Cái Thủ Lợn
Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945
6
Tiếng xướng “khởi chinh cổ” ề a, tiếng
chiêng và bát âm nổi dậy.
Trung đứng chắp tay cạnh chiếu thứ nhất,
nét mặt nghiêm chỉnh.
- Tựu... vị... ị!
Theo tiếng xướng, mọi người thong thả, thứ
bậc đứng vào chiếu.
Đàn bà, trẻ con vây xung quanh để xem. Họ
chú ý quá, đến nỗi các điệu bộ chân tay đều theo nhịp bát âm cả.
Người ta thì thào:
- Ông mệnh bái mọi năm lễ chiếu hoa. Ông mệnh
bái năm nay lễ chiếu trắng.
Người nữa nói:
- Trông ông ấy mũ áo, chẳng biết Người có
buồn cười không, chứ tớ thì cứ phải cắn môi lại.
Lại người nữa nói:
- Ông ấy đường bệ chả kém gì cụ Tú mọi năm.
Họ còn bình phẩm từng nhân vật một, nhưng đại
khái ai cũng chỉ trỏ ông chủ tế nhiều nhất. Vì mới năm nay, Trung đứng mệnh bái
là lần đầu.
Để tai nghe những lời phê bình, nhất là
Trung và Liễu. Bị chế nhạo, Trung như thấy bị chất lên đầu một gánh nặng. Ông bẽ
bàng xấu hổ. Nhưng bỗng câu khen đến tai ông, ông lại như cởi tấm lòng, nhẹ bỗng.
Liễu thì trái lại. Cho nên cả hai người, không ai được yên tâm chút nào.
Liễu vào chân đọc chúc. Ông đứng chờ cạnh
đăng bày rượu tiến tước. Ông ngắm ông chủ tế bằng cả đôi mắt hằn học và cả một
tấm lòng đố kỵ.
Thấy Trung vô ý đứng không được vào giữa
chiếu, ông che miệng ghé gần ông tây xướng:
- Thật là anh mán.
Rồi khi thấy Trung lễ dậy giẫm lên vạt áo
thụng vướng suýt ngã, Liễu bèn hai mắt long lên, tưởng chủ tế ngã, thì quyết ngả
vạ.
Trông bộ mặt đáng ghét đắc chí của Trung,
Liễu bỗng nẩy ra một ý nghĩ. Không thể để mãi sự nhố nhăng, lố bịch, có cái địa
vị chướng mắt được. Ông phải bài trừ. Ông phải nhận trách nhiệm bài trừ. Ông phải
ra tay bài trừ. Và trong giây phút, cả chương trình hành động vụt nẩy ra trong
óc.
Bỗng ông nhăn nhó, cố gò lưng xuống để đứng
khom khom. Rồi hai tay ông ôm bụng, xoa rối rít. Trương Đài đứng cạnh, hỏi:
- Làm sao thế, ông ký?
Liễu cắn răng, mãi mới đáp được:
- Tôi đau bụng quá. Ông hỏi ai có dầu cho
tôi xin.
Rồi gượng một lát, ông lạng lạng, một tay
ôm chặt lấy chân án thư, một tay vớ lấy vai Đài, nhưng yếu sức, ông ngã nhè nhẹ
xuống sân gạch.
Mọi người sợ hãi, xúm lại. Chủ tế, bồi tế,
đông xướng, tây xướng, tuy không dám rời chỗ đứng. Nhưng ai cũng quên phút
thành kính mà quay lại nhìn bệnh nhân.
- Tôi đau quá, giời ơi!
Rồi Liễu rên rỉ. Người ta vực ông dậy,
nhưng ông oằn oài, chân tay rung nẩy lên.
- Các ông cho tôi nằm, kẻo đau lắm chết mất.
Tiếng xì xào mọi nơi:
- Hẳn là ông ký không thành kính, đến chậm
trễ nên Ngài hành tội.
- Hay là Ngài không bằng lòng ông lý đứng mệnh
bái.
Mặc những lời bàn tán, Liễu cứ kêu đau, vì
ông có mục đích khác, ông nằn nì:
- Các ông cho vực tôi về nhà, không tôi chết
mất, rồi tôi lễ tạ sau cũng được.
Thấy người đau đớn kịch liệt, ai cũng
thương hại, nên phải theo lời yêu cầu. Song Quang ngăn:
- Không thể được. Trong khi tế, ông ký hãy
phải ở đây.
Liễu thở phì phò, như bất tỉnh, và quằn quại.
Sau hết, người ta phải khênh ông vào giải vũ, đặt ông ngồi tựa vào tường và cắt
khán Thủ trông nom.
Từ lúc Liễu bắt đầu nổi bệnh đến bây giờ, sự
tế lễ vẫn không ngừng.
Tiến tước xong tuần rượu sau, ông đông xướng
khuỳnh tay, hô:
- Đọc chúc... ư!
Bỗng ai nấy sực nhớ ra. Người ta ngơ ngác
nhìn nhau, rồi quay cả lại giải vũ: Việc đọc văn là việc ông thư ký.
Nhưng Liễu vẫn đang đau, có phần kịch liệt
hơn ban nãy. Ông lăn lộn trên bục gạch, mê man nằm cả ra ngoài chiếu.
Thế thì làm thế nào? Ông thư ký thông thạo
chữ nho, lại có giọng tốt, bao nhiêu năm nay vẫn giữ việc đọc chúc. Bây giờ bỗng
ông phải nằm một xó. Nguy đấy. Ông mệnh bái nhìn ông thủ quỹ, rồi che tay lên
miệng:
- Ông phủng chúc hộ.
Quang ngần ngừ, nhưng không thể từ chối việc
không có gì là nặng nhọc. Quang sắp lại tay áo thụng, và kính cẩn lên mấy bậc
thềm. Đến tiền án, ông giơ tay cho áo tụt xuống khỏi vướng, đoạn lùa qua cây
đèn nến và giá gương để nắm lấy bản chúc. Nhưng vì không quen việc, nên ông
lúng túng. Ông không biết đưa cái giá lềnh kềnh ấy ra đằng nào cho lọt. Mọi bận
ông không để ý đến công việc này mà Liễu làm rất thành thạo. Bao nhiêu mắt trố
lên nhìn để chờ, thì may quá, Túy đã nhanh trí, đi rảo đến cạnh, nhấc cây nến
ra để lấy chỗ cho ông nâng bản chúc.
Quang đỏ mặt, tiến tước xuống thềm, đến chiếu
chủ tế, ông đứng cạnh Trung và đưa.
Song, công việc ông chưa hết. Ông mệnh bái
nói khẽ:
- Ông đọc chúc hộ.
Quang chối:
- Tôi đọc thế nào được.
Và ông đông xướng xướng luôn:
- Quỵ... i!
Chủ tế không đáp, thong thả quỳ xuống chiếu.
- Giai quỵ... i!
Thấy mọi người quỳ, bất đắc dĩ Quang cũng
phải theo. Ông đưa ông mệnh bái bản chúc và toan đứng dậy.
Biết Quang định chuồn, Trung vừa vái vừa
nói nhỏ:
- Ông ở đây.
Rồi vội vàng ông đưa trả Quang. Thế là
Trung buộc chết Quang vào một công việc nguy hiểm.
Nhưng bất đồ Quang không cầm:
- Ông đọc, tôi giọng xấu lại không đủ chữ.
- Tôi đứng mệnh bái, không đọc được.
Tất cả các chấp sự đều nghe rõ và hiểu cả sự
lúng túng này. Ông đông xướng nhìn quanh để tìm một người rồi gọi:
- Ông phó Thiếp vào văn đi vậy.
Thiếp xua tay, lè lưỡi, lắc đầu và tìm hướng
lánh mặt.
Đám Nhã Nhắc ông đông xướng:
- Hay ông vào.
- Tôi vào thế nào được.
Sự yên lặng trở nên nghiêm trọng. Chùng
chình một lát, ông mệnh bái nói:
- Thử xem ông ký Liễu thế nào, nếu ông ấy
đã đỡ thì mời ông ấy vào việc vậy.
Thế là không ai sai, nhưng Quang được dịp
nghe lời ngay. Ông đặt chúc xuống chiếu, đứng dậy liền như người thoát nạn. Ông
chạy sang giải vũ và khi thấy Liễu còn đau xoắn xuýt, ông chỉ đứng đấy để đưa
tin lên:
- Ông ấy không thể ngồi dậy được.
Sự bối rối trở về với Trung. Không thể đùn
cho ai được, ông phải nâng lấy giá chúc. Và cố nhiên ông đành liều. Ông nhìn tờ
giấy chữ nho từ đầu đến cuối, rồi gật đầu gọi ông đông xướng. Ông hỏi những chữ
khó và nhẩm cho thuộc lòng. Muốn cẩn thận hơn ông ôn lại một lượt nữa.
Đoạn, khi yên chí rằng ông chủ tế đã đủ sức
để đọc văn, ông đông xướng xướng “đọc chúc”. Trung đằng hắng mấy tiếng, giơ bản
gỗ sơn son lên ngang mặt. Cả tay lẫn giọng ông run như cầy sấy.
Cạnh đó, Liễu đã khỏe mạnh như thường, đứng
lắng tai nghe từ bao giờ.
Kết cục, Trung làm cho làng không thể tha
thứ mà không bắt vạ được. Một là những chữ ông thuộc thì lại là “tác” đánh ra
“tộ”, hoặc là chữ dưới đọc lên chữ trên. Hai là đến duệ hiệu của Ngài, ông dám
đọc to tướng và không vái. Trung cố cãi, nhất định cãi, lấy lý rằng không phải
việc ông, nhưng ai nghe. Liễu trợn mắt khép án hùng hồn nhất:
- Đứng mệnh bái, ông phải biết chữ mới được
chứ. Thế ngộ người đọc văn cũng vô học như ông, họ đọc bứa bừa đi, thì có chết
không. Mà Ngài đã hành tội thì hành tội cả làng, cả làng sẽ bị khổ sở, chứ
riêng gì ông. Tôi xin các cụ phải thẳng tay mới được.
Trung căm tức, nhưng không cãi nổi, vì cả
làng về một bè. Cả làng về một bè, vì cả làng sẽ được chén. Ông lại xấu hổ nữa,
vì bị ngả vạ vì tội dốt, dù cái dốt ấy chẳng ai lạ gì. Song, lần này nó thành
tích và gây nên dư luận. Ông chết điếng.
Nhưng thực sự, mấy con lợn béo sẽ chết thay
cho ông, vì ông phải mổ nó để tạ thần và tạ làng. Liễu đắc chí, nói chọc:
- Chỉ những loài vô học như loài lợn là thiệt
thân mà thôi, vì chúng nó phải thế mạng cho chủ.
Rồi một lát, ông thêm:
- Loài vô học nọ chết thay cho loài vô học
kia cũng thế.
Nói được câu sâu sắc, ông hả dạ cười khanh
khách. Và trong khi đánh chén ở đình, ông dở đùa dở thật bảo Trung:
- Thế mà bố còn định ăn tiên chỉ để bố giết
hại cả làng nữa kia!
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét