Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2023

Cái Thủ Lợn - Ch 2

Cái Thủ Lợn

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945

2

Hai mặt ấy mấy năm nay vẫn kình địch nhau.
Cái cớ kình địch, theo lời Trịnh Văn Liễu, thư ký ban hương hội làng Từ Lâm, là thuộc về lịch sử. Bởi vì Nguyễn Bá Trung họ Nguyễn, mà ông họ Trịnh Liễu vẫn nhận mình là con cháu nhà chúa. Bị loạn lạc, ông cha ông mới đến làng Từ Lâm. Cho nên ông nhất định nhận họ Nguyễn là thù.
Liễu là tay giàu có trong làng. Ông vẫn tự hào rằng chúa Trịnh Kiểm là bậc công thần nước Việt Nam, đã phò Lê, diệt Mạc, nên con cháu đời đời được hưởng phúc trời, không ai đến nỗi nghèo ngặt khổ sở. Ông kể ra những ông quan to, những nhà giàu lớn có họ Trịnh ở khắp nước Nam, và nói vanh vách chi này là trưởng, chi là thứ.
Thôi, sự khoe khoang về giòng giống ấy có ích gì cho độc giả. Ta hãy mặc Liễu với tổ tiên họ hàng ông ở đó. Ta chỉ nên biết về Liễu mà thôi. Liễu có chân nhị trường. Cái đó độc giả đã nghe Bút nói và chắc còn nhớ. Liễu chỉ được thi có hai khoa. Khoa thứ nhất, nói rằng để đi cho biết cửa trường, thì ông vào được kỳ đệ nhị. Khoa thứ hai chẳng may ông bay ngay vào kỳ đệ nhất. Ông bảo vì bị sốt rét. Nhưng cái đó không quan hệ cho danh giá ông. Người ta vẫn gọi ông là nhì, nhì Liễu. Rồi nhà nước bỏ chữ nho. Ông bất mãn. Ông phàn nàn mãi rằng mộ cụ thân sinh đắc địa thì còn thi cử, ông tuy chẳng đỗ cử nhân cũng được cái tú tài như thầy. Thế là không được làm học trò, ông xoay ra làm thầy vậy, thầy thuốc và thầy đồ, để mặc ruộng nương cho vợ cấy hái.
Song, ba mươi mẫu của ông mới là kế sinh nhai chính. Có nó, ông mới chỗm chệ làm thầy được. Thật vậy, ông làm thuốc có ai dám đón đâu, mà gõ đầu mươi đứa trẻ trong làng, ông đủ ăn sao được. Ông ở trong khu vực ruộng bốn sào, gồm ba nếp nhà gạch, một thửa vườn trồng cau và cam. Ông thường ngồi nhà giữa, trước có sân lát gạch bát to. Một phần tư sân là giàn hoa, cạnh mỗi cột bày một chậu cây kê trên chồng gạch. Người ta thấy những cây lan lá biếc, cây quế hoa thắm, và cây trà cành mập mạp. Giữa giàn hoa là cái bể con, đầy nước, nổi lên như một hòn non bộ, bày đủ các điển tích, nào ngư tiều canh độc, nào Tô Vũ mục dương, nào Tô Đông Pha du Xích Bích. Trong làn nước xanh, lơ lửng dăm con cá vàng, đuôi xòe, uốn mình mềm mại.
Năm nay, Liễu ngót bốn mươi, da trắng trẻo và nhẵn thín. Quả ông là con nhà nho, trông thật phong nhã. Ông làm thư ký vì thầy học ép mãi. Thỉnh thoảng, ông cũng nhận cành cau, bao chè, thôi thì cũng như người ta trả công cho ông. Ông là tay giúp việc rất đắc lực của ông Tú. Ông Tú làm chánh hội, vì túng, thỉnh thoảng phải xơi bẩn nên cần phải có Liễu. Bởi vì, nếu có gì lôi thôi đến tai quan, chính Liễu lên tận huyện nói hộ. Vì quan nào thấy Liễu giàu có, mà chẳng để cho đi lại ra vào.
Song cũng bởi làm việc làng, nên Liễu mới thấy lắm cái bực mình và vì bênh thầy, nên sự kình với Trung càng ngày càng rõ rệt.
Trung giàu hơn Liễu. Về tiền bạc, ông nhất làng Từ Lâm. Ông năm nay ngót năm mươi. Ông để tóc dài, nhưng cạo ở giữa đỉnh đầu, nên có cái búi tóc to vừa bằng ngón tay cái. Mặt ông bì bì lắm thịt, nên thoạt trông người ta khó lòng bảo được là thông minh. Đôi mắt ông không mấy khi trông thẳng ra ánh sáng. Lúc nào cũng che bằng cặp kính đen. Vì nếu sáng quá, ông trông không rõ. Nó thuộc về thứ mắt bẩy lẻ. Ông có bộ ria rất xứng với môi về bề dày. Bộ ria ấy đen, rậm, cứng, cong và nhọn, như hệt hai dấu ngã chầu nhau.
Thuở bé ông có đi học mà cũng học ông tú Lịch. Nhưng cắp sách được có ba tháng tròn, thì ông trốn, trốn biệt cho đến tận lần này ông mới trở lại nhà thầy học. Đến khi ra làm lý trưởng, ông mới hối hận, và cuống cuồng học viết có mỗi một chữ ký và bảo con dạy cho chữ cái quốc ngữ. Khi sát hạch trên tỉnh, may cụ Thương tá lại ngơ đi cho, chỉ khuyên ông nên thuộc mặt chữ hơn và tập thêm đánh vần nữa. Song từ đó, ông bận quá, chưa có lúc nào sờ đến quyển sách, mà xét ra cũng không cần. Bằng lý trưởng ông đã lĩnh về rồi, học làm gì cho thêm nhọc xác. Công việc về chữ nghĩa, ông đã có nho bên huyện làm hộ. Vậy mà chả vấp váp tí nào. Việc làng, ông cứ hứa bừa. Cốt tốt với quan là ông chẳng cần ai. Mấy lần bị dân kiện, song, ông thu xếp chỗ quan nha là xong ngay. Cho nên làm việc làng, ông chỉ bới móc. Mà ông bới móc thực tài. Bất cứ việc gì, từ vợ chồng người ta đánh nhau trong nhà cho đến ai văng tục, văng rác mà ông nghe tiếng, ông đều ăn uống được cả. Ông bảo trong thời kỳ làm việc ông phải làm tiền cho ba việc: Một là thu lại cái vốn đã bỏ ra và tiền thù phụng quan, hai là kiếm chút phẩm hàm và ăn khao, ba là kéo lại một tí lãi.
Ở trong nhà, ông thường ngồi buồng khách, tức là cái chái hướng tây nam. Trước kia, phía ấy là tường. Nhưng từ ngày làm lý trưởng, ông phá ra làm cửa, và xây bực lên xuống. Trong buồng, ông kê tủ chè, sập, bàn, (cái này để hứng bụi hơn là để viết) và vài chiếc ghế đẩu đặt sát tường. Trên tường, phía cao nhất, ông treo ảnh vua. Sau bàn giấy có tranh hồ Hoàn Kiếm vẽ sơn, mua của hàng bán rong, và hai bên, hai cái tay thước mộc.
Ông đã quá niên hạn để từ dịch, nhưng còn làm nữa để mong có chút phẩm hàm. Vả lại làm việc mà quan nể, dân kiềng, ông vẫn tự hào rằng từ xưa đến nay làng Từ Lâm mới có mỗi mình ông. Cho nên tội gì bỗng dưng nhường quyền hành cho người khác.
Làng Từ Lâm là một làng có độ năm trăm đinh, chỉ sống về cày cấy. Hồi chữ nho còn thịnh, dăm ba mươi năm lại có người tên chiếm bảng vàng. Cho nên dân rất trọng vọng. Bởi thế ông tú Lịch phải ra chánh hội từ ngày làng bắt đầu cải lương. Hiện nay nho học chỉ còn có mỗi mình ông thư ký có chân nhị trường.
Dân Từ Lâm ít đi ra ngoài. Người ta đổ vì hướng đình nên làng không có đất xuất ngoại. Ngày xưa một vài người thử đi buôn bán ở phố huyện, nhưng người thì chết, người thì lụn bại. Các cụ nói rằng đình làng xưa kia quay ra mặt sông, nhưng một ông phù thủy Tầu sai quân môi khênh có một đêm, xoay trái hẳn lại. Bởi vì, nếu cứ để nguyên đình hướng trước, thì sau cũng có người sang làm vua bên Tầu.
Dân không được học Pháp-Việt, vì không có trường, có lẽ họ thấy sự học không cần lắm. Phải, ruộng tốt, mưa hòa gió thuận, làng xóm được bình yên có do dân biết chữ đâu. Bởi thế làng Từ Lâm là cái đảo nổi trên biển ruộng hoa lý, thì dân cũng như sống trong một thế giới riêng, không quan tâm gì đến việc xẩy ra hàng ngày của các làng bên cạnh, làng ở xa đường cái chánh xứ độ ba cây số, có lối nhỏ đi vào ruộng vừa hai bánh xe tay. Nhưng xe tay không thể vào đến tận làng, vì quãng ấy, nhiều chỗ sụt hẳn bằng mặt bờ ruộng. Hễ mùa mưa đến thì đỉa ở bên đường nọ có thể sang tán chuyện với bạn ở bên đường kia. Gián hoặc cũng có chỗ cao ráo phẳng phiu, nhưng lại hay bị người tát nước xẻ ra và cứ để mặc kệ như thế.
Đường trong làng thì quanh co và hẹp, gồ lên thụt xuống như mặt sóng, đó là vết trâu đi. Cành cây hai bên mọc chìa cả ra giữa, ít lúc đường được khô hẳn. Nhất là những nơi người ta buộc trâu, thì muỗi bay tung hoành, và cả một khu đất nhuộm màu đen, xông lên một hơi nồng nặc.
Dân Từ Lâm ăn nước ở ao chùa. Vì vậy răng họ không phải nhuộm công phu, tự nó cũng đã như cải mả. Đứa trẻ nào cũng giống đứa trẻ nào ở chỗ da đen, mắt toét, bụng ỏng và đít vòn. Người lớn cũng giống nhau ở đôi con mắt, người thì có con ngươi trắng bệch, người thì động ra gió là phải rụi lông mi, người thì mắt thâm quầng, lúc nào cũng có rỉ. Hình thức đã giống nhau thì tinh thần cũng tương tự. Bởi thế phần đông họ có sự hiểu biết kém sự hiểu biết của ông lý làng họ. Mà sự hiểu biết của ông này lại chưa to bằng cái búi tóc của ông ta.
Quanh năm, người ta chỉ nghĩ ăn, ăn của nhà, ăn của làng. Bởi thế, tục hương ẩm rất nặng. Có đám xá thì đứa bé lên tám cũng mượn khăn áo ra lễ đình để ngồi xếp hàng bằng tròn ở hành lang, nhai trầu bỏm bẻm, chờ đủ bốn người một cỗ để uống rượu. Chúng cũng nốc khỏe ngang với người lớn và không nói với nhau câu nào, cắm cổ ăn mau để được nhiều. Ăn xong chúng đem gói phần về chia cho cả nhà. Chúng chỉ có một điều ước muốn là mau cho chóng lớn để được ngồi hẳn trên đình, cỗ sang hơn, lại có người hầu hạ.
Bởi thế, quan nào về trọng nhậm huyện ấy cũng khen dân làng Từ Lâm thuần và khuyên làng khác nên theo, theo gương tốt của làng ấy.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét