Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

Cái Thủ Lợn - Ch 18

Cái Thủ Lợn

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945

18

Hôm ấy là ngày thi sơ học yếu lược ở trường huyện. Mới từ sáu giờ sáng, các sĩ tử tí nhau, từ lên chín trở lên, đã bị nhốt vào các lớp cho đến gần mười hai giờ trưa.
Sáu mươi cái cũi, sáu mươi cái lưng đẫm mồ hôi, hòa thêm vào khí trời oi bức cho trong buồng chật hẹp thêm nồng nặc. Các trò ngồi chen chúc nhau, không cựa được và thực nghiêm, ai cũng khoanh tay lại, có vẻ chờ đợi. Họ đợi đầu bài xem họ có bị thất học ngay từ thời kỳ nứt mắt trong đời học sinh hay không.
Trong bọn sĩ tử ngồi ở hành lang bên trái trước đình, đeo cái mỹ hiệu là buồng thứ năm, để chịu cả ánh nắng gay gắt của mặt trời buổi sáng, có nhô lên một cái đầu có búi tóc và có râu ria hẳn hoi. Đó là một thí sinh già, đã đến năm mươi tuổi, có thể là ông nội của trò ngồi bên. Thí sinh già gài gọng kính vào mang tai, rút cái bút cắm ở khăn, run rẩy chấm mực, xoe ngòi vào cổ lọ.
Hai giám khảo, mặc quần áo tây, đầu chải bóng mượt đi đi, lại lại, len lỏi vào các hàng ghế, cúi lưng xuống nhìn từng tờ giấy thi và nhắc:
- Kìa quên số hiệu, đề vào.
Bỗng thí sinh già đứng dậy, nói to:
- Bẩm thưa quan, quan làm ơn đề cho con.
Cả lớp ồ lên cười. Giám khảo nhếch mép, hỏi:
- Tôi vừa giảng, cụ quên rồi à?
Thí sinh cười, gãi tai:
- Bẩm quan nói nhanh quá, con nghe không kịp.
Giám khảo đến gần, trỏ vào từng chỗ trong tờ giấy hỏi:
- Tên là gì?
Thí sinh nhanh nhẩu đáp: bẩm là lý Trung.
- Họ Lý à?
- Bẩm không, họ Nguyễn, nhưng làm lý trưởng.
Lại một hồi cười ồ:
- Thế thì Nguyễn Trung chứ? Có chữ đệm không?
- Bẩm có, chữ Bá.
Giám khảo giơ hai tay lên trời, há mồm thất vọng:
- Thế thì viết Nguyễn Bá Trung vào, cụ phải viết lấy, đi thi lại không viết nổi quốc ngữ à?
Thí sinh cười ngây ngô, tặc lưỡi nói:
- Bẩm quan, chả thầy giáo huyện cứ bảo con đi thi để lấy bằng, rồi xin cái bá hộ sang văn giai cho dễ mà.
Lại một trận cười làm mất thì giờ. Trẻ con nhô cả lên nhìn.
Thí sinh lấy mực, gãi ngòi vào khăn, rồi đặt bút lên trên giấy. Nhưng một cục mực theo ngòi bút chảy xuống. Thí sinh xuýt xoa, lấy vạt áo toan chùi, thì giám khảo gắt:
- Có giấy thấm không?
- À quên, bẩm có.
Rồi rất tự nhiên, Trung nói rất to như ở nhà:
- Tôi, à quên, con có viết cái này bao giờ đâu. Ngày trước ra làm lý trưởng, thì được quan trên không bắt sát hạch kỹ.
- Thôi, đề mau lên, hết giờ rồi.
Trung loay hoay đầu ngòi bút, run rẩy đặt xuống gần mặt giấy. Nhưng sự làm cố sức bao giờ cũng làm cho mệt, bởi vậy, mồ hôi mắt làm mờ kính, cho nên vì nhìn không rõ, chưa đặt sát ngòi vào mặt giấy, Trung đã viết. Thấy chữ lờ mờ, giám khảo cau mặt:
- Ấn ngòi bút xuống.
Thấy trẻ con trổ cả lại xem để cười, hai giám khảo vội vàng vỗ tay, xuỵt và đuổi về chỗ.
Cũng may có Trung nên cả lớp được một trò giải trí. Các thí sinh quên lo.
Bỗng có một giám khảo khác ở hiên, ngó cổ vào buồng, gọi hai giám khảo trong lớp ra, trỏ vào Trung và thì thầm. Rồi cả ba người cùng cười, gật gật. Một lát, ba người cùng đến chỗ Trung. Trung thấy tối, cau mặt toan gắt. Nhưng vừa ngẩng đầu lên, đã vội vàng đứng dậy, chắp tay chào và gãi tai, nhếch mép cười. Bởi vì Trung đã gặp người quen. Người quen ấy là ông thư ký dinh Kiểm học.
Trung nói với ông thư ký:
- Bẩm quan, nhờ quan nói hộ với hai quan cho.
Ông thư ký nháy mắt, rồi ra. Trung ngồi xuống ì ạch đề nốt ba chữ tên, sau khi dập xóa đến ba lượt. Thật là một công phu vĩ đại.
Các giám khảo phải kiên nhẫn chỉ bảo, Trung mới viết xong, chỗ khoảng trên tờ giấy thi. Rồi thở dài sung sướng, ông ngồi ngắm tứ phía.
Bỗng một giám khảo ghé tai Trung hỏi khẽ:
- Khấn ông ấy bao nhiêu?
Trung đáp thầm:
- Bẩm ngũ thập.
Hai giám khảo nhìn nhau:
- Thế mà nó chỉ cho mình ăn “đít”. Chốc ta phải móc cho mỗi đứa thêm “đít” nữa mà chén mới được.
Các bài thi lần lượt ra, ám tả, luận, tính đố và câu hỏi, mỗi bài chỉ trong bốn mươi nhăm phút. Bởi phải bận về Trung, nên cả hai giám khảo đều không coi học trò. Một giám khảo đứng cạnh cửa lớp, để đằng hắng khi có người trên qua, còn một giám khảo thì lấy tờ giấy làm bài nháp.
Nhưng chả bài nào Trung chép được kịp. Ông đánh vần được chữ ở bản nháp cũng đã là một công trình lớn lao rồi. Mà việc viết ra giấy, mới lại là sự gắng sức phi thường nữa. Bởi vậy, bài nào ông cũng bỏ dở nửa dưới. Song, được cái đoạn nào đã viết vào giấy, nếu không sai vần, thì thật hoàn toàn.
Gặp hai đầu bài tính vừa dài vừa khó, các thí sinh phải chép hơn mười phút mới xong, thì Trung được giám khảo xui bỏ đầu bài, để thì giờ mà viết lời giải. Bởi vậy Trung chép kịp một cái tính rưỡi, trong khi cả lớp ngồi cắn bút nghĩ không ra.
Khi hết giờ làm câu hỏi, Trung thở mạnh một cái, và sờ khăn áo, thì ra nó ướt đẫm những mồ hôi. Vì không thi bài chữ Tây nên Trung được quan trường cho ra về. Trung bỏ khăn ra, vuốt tóc, lấy giấy thấm để quạt một lát, rồi đứng dậy, hỏi:
- Bẩm các quan, liệu bài vở con thế nào ạ?
Một ông gật đầu:
- Được, chốc về nhà trọ tôi bảo nhé.
- Dạ, trăm sự nhờ các quan cả, con đã nhờ quan giáo phán nói hộ. Nếu con không được cải sang văn giai, thì ở làng nhiều cái tức lắm.
- Được rồi, thôi, cụ đi về.
Trung gài lại khuy áo, chụp lại khăn, rồi lách ghế đi ra.
Bỗng thí sinh bên cạnh gọi to:
- Này cụ, quên bút mực giấy à?
Trung quay lại, nhếch mép, gật gật đầu đáp:
- Thôi, tôi đãi cậu đấy.
Trung lại được tiễn bằng trận cười.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét