Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

Cái Thủ Lợn - Ch 23

Cái Thủ Lợn

Tác giả: Nguyễn Công Hoan
ĐỜI MỚI xuất bản 1945

23

Hai bên ngang phiếu nhau. Phải bầu lại. Tời bị xe cáng dằn vặt, nên được chết trước định mệnh.
Đó là một mối lo cho Liễu, mà là một tin mừng cho Trung.
Vì vậy, cuộc giam cử tri lại càng nghiêm ngặt. Chỉ vợ con họ có thể đến thăm được mà thôi. Dù cha mẹ ốm nặng, họ cũng không được về. Mà có vạn bất đắc dĩ phải về thì một người trong bộ tham mưu phải cùng bốn gia đinh thân tín vác dáo mác đi hộ vệ. Bởi vì, ngoài hàng rào nhà người ứng cử, sự trung thành của cử tri không còn đảm bảo nữa. Nhất là Liễu, bây giờ đến trăm bạc một phiếu cũng không dám tiếc.
Liễu lo lắm. Sự thua chắc rõ mười mươi. Mà không sao cướp được của bên kia một người.
Gia dĩ ngày bầu đã đến gần.
Ông mời Bút vào buồng để bàn việc:
- Thế nào, bác có giúp tôi kế gì không? Còn có hai hôm nữa thôi. Không được phen này thì mất toi ngót hai nghìn đồng bạc.
Bút gật:
- Phải, đến hai nghìn. Hơn nửa tháng nay, hôm nào cũng cỗ bàn, hát xướng, phiện phò. Lại tiền đút lót các cửa. Hay bác chạy lên quan chăng.
Liễu lắc đầu:
- Không tin quan được, ông ấy xử nước đôi, tôi biết, vì Trung nó khấn ông ấy ngần ấy. Đút tiền để ông ấy khỏi làm khó dễ về sau, chứ việc mình, mình phải lo, ông ấy giúp gì được.
Rồi nghĩ ngợi một lát, Liễu hỏi:
- Bên kia có ai hay nhị tâm không? Bác nghĩ hộ.
Bút cười:
- Tất cả! Chẳng ai nhất tâm đâu! Cả người bên mình cũng vậy. Chỉ làm được cách gì đem được tiền ấn vào tay họ, là họ về bên mình ngay. Nhưng mắc cái nó canh ngặt quá, không tài nào cho người lọt vào được.
Liễu gật, quả quyết nói:
- Được, tôi có cách.
Bút mừng rỡ, hỏi:
- Cách gì?
- Ai sợ vợ nhất bọn, trong phe Trung?
Bút rũ lên cười:
- Tôi hiểu rồi. Ông đám Bái, bác ạ. Kế ấy diệu đấy.
Thế là Liễu dùng ngay bà đám Bái làm gián điệp cho mình.
Hành trình cuộc thu xếp ấy không dễ dàng đâu. Nó phải đi như thế này:
Đêm hôm ấy, nhà Bái bị một bọn cướp bôi mặt nhọ vác khí giới vào. Làng độ này có canh phòng gì đâu. Bao nhiêu tuần phải chia nhau phục dịch cả hai nhà có việc. Vì bọn cướp đến bất thình lình nên bà đám không kịp kêu. Chúng nhét giẻ vào mồm bà, giơ dao trước ngực và dọa:
- Hễ kêu các quan đâm chết!
Chúng trói đầy tớ mỗi người một cột.
Bà Bái mê mẩn, mềm nhũn như cái xác vừa chết, nói không ra hơi:
- Lạy các quan, các quan lấy gì thì lấy, các quan tha chết cho con.
Quân gian lần chìa khóa, lục lọi các hòm, tủ. Nhưng bỗng thình lình! Có tiếng đạp cổng.
Bọn cướp luống cuồng chực tẩu thoát, nhưng sáu, bảy người ở ngoài đã vào.
Hai bên đánh nhau túi bụi.
Bà Bái, trong cơn mê hoảng, chỉ nhận được mặt mỗi một người can đảm cứu mình: người đó là ông chánh hội Liễu.
Mười phút sau, bọn gian phi chạy thoát, Liễu cởi trói cho bà Bái và người nhà.
Khổ chủ thở hổn hển, rồi ngồi thụp xuống đất, lạy ông chánh hội hai lạy, Liễu vờ hỏi:
- Ông Bái đâu?
Bà Bái thở dài gạt nước mắt đáp:
- Khổ quá, thưa ông, đến mười hôm nay trong ông Bá giữ rịt có cho về đến nhà đến cửa đâu.
Liễu cau mặt, dậm chân:
- Chết thật!
Bà Bái xúc động nghiến răng gọi đầy tớ:
- Mày có đến đằng ông lý gọi ông Đám về không? Nó cướp hết của, nó giết hết người rồi đây này!
Liễu can:
- Bà đừng nóng nảy quá. Người ta chả cho ông ấy đi đâu. Đến cụ Tời chết, mà ông xã Tế là cháu gọi bằng bác ruột cũng chả được về đưa nữa là.
Bà Đám thở dài:
- Phúc cho nhà tôi quá, may ông đến cứu chứ không còn gì là của, là người.
Rồi bà têm trầu mời Liễu, Liễu nói:
- Tôi tiếng bận thì bận, nhưng không bao giờ chểnh mảng việc làng, dẫu canh phòng có phải công việc tôi đâu. Chính từ trưa hôm nay, tôi đã nghe hết bọn cướp này định vào đây. Nhưng tôi không tài nào giáp được ông ấy mà mách cả.
Bà Bái nói:
- Giã ơn ông.
Liễu tiếp:
- Cho nên tôi phải rình để cứu bà.
- Phúc đức quá! Tôi biết lấy gì để đền ơn ông bây giờ.
Liễu yên lặng, bà Bái than thở:
- Thế mà, khổ quá, nhà tôi lại đi bầu cho ông Bá Trung!
Liễu cười. Lúc ấy người đi gọi ông Bái đã về, nói:
- Thưa, cụ bá không cho tôi giáp ông Bái.
Bà Bái nhẩy lên chồm chồm:
- Lấy lẽ gì, sao mày cứ sấn vào có được không?
- Nhưng cụ Bá bảo ông Bái nhức đầu phải nằm nghỉ.
- Lại chết với mấy con nhà trò chứ ốm đau gì.
Liễu khích:
- Dễ m thật đấy chứ, bà tính ngày nào cũng rượu, đêm nào cũng thức, rồi phiện, rồi gái, làm gì mà không ốm. Chính tôi đây cũng có được khỏe đâu.
Bà Bái càng nóng ruột toan nói, nhưng Liễu hỏi tranh:
- Thế ở đây có cướp vào, trong ông Bá có biết gì không?
- Bẩm không.
Liễu lắc đầu, bà Bái nóng nảy hơn, nói:
- Đấy ông xem. Thế thì quá quắt lắm. Tôi đã bảo nhà tôi ở nhà, thì không nghe. Ông ạ, hôm nọ thằng bé ngã từ trên hè xuống sân suýt chết đấy. Khổ quá, ai lại bỏ nhà bỏ cửa từ hôm ấy không đảo qua về bao giờ.
Liễu can:
- Bà đừng trách ông ấy, người ta ai chẳng tham tiền.
Bà Bái cáu:
- Tiền! Tiền! Ông bảo được bao nhiêu. Được mấy chục đồng bạc, còn đem về cho tôi một xu, tôi cứ chết. Mà tôi cũng dơ mặt chẳng thèm hỏi. Lại chết về gái thôi.
- Mà không khéo thì mắc nghiện chứ lành à.
Bà Bái tức:
- Mai tôi đến bắt nhà tôi về, không thì tôi làm cho tan hoang, chứ không thể để yên thế được.
Liễu lắc đầu:
- Không nên, bà nên giữ giá trị cho ông ấy. Rồi không khéo người ta lại bảo tôi xui bà. Vả bên ông lý đang hơn tôi một người, đời nào ông ấy để cho bà lôi ông Bái về.
- Ông cứ mặc tôi, tôi bắt nhà tôi về, về để lễ sống ông hai lễ.
Liễu xua tay:
- Ấy chết bà chớ! Tôi không dám. Tôi tưởng bà bắt ông ấy về bỏ phiếu cho tôi, tôi đã mừng.
Nói đoạn, Liễu cười hà hà như cười một câu nói đùa không đâu, rồi tiếp:
- Ấy hai bên, phen này chỉ hơn kém nhau có mỗi một phiếu. Về phần tôi nắm chắc cái thua, mà tôi thua thì tai hại chẳng kém gì mất cướp.
Bà Đám cảm động, thở dài:
- Ông biết như mất cướp, mà ông còn cứu cho gia tài người mất cướp. Thế mà người mất cướp lại vác mặt đi bầu cho người ra tranh với ông, thật là bạc quá.
Liễu nói tức:
- Nhưng ông ấy đương mê man, hiểu sao được lẽ phải như bà.
- Sao lại không hiểu, không hiểu, không yên được với tôi.
Liễu thở dài:
- Thế thì tôi đa tạ bà. Nhưng nếu bà bắt ông ấy về, và lại để ông ấy sang ăn uống bên nhà tôi, thì quyết bà mang thù mang oán, mà rồi ông lý trưởng bị thiếu phiếu, tất nghĩ mưu mẹo cướp người, có khi đến thành án mạng. Chi bằng bà cứ để vậy ông Đám ở bên ấy cho ông lý yên lòng. Rồi đến khi bỏ phiếu, ông Đám có yêu tôi thì viết tên tôi. Thế là êm thấm.
Thấy bà Bái nghĩ ngợi, Liễu tiếp:
- Còn tôi, tôi xin cam đoan giữ gìn nhà cửa hộ bà cho đến hôm bỏ phiếu xong.
Bà Bái đăm đăm đôi mắt, rồi đáp:
- Vâng, ông bảo thế nào tôi cũng xin nghe.
Liễu mừng rỡ:
- Xin bà giữ kín, đừng lộ cho ai biết, và bà nói cho khéo để ông ấy nghe theo.
- Ông đừng ngại. Tôi bắt nhà tôi làm gì không được.
Liễu móc túi, lấy chiếc phong bì dày, đưa bà Đám:
- Nhờ bà đưa cái này cho ông ấy hộ tôi.
Bà Đám mở ra thấy rặt giấy bạc:
- Ồ, ông lại cho nhà tôi tiền nữa ư? Tôi không cầm đâu.
- Không, mạnh về gạo, bạo về tiền. Hễ ông ấy thấy cái này, thì giá không muốn nghe bà cũng phải nghe. Tôi tốn kém kỳ này mấy nghìn, cho nên vài chục này có là bao. Bà không cầm, tôi cũng đến tiêu phí đi mất.
Bà Bái vốn tham lam, nói mấy câu lấy lệ, rồi nhận phong bì.
Liễu sung sướng:
- Thế bà tất lực hộ cho nhé. Từ nay đến hôm đầu phiếu, tôi không lại đây nữa đâu, sợ lộ. Nhưng ngộ ông ấy không nghe thì bà cho tôi biết ngay nhé.
- Ồ, ông tính người hay chó mà bảo không nghe.
Liễu cảm ơn bà Đám, đứng dậy ra về trong người nhẹ nhõm.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét