Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2023

Cái Thủ Lợn - Ch 3

Cái Thủ Lợn

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945

3

Sáng hôm sau, mặt trời đỏ như miếng sắt nung, lại tung ra những tia lửa chói lọi. Đám ma ông Tú cử hành ngay từ sáu giờ để tránh nắng.
Bọn con cháu người khuất, vì phải phục dịch vần vật mấy hôm đằng đẵng, hoặc làm cỗ, hoặc làm lễ hay tiếp khách, nên đều mệt nhoài. Họ theo sau cữu một cách uể oải. Chỉ bọn đàn bà là phải cố khóc lóc to tiếng cho làng nước khỏi bàn tán. Người đi đưa ông Tú cũng khá đông, ai nấy nóng bức khó chịu. Họ theo sau đám ma, nhưng nghĩ rất ít đến người chết. Nhân dịp gặp họ, họ nói đủ các thứ chuyện về chính trị, xã hội, kinh tế và văn chương. Và tất cả giá trị độ xu rưỡi.
Được một lát các diễn giả quay hẳn về một vấn đề.
Tư Bỉnh hỏi thầm phó hội Bút:
- Thế nào, chiều hôm qua ông cũng ở trong cụ Tú đấy chứ? Tôi nghe nói ông ký Liễu vờ vật mình vật mẩy khóc kháy ông lý Trung thế nào kia mà?
Bút nhổ cốt trầu, gật đầu:
- Ông ta khóc thật chứ, chứ bỗng không ai khóc được.
Sính cãi:
- Thế lại không là khóc kháy khóc sỏ. Các ông phải biết, cụ Tú mất đi, ông ký Liễu như người mất đầu. Còn cụ, ông ta còn kiếm ăn được, chứ từ nay ai che chở cho ông ta.
Tiếu vốn công bằng nói:
- Cụ bảo thế không đúng... Ông ký Liễu có phải như người khác ra làm việc làng để kiếm ăn đâu. Làng này trừ ông lý ra, còn ai giàu được bằng ông Liễu. Chính cụ Tú thường vẫn hay vay mượn bà ký. Tôi cho là ông ta sợ ông lý lên ăn tiên chỉ thì không xứng đáng, nên mới thốt ra tiếng khóc ấy.
Thủ Quang lắc đầu:
- Không đúng. Đã làm việc làng, ai không ăn uống chẳng nhiều thì ít. Có phải vì túng mới ăn đâu. Ăn cho khỏi mang tiếng là ngù ngờ, ăn để được lòng người cộng sự.
Cả Thiêm lắc đầu, trỏ tay về mé Liễu:
- Tôi thì tôi không tin như thế. Các ông xem ở vùng này, cụ Tú có đến mấy trăm học trò, mà hôm nay chỉ duy có ông Liễu là khăn trắng, áo trắng, thì đủ hiểu ông ta đối với cụ thân mật nhường nào. Cho nên thấy chức tiên chỉ quyết về tay ông lý, ông ta thương nhớ cụ Tú, nghĩa là thương làng có một ông tiên chỉ dốt nát.
Ba Xích đáp:
- Phải, ông nói chí phải. Tôi cũng không bằng lòng cho ông lý ăn tiên chỉ. Tiên chỉ phải là bậc có danh vọng, nếu không có bậc danh vọng, thà làng không có tiên chỉ còn hơn.
- Và cái thủ lợn làng biếu, quý giá lắm chứ! Ông có thể bỏ tiền ra mua mười cái cho cả nhà ông ăn một lúc, mặc ông; nhưng nếu ông không có danh vọng, thì không khi nào ông được chức tiên chỉ để hòng lấy thủ lợn biếu của làng.
Bút gật đầu cho là có lý:
- Mấy lại như thế nhục làng lắm. Ông thử nghĩ mà xem, mọi năm vào đám, còn ông Tú thì làng còn trông thấy ông tiên chỉ đội mũ, mặc áo cân đai bối tử đường bệ biết bao nhiêu. Nay nếu làng có một ông tiên chỉ to lớn cục súc, đứng mệnh bái thì trông nó gớm lắm.
- Ấy thế mà tên lại đứng đầu văn tế, phỏng còn giời đất nào!
Xích biểu đồng tình:
- Khoa mục làng ta đến cụ Tú là hết, mà học mới chẳng có ai, thì tôi tưởng chức tiên chỉ làng, nên lấy xuống đến chân nhất nhị trường mới phải.
Bút sung sướng cười ha hả, vỗ vai Xích, khen:
- Tri kỷ lắm. Ông nói chí phải. Ông ký Liễu tiên chỉ mới xứng đáng.
Thủ Quang cau mặt cãi:
- Không được, các ông thiên lắm, hãy hỏi một người làm lý trưởng, một người làm thư ký, ai hơn ai?
Thiêm hùng hổ hỏi lại:
- Nhưng có một người có chân nhị trường, một người chưa thuộc quốc ngữ, còn chữ ta đặc cán táu thì ai hơn ai?
Bút chêm vào:
- Dễ ông thủ quỹ không nghĩ đến rằng người thư ký ấy chẳng có thể ra làm chánh hội hẳn. Chánh hội kém gì lý trưởng.
Sính vuốt râu bạc, tức:
- Chánh hội gì hạng nhãi ranh ấy.
Xích trừng mắt:
- Ông nói thế cũng thiên.
Bỗng tiếng trống cái đổ hồi, làm tắt câu chuyện đương nồng nàn. Mọi người nhìn ra, phu đòn đã đang hạ từ từ cữu xuống mặt ruộng, để bắt tay vào khiêng quan tài chuyển vào huyệt.
Tiếng kèn rền rĩ, đưa theo gió một giọng não nùng. Con cháu và họ hàng người khuất cảm động nỗi sắp vĩnh quyết, đều gào khóc, hoặc sụt sịt lau đôi mắt đỏ hoe. Ông già Sính như còn hậm hực câu nói của Xích, nên yên một lát, bỗng lại nói:
- Tôi không thiên, tôi chỉ theo lý.
Thế là câu chuyện lại được nói tiếp. Chẳng ai để ý đến hạ huyệt. Bút đáp:
- Hãy hỏi, nếu lần này ông Liễu làm được chánh hội, thì ai đáng ăn tiên chỉ hơn.
- Nhưng ông Trung làm lý trưởng đã lâu năm.
Cụ Bính giảng:
- Cụ phải biết, chức chánh hội to lắm. Có làng, ông tổng đốc về hưu trí còn ra làm chánh hội, quan phụ mẫu sợ xanh mắt.
Bút tiếp:
- Chứ ông tổng đốc hưu trí quyết không đời nào lại làm lý trưởng.
Xích cười nhạo:
- Để chịu cái vạ đầu chầy đít thớt.
Tiếng khóc ran dậy lên ở góc cánh đồng. Người ta thấy Liễu đứng dạng hai chân bên thành huyệt, rồi cúi xuống, đặt chiếc địa bàn vào giữa quan tài. Một lát, mai đất thứ nhất bắt đầu ném xuống.
Mặt trời đã cao. Ánh nắng làm đẫm các lưng áo. Không có một tí gió, dù ở giữa cánh đồng thông thoáng.
Thấy Liễu đã xong việc ở mộ, Bút vẫy lại, rồi nói với Bính:
- Đấy, ông nhìn, trông dáng đi bệ vệ có kém gì khoa mục.
- Mấy vị tiên chỉ dòng dõi anh hàng bánh đúc thì làng ai nghe. Đằng này ít ra cũng là con ông Khóa.
Quang bênh Trung
- Con nhà bán bánh đúc, nhưng cũng làm lý trưởng, giàu ba bốn mươi mẫu ruộng.
- Ông Liễu kém quái gì. Bây giờ ông ta còn làm thư ký, thì chức tiên chỉ chỉ còn có người bảo vào tay người nọ, người kia, chứ đến ngày ông ấy ra làm chánh hội, thì chẳng phải bàn tán nữa.
Sính hất hàm:
- Ai bầu cho ông ấy làm chánh hội mới được chứ?
Ba bốn người nhâu nhâu:
- Tôi bầu, tôi bầu.
Xã Túy từ nãy chỉ đứng nghe, bấy giờ mới bĩu môi:
- Các ông bầu, ông Liễu đã chắc chưa? Các ông tưởng cứ có tiền thì có phiếu hẳn. Có tiền lạy người ta, chắc người ta bầu cho à.
- Đấy, rồi các ông xem.
- Ông Liễu có làm chánh hội cũng không ăn nổi tiên chỉ làng này. Là tôi phá. Không có, thì lên đến quan, chứ chúng tôi không chịu.
- Các ông lên quan, dễ đằng này lép.
Cuộc cãi vã bắt đầu kịch liệt, thì bỗng hồi kèn rên rỉ nổi lên, linh xa đã đặt lên vai người khênh.
Lý Trung về từ bao giờ. Ký Liễu cũng vừa vái trước mộ xong, ông giương ô, đứng ở gò cao, trông cho đám rước được nghiêm chỉnh. Người đưa đám, mỗi người về một đường.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét