Thứ Năm, 3 tháng 11, 2022

Tiệm sách cũ Biblia Q 1 - Chuyện Thứ Nhất

Tiệm sách cũ Biblia Q 1

Tác giả - Mikami En
Người dịch: Việt Hà - Đỗ Phan Thu Hà
Hiệu đính: Hằng Nguyễn
Nhà xuất bản Văn Học - 2017

Tập 1 - Shioriko và những vị khách kỳ lạ

Về những câu chuyện kì bí mà sách cũ mang lại...

Náu mình trong một góc nhỏ của Kamakura, là một cửa hiệu có tên “Tiệm sách cũ Biblia”.
Chủ nhân là một cô gái trẻ xinh đẹp hoàn toàn không phù hợp với hình dung thông thường về những tiệm sách cũ. Cô còn là một người hướng nội, kém giao tiếp, một người không hề thích hợp để làm chủ một cửa hiệu.
Tuy nhiên, cô lại có kiến thức cực kì phong phú và uyên bác về sách cũ. Cô ấp ủ niềm đam mê cháy bỏng với sách vở cũng như những câu chuyện mà chúng truyền tải. Và, cô sẽ giải đáp mọi bí ẩn bên trong ấy như thể đã tận mắt chứng kiến vậy.
Đây là câu chuyện về “sách cũ” và những bí mật xoay quanh chúng.

Mở Đầu

Đó là chuyện vào một ngày của sáu năm về trước, tôi đang đi xuôi xuống một triền dốc ở Kita-Kamakura, rồi thả bộ trên con ngõ nhỏ nằm song song đường ray tàu điện...
Chiếc sơ mi trắng cộc tay thấm đẫm mồ hôi dính chặt vào lưng tôi. Tiếng ve phiền nhiễu inh ỏi bên tai, và dù hoa cẩm tú cầu vẫn còn khoe sắc khắp nơi, mùa mưa cũng đã kết thúc để nhường chỗ cho mùa hạ.

[Mùa mưa ở Nhật kéo dài từ đầu tháng Sáu tới giữa tháng Bảy hằng năm, sau khi xuân qua và trước khi hè tới, ban ngày lúc nào cũng u ám, độ ẩm cao, mưa nhiều. Mùa mưa cũng là mùa hoa cẩm tú cầu nở rộ khắp nơi, từ vườn nhà đến công viên, hai bên đường ray tàu hỏa, lối vào đền chùa... Chính vì thế, hoa này là loài hoa tượng trưng cho mùa mưa ở Nhật Bản].

Trừ mấy người có sở thích lướt sóng ra, dân cư ở đây đều không thích mùa hạ, vì oi bức quá. Bãi biển Yuigahama và Enoshima đã mở cửa, song chẳng đứa nào trong đám học sinh cấp hai cấp ba quanh vùng muốn tới đó bơi lội hay vầy nước, bởi du khách nhốn nháo đông đúc làm làn nước đục ngầu mỗi khi triều dâng đã khiến biển cả chẳng còn gì là hấp dẫn.
Bấy giờ tôi đang theo học lớp Mười một tại trường cấp ba của tỉnh, trường tọa lạc ở lưng chừng núi. Hôm ấy là Chủ nhật nhưng tôi vẫn đến trường, để lấy cuốn sách giáo khoa chẳng may bỏ quên. Bình thường tôi đều đi xe buýt, song lần này nhỡ xe, mà một tiếng mới có một chuyến, đành cuốc bộ ra ga JR để bắt tàu điện về nhà. Đường xá Kamakura khá nhỏ, ba mặt Bắc, Đông và Tây đều bị núi non trùng điệp bao bọc nên nhiều nơi đi lại vẫn chưa thuận tiện.
Bên tay phải tôi là sân ga dài kì lạ của ga Kita-Kamakura. Cửa soát vé duy nhất nằm ở bên kia đường ray nên tôi phải đi vòng khá xa mới sang được. Phía tay trái là một dãy nhà cổ nằm san sát, căn nào căn nấy đều có sân vườn với cây cối xanh mướt.
Ở ngõ này có một tiệm sách cũ hầu như chẳng mấy ai biết đến, hoặc biết nhưng không buồn để ý. Đó là một ngôi nhà lâu đời làm bằng gỗ, trước hiên đặt một tấm biển xoay cũ tới mức có khi chẳng còn xoay nổi nữa vì đã bám đầy gỉ sét, trên biển không có tên, chỉ có mỗi dòng chữ nguệch ngoạc: “Thu mua sách cũ - Định giá hợp lý”.
Tôi đã định băng qua tiệm sách cũ không rõ tên ấy, nhưng một diễn biến bất ngờ khiến tôi đổi ý. Cánh cửa gỗ lạch xạch trượt mở, một cô gái trẻ bước ra ngoài.
Trông cô giản dị trong chiếc sơ mi mỏng không tay màu trắng phối với chân váy xanh thẫm. Mái tóc dài tết lại, búi cao sau gáy. Cặp mắt to đen láy nổi bật trên làn da trắng ngần. Dưới sống mũi cao thẳng là đôi môi hồng xinh xắn.
Xem chừng cô lớn hơn tôi vài tuổi, và toát ra vẻ gì đó khác hẳn những người tôi từng gặp. Mặc dù có khuôn mặt xinh đẹp đến mức khiến người ta phải đứng lại chiêm ngưỡng, song trông cô không hề kiêu kì hay khó gần. Dáng điệu như một nhân viên đang chuẩn bị mở hàng, cô vừa đẩy chiếc xe cút kít ra ngoài hiên vừa chu môi như chim nhỏ, vài âm điệu kì quặc theo đó thoát ra.
Phù... Phù phù... Phù...”
Phải mất một lúc tôi mới nhận ra đó là tiếng huýt sáo, nó gây cho tôi cảm giác là cô gái này khá vụng về.
Tôi đứng ngây trên đường một lúc lâu, nhưng cô gái chỉ liếc tôi bằng ánh mắt ngờ vực đúng một lần rồi tập trung đẩy chiếc xe vào đúng vị trí của nó. Hình như đống sách chất trên xe là sách giảm giá, vì tôi thấy xe treo bảng gỗ với dòng chữ: “Đồng giá 100 yên”.
Đang chuẩn bị quay vào trong, cô gái bỗng khựng lại, nhìn tấm biển sắt rồi khẽ “Ơ” một tiếng, đưa tay xoay lại khiến nó kêu ken két. Khi mặt sau của “Thu mua sách cũ - Định giá hợp lý” hướng ra đường, tôi thấy dòng chữ: TIỆM SÁCH CŨ BIBLIA.
Thì ra đây là tên cửa tiệm, tôi nghĩ. Vậy là, nó không phải cửa tiệm khuyết danh...
Xong xuôi, cô gái nhẹ nhàng quay vào trong, chẳng hề để ý tới tôi.
Cô ấy là ai?
Theo tôi nhớ, chủ tiệm này là một người đàn ông trung niên tóc bạc cơ mà. Cô gái là sinh viên đến làm thêm chăng?
Tôi bước lại gần tấm biển “TIỆM SÁCH CŨ BIBLIA”, ngó qua khung kính trên cửa trượt, nhìn vào không gian sáng mờ bên trong. Đối diện với các giá kê là một quầy tính tiền chất đầy những sách. Giữa núi sách nho nhỏ, cô gái ngồi đọc một cuốn sách to đùng với vẻ mặt chăm chú. Thậm chí từ ngoài cửa, tôi còn thấy rõ đôi mắt tròn to như sáng bừng lên sau cặp kính cận. Thỉnh thoảng cô bật cười khúc khích hoặc gật đầu thật mạnh, không lúc nào ngồi yên.
Trông có vẻ yêu sách quá nhỉ!
Đây là trạng thái mà người ta vẫn gọi là “quên hết tất cả” đây. Tôi bất giác sinh lòng ngưỡng mộ, vì chưa bao giờ thấy ai đọc sách với biểu hiện sinh động và chìm đắm nhường ấy, dù trông thì hơi kì quặc. Cô đang đọc cái gì vậy? Thú vị đến thế sao?
Tôi đặt tay lên cánh cửa trượt, rồi lại buông thõng xuống. Hỏi những câu đó là vô nghĩa khi mà tôi chẳng hề có duyên với việc đọc sách. “Cơ địa” tôi nó như thế.
Mang theo cảm giác chán chường, tôi rời khỏi tiệm sách Biblia, tiếp tục tiến về phía cổng soát vé. Hình ảnh thiếu nữ đọc sách trong cửa tiệm mờ tối vẫn đọng lại tâm trí tôi như một bức họa sắc nét. Dù ý nghĩ “Hay mình quay lại bắt chuyện với cô ấy?” còn vấn vít đầu óc tới tận lúc vào sân ga, nhưng rốt cuộc tôi chẳng làm gì cả, cứ thế lên tàu điện tuyến Yokosuka để về nhà.
Tôi không cho rằng quyết định của mình là kì lạ. Chỉ những người thực sự tài giỏi mới có thể nắm bắt cơ hội tình cờ và biến nó thành một điều gì đó. Còn tôi, tôi là một người bình thường hành động theo cung cách bình thường mà thôi.
Tuy vậy, cho đến bây giờ, đôi khi tôi vẫn bất giác hình dung, nếu lúc đó mình vào tiệm sách trò chuyện với cô gái nọ thì mọi sự sẽ diễn biến thế nào. Biết đâu từ khoảnh khắc ấy, cuộc đời tôi sẽ chuyển hướng ít nhiều!
Thôi, trên đời này vốn dĩ không có chuyện “nếu”. Cứ nghĩ mãi về nó cũng chẳng thay đổi được gì.
Tôi xin phép nói thêm một chút.
Đây là câu chuyện về sách cũ, về một vài cuốn sách cụ thể và những người liên quan đến chúng.
Sách mà qua tay nhiều người, thì ngoài câu chuyện nằm ở phần nội dung ra, chúng còn chứa đựng câu chuyện của chính bản thân chúng. Câu này không phải do tôi nói, tôi dẫn lại của người khác thôi, nhưng cảm thấy chí lý.
Tuy nhiên các bạn nên lưu ý, không phải truyện nào ở đây cũng nói về những điều tốt đẹp. Sẽ có cả những điều xấu xí khiến người ta chẳng muốn nhìn đến, nhưng chúng vẫn tồn tại khách quan, như mọi sự việc khác trên đời.
Tên tôi là Gora Daisuke, năm nay 23 tuổi. Cuốn sách cũ liên quan tới tôi là Soseki toàn tập.
Tôi sẽ bắt đầu bằng câu chuyện này.

Chuyện Thứ Nhất

Soseki toàn tập của Natsume Soseki
(Phiên bản shinsho - Iwanami Shoten phát hành)

[Phiên bản shinsho: Phiên bản bìa mềm bỏ túi theo quy chuẩn của Nhật, thường có hai kiểu kích thước 106 mm x 173 mm, hoặc 103 mm x 182 mm]

Từ khi còn nhỏ, tôi đã không thể đọc được sách. Những cuốn sách chỉ toàn chữ là chữ lại càng kinh khủng. Cứ lật các trang hồi lâu là tôi bắt đầu khó chịu, trống ngực đập thình thịch, tay vã đầy mồ hôi, bụng dạ nôn nao. Có thể nói, tôi mắc hội chứng sợ đọc sách.
Vì thế tôi đã gặp nhiều khó khăn trong suốt quãng đời học sinh của mình, bởi môn nào cũng kèm theo một cuốn sách giáo khoa chi chít chữ. Với những môn chỉ cần nghe giảng và chép bài thì không sao, nhưng với những môn bắt buộc phải đọc sách giáo khoa như Tiếng Anh hay văn học hiện đại thì điểm số của tôi lẹt đẹt vô cùng. Chỉ cần nghe thấy cụm từ “đọc hiểu” là tóc gáy tôi dựng đứng hết cả lên.
Tôi đã từng trao đổi với mẹ và thầy cô về vấn đề này, nhưng nhận về toàn lời an ủi, rằng đã ghét đọc sách rồi thì đành chịu vậy, mỗi người một khuynh hướng riêng là lẽ dĩ nhiên thôi, nên tôi không cần lo lắng thái quá làm gì.
Tôi biết ơn trước sự thông cảm ấy, nhưng gia đình và nhà trường đã hiểu sai vấn đề. Tôi không ghét đọc sách, ngược lại còn thiết tha muốn đọc, chỉ là thể chất tôi kháng cự hoạt động đó mà thôi.
Việc bị hiểu lầm, một phần là do tôi giải thích không đủ rõ ràng, một phần khác là vì bề ngoài của tôi. Trông tôi xa lạ với sách vở. Dù ở bất cứ nơi nào, tôi cũng cao lớn hơn, vạm vỡ hơn mọi người xung quanh. Nhìn qua thì dễ dàng bị xếp vào loại đầu óc ù lì tứ chi phát triển, cho nên thường xuyên được tuyển đi thi đấu hoặc tham gia lễ hội thể thao, chưa kể suốt ngày bị các câu lạc bộ thể thao mời chào gia nhập.
Nhưng, sự thật là tôi không hề có hứng thú với các môn vận động. Tôi thích sách và thời đi học còn đăng kí làm thành viên thường trực của thư viện trường, lo việc sắp xếp giá sách, một việc mà chẳng ai thích làm. Bấy giờ thú vui của tôi là đứng trước các giá, tuần tự lướt mắt khắp dãy gáy sách. Chỉ cần tưởng tượng nội dung chứ đừng lật xem bên trong, thì tôi sẽ không sao cả.
Kể ra thì, “cơ địa” này của tôi không phải là bẩm sinh. Nó bắt đầu từ khi nào, tôi nhớ rõ. Nó liên quan đến bộ Soseki toàn tập, cũng chính là khởi đầu cho câu chuyện của tôi.

Chuyện xảy ra trước khi tôi vào tiểu học, trong một ngày xuân rả rích mưa phùn. Bấy giờ, tôi đang đọc sách một mình trên phòng khách tầng hai.
Có lẽ tôi nên giới thiệu sơ qua về ngôi nhà ngày ấy đã.
Nhà tôi ở Ofuna, khu vực nằm gần ranh giới giữa hai thành phố Yokohama và Kamakura. Du khách đi tàu JR chặng Tokyo - Kamakura nhất định phải đi qua nơi này.
Trên ngọn đồi thoai thoải nằm gần ga Ofuna có một pho tượng bán thân Quan Âm lớn. Xung quanh có hệ thống đèn chiếu để làm tượng thêm bề thế, nhưng nếu thình lình bắt gặp khuôn mặt trắng lóa đó qua tán cây, người ta cũng không khỏi giật mình. Ofuna, trừ việc nằm trong tầm mắt ti hí của pho tượng Quan Âm suốt 24 tiếng đồng hồ một ngày ra, thì gần như chẳng có gì đặc biệt.
Ngày xưa, ngoài tượng Quan Âm, Ofuna còn một điểm đặc sắc nữa là sở hữu một trong những trường quay phim ít ỏi của Nhật Bản, nhưng nó đã bị bỏ hoang từ khi tôi học cấp hai. Tôi chẳng biết gì về phim ảnh nên cũng không tường tận lắm, có điều theo lời bà ngoại kể thì đấy là nơi đã có đóng góp lớn cho thời là hoàng kim của điện ảnh Nhật Bản.
“Quán cơm Gora” nằm sát trường quay này chính là nhà tôi. Chúng tôi bán những món Nhật đơn giản bình thường, kiểu như katsudon* rắc đậu Hà Lan kèm củ cải muối.

[katsudon: cơm thịt heo cốt lết chiên xù]

Cụ ngoại tôi là người mở quán, rồi bà ngoại tôi tiếp quản. Nghe nói ngày xưa quán nhộn nhịp nhờ có nhân viên trường quay thường xuyên sang ăn cơm, nhưng kể từ khi tôi bắt đầu nhớ được thì, nói một cách dễ nghe, quán không thể gọi là đông khách.
Nguyên nhân không phải là do khách hàng đánh giá không tốt, mà là vì trường quay sản xuất ngày một ít phim, nhân viên cắt giảm theo, nên cuối cùng quán vắng đến nỗi bà tôi không thuê người làm nữa mà tự mình quán xuyến toàn bộ công việc.
Bà ngoại, mẹ và tôi, cả nhà ba người sống ở tầng hai của quán cơm. Bố mất trước khi tôi ra đời, mẹ bèn quay về nhà ngoại ở Ofuna và sinh tôi ở đấy. Nhân tiện thì, cái tên “Daisuke” của tôi là do bà ngoại đặt.
Mẹ làm việc ở một công ty thực phẩm bên Yokohama, nên người một tay nuôi dạy tôi chính là bà. Từ việc cầm đũa ăn đến tư thế gập người cúi chào, hễ làm sai là bà sẽ trút cho cả chục bài giáo huấn. Nói chung, dẫu là đứa cháu trai duy nhất của bà, tôi cũng chưa từng được bà cưng chiều. Tôi nhớ là thế.
Bà tôi trông hiền từ với cái cằm đầy đặn, nhưng ánh mắt lại sắc sảo đến lạ. Dung mạo giống hệt pho tượng Quan Âm trên đồi.
Rồi, quay lại với câu chuyện đang kể dở, hôm ấy tôi ngồi một mình trên tầng hai xem sách tranh, không nhầm thì là cuốn “Guri và Gura”*. Cho đến ngày hôm đó, cho đến giây phút đó, tôi vẫn là một đứa bé ngoan ngoãn thích đọc sách. Ngoài sách tranh ra, tôi nhớ là mình còn đọc vài cuốn văn học cho trẻ em có chứa phiên âm cho các chữ Hán, và hễ ra tiệm sách là tôi đều nài nỉ người lớn trong nhà mua sách mới cho tôi.

[“Guri và Gura” - Tác giả Nakagawa Rieko, minh họa Yamawaki Yuriko. Guri và Gura là tên hai nhân vật chính, hai con chuột đồng. Bản tiếng Việt do IPM phát hành năm 2017]

Sau khi đọc hết đống sách có trong tay, tôi bắt đầu thấy chán. Lúc ấy là cuối giờ ăn trưa, dưới nhà vọng lên tiếng khách lao xao và tiếng ti vi. Muốn ra ngoài chơi nhưng trời lại mưa nên đành thôi. Tôi rời khỏi phòng khách, lẻn sang phòng bà ở cuối hành lang. Đó là một căn phòng nhỏ kiểu Nhật quay mặt về hướng Bắc, trần thấp. Nhà chúng tôi đã xây đi sửa lại, cơi nới nhiều lần nên cấu trúc của các căn phòng có nhiều chỗ không được bình thường cho lắm.
Bà ngoại từng cảnh cáo tôi là không được tự tiện vào phòng bà, nhưng tôi vẫn cố tình vào đó, với mục đích tìm sách mới để đọc.
Có một chiếc tủ to nằm choán hết một mặt tường, dĩ nhiên trên ấy xếp đầy sách của bà. Thời còn con gái, người bà trông giống Quan Âm Bồ Tát của tôi từng là một thiếu nữ yêu thích văn chương. Nghe nói có bao nhiêu tiền tiêu vặt nhận được khi phụ giúp quán ăn gia đình, bà đều dành dụm để mua sách.
Sách của bà phần lớn là tác phẩm văn học từ thời Minh Trị và Đại Chính*, tôi bé bỏng của ngày ấy dĩ nhiên không thể nào đọc được số sách này rồi.

*[Thời kì Minh Trị 1868-1912. Thời kì Đại Chính 1912-1926]

Tuy nhiên, nhiều sách như thế biết đâu lại có một hai cuốn cho thiếu nhi? Ấp ủ hi vọng ấy, tôi lẻn vào phòng bà tìm kiếm.
Tôi rút từng cuốn sách ra, lật lươn lướt để kiểm tra vì vẫn chưa đọc được chữ Hán. Xem xong, tôi vứt bừa ra xung quanh chứ không cất chúng vào vị trí cũ, cuối cùng tôi cũng chẳng biết là mình đang tìm sách hay đang bày trò nghịch ngợm với đống sách nữa.
Mãi tới khi tủ sách đã trống lỗ chỗ, tôi mới để ý đến một cái hộp xếp đầy những cuốn sách cỡ bỏ túi đặt ở ngăn dưới cùng. Lúc ấy tôi có một niềm tin tưởng kì lạ rằng, sách nhỏ như vậy chắc là sách cho thiếu nhi đây! Tôi ghé sát mặt vào để xem nhan đề in trên gáy. Hầu như đều là chữ Hán, chỉ duy nhất một cuốn có tên viết bằng chữ mềm.

[Chữ mềm: chữ Hiragana, chỉ cần học thuộc bảng chữ cái là đọc được. Chữ Hán thì vì nhiều nét, cùng một chữ lại có vài cách đọc khác nhau nên khó học hơn. Trẻ em sẽ tiếp xúc với chữ mềm và chữ cứng (Katakana) trước khi học chữ Hán]

Tôi chầm chậm đọc từng chữ một, “Từ...ấy...”.
Sách gì đây? Đang định rút nó ra xem thì một giọng nói trầm thấp vang lên phía trên đỉnh đầu khiến tôi giật thót. “Cháu làm gì thế?”. Tôi quay lại thì thấy bà đứng đó, trong bộ đồ nấu bếp, nhìn xuống tôi. Bà lên tầng hai từ lúc nào nhỉ? Ánh nhìn từ đôi mắt hẹp dài y hệt mắt Quan Âm Bồ Tát khiến tôi sợ đến phát run, cuối cùng ngã phịch xuống chiếu giữa mấy chục cuốn sách nằm bừa bãi xung quanh.
Ngoài việc cấm tôi vào phòng, bà còn dặn tôi thêm một điều khác nữa mà tới giờ tôi mới sực nhớ, rằng dù sơ suất bước chân vào phòng bà đi chăng nữa thì cũng không được động tới sách vở ở đây, bởi đó là những thứ quý giá nhất đối với bà.
Tôi biết mình nên làm gì trong trường hợp này. Bà nghiêm khắc thật đấy, nhưng nếu tôi thành khẩn xin lỗi thì bà sẽ bỏ qua thôi, giống như cái lần tôi đem tất cả đống ghế dưới quán ăn xếp thành đường hầm để chơi. Nghĩ vậy, tôi quỳ xuống chiếu, nói “Xin lỗi bà” và cúi đầu thật thấp.
Thế nhưng, bà phản ứng khác hẳn dự đoán của tôi. Bà thô bạo túm lấy vai tôi, kéo dậy rồi tát liền hai cái vào mặt bằng tất cả sức lực của một người trưởng thành khiến tôi ngã chúi xuống, tay chân đập mạnh vào đống sách xung quanh. Tôi còn chưa kịp khóc, bà đã lại túm dậy, kéo tôi lại gần đôi mắt Quan Âm Bồ Tát trợn trừng với bảy phần lòng trắng làm tôi sợ đến nỗi suýt tè ra quần. Đó là lần đầu tiên tôi bị bà đánh như thế, cũng là lần cuối cùng.
“Cháu không được phép đọc cái này”. Bà quắc mắt nhìn tôi, nói bằng giọng khô khốc. Như để khẳng định, bà cảnh cáo thêm, “Nếu tái phạm, cháu sẽ không còn là con cháu nhà này nữa đâu”.
Tôi gật đầu, im thin thít.
Thành thật mà nói, tôi không phải là nhà tâm lý học nên khó lòng khẳng định được rằng sự cố kể trên đúng là nguyên nhân dẫn đến “cơ địa” của mình. Cho đến ngày trưởng thành, câu hỏi “liệu đây có đúng là nguyên nhân không” vẫn cứ luẩn quẩn trong đầu tôi. Chỉ biết sau khi hứng chịu cơn thịnh nộ khủng khiếp của bà, tôi bắt đầu mắc hội chứng sợ đọc sách. Dĩ nhiên, tôi cũng không vào phòng bà thêm lần nào nữa.
Chẳng rõ bà phát hiện ra sự thay đổi của tôi từ bao giờ, vì chúng tôi không hề đả động gì đến chuyện trong suốt những năm qua. Có thể nó cũng là một kí ức không mấy vui vẻ đối với bà.
Một ngày nọ, tôi vào bệnh viện gần nhà thăm bà, thì bà bỗng dưng chủ động nhắc tới chuyện năm xưa. Tính đến lúc ấy, cũng phải hơn mười lăm năm rồi.
- Cái hôm đánh cháu... Bà đã quá ngạc nhiên vì bắt gặp cháu ở phòng bà. Cháu chưa bao giờ vào đó cả, đúng không?
Bà nói như thể đang đề cập đến một chuyện mới xảy ra tuần trước, đột ngột tới mức tôi phải mất một lúc mới nghĩ ra là bà đang nói về chuyện gì.
Cả tôi và bà, so với hơn mười lăm năm trước, đều đổi khác đi nhiều lâm. Tôi trưởng thành và dĩ nhiên cao lớn hơn xưa, còn bà tôi, dáng nhỏ bé sẵn nay lại càng gầy gò. Sức khỏe ngày một yếu nên số lần bà tạm đóng hàng cơm cũng nhiều thêm lên. Ngoài trời mưa lâm thâm báo hiệu mùa mưa đã về, mà cứ đến thời điểm chuyển mùa là bệnh đau đầu của bà tái phát. Lần này, vì đau mãi không khỏi, bà phải nhập viện để kiểm tra theo dõi. Trong khi đó, tôi bận rộn với hành trình tìm việc. Vừa quay về từ buổi giới thiệu công ty là tôi vào đây thăm bà luôn nên không kịp thay quần áo. Phải thừa nhận là cảm giác khá kì quặc, khi mặc vest trên người mà đàm đạo về thời mình 5 tuổi.
- Bà vốn không định đánh cháu. Là bà có lỗi với cháu.
Đôi mắt trầm buồn nhìn xa xăm khiến tôi cảm thấy bứt rứt.
- Bà đừng nghĩ thế. Tại cháu tự tiện vào phòng bà mà không xin phép đấy chứ.
Tôi không hề giận bà vì trận đòn ấy, dù sao thì cả đời bà cũng mới đánh tôi có duy nhất một lần đó thôi. Tôi đã nói vậy, mà trông bà vẫn có vẻ buồn.
- Bà thường nghĩ nếu cháu đọc được sách, chắc hẳn cuộc sống của cháu đã khác rồi.
Cũng có thể, tôi vừa nghĩ vừa day day cặp lông mày. Vào đại học, tôi đã không cố để đọc được sách nữa, mà gia nhập câu lạc bộ Judo của trường như lời mọi người khuyên. Trong bốn năm ấy, tôi đã lấy được đai đen, thậm chí còn tham gia giải đấu của tỉnh và giành được thứ hạng cao trong hạng cân của mình. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi trở nên cao to và khỏe mạnh hơn nhiều so với trước kia, vai và cổ nảy nở rắn chắc, dáng vóc đẹp đẽ hẳn ra.
- Giờ thì cháu có không đọc được sách cũng không sao rồi ạ.
Tôi nói, nhưng chỉ có một nửa là thật tâm thôi. Đúng là cuộc sống thời đại học của tôi khá ổn, song tôi vẫn nghĩ rằng nếu có thể đọc sách thì chắc chắn tôi đã làm được nhiều việc khác nữa.
- Vậy à? - Bà thở dài rồi nhắm mắt lại.
Khi tôi tưởng bà đã thiếp đi, thì bà lại tiếp tục hỏi.
- Cháu sẽ lấy người như thế nào nhỉ?
- Dạ?
Tôi ngớ cả người vì đề tài trò chuyện của bà thay đổi quá đột ngột. Cũng giống như khi nhắc tới sự cố hồi tôi 5 tuổi, từ nãy đến giờ, những chủ đề của bà chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Lạ ghê!
- Bây giờ còn quá sớm để nói tới chuyện kết hôn của cháu mà bà.
Qua cánh cửa phòng để mở, tôi nhìn ra các y tá ngoài hành lang, bụng bảo dạ, có lẽ gọi một người vào đây với bà sẽ tốt hơn.
- Cháu mà lấy được một cô gái thích đọc sách thì hay biết mấy nhỉ. Vì cháu không đọc được sách nên con bé sẽ là người kể các câu chuyện thú vị cho cháu nghe. Mà, người thích đọc sách thường cũng chỉ thích những ai giống họ, nên việc này chắc hơi khó rồi. - Bà vừa cười vừa nói.
Tôi không rõ bà muốn trêu chọc tôi hay chỉ thuận miệng nói lung tung thế thôi. Dù sao đi nữa, tôi vẫn cảm thấy hôm ấy bà rất kì lạ. Rồi, chừng như sực nhớ điều gì, bà tiếp:
- Khi nào bà mất, hai mẹ con muốn xử lý số sách đó ra sao cũng được.
Tôi có cảm giác mình vừa bị tạt một gáo nước lạnh. Vốn không phải kiểu người đủ khả năng giữ bình tĩnh để cư xử điềm đạm trong những trường hợp thế này tôi lắp bắp:
- B... bà nói gì thế ạ? Bây giờ vẫn còn quá sớm để nghĩ đến chuyện đó cơ mà?
Ông và bố đã qua đời trước khi tôi được sinh ra, thế nên đấy là lần đầu tiên tôi nghe những lời như vậy từ người thân của mình. Bà khép mắt lại với một nụ cười buồn. Chắc chắn bà đã nhận thấy tôi bối rối nhường nào.
Kết quả kiểm tra cho biết bà có một khối u ác tính trong não. Thời gian của bà không còn nhiều. Dù không được ai thông báo điều này, song tôi nghĩ bà đã biết tất cả qua thái độ của mẹ và tôi. Chẳng có gì qua được đôi mắt Quan Âm Bồ Tát cả.
Đến lúc ấy, rốt cuộc tôi cũng hiểu được tại sao bà lại nói những lời như vậy.
Đó là những lời cuối cùng bà muốn nói với tôi, đứa cháu trai duy nhất.
Vào một ngày nóng bức của tháng Tám năm 2010, hơn một năm sau đám tang bà ngoại, tôi mới nhớ tới đống sách mà bà để lại cho hai mẹ con.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vẫn ở nhà cũ tại Ofuna. Tầm trưa hôm đó, tôi vừa thức dậy thì nghe tiếng mẹ gọi ngoài cửa phòng.
- Thất-nghiệp-suke, ra đây mẹ bảo!
Sao mẹ lại ở nhà vào giờ này, lẽ ra phải đi làm chứ? Tôi thắc mắc mất một lúc mới sực nhớ hôm nay là Chủ nhật. Kể từ khi tốt nghiệp, tôi không còn phân biệt nổi ngày tháng trong tuần nữa rồi.
Tôi ngáp dài bước ra, liền trông thấy căn phòng nằm cuối hành lang đang để cửa mở. Chắc là mẹ ở trong phòng bà.
- Ai da!
Tôi bước vào xem sao, thì trán đập vào rầm cửa làm nó rung lên, kêu cọt kẹt.
- Mày làm cái gì thế hả, Thất-nghiệp-suke? Đừng có phá nhà nữa!
Mẹ đứng giữa phòng, đầu gần chạm vào cái đèn treo trên trần. Mẹ là một người khá cao lớn, mặc dù không cao bằng tôi.
- Tại cái rầm cửa thấp đấy chứ ạ.
Tôi ôm đầu cãi lại. Như lúc trước đã nói, nhà tôi cơi nới vài lần rồi nên có nhiều chỗ hơi kì quặc. Rầm cửa này chỉ thấp hơn cửa thường có vài centimet, nhưng đó cũng là cả một rắc rối đối với tôi.
- Thế không phải tại mày vẫn đang mơ ngủ à? Đã có ai đập đầu vào đấy như mày chưa?
Tôi không cho là vậy. Trên rầm cửa dán một miếng cao su màu đen, nó hiện diện ở đó trước cả khi tôi có thể nhận thức mọi thứ xung quanh, nên chắc chắn đã có người từng va vào cửa giống tôi rồi, chứ nếu đúng là chỉ có một mình tôi vụng về như thế thì cũng thật đáng buồn.
- Mẹ đang dọn dẹp đồ của bà... - Mẹ ngừng một chút rồi thở dài. - Nào, ngồi xuống đi, hai người lừng lững thế này cùng đứng nói chuyện thì vướng lắm.
Thế là tôi khoanh chân xếp bằng, đối diện mẹ đang ngồi quỳ trên chiếu. Mẹ có khuôn cằm rộng, đôi mắt hẹp dài và có thể tuôn ra những lời nghiêm khắc với gương mặt hết sức bình thản. Không kể tới chiều cao thì mẹ giống hệt bà. Dù trên mẹ còn hai người chị nữa, mẹ vẫn là người giống bà nhiều nhất.
Song, mẹ tôi chẳng vui vẻ chút nào về việc thừa hưởng mọi đường nét từ bà, ngược lại còn thấy khó chịu nữa cơ. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ và bà nói chuyện bình tĩnh với nhau được quá năm phút. Có khi mẹ không ở nhà giúp việc quán cơm mà đi làm tận Yokohama chỉ vì không muốn chạm mặt bà hằng ngày cũng nên.
Mẹ nói:
- Qua giỗ đầu của bà rồi. Chúng ta dọn dẹp dần đi là vừa.
Xung quanh chúng tôi lúc này là hàng đống thùng các tông to nhỏ khác nhau. Ngoài quần áo và trang sức đã được chia cho hai bác gái, các đồ dùng khác vẫn y nguyên như hồi bà còn sống. Dù không hiểu tại sao qua giỗ đầu thì phải dọn dẹp, nhưng thôi, sớm muộn gì mà chẳng phải dọn cơ chứ.
Tôi bồn chồn, ngọ nguậy không yên và cảm thấy không thoải mái khi ngồi trong phòng này. Cảnh tượng căn phòng bừa bãi gợi cho tôi nhớ tới chuyện hồi 5 tuổi. Để xua mẩu kí ức không vui vẻ gì ra khỏi đầu, tôi nhìn quanh phòng một lượt và ngạc nhiên khi nhận ra tủ sách choán hết một mặt tường giờ đã trống không. Chẳng còn cuốn sách nào trên đó nữa.
- Sách của bà đâu cả rồi ạ?
- Ở trong này. Mẹ đã bảo là đang dọn đồ rồi còn gì? Mày không nghe hả? - Mẹ vừa nói vừa đập đập vào mấy cái thùng bên cạnh. - Mày biết viện dưỡng lão gần Sekiya chứ hả? Mẹ có người quen công tác ở đó, họ đang thu thập sách để làm phòng đọc. Họ rất phấn khởi khi nghe mẹ bảo sẽ quyên góp toàn bộ chỗ sách nhà mình. Mẹ còn nói với người ta là Thất-nghiệp-suke sẽ mang sách tới cho nữa, đang rảnh mà...
- Sao ở đó mà mẹ cũng gọi con như thế?
Phải, Thất-nghiệp-suke chính là tôi. “Thất-nghiệp” là vì tôi không có việc làm và “suke” trong Daisuke tên của tôi. Mẹ đem ghép hai từ vào với nhau rồi gọi tôi bằng cái tên ấy suốt.
- Đúng quá còn gì? Ai bảo mày không có công ăn việc làm, cả ngày chỉ biết ngồi không.
- Cũng có phải con muốn vậy đâu.
Đến nay tôi vẫn chưa có một chỗ làm ổn định nào. Nói cho đúng thì cũng từng được một công ty xây dựng nhỏ ở Yokohama gọi đến làm việc, nhưng hồi tháng Hai vừa rồi nó tuyên bố phá sản, thành ra bây giờ tôi vẫn lay lắt trong quá trình tìm việc, lần nào cũng rớt từ vòng phỏng vấn do không tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng và chẳng có ưu điểm gì ngoài thể lực, lại còn đi xin việc vào đúng thời kì kinh tế suy thoái nữa.
- Tại mày kén chọn quá thôi. Sao không thử thi vào ngành cảnh sát hay Lực lượng Phòng vệ xem thế nào? Được thừa hưởng cơ thể cao lớn từ mẹ rồi thì phải cố mà tận dụng đi chứ?
Tôi không trả lời mẹ. Đây cũng không phải lần đầu tiên tôi được khuyên rằng nên thi vào Lực lượng Phòng vệ hoặc ngành cảnh sát. Tất nhiên đai đen Judo của tôi là một điểm cộng to đùng, song, trong bốn năm luyện tập, tôi hiểu rõ bản thân mình không phải kiểu người sẵn sàng chiến đấu để giành lấy phần thắng. Công việc chỉ cần sức khỏe và thể lực như cảnh sát hoặc Lực lượng Phòng vệ không có gì quá khó khăn, nhưng tôi muốn làm những công việc đời thường hơn, chứ không phải đi bảo vệ an toàn của người dân hay giữ gìn hòa bình cho đất nước.
- Nhưng, mấy cuốn sách này... - Tôi đổi đề tài, tạm thời không muốn đả động đến việc trở thành viên chức nhà nước. - Bà coi trọng chúng lắm mà mẹ? Đem tặng hết thế thì...
- Chẳng sao đâu. - Mẹ khẳng định, - Bà đã bảo là “Khi nào bà mất, hai mẹ con muốn xử lý số sách đó ra sao cũng được” rồi còn gì. Hay mày lại không để ý nghe?
- Con có nghe. Nhưng con nghĩ ý bà không phải là đem sách cho người khác đâu...
Mà mong muốn mẹ con tôi sẽ coi trọng chúng như bà đã từng. Mẹ lại lắc đầu:
- Vậy là mày không hiểu ý bà rồi. Câu cửa miệng của bà là “Người đã mất thì không thể mang theo bất cứ thứ gì cả”. Hồi ông mất cũng thế, bà đã đem cho toàn bộ đồ đạc của ông đấy thôi.
Nghe mẹ nói, tôi mới nhận ra rằng bà không hề lưu giữ bất cứ kỉ vật nào của ông. Ông ngoại trút hơi thở cuối cùng sau khi gặp tai nạn trên đường từ chùa Kawasaki Daishi về nhà. Theo lời người lớn kể thì sự cố xảy ra trong một ngày hè nóng nực giống hệt hôm nay, lúc ấy mẹ tôi mới bước vào lớp Một.
- Nếu mày muốn đọc thì mẹ để lại vậy?
Không, tôi không đọc. Đúng hơn là tôi không thể đọc. Dẫu có giữ lại, tôi cũng sẽ chỉ bày chúng trên giá sách rồi để yên đấy mà thôi. Có lẽ đem tặng cho những người cần chúng thì tốt hơn.
- Thôi, để con lái xe mang sách tới viện dưỡng lão ạ.
Tôi nhìn một vòng quanh phòng. Sách đã được nhấc ra khỏi giá nhưng chưa xếp hết vào thùng, vẫn còn một số nằm ngổn ngang trên chiếu. Nghĩa là bây giờ tôi phải cho chúng vào thùng trước đã.
- Ừ, mà đợi một chút, mẹ có chuyện này muốn nói.
Mẹ nhấc một chồng sách, đặt xuống trước mặt tôi. Chồng sách có khoảng ba mươi mấy cuốn, nhỏ và mỏng hơn sách thông thường, cỡ bằng một cuốn truyện tranh dành cho thiếu niên. Những kí ức không vui ùa về khiến tôi vô cùng khó chịu. Đây chính là những cuốn sách mà tôi định lấy xem vào ngày hôm ấy, trong căn phòng này. Hôm nay tôi mới để ý tới tên của chúng, Soseki toàn tập, và cuốn mà tôi từng rút ra là “Từ ấy” của Natsume Soseki.
- Mẹ sợ bà để quên tiền ở trong nên đã mở từng cuốn một để kiểm tra.
Mẹ còn làm thế nữa cơ à? Mặc kệ vẻ kinh ngạc của tôi, mẹ rút lấy “Quyển 8 - Từ ấy”, lật tờ bìa làm bằng giấy sáp mỏng ra rồi chìa tờ gác cho tôi xem.
- Và đây! Mẹ tìm thấy cái này.
Tờ gác không in gì cả, nhưng ở mé phải có hai hàng chữ viết tay bằng bút lông nét mảnh. Kích cỡ và khoảng cách giữa các chữ không đều lắm, khó mà nói là chữ đẹp được.
Natsume Soseki,
Tặng ngài Tanaka Yoshio.
Hàng “Natsume Soseki” được viết chính giữa trang, còn hàng “Tặng ngài Tanaka Yoshio” thì nằm dịch về phía bụng sách.

[Lưu ý là hai hàng chữ này viết theo lối Nhật, tức là viết dọc]

- Đây là bút tích của Natsume Soseki đúng không? Nếu thật thì tuyệt quá!
Mắt mẹ sáng lên vì vui thích, tôi thì ngược lại, chẳng thấy hào hứng chút nào. Là thật thì không nói làm gì, nhưng cũng có thể là giả lắm chứ. Tôi cầm lấy cuốn sách rồi mở ra, mùi giấy cũ lập tức bay khắp phòng. Những con chữ in trong sách khiến tôi thấy lạnh cả người. Tôi lật thẳng tới trang cuối cùng để xem thời gian, Iwanami Shoten phát hành, ngày 27 tháng Bảy năm Chiêu Hòa thứ 31. [Tức năm 1956]
- Là năm trước năm bà kết hôn này.
Nghe mẹ nói thế, tôi không khỏi thắc mắc. Bấy giờ Natsume Soseki vẫn còn sống sao? Tôi cứ tưởng ông ấy đã mất trước đó rất lâu rồi cơ.
- Người tên Tanaka này là ai vậy mẹ?
Tên bà tôi là Gora Kinuko nên chắc chắn đây không phải bà. Có điều, nếu Natsume Soseki thực sự đã kí tặng sách cho người này thì làm thế nào mà nó lại rơi vào tay bà tôi nhỉ?
- Mẹ cũng không biết. Có thể là chủ trước của cuốn sách chăng? Trông nó giống sách mua ở tiệm sách cũ mà.
Mẹ vươn tay lấy lại cuốn sách, lật nhanh từng trang. Bên trong kẹp một mảnh giấy cỡ bằng tấm danh thiếp chắc để ghi giá tiền của bộ sách, bên trên in dòng chữ mờ mờ:
Đủ 34 cuốn. Bản in đầu tiên. Có đóng dấu. 3500 yên”.
Tuy tôi không rõ giá cả thời xưa lắm, nhưng 3500 yên chẳng phải là quá rẻ cho một bộ sách có thủ bút tác giả sao? Hay hai hàng chữ kia là do ai đó nghịch ngợm viết vào? Tôi chợt há hốc miệng vì kinh ngạc khi nhìn thấy dòng chữ “Tiệm sách cũ Biblia” ở góc mảnh giấy ghi giá tiền. Ngay lập tức, hiện lên trong tâm trí tôi là hình ảnh cô gái xinh đẹp chăm chú đọc sách ở căn nhà gỗ sáng mờ - tiệm sách cũ gần trường cấp ba ngày xưa.
- Mẹ muốn biết hiện nay bộ sách này có giá bao nhiêu. Nếu đây thực sự là đồ hiếm, đem cho thì cũng hơi đáng tiếc, đúng không? Nhưng mẹ chẳng biết ai có khả năng định giá sách cả. Mày có quen người nào như thế không?
Chắc chắn tiệm sách này đã có từ thời bà tôi còn trẻ. Số tiền tiêu vặt ít ỏi nhận được từ việc phụ giúp quán cơm gia đình xem chừng không đủ để một cô gái trẻ mua nhiều sách mới. Thế nên việc bà tôi mua chúng tại một tiệm sách cũ gần như là điều tất nhiên.

Hôm nay tôi đến đây là để nhờ chủ tiệm định giá bộ Soseki toàn tập, đồng thời cũng muốn hỏi thử xem bà tôi đã ghé qua tiệm này bao giờ chưa. Hơn nữa, tôi còn hi vọng sẽ nghe ngóng được gì đó về cô gái xinh đẹp mà tôi từng gặp vào mùa hè năm lớp Mười một. Kể từ ngày hè của sáu năm trước ấy, mỗi khi đi ngang qua cửa tiệm, tôi đều nhìn vào trong tìm kiếm, nhưng lần nào cũng chỉ thấy bác chủ tóc bạc trắng với gương mặt khó đăm đăm. Dĩ nhiên, nếu vào chỉ để hỏi thăm về cô gái nọ thì kì cục quá, song hôm nay tôi có việc thật nên tiện thể dò hỏi một chút chắc cũng không sao đâu nhỉ.
Trên cánh cửa trượt có treo tấm biển nhỏ ghi chữ “Đang mở cửa”. Tôi ghé mắt nhòm vào trong và nhận ra nó vẫn giống hệt sáu năm về trước, những giá sách to nằm san sát nhau, còn quầy tính tiền thì ở phía đối diện.
Sau quầy, có một người đang ngồi, không phải bác chủ tiệm bộ dạng khó tính mà là một cô gái trẻ nhỏ nhắn. Cô đang cúi đầu nên tôi không nhìn rõ mặt, nhưng có thể đó là cô gái mà tôi đã gặp trước đây. Người tôi như nóng ran lên vì kích động, và trước khi kịp nhận ra thì tay tôi đã vô thức kéo mở cánh cửa trượt, tạo ra âm thanh khá lớn.
Cô gái ngồi sau quầy ngẩng đầu lên. Nhìn rõ mặt rồi, tôi cảm thấy như vừa bị tạt một gáo nước lạnh. Cô có đôi mắt to bên dưới làn tóc cắt ngắn tinh tế, làn da rám nắng như mấy đứa trẻ con cấp một đang nghỉ hè nhưng lại mặc chiếc sơ mi trắng trông như đồng phục học sinh cấp ba. Tóm lại, là một người khác, không phải cô gái tôi đã gặp vào sáu năm trước.
Có lẽ là học sinh làm thêm, hoặc cũng có thể là con gái bác chủ tiệm? Dù sao thì trông họ cũng có nét gì đó giông giống nhau. Ánh mắt cô dừng ở chiếc túi tôi đang xách trên tay.
- A! Anh muốn bán sách cũ phải không ạ?
Cô bé chào tôi với giọng niềm nở. Tôi không tới để mua, cũng chẳng phải để bán sách, mà chỉ muốn hỏi về giá của bộ sách có chữ viết này thôi. Có lẽ đây là một yêu cầu hơi thô lỗ, song, nếu bây giờ không hỏi gì mà rời khỏi tiệm rồi về nhà luôn thì còn ngớ ngẩn hơn nên rốt cuộc tôi vẫn quyết định hỏi thử xem sao.
Trên lối đi giữa các giá sách là hàng đống sách chất chồng lên nhau cao ngất, phần khe hở chật hẹp còn lại không đủ để người có vóc dáng cao lớn cỡ tôi xuyên qua, hơn nữa, sắp xếp như vậy sẽ khó để rút những cuốn nằm ở dưới cùng ra. Thế này thì khách hàng chọn mua sách ở đây bằng cách nào nhỉ?
Lúc này, cô gái nhỏ sau quầy đã đứng dậy. Nhìn váy đồng phục thì có vẻ cô học ở trường cấp ba cũ của tôi. Đang nghỉ hè mà vẫn mặc đồng phục thế này thì chắc cô bé có tham gia hoạt động ngoại khóa gì đó ở trường vào buổi sáng.
- Anh không đến để bán sách, anh chỉ muốn nhờ tiệm mình xem hộ bộ sách này thôi được không? Hồi xưa bà anh đã mua chúng ở đây.
Tôi ngừng một chút để xem phản ứng của cô bé nhưng cô im lặng, chỉ chờ tôi nói tiếp. Thế là tôi bèn đặt chiếc túi đựng bộ Soseki toàn tập lên quầy, lấy cuốn “Từ ấy” ra rồi cho cô xem dòng chữ ghi trên tờ gác.
Cô híp mắt, dí mặt sát vào cuốn sách trong tay tôi.
- Bút tích này... Oa! Là Natsume Soseki này! Đây là thật ạ?
Đột nhiên tôi không biết trả lời cô thế nào. Câu đó phải do tôi hỏi mới đúng chứ.
- Anh cũng không rõ nên mới đem nó tới đây.
- À vậy ạ? Ừm... Vậy phải làm sao bây giờ?
Cô khoanh tay lại rồi ngước lên nhìn tôi. Sao lại thành cô hỏi tôi thế nhỉ?
- Tiệm không giám định được bút tích trên đây là thật hay giả à?
- À, bây giờ thì không ạ. Em chẳng biết gì về mấy cái này, chủ tiệm lại không có ở đây.
Cô bé đáp tỉnh bơ.
- Thế chừng nào chủ tiệm về?
Trán cô nhăn tít lại, hai đầu lông mày gần như chạm vào nhau, giọng có phần nặng nề:
- Chủ tiệm đang phải nằm viện ạ.
Nghe vậy tôi mới để ý, hình như tiệm này treo biển đóng cửa tạm thời cũng khá nhiều lần rồi. Chắc do sức khỏe của bác chủ tiệm không tốt cho lắm.
- Chủ tiệm bị ốm à?
- Không, bị thương ở chân thôi ạ. Mà, bây giờ cứ có ai mang sách tới nhờ định giá là em lại phải vác tới tận bệnh viện đấy! Trời ạ, phiền phức chết đi được!
Lời giải thích của cô bỗng biến thành cằn nhằn. Việc bác chủ tiệm vẫn tiếp tục làm việc ngay cả khi đã nhập viện khiến tôi ngạc nhiên hết sức. Những lúc thế này không phải nên tạm thời đóng cửa tiệm sao?
- Đành vậy, dù sao thì Bệnh viện Đa khoa Ofuna cũng không xa lắm. Chỉ mất khoảng mười lăm phút đi xe đạp thôi ạ.
- A, chỗ ấy à? - Tôi lẩm bẩm.
Bệnh viện ngay gần nhà tôi. Với tôi mà nói, cứ nhắc tới bệnh viện là tôi nghĩ ngay tới Bệnh viện Đa khoa Ofuna. Đó là nơi mẹ sinh ra tôi, cũng là nơi bà tôi trút hơi thở cuối cùng.
- Thôi, anh để bộ sách lại đây cho em đi. Mặc dù đang nghỉ hè nhưng em vẫn phải tham gia câu lạc bộ nên không biết khi nào mới tới bệnh viện được. Mấy ngày nữa anh quay lại lấy có được không ạ?
Tôi lưỡng lự một lúc. Thật lòng, tôi khá ngại ngần nếu phải làm phiền cô bé mang bộ sách này tới tận bệnh viện, vì tôi sẽ không bán nếu đây là bút tích thật. Có khi nên đem sách về vậy. Tôi toan nói thế thì cô bé đã gợi ý:
- Mà, anh có hay đi ngang Bệnh viện Đa khoa Ofuna không ạ?
- Nó ở gần nhà anh.
Gương mặt cô bỗng nhiên sáng bừng lên.
- Thế anh tự mang sách tới bệnh viện giúp em được không? Em sẽ liên lạc với chủ tiệm trước, vậy thì anh có thể giám định xong ngay và luôn đấy!
- Ơ?
Tôi chưa thấy ai mang sách cũ tới bệnh viện để giám định bao giờ. Vả lại, thao tác này cũng chẳng mang về chút lợi nhuận nào nên có khi bác chủ tiệm khó tính sẽ tức điên lên khi nghe yêu cầu của tôi mất.
- Không, không cần đâu...
Nhưng cô bé đã rút điện thoại ra và bấm tin nhắn gửi đi mà không buồn nghe tôi nói. Xong xuôi, cô nhìn tôi, cười toe toét:
- Em gửi tin rồi. Anh cứ mang sách tới bệnh viện là được.
Giờ thì chẳng còn cách nào để thoái thác nữa, tôi đành im lặng gật đầu.
Khoảng mười lăm phút sau, tôi đã đến Bệnh viện Đa khoa Ofuna.
Kể từ khi được xây lại vào mười năm trước, bệnh viện này đã trở thành bệnh viện lớn nhất trong vùng. Nó chính là tòa nhà sáu tầng với tường trắng phản chiếu nắng vàng rực rỡ đang hiện diện trước mắt tôi đây. Cửa chính hướng ra một khoảnh sân rộng, không thấy bóng dáng bệnh nhân nào đi dạo hay ngồi trên ghế đá, chỉ có tiếng ve kêu râm ran vang vọng.
Tay cầm bộ Soseki toàn tập, tôi bước qua cánh cửa tự động dẫn vào trong sảnh, nơi có điều hòa mát rượi và chật cứng bệnh nhân.
Tâm trí vẫn lan man nghĩ tại sao mình lại đồng ý đến đây, mà chân thì đã đặt lên cầu thang dẫn tới khu Khoa Ngoại rồi. Kể từ khi bà mất, đây là lần đầu tiên tôi quay lại bệnh viện này.
Bà qua đời sau hôm nói chuyện với tôi chừng một tháng. Khi bác sĩ chính thức cho biết kết quả kiểm tra, bà nói nguyện vọng cuối cùng là được đi nghỉ ở suối nước nóng Kusatsu. Do tình trạng của bà vẫn ổn định nên bác sĩ chủ trị đã đồng ý để bà thực hiện ước muốn này. Cùng với mẹ và tôi, bà đã tận hưởng chuyến du lịch một cách trọn vẹn. Mặc dù thỉnh thoảng có đấu khẩu với mẹ, trông bà vẫn vui vẻ và khỏe mạnh, chẳng giống bệnh nhân chút nào. Song, chỉ một tuần sau đó, khi chúng tôi vừa về tới nhà ở Ofuna thì bà lập tức hôn mê rồi trút hơi thở cuối cùng. Biến cố diễn ra quá chóng vánh và đột ngột khiến cảm giác ngỡ ngàng ập tới trước tiên, trước cả khi các thành viên trong gia đình tôi cảm nhận được nỗi đau buồn.
Tôi ghi tên mình vào sổ đăng kí thăm bệnh ở quầy y tá rồi bước về phía căn phòng được chỉ dẫn. Chưa kịp chuẩn bị tinh thần, tôi đã thấy mình đứng ngay trước cửa phòng rồi. Thở ra một hơi để bình tĩnh hơn, tôi nhấc tay gõ nhẹ lên cánh cửa trước mặt.
- Tôi xin phép.
Không có tiếng trả lời. Tôi gõ thêm lần nữa, bên trong vẫn im lặng. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành mở hé cửa, ghé mắt nhìn vào.
Và rồi, tôi đứng sững ra tại chỗ.
Đó là một căn phòng ấm cúng và sáng sủa với chiếc giường điều chỉnh được độ cao kê cạnh cửa sổ. Bên trên tấm nệm trải hơi trũng là một cô gái có mái tóc dài mặc bộ đồ ngủ màu kem đang nằm nhắm mắt.
Chắc hẳn là ngủ quên trong lúc đọc sách, vì trên đầu gối cô đang đặt một cuốn sách mở cùng cặp kính to. Hàng mi dài cong vút, sống mũi cao thẳng, bờ môi mỏng he hé, nét đẹp dịu dàng, mọi chi tiết giống hệt hình ảnh còn đọng lại trong kí ức tôi. Đây chính là cô gái tôi đã gặp ở tiệm sách cũ Biblia sáu năm về trước. Cô gần như không thay đổi, chỉ gầy hơn một chút, trông càng thêm xinh đẹp.
Xung quanh giường, sách cũ chất chồng san sát nhau, không khác gì mô hình thu nhỏ của một khu nhà cao tầng. Chừng ấy sách là quá nhiều cho một bệnh nhân dùng để giết thời gian. Các bác sĩ và y tá không phàn nàn gì với cô hay sao?
Đột nhiên, cô bừng tỉnh, dụi mắt nhìn về phía tôi đang đứng.
- Aya đấy à?
Cô cất tiếng gọi một cái tên xa lạ, tông giọng yếu ớt đến mức đáng ngạc nhiên. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy giọng nói của cô.
- Em mang sách tới à?
Có lẽ vì không đeo kính nên cô đã nhầm tôi với người khác. Nghĩ rằng tiếp tục im lặng thì không hay cho lắm, tôi hắng giọng vài cái rồi lên tiếng.
- Xin chào!
Tôi nói to và rõ đủ để cô nghe được, nhưng hình như lại làm cô giật mình. Vai cô đột ngột căng cứng, rồi cô loay hoay với lấy cặp kính, không ngờ lại gạt phải cuốn sách đang mở khiến nó rơi khỏi giường.
- A! - Cô bật kêu khẽ.
Chẳng kịp đắn đo nhiều, tôi lao thốc vào phòng, đỡ lấy cuốn sách ngay trước khi nó chạm đất. Cuốn sách không to nhưng khá nặng, bìa nền trắng in dòng chữ “Tạm biệt nhiếp ảnh - Ngày 2/8 tại khách sạn đỉnh đồi”, giấy bọc sách đã quăn và ố vàng chứng tỏ nó cũ lắm rồi. Mặc dù khá hài lòng với phản ứng của bản thân, nhưng khi ngẩng đầu lên, tôi thấy cô đã kéo chăn tới tận ngực, tay đặt sẵn lên nút bấm gọi y tá lắp trên tường, đôi mắt mở to đầy sợ hãi. Bỗng dưng có một người đàn ông cao to lạ mặt xông vào phòng, dĩ nhiên ai cũng hoảng hồn thôi. Tôi liền đứng thẳng dậy, lùi ra sau để tạo khoảng cách với chiếc giường.
- Xin lỗi. Tôi đến để hỏi về mấy cuốn sách của bà tôi. Tôi đã ghé qua tiệm sách ở Kita-Kamakura và được chỉ dẫn tới đây. Cô có nhận được tin nhắn không?
Bàn tay đang định ấn nút khựng lại. Sau khi nheo mắt nhìn chiếc máy tính xách tay đặt trên cái bàn giường, mặt cô lập tức đỏ bừng.
- Xi...
Hả? Tôi nghiêng đầu thắc mắc, cô thì cúi đầu thật thấp, mái tóc dài rủ xuống. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn một người không rời mắt thế này.
- X... xin lỗi anh. Em gái tôi, ừm, đã làm phiền anh rồi. - Giọng cô khẽ khàng tới mức gần như không nghe được, tai đỏ bừng lên. - Cảm ơn anh đã tới tận đây. Tôi là Shinokawa Shioriko, chủ tiệm sách.
Thì ra nữ sinh ngồi sau quầy tính tiền tôi gặp lúc nãy là em gái người này. Cô bé nói là gửi tin nhắn cho chủ tiệm, cũng có nghĩa tiệm sách Biblia đã đổi chủ rồi.
- Chủ tiệm trước đây là một bác tóc bạc mà nhỉ?
- Cha tôi đấy.
- Cha cô?
Cô gật đầu:
- Cha mất năm ngoái. Thế nên, tôi tiếp quản tiệm sách.
- Vậy à? Xin chia buồn với cô.
Nói đoạn, tôi cúi người thật thấp. Tôi cũng mất người thân vào năm ngoái nên dễ dàng đồng cảm.
- Cảm ơn anh.
Không ai nói thêm gì nữa, cả căn phòng chìm vào yên tĩnh. Cô gái cố tránh nhìn vào mắt tôi, chỉ nhìn đâu đó quanh vùng cổ. Tôi chưa từng nghĩ cô lại là người sống nội tâm và dễ xấu hổ thế này. Dĩ nhiên, cô vẫn xinh đẹp, song tôi không khỏi cảm thấy thất vọng vì cô khác hẳn so với người tôi hằng tưởng tượng. Làm sao có thể đón khách tới cửa tiệm với tính cách như vậy được nhỉ? Tôi đâm lo, dẫu đó chẳng phải là việc của tôi.
- Mấy năm trước cô vẫn phụ giúp cha mình ở tiệm sách đúng không?
Nghe tôi hỏi vậy, cô ngẩn người, vẻ ngạc nhiên.
- Hồi trung học, thi thoảng tôi có đi ngang cửa tiệm nhà cô. Trường tôi ở gần đó.
- V... vậy sao? V... vâng...
Rốt cuộc vai cô cũng thả lỏng, hình như đã bớt cảnh giác hơn với tôi. Tiếp đó, cô ngập ngừng chìa tay ra. Cô muốn bắt tay chăng? Mặc dù thắc mắc, tôi vẫn đặt chiẽc túi đựng bộ sách xuống sàn. Song, tôi vừa lén lau bàn tay đẫm mồ hôi vào cái quần bò đang mặc thì cô đã từ tốn nói:
- Cuốn sách đó... Cảm ơn anh.
Thì ra là tôi hiểu lầm. Cô chỉ muốn lấy lại cuốn “Tạm biệt nhiếp ảnh” trong tay tôi, thứ suýt rơi xuống sàn lúc nãy thôi.
- Chắc cuốn này có giá trị lắm nhỉ?
Vừa đưa trả, tôi vừa hỏi vu vơ nhằm che giấu sự ngại ngùng của mình. Cô nghiêng nghiêng đầu, theo kiểu khiến tôi không phân biệt được là lắc hay gật.
- Đây là bản in đầu tiên, nhưng giữ gìn không tốt mấy. Chắc đáng giá khoảng 250.000 yên.
- Hai trăm...
Câu trả lời bình thản của cô khiến tôi bất ngờ.
Cuốn sách cũ mèm này đắt đến thế sao? Tôi vô thức nhìn chăm chăm vào bìa sách, cảm thấy khó tin. Cô gái không hề chú ý đến phản ứng của tôi, cũng chẳng giải thích gì thêm, chỉ đặt cuốn sách trị giá 250.000 yên lên chiếc bàn cạnh giường như mọi cuốn sách bình thường khác. Rồi lại chìa tay ra trước mặt tôi. Lần này là gì nữa đây?
- Tôi có thể xem bộ sách anh cầm đến không?
Cô đánh mắt về phía chiếc túi đựng bộ sách Soseki toàn tập trên sàn nhà. Cảm thấy hơi ngại trước điều sắp sửa nói ra, tôi bất giác liếm đôi môi khô khốc rồi mới mở lời.
- Thật ra, tôi không mang sách tới để bán. Trong lúc dọn dẹp đồ đạc của bà ngoại đã mất, tôi tìm thấy bộ sách này, bên trong có chữ viết tay. Hình như hồi trước bà tôi mua chúng từ cửa tiệm nhà cô. Tóm lại, tôi muốn nhờ cô xem hộ xem giá trị của bộ sách này khoảng bao nhiêu, có được không?
Nếu cô tỏ ra do dự, dù chỉ một chút thôi, tôi cũng sẵn sàng cầm bộ sách về ngay lập tức. Nhưng không, Shinokawa Shioriko nhìn tôi chằm chằm với thái độ vô cùng kiên định. Bỗng dưng, tôi cảm thấy cô như đã biến thành một người khác.
- Anh đưa sách cho tôi xem. - Cô nói rành rọt. - A, là phiên bản shinsho của Iwanami Shoten.
Vừa nhìn thấy bộ sách trong chiếc túi tôi đưa qua, mắt cô liền sáng lên, trông chẳng khác gì một đứa trẻ đang vui vẻ mở quà sinh nhật. Cô rút từng cuốn một ra khỏi túi rồi cẩn thận lướt qua mỗi trang sách. Trong số các nhan đề in trên gáy sách, có vài cái tên khá quen thuộc với tôi, như “Tôi là con mèo” hay “Cậu ấm ngây thơ”.
Nụ cười nở mãi trên môi Shinokawa suốt quãng thời gian cô chìm đắm trong các trang sách. Thỉnh thoảng, cô lại gật mạnh đầu hoặc nheo mắt, thậm chí còn vô thức phát ra những tiếng huýt sáo vụng về. Có vẻ đó là thói quen của cô khi tập trung.
A! Đây rồi!
Đây mới chính là hình ảnh của người con gái đã khắc sâu trong kí ức tôi, là gương mặt bừng sáng khi đắm chìm vào thế giới của những cuốn sách. Tôi kéo một chiếc ghế tròn lại gần, ngồi xuống, mắt vẫn không rời khỏi cô gái đang chăm chú đọc trên giường.
Đột nhiên, tiếng huýt sáo ngưng bặt. Shinokawa đã xem đến “Quyển 8 - Từ ấy”. Cô lộ vẻ hoang mang trước hai hàng chữ viết trên tờ gác, sau đó, cô lật sách thật nhanh cho tới khi bắt gặp mảnh giấy ghi: “Đủ 34 cuốn. Bản in đầu tiên. Có đóng dấu. 3500 yên”. Dường như cô có hứng thú với mảnh giấy hơn hẳn mấy con chữ kia.
Shinokawa tạm đặt cuốn sách có chữ lên đùi rồi tiếp tục kiểm tra các tập còn lại, cuối cùng mới quay về với “Quyển 8 - Từ ấy”. Cô lật xem từng trang một, hết sức chậm rãi.
- Quả nhiên... - Cô khẽ nói, ngẩng lên nhìn về phía tôi, - Xin lỗi đã để anh phải chờ. Tôi giám định xong rồi.
- Thế nào?
- Tiếc rằng phải làm anh thất vọng, nhưng bút tích này là giả.
Cô nói với vẻ áy náy, song, tôi chẳng mấy ngạc nhiên bởi đã sớm đoán được kết quả.
- Chữ của Soseki khác à?
- Vâng. Hơn nữa, thời gian ở đây không khớp. Natsume Soseki qua đời vào năm Đại Chính thứ 5, trong khi bộ sách này phát hành vào năm Chiêu Hòa thứ 31, tức là bốn mươi năm sau rồi.
- Bốn mươi năm!
Chẳng có gì để phải nghi ngờ cả. Không ai có khả năng viết lên một cuốn sách xuất bản sau khi mình chết những bốn mươi năm hết.
- Tóm lại, bộ sách này không có giá trị mấy nhỉ?
- Đúng thế. Đây là phiên bản giá rẻ được bán rộng rãi trên thị trường. Bộ này tái bản nhiều lần rồi, hiện nay không thiếu những bộ tương tự ở các tiệm sách cũ. Tuy nhiên, phần chú giải của nó tương đối đầy đủ, bìa sách này lại được giữ gìn cẩn thận nữa nên dẫu giá trị không cao, tôi vẫn cho rằng nó là một bộ sách đáng quý. Và, tôi thích nó.
Cô dùng giọng điệu như thể đang khen ngợi một người quen cũ, biểu cảm và giọng nói khác hẳn với dáng vẻ ngại ngùng ban nãy. Tôi cảm thấy cô lúc này phù hợp với tưởng tượng của tôi hơn nhiều. Có lẽ đấy mới là tính cách thật của cô chăng?
- Iwanami Shoten là nơi đầu tiên xuất bản Soseki toàn tập. Người sáng lập là Iwanami Shigeo, có mối quan hệ thân thiết với Soseki, còn thường xuyên giao lưu với học trò của Soseki nữa. Iwanami và các học trò của Soseki đã cùng nhau tổng hợp và cho xuất bản bộ sách này, mấy năm sau đó, họ phát hành thêm một bản tái bản có sửa chữa bổ sung. Tuy nhiên, phiên bản giá rẻ vẫn là một bộ sách đáng mua, bởi nó là bộ đầu tiên công khai toàn bộ nhật kí của Soseki, hơn nữa phần chú giải ở đây là do Komiya Toyotaka, một học trò của ông viết.
Shinokawa giới thiệu lưu loát và hấp dẫn, khiến tôi bị cuốn theo từ lúc nào chẳng hay.
- Tức là Soseki toàn tập còn có nhiều phiên bản khác nữa?
- Iwanami Shoten không phải là nhà duy nhất xuất bản Soseki toàn tập. Có nhiều nhà khác cũng phát hành bộ sách này. Nếu tính gộp cả số đình bản giữa chừng thì phải có tới hơn ba mươi toàn tập khác nhau.
- Quá tuyệt vời... - Tôi lẩm bẩm trong vô thức.
- Vâng. Tôi nghĩ, có khi Natsume Soseki là tác giả được chào đón nhất ở nước ta đấy.
Shinokawa gật đầu, tỏ vẻ đồng tình với tôi. Song, điều tôi tán thưởng không phải là mức độ nổi tiếng của Soseki, mà là những lời giải thích lưu loát của Shinokawa. Tâm trạng tôi hết sức phức tạp, vừa mừng, vừa tiếc vì cô đã hiểu sai ý tôi. Tôi nhìn xuống cuốn “Từ ấy” thêm lần nữa.
- Vậy, mấy chữ trên tờ gác là do ai đó viết bừa lên thôi phải không?
- Tôi nghĩ... Có thể cho là như thế. - Shinokawa ngập ngừng đáp, hàng mày cau lại vẻ khó xử.
Sao thế nhỉ?
- Có vấn đề gì à? - Tôi hỏi luôn.
- Cũng chẳng phải chuyện gì quan trọng, tôi chỉ thấy khó hiểu... ừm, hỏi thế này có hơi thất lễ, nhưng bà anh có phải là người hay viết vào sách không?
- Ơ? Không, không đâu. - Tôi lắc đầu ngay, bởi dù có nằm mơ tôi cũng không tin bà mình có thể viết lung tung vào sách, - Bà tôi quý sách lắm, đến nỗi không cho ai trong nhà động vào sách của bà. Kể cả là vô tình đi chăng nữa thì bà cũng sẽ giận ghê gớm.
Không riêng mình tôi, mà bất cứ ai trong gia đình cũng biết là không được phép chạm vào sách vở của bà. Ngay cả mẹ tôi, người luôn chống đối bà ngoại, cũng chưa bao giờ dám làm như thế. Vả lại, chẳng còn ai khác trong nhà thích đọc nữa, thành thử không ai lục lọi sách của bà làm gì.
- Tôi nghĩ là mình hiểu được đại khái rồi... Hẳn là vậy. Nếu cái tên được viết ở đây là tên của bà anh thì mọi chuyện sẽ khác.
Shinokawa mở cuốn “Từ ấy” ra. Tôi phải vươn người tới từ cái ghế đang ngồi để nhìn được hai hàng chữ trên bìa. Lực ấn có vẻ nhẹ, lại thêm nét mảnh nên trông giống chữ phụ nữ, kiểu chữ chẳng có gì đặc biệt, dễ bắt chước. Song, tôi biết đây không phải là chữ của bà tôi.
- Có ai đó đã bán bộ sách này cho tiệm sách cũ Biblia, rồi bà tôi mua lại nó nhỉ?
Nghe thế, Shinokawa rời mắt khỏi cuốn sách và ngẩng lên nhìn.
- Chắc vậy.
- Liệu đây có phải bút tích của chủ cũ không? Của người có tên Tanaka Yoshio này này?
- Không đâu, tôi không nghĩ thế. - Nói rồi, cô rút mảnh giấy có ghi giá tiền của bộ sách ra cho tôi xem, - Tấm thẻ in giá kiểu này được dùng vào thời ông tôi mới mở tiệm sách Biblia. Tính tới giờ cũng phải 45, 46 năm rồi.
Nghĩa là bà tôi đã mua bộ sách này từ tận 45, 46 năm về trước? Tính theo dương lịch là năm bao nhiêu nhỉ? Bỗng dưng tôi không thể nào tính ra nổi. Mà thôi, chuyện ấy không quan trọng.
- Trên tấm thẻ này cũng không ghi chú “Có chữ viết trong sách” nữa. - Shinokawa vừa nói vừa chỉ vào mảnh giấy, - Khi các tiệm sách cũ mua lại sách, việc đầu tiên họ làm là kiểm tra tình trạng cuốn sách, giống như tôi làm lúc nãy ấy. Dòng chữ rõ ràng ngay trên tờ gác thế này chắc chắn sẽ được phát hiện và ghi chú vào tấm thẻ, bởi không làm như vậy thì dễ bị khách hàng quay lại để phàn nàn.
- À.
Ra thế. Giả sử có bút tích chủ cũ để lại trong cuốn sách, thì trên tấm thẻ ghi giá tiền phải có dòng ghi chú kèm theo.
- Thế nên lúc bà anh mua bộ sách này từ cửa tiệm nhà tôi, dám chắc vẫn chưa có hai hàng chữ này trên bìa sách đâu.
Tôi khoanh tay, cảm thấy có gì đó kì lạ. Nếu suy nghĩ của chúng tôi là chính xác thì chẳng lẽ người đã viết những con chữ này lại không tồn tại à? Sao thế được?
- A! - Tôi thốt lên.
- Anh sao vậy?
- Tôi vừa nghĩ ra, có thể là do ông tôi viết chăng?
- Ông của anh à?
- Ông tôi qua đời đã mấy chục năm rồi. Tôi chưa gặp ông bao giờ, nhưng tôi nghĩ có khi ông đã động vào mấy cuốn sách của bà, và họ cãi nhau to.
Tôi từng nghe mẹ kể là ông suýt bị bà đuổi ra khỏi nhà. Nếu quả thật ông không chỉ lục xem mà còn viết vào sách nữa, thì việc tôi bị bà đánh vì tội nghịch sách của bà cũng chẳng có gì lạ. Có lẽ bởi tôi khiến bà nhớ lại những kí ức không vui chăng? Cả câu nói đe dọa của bà khi đó, “Nếu tái phạm, cháu sẽ không còn là con cháu nhà này nữa đâu”, hẳn cũng do hành vi của tôi khiến bà nhớ tới người chồng đã khuất.
- Tôi nghĩ chắc chỉ có ông tôi mới viết vào sách của bà thôi. Chẳng ai trong số những người còn lại trong nhà có ý định động vào tủ sách đâu.
Shinokawa lắc đầu:
- Tôi không nghĩ vậy.
- Hả?
- Tôi cho rằng chính bà anh là người đã viết vào sách. - Cô nói với giọng khẳng định.
- Tại sao?
Tôi hỏi ngược lại. Sao dám quả quyết đến thế nhỉ?
- Nếu hai hàng chữ là do người khác viết thì hẳn bà anh sẽ không mặc kệ để nó nằm yên ở đấy đâu. Cuốn sách không có dấu vết của việc tẩy xóa, cho dù không xóa được thì cũng có thể mua một Quyển 8 khác để thế vào mà. Như tôi đã nói, bộ này không hề đắt, lại tái bản nhiều lần nên kiểu gì cũng còn được bày bán trên kệ kể cả ở những tiệm sách mới.
- Thế nhưng, biết đâu không phải bà tôi mặc kệ hàng chữ đó, mà là không phát hiện ra đã có người khác viết vào sách thì sao...
Nói đến đây, tôi im bặt. Không đời nào có chuyện đó. Quan Âm Bồ Tát nhà Gora không phải dạng người bất cẩn như thế. Một khi có người vào phòng động chạm mấy cuốn sách, chắc chắn bà sẽ phát hiện ra ngay.
Chẳng lẽ đúng là bà đã tự viết vào sách?
Vậy thì phải có nguyên do. Tôi khoanh tay, cau mày ngẫm nghĩ.
- Tôi còn để ý tới một chuyện khác, là về tấm thẻ này...
Đột nhiên Shinokawa không nói tiếp nữa. Tôi ngước mắt lên thì thấy cô đang nhìn chằm chằm xuống đầu gối, trông như sợ hãi điều gì, gương mặt khuất sau mái tóc đen dài, không rõ biểu cảm thế nào.
- Ừm, xin lỗi anh...
Cô nói khẽ. Thái độ trở lại ngượng ngùng như trước khi tôi đưa cho cô xem bộ sách. Tôi không hiểu cô xin lỗi vì chuyện gì.
- Hả? Vì chuyện gì cơ?
- Vì đã làm phiền anh...
- Ơ? Xin lỗi, nhưng cô có thể nhắc lại một lần nữa không?
Tôi nhoài đến gần giường để nghe cho rõ hơn, Shinokawa liền co rúm, giật lui về phía cửa sổ. Tôi đã làm gì sai sao? Trong lúc hoang mang, tôi thấy cổ họng trắng trẻo của cô khẽ chuyển động, rồi một tông giọng lạ phát ra:
- A... anh chỉ muốn giám định xem bút tích này có phải đồ thật hay không thôi. Nh... nhưng tôi lại nói nhiều quá mất rồi.
Tôi càng nghe càng chẳng hiểu gì cả.
- T... từ ngày xưa tôi đã hay bị mắng, cái tội hễ nhắc tới sách là cứ nói mãi không ngừng.
Lúc này, tôi mới để ý đến hình ảnh phản chiếu của chính mình trên mặt kính cửa sổ. Đó là một gã đàn ông cao lớn ngồi trên chiếc ghế tròn, người hơi cúi xuống, những nếp gấp sâu dồn lại giữa hai hàng lông mày, tia nhìn sắc nhọn, bộ dạng nhìn chung là hung dữ. Có vẻ tôi đã thừa hưởng tia nhìn sắc lẹm từ bà ngoại và vô thức để lộ nó ra giữa lúc chìm đắm suy tư.
- T... tôi đã làm mất thời gian của anh, thực sự rất...
Vừa nói, cô vừa trả cuốn “Từ ấy” vào túi, tỏ rõ thái độ không muốn nói gì thêm.
- Tôi không phiền đâu.
Shinokawa giật mình khiến túi đựng sách tuột khỏi tay, thấy vậy tôi mới nhận ra rằng mình nói hơi to. Lần này, Shinokawa đã kịp vươn tay ra đỡ lấy chiếc túi. Cô thở phào nhẹ nhõm, nhưng rồi, dường như phát hiện ánh nhìn chăm chú của tôi, cô xấu hổ và giấu mặt sau túi đựng sách.
- Cô làm ơn nói tiếp đi.
Tôi cố gắng nói nhỏ nhẹ hơn. Shinokawa từ từ ló mặt ra khỏi cái túi, rụt rè nhìn tôi, khác hẳn với cô gái thao thao bất tuyệt về những cuốn sách từ nãy tới giờ.
- Hồi nhỏ, tôi có vài kí ức không hay ho lắm liên quan đến sách nên tôi không thể đọc chúng được. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn khát khao đọc sách nên được nghe mấy chuyện như cô vừa kể, tôi cảm thấy vui lắm.
Tôi giải thích sơ qua về “cơ địa” dị ứng sách mà cho tới tận bây giờ, vẫn chẳng có ai hiểu được cho tôi.
Shinokawa vừa nghe vừa mở to mắt nhìn tôi chăm chú. Đúng lúc tôi định bỏ cuộc vì nghĩ có lẽ cô gái này cũng không hiểu, thì cô lại đặt cái túi đang che khuất mặt mình sang một bên, đôi mắt đen láy bừng sáng như thể cô có một cái công tắc để thay đổi tâm trạng trong nháy mắt vậy.
- Anh không đọc được sách có phải vì từng bị bà mắng không?
Tuy là hỏi, nhưng giọng Shinokawa nghe quả quyết đến độ làm tôi phải ngạc nhiên.
- Sao cô biết?
- Bởi anh đã nói bà sẽ “giận ghê lắm” nếu có người khác động vào những cuốn sách của bà mà. Anh còn nói “Chẳng ai trong số những người còn lại trong nhà có ý định động vào tủ sách đâu”. Tôi nghĩ nó cũng đồng nghĩa với “trừ anh ra, những người khác đều không có ý định động vào tủ sách”, thế thì sẽ chẳng có gì lạ khi anh không đọc được sách nữa sau khi hứng chịu cơn giận của bà.
Tôi sững người vì Shinokawa đã dễ dàng phân tích và đoán ra nguyên nhân gây nên “cơ địa” của tôi. Quả nhiên, hễ liên quan tới sách là cô sẽ thay đổi hoàn toàn.
Đặt hai tay lên đầu gối, tôi thả lỏng người và ngồi trở lại ghế, chờ cô nói tiếp.
- Tôi thích sách cũ, bởi sau khi được chuyền từ người này sang người khác thì trong các cuốn sách ấy không chỉ có mỗi câu chuyện ở phần nội dung thôi đâu, mà còn có cả chuyện của chính bản thân chúng nữa. - Shinokawa ngừng lại, nhìn thẳng vào mắt tôi như thể đến tận lúc này mới nhận thấy là tôi tồn tại, rồi hỏi, - Anh có thể cho tôi biết tên không?
- Tôi là Gora Daisuke.
- Anh Gora, thành thật mà nói, tôi còn để ý tới một chuyện khác.
Tim tôi như hẫng một nhịp khi nghe Shinokawa gọi tên mình. Nó khiến tôi có cảm giác khoảng cách giữa chúng tôi đã được rút ngắn.
Shinokawa cho tôi xem mảnh giấy ghi giá tiền của bộ sách một lần nữa.
- Trên này ghi “có đóng dấu” phải không?
- Ơ? À vâng.
- Anh xem.
Cô rút một cuốn từ chồng Soseki toàn tập trên giường ra. Là “Quyển 12 - Nỗi lòng”. Trên tờ gác không có chữ viết nào, thay vào đó là một con dấu hình hoa cẩm tú cầu.
- Con dấu ấy đây. Hồi xưa, người Trung Quốc và Nhật Bản thường thích đóng dấu lên sách của mình. Hình ảnh của các con dấu khá đa dạng, tùy thuộc sở thích của người sử dụng, phần lớn là loại dấu khắc chữ giống loại chúng ta dùng hiện nay, nhưng cũng có một số con dấu khắc hình. Người sử dụng con dấu này hẳn là một người thích hoa cẩm tú cầu đấy.
- Ồ...
Vì mù tịt về mấy chuyện này nên tôi cảm thấy ấn tượng trước vốn hiểu biết của Shinokawa. Bỗng dưng, tôi nảy ra chút thắc mắc.
- Vậy thì trong cuốn kia cũng phải có con dấu hình cẩm tú cầu chứ nhỉ?
Tôi nhìn xuống cuốn “Từ ấy” nằm trong lòng cô. Nếu ở tờ gác có đóng con dấu nổi bật như vậy thì đáng ra tôi phải thấy ngay từ đầu mới đúng.
- Vì không có nên mới không bình thường. Thực tế, ngoài cuốn “Từ ấy” ra, tất cả những cuốn còn lại trong bộ sách đều có đóng dấu. Kì lạ lắm đúng không?
- Quả thật kì lạ.
Tôi rên rỉ. Trong cả bộ 34 cuốn, cuốn đóng dấu thì không có chữ viết, còn cuốn có chữ viết thì lại không đóng dấu. Sao mà rắc rối thế nhỉ?
- Anh có biết vì sao bà anh chọn mua bộ sách này không?
- Không, tôi không rõ. Tôi chỉ biết trước khi kết hôn, bà vẫn hay mua sách đem về, mà cả hai bác lẫn mẹ tôi chắc cũng chẳng biết gì nhiều đâu, bởi không ai trong số họ có hứng thú với mấy cuốn sách cũ hết.
- Vậy à? - Shinokawa đưa tay chống cằm, - Nếu vậy thì, tôi nghĩ Quyển 8 này...
Thấy cô lại đột ngột im lặng, tôi vội vàng kiểm tra bóng mình trên mặt kính, song, lần này thì chắc chắn không phải tại ánh nhìn đáng sợ của tôi.
- Quyển 8 này thế nào?
Tôi vội vàng hỏi lại, như muốn giục cô nói tiếp.
Shinokawa lưỡng lự một lúc rồi đặt ngón trỏ lên môi:
- Anh giữ bí mật nhé?
- Sao vậy?
- Vì đây là chuyện riêng tư của bà anh.
Tôi ngập ngừng một lúc rồi cũng gật đầu:
- Tôi hiểu.
Nếu bà còn sống thì đã đành, đằng này giỗ đầu cũng qua rồi nên chắc bà sẽ tha thứ cho đứa cháu trai duy nhất về việc tìm hiểu bí mật của bà thôi. Tôi thực sự muốn nghe Shinokawa kể nốt câu chuyện phía sau hai hàng chữ trên tờ gác.
- Tôi nghĩ, đáp án đã có sẵn ngay từ lúc anh Gora mang bộ sách này tới chỗ tôi.
- Nghĩa là?
- Nếu không có chữ viết và tấm thẻ ghi giá thì sẽ không ai nghĩ đến việc cuốn sách này được mua ở một tiệm sách cũ. Thế nên, tôi cho rằng bà của anh Gora cố tình muốn mọi người nghĩ theo hướng đó.
- Hả? - Tôi trợn tròn mắt ngạc nhiên, chẳng hiểu cô đang nói gì, - Từ từ đã. Ban đầu bà tôi mua cuốn này ở Biblia mà đúng không? Bà mua xong rồi tự làm giả bút tích của Soseki trên đó?
- Thoạt tiên tôi cũng tưởng thế, song sự tình có chút phức tạp. - Shinokawa mở cuốn “Từ ấy” ra, chạm vào những con chữ nằm trên tờ gác, - Đây là cách trình bày lời đề tặng sách, thường thì... - Như nhận ra tôi đang hoang mang, cô dừng lại giải thích, - Lời đề tặng là kiểu viết giống thế này, bao gồm tên tác giả cuốn sách và tên của người được tặng.
- Ra vậy.
Tôi đã biết thêm được một kiến thức mới nữa rồi. Tôi gật đầu, tỏ vẻ đã hiểu.
- Tuy không có quy định cụ thể về hình thức của một lời đề tặng, nhưng thường thì tên người được tặng sẽ được viết ở chính giữa, còn bên phải là tên người tặng sách, và tên này hầu hết sẽ là tên của tác giả. Nhưng, với cuốn của bà anh thì chúng lại đảo ngược.
Cách viết trên tờ gác giống hệt cách đề địa chỉ trên bì thư. Tên “Natsume Soseki” được viết chính giữa, còn hàng “Tặng ngài Tanaka Yoshio” thì dịch sang bên phải.
- Có khi nào là do bà tôi không nắm rõ cách thức đề tặng không?
- Cũng có thể, vấn đề ở đây là tại sao bà anh lại viết theo kiểu đề tặng? Nếu bà thực sự muốn mọi người nghĩ đây là một cuốn sách quý có chữ kí tác giả thì chỉ cần viết mỗi tên Natsume Soseki là đủ rồi, không cần viết thêm tên người khác vào làm gì cả.
Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy bút tích này, tôi vẫn luôn thắc mắc về cái người có tên Tanaka Yoshio. Rốt cuộc, ông ta là ai?
- Bởi thế, tôi nghĩ sự thật diễn ra trái ngược với những gì ta tưởng lúc đầu.
Giọng Shinokawa vẫn đều đều, nhưng đôi mắt đen của cô lại ánh lên vui thích. Bị lời lẽ của cô thu hút, tôi kéo chiếc ghế đang ngồi tới gần giường hơn.
- Trái ngược á?
- Hai hàng chữ này không cân đối lắm nên có thể không phải do cùng một người viết ra. Tôi nghĩ, biết đâu Tanaka Yoshio mới là người viết tên mình lên cuốn sách này, sau đó bà anh mới viết thêm tên Natsume Soseki vào. Tôi thấy như vậy hợp lý hơn.
- Song, người tên Tanaka này đâu phải tác giả. Thế thì viết tên mình vào đây để làm gì?
- Tôi nghĩ người đó không có ý định nhận mình là tác giả cuốn sách đâu.
Tôi để ý thấy mặt Shinokawa đỏ lên trong lúc nói:
- Đây là một món quà chăng? Người tặng viết tên mình vào sách cũng không phải chuyện gì hiếm lạ.
- À...
Tóm lại, Tanaka Yoshio là người tặng bà tôi cuốn sách này. Đột nhiên tôi nhớ lại lời bà từng nói trước khi qua đời, rằng những người yêu sách cũng sẽ chỉ thích những người giống họ mà thôi. Ông tôi không phải mẫu người thích đọc sách, thế nên việc bà có mối quan hệ thân thiết với một người khác “giống bà” trước khi kết hôn thì cũng chẳng có gì là lạ...
Tôi tạm dừng dòng suy tưởng miên man, vì nhận thấy vẫn còn một điều bất hợp lý...
- Nhưng mà, bà tôi đã mua bộ sách này ở Biblia chứ có phải được ông Tanaka nào đó tặng đâu?
- Đúng vậy. E rằng ông Tanaka chỉ tặng bà anh duy nhất một cuốn này thôi. Có thể sau khi được tặng, bà của anh Gora đã tới tiệm sách nhà chúng tôi mua cả bộ 34 cuốn, rồi bỏ cuốn “Từ ấy” trong bộ đi. Điều đó giải thích được tại sao cuốn “Từ ấy” này không đóng dấu, và tấm thẻ giá tiền cũng không ghi chú về việc có chữ viết trên tờ gác.
- T... tại sao bà tôi lại phải thao tác phiền phức đến thế?
- Để không ai trong gia đình anh phát hiện ra việc bà được tặng cuốn sách này. Đặt trơ trọi “Quyển 8 - Từ ấy” lên giá sách thì tất nhiên sẽ dễ bị nghi ngờ, đúng không? Thế nên bà anh mới tới tiệm sách nhà chúng tôi để mua trọn bộ rồi nhét tấm thẻ ghi giá tiền vào trong để làm bằng chứng là bà đã mua nó ở tiệm sách Biblia.
- Vậy bà tôi làm giả thủ bút của Natsume Soseki để làm gì?
- Tôi nghĩ chắc là để đề phòng. Có thể không phải bà anh muốn mọi người nghĩ nó là chữ kí thật, mà bà chỉ muốn mọi người tưởng rằng đó là “do chủ trước của bộ sách viết bừa vào” thôi.
Tôi nhớ lại lúc bản thân nhìn thấy bút tích ấy. Quả thật, ban đầu tôi đã nghĩ nó là đồ giả, về sau cũng chỉ đoán được rằng có ai đó viết bừa vào cho vui. Tóm lại, đúng là tôi đã bị bà qua mắt.
- Sao bà phải thu xếp tới mức ấy nhỉ?
Tôi lẩm bẩm. Rốt cuộc đó là chuyện thế nào mà bà tôi, người có vẻ không biết sợ hãi là gì, phải che giấu kĩ càng đến vậy?
- Cũng là chuyện ngày xưa rồi mà. Chắc có ẩn tình gì đấy. - Shinokawa thận trọng nói.
“Ẩn tình” đó thế nào thì tôi cũng đoán được đại khái rồi. Trước khi bà kết hôn thì cụ ngoại tôi vẫn còn sống. Thời xưa khác bây giờ nhiều lắm, các cặp hẹn hò với nhau đều phải giấu giếm bố mẹ. Rốt cuộc thì bà vẫn kết hôn với ông sau khi đi xem mắt. Chắc là chuyện giữa bà với người tên Tanaka Yoshio này chẳng đi đến đâu cả. Tôi bỗng nhớ lại những lời bà nói lúc ở bệnh viện. Ngày ấy, bà bất chợt nhắc tới đối tượng kết hôn của tôi sau khi xin lỗi về việc đánh đòn tôi hồi nhỏ. Tôi đoán bà nghĩ tới chuyện kết hôn vì nó hơi liên quan tới cuốn “Từ ấy”. Bà lại còn bảo “Khi nào bà mất, hai mẹ con muốn xử lý số sách đó ra sao cũng được” nữa chứ. Bà cho rằng bây giờ chúng tôi có nhìn thấy chữ kí này thì cũng chẳng sao nữa chăng?
- Mà sao bà tôi lại cứ phải đặt nó trên tủ sách? Giấu ở đâu đó chẳng phải đơn giản hơn à?
Còn duy nhất điều này là tôi không tài nào hiểu nổi. Nếu bà cất nó ở một xó xỉnh không ai sờ soạng đến được thì hẳn không cần phải sắp xếp đủ chuyện tốn công tốn sức thế này rồi.
Shinokawa vừa nói vừa vuốt phần bìa của cuốn sách, chẳng rõ tại sao, đôi bàn tay ấy lại khiến tôi nhớ tới bàn tay đã từng đánh tôi của bà.
- Tôi nghĩ bà anh muốn để nó ở chỗ mà bà có thể lấy xuống một cách dễ dàng.
Shinokawa đang dõi mắt vào đống sách đặt trên lòng mình, nhưng tôi lại cảm thấy dường như cô đang nhìn về một nơi nào đó xa xăm. Cô gái này cũng là một “con mọt sách” nhỉ? Nếu cô có người yêu, hẳn người kia cũng sẽ là con mọt sách giống hệt cô ấy. Đột nhiên tôi muốn hỏi cô xem điều đó có đúng hay không.
- Tôi không chắc chuyện tôi vừa nói đúng được bao nhiêu. - Shinokawa bỗng dưng ngẩng đầu lên. - Chuyện xảy ra cách đây đã lâu lắm rồi, trước khi chúng ta được sinh ra, vả chăng, chúng ta cũng không thể hỏi bà anh để kiểm chứng nữa. Tóm lại, nãy giờ tôi chỉ nói những gì mình suy đoán được qua cuốn sách này thôi.
Đôi môi cô khẽ nở một nụ cười, và tôi cảm thấy như mình vừa tỉnh dậy từ một giấc mơ. Quả thật, chúng tôi không thể biết câu chuyện vừa rồi đúng đến đâu, bởi dù sao thì bà tôi cũng qua đời rồi.
Sau đó, Shinokawa nhìn xuống chiếc đồng hồ đeo ở cổ tay để xem giờ. Chắc đã tới giờ cô phải khám bệnh.
- Anh định xử lý bộ sách này ra sao? Nếu muốn thì tôi có thể mua lại.
- Không, tôi sẽ mang nó về nhà. Cảm ơn cô nhiều.
Nói xong, tôi đứng lên khỏi ghế. Dẫu bộ sách này không phải thứ gì có giá trị, song nó mang trong mình một phần quá khứ của bà ngoại nên tôi không muốn đưa cho bất kì ai cả.
- Câu chuyện vừa rồi rất thú vị! Thật đấy. - Tôi nhìn vào mắt Shinokawa, nghĩ rằng cứ thế này mà đi về thì có hơi bất lịch sự. Trong lúc tôi đang băn khoăn nên nói những gì để thể hiện rằng tôi muốn một ngày nào đó được tiếp tục nghe cô kể về các cuốn sách, thì cô đưa cho tôi cái túi đựng bộ Soseki toàn tập ở bên trong.
- Cảm ơn cô.
Tôi vừa nhận lấy chiếc túi thì Shinokawa lại nói.
- Anh Gora Daisuke...
- V... vâng?
Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe cô gọi cả họ lẫn tên mình.
- Có phải tên anh là do bà đặt cho không?
- Ơ? Đúng vậy, nhưng sao cô biết?
Chắc chắn ngoài người trong gia đình ra thì không có ai biết điều này cả. Với lại, tôi cho rằng cũng không ai muốn biết chuyện đó để làm gì.
Nghe câu trả lời của tôi xong, Shinokawa lộ vẻ buồn buồn.
- Bà anh kết hôn khi nào thế?
Gì đây? Câu chuyện của cô vẫn chưa kết thúc sao? Tôi vừa cảm thấy khó hiểu vừa cố lục lọi trí nhớ. Tôi không rõ bà kết hôn vào năm nào, có điều, hình như đã ai đó nhắc đến chuyện này. Cũng chỉ mới đây thôi. Rồi, tôi chợt nhớ ra khi nhìn xuống chiếc túi đang cầm trên tay.
- À, phải rồi. Một năm sau khi cuốn này phát hành.
Đoạn, tôi mở túi và chỉ vào cuốn “Từ ấy” xếp ở trên cùng.
Trong một thoáng, tôi có cảm giác khuôn mặt của Shinokawa sắt lại, nhưng cũng có thể chỉ do tôi nhìn nhầm.
- Thật lòng, xin lỗi vì đã bắt anh phải nghe câu chuyện kì quặc vừa rồi.
Cô ngồi trên giường, cúi đầu với tôi một cách trang trọng.

Tôi về tới nhà và kể lại cho mẹ nghe xong, sắc mặt mẹ biến đổi hoàn toàn.
Tất nhiên tôi không đả động đến quá khứ của bà ngoại, mà chỉ nói rằng bút tích trên tờ gác là giả. Cho nên, mẹ tức giận là vì một chuyện khác.
- Mẹ bảo mày cầm bộ sách đến tiệm sách cũ bao giờ hả? Lại còn chạy tận đến bệnh viện làm phiền người ốm nữa chứ. Hành vi đó còn tệ hơn cả việc ăn xong không trả tiền đấy!
Ăn xong không trả tiền! Đúng là câu nói mà chỉ con gái nhà hàng cơm mới nghĩ ra được, và cháu trai nhà hàng cơm như tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ khi bị so sánh như vậy. Do đó, tôi quyết định nghe theo mệnh lệnh của mẹ, mang bánh trái tới để tạ lỗi, vì dù sao thì cũng đúng là tôi đã làm phiền cô ấy. Với lại, tôi muốn vin vào cớ này để gặp Shinokawa thêm lần nữa.

Ngày tiếp theo là một ngày bình thường.
Tôi thức dậy vào lúc trưa hệt như hôm trước thì mẹ đã đi làm. Tôi xuống nhà, kiểm tra hộp thư và thấy thư thông báo từ công ty mà tôi ứng tuyển. Trong phong bì là sơ yếu lý lịch và thông báo không trúng tuyển. Sau khi thở dài và ném chúng vào thùng rác, tôi mở cửa rồi đi ra ngoài.
Vẫn là một ngày nắng nóng cháy da cháy thịt. Những cơn gió nóng ẩm ướt thổi từ biển vào hòa cùng mùi hương mằn mặn tạo ra một không khí không mấy dễ chịu. Nhưng, đây chính là mùa hạ của Kamakura mà tôi quen thuộc từ những ngày còn thơ bé.
Tôi ăn tạm bữa trưa ở cửa hàng McDonald’s trước ga rồi lòng vòng xung quanh tìm “thứ gì đó trông ngon ngon” để làm quà. Song, việc này quả thật chẳng dễ dàng. Một phần vì tôi không rõ sở thích của Shinokawa, phần còn lại là do tôi không thể tập trung mua sắm được. Tâm trí vẫn luẩn quẩn với những câu hỏi của cô trước khi tôi rời khỏi bệnh viện ngày hôm qua.
Có phải bà đặt tên cho tôi không? Bà kết hôn khi nào? Hai câu hỏi này có vẻ không quan trọng, thế nhưng chắc chắn Shinokawa đã nhận ra điều gì đó khi nghe tôi trả lời.
Tối qua tôi có hỏi về cái tên “Daisuke”, mẹ đã nói bằng giọng khó chịu, xem ra vẫn còn ghim chuyện cũ trong lòng, “Người đó đã khăng khăng đặt tên này lúc mày chào đời đấy”.
Gọi mẹ mình là “người đó” vì một chuyện xảy ra cách đây hơn hai mươi năm thì kể cũng có hơi quá, tôi nghĩ.
- Người đó bảo là đã luôn muốn đặt cái tên này. Mẹ phản đối nhưng không được. “Daisuke” nghe cứ như tên của mấy thằng cha thuộc bang Bosozoku* ngày xưa. Mày có thấy thế không?

[Bosozoku: tên gọi chung cho những nhóm hoặc bang phái tập hợp những người có sở thích độ xe gắn máy, thường chạy xe với tốc độ cao trái phép ở Nhật]

Tôi chẳng phải là thành viên của Bosozoku hồi ấy nên khó mà đồng ý với mẹ được. Làm sao tôi biết “Daisuke” có phải là cái tên phổ biến với Bosozoku hay không?
- Hình như nó là một cái tên trong cuốn sách mà người đó thích nhất. Cách viết thì khác nhưng cách đọc giống hệt nhau. Là cuốn nào thì mẹ quên mất rồi.
Tôi biết nó là cuốn nào. Hôm qua về nhà, tôi đã mở cuốn “Từ ấy” ra xem. Tên của tôi chắc chắn đã được đặt theo cái tên “Daisuke” của nhân vật chính, và Shinokawa nhận ra điều này.
Tuy vừa mở sách là tôi đã lập tức vã mồ hôi hột, tôi vẫn cố gắng chịu đựng và đọc được một ít trong phần mở đầu. Đoạn ấy chỉ nói về cuộc chuyện trò trong bữa sáng giữa nhân vật chính và cậu sinh viên sống cùng nhà, song qua đó tôi biết được nhân vật tên Daisuke là một chàng trai không có công ăn việc làm. Điều này khiến tôi nảy sinh cảm giác gần gũi đến kì lạ. Tôi đoán rằng cậu ta cũng chẳng phải kiểu người sống tích cực gì, và tôi thực sự tò mò không biết sau này cậu ta sẽ ra sao. Nếu không mắc chứng sợ sách thì dứt khoát tôi sẽ đọc cho tới hết truyện.
Có điều, sau khi đã biết cậu ta là nhân vật thế nào, thì tôi càng thấy khó hiểu về lựa chọn đặt tên của bà. Chắc không phải bà hi vọng tôi lớn lên thành một đứa vô công rồi nghề đâu nhỉ!
Tôi vừa suy nghĩ miên man vừa đi dọc xuống phố buôn bán, cuối cùng dừng chân trước một cửa hàng bánh kẹo kiểu Âu nổi tiếng với món bánh quy kẹp kem bơ và nho khô. Tôi nghĩ mua bánh này đi thăm bệnh chắc cũng được rồi, vả lại, đi tìm tiếp nữa thì có khi tôi sẽ say nắng mất.
Bước chân vào cửa hàng, tôi bắt gặp một người phụ nữ quen thuộc. Vóc dáng thấp bé, làn da đen sạm, thân hình tròn trịa cùng đôi mắt to khiến tôi liên tưởng đến một chú gấu con. Thực tế thì người phụ nữ này còn lớn tuổi hơn cả mẹ tôi. Bác đang cầm một hộp bánh trên tay, có vẻ vừa mua bánh xong.
- Ơ kìa, Daisuke đấy à. Cháu cũng tới mua bánh hả?
Đây là bác gái Maiko của tôi, hiện đang sống ở Fujisawa.
Bác Maiko là trưởng nữ của nhà Gora, và có thể nói, bác là người thành công nhất trong nhà.
Hồi còn nhỏ, thành tích học tập của bác vô cùng xuất sắc. Sau khi trưởng thành, bác tốt nghiệp một trường đại học Công giáo dành cho nữ ở Yokohama, rồi kết hôn với một người làm việc ở công ty điện lực.
Bây giờ, bác và bác trai đang sống cùng hai cô con gái trong một ngôi nhà lớn ở Kugenuma thuộc thành phố Fujisawa gần Ofuna. Bác là một người tốt bụng, hay quan tâm tới người khác nhưng có hơi cứng nhắc.
Khuôn mặt bác trông giống ông ngoại trong tấm ảnh đặt trên bàn thờ, bác giống ông hơn giống bà, và dĩ nhiên không giống mẹ tôi.
- Hai tháng trước, Mina nhà bác vừa nghỉ việc để dành thời gian đi du lịch và ăn uống với bạn bè đấy cháu ạ. Gần đây nó bắt đầu đi làm lại, mà làm ở gần ga Kawasaki mới chết chứ. Bác thấy con gái tầm tuổi ấy làm việc ở mấy chỗ như Kawasaki thì không tốt lắm nên bảo nó nghỉ đi nhưng nó chẳng chịu nghe gì cả.
Tôi bị bác kéo tới nhà ga, vào một quán cà phê có chuỗi hoạt động khắp nước. Cả quán chỉ có mình tôi là đàn ông, còn lại toàn phụ nữ tầm tuổi bác. Cảm giác không thoải mái chút nào.
- Cháu nghĩ chỗ đó không nguy hiểm tới vậy đâu ạ.
Chúng tôi đang nói về chị họ của tôi. Lần cuối cùng tôi gặp chị ấy là vào giỗ đầu của bà.
- Kawasaki trước giờ vẫn là nơi để đàn ông đến mua vui cơ mà. Nó còn thường xuyên làm thêm giờ nữa nên bác lo lắm.
Xem ra bác tôi cho rằng khu ấy vẫn là khu ăn chơi như thời xưa. Trên thực tế bây giờ nó chỉ là khu trung tâm thương mại bình thường thôi. Tôi đang định giải thích thì bác đã hỏi sang chuyện khác.
- Dạo này Eri thế nào rồi? Công việc có bận lắm không?
Eri là tên của mẹ tôi. Dạo này mẹ làm thêm giờ suốt nên chắc là bận rộn rồi.
- Bận ạ.
- Thế còn cháu? Đã tìm được việc làm chưa?
- Vẫn chưa ạ.
- Cháu đang xin chỗ nào? Chắc vẫn đang nộp đơn xin việc ở các công ty chứ hả?
Chẳng hiểu sao cuộc trò chuyện giữa tôi và bác tự nhiên biến thành một bài thuyết giáo dành riêng cho tôi. Từ khi trưởng thành, tôi đã hiểu được rằng hễ bác Maiko dông dài về gia đình bác tức là bắt đầu muốn hỏi về tình hình của người đang đối thoại. Tôi ngập ngừng nói cho bác biết mình đã nộp đơn ở một vài công ty, đồng thời cũng thường xuyên đến các trung tâm giới thiệu việc làm.
- Tình hình kinh tế đang suy thoái như hiện tại thì chắc cũng khó tìm được công việc phù hợp với mình lắm nhỉ. Cháu có thế mạnh về sức khỏe mà, sao không thử thi vào Lực lượng Phòng vệ hay ngành Cảnh sát xem?
Tuy lời lẽ của bác uyển chuyển hơn một chút, nhưng ngụ ý thì không khác mấy với mẹ tôi.
Có lẽ do hai người là chị em nên cách suy nghĩ cũng giống nhau.
- Chồng bác cũng lo cho cháu lắm đấy. Nếu mãi mà vẫn không tìm được việc nào phù hợp thì cứ tới nói chuyện với ông ấy nhé.
Vụ này nghe hấp dẫn đấy. Bác trai là con thứ của một gia đình giàu có ở Kugenuma và là một người có mối quan hệ khá rộng ở Fujisawa. Dù đã nghỉ hưu từ năm ngoái, song hình như bác cũng vừa ứng cử vào hội đồng thành phố thì phải. Chắc bác định giới thiệu cho tôi vào làm ở một chỗ nào đó chăng?
- À, vâng ạ.
- Cháu mà cứ tiếp tục lông bông thế này thì bà ở bên kia cũng không an lòng đâu. Lúc còn sống, bà cưng chiều cháu nhất nhà mà lại.
Suýt chút nữa thì tôi phun luôn ngụm cà phê đá đang uống dở.
- Dạ không, không có chuyện ấy đâu ạ.
Tôi cảm thấy trong đôi mắt hẹp dài như mắt Quan Âm của bà thậm chí còn không có chỗ nhân nhượng cho một hạt cát nữa là. Tóm lại, tôi cho rằng bà tôi tuyệt đối không phải kiểu người có thể nuông chiều con cháu trong nhà.
- Cháu nói giống hệt Eri nhỉ? Cả hai đều không nhận ra điều đó sao? - Bác tôi thở dài, - Bác ở với bà lâu nhất nên cũng hiểu bà nhất mà. Bà quý cháu với Eri nhất nhà đấy. Họa hoằn lắm bà mới tới nhà bác chơi, mà chẳng nói gì ngoài kể chuyện hai mẹ con cháu. Đến cả chuyến du lịch cuối đời, người đi cùng bà cũng chỉ có mình mẹ con cháu còn gì. Vợ chồng bác đã đề nghị đi cùng nhưng bị bà từ chối đấy.
Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy chuyện này. Đúng là so với mẹ tôi - người bận rộn với công việc ở công ty, và tôi đang trong quá trình tìm việc thì bác trai đã nghỉ hưu và bác Maiko chỉ ở nhà chăm sóc chồng con sẽ rảnh rỗi hơn nhiều.
Mà nhắc mới nhớ, dường như tôi chưa từng thấy bác Maiko và bà cãi nhau bao giờ. Tôi vốn nghĩ là vì bác hợp với bà hơn mẹ tôi, song, nghe bác nói thì có lẽ là do họ không thân thiết với nhau mấy.
- Vậy tại sao mẹ và cháu lại...
Mẹ và tôi đều chẳng có điểm nào có thể gọi là dễ thương hay đáng yêu cả, bất kể về ngoại hình hay tính cách. Vả lại, tôi chưa bao giờ nhận ra rằng hai chúng tôi được bà yêu thương hơn những người khác.
- Chắc là vì cháu và mẹ đều cao lớn.
- Dạ?
Tôi buột miệng hỏi lại luôn, tỏ rõ sự không tin của mình. Tuy nhiên, bác tôi có vẻ nghiêm túc.
- Bác nói thật mà. Nhà ta ai cũng thấp bé, kể cả ông ngoại, riêng cháu với Eri thì khác nên bác nghĩ là bà thích những người cao ráo. Cháu nhớ chỗ cửa phòng bà có thứ như thế này không?
Bác vừa nói vừa dùng mấy ngón tay tạo thành một hình chữ nhật nho nhỏ. Tôi ngẫm nghĩ một lúc mới nhận ra bác đang nói tới miếng cao su nhỏ màu đen dán trên khung cửa.
- Nó được dán ở đó từ khi bác còn bé cơ. Bà dán đấy, mặc dù trong nhà chẳng có ai cao đến mức ấy. “Nếu đứa tiếp theo mà cao tới nỗi đập đầu vào chỗ này thì tội nghiệp lắm đúng không?”. Bà nói thế trước khi sinh Eri thì phải. Chắc cũng phải 45, 46 năm trước rồi.
Tôi sững sờ. Những con số nhảy nhót trong đầu tôi, rồi, chẳng biết từ đâu mà giọng nói của bà lại văng vẳng bên tai, “Nếu tái phạm, cháu sẽ không còn là con cháu nhà này nữa đâu”.
Là vậy sao? Tôi tự lẩm bẩm trong đầu, nốc một ngụm lớn cà phê để che giấu sự hoang mang. Dù vậy, tôi vẫn thấy miệng mình khô rang, và lòng bàn tay vẫn mướt mồ hôi.
- Cháu đã đập đầu vào chỗ đó bao giờ chưa, Daisuke? Chỗ dán miếng cao su ấy?
Tôi gật đầu.
- Vậy là nó cũng có ích đấy chứ. Chắc bà sẽ vui lắm đây.
Giọng bác nghe như đang vọng lại từ một nơi nào đó xa xôi. Rốt cuộc tôi cũng hiểu vì sao Shinokawa lại ngạc nhiên như thế. Mà không, vẫn chưa thể quả quyết nó là sự thật được. Tôi ngẩng đầu lên nhìn bác.
- Bác nói cháu mới nhớ, có chuyện này cháu muốn hỏi bác từ lâu rồi. - Tôi cố gắng nói với giọng bình tĩnh hết mức có thể. Thật ra tôi cũng chỉ vừa mới nghĩ ra câu hỏi này lúc nãy thôi: - Ông là người như thế nào ạ?
Bàn tay đang vươn ra để cầm lấy cốc nước của bác Maiko bỗng khựng lại. Bác im lặng hồi lâu, đến nỗi tôi nghe rõ mồn một tiếng nói chuyện từ các bàn xung quanh. Có hai phụ nữ trung niên tầm tuổi bác ngồi ở bàn bên cạnh đang nói giấm đen là loại thực phẩm tốt nhất cho sức khỏe, và nói bằng giọng rất to.
- Bà đã bao giờ nhắc tới ông với cháu chưa?
Nghe bác hỏi, tôi mới nhận ra rằng mình chưa từng nghe bà kể chuyện về ông.
- Chưa ạ.
- Thế chắc cháu cũng không biết vì sao ông mất rồi.
- Cháu nghe mẹ nói là ông mất vì tai nạn giao thông, giữa một mùa hè, trên đường từ chùa Kawasaki trở về.
Bác tôi khịt mũi, nở một nụ cười chua chát. Biểu cảm lạnh lùng trên gương mặt bác khiến tôi ngạc nhiên vô cùng. Không thể tưởng tượng được người luôn hiền lành và hay quan tâm người khác như bác tôi cũng có vẻ mặt như vậy.
- Chắc tại lúc ấy Eri còn nhỏ quá nên mới tin là thế thật. - Bác thấp giọng nói, cứ như đang tự lẩm bẩm một mình, - Trong không biết bao nhiêu chùa ở Kamakura, cháu không thấy lạ là tại sao ông lại phải tới tận chùa Kawasaki à? Còn giữa mùa hè nữa chứ. Đi chùa Kawasaki chỉ là cái cớ ông viện ra thôi.
- Cớ ạ?
- Để đi xem đua xe và đua ngựa đấy. Không phải cứ nhắc đến Kawasaki là sẽ nghĩ ngay đến những thứ này hay sao? Vả lại, ông còn nghiện rượu. Cái hôm bị tai nạn, ông cũng khá say rồi.
Tôi không nói được một lời nào. Tôi chưa từng nghĩ ông mình lại là một người như vậy.
- Ông ở rể nhà mình, lúc mới kết hôn với bà, ông cũng làm việc cần mẫn lắm. Song, sau khi bác chào đời và hai cụ mất, ông đã thay đổi nhiều, việc đi “chùa Kawasaki” mấy ngày liền không về cũng trở nên thường xuyên hơn.
Cuối cùng thì tôi đã hiểu vì sao bác tôi ghét khu Kawasaki đến thế. Ai mà thích nổi cái khu cha mình vẫn thường lui tới để đánh bạc cơ chứ. Có lẽ cho đến tận bây giờ, bác tôi vẫn chẳng muốn lại gần khu đó chút nào.
- Lạ một điều là bà cháu chưa từng yêu cầu ly dị. Cho dù ông có làm gì, bà cũng cắn răng chịu đựng tất cả, chỉ trừ một lần ông động vào tủ sách của bà thôi. Hôm ấy bà giận ghê lắm.
Tôi cố gắng nuốt những lời đang chực trào ra khỏi họng, chỉ sợ giữa cơn kích động mình sẽ buột miệng nói phải điều không nên nói.
- Vậy nên Daisuke đừng trở thành người như ông nhé. Hãy làm việc chăm chỉ vào.
Đột nhiên bác tôi quay về giọng thuyết giáo như cũ. Dường như bác kể cho tôi nghe những chuyện mà ngay cả mẹ cũng không biết là để cảnh cáo tôi thì phải. Nói xong câu ấy, bác trượt ghế ra sau, xem chừng định đứng dậy để về nhà.
- Bác đọc cuốn “Từ ấy” của Natsume Soseki bao giờ chưa ạ?
Cầm túi đựng bánh có in logo cửa hàng trên tay, bác ngẩng lên nhìn tôi, chớp mắt đầy nghi hoặc.
- Sao bỗng dưng cháu lại hỏi thế?
- Vì hình như bà thích cuốn đó lắm, với lại cháu cũng đang đọc nữa ạ.
Tôi nói, muốn xem thử bác sẽ phản ứng ra sao. Nhưng bác chỉ lộ vẻ khó hiểu chứ chẳng hề ngạc nhiên chút nào. Vậy là bác không biết về bí mật giấu trong cuốn sách ấy rồi. Nếu ngay cả bác Maiko cũng không biết thì tôi là người duy nhất trong nhà nắm được bí mật của bà.
- Bác chưa đọc cuốn đó nhưng có xem phim rồi. Diễn viên chính là Matsuda Yusaku đấy.
Đến giờ tôi mới biết nó đã được chuyển thể thành phim.
- Câu chuyện này nói về cái gì thế bác? Cháu chỉ mới biết nhân vật chính là người thất nghiệp thôi.
- Ừm, hình như là... - Bác Maiko cúi đầu, cố gắng nhớ lại nội dung. Xem ra bác không còn mấy ấn tượng với nó nữa rồi. - Hình như là kể về việc nhân vật chính cướp vợ của người khác hay sao ấy.

Khi tôi tới bệnh viện thì mặt trời chói chang đã bắt đầu ngả về đằng Tây. Shinokawa vẫn ngồi đọc sách trên giường giống như hôm qua. Đôi môi cô chu ra, có vẻ đang định huýt sáo. Vừa trông thấy tôi ở cửa, cô lập tức rụt cổ lại, đỏ bừng cả mặt.
- X... xin chào.
Cô nói bằng giọng nhỏ xíu, khác hẳn với hôm qua, lúc giải thích cho tôi về bí mật trong bộ Soseki toàn tập. Hình như cứ không nói chuyện về sách là cô lại trở nên nhút nhát và rụt rè.
- Chào cô. Bây giờ cô có rảnh không?
- À, vâng... Mời anh vào.
Cô bẽn lẽn chìa tay về phía cái ghế ý bảo tôi ngồi xuống. Khi tiến về gần chiếc giường hơn, cuốn sách trong lòng cô lọt vào tầm mắt tôi. Hôm nay là một cuốn xuất bản dưới dạng bunko. [dạng sách bỏ túi khổ A6 (105 mm x 148 mm)].
Tôi đang tò mò không biết là sách gì thì Shinokawa đã chìa cho tôi xem phần bìa của cuốn sách. Là “Julia và khẩu Bazooka” của Anna Kavan. Cái tên thật kì quặc. Tôi chịu, không thể nào đoán được nội dung của nó là gì.
Sau đó, tôi xin lỗi Shinokawa vì đã làm phiền vào ngày hôm qua và đưa hộp bánh cho cô.
- Không đâu. Anh đừng để ý. Cũng do tôi cứ nói mấy chuyện chẳng đâu vào đâu mà...
Cô lắc đầu quầy quậy. Cô nhấn mạnh mấy chữ “chẳng đâu vào đâu”, và nhất quyết không chịu nhận. Kết quả, tôi gần như phải ấn luôn hộp bánh vào tay cô, khiến cô cúi thấp đầu bộ dạng ngại ngùng.
Đang tự hỏi có phải mình mạnh tay quá không thì tôi nghe thấy cô lí nhí:
- V... vừa đúng lúc tôi cũng muốn ăn gì đó. N... nếu được thì chúng ta cùng ăn nhé?
Tất nhiên là tôi chẳng có lý do gì để từ chối rồi.
Shinokawa mở hộp và đưa cho tôi một chiếc bánh bọc trong giấy gói riêng. Rồi chúng tôi cùng mở gói bánh của mình ra.
Nó ngon hơn tôi nghĩ. Vị của bơ hợp với vị chua của nho khô, đến cả lớp bánh quy xốp giòn bên ngoài cũng tuyệt vời.
- Thỉnh thoảng tôi cũng mua loại này. Dù để qua ngày, nó mềm hơn một chút nhưng ăn vẫn ngon lắm. - Shinokawa vừa cười vừa nói.
Tuy không biết gì về bánh trái, nhưng xem ra tôi đã đúng khi chọn mua nó rồi. Tôi cắn hai miếng đã hết cái bánh, Shinokawa thì nhấm nháp từng chút một. Dẫu mời tôi ngồi lại ăn bánh cùng, cô vẫn chẳng nói gì nhiều, tất nhiên cũng không hề nhắc tới bộ Soseki toàn tập. Chỉ nghe tôi nói và dựa theo những gì còn lưu lại trong cuốn sách thôi mà Shinokawa đã đoán được bí mật bà tôi cất giấu suốt mấy chục năm. Chắc hẳn cô cũng muốn tôi đừng để ý và tìm hiểu thêm về bí mật đó nữa, thế nên lúc nãy mới bảo chuyện mình đã nói hôm qua là “chuyện chẳng đâu vào đâu”.
Dĩ nhiên là đã quá muộn rồi.

Quyển 8 - Từ ấy” xuất bản ngày 27 tháng Bảy năm Chiêu Hòa thứ 31, tức là năm 1956, cách đây 54 năm. Bởi bà kết hôn sau đó một năm nên tôi đã nghĩ ông Tanaka tặng bà cuốn sách vào đúng năm 1956.
Có điều, giờ nghĩ lại thì có lẽ không phải ông Tanaka tặng bà cuốn “Từ ấy” vì nó mới được xuất bản đâu, mà vì nó là một cuốn sách quan trọng với ông ta.
Bà tôi mua Soseki toàn tập ở tiệm sách Biblia vào 45,46 năm trước, tức sau khi kết hôn gần mười năm, suy ra hẳn là ông Tanaka đã tặng sách cho bà tôi vào thời điểm ấy. Điều đó có nghĩa là hai-người-họ-vẫn-tiếp-tục-gặp-gỡ-nhau-sau-khi-bà-tôi-kết-hôn. Vả lại, “Từ ấy” của Soseki còn viết về một người đã cướp vợ của người khác nữa chứ. Cuộc sống hôn nhân của bà tôi không mấy tốt đẹp thì phải.
Bà đặt cho tôi cái tên “Daisuke” dựa theo tên của nhân vật chính trong cuốn sách, và nói đó là cái tên bà đã luôn muốn đặt cho con cháu trong nhà. Như vậy nghĩa là cái tên ấy vốn dĩ không phải để đặt cho tôi, mà là để đặt cho mẹ tôi, nếu năm xưa bà sinh con trai chứ không phải con gái, bởi chắc chắn bà đã mua Soseki toàn tập ở Biblia trước lúc mẹ tôi ra đời.
Bác Maiko nói bà thích những người cao lớn nên mới yêu quý mẹ con tôi nhất trong nhà. Song, e rằng đó mới chỉ là một nửa của sự thật thôi. Mẹ con tôi đều cao ráo, trong khi những người khác thì thấp bé cả. Với lại, trông chúng tôi cũng không giống ông ngoại.
Phải chăng, bà quý chúng tôi nhất vì đã nhìn thấy hình ảnh người tình bí mật của bà qua hai mẹ con tôi?
Rồi còn miếng cao su nhỏ màu đen dán trên khung cửa nữa. Thật lạ khi bà bỗng dưng lo rằng sẽ có người đập đầu vào đấy dù trong nhà vốn toàn những người thấp bé. Trừ phi đã có ai từng gặp cảnh ấy rồi.
Sự thật là bà dán nó không phải vì con cháu trong nhà, mà là để người nào đó sẽ không bị thương khi đi vào phòng, một người mà cả gia đình tôi không ai biết, một người cao lớn giống như tôi bây giờ.
Ông ngoại của tôi là người có tên Tanaka Yoshio này chăng? Và đây chính là bí mật mà bà đã tìm mọi cách để che giấu? Cái câu “Cháu sẽ không còn là con cháu nhà này nữa đâu” của bà năm xưa, nói ra với nghĩa đen, đúng không?
Nhưng, dù sao, tất cả cũng chỉ là suy đoán của tôi thôi. Vì bà đã mất nên không còn cách nào chứng thực. Trừ phi...
- Cái ông tên Tanaka Yoshio này, theo cô thì ông ấy còn sống không?
Nghe tôi hỏi, Shinokawa đang chuẩn bị ăn nốt miếng bánh cuối cùng liền khựng lại.
- Chắc là còn... không chừng...
Cô cúi gằm mặt. Tôi nghĩ là mình đoán được ý nghĩ của cô. Tanaka Yoshio có thể gặp gỡ bà tôi - người luôn bận bịu với quán ăn thì có nhiều khả năng ông sống gần nhà chúng tôi.
Và biết đâu hiện giờ ông vẫn sống ở đấy.
Căn phòng chìm vào im lặng dưới ánh nắng chiều. Sự thật khó lòng nói ra ấy là một điều mà chỉ hai chúng tôi biết thôi. Tôi và cô vốn dĩ không quen nhau, nhưng bằng một cách nào đó lại kết nối với nhau qua bí mật chung này.
- Ừm... Anh Gora ạ! - Shinokawa bỗng nói - Hiện anh có đang làm việc ở đâu không?
Đột ngột bị kéo về hiện thực bởi câu hỏi thẳng thừng của cô, tôi trả lời:
- Tôi chưa tìm được việc.
- Làm thêm thì sao?
- Cũng không.
Bởi chưa biết khi nào sẽ được gọi đi phỏng vấn nên tôi cũng khó mà đi xin việc làm thêm lâu dài. Tôi cảm thấy không thoải mái khi phải thừa nhận mình ăn không ngồi rồi, nhưng Shinokawa lại tỏ ra phấn khởi. Sao thế nhỉ? Phấn khởi vì tôi thất nghiệp?
- Tôi bị gãy chân, chắc cũng còn lâu lắm mới xuất viện được. Nói chung là hiện giờ tiệm sách nhà tôi đang thiếu người lắm.
- À...
Tôi không hiểu cô đang định đề cập đến chuyện gì nữa.
- Thế nên, nếu anh không ngại thì có thể tới cửa tiệm nhà tôi làm được không?
Mắt tôi trợn tròn lên khi thấy cô cúi gập người xuống.
- Anh cân nhắc giúp tôi nhé. Em gái tôi đang trông tiệm giúp, có điều nó không thạo việc lắm.
- C... chờ một chút. Tôi không biết gì về sách đâu.
Tôi đã nói với về “cơ địa” của mình rồi mà nhỉ? Tôi chưa từng nghe chuyện một người không thể đọc sách lại làm việc ở tiệm sách bao giờ.
- Anh có bằng lái xe không?
- Có.
- Tốt quá rồi. Thế thì không có vấn đề gì cả.
Shinokawa gật đầu thật mạnh.
- Cô cần một người biết lái xe hơn là một người đọc được sách sao?
- Làm ở tiệm sách cũ thì việc biết giá cả thị trường quan trọng hơn việc biết nội dung các cuốn sách. Tất nhiên đọc nhiều cũng tốt, song, không đọc thì vẫn học về giá thị trường rồi làm việc được thôi mà. Thật ra số nhân viên làm ở tiệm sách mà không đọc sách cũng không ít đâu. Có lẽ người mà sách gì cũng đọc như tôi mới ít ấy.
Tôi há hốc mồm khi nghe Shinokawa giải thích. Hình ảnh về tiệm sách cũ trước giờ trong tôi sụp đổ hoàn toàn, và tôi có cảm giác mình vừa nghe những điều không nên nghe.
- Vả lại, bởi sẽ phải vận chuyển nhiều sách nặng nên đương nhiên việc có bằng lái xe cần thiết. Dù sao thì tôi cũng đang quản lý việc mua bán và định giá sách rồi nên anh Gora chỉ cần làm theo hướng dẫn của tôi là được.
- N... nhưng chẳng lẽ không có ai phù hợp hơn tôi sao?
- Anh Gora nói là anh không thấy phiền khi nghe chuyện về những cuốn sách phải không?
- Ơ? À vâng.
- Vì hễ cứ nhắc tới sách là tôi lại nói nhiều. Mấy đứa trẻ làm thêm ở tiệm lúc trước đều không thể chịu được mà xin nghỉ hết. Thế nên, đến nay tôi vẫn chưa tìm được nhân viên nào bằng lòng làm lâu dài cả.
Vậy ý cô là muốn thuê tôi làm để nghe cô nói chuyện sao?
Tôi choáng váng khi Shinokawa ngước đôi mắt to tròn ươn ướt nhìn vào gương mặt đang ngạc nhiên của tôi. Giở vẻ mặt này ra đúng là ăn gian mà!
- Công việc ở tiệm sách nhà tôi đòi hỏi thể lực nhiều, những điều cần ghi nhớ cũng nhiều mà lương lại không cao lắm.
Tôi cảm thấy mình không nên để Shinokawa nói một mình mãi như thế, song lại không biết nên trả lời ra sao. Từ giữa đống sách, cô gái vươn người tới trước, về phía tôi, đến mức gần như sắp rơi xuống giường.
- Anh không thích công việc này sao?
Tôi bỗng nhớ lại lời bà nói khi nằm trong bệnh viện, “Nếu cháu đọc được sách, chắc hẳn cuộc sống của cháu đã khác rồi”.
Cô gái trước mặt tôi đây đúng là kiểu người đọc sách mọi lúc mọi nơi. Mặt khác, dẫu không hề cảm thấy bất mãn với cuộc sống hiện tại, nhưng đâu đó sâu thẳm trong tôi vẫn mong muốn được một lần thử sống ở nơi có nhiều sách vây bọc xung quanh như cô.
Vả lại, tôi còn nghĩ tới Tanaka Yoshio nữa. Dường như ông cũng là “mọt sách” giống bà tôi và Shinokawa. Nếu ông sống gần khu vực này thì có lẽ một ngày nào đó, biết đâu tôi sẽ gặp được ông ở tiệm sách Biblia cũng nên.
- Được rồi. - Sau khi suy nghĩ kĩ, tôi gật đầu, - Chỉ là, tôi có một điều kiện.
Shinokawa lập tức trở nên căng thẳng.
- Điều kiện gì?
- Cô có thể kể cho tôi nghe về “Từ ấy” của Natsume Soseki được không? Tôi muốn biết nội dung nó như thế nào.
Đối với một cuốn sách cũ, không phải chỉ phần nội dung bên trong mới có thể coi như một câu chuyện mà ngay cả những điều quay quanh cuốn sách ấy cũng biến thành câu chuyện của chính nó.
Tôi đã biết được sự việc liên quan đến cuốn “Từ ấy” mà bà tôi rất đỗi quý trọng, nên tất nhiên tôi cũng tò mò về nội dung bên trong, vậy mà lại không thể đọc trọn vẹn.
- Tất nhiên là có thể.
Tôi không cách nào rời mắt khỏi cô gái đang mỉm cười gật đầu. Cô ngước nhìn khoảng không như đang nhớ lại điều gì đó. Cứ thế một lát, cô bắt đầu kể chuyện bằng tông giọng hết sức nhẹ nhàng.
- “Từ ấy” là một tiểu thuyết dài kì được đăng trên tờ Asahi vào năm Minh Trị thứ 42, là một phần của bộ ba cuốn tiểu thuyết, đi chung với SanshiroCánh cửa...
Cô bắt đầu kể từ đây sao? Xem ra sẽ là một câu chuyện dài. Tôi im lặng lắng nghe, khẽ kéo chiếc ghế lại gần giường thêm một chút.
------------
Còn tiếp.
(Mọi chú thích là của người dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét