Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Cái Thủ Lợn - Ch 14

Cái Thủ Lợn

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945

14

Một buổi sáng, Minh, người đầy tớ Liễu mở dõi chuồng trâu định cho trâu ra đồng thì thình lình anh thấy người thắt cổ lủng lẳng trên cây khế cạnh hàng rào. Anh rú lên một tiếng suýt ngã ngửa. Anh nhắm mắt, hai tay ôm lấy đầu chạy một mạch về đến giữa sân vừa thở vừa kêu ầm ĩ:
- Ông chánh ơi! Có người thắt cổ.
Người nhà đổ cả ra sân. Liễu mắt nhắm mắt mở ở trong buồng cuống quýt chạy ra, chân không kịp xỏ vào guốc.
- Đâu, đâu?
Minh trỏ mé cây khế:
- Đấy!
Liễu tái mét, run như cầy sấy, lò dò đi sau bọn người nhà. Đến gần chuồng trâu, ông đứng dừng lại. Ông đã trông thấy cái nợ ấy bu lu ở góc vườn, thẳng ườn như cây gỗ, thân thể xám ngoét.
Liễu cố giữ can đảm, miệng lẩm bẩm khấn vong linh người chết, tiến đến gần, rồi cau mặt, nói:
- Quái, ai chứ không phải người làng.
Ông sai người trèo lên cây xoan để nhìn cho rõ mặt. Minh bàn nên chặt dây ngay may cứu được một mạng nhưng ai nấy sợ hãi. Bỗng Minh nói:
- Thằng Cáy đấy mà!
Thằng Cáy vốn là đứa ăn xin, mọi khi vẫn ngủ nhờ ở cầu chợ làng. Thấy nó mang tai vạ đến mình, Liễu nghiến răng:
- Quái, thằng lạ thật.
Rồi một mặt, ông cho đi trình quan, một mặt ông cho mời lý trưởng đến lập biên bản. Sự báo lý trưởng là một việc bất đắc dĩ, song không thể đừng được.
Tin dữ dội chẳng bao lâu đồn lan đi khắp làng. Người ta rủ nhau đi xem. Người quen, vào hẳn nhà Liễu. Người không quen, đứng cạnh hàng rào dâm bụt bên láng giềng, hoặc nghểnh cổ ở đường dòm vào. Họ bàn tán, mỗi người một câu, khiến Liễu ruột rối như mớ bòng bong.
- Quái, nó vào lối nào nhỉ?
- Sao đũng quần nó bê bết thế kia.
Bỗng có tin lý trưởng lên huyện từ sớm. Liễu đâm nghi liền. Ông đứng lặng nhìn thây thằng Cáy và lắng tai lượm những lời xôn xao của mọi người:
- Lúc đêm, tôi thấy nó nằm gục ở cổng đồng kia mà.
- Người chết về thắt cổ thì hai bàn chân buông thõng xuôi, chứ sao lại ngang thế kia nhỉ?
Lập tức, Liễu gọi Minh, rỉ tai dặn:
- Mày ra cổng đồng, tìm kỹ xem còn bị gậy của thằng Cáy ở đấy không nhé.
Bỗng có tiếng còi ô tô inh ỏi ở phía đầu làng. Người ta biết ngay là xe quan. Mọi người chạy ồ ạt, hoặc kiếm một chỗ kín để nhìn. Liễu vội vã về rửa mặt mũi, lấy khăn áo.
Độ năm phút thì quan đến, theo sau là lục sự và người lính cơ. Trông thấy Liễu ngài không vui vẻ như mọi bận. Ngài hỏi ngay:
- Có đứa thắt cổ ở nhà thầy, tử thi còn đó, hay thầy đem chôn rồi? Đó là một việc bức tử.
Liễu run sợ:
- Lạy quan lớn, nó là đứa ăn mày, xưa nay vẫn quanh quất vùng này. Chắc nó bị bệnh chứ không phải bức tử.
Quan nghiêm mặt:
- Thầy đừng giấu tôi. Tôi biết cả.
- Bẩm quan lớn thương cho. Tên này là ăn mày, vậy với con, có điều gì.
Quan cười:
- Biết đâu, thầy không đánh đập nó.
Quan sai người tuần tên là La trèo lên cây, cởi dây, rồi đặt thằng Cáy nằm thẳng cẳng dưới đất. Còn ngài tránh ra tận đằng xa, châm thuốc lá hút và nhổ phì phì. La cởi quần áo người chết để lục sự khám và biên.
Lúc ấy, Minh kéo áo Liễu, nói nhỏ:
- Ở đấy, còn cái bị, cái gậy, và cái nón.
Liễu gật đầu, mừng rỡ, trình với ông huyện:
- Bẩm việc này con nghi có kẻ thù hằn định gieo tai vạ cho con.
Quan cau mặt để nghe, Liễu tiếp:
- Bẩm, nguyên nhà con, hàng rào thì kín, chó thì nhiều, tên Cáy không thể dễ dàng lọt vào được. Và xưa nay những người chết vì thắt cổ, thì hai chân phải thõng xuống, chứ không ngang thế này. Vậy tất có người buộc người chết sẵn lên cây để báo thù con.
Lục sự bẩm:
- Mà cổ không có vết máu đọng ở chỗ thừng thắt.
Quan cau mặt:
- Thầy biết đâu!
Liễu lại thưa:
- Ban nãy, con thấy có người nói đêm qua thằng này gục ở cổng đồng làng, con nghi là nó chết ở đấy. Con vừa cho người đến đó, thì quả còn thấy nón và bị gậy của nó.
- Thế ngộ chính thầy vừa cho người vứt những thứ ấy ra đấy thì sao.
Liễu luống cuống đáp:
- Bẩm, con xin gọi người vừa gặp nó đêm qua ra đây làm chứng.
- Ừ, gọi ra đây.
Liễu nhìn xung quanh, nhưng quên không biết ai nói ban nãy, bèn gọi to:
- Ai gặp thằng Cáy đêm qua, ra trình quan hộ tôi.
Mọi người nhìn nhau, lùi dần, có tiếng nói:
- Có ai gặp đâu.
Quan cười, nhìn Liễu, gật đầu ba bốn cái, Liễu xám mặt, ấp úng thưa:
- Bẩm, thằng này chẳng qua chết về bệnh, quần nó là một chứng cớ. Xin rước quan lớn lại gần mà coi.
Đàn nhặng xanh bay vo ve, chờn vờn cái xác chết. Quan thấy tởm không lại.
Độ nửa giờ, lục sự khám biên xong. Liễu mời quan nha vào trong nhà cho mát để làm việc.
Quan ngồi sập giữa, lục sự loay hoay viết ở bàn bên. Thấy Liễu đứng nhìn cạnh, ông này tiện bút viết lên giấy thấm chữ “ngũ bách” rồi bấm Liễu một cái.
Liễu tái người, không nói gì, bỗng quan nói:
- Thầy lục chỉ nên ghi những cái khám thấy ra giấy, còn việc mai táng còn để chờ quan đốc tờ, nghe chưa?
Liễu nằn nì:
- Lạy quan lớn, thương chúng con, không có vết thương nào thì xin quan lớn cho mai táng, chứ nay là thứ bẩy, mai quan đốc tờ nghỉ, thì mãi đến ngày kia, ngài mới làm việc.
- Ồ, thì phải đợi chứ sao.
Liễu thở dài, gãi tai, đến gần:
- Lạy quan lớn, quan thương cho, chúng con xin hậu tạ.
Quan xua tay:
- Ồ, thôi, việc gì chứ việc này thì bố tôi cũng không dám cho chôn. Biết đâu nó không bị đá dập lá lách, đứt mạch máu.
- Lạy quan lớn, chúng con xưa nay vẫn là thần tử quan lớn.
- Đành rằng vậy, nhưng thầy làm bậy thì tôi biết gỡ thế nào.
Lục sự đang viết vội kéo vạt áo Liễu lại viết lên giấy thấm chữ “ngũ bách” lần nữa. Liễu thở dài không đáp, và khi thấy lục sự liếc mắt nhìn mình, Liễu khẽ hất hàm thì trên tờ giấy thấm lại hiện lên hai chữ “Bá Trung”. Thế là Liễu hiểu hết cả.
Tự nhiên môi ông tái nhợt, ông run bắn người lên, đến nỗi khi xong biên bản, ông cứ ký bừa chứ không đọc gì cả.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét