Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2023

Cái Thủ Lợn - Ch 25

Cái Thủ Lợn

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945

25

Ngày làng vào đám năm sau, chánh tổng Liễu vênh vang áo mũ, một mình ở chiếu cạp hoa trên cùng, đứng chủ tế.
Ông lại thâm độc, cắt Trung vào bồi tế, đứng tận chiếu sau, cái chiếu trắng không cạp, ngang hàng với Bút, mới được làm chánh hội. Việc thần thánh, không lẽ Trung chối từ, sợ phải tội, nên ông chỉ có mặt ở đình lúc tế mà thôi. Chính tay Liễu viết văn, đứng tên một mình, và dạy người học cho thông để vào đọc chúc.
Ông nở nang mặt mày, khi nghe ề à những tiếng:
- Mệnh bái, nhâm tý khoa nhị trường, lĩnh tam giang tổng chánh tổng, Trịnh Văn Liễu...
Ông hể hả, cung kính giơ tay vái một cái.
Trung cho thế là một sự nhục cho mình. Vả lại không chịu dưới quyền Liễu, ông mới nghĩ ra là nên thôi lý trưởng. Phải, làm một anh nhà giầu, dân bất phiền, quan bất nhiễu, tự do hơn nhiều, mà cũng danh giá hơn nhiều chứ.
Bởi thế, ông vận động để được từ dịch. Ông Huyện thấy Trung xin ra ngoài tròng thì cũng tiếc, cố dỗ dành con bò vàng ở lại nhưng không được. Bất đắc dĩ ông phải nhận tiền cho Trung từ.
Được thôi việc, Trung vênh vang nói:
- Bây giờ tôi chẳng sợ thằng nào, tôi có thể ngồi ngang với quan được rồi. Mặc cho đứa nào cứ phải gãi đầu gãi tai, bẩm bẩm báo báo. Việc làm cụ nhất chết, thế nào tôi cũng kiện.
Nhưng Liễu bỏ ngoài tai những câu của kẻ khỏi vòng cong đuôi. Ông cho là từ nay đến mãi mãi Trung không thể tranh được với ông cái thủ lợn. Ông thỏa chí bình sinh.
Song bà Liễu đã trông rõ cái nguy cơ lớn nó thập thò ở cổng. Thóc lúa tiền bạc ruộng nương nó về tay người khác bao nhiêu, sự túng thiếu, vất vả khốn đốn về nhà bấy nhiêu. Đến nỗi năm nay không đủ vốn cấy có hơn mười mẫu, bà phải cho làm rẽ.
Bà thường khuyên chồng:
- Thôi nhé, mãn nguyện rồi, đừng chạy chọt công danh thêm nữa, mà rồi hết nghiệp đấy.
Ông chánh tổng cười, gõ tay vào tráp đáp:
- Kể ra tiền ai chẳng quý, nhưng nghĩ nó làm cho người ta thêm danh giá, thì cũng chẳng nên tiếc làm gì.
Rồi ông tiếp:
- Vật nhau keo nào nó thua keo ấy, từ nay dử kẹo nó cũng chẳng dám đọ sức với mình. Và bước công danh cũng chỉ đến chánh tổng là tột bực.
Nhưng Liễu không được yên tâm lâu. Bước thang công danh còn nhiều bực nữa, và còn tiền, có khi nào Trung chịu nhục lâu.
Năm sau, khóa nghị viện hết, cuộc tổng tuyển cử sẽ vào tháng bảy tây. Trung rục rịch ra làm dân biểu.
Liễu như bị tiếng sét. Nhưng biết làm thế nào. Tiền ông chẳng còn. Chẳng lẽ còn mươi mẫu ruộng ông bán nốt đi để ra tranh. Nhiều lúc cáu tiết, ông đã tính liều bước nữa. Làm ông Nghị, được người ta gọi là quan, danh giá bao nhiêu, song vợ ông cứ gàn. Bà lấy lý rằng vừa ra chánh tổng, tốn kém quá, nên để vài năm, nhờ trời làm ăn hồi đã, chứ mỗi năm một việc lo chạy, thì chưa biết chừng đói rách lúc nào.
Ông hơi chịu, nhưng vẫn hậm hực:
- Ra nghị viện, tôi có hai mục đích, một là giữ lấy thủ lợn cho mình, hai là để quật thằng Trung. Bà nó nghĩ thử xem, một ngày kia nó được làm nghị viện cả mấy hạt gọi nó là quan, và cũng được ngồi ngang với quan nữa. Chịu sao nổi cái tức ấy.
Nhưng một hôm, Liễu quyết thôi hẳn việc dự định, vì ông rất mừng rỡ, thấy đã có hai người nữa ra tranh với Trung rồi. Mà hai tay, theo ý Liễu, đều là những hạng ghê gớm cả. Một người là con cả cụ tuần Nguyễn xưa kia là tuần phủ tỉnh nhà, ông này tuy chẳng làm gì, nhưng có đồn điền ở Vĩnh Yên, một hôm ông ta đến chơi với Liễu để nhờ cổ động hộ. Ông ta trẻ, đẹp, chơi rất sang, đi chiếc ô tô mới tinh tươm.
Một người, tuy không phải con cháu quan nào, nhưng lại làm báo. Liễu cũng đã được tiếp, và ông ta đến nhờ Liễu giúp sức. Tay này ăn nói ghê gớm lắm, nhưng muốn chừng ít tiền.
Muốn đánh đổ Trung cố nhiên Liễu phải về phe với đối phương. Nhưng nên bênh ông làm báo hăng hái, nói nhiều điều có lý, hứa nhiều việc có ích, hay nên giúp con cụ tuần để sau này lấy thế thần? Liễu phân vân.
Đắn đo mãi, nhất là chưa thấy bên nào đả động đến số tiền bỏ ra mua phiếu, Liễu mới nghĩ tốt hơn hết là lên huyện hỏi ý kiến quan phụ mẫu. Thì cũng may, quan phụ mẫu nhắn ông lên để dặn dò việc bầu.
Sau khi biết ý kiến Liễu, ngài dạy:
- Khó gì mà thầy chưa quyết định; thầy làm chánh tổng, dưới quyền ông quan, thì đi bỏ phiếu cho ông nghị viện cũng là một chức quan, lý tất nhiên là thầy nên bầu cho con ông quan. Còn như tên làm báo kia tôi cấm chỉ không ai được giúp hắn.
Trong nửa tháng trời, một hôm Liễu nhận được một tờ giấy in, và vài ngày lại phải tiếp một người khách lạ. Ông như cô con gái đến thì, tường đông phấp phới những ong bướm. Song, vì sợ quan, ông khó chịu nhất là phải nói chuyện với cổ động viên của “tên” làm báo.
Phải, người này không những chẳng đả động gì đến tiền nong, mà còn chửi bới mãi hạng mua danh bằng tiền và hạng cử tri tham lợi. Hình như họ chẳng coi ông quan ra gì, nên nói những tiếng rất dữ dội, khiến Liễu nghe mà cứ giật mình thon thót. Cho nên đối với bọn bướng bỉnh, phản đối này, Liễu chỉ ừ hữ. Rồi sau họ đến, ông trốn xuống nhà dưới, nói dối là đi vắng.
Còn con cụ tuần thì Liễu nhất định bầu cho rồi, nên Liễu đáp:
- Quan tôi đã bắt bỏ phiếu cho ngài đời nào chúng tôi dám trái ý. Vả lại, cụ lớn cũng là phụ mẫu chúng tôi.
Khách nói:
- Vâng, các ngài là hạng tai mắt trong hạt, hẳn các ngài chọn người phải sành. Chắc chả bao giờ các ngài bầu cho một người lạ, hoặc cho anh lý dốt nát.
- Cái đó đã hẳn. Tôi làm chánh tổng, sao tôi lại để cho người lý trưởng thay mặt được.
- Nhưng còn anh làm báo nói bẻm kia?
- Ồ, ai muốn ngồi tù thì bầu cho hắn. Quan tôi bảo thế.
- Ngài thật thức thời. Tôi mong ngài làm ơn cổ động dùm cho tôi.
- Quan tôi đã bảo, ngài cứ yên tâm. Nhà làm báo kia, tôi không dám dây đến đã đành, còn lý Trung, chữ nhất bẻ đôi không biết, lại là thù địch với tôi, sao tôi bầu cho hắn được.
Song, tuy Trung không biết chữ nhất bẻ đôi, nhưng ông biết phận. Ông không cậy thần thế ông cha, nhờ các quan địa phương bênh vực mà mua rẻ lá phiếu. Ông không cậy có tài, có học, có nhiệt huyết, đi thuyết miệng để mong đánh thức sự công tâm của dân quê mà không chịu mất tiền. Đánh vào chỗ yếu của cử tri, ông mở tung túi bạc. Ông phải thắng, thắng để được ngang với thầy Liễu, cướp lấy cái thủ lợn.
Cố nhiên, ông bán ruộng, và mỗi lần năm mẫu một. Chỉ mấy hôm, mấy trăm bạc đem về hết thun thút. Ông thấy lo nghị viện, không thấy bận bịu như lo chánh tổng. Chỗ nào có người quen, ông khoán cho người ấy cả sự mua phiếu lẫn tiếp khách. Còn ông, ông thuê riêng một chiếc ô tô, nay ở hạt này, mai ở hạt khác. Đến huyện bên cạnh, ông gãi tai nói với cử tri:
- Các cụ thương mà bầu cho cháu, còn hơn để người ở đâu ấy làm nghị viện.
Về huyện nhà, ông cũng lễ phép thưa:
- Khóa trước huyện ta đã được, khóa này lại nhờ các cụ cho cháu ra, để lấy danh giá cho hạt nhà.
Ngày đầu phiếu sắp đến, Trung càng bận rộn. Bởi vì tiền nhà đã cạn, nên ông phải bán thêm ba mẫu ruộng mầu để ngày công cử thuê nhiều ô tô. Chẳng bữa nào ông được hút thỏa, vì ông có được thanh thản nằm ở đâu lâu đâu. Những điếu thuốc phiện mà chỗ nọ mời, chỗ kia mời, ông thấy nó nhạt phèo. Ông cố mong cho qua ngày để được nghỉ ngơi hút lại bữa cho thỏa thuê.
Ngày đầu phiếu đến nơi, Trung thấp thỏm, mà Liễu cũng lo lắng. Trung ngồi ô tô chạy đi khắp nơi bỏ phiếu để xem xét tình hình. Liễu cũng sai người đi nghe ngóng. Trung sung sướng, mau chóng đến chiều để được thấy mình thắng phiếu, một bước lên quan. Liễu buồn rầu nghĩ đến nỗi căm hờn, khi nghĩ đến bên địch vênh vang về làng đốt pháo.
Nhưng thật là đen cho Trung. Trung lại trượt! Chỉ có trăm rưởi phiếu bầu cho Trung, tuy hơn con cụ tuần sáu mươi lá, nhưng kém “tên” làm báo khố dây những bốn trăm.
Trung rụng rời, rú lên một tiếng, lại bắt đầu sốt. Và ông rên lên ầm ầm, khi nghĩ đến trong làng có một người đang nhảy múa cười hà hà.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét