tội của Stalin.
Đến tháng 8-1952 kết thúc cái gọi là “vụ Krym” kéo dài từ năm 1948, tất cả các thành viên Ủy ban Do Thái chống phát xít, trừ Lilia Stern và cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lozovxky, đã bị xử bắn. Theo tôi, Kheifets còn được để sống chỉ là vì ông có thể làm nhân chứng chống Beria và Molotov vào lúc thích hợp nào đó.
Quan điểm của tôi dựa trên cơ sở các tài liệu vụ án Abakumov mà tôi có được ở Viện Công tố quân sự sau bốn mươi năm kể từ ngày các sự kiện được miêu tả, và cuốn sách của Kirill Xtoliarov, Đồi Golgotha, kể về cái chết của Abakumov. Tôi vẫn cho rằng Riumin chuyên trách điều tra “vụ án các bác sĩ” đến tận khi Stalin chết. Nhưng Stalin hóa ra đủ nhìn xa trông rộng để hiểu: âm mưu mà Riumin vẽ ra là quá ấu trĩ và chắc gì tin nổi nó khi thiếu các chi tiết đủ sức thuyết phục. Ngày 12-11-1952 Stalin ra lệnh sa thải Riumin khỏi MGB vì không hoàn thành nhiệm vụ và chuyển sang biên chế dự bị của BCHTƯ. Riumin được cử làm kế toán, chức vụ ông ta làm trước khi bắt đầu công tác tại cơ quan an ninh.
Như thế, từ tháng 1-1953, chịu trách nhiệm về những sự phi pháp và tội ác trong bộ máy điều tra MGB là Bộ trưởng An ninh Ignatiev, Thứ trưởng thứ nhất Goglidze, Thứ trưởng phụ trách tổ chức Episev, các lãnh đạo bộ phận điều tra về các vụ án đặc biệt quan trọng. Những kẻ đến làm việc tại Bộ An ninh theo quyết định của BCHTƯ vào giai đoạn kinh sợ ấy, Ignatiev, Episev, không những không chịu trách nhiệm, ngược lại vào những năm 50-70 được cất nhắc lên địa vị lãnh đạo cao của đảng và nhà nước. Người ta chọn Goglidze là đồng lõa của Beria và kẻ bài Do Thái cuồng nhiệt ít học Riumin làm vật tế thần.
Cuối tháng 2-1953 tôi nhận thấy xử sự của Ignatiev thể hiện sự thiếu tự tin. Bản năng mách bảo tôi rằng toàn bộ chiến dịch bài Do Thái sắp bị chết ngạt và những kẻ tổ chức nó sẽ trở thành nhân chứng không mong muốn và sẽ bị tống giam. Và quả thực, sau khi Stalin chết Beria buộc Ignatiev vào tội lừa dối đảng và cố buộc ông ta phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng không được ban bí thư TƯ ủng hộ.
Còn một chi tiết quan trọng trong vụ này: Mairanovxky trưởng “Phòng thí nghiệm - X” bị bắt năm 1951 và bị đưa lên thành nhân vật chủ chốt của “âm mưu Do Thái”, sau đó người ta muốn làm ông là thành viên của “âm mưu các bác sĩ”. Theo giả thuyết của Riumin, Mairanovxky hành động theo các chỉ thị của Eitingon, với mục đích tiêu diệt toàn bộ ban lãnh đạo cao nhất của đất nước. Riumin không tính đến việc ông ta dẫm lên một nền đất nhão như thế nào: toàn bộ công việc siêu bí mật mà Mairanovxky thi hành là theo các mệnh lệnh của chính Stalin. Tại các cuộc hỏi cung Mairanovxky thú nhận tất cả những gì người ta đòi hỏi ở ông. Thật ra, Ignatiev nhận thấy Riumin đã đi quá xa, và ông quyết định tách Mairanovxky ra khỏi vụ án về “âm mưu của các bác sĩ”.
Cái chết của Stalin đặt dấu chấm cho “vụ án các bác sĩ”, nhưng chủ nghĩa bài Do Thái vẫn tiếp tục là một sức mạnh đáng sợ.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét