Cái Thủ Lợn
Tác giả:
Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI
xuất bản 1945
17
Té ra thằng Cáy chết về bệnh dịch tả.
Ngay sáng hôm sau, La, người tuần phải phục
dịch việc khám xét, bị một cơn đau bụng đi tả đến năm sáu bận, rồi chết.
Nhưng chưa ai ngờ là La bị lây. Người ta bảo
là thằng ăn xin thiêng, đã vật chết La, vì La dám cười, khi thấy nó lõa lồ.
Rồi hôm sau nữa, hai người hàng xóm La cũng
đau bụng, đi tả và qua đời một cách rất nhanh chóng. Nhưng người ta vẫn tìm cớ
thiêng liêng khác để lấy lý cho cái chết. Chứ không rõ ràng chính phủ diêm
vương cần tăng binh bị để giữ nền hòa bình. Đến mãi tận hôm thứ năm, thấy nhiều
người cùng chết về một bệnh, người ta mới hơi nghi, và trình lý trưởng. Song
Trung đang có việc lôi thôi trên huyện, cần thu xếp với quan, nên chưa dám
trình báo, sợ ngài gắt. Vả mới có năm đứa cùng đinh thiệt mạng, cần gì.
Đến tận hôm thứ mười, chính con gái Trung bị
lây, ông mới sợ cho người nhà. Ông vội vàng lên huyện trình quan, xin nhà
thương phái người về tiêm.
Về phần Trung, ông được dịp hút thuốc phiện
khỏe đẫy. Ông bảo để được ba cái lợi. Một là ông khuây khỏa nỗi thương con. Hai
là người hút thuốc phiện lúc nào bụng cũng nóng, không sợ trúng tả. Ba là trong
khi ngồi vén đùi nghiền sái, ông có thể nghiền ngẫm đến cách xoay làng.
Ông cho người gọi vợ La đến và dọa:
- Chồng mày chết về bệnh thiên thời, mà mày
chôn giấu không trình, bây giờ để di họa cho cả làng. Thế nào tao cũng không để
cho về đâu.
Người đàn bà rưng rưng nước mắt, lấy dải
khăn ngang chùi, rồi đáp:
- Thưa cụ Bá, cụ Bá thương cho, nhà con chết,
chẳng qua về số, chứ con có biết là bệnh gì mà trình.
- Tao không lý sự với mày, rồi mày lên mà
lý sự với quan.
Nghe nói đến tiếng quan, chị La run sợ, vì
chị cũng đã một đôi phen hiểu thế nào là ông quan rồi. Chị nói:
- Thôi thì, trăm sự con nhờ cụ bá cả, cụ bá
thương phận nào con nhờ phận nấy, chứ bản tâm con có muốn làm hại làng đâu. Mà
cũng chỉ tại quan sai nên nhà con mới lây thằng Cáy.
Trung vội gạt:
- Thế bao nhiêu người đứng gần đó, có ai việc
gì đâu. Chẳng qua chồng mày toét mồm ra cười nên nó mới vật chết, đến nỗi cả
con tao cũng chịu vạ lây.
La thật thà đáp:
- Cụ Bá thay mặt quan cai trị ở làng, thì
con sợ phép cụ Bá lắm. Nhưng con xin cắn rơm cắn cỏ lạy cụ Bá đừng trình quan,
con còn phải nuôi hai tấm con thơ.
Trung lắc đầu:
- “Việc quan anh cứ phép công anh làm”, tao
không biết.
- Thôi, giời sinh ra thế, cụ Bá ngơ đi, thế
nào con cũng xin biện chè lá tử tế.
Nói đoạn chị cởi dải yếm, đếm sáu mươi
chinh Khải Định để trên án thư nói:
- Đây, cũng là giời sinh ra thế, đây là tiền
mấy buổi con làm ở nhà ông phó Bút mới lĩnh về đây, con biếu cụ Bá.
Rồi chép miệng, chị nhìn đống tiền, lắc đầu:
- Thế là mấy buổi công không, không biết
mai lấy gì đong gạo cho cháu đây.
Trung vớ lấy cọc tiền, đếm từng chinh, rồi
nói:
- Đổi cho tao đồng này, chinh Gia Long tiêu
thế nào được.
Rồi ông tiếp:
- Tao cũng thương mày là chỗ đầy tớ cả.
Nhưng mai và ngày kia mày phải làm cho tao, vì việc này không đúng đồng bạc,
tao không nghe.
Người đàn bà ngu ngốc chùi rử mắt, đáp:
- Thôi, cụ Bá ạ, cụ Bá để cho con đi làm lấy
tiền nuôi cháu.
- Không được.
La thở dài đặt hai cánh tay lên đùi, rún đứng
dậy rồi vén cái vải che mắt lên để nhìn lối ra, rồi than:
- Khổ quá, mai phải làm cho cụ Bá thì con
chết đói.
Việc này chẳng bao lâu đến tai Liễu. Ông ta
tức lắm, gọi vợ La đến hỏi:
- Ông lý lấy của mày bao nhiêu?
- Thưa cụ chánh hội, cháu biếu cụ Bá cháu
ba hào, cụ ấy bắt cháu làm thêm hai buổi công không, vì cụ ấy bảo thế tức là đồng
bạc.
Liễu cáu:
- Thế còn tao, mày không biết là ai nữa?
La cười:
- Các cụ làm việc làng, cụ nào mà cháu chả
sợ.
- Thế sao mày chỉ chè lá cụ Bá nhà mày, còn
tao thì mày lờ đi?
- Nào cháu dám thế, nhưng cháu làm gì có tiền?
- Mày tưởng một mình cụ Bá nhà mày che chở
cho mày nổi hẳn. Làng cũng còn người nọ người kia chứ. Thế mày coi tao không bằng
lý trưởng à?
- Cháu cắn cỏ lạy cụ chánh hội, nào cháu
dám nghĩ thế.
Liễu hằn học nói:
- Mày phải biết rằng giá mày không có gì
cho cụ Bá nhà mày thì thôi, chỗ chúng bay như đầy tớ, tao không nói làm gì. Đằng
này mày chỉ biết cụ Bá nhà mày, thì ông đây không tha. Ra mày coi người chánh hội
không có tí giá trị gì thật.
La cau có:
- Các cụ làm việc làng cứ ganh nhau như thế
thì chỉ chết chúng cháu.
- Mặc kệ.
- Thành ra cháu mất tiền những hai lần kia
à.
- Mặc kệ, khôn hồn thì chè lá lý trưởng bao
nhiêu, mày cũng phải biện cho tao bấy nhiêu.
La khóc mếu:
- Khổ quá, có mỗi một chồng thì chồng lại
chết, để tai để vạ cho người ta thế này. Thôi, cụ chánh hội hãy cho thư thư ít
bữa, cháu kiếm đủ gạo cho các cháu, rồi cháu làm trừ dần. Chứ bây giờ bắt ngay
cháu có đồng bạc, thì cháu kiếm đâu ra được.
Cuộc ganh nhau giá trị ấy rồi thành lệ. Té
ra ở giữa, thằng dân đen phải một cổ hai tròng lớn, và còn biết bao tròng nhỏ nữa.
Chè lá ông này mà lờ ông kia, thì ông kia hành. Đút tiền ông kia mà không cho
ông này thì ông này dọa.
Bởi vì các ông ấy cho thế là mình thua kém
bên địch. Mà những việc đục khoét không phải thỉnh thoảng mới có. Trong nhà hơi
xảy ra việc gì ư? Một lát sau lý trường đã lò dò đi với khán thủ đến. Có người
mất gà chửi bới ầm ĩ ư? Tức thì chánh hội đã cho gọi mấy tên cùng đinh đến nhà
và muốn tránh tội, thì phải lòi tiền ra.
Họ ăn từ một hào trở đi, nhưng cũng có việc
họ móc nổi hàng chục. Họ thi nhau hà hiếp con em. Bất cứ ai, hễ có máu mặt và
lép vế, là họ kiếm chuyện. Ấy thế mà cả Trung lẫn Liễu, không ngày nào là không
dèm pha lẫn nhau. Bên nọ dìm bên kia là bá hộ dốt nát. Bên kia nói bên nọ là
chánh hội tiền: Họ rình nhau từng miếng một, để một ngày kia lại mang nhau đến
cửa công, để cùng bị quan phụ mẫu làm thịt.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét