Cái Thủ Lợn
Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945
4
Thằng Mới quăng mõ và dùi xuống giường, lẩm
bẩm một mình:
- Mẹ kiếp, nay họp, mai họp, chỉ khổ ông về
hầu hạ.
Vợ nó đã mang chổi ra đình quét sàn, song sợ
việc làm không chu đáo, nên nó giao cho thằng cu lớn coi bếp, vác đôi chiếu,
cái đèn và cái điếu đi.
Một lát, gian đình bên phải đã thành một chỗ
sạch sẽ tinh tươm. Thằng Mới vào gần hậu cung, mở hòm nhỏ, lấy bốn chiếc chén
trắng và cái đĩa tây cáu vàng, nó lau tất cả bằng vạt áo nó, nó bày cạnh đèn điếu
ở giữa chiếu.
Trung lững thững bước lên thềm đá, dõng dạc
hỏi to:
- Có đứa nào đấy không, mày ơi?
Cả hai vợ chồng thằng Mới cùng đồng thanh
thưa:
- Dạ.
Ông Lý mắng:
- Mày để sân đình bẩn lắm.
- Bẩm, con vừa đi rao mõ về.
Trung cau mặt:
- Động nói là cãi! Thế đã có ai đến chưa?
- Bẩm chưa ạ.
- Gớm, khệnh khạng quá. Giá có ẹc một con lợn
thì đuổi chả hết người!
Ông toan nói nốt bằng câu tệ hại hơn, nhưng
thấy Bút sắp đến nơi, nên ông phải im. Trung nhoẻn miệng cười:
- Đấy, ông xem, bao giờ cũng chỉ có ông đến
trước tiên, còn các ông ấy đố có đến đúng giờ bao giờ. Thế nào, ông ký Liễu có
ra không?
Bút chẳng giấu mình về phe Liễu, gật đầu
đáp:
- Việc này quan trọng, sao ông ta chẳng ra.
Muốn mua chuộc Bút, Trung chán nản nói:
- Tôi thì tôi thiết gì những cái này. Đấy,
có ông biết đấy, ra làm việc làng nào, chứ làng này, chỉ tổ nghe chửi. Mà thực
ra, chúng mình có sơ múi gì. Làm việc mửa mật, mỗi lần có giấy quan đòi, thì biện
thêm tiền nhà đi. Thỉnh thoảng có chỗ họ cho bao chè, cành cau, hỏi thấm vào
đâu với cái tết mình phải mang lên huyện. Bởi vì chúng mình không ác tâm được.
Vào địa vị người khác mà làm lý trưởng ngần ấy năm, dễ hòa vốn rồi.
Bút không muốn công kích, gật đầu:
- Phải.
Nhưng Trung cho là Bút biểu đồng tình, thì
ngạc nhiên, nên sung sướng tiếp:
- Thế mà các ông ấy lại ép tôi ra tiên chỉ.
Tôi cũng cố từ chối thôi. Một làng không thể không có người đứng đầu, nhưng,
giá có ai có thế lực thay cụ Tú thì tốt quá.
Thấy Trung có ý vơ vào, Bút mỉa:
- Ông nghĩ chí phải, hơi đâu cứ đeo thêm vạ
vào mình mãi. Mà giá ông có thông chữ nho, chữ quốc ngữ, mới xứng đáng.
Trung bị một quả trùy nhẹ, yên lặng không
nói nữa. Hai người vào tới chiếu, mời nhau ngồi. Thằng Mới rót nước xong, Bút
bàn:
- Hay ta bảo khán thủ đi mời các ông ấy, chứ
đợi đến bao giờ.
Không thể đổ tức giận về câu nói của Bút
ban nãy vào đầu ai cho bõ hờn, Trung đáp:
- Gớm làm như tiên sư người ta không bằng,
việc là việc công cả, chứ việc riêng đếch gì ai mà phải mời năm lần bảy lượt.
Nói đoạn, ông đặt thuốc vào điếu và châm
đóm kéo một hơi dài. Ông uống hớp nước nóng rồi vờ say để được ngồi yên. Ông đã
hiểu ý Bút rồi.
Nhưng bỗng Bút nói:
- Kể ra thì bây giờ, ông nhất làng này đấy
nhỉ.
Trên mặt Trung nở ra một nụ cười, và ông
tươi tỉnh đáp:
- Không dám.
Rồi thấy có cơ hội để dò ý bên địch, ông tiếp:
- Nhưng giá bây giờ ông ký Liễu ra làm
chánh hội, thì quyết tôi nhường tiên chỉ cho ông ấy ngay.
- Ông nghĩ chí phải, vì ông ấy có chân nhị
trường.
Bị một trùy nữa, Trung lại căm. Nhưng muốn
bất chấp cả cái dốt nát của mình, ông đáp cho bõ tức:
- Nghĩa là tôi nhường vì tôi không muốn
làm, chứ một người chánh hội mới ra, giá trị sao bằng người lý trưởng đã quá
niên hạn.
Bút cười:
- Nói thế, chứ ông ký Liễu không ra chánh hội
đâu mà.
Trung như lượm được một tin mừng, hỏi dồn:
- Thật à? Sao bảo ông ấy ra?
Bút lắc đầu:
- Không.
Trung muốn dò Bút:
- Hay là ông ra vậy. Phi ông hay ông Liễu,
còn ai xứng đáng hơn.
Được phỉnh Bút sung sướng, bèn thật thà
đáp:
- Đành vậy, nhưng tôi làm gì có tiền.
Thấy không cần biết hơn nữa, Trung nói:
- Ồ, ta chuyện mãi, quên ngay đi mất. Mới!
Gọi Khán thủ mày, bảo tuần đi mời từng ông một nhé, còn mày phải ở luôn đây hầu
vặt.
Thẳng Mới đi, Trung hớn hở, đứng ra bao lớn
hứng gió. Một lát ông nói:
- À ông phó hội ạ, cái bọn thợ sơn làm đồ
thờ nhà tôi khéo lắm. Tôi muốn bàn với các ông, nhân tiện mặc cả sơn cửa võng
đình, kẻo để mộc thế này, khó coi lắm.
Bút gật:
- Ông nói phải lắm, nhưng có sơn thì sang
tháng hãy hay, chứ vài hôm nữa, đám xá đến nơi, sơn sao cho kịp.
Có tiếng xôn xao ở góc đình. Trung nhìn thấy
Quang, Tiếu, Túy, Hách, những người về phe mình, thì sung sướng. Hình như ông
không cô độc nữa.
- Gớm, mau lên các bố, có phiện đây.
Bốn tiếng cười nổi lên để đáp lại sự thông
thảo của Trung.
Tiếu nhoẻn môi thâm sì, đùa:
- Thế thì ai xứng đáng ăn tiên chỉ hơn ông.
Trung vội vàng nháy mắt, liếc vào chỗ Bút,
ra hiệu cho các bạn. Quang kiễng chân, ngó vào trong:
- Có cóc khô bàn đèn đâu, ông Tiếu được cái
mừng hụt!
Các huynh thứ trong làng lục tục ra dần, tất
cả đến mười lăm vị. Song chưa ai bắt đầu bàn việc, vì còn đợi một người quan trọng.
Người ấy tức là ký Liễu. Trung đi ngang dọc, rồi gọi:
- Mới! Mày mời ông thư ký một tin nữa đi,
nói rằng các cụ đã đông đủ cả. Ông ấy bận gì cũng bỏ đấy ra cho xong nhé.
Thằng Mới vừa bước xuống khỏi bậc đá, thì
Liễu tất tả đến. Ông nghển cổ qua hàng lan can, rồi nói vào:
- Chào các cụ, xin lỗi các cụ nhé, con mẹ
khán Tếch cứ cài nhài xin giấy khai sinh cho con nó mãi. Không biết ông ký Dưỡng
trước kia làm ăn ra sao, mà sổ sách biên lung tung, khó tra quá.
Mọi người xen nhau, ngồi yên lặng thành
vòng tròn trên hai chiếc chiếu. Ai cũng muốn nói ngay đến việc, nhưng không ai
chịu khơi mào. Bởi vậy họ uống nước, hút thuốc và rung đùi.
Một lát, Liễu tuy biết tỏng việc bầu tiên
chỉ, nhưng vờ ngạc nhiên hỏi:
- Thế nào, các ông bàn việc gì thế, xong rồi
à?
Trung đằng hắng, hơi run run:
- Kìa cụ nhất Tời, xin cụ nói đi.
Thấy Trung gạt trách nhiệm cho mình, ông
già ngồi quay phắt vào phía trong đáp:
- Thôi, ông nói đi, tuổi với tác thì làm đếch
gì.
- Ồ, kính lão đắc thọ, cụ nói làng nể, chứ
tôi nói thì ai nghe.
- Ông là ông lý thay quan làm việc làng,
thì ông nói đi.
Phó Lan pha trò:
- Hay là tôi nói.
Rồi ông cười một mình bằng hai hàm răng nhuôm
nhuôm.
Không thấy người cười theo, Lan chữa thẹn:
- Đùa đấy chứ, cụ Tời nó đi thì phải hơn.
Tời quay lại nhìn khắp mọi người, rồi cau
có:
- Ừ thì nói!
Cụ thong thả, đặt thuốc vào điếu và châm
đóm. Muốn chừng Trung nóng ruột, bèn đưa cái xe và rót sẵn chén nước.
Hút xong, Tời nghiêm trang vuốt chòm râu bạc,
gõ xe vào bát điếu và lên giọng. Mọi người im phăng phắc.
- Nghĩa là tôi chỉ quen nói cộc lốc. Các
ông biết đấy, cụ Tú mất đi, ta nên bầu một ngôi tiên chỉ cho khỏi sái làng.
Mọi người nhìn cả về Trung. Ông này luống
cuống một cách sung sướng, Tời tiếp:
- Vậy ta nên chọn người.
Quang đỡ lời:
- Phải, kẻo nay mai đám xá đến nơi, phải có
người đứng mệnh bái chứ.
Tời tiếp:
- Mấy lại làng không thể không có tiên chỉ.
Vậy ý các cụ thế nào, xin cho biết.
Trung đằng hắng:
- Trình các cụ, cụ Nhất nói chí phải. Vậy
xin làng chọn lấy một người, trước nữa thay mặt dân tế thần nay mai, sau nữa,
có việc gì thì...
Không biết nói tiếng gì cho phải, ông ừ ừ rồi
chịu cho câu văn què.
Tời nhìn Trung bẽn lẽn, nhoẻn miệng cười,
thật thà giục:
- Thì nhận đi cho xong! Nghĩa là thế. Vờ vịt
bàn lắm rồi sau cũng lại đến thế.
Trung cười hể hả. Nhưng Bút chặn họng:
- Tôi xin thay lời ông lý để nhắc lại ý ông
vừa nói chuyện với tôi ban nãy. Ông lý tôi vì việc quan đã nhiều, nên không muốn
nhận chức tiên chỉ.
Ai nấy ngớ ra, Trung cau mặt cãi:
- Thì ông để mặc tôi nói, ai mượn ông?
Bút cười đắc thắng:
- Tôi thấy ông không nói, sợ ông lại bị ép
nài, nên phải giúp ông. Ông chả vừa bảo tôi ban nãy thế là gì?
Trung đập ống thuốc xuống chiếu:
- Ban nãy là ban nãy, bây giờ là bây giờ,
chứ lộn ẩu thế nào được.
Bút cáu:
- Đấy thì ông nói đi. Tôi không bầu cho ông
là một.
Trung hăng tiết:
- Tôi không cần ông. Ông không bầu đã có khối
người.
- À, ra ông khinh làng thực.
Mặt đỏ gay, Trung đứng phắt dậy. Quang nắm
áo co lại:
- Thôi, ông phó hội ông ấy say ấy mà.
Bút trừng mắt:
- Tôi không say, ông cứ chửi bố đứa nào bảo
tôi say?
Trung trỏ vào mặt Bút:
- A, anh phó hội, ở giữa đình, anh dám ăn
nói thế à?
Bút nắm sẵn cái bát điếu hất hàm hỏi:
- Anh gọi ai là anh?
- Tao bảo mày đấy.
Hai người xông vào nhau. Nhưng cuộc loạn đả
không thành, vì người ta vội vã giữ dịt lấy cả đôi bên, và cố khuyên giải bằng
những câu pha trò nhạt hoét.
Liễu lúc bấy giờ mới lên giọng:
- Thôi, tôi xin nói một điều này, có phải
thì các cụ nghe, không phải thì các cụ bỏ đi. Làng ta cải lương đã lâu. Làm việc
dân đã có ban hương hội, giao thiệp với quan trên đã có chức lý trưởng. Vậy tội
tình gì có thêm ông tiên chỉ nữa làm gì?
Túy, Sính nhâu nhâu cãi:
- Không nghe được, không có tiên chỉ thì
sái làng đi.
Liễu vẫn ôn tồn:
- Xin các ông cho tôi nói nốt. Vả thời buổi
văn minh, ta nên để sự nghĩ ngợi việc bầu tiên chỉ để nghĩ ngợi sự làm ích cho
làng chả hơn ư. Ấy là vừa mới chớm việc bầu tiên chỉ, đã có chuyện lôi thôi, nữa
là khi có tiên chỉ rồi.
Trung vẫn còn giận lắm, chêm vào:
- Ông ký nói có lẽ phải, mà cũng có lẽ
không phải. Xưa nay phép vua thua lệ làng. Từ ngày có làng Từ Lâm đến giờ, chưa
bao giờ không có tiên chỉ. Nay ông dám đổi cả lệ làng đi hay sao. Ông là ông gì
mà hách thế.
Liễu tái mặt:
- Không phải thế, ông lý ạ. Làng Từ Lâm là
một làng văn vật, đã là làng văn vật, phải có ông tiên chỉ khoa mục hay ít ra
cũng là bậc văn nhân, biết chữ. Nay làng hết khoa mục, không lẽ bất cứ ai cũng
bầu làm tiên chỉ, để hàng huyện cười cho thối óc à!
Quang tranh lời để cãi:
- Này ông ký, ông tiên chỉ là nhất làng, nếu
làng còn khoa mục thì nhường cho khoa mục là phải. Nhưng nay không còn khoa mục
thì ai nhất làng người ấy ăn tiên chỉ.
Hỷ lè nhè:
- Nhất làng ở cái tư cách, ở cái con dòng
cháu giống, chứ không nhất làng ở cái chức vị mà thằng khốn kiếp nào có tiền
cũng có thể mua được.
Thấy câu châm chọc thâm độc quá, Tiếu vốn
công bằng, song cũng tức, bèn đứng dậy:
- Thôi, tôi nhất định bầu cho ông lý.
Phe lý trưởng hưởng ứng:
- Phải, ta cứ lập biên bản, rồi đệ trình
quan. Mặc kệ.
Mạn hạch:
- Mặc kệ là thế nào?
Bút nói to để át mọi người:
- Ông ký Liễu có thể ra làm chánh hội phen
này, mà đối với chức lý trưởng, thì chánh hội to hơn nhiều, thế thì ông Liễu mới
đáng ăn tiên chỉ. Lắm làng lý trưởng chỉ làm đầy tớ cho chánh hội.
Trung lại toan xông vào. Nhưng Mạn đã giữ
ghì cả hai tay. Túy nói:
- Tôi nói câu này, như đi guốc vào óc ông
ký Liễu. Sở dĩ ông ký phá việc bầu tiên chỉ hôm nay, là vì ông không muốn để
ông lý được. Ông lý rất xứng đáng. Kể ra ông Liễu ra chánh hội, thì ông ấy cũng
có lý được ăn tiên chỉ, nhưng ông ấy sợ trượt tránh hội, thì thà không được ăn
ông ấy đạp đổ trước.
Thấy câu nói đúng tâm lý, ông Liễu yên lặng
một lát, mới bẽn lẽn đáp:
- Ông nói không phải, từ nãy ông có nghe thấy
tôi có một nhời nào lôi thôi không? Tôi chỉ bảo làng ta cải lương, và thời buổi
văn minh thì bỏ cái tiên chỉ đi là chính đáng.
Rồi đứng dậy ông hỏi:
- Ông nào đồng ý với tôi, xin đứng dậy về cả.
Mặc ai bầu ai làm tiên chỉ, ta không biết.
Hỷ ghé tai Liễu, lo lắng hỏi:
- Thế ngộ người ta cứ bầu thì sao?
- Bầu sao được, đã có quan xử chứ. Mà bận
sau, có mõ rao họp bầu tiên chỉ, ta không ra đình nữa.
Rồi ông nói to:
- Nào, ai theo tôi thì đi về.
Dứt lời tiếng guốc lê lộp cộp trên sàn gỗ,
bảy người kéo nhau xuống sân, mặc cho bọn lý trưởng nhìn theo căm hờn.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét