Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

Cái Thủ Lợn - Ch 27

Cái Thủ Lợn

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945

27

Liễu về làng, ai hỏi kết quả việc kiện Trung thế nào, ông cũng không nói, mà ông còn muốn gạt đi là khác.
Người ta không hiểu sao. Cả Trung nữa. Nên Trung càng lo cho rằng dễ thường Liễu bí mật, và ông huyện lại lừa mình, chấp đơn của Liễu hay sao.
Vì vậy Trung lại kiếm cái quà lên hầu quan phụ mẫu để hỏi ý.
Nhưng sự thực, công việc làm của Liễu rất dễ hiểu. Sau một cuộc dỗ dành vợ rất kỹ lưỡng, Liễu quyết cũng xin hàn lâm, để khỏi kém Trung.
Ruộng ông không còn mấy để bán, thì ông đem văn tự nhà đi cầm rồi hỏi dấm nhiều món ở những người quen thân. Ông lại khuyên người làng nên kính trọng quan trên, và bảo quan trên là những vị thần linh, hành vi không bao giờ lầm lẫn. Lầm lẫn, có chăng hạng chỉ ngồi xó bếp nói chuyện triều đình.
Bởi vì trong cuộc vận động phẩm hàm của Liễu, Liễu được quan phụ mẫu ghi vào lý lịch những công trạng mà ông chẳng làm bao giờ. Năm Sửu, chính Liễu đã phát chẩn cho dân bị lụt trong làng hai tấn gạo, song vì không muốn lấy tiếng, nên không trình quan trên, và mới đây, Liễu làm chánh hội và chánh tổng, một mặt hết sức khai hóa cho làng, một mặt giúp sự trị an trong làng.
Liễu được quan phụ mẫu đưa vào nhiều nơi quyền thế. Song, vợ ông cho thế là chưa đủ. Bà còn hối lộ cả thần thánh trong các đền, các phủ có tiếng là thiêng.
Muốn yên thân lúc này, Liễu đình hẳn sự trục trặc với Trung.
Việc Trung mở tiệc khao linh đình mà làng đoán sao cũng lợi suất sưu thuế tẩy chay, thì là việc hão. Tuy Liễu không đến, nhưng không xui ai điều gì. Trung đề phòng trong mấy ngày có việc, thành ra hoàn toàn vô ích.
Chỉ có hai điều Liễu hết sức lo lắng và quyết thế nào cũng ngăn trở thì lại chưa xảy ra. Việc họp dân để bầu tiên chỉ và việc tế thần bất thường. Nếu có việc thứ hai này, ông phải đau đớn nhìn cái thủ lợn về tay bên địch.
Vợ ông, mỗi khi nghĩ đến gia tài hết mau chóng quá, thì lại thở dài phàn nàn:
- Được làng biếu thì danh giá thực, song, nghĩ đến cửa nhà sa sút mà đau lòng. Biết bao giờ mới gây dựng được cơ nghiệp như cũ.
Một hôm, quan phụ mẫu đưa Liễu xem tờ báo đăng đúng tên ông được thưởng hàn lâm.
Ông như trúng số độc đắc, suýt ngất đi về mừng. Ông quên cả lễ phép, rú lên một tiếng ngay trước mặt người trên, rồi cười như điên dại.
Hầu chuyện quan một lát, ông nóng lòng nóng ruột. Ông muốn mau mau về ngay làng, đem tờ báo ấy cho cả dân được xem.
Rồi ông phi ngựa về. Ngay tối hôm ấy, ông mời hết người nọ đến người kia lại chơi để khoe tin mừng. Trong lúc sung sướng, ông thốt ra những lời thật hể hả:
- Thế mới biết nhà nước công bình, chả lẽ quan hàn Nguyễn được mà tôi không được.
Ông gọi Trung thế để làm gương cho làng gọi mình là quan hàn Trịnh.
Bấy giờ bạn hữu mới hiểu về việc ông thôi kiện kẻ thù. Thì ra tức là ông xui họ rồi đừng kiện ông nữa.
Song, Trung chẳng để Liễu yên. Thế là lại sểnh cái thủ lợn. Cho nên, Trung hội họp các đàn anh trong làng, mời chén, mời phiện rồi lấy chữ ký vào đơn tố giác Liễu. Ông tìm hết tội Liễu từ ngày ra làm chánh hội. Đơn ấy dài đến ba trang, từ tội to là giết chết thằng Cáy, đến tội nhỏ là ăn hai hào bạc của con mẹ bắt cua.
Nhưng có điều lạ, là lá đơn ấy không đệ tới huyện. Mà có lẽ nó không bao giờ tới bàn giấy quan nữa. Chẳng phải Trung đã được quan phụ mẫu cho một bài học hòa bình. Nhưng ông cần chờ dịp. Hiện nay ông không sẵn tiền. Kiện nhau mà không đút lót cửa công thì chỉ phí toi tờ giấy.
Nhưng dịp ấy chắc không bao giờ đến được. Ruộng vườn ông chẳng đã hết sạch rồi còn gì. Cho nên ông đành hậm hực, gác câu chuyện kình địch lại một xó.
Về phần Liễu thì cũng rứa, bây giờ Liễu lại mắc nợ. Ông cố xoay món tiền để khao hàn lâm cho linh đình. Nhưng không sao được. Ông chỉ cố được trăm bạc để sửa lễ đình và mời quan dân ăn phiên phiến mà thôi. Khổ cho ông nữa, là ông phải bỏ ngoài tai những chuyện người ta nói về Trung. Nhưng không bao giờ ông dám nghĩ đến sự kiện cáo.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét