Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

Cái Thủ Lợn - Ch 26

Cái Thủ Lợn

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945

26

Thua keo này, bày keo khác, đó là sự làm việc của người kiên nhẫn.
Trung kể là kiên nhẫn vào bực nhất. Ông phải cố hết sức để thắng nổi Liễu mới nghe.
Cho nên sau một tháng tẩm bổ, ông khỏe mạnh như thường, thì một dịp tốt đưa đến, ông không bỏ lỡ, đó là việc ông chạy Hàn lâm.
Không biết ông phải tốn kém mất bao nhiêu, mà dân làng phải rất đỗi ngạc nhiên, là thấy bao nhiêu văn tự ruộng, ông cầm ráo cả. Về việc này, quan huyện phải thức suốt một đêm mới nghĩ ra công của Trung, để chữa vào lý lịch. Bởi vì ngài nói:
- Thầy phải làm một việc gì công ích cho dân, hoặc xây đường mở chợ, lập trường cho làng, hoặc bỏ tiền ra phát chẩn cho dân bị lũ lụt thì tôi xin mới dễ.
Nhưng Trung gãi tai, thật thà đáp:
- Lạy quan lớn, chúng con không dám kêu man cửa quan lớn, mấy năm nay, con chót tranh nhau vị thứ với thầy chánh tổng, nên kiệt sức lắm rồi. Giờ con chỉ đủ để đến kêu cửa quan lớn và các nơi mà thôi. Việc này dù tốn kém bao nhiêu mà được việc con cũng xin cố.
Bởi vậy quan huyện ghi cho Trung là đã có công lớn về việc cứu tế xã hội. Ngài khai chính Trung giúp các quan về việc hộ đê năm ngoái và hết lòng với cuộc trị an.
Nhưng lời khai cứ là lời khai, mà cái kết quả của sự đắc thắng phải là tiền. Quan huyện đưa Trung vào lạy lục cụ Tuần, rồi bởi có hai ngài mạnh thế, và độ ấy xin phẩm hàm không khó khăn lắm, nên Trung được thưởng hàm Đãi-chiếu.
Liễu như chết điếng. Ông không chịu cho một thằng dốt nát hưởng hàn lâm, để rồi nó được ăn tiên chỉ. Ông nói:
- Tôi tố cáo đến kỳ cùng. Nó chỉ làm hại làng chứ đã làm cho làng được cái gì?
Song, nghĩ đến kiện cáo, ông lại giật mình. Ông bèn tìm đến cách trả thù không tốn tiền, là viết những bức thư dài, tố cáo tội trạng của Trung, để gửi ngầm lên quan trên. Ông yên chí rằng rồi Trung sẽ bị thu lại bằng sắc. Nhưng đến nửa tháng, công việc của ông chẳng có kết quả gì.
Ông thở dài. Mà ức nhất là bị Trung gọi lại bằng thầy. Thấy người làng gọi Trung là quan hàn Trung, có kẻ trịnh trọng gọi Trung là quan hàn Nguyễn, Liễu bầm gan tím ruột. Thật là không còn trời đất nào nữa. Lại ít lâu nay, sao lắm người đến chơi nhà Trung thế. Hình như họ nghĩ đến tiệc khao sẽ tới mà phải gây cảm tình sẵn với người cho ăn. Không thể như thế được. Liễu bèn xin từ chánh tổng, để Trung mất gọi mình xách mé, rồi xui người làng làm đơn kiện Trung, xin nhà nước tiêu thu bằng sắc của người có tội. Ông đành bỏ tiền ra vậy.
Ông sửa một bữa rượu, mời dân làng đến chén, rồi đứng dậy nói:
- Thưa các cụ, việc ông lý Bá làng ta được hưởng hàn lâm, chắc các cụ đã biết. Cái đó, âu cũng là một sự danh giá cho làng. Nhưng tôi thiển nghĩ, hàm hàn lâm chỉ dành cho những người văn hay chữ tốt hoặc người đã có nhiều công trạng. Tôi xét ông lý Trung không đáng được nhà nước thưởng về một lẽ gì cả. Cho nên anh em ta nên ký chung vào một đơn, để tố cáo ông ta. Xin nhà nước xóa cái hàm ấy đi. Bởi vì, nếu bất cứ ai có tiền cũng được phẩm hàm, thì rồi ai thiết làm việc gì công ích nữa.
Các cụ ngồi nghiêm chỉnh, nhìn nhau để xem ý nhau.
Bút khen:
- Cụ chánh nói phải lắm.
Liễu tiếp:
- Đây tôi đã thảo một lá đơn, giá một mình tôi ký rồi đệ lên quan trên cũng được, nhưng tôi muốn xin cả chữ các cụ cho lời nói thêm sức mạnh.
Soang nói:
- Cụ kể tội lý Bá những gì?
- Vâng, tôi nói sơ lược cho các cụ nghe, rồi chốc nữa xin cùng bàn để viết đơn. Năm Tý, lý Trung hà lạm tiền thuế, sự đó dân đã kêu đến tai quan trên. Năm Sửu, Trung đánh dân, bắt dân đi đê mà chẩm món tiền Nhà nước trả lại. Sự này khi cụ Tú còn làm chánh hội có phát đơn kiện. Năm Mão, Trung ăn tiền của thân nhân người mắc bệnh thời khí để giấu quan trên, đến nỗi làng bị tai hại. Năm Thìn, Trung bỏ việc tuần phòng, có cướp vào mà không biết, sau quan trên hỏi, lại trình là có trộm. Lại năm Thìn, Trung đã lộng quyền, bắt đám người che lọng khi rước sắc thần từ miếu về đình, lại năm Thìn nữa, khi tranh cử nghị viện, Trung dám cắm đằng mũi ô tô chiếc cờ vàng, lá cờ của vua.
Bà Xích ngắt lời:
- Ấy, hình như đấy là xe có bảo hiểm nên có cờ ấy đấy chứ.
Liễu cau mặt:
- Thì vàng hẳn hoi, mắt ông trông thấy mà lị.
Bút nói:
- Những việc về năm Thìn, ông xếp đặt cho có thứ tự trước sau.
- Vâng, lại năm nay, Trung nói dối Nhà nước để xin tư phẩm hàm. Đấy, tôi chỉ đơn cử những việc lớn.
Mọi người bàn đi tán lại, rồi Liễu loay hoay viết đơn. Nhưng khi ngẩng lên, ông chỉ thấy còn có bảy người nằm quanh bàn đèn. Còn những mặt đỏ khác, cái nhăn nhó kêu đau bụng phải vội về, cái hốt hoảng đi, nói rằng con ốm nặng; cái vờ vĩnh nói bận chút việc chốc nữa lại đến; cái sợ sệt, thú rằng không muốn lôi thôi.
Liễu tức lắm, đành lấy bảy chữ ký, họp với mình là tám. Rồi ông nói:
- Tám chúng ta không bắt lý Trung phải thất điên bát đảo à?
Liễu thắng ngựa lên huyện.
Từ lúc ấy, tiếng xì xào trong làng trở nên ồn ào dần. Chỗ này người ta đoán Trung bị tước Hàn lâm; chỗ kia người ta chắc rồi quan huyện đến phải triệt.
Nhưng sự thực, Trung đã vọt lên huyện trước Liễu để nói lót. Nên khi Liễu đến công đường, quan cầm lấy đơn, mỉm cười vỗ vai, mời Liễu ngồi và ôn tồn nói:
- Thầy khí chậm quá. Tôi tiếc không làm được thầy vừa lòng. Vả lại nếu thầy bảo Nhà nước lầm, thì Nhà nước là ai? Nhà nước là tôi, là cụ Tuần, là cụ Chánh sứ, là cụ Thống sứ chứ ai? Vậy thầy thử nghĩ xem, thầy đương là dân, vậy có nên tố giác sự lầm lẫn của quan trên hay không. Bởi vì đây không phải là thầy kiện Hàn Trung mà chính là thầy kiện các quan kia đấy.
Liễu gãi tai không đáp thế nào được nữa. Ông huyện lại nói:
- Nghĩa là công việc đồng lần, rồi vài tháng nữa triều đình có ân điển, ai muốn tự xin hàn lâm, tôi lại xin cho.
Câu nói làm Liễu nghĩ ngợi:
- “Hay mình cũng xin”.
Ý mới ấy luẩn quẩn trong óc Liễu. Ông huyện cười, nói sát sạt:
- Được hàn lâm bao giờ chả hơn. Làm gì cũng không được danh giá bằng quan hàn.
Liễu ngẩn ngơ hỏi:
- Lạy quan lớn, một làng hai hàn lâm có được không ạ.
Quan cười:
- Một trăm, một nghìn hàn lâm cũng được, chỉ sợ không có người đủ tiền lo mà thôi.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét