Cái Thủ Lợn
Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945
5
Trước đình, lưng chừng cây đa, phấp phới lá
cờ đại, từ ngoài đường cái chánh xứ nhìn vào, người ta cũng biết làng Từ Lâm sắp
có đám.
Quả vậy, mấy hôm nay, chỗ nào cũng tấp nập.
Từ miếu về đình, đường đi mới rẫy cỏ đất san phẳng phiu. Lá cây mọc hai bên bờ
rào chìa ra đường phải phát cụt, cho lối đi thêm rộng rãi. Quanh sân đình, dưới
gốc bàng, mới dựng lên vài quán nước chè tươi. Nó là bốn cái gậy, chôn chặt xuống
đất, đỡ tấm mái liếp đặt chênh chếch. Bác phó cạo đã tìm cái đanh đóng lần trước
ở thân cây đa, để treo gương. Vài hôm nữa, bác làm ngay ở đấy, vừa được đắt
hàng, vừa được xem rước, xem tế, vừa được mách nước cờ. Trên cái bàn sơn xanh,
cao đến ngực, đằng trước, bày ghế dài gỗ tạp, có úp nhiều cốc, rượu bia, nước
chanh đứng thành hàng, cạnh tủ kính con, trong sắp thuốc lá giấy xanh, giấy tím
và bánh khách vàng.
Cờ cắm ở sân đình lúc nào cũng hớn hở. Buổi
chiều ăn cơm xong, trẻ con rủ nhau ra nô đùa, làm huyên náo. Người lớn cũng vậy,
họ cởi trần, phe phẩy chiếc quạt nan, ngồi chéo khoeo ở bục đá hai bên giải vũ,
để chuyện trò về đám xá.
Hình như cả làng sắm sửa chờ ngày vui, được
ăn cỗ.
Mồng tám là ngày mở hội.
Ngay từ sớm, những hồi trống cái đã đi đôi
với tiếng bi li ở trước cửa miếu. Một cuộc rước linh đình đang sửa soạn. Hàng
chục lá cờ dựng ngả vào các thân cây. Chiếc kiệu bát cống lở sơn, đặt chính giữa
cửa, ngang bậc thềm lên xuống.
Ánh nắng đã gay gắt. Tiếng trống càng làm
thêm nóng ruột. Gốc nhãn, dưới bóng lá dày, phường trống con thỉnh thoảng tập lại
cho đều. Trong miếu, những áo thụng lam bạc màu đi lại tấp nập.
- Vào trình cụ lý xin rước ngài về dinh, kẻo
trưa rồi.
Ấy là lời khán thủ. Hôm nay trông bác lạ hẳn
đi. Bác đội khăn lượt, mặc áo the, thắt lưng đỏ ra ngoài, và đi guốc. Trung ra
hiên, đưa đôi mắt trịnh trọng nhìn ra xa để ngóng đợi, rồi đáp:
- Chốc nữa, chưa đến giờ.
Giờ đây không phải giờ của đồng hồ. Nó có ý
nghĩa khác.
Muốn hiểu nghĩa ấy ta hãy ngắm qua ông một
chút.
Trước hết ta phải khen cái cằm của ông quá
nhẵn thín. Ngay từ sớm ông đã gọi phó Bưởi đến xử tử hộ bộ râu mọi ngày mọc bừa
bãi cả trên má, xuống cổ. Cái cằm ấy bây giờ nó trắng hơn cả chỗ khác trên mặt.
Còn bộ ria, nó vẫn là hai dấu ngã đối rất chọi trên môi. Ông đội mũ vuông bằng
giấy, phất một lượt màu huyền, có đôi giải dài thõng sau lưng, mặc áo thụng lam
mới, và đi hia mới. Bộ áo mũ này nó mỉa mai bộ áo công của làng một cách cay độc,
vừa cũ, vừa bạc màu. Nhất là cái áo thụng sắm đã lâu ngày, nên nó chảy dài xuống
gần đến gót. Của ông lý là những của vừa mới sắm. Ông bỏ tiền túi ra mua tận
trên Hà Nội. Vì năm nay dù chưa chính thức ăn tiên chỉ, ông cũng được cắt ra
thay cụ Tú đứng mệnh bái về dịp tế thần.
Bởi vậy, ông bảo chưa đến giờ. Vì ở sân miếu
vẫn còn ít người xem quá. Như vậy nó tủi công sắm sửa của ông đi. Nhất là ông cần
chờ Liễu, để có dịp trêu tức nhau chơi. Ông ôn tồn nói:
- Anh nào về nhà anh ký Liễu hộ tôi. Giục
ông ấy ra ngay, nói rằng ông chủ tế mời nhé. Gớm, việc tế tự mà không siêng năng
tí nào, phải tội chết!
Nói đoạn, ông đi loăng quăng ở hiên, yên
trí rằng từng ánh mắt phải nhìn theo mà tấm tắc, ông xuống thềm, ngó vào trong
kiệu, đặt lại đôi đèn nến cho ngay ngắn. Rồi ông vui vẻ hỏi han phường bát âm,
bắt họ đi thử một vài điệu.
Một lát thấy bóng Liễu đến, tay mang áo thụng,
ông chạy tận ra cột đồng trụ, niềm nở đón và tươi tỉnh mời:
- Mời ông vào rước.
Ông cho là những dáng điệu, những lời nói của
ông càng ngọt ngào, dịu dàng bao nhiêu, tất Liễu càng bực tức bấy nhiêu. Bởi vì
chốc nữa, ông đứng chủ tế, Liễu sẽ như bị kim chọc vào mắt. Bọn họ sẽ căm hờn
khạc ra máu được. Nhưng căm hờn thì làm gì. Nghĩ vậy, ông mát gan, mát ruột.
Liễu vào trong miếu, mặc áo thụng xong, thì
làng bắt đầu rước. Trống cái và bi li điểm ba hồi chín tiếng. Đinh tráng áo nẹp
viền đỏ trắng chạy lại cầm lấy cờ và xếp hàng đôi rước kiệu. Phường trống con
và bát âm nối nhau lên tiếng.
Bỗng hai cánh cửa mở toang ra, Sính áo thụng
đi giật lùi, giơ cao cái kiểng điểm từng tiếng một đều khan.
Liễu khuỳnh hai tay ngang mặt, nâng bát
hương sứ, khói nghi ngút.
Sau ông này, Trung rước hòm sắc, cũng khuỳnh
tay ngang mặt. Cái khăn lụa màu hoa đào mọi khi phủ hòm sắc, thì ông trân trọng
phủ lên đầu ông. Nó bay phấp phới. Trong bộ mặt và dáng đi cố làm cho ngay ngắn
của ông, người ta thấy ông hãnh diện lạ thường. Theo sau ông, các cụ thứ chắp
tay nghiêm chỉnh đi chen nhau.
Bát hương và hòm sắc xuống một bậc, thì hai
chiếc lọng giương sẵn đã ngả ra đón. Liễu theo kiểng đặt bát hương vào giữa kiệu.
Rồi kiệu khênh cao đầu, để lên vai mọi người và bắt đầu từ từ theo chiêng trống
mà tiến. Trung nâng cao hòm sắc, đội lên đầu, hai tay giang ra để giữ. Ông có
nét mặt oai vệ. Đầu ông đội cả phẩm tước Ngài của vua ban kia mà. Ông đi từng
bước, thong thả, mắt liếc bên nọ, bên kia. Rồi đám rước ra đến đường, ông vẫn đội
hòm sắc, lên ngồi trên xe cao su. Người phu xe, ông bắt đội khăn, mặc áo thâm
dài, buộc thắt lưng đỏ và quấn xà cạp đỏ.
Từ miếu về đình, đám rước đi mất hai mươi
phút. Dưới ánh nắng chói lọi của mặt trời, trên trán mọi người đã rỏ từng giọt
mồ hôi.
Lúc bấy giờ, Trung chỉ nghĩ đến sự nghi vệ
của cờ, kiệu, trống, chiêng. Thấy hai bên đường, người ta đứng rạp để nhìn và
chắp tay suỵt soạt vái hòm sắc, ông sung sướng vô hạn.
Nhưng Liễu thì hết sức khó chịu. Ông rất
cáu tiết vì tính khệnh khạng của thằng cha. Mọi năm ông Tú rước sắc thì đâu có
nhố nhăng như thế này. Ông Tú đi bộ chứ có đi xe đâu, mà chẳng bao giờ ông đội
cả hòm sắc lẫn khăn đỏ lên đầu. Thật là tiểu nhân đắc chí.
Liễu chỉ mong bánh xe sì bơm cho bên địch
phải một phen bẽ mặt.
Nhưng cuộc rước được bình yên. Trống cái và
trống con đổ hồi. Tràng pháo nổ lẹt đẹt. Kiệu bát cống đặt giữa sân đình, cạnh
thềm đá, Liễu lại vào việc.
Phường bát âm đi bài lưu thủy, Liễu nâng
bát hương, tiến bước trên bậc thềm. Biết rằng Trung đi theo mình, nên ông tiến
rất nhanh chóng. Hình như ông muốn rút ngay cái gai trước mắt đi vậy.
Đặt bát hương và hòm sắc lên bàn thờ, Trung
và Liễu cùng ra, rồi cùng đứng ngang nhau, trên chiếc chiếu trắng, lạy tạ bốn lạy,
rồi sang bực bên cạnh, ngồi nghỉ một lát để chờ tế.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét