Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Cái Thủ Lợn - Ch 10

Cái Thủ Lợn

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945

10

Buộc ngựa ở cây găng, Trung bấm đèn pin rẽ về phía trại lệ. Ông có thể vào tuột nhà tư để hầu quan như mọi bận, khi có việc cần và kín. Nhưng lần này, ông cần hỏi dò đội lệ, xem ý quan về việc chánh hội làng ông ra làm sao. Bởi vì cứ những tin ông lượm được, thì quan ưng cho ký Liễu.
Nhưng chẳng may đội lệ đi vắng. Trung vòng sân nhà tư, xuống bếp để nhờ người lính nhà chè vào bẩm cho. Ông phải giữ gìn thế, vì ông biết quan phụ mẫu nghiện hút và muốn giấu rất kín.
Trung chờ độ mươi phút, thì được vào buồng trong.
Ông ngửi thấy mùi khói thuốc phiện vẫn còn thơm lừng, và trông thấy đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ của quan đen thủi.
Sau khi mở đầu bằng những câu tha thiết để gợi tình cảm quan phủ mẫu, Trung mới vào đến việc chính. Rồi khi thấy quan cứ lẳng lặng nghe ông mới dám thưa:
- Bẩm lạy quan lớn, cho nên con phải dàn xếp để tên Túy ra, vì tên Liễu, tiếng rằng có chữ nghĩa thực nhưng lạy quan lớn...
Trung im lặng để nghĩ tội Liễu, xong vì trí khôn không nhanh nhẹn, nên bất đắc dĩ phải nói:
- Nhưng bẩm sao bằng được tên Túy.
Quan cau mặt:
- Sao lại không bằng? Đây tôi nói thực, nghĩa là làng thầy bầu ai thì bầu. Bầu được người giỏi thì hay cho làng, bầu phải người dở thì làng phải chịu. Chứ hay dở, tôi đây mặc kệ. Nhưng thầy phải biết rằng người nào đến nhờ tôi, ắt rằng tôi bênh.
Trung gãi tai:
- Lạy quan lớn, quan lớn là cha mẹ cả dân. Đã muốn ra làm việc, ai khỏi được tay quan lớn tác thành. Nhưng phải cái tên Túy chậm chạp rút rát quá, con giục mấy lần đem đầu vào kêu quan lớn rồi hãy đầu đơn, thế mà nó cứ sợ không dám vào.
Quan bĩu môi:
- Mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Cả nước An Nam này còn ai lạ gì đứa nào có tiền, vào cửa quan lúc nào không lọt. Nhưng tôi bảo cho thầy biết, thầy đừng giấu tôi nữa. Thầy làm thầy cho tên Túy. Thầy lo trên tỉnh, thầy muốn vượt cả tôi. Để tôi cho thầy hiểu đâu là mạnh.
Trung tái mặt:
- Lạy quan lớn, đó là quan lớn nghe người ta kêu man. Chắc là tên Liễu thù tên Túy, nên mới đặt điều ra thế, chứ xưa nay, con là thần tử quan lớn, lẽ nào con dám thế.
Quan gắt:
- Thầy đừng chối. Và giờ cả cái hồn thầy. Rồi xong việc bầu chánh hội, thầy sẽ biết tay tôi. Tôi bảo trước cho mà liệu.
Trung run lên:
- Lạy quan lớn xét tình cho chúng con oan. Nếu con có bụng nào, con xin quan lớn cứ chém cổ con đi.
Quan cười khỉnh. Trung tiếp:
- Bẩm ngày đầu năm việc hàng huyện hỗn với quan lớn, chúng con có dám ký vào đơn đâu.
Tức khắc quan dịu ngay nét mặt. Ông nhớ ngay cái việc ghê gớm mà chánh, phó tổng, lý trưởng trong hạt kiện ông. Ông ôn tồn, nói:
- Tôi cũng biết bụng thầy, nhưng tôi đã hứa với thằng Liễu rồi.
Trung bần thần, cúi mặt xuống, rồi sẽ gần lại bàn nói nhỏ. Mỗi khi Trung dứt câu, quan lại gật một cái rồi sau hết, ngài tươi tỉnh đáp:
- Ừ, thầy phải biết rằng tôi đã bênh ai, quyết nhiên người ấy phải được. Nếu không tôi làm quan làm gì. Gián hoặc có người tôi bênh mà hỏng, thì hãy hỏi cái thằng nó không lo cậy tôi có chắc được yên với tôi không. Ngày tôi tri huyện Yên Mỹ cũng thế, có việc tranh nhau lý trưởng. Thằng Tô cậy thế cụ Tuần, khấu đầu năm trăm. Tôi bảo nó chỉ khấu tôi ba trăm tôi sẽ xin cho thôi bổ, và cấm không cho ai tranh nữa. Nhưng nó đâu có họ hàng xa gần gì với Nghị Lại nên bị thằng Nghị xui dại, nhất định cứ lo trên tỉnh. Tôi biết vậy, xui người ra tranh, ra tranh cho thằng Tô tốn kém mà thôi, chứ tôi chắc rằng thằng Nghị không dám để thằng Tô thua vì sợ mất tiếng. Rồi hai bên tranh nhau kịch liệt quá, đến nỗi cụ Tuần phải viết riêng cho tôi cái giấy, nhờ tôi thu xếp cho yên chuyện để thằng Tô ra. Tôi biết thằng này đã nát ruột lắm, và hình như nó có lễ thêm cụ tuần hai trăm nữa thì phải. Vì có chữ cụ Tuần nên tôi phải tuân. Rồi thằng Tô được làm lý trưởng, nó tạ tôi hai chục. Thầy bảo tôi lấy cái hai chục ấy làm thèm vào à? Tôi để cho thằng Tô làm vừa nửa tháng mới xoay cho một vố. Tôi trị cho trong một tháng, hết việc nọ đến việc kia, cụ Tuần cũng chẳng bênh nổi. Nó phải nhờ người nói mãi và tướn bạc đến van lạy xin tôi lấy. Thôi, lúc ấy tôi tha hồ. Tôi móc cho đủ bảy trăm, ngang với số nó lo cụ Tuần. Đấy, chả tin, bây giờ thầy về Hưng Yên hỏi xem, việc ấy hiện nay người ta vẫn còn nói cả, mà ai cũng phải phục tôi là cứng.
Trung chắp tay đáp:
- Dạ.
Ông huyện sung sướng, nói thêm:
- Mà làm quan không cứng, có phải người dưới nó nhờn không?
Trung gãi tai:
- Lạy quan lớn, còn như tên Túy là nó hiền lành rút rát quá, chứ không phải dám hỗn xấc.
Quan gật đầu:
- Tôi hiểu.
Rồi ngài thân mật hỏi:
- Thế ngài mang lên bao nhiêu đấy?
- Bẩm cũng như tên Liễu đã khấn quan lớn.
- Ba trăm à?
Trung giật mình, không biết mình đã dò sai tin, hay quan lớn nói hơn lên một trăm:
- Bẩm quan lớn, con nghe nói tên Liễu khấn quan lớn hai trăm.
Quan cười, lắc đầu:
- Không, ba chứ sao lại hai. Chức chánh hội chứ cái gì mà rẻ được.
- Lạy quan lớn, thế đây con mới mang có hai, vì con tưởng chỉ có thế.
Quan giơ tay ra, nói:
- Được, hãy cứ đưa đây, cũng như thầy nhờ tôi giữ hộ. Rồi thầy đem nốt lên sau. Hai bên tôi cũng nể cả. Rồi hai người cùng làm được chánh hội.
Trung ngớ mặt, không hiểu, nhưng cũng phải đưa cái phong bì dày cho quan. Thấy lời hứa mập mờ, ông biết ngay là việc hỏng, và món tiền hai trăm không khéo thì mất tăm. Vốn ông rõ ông huyện lắm. Bất cứ tiền nào ngài cũng cầm. Được việc cho người ta thì ngài ăn, mà hỏng việc thì ngài bảo là giữ hộ để trừ vào việc sau. Ai không đòi thì mất, mà đòi lắm, ngài chơi cho một việc rồi hẹn gỡ cho. Thế là xí xóa món tiền. Xưa nay ai lạ gì lối lừa dối ấy và Trung cũng hiểu rằng thò tiền cho ngài trông thấy tất ngài cầm. Mà ngài cầm là mất. Trung đã thuộc cái đòn ấy, và đã hết sức giữ miếng. Nhưng không hiểu sao, ông còn mắc mưu mà phun rằng mình có hai trăm trong lưng.
Sau khi được vài câu hứa không lấy gì làm chắc chắn, Trung vái chào quan lui ra.
Ông căm hờn, lấy ngựa phi về.
Ông đắn đo, đành bỏ thêm trăm nữa để được việc, còn hơn mất toi món tiền.
Song, nếu có phải Liễu mới mất cho quan có hai trăm thực, thì là một điều may cho Trung. Ngài sẽ ngả về người có số ba trăm, và hai trăm của Liễu sẽ bị biệt tích. Với một trăm bạc nữa, Trung có thể vừa được việc, vừa cho Liễu một vố cay, thì tội gì không làm.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét