Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Cái Thủ Lợn - Ch 9

Cái Thủ Lợn

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945

9

Trung mấy hôm nay không ra khỏi ngõ. Ông phải luôn có mặt ở nhà để tiếp các người đến hỏi han công việc. Ông đắc chí, vì đang trả thù ký Liễu một vố đau.
Nguyên từ hôm ông huyện bắt phải mang nộp đủ trăm bạc, để đền công ông đã dỗ dành Liễu thôi không kiện nữa, thì Trung lại được quan bảo cho biết rằng Liễu đã xin ra chánh hội và được nhận lời.
Nhưng Trung không thể chịu đựng được điều uất ức ấy.
Liễu làm nổi chánh hội, tất thế nào chức tiên chỉ rồi ra cũng phải tranh nhau. Vậy ông nên dập ngay đi từ đầu, nghĩa là phá. Cho nên ông xui xã Túy ra tranh. Được thì càng hay chẳng được thì ông cũng sung sướng vì đã làm cho Liễu lệch nghiệp. Mà khi có ít tiền, người ta không dám mạnh bạo nữa.
Nghĩa là người ta phải tự nhụt đi.
Trung quả quyết bảo với Túy:
- Ông cứ ra, tốn kém bao nhiêu tôi xin chịu. Ở trong làng, lý trưởng, chánh hội có ăn cánh với nhau, làm việc mới mong có lợi cho cả đôi bên. Chứ để ký Liễu lên chánh hội, chỉ giữ miếng nhau, còn thú nỗi gì.
Thế là ông đưa trăm bạc cho bạn, bắt ông này giao thiệp thết đãi những tộc biểu khác để lấy vây cánh. Còn ông, ông đứng làm quân sư. Cho nên, cần lắm ông mới lên huyện để vấn kế cụ Thừa Sinh, còn hàng ngày ông phải ở nhà, vì vụt một cái, Túy lại cho người đến hỏi ý kiến.
Lúc ấy, chừng vào một giờ chiều, Trung đang lim dim nằm ngửa, vén đùi cạnh bàn đèn vắt tay lên trán. Rồi lơ mơ, ông nói:
- Nếu thế thì tôi phải xin quan mời cụ Sứ về chứng kiến một cuộc bầu cử mới được.
Rồi mở choàng mắt ra, ông ngơ ngác:
- Ừ, đâu rồi?
Đoạn ngồi nhỏm dậy, ông gọi:
- Cúc ơi!
- Dạ.
Một đứa ở gái lên, đứng ở bậu cửa, ông hỏi:
- Cụ Nhất đâu?
- Thưa cháu thấy cụ ấy ra cổng từ nãy.
Ông cuống quýt hỏi:
- Cụ ấy ra cổng làm gì, thế cụ ấy có bảo gì mày không?
- Cháu không biết, lúc ấy cháu ở dưới bếp.
Trung nhăn nhó:
- Mày thử hỏi bà lý xem nào. Để sổng cụ này thì rầy rà to. Tao đã nói gần rồi.
Bà lý ở hè nhà trên đáp:
- Cụ ấy bảo về một tí rồi đến ngay mà.
Trung cau có:
- Khỉ quá, cụ ấy lại đến nhà ký Liễu mất rồi.
Rồi ông lẩm bẩm:
- Hay là ký Liễu cho ông cụ đến đây thám chăng.
Nghĩ ngợi một lúc, ông bảo Cúc:
- Mày đến ngay nhà cụ Nhất nhé, mời cụ đến chơi ngay, cứ bảo tao nói có việc gì cần ấy.
Trung mở chụp đèn, lấy kéo rút bấc đèn lên, rồi tháo tẩu ra, lấy móc nạo quèn quẹt.
Bà lý muốn chừng nghe tiếng nạo, phàn nàn:
- Chả biết hơi đâu mà thế! Phần được người ta nắm chắc trong tay, thành ra ở giữa vừa mất tiền, vừa không khéo lại đèo thêm cái nghiện.
Trung vênh váo cãi:
- Nghiện được cũng còn khó. Nếu nghiện thì lớp chữa đình tôi đã nghiện rồi. Người ta ăn chơi ăn bời để tiếp khách mà cũng kêu ra kêu vào.
- Chứ lại chả kêu, ai đời lại vận của nhà đi cho người khác làm chánh hội bao giờ.
- Chà, đàn bà biết gì?
Độ nửa giờ sau, cụ Tời đến. Trung mừng rỡ nói:
- Cụ đi đâu thế, tôi cho nó mời đấy mà.
Tời ngồi vớ cái gối, nằm ngả xuống, đáp:
- À, tôi có về nhà đâu.
Nghi ngờ, Trung bắt nọn.
- Cụ lại đến đằng ông ký chứ gì, tôi đã xin cụ rồi cơ mà.
Thản nhiên, Tời cười:
- Thì cũng phải đảo qua loa lại đằng ấy một tí, nghĩa là cũng như tôi hay chạy lại đằng ông xã Túy, hay lại đây ấy mà!
Rồi gãi bụng, Tời nhăn nhó:
- Đến khổ, tôi cũng duyên nợ gì với các ông hay sao, ông nào cũng giữ, mất cả tự do.
- Thế là người ta quý cụ, chứ như người khác thì người ta giữ làm gì.
Trung tiêm xong, đưa xe lại đằng Tời:
- Điếu này vừa vặn, cụ xơi đi.
Tời gạt ra, nói:
- Thôi, mời ông, tôi say quá rồi, đâm ngứa ngáy cả người.
Trung trách:
- Cụ lại hút ở đằng ký Liễu.
- Thì chả nhẽ người ta chèo kéo, ông tính sao. Tôi năng đi lại với ông mười phần, tôi cũng phải vờ đảo qua đằng ấy năm phần, nghĩa là cho người ta khỏi nghi ngờ chứ.
Trung hỏi dò:
- Đằng ấy có những ai?
- Tôi có nhìn đâu. Tôi thấy đông nghìn nghịt. Đang sắp chén thì tôi về.
- Hình như con sen, con đào hát ở đấy phải không?
- Phải.
Trung bĩu môi:
- Những con ấy thì hát thế nào được. Đấy, hôm qua chúng nó hát nhà ông Túy, nhưng tôi phải đi, bảo ông ấy đón bọn ở Ngã Tư Sở, nhân một việc cô đầu, cụ thử ngẫm mà xem, có phải ông Liễu khó chơi hay không. Ông ấy ra chánh hội, cần phải thết bạn bè ăn uống, hát xướng, thế mà hát thì gọi cô đầu tồi ở nhà quê, ăn uống thì nghe đâu hôm qua mổ lợn lại không có tiết canh.
- Tôi cũng thấy người ta nói thế.
Trung trợn mắt:
- Mổ lợn toi cho người ta ăn, có ngày thì oan gia đấy cụ ạ. Ông ấy có tiền mà kiệt lạ. Cụ xem, lắm chữ, lắm nghĩa làm gì. Người ta cốt nhất sự ăn ở. Ông ấy ăn ở như thế, rồi mà làm chánh hội, thì tha hồ nát làng. Tôi sở dĩ giục ông Túy ra phen này, cũng là muốn tránh cho làng một cái vạ. Tôi thì dốt nát thật. Ông Túy thì ít chữ nghĩa thật, nhưng không bao giờ dám mổ lợn toi để thết khách.
Tời nghêng cái hến cho Trung hiểu ý. Vừa hết sức nói xấu bên địch, chẳng lẽ Trung làm lơ, nên phải gọi:
- Cúc!
Trung sai nó đi mua thêm thuốc, và nạo lần sái sản đi.
Một lát, Tời vớ cái điếu, thông bã, rồi rặt thuốc. Nhưng không lấy đóm để châm lửa ở đèn, cụ móc túi, lấy bao diêm, cố ý ấn mạnh lòng, để lòi tờ giấy năm đồng. Nhưng khi giấy bạc bật ra ngoài, cụ vờ vội vàng giấu đi. Trung thoáng trông thấy, bèn khen:
- Chà, cụ giầu nhỉ.
- Ồ, tôi vay đằng kia ấy mà.
Trung hiểu ngay, hỏi:
- Chỗ bà con, xin cụ đừng giấu. Có phải tiền này cụ lấy của ông Liễu không?
Tời cười, chối:
- Không.
- Thế cụ vay ở đâu?
- Ở đằng kia.
Trung không chịu được lối úp mở, nói:
- Thế cụ thề đi nào.
Tời lại cười:
- Tôi không thề.
- Thôi thế là đích rồi. Cụ tiêu tiền ông Liễu. Như thế tôi giận đấy, cụ ạ.
Tỏi thấy đã đến lúc nên nói thực, bèn thú:
- Nghĩa là, chẳng giấu gì ông, ông ấy cứ ấn vào tay, chả lẽ làm thế nào. Mà lần này là lần thứ ba. Vị chi ông ấy đưa tôi mười lăm đồng.
Trung cau mặt:
- Cụ nhận làm gì?
Tời tặc lưỡi:
- Túng thì làm liều. Tôi chót cầm lần đầu để trang trải nợ nhà khán Uy.
- Thế ông Túy chưa nói gì với cụ về việc này à?
Tời ngơ ngác:
- Chuyện gì?
- Chết thật, chậm chạp thế đấy. Tôi đã bảo ông ấy rằng nếu đã xoay ra mua phiếu, thì bên kia bao nhiêu thì mình cũng bấy nhiêu cơ mà.
- Thế thì tôi không thấy ông Túy nói gì cả. Hay là ông Túy chưa biết chăng. Vì ông Liễu dặn mọi người giấu hộ.
Trung nhỏm người dậy, sung sướng, dặn:
- Thế à? Vậy cụ đừng để ông ấy biết rằng tôi cũng rõ nhé.
Tời xua tay:
- Ờ, đời nào. Nghĩa là tôi chứ ai đâu mà ông phải bảo.
- Việc bầu này có lẽ quan phải về chứng kiến, cụ ạ.
Nói đoạn, Trung xỏ chân vào guốc, lên nhà trên. Tời biết ý, nhìn theo, tủm tỉm cười.
Quả nhiên, khi xuống nhà khách, Trung cầm bốn tờ giấy năm đồng và nằn nì:
- Cụ lấy làm gì cái tiền bẩn thỉu ấy. Đem lại quẳng vào mặt hắn ấy, cụ muốn tiêu thì đây, lấy ở tôi có hơn không?
Tời vờ từ chối:
- Thôi, nghĩa là chỗ anh em, ông đừng làm thế. Nghĩa là mặt mũi nào tôi nhận bầu cho ông Túy lại lấy tiền của ông.
- Không, cụ cứ cầm đi cho tôi yên lòng. Ông Túy chậm chạp, nên đã sơ ý chỗ này, vậy cụ đừng nên trách ông ấy. Cụ cứ ở tôi.
Tời càng vờ từ chối:
- Không mà. Thế ông coi tôi là gì?
- Cụ không cầm thì tôi không nghe đâu.
Nói đoạn Trung lại gần, cố ấn giấy bạc vào túi Tời. Tời làm như muốn chạy, nhưng nhất định lúng túng ở đôi guốc. Xong việc hối lộ, Trung hể hả nói:
- Chiều nay thế nào cụ cũng lại ông Túy xơi rượu, nghe hát nhé. Tôi chắc cụ được vừa lòng bằng mấy đằng ông Liễu.
Tời thân mật, đáp:
- Tôi thì nể ông quá, mà cầm tiền của ông, cứ ngường ngượng là. Mà không cầm thì sợ ông không bằng lòng, lại nghi tôi về bè ông Liễu. Anh em mình có bao giờ bỏ nhau!
Trung gật đầu:
- Ấy thật đấy. Cụ có cầm cho như thế, tôi mới yên tâm. Chứ trước kia, chẳng giấu gì, quả anh em cũng nghi nhau thật.
Tời cười:
- Được lòng đằng nọ thì mất lòng đằng kia. Ngày ông ra lý trưởng cũng vậy, nghĩa là tôi cứ phải bầu cho phó Uy, mà tôi có lấy của hắn đồng nào, tôi cứ chết tiệt.
- Tôi biết cụ hay cả nể. Bởi sợ hắn hơi có họ ngoại với cụ, nên độ ấy tôi không có ý giữ. Song, bây giờ cụ đứng trung lập. Ai chiêu đãi tử tế, thì cụ bầu cho người ấy. Vả cụ tính, ở đời, mình có quyền đi bầu, tội gì không hưởng. Thằng nào đi bầu mà không biết nhân cơ hội để rượu chè phiện phò, gái đĩ tiền nong, là thằng ấy dại. Chọn người đủ tư cách để làm gì, để nhịn đói à? Đan cử việc bầu chánh hội làng ta thì rõ. Cụ có công tâm, thấy ký Liễu với xã Túy tranh nhau, cụ chọn người, rồi bầu cho ký Liễu. Nếu cụ chân chính thì mất công đi bỏ phiếu. Nếu cụ được hắn mời, thì phải ăn thịt lợn toi, nghe cô đầu tồi, uống rượu pha nước. Chi bằng cụ bầu phăng cho xã Túy.
- Ấy, tôi vẫn định thế. Mà ông nên biết bụng cho tôi, là nhiều lần tôi còn khuyên ông thư ký nên nhường cho ông xã, để đến khóa sau hẵng ra, và nếu nhất định ông ta cứ ra, thì nên đến nói với ông Túy một tiếng và chồng đền vài trăm phí tổn, cho đỡ tốn kém khoản khác, chỉ béo ông quan.
Trung lắc đầu:
- Nói phải có ai nghe! Kể ra đằng này cũng chưa tốn đến vài trăm. Nhưng nếu phải mua phiếu, thì mấy tôi cũng cho ông Túy theo.
- Tôi nghe quan bênh ông Liễu hơn.
- Bênh thì làm gì! Việc bầu chánh hội nào có phải như việc bầu lý trưởng mà bảo ông quan có quyền. Và ông ấy bênh gì ai. Ai nhiều tiền là mua được lòng ông ấy. Rồi cụ xem, quan bênh ai.
Bỗng có tiếng chuông kêu ở cây cau, mấy con chó sủa vang. Thằng Mới vừa khua roi vừa tiến vào. Nó ghếch chân lên bậu cửa, nói:
- Bẩm hai cụ, ông xã cho mời hai cụ lại chơi.
Trung hỏi:
- Đằng ấy đông chưa? Có những ai?
- Bẩm thiếu ông quản Như.
Tời mách:
- Tôi vừa thấy ông quản ở đằng ông ký Liễu.
Trung vật mình, vật đầu, vật tai:
- Thôi chết rồi, thế là lại mất một người. Làm ăn bậy quá!
Rồi vội vàng ông vớ khăn áo, rủ Tời cùng đi.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét