Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Cái Thủ Lợn - Ch 16

Cái Thủ Lợn

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945

16

Trung hết sức ngạc nhiên và bực mình vì La đến nhà ông, trợn mắt trợn mũi, mách:
- Ông chánh hội đã được phép mai táng thằng Cáy.
Song Trung cũng lấy làm mát ruột rồi. Việc tuy không có kết quả như ý muốn, nghĩa là kẻ thù không bị tù tội nhưng chắc đã phải lạy lục mất khá của. Ông gật gù, nói một mình:
- Thử xem thằng bá hộ dốt nát có làm nổi mày thất điên bát đảo không nào.
Nhưng ba hôm sau, một người lính huyện về nhà Trung, bảo quan nhắn phải lên huyện ngay có việc.
Trung hút vội vàng vài điếu thuốc phiện mà ông nói với vợ rằng cho thêm sức khỏe rồi thắng ngựa đi.
Ông vui vẻ lắm, nên khi tới huyện, ông buộc ngựa ở gốc cây, rồi vào tuột công đường.
Bất đồ ông bị mắng một trận kịch liệt:
- Ra thầy nói dối tôi. Thầy vu oan giá họa cho chánh hội, đến nỗi suýt tôi làm tội một người ngay. Đây, chánh hội kiện thầy đây, tôi biết bênh thầy thế nào được. Thật làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại.
Trung khoanh tay, run như cầy sấy, ấp úng nói:
- Lạy quan lớn...
- Nếu tôi để yên cho thầy cái tính này, rồi mai thầy xoay cả tôi.
Trung thụp xuống đất lạy hai lạy, và nhăn nhó như mếu:
- Lạy quan lớn, chúng con nào dám nghĩ thế.
- Đây, chánh hội kiện thầy vu khống cho hắn, lại kể bao nhiêu tội tham tang của thầy có chứng cớ hẳn hoi.
- Bẩm quan lớn thương cho, trước khi làm con cũng có trình với quan lớn, sự thực là thế.
- Biết rồi, nhưng nay nó kiện, thầy bảo tôi gỡ cho thầy thế nào.
Rồi quan nhăn mặt, gãi tai:
- Việc khó khăn quá.
- Lạy quan lớn, quan lớn bảo chánh hội rút đơn ra.
- Nhưng mắc cái tôi đã chót chấp đơn và nhận lời xét. Vả lại hôm ấy có cả quan phán tỉnh. Thành thử không tài nào tôi dìm đi được. Cho nên tôi biết thiên vị về ai. Thôi được, tôi tư lên tòa án tỉnh. Mặc các quan trên ấy với hai thầy.
Lý trưởng sợ hãi, chưa kịp đáp, thì ông huyện lại dọa:
- Thế mà quan trọng đấy. Tôi rất lo cho cái lý trưởng của thầy. Một người có án, dù án treo, cũng không được làm việc gì nữa. Mà mất lý trưởng thì bị tiêu thu cả bằng sắc.
Trung như nhìn thấy cái thủ lợn làng biếu nó chạy tọt vào nhà Liễu. Ông thở dài. Vốn chậm trí khôn, ông lại lo lắng quá sinh ra quẫn, nên không biết nói đến nơi ý mình cho quan nghe. Bởi vậy quan phải hỏi thẳng:
- Giả sử việc này chỉ có tôi với chánh hội biết thì thôi tôi cũng thu xếp cho yên. Song chẳng may cho thầy có quan phán tỉnh cũng biết, nên khó. Nếu ý thầy muốn dàn xếp cho bên nguyên rút đơn ra, thầy nên chịu khó kiếm cân chè về nói với thầy chánh hội một tiếng.
Sự giận làm tím ngay mặt Trung lại. Song, trước mặt người trên, ông phải nén lòng:
- Lạy quan lớn thương thì con được nhờ, chứ con không chịu nói như thế.
Quan khích thêm:
- Kể cũng tức thật đấy. Vậy để tôi bảo chánh hội cho.
Lý trưởng mỉm cười hớn hở đáp:
- Dạ.
- Phải, chịu đến nước phải nói lại thì tức thật. Kể thầy với chánh hội thì thầy hơn nhiều. Nhưng mà...
Quan thở dài, nghĩ ngợi, rồi tiếp:
- Nhưng đối với quan phán, thầy phải xử thế nào cho tử tế mới được. Chính tôi và địa vị thầy, thà mất cho người ta ăn hàng chục, hàng trăm, còn hơn là mất một xu để hạ mình xin chánh hội, như thế ức lắm và nhục lắm.
- Dạ.
- Mà sự thực, tôi có ưa gì chánh hội đâu.
- Dạ. Con biết là quan lớn thương con nhiều lắm, xin quan lớn nói với quan phán cho con.
- Nhưng còn sự chè lá quan phán, thầy phải nghĩ cho chu đáo nhé.
- Dạ.
- Nghĩa là tôi thương thầy tử tế, thực thà thì tôi đi nói hộ, song thầy phải biện đúng một trăm. Quan phán với tôi là chỗ người lớn, nói với nhau hàng chục không tiện.
Lý trưởng khoanh tay, trầm ngâm rồi đắn đo mãi mới dám nói:
- Lạy quan lớn, một trăm thì nhiều quá.
Quan trợn mắt:
- Một trăm mà là nhiều. Thầy thử nghĩ xem, bỏ ra một trăm để công danh được nguyên vẹn, để tránh tù tội, thì có đắt không. Nếu thầy tiếc một trăm thì việc ra đến tòa, muốn được trắng án, lại không phải mất đến bạc nghìn ấy à?
Trung suy nghĩ rồi nói:
- Lạy quan lớn, thế thì trăm sự, con xin quan lớn thương cho. Thế nào con cũng xin có đủ.
- Phải, mà đấy là phần quan phán, còn tôi nữa, đừng vô ơn nhé.
Trung sợ hãi, tủm tỉm:
- Lạy quan lớn, con đâu dám thế.
Hôm sau, ông huyện gọi chánh hội lên ôn tồn bảo:
- Tôi đã nghĩ kỹ, việc thầy kiện lý trưởng là rất nên, song tôi xét, lý trưởng thì giầu, hắn tất không chịu thua. Rồi hai bên theo nhau, chẳng qua đục nước chỉ béo mấy anh thầy kiện. Cho nên tôi tính thầy nên rút đơn ra.
- Bẩm con rút đơn ra, rồi hắn tưởng con lép vế.
Quan xua tay:
- Không, để tôi bảo hắn là tôi can thầy và bắt hắn không được bới móc nhau như thế nữa. Và thầy nên biết rằng lý trưởng ăn bẩn và làm bậy, thì thầy cũng chẳng trong sạch lắm đâu. Chính lý trưởng cũng lăm le kiện thầy mấy khoản, nhưng tôi dẹp yên rồi. Bọn mình ra làm việc quan, ai không đục khoét. Không đục khoét lấy gì bù lại món tiền mình bỏ ra chạy chọt. Cho nên tôi đi làm quan, chúa ghét những thằng kiện chức dịch tham tang. Có khác gì nó chửi thẳng vào mặt mình không? Và các thầy tham tang, bất quá dăm ba hào, họa hoằn mới đến đồng bạc. Vậy thầy nên nghe tôi.
- Lạy quan lớn, quan lớn cứ để mà con sống mái với anh lý con phen này.
- Tôi nói thực, sở dĩ tôi bảo thầy rút đơn ra là tôi vì thầy hơn vì lý trưởng. Chứ tôi cũng ghét hắn lắm. Nhưng tôi thấy hắn rục rịch kiện lại thầy. Hôm nọ thầy phải bán ruộng mới lo đủ năm trăm. Vậy tôi hỏi, giá hai người kiện nhau, thì thầy lấy gì lo kiện. Thầy túng nên tôi thương, khuyên lời hơn lẽ thiệt, thầy nên nghe.
- Dạ, lạy quan lớn truyền, con sợ lệnh quan lớn lắm. Nhưng nếu có phải theo kiện, con đành theo đến cùng.
Quan nhăn mặt, xua tay, rồi đứng dậy vỗ vai Liễu và ngọt ngào nói giọng nằn nì:
- Thôi quan xin. Rồi lỡ ra thầy có thua kiện thì chính tôi cũng bị mang tiếng là cầm đầu cho thầy không nổi. Cho nên, con ạ, con nên nghe thầy, thầy xin.
Liễu cảm động, xuýt rớt nước mắt. Thấy vậy, quan tươi tỉnh mở cặp giấy ra, lấy lá đơn cầm hai góc rồi vừa cười vừa nói:
- Thầy xé nhé.
Vừa dứt, hai tay ngài doãng ra, tờ giấy kêu soạt tách làm hai mảnh.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét