Cái Thủ Lợn
Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945
8
- Đi kiện, thầy không nên cậy có lý. Phải,
lý thì làm gì, một ông quan xử kiện mà phải tựa vào luật, là một ông quan kém.
Liễu gãi tai thở dài, đáp:
- Lạy quan lớn, như thế là anh lý chúng con
xử ức chúng con quá. Mà cũng là cậy thế, khinh miệt cả làng.
Ông huyện cười, gật đầu, xua tay:
- Khoan, thầy vừa nói đến tiếng cậy thế,
đúng lắm. Đó là thầy lịch duyệt rồi. Phải, lý trưởng có thể khinh miệt cả làng
được, vì hắn cậy thế. Vậy sao cả làng thầy không cậy cái thế lực nào để khinh
miệt lại hắn có được không. Nghề đời là vậy, người ta có chỗ bấu víu, mới dám
làm bừa. Cho nên từ nãy đến giờ tôi vẫn khuyên thầy thôi, đừng kiện nữa, dĩ hòa
vi quý. Mà cái vết thương thầy nại ra, chứ sao nó thế kia được.
Liễu ngây người, gãi tai:
- Lạy quan lớn, anh lý chúng con là tôi con
quan lớn, chúng con cũng là tôi con quan lớn.
Quan lại gật đầu, ngọt ngào hơn nữa, dỗ
dành:
- Hiểu rồi, nghĩa là thầy tưởng tôi không
bênh thầy chứ gì. Nhưng mà, này thôi, cứ về đi, rồi tôi kiếm việc khác làm ơn
cho thầy. Không đâu mà thiệt.
Dứt lời, quan phụ mẫu lấy gói thuốc lá tím,
giá mua là năm xu, rút ra một điếu, dập một đầu xuống bàn, ngậm lên miệng, rồi
giơ cả gói mời Liễu. Liễu cảm động, khúm núm, chạy vội đến gần, đưa hai tay ra
đỡ, nhưng không dám lấy, lại đặt trả xuống bàn. Quan hất hàm:
- Lấy một điếu mà hút.
Rồi ông đánh diêm châm cho ông, đoạn đưa
que còn đỏ cho Liễu. Liễu nâng diêm, dào dạt như muốn khóc.
Chưa bao giờ ông thấy quan tử tế như lần
này.
Cuộn khói lên trắng tỏa trần nhà, đượm gian
buồng, một vị thơm tho thân mật.
Ông huyện đập ngón tay trỏ cho điếu thuốc
lá rơi tàn, rồi nói:
- Tính thầy thẳng, nên thấy những cái gai mắt
thì hay tức. Ấy, ngày trước tôi cũng thế. Nhưng đến bây giờ, tôi bị lăn lộn nhiều
ở đời, thì những tính nghĩa hiệp ấy mất cả. Mà cũng vô lý lắm kia. Những việc
không dính dáng gì đến mình, mình cũng bất bình, lăn lưng vào mà can thiệp, can
thiệp một cách hăng hái.
Thấy Liễu hai mắt nhìn lừ đừ xuống đất, như
một người đầy tin tưởng, quan tặc lưỡi, nói tiếp:
- Mà việc thầy định làm hôm nay cũng vậy,
chứ khác gì. Lý trưởng tranh phần biếu, có thiệt quái gì thầy.
- Lạy quan lớn, nhưng mà...
- Không, tôi nói thiệt, là thiệt riêng của
thầy kia! Lợn là lợn của làng mổ. Ăn thì thầy cũng đã ăn rồi. Mà miếng thủ có
ngon hơn gì miếng khác. Ấy thế mà cũng sinh sự đánh nhau để đi kiện. Tôi chỉ muốn
các thầy vui vẻ làm việc với nhau để giúp tôi, đừng bới móc nhau ra, rồi con em
nó cười. Vả lại, thầy cũng như thầy lý, tôi biết coi ai hơn ai, xử cho ai được,
ai thua. Cho nên tôi can thầy, thầy nên nghe tôi là phải.
- Lạy quan lớn thương chúng con, xin quan lớn
cứ công minh mà xử, dù ai được, ai thua, con chắc chúng con cũng không chịu ở
tòa sơ cấp này. Chúng con theo nhau đến tòa án tỉnh, đến tòa thượng thẩm.
Quan cười, gật đầu:
- Được rồi, tôi hiểu. Các thầy đều giầu,
cho nên nhất định không nhịn nhau. Việc ấy là việc riêng mà cũng là quyền của
các thầy, cái đó đáng nhẽ tôi không nên khuyên can thì phải. Nhưng tôi hãy hỏi,
khi việc lên đến tỉnh, các thầy có dám vào thẳng cụ chánh án mà khấn hay không.
Liệu cụ có tin các thầy mà nhận lời hay không. Cụ rất đa nghi. Nên hễ ai vào mà
không có người thân tín đưa, cụ ngờ ngay là mật thám. Chính cụ thuờng nói bất cứ
giờ nào, sở mật thám cũng có thể bắt quả tang tất cả quan trường nước Nam này về
tội hối lộ. Như thế tất thầy phải cậy đến tôi đưa vào hầu cụ. Nhỡ ngộ thầy lý
cũng cậy tôi, thì tôi biết nhận ai, từ chối ai, thầy phải tránh cho tôi sự khó
nghĩ ấy mới được.
- Bẩm nếu như thế cụ chánh án cứ công minh,
rồi chúng con lên thượng thẩm.
- Ôi! Lúc ấy thì tiền húc nhau với tiền, chứ
đừng nói gì đến pháp luật nữa. Thầy phải hiểu rằng pháp luật có chân, nó biết
đi, chứ nó không đứng yên đâu. Từ nãy, thầy vẫn tin pháp luật quá. Nhưng pháp
luật có đến hàng vạn điều, điều này dựa vào điều nọ, nên một ông quan tòa muốn
gỡ tội cho ai, có khó gì. Rồi kết cục, tiền mất mà việc không được, thầy mới hối
là đã dại, không nghe tôi.
Liễu trầm ngâm, thở dài. Quan tiếp:
- Cho nên thà thu xếp yên ấm ngay từ lúc đầu
cho đỡ bị mang tiếng còn hơn.
Liễu ngẫm nghĩ một lát, rồi nói:
- Lạy quan lớn, quan lớn thương chúng con,
dạy thế, chúng con xin vâng lời.
Quan cười, gật gù, đắc chí nói:
- Phải, như thế là thầy biết điều lắm. Tôi
tin rằng thế nào thầy cũng nghe ra. Người nóng nảy đến đâu cũng có lúc hiểu lẽ
phải. Thầy thì tốt bụng, làm việc này, chẳng qua như rửa mặt hộ làng. Coi việc
làng như việc riêng của mình nên nhất quyết thầy bỏ tiền ra để theo kiện. Ôi
còn việc này nữa...
Vừa nói, ông vừa cầm tập giấy bạc để trên
bàn:
- Thầy định khấn tôi bao nhiêu đây?
Rồi đếm bằng mắt, ông tiếp:
- Năm chục, thôi được, tuy việc không phải
dùng đến tiền, nhưng tôi hãy cứ nhận, cũng như tôi tạm vay thầy, để việc sau.
Rồi bỏ ngoén tiền vào túi và như muốn xí
xóa, ông hớn hở cười:
- Tháng này tôi cũng túng.
Liễu gãi tai:
- Dạ.
- Vả lại những lời tôi khuyên can, cũng
đáng mấy ngần này. Nếu không nghe tôi thì việc dây dưa ra. Mỗi thầy lại mất
không hàng nghìn à.
Liễu tiếc tiền nói:
- Dạ, chúng con tôi con quan lớn thì mấy
chúng con cũng không oán thán, nhưng việc này con phải, anh lý con trái, mà anh
lý con không tốn kém gì.
Ông huyện cười:
- Ồ, thầy đừng hậm hực nữa. Rồi tôi bắt lý
trưởng phải lễ tôi đúng một trăm, kém không được.
Liễu tươi tỉnh, như được kiện, sung sướng
đáp:
- Dạ, không có thì, bẩm quan lớn tha tội
cho con, con tức lắm.
- Phải, lúc nào tôi chả công bình, bao giờ
tôi coi lý trưởng hơn thầy được.
Không còn việc gì nữa, ký Liễu hể hả vái chào
quan rồi lùi ra.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét