Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2023

Cái Thủ Lợn - Ch 1

Cái Thủ Lợn

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945

1

Ký Liễu chồng những bát không lên đĩa hết đồ ăn cho gọn mâm, rồi giơ tay đỡ lấy chậu nước. Anh người nhà vừa bưng mâm khỏi phản, Liễu cầm chiếc quạt, phảy chiếu cho cơm và xương rơi xuống đất, rồi ông đặt thau vào giữa, vén tay áo lên mời:
- Nào rước các cụ.
Tức thì năm khách ăn, cùng một lượt, chấm đầu ngón tay cái và tay trỏ vào nước đựng trong chậu thau đồng bé bản nông như chiếc đĩa tây, để cọ vào nhau và quệt lên hai mép nhờn bóng.
Họ rửa xong, người rút vuông vải mầu nước dưa giắt ở thắt lưng, người kéo thứ khăn dự khuyết là vạt áo để chùi mồm. Người không có gì lau, thì dùng luật khoa học, bắt tạo hóa phải hầu. Nghĩa là sức nóng của trời dần dần hút hết nước đi. Công việc ấy làm cũng chóng.
Rồi đồ tráng miệng được dọn ra. Ngoài xôi chè, bánh sôi sê, mảnh cộng, quanh thành mâm, ở năm chỗ lại có cả năm cái hến đựng một thứ nước quánh đen đen. Ấy là thuốc phiện. Theo lệ làng Từ Lâm bữa cỗ nhà sang trọng, nếu không có “thử khoản” dọn kèm với đổ nước, thì người ta kêu được là không lịch sự. Khách ăn, ai là dân làng bẹp thì mang về dùng, ai không nghiện hoặc vì tình thân, chủ nhân đã nhấm nháy làm hiệu mời ở lại, thì bán rẻ cho người nào có tiền trả ngay để thêm vào góp tổ tôm.
Suốt từ sáng đến giờ, cũng như cả ngày hôm qua, ánh nắng chói lọi như ném lửa xuống đất. Chẳng có tí mây mỏng để cản sức nóng. Chẳng có tí gió thoảng để thay đổi không khí. Sân gạch bỏng như nung, hắt hơi oi bức vào trong nhà có ba mặt tường chắn như cái hầm. Người ta rã tay ra vì quạt.
Ấy thế mà đã ba hôm nay, hết bọn này đến bọn khác, khách khứa kéo nhau đến đây ăn cỗ đông rầm rập. Bữa nào cũng mười lăm mâm đầy ăm ắp những thịt trắng nhóng nhánh, rồi từng ấy mâm lại sạch như chùi. Rượu thi nhau cạn veo từng vò, nhuộm cho khách những bộ mặt đỏ bầm như quả bồ quân, hoặc xám xịt như gà cắt tiết.
Bữa này là bữa cuối cùng, nên các cụ được thư thả, không phải vội vàng đứng dậy để nhường chỗ cho bọn khác mới đến.
Thủ quỹ Quang, vừa say lại vừa no phưỡn bụng, chống hai tay lại đằng sau, thở phì một hơi nồng, rồi nói tiếp câu chuyện còn bỏ dở:
- Không hiểu rồi ra ông Tây ông ấy làm thế nào, chứ cứ thế này mãi thì tôi đoán thuốc ty còn mỗi ngày một cao. Rồi ra anh em mình mất cả thú đi mây về gió.
Cụ xã Mạn, vẻ mặt rất bằng lòng, ngồi phản bên kia, nghểnh cổ lên đáp sang:
- Nhưng có thì ông Tiếu lo nhất, chứ anh em mình không bẹp tai, ta cứ bình chân như vại.
Tiếng cười vui vẻ nổi lên ở đó đây. Tiếu dúng đầu tăm đương xỉa vào chén nước, gẩy tạch tạch để rửa, đáp:
- Tha hồ nói, tôi chả động lòng. Rồi nhà các cụ có chén, mời chúng tôi đến, dễ từ được món thuốc phiện đấy phỏng!
Đoạn ông nháy mắt và mọi người cười rầm.
Lý Trung, ngồi bên cửa buồng, vén chiếc câu đối làm màn, ghé miệng vào trong, nói to:
- Kìa, thưa cụ, các ông ấy đang nhắc gì cụ đấy ạ.
Có tiếng bà đáp ra:
- Vâng, để tôi sai nó đi mượn bàn đèn.
Tiếng cười lại rầm rộ nổi lên như muốn làm vỡ đổ nhà.
Trung vuốt hai chòm râu nhọn hoắt, vênh váo nói:
- Đấy, không có tôi, có đời nào anh em ta được phiện ở đây.
Sính, một ông già cỏm rỏm, ghé mồm vào góc tường vừa ọe khan, vừa giục:
- Có lập tĩnh mau không chứ đằng này say lắm rồi.
Trung lại nói to, cố ý để pha trò và cầu lợi:
- Thưa cụ, có nghe thấy gì nữa không à?
Người ta lại cười nôn, và vì cười, ông già Sính lần này không thể giữ vững được những thứ chứa ở trong dạ dày nữa. Ông nôn ra được và muốn tỏ mình rất có ý, ông tuôn cả những thứ bát nháo ấy xuống gầm, chỗ góc tường. Con chó mực từ nãy thất nghiệp, tưởng được món bở, ngoe nguẩy đuôi, chạy vội đến nơi. Nhưng vì không kham được của quý nồng hơi men ấy, nó ngửi đi ngửi lại đống bã cơm, rồi thất vọng lại lừ lừ ra nằm ghếch mõm lên chân ở chỗ cũ.
Trung thấy trong nhà không có tiếng đáp câu của mình, muốn khỏi bẽ, ông trừng mắt nhìn ông già, cự:
- Thế kia thì ông xấu chơi lắm!
Sính mệt lử, không nói gì, lấy tay áo lau mồm, rồi xin hớp nước súc miệng.
Nhưng phó hội Bút can ngay:
- Thôi, ông Lý, đừng làm thế, mất cả vui.
Từ lúc bắt đầu bữa cỗ đến giờ, tiếng cười không mấy lúc ngớt. Như vậy đố ai dám bảo không phải nhà không có việc mừng. Nhưng sự thực xa thế quá.
Vì nhà chật, ít chỗ ngồi, nên ở hai gian bên, kê mỗi gian hai phản liền nhau, và giáp mái tranh ngoài sân, có dựng một cái rạp tre lợp cót, để thêm chỗ ăn và rộng chỗ tế.
Gian giữa, trên bàn thờ che màn mỏng, lúc thường vẫn lấp lánh hai ngọn đèn vặn nhỏ. Hương vòng đưa lên một sợi khói xanh, dưới thẳng, trên rung tỏa ra rồi tan đi. Trên ỷ sơn son, bày tấm truyền thần một người đàn ông râu tóc bạc phơ, ngồi ghế bành, cạnh bàn, đặt chiếc đồng hồ trẩm cầm và chai rượu bia chưa mở nút.
Trước bàn thờ sơ sài ấy, và sau hương án, kê sát bực cửa, có đỉnh đồng, độc bình, giá gương và hai cây nến gỗ, thì là một chỗ rộng. Chỗ ấy, chiếc quan tài mộc, phất giấy hồng điều, nằm trên hai tấm mễ thấp.
Vậy đó là nhà có đám ma.
Chứ sao?
Ông tú Lịch làng Từ Lâm tạ thế từ sáng mồng tám. Bởi ông là nhà khoa mục, nên dù nghèo, bà Tú phải cố lo việc ma chay ông cho trọng thể. Chẳng ngại tốn, bà tậu bò, mua lợn, để làm cỗ mời hàng huyện, mời hàng tổng, mời làng, mời xóm, mời giáp, mời văn thân, mời quan viên, mời họ hàng, mời học trò và mời bạn bè thân thích. Có người rất sung sướng được đi ăn đến bốn lượt.
Sáng mai mới đưa ông Tú ra đồng. Vì vậy, bữa cỗ này, bà Tú mời riêng những người thân. Cho nên người ta nhận thấy đại khái lý Trung, phó hội Bút, thủ quỹ Quang, là người làm việc làng, xã Mạn, đám Hỷ là người trong họ; thư ký Liễu, khóa Tích là học trò; quản xã Tú là hàng xóm, năng sang giúp việc. Và ông già Sính, người vẫn khen thơ ông Tú là vô địch trong buổi nho tàn.
Từ năm làng Từ Lâm cải lương đến nay, chức chánh hương hội làng vẫn nhường ông Tú, là tiên chỉ. Ngoài ông ra, không ai làm được. Chức quý giá và công việc nặng nề này, trừ tay khoa mục danh vọng, thì khi có việc, đố ai bảo nổi con em. Dân Từ Lâm tuy hiền lành, nhưng lý sự đáo để.
Lúc bấy giờ bóng râm đã ra đến tường hoa. Ánh nắng dần dịu. Hơi men ủ trong dạ dày cần bốc ra cho người ta bớt lảo đảo. Cho nên, trong khi hai chiếc bàn đèn đã bầy ở hai gian nhà, mọi người tươi tỉnh, bắt đầu chuyện như khướu.
Xã Mạn chép miệng, nói to, cốt cho cả trong buồng cũng nghe rõ:
- Ông Tú nhà tôi - vì ông xã là trưởng họ - mất đi, chúng tôi thiệt đơn thiệt kép. Tôi nghĩ mà thương mà nhớ ông ấy quá.
Phó hội Bút cũng làm ra vẻ buồn rầu:
- Còn cụ thì quan trên còn trọng dụng làng này, cụ mất đi, không biết làng này còn nát đến đâu.
Nói đoạn, ông cho là câu xói móc thâm trầm, nhìn Liễu là bạn thân. Ông thư ký mỉm cười, liếc lý Trung để tỏ ý khiêu khích. Ông này hiểu ý, cau mặt đáp:
- Chà, giời sinh voi sinh cỏ, đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Cụ Tú mất đi, kể làng ta thua thiệt thật, nhưng chả có người này đã có người khác, chứ làng người ta thì làm sao.
Mạn hơi cáu, trừng mắt toan bẻ, song, Tiếu nói một câu cốt pha trò để xí xóa chuyện xích mích:
- Thật đấy, ông lý có công rất to, là cổ động được bàn đèn. Thế nào tôi cũng bầu ông là tiên chỉ thay cụ Tú. Để sau này ông có chết, ông dặn bà ấy cho tôi hút nhiều.
Hai tiếng tiên chỉ đến vừa đúng lúc. Từ nãy người ta muốn nói tới, nhưng chưa ai khơi ra. Bởi vậy, không ai nghĩ đến tính cách khôi hài của câu nói nữa.
Vốn trong làng, đã dăm năm nay, có hai phe kình địch nhau. Phe lý trưởng, tức là Trung và phe chánh hội, tức là ông tú Lịch, mà bây giờ ký Liễu làm đại biểu.
Liễu ghét cay ghét đắng Trung, nhất là từ hôm thầy học tạ thế. Bởi vì ngày nào cũng vậy, rất nhiều người nói đến tai Liễu là Trung khoe chắc mẩm phen này được ăn tiên chỉ thay ông Tú, lấy lẽ bây giờ chức lý trưởng nhất làng.
Cho nên, bắt ngay lấy câu của Tiếu, Trung đắc chí, cười hà hà, nói bằng giọng trêu ghẹo:
- Được rồi, ông cứ bầu tôi, rồi tha hồ ông hút.
Liễu bĩu môi, quay mặt đi. Sính nhân muốn lấy lòng Trung để ông này quên chuyện bắt bẻ mình nôn ban nãy, bèn tiếp:
- Tôi cũng bầu cho ông Lý. Làng ta tiếng vậy còn ai tranh được nổi ông.
Mạn và Bút nhìn Liễu. Hỷ cau mặt:
- Ông Tú tôi mới nằm xuống, chúng ta chưa nên nói chuyện ấy vội, có phải không, ông ký?
Nhưng Liễu không đáp. Mặt tím bầm, ông cúi gầm xuống.
Bút đáp để bênh bạn:
- Phải, tôi tưởng giá ông Ký phen này ra chánh hội, thì ông được ăn cả tiên chỉ nữa, bởi vì ông có chân nhị trường.
Liễu ngẩng mặt, cười chua chát. Ai cũng đoán ông sẽ nói một câu châm biếm hết sức cay độc. Thì quả nhiên:
- Thưa các cụ, làng ta đương có một vị khoa mục hay chữ làm tiên chỉ. Nay vị khoa mục tạ thế, thì làng nên chọn người xứng đáng, chứ tôi dốt nát, ra để nghe chửi à?
Trung như bị mũi tên độc bắn trúng tim, ông bỏ dọc tẩu, ngồi nhỏm dậy, vùng vằng nói:
- Tôi thách ai tranh tiên chỉ nổi với tôi phen này đấy.
Liễu tái mét mặt, run bắn lên. Thốt nhiên, ông ra cạnh phản khỏa hai chân xuống đất tìm giầy, rồi chạy đến gian giữa. Mọi người kinh ngạc, nhìn theo. Liễu đứng trước quan tài ông Tú, nhăn nhó, bưng miệng, gò lưng lắc đầu và rặn những tiếng khóc rung cả hai vai:
- Ô hô! Ô hô! Ô hô! Thầy sống khôn chết thiêng, thầy phù hộ cho làng ta. Thầy biết đâu giờ có những hạng văn dốt vũ dát nó định kế chân thầy, thầy ơi!
Dứt lời, Liệu lấy cổ tay áo quẹt đôi mắt để tỏ rằng nếu mắt không có nước là vì ông đã chùi khô. Ông xuýt xoa, cung kính, chắp hai tay, lạy trước quan tài hai lạy.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét