Thứ Tư, 15 tháng 11, 2023

Cái Thủ Lợn - Ch 22

Cái Thủ Lợn

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945

22

Sau việc kiện nhau, Liễu và Trung như cũng bị mệt nhoài. Thật là những người đã chạy quá sức. Thỉnh thoảng nghĩ đến món tiền to lớn tự nhiên đội nón ra đi, Trung lại tiếc và bực mình lẩm bẩm:
- Rõ vô ích quá, vô cớ mình làm giầu cho kẻ khác.
Rồi ông đâm ra lẩn thẩn một dạo và nhất định mặc cho vợ con mè nheo, ông vác tĩnh về nhà, “trô” công nhiên mỗi ngày một đồng bạc. Ông bảo để giải buồn, chứ cứ ngồi hối hận mà tiếc tiền, thì buồn đến phát ốm mất.
Liễu cũng nhụt cả nhuệ khí, song còn được an ủi là đã không thua kiện. Tuy vậy, ông muốn từ nay sống hòa bình, bởi vì nghĩ đến ruộng nương bán chác, cái óc chiến tranh của ông làm ông e sợ chốn công môn. Bởi vậy cả hai người kiềng nhau, và do thế dân làng đỡ bị nhũng nhiễu.
Nhưng được tròn sáu tháng, thì bỗng ông chánh tổng già tạ thế. Các huynh thứ trong làng thấy lâu nay Liễu và Trung không mời đến chơi, hoặc rượu chè, hoặc hút sách, để nói xấu nhau, thì tưởng như buồn bã. Nên họ mừng thầm sắp có dịp được no say, được trông thấy có anh khuynh gia bại sản. Hai người vốn chỉ hầm hè nhau vì vị thứ tất không khỏi tranh nhau kịch liệt chức chánh tổng phen này.
Quang đến dò ý Trung thì Trung lắc đầu:
- Chịu!
Rồi nghĩ một lát, ông nói:
- Nhưng nếu bên kia ra, thì bắt buộc tôi phải tranh.
Liễu cũng hết sức nghe ngóng và cũng như Trung, ông chỉ hứa với Bút:
- Xem đã.
Nhưng hàng tổng ai để cho hai người kình địch này được nghỉ yên để họ trở nên vô ích. Mà quan phụ mẫu cũng nghĩ ngay đến hai con bò vàng. Ngài bảo Liễu:
- Thầy cứ ra, sợ gì.
Quang vội đến báo với Trung:
- Chánh Liễu đã vọt lên huyện và quan đã hứa tác thành cho hắn rồi đấy.
Thế là đồng thời, hai lá đơn tình nguyện ra ứng cử chánh tổng đã bay đến huyện đường, và hàng tổng đã khấp khởi mừng thầm, đắn đo xem bên nào mặn mà hơn thì bỏ phiếu.
Cuộc cổ động dần dần hăng hái. Trước hết, cử tri chỉ được bữa chén, bữa hút, thì ra ý lửng lơ. Rồi quen nếp cũ, lá phiếu có giá trị bằng tiền bạc. Nhưng vì sự tranh nhau hăng hái, nên giá phiếu mỗi ngày tăng hai lần, mỗi lần hơn nhau hai đồng bạc. Đến khi lá phiếu cuối cùng phải mua đến năm chục thì thôi, bởi vì, không một người có chân đi bầu nào mà chả bị mua chuộc. Song hai bên bằng phiếu nhau. Chưa có thể có sự thắng bại. Bởi vậy, một hôm, bên Trung suýt bị cướp mất một người. Cho nên, cả đôi bên đều đề phòng bằng cách giữ rịt cử tri trong nhà mình, bắt đầy tớ ngày đêm canh thật cẩn mật. Cử tri bị nhốt, nhiều người phản bội, muốn đánh tháo ra để bán phiếu cho bên địch, lấy giá tiền gấp bội. Nhưng không thể. Hồ có ai vờ vịt ra vườn phóng uế, để dò lối đánh tháo, thì đã thấy thập thò gần đấy, một gia đinh cầm sẵn gậy gộc. Chẳng phải gia đinh ấy dám phang vào đầu cử tri khi thấy ông này chuồn, nhưng để đánh nhau với đầy tớ đối phương, nếu xảy ra việc cướp người.
Rượu chè. Bài bạc. Phiện phò. Hát xướng.
Về bên Liễu, Bút tận lực nhất. Lúc nào Bút cũng mệt phờ người. Bởi vì Liễu hứa giúp Bút lên chánh hội, khi mình được làm chánh tổng.
Ngày bầu cử đã tới. Bên nào cũng đúng hai mươi hai người. Liễu buồn rầu, họp bạn bè lại để bàn việc. Nhưng không có ai có ý kiến hay mưu mô gì để lấy thêm người. Ây thế mà một việc xảy ra, làm Liễu lo mất mật: Cụ nhất Tời không biết vì mấy hôm liền ăn những thức khó tiêu hay sao, mà từ tối, cụ đâm đau bụng, thượng thổ hạ tả, vật giường trên xuống giường dưới và kêu rầm rĩ:
- Tôi chết mất.
Sáng hôm sau, cử tri đã phải tề tựu ở huyện trước tám giờ. Vậy thế nào Tời cũng phải khỏi để đi bỏ phiếu. Thấy nhân tiện có ô tô thuê sẵn để đưa cử tri đi, nên lúc mười giờ đêm, Liễu bảo tài xế đánh xe ra tỉnh mời đốc tờ, mất bao nhiêu tiền cũng không ngại.
Bác sĩ đem thuốc cấp cứu về, Liễu lo lắng hỏi:
- Thưa quan liệu có thể nguy đến tính mệnh ngay không ạ?
Bác sĩ xem người ốm lắc đầu:
- Không hề gì.
Liễu nằn nì:
- Bẩm đây không phải là người nhà cụ này, xin quan làm ơn cứ nói thực không e ngại gì cả. Nếu có phải cụ ấy mắc bệnh thời khí mà không thể còn lâu, xin quan cho cụ ấy một phát tiêm cầm lại, để cụ ấy sống nốt sáng mai mà đi bỏ phiếu.
Bác sĩ cười:
- Không hề gì. Cần cho ông cụ uống thuốc và nghỉ yên.
- Nhưng con thấy nhiều lúc cụ ấy nằm im lịm, con sợ quá.
Bác sĩ tiêm một phát, tức thì bệnh nhân khỏi hết đau.
Tời uống thuốc, rồi nằm thiu thiu ngủ.
Được một lát, Liễu đã đánh thức Tời dậy bảo sắm sửa khăn áo mà đi. Tời nhăn nhó, lạy van, nhưng không được.
Bất đắc dĩ, Tời phải để cho đồng tiền nó làm tội. Nhưng lúc ấy thuốc tiêm đã nhạt, nên Tời lại thấy rơm rớm đau. Cụ ôm bụng nằm xuống phản. Liễu nghi ngờ, hỏi:
- Hay cụ định phản cháu, thì cụ lấy bao nhiêu nữa, cháu cũng xin vâng.
Tời rống lên như con cọp, cụ co rúm chân tay và cố ọe, nhưng không nôn được. Ai mó vào cụ, cụ càng thấy đau, đau như đứt gan đứt ruột.
Nhưng biết làm thế nào. Giờ này Tời đã bán cho Liễu, thì nhất định cụ phải đi. Chuyến xe trước chở một tốp đi rồi. Chuyến này đến lượt cụ. Mặc cụ van lậy xin đừng ai mó tay vào, mặc cụ kêu trời đất, người ta cũng cứ cõng đặt Tời vào võng, cáng lên ô tô với mười người nữa.
Trong xe chật chội, Tời không được nằm, nên thấy đau dội. Cụ lăn lộn cả lên người ngồi cạnh. Xe đi xóc, càng làm Tời đau đớn bội phần. Cụ kêu cha kêu mẹ, lạy Liễu xin trả lại tiền để được tha cho về, nhưng nào ai nghe.
Tới huyện người ta cõng Tời xuống võng, và khênh cụ vào.
Phe Liễu được đội lệ tiếp ở trại lệ. Phe Trung được quản đồn đón vào trại cơ. Cuộc tranh người đến giờ chót càng nghiêm ngặt, Liễu và Trung, mang đi rất nhiều tiền để định khi bắt cóc được một cử tri nào thì cấp tốc nhét bạc vào tay mà kéo về phe mình.
Nhưng vô hiệu. Cuộc phòng thủ dù không phải có chiến hào tối tân, song, không bên nào bén mảng được vào trận tuyến địch.
Trung thấy nói Tời đau bụng thập tử nhất sinh thì mừng thầm. Hẳn cụ không đi được thì Liễu phải kém phiếu. Nhưng khi thấy tiếng Tời kêu ồn bên trại lệ, ông lại lo lắng như trước, ông khấn ngầm cho cụ về với tổ tiên trước giờ bầu.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét