Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Đới - Roi - truyện ngắn Nguyễn Tuân

Đới - Roi

Tác giả: Nguyễn Tuân

Một đêm giao thừa nọ, thủy chung quỷ sắp y ước mà vứt xôi oản vào đất mình, Phật mới hiện ra mà bảo rằng: “Đấy là Hậu thân của con”.  Ân Ngũ Tuyên - Kinh Sám Hối.

Cái ông khách đứng tuổi đến chơi uống nước nhà bác Tếch Già chi tiền chầu hát tất niên hôm kia nhìn theo một người gầy ốm mặc áo bành tô vừa ra khỏi cửa, hất hàm hỏi nhà chủ:
- Tôi trông cái bác vừa vào bán roi chầu cho bà đây có vẻ mặt quen lắm. Hình như tôi đã có gặp ở những đâu đây.
Sau giây lát suy nghĩ và dè dặt, bác Tếch Già:
- Dạ thưa đấy là cậu Đái.
- Đái nào? Cậu Ấm Đái con cụ Bố Nam ấy à?
- Vâng chính là cậu Đới đấy ạ. Tên cậu, chữ Đái cứ theo lời mấy cụ nhà Nho hay xuống hát ở đây giảng ra thì là đẹp lắm - đâu là cái đai hay cái giải mũ gì ấy - nhưng tất cả chị em trong giáo phường đều gọi chệch đi là Đới.
Ông khách mỉm cười. Rồi liền nhắc đến một đoạn tỉnh sử cũ thuộc Ấm Đới:
- Tôi còn nhớ ngày trước cậu yêu cô Tám - cái cô Tám ở Ấp ấy mà - say như điếu đổ. Hồi ấy người ta còn có cái thói là cứ được nằm giường Hồng Công thì mới cho là giầu sang kia. Cậu bèn về nhà đánh lừa vị trưởng họ mở nhà thờ, làm thế nào mà thó ngay được bộ chén ngọc liệu, đem bán đắt bán rẻ đi sắm giường Hồng Công để Tám ngủ cho đỡ đau lưng.
Chủ nhà hát nguýt ông khách:
- Ông cũng hay nhớ những cái chuyện nhảm quái ấy nhỉ. Tôi tưởng chỉ có chị em chúng tôi trong giáo phường là biết thôi.
- Bà đừng nên tưởng như thế. Bởi vì tiếng lành đồn đã xa mà tiếng dữ đồn thì lại càng xa lắm. Với lại những người đi chơi hay tọc mạch như bọn tôi thì cái gì mà lại không biết. Để tôi kể chuyện tiếp về cái bộ chén. À, cái bộ chén ngọc liệu ấy đâu bán cho cái chú Khách đứng chủ hiệu cao lâu Nhật Tân được gần ngàn bạc. Cậu Đới liền sắm giường cho tình và còn bao nhiêu thì uống sâm banh dần với tình... Thú lắm. Nhưng trong họ cậu, có tí hơi phiền phiền. Là mỗi lần có giỗ họ, không có cái gì kheo khéo để uống một chén nước cúng cho ngon.
- Bây giờ cậu Đới khổ lắm ạ. Tài tình như thế mà hóa ra hão huyền. Giờ sống bằng nghề chuốt roi chầu và vót gọng ô, nan hoa xe đạp làm tiêm bán cho các tiệm.
Đứng lên ông khách vẫn giữ cái giọng đùa:
- Ra cái người đi chơi xóm lúc xuống cũng chóng quá bà nhỉ. Thôi tôi về bà ạ. Qua năm, có lẽ đến giữa giêng, tôi mới xuống ăn cuốn được ở đây với bà.
Một buổi chiều giáp tết, nhẩn nha ngoài đường nghĩ về chuyện cậu Đới, lòng ông khách đi chi tiền hát cũ ra về, giờ mới thấy ngậm ngùi cho cuộc sống của làng chơi lúc xế chiều, tiền hết sức khỏe hết, cái tài hoa còn giữ lại được thì cũng là thừa.
Ông nghĩ hộ cho người, ông nghĩ luôn thể về riêng ông. Ông thấy rằng ca và nhạc và cái thanh cái sắc ở người đàn bà là thú thực đấy, nhưng đã có bao giờ những cái ấy có thể trở nên một cái bền tốt cho một đời sống của tình cảm. Ở đấy gió giời chúa hay giở mặt, nước nông mà lại hay có sóng ngầm.
Qua Cống Trắng, một đợt gió tàn năm tạt ngang lại. Ông khách rùng mình.
Một tiếng đàn bà trẻ gọi giật lại:
- Này, vào tôi hỏi cái đã.
Cô Nhẫn!
Ông khách ghé vào nhà cô đào Nhẫn.
- Lạnh quá Nhẫn ạ. Gió phố ta lạnh quá.
- Đời bọn tôi còn lạnh bằng vạn cái gió ngoài đường ấy... Qua năm anh xuống hát mở hàng cho Nhẫn lại được đi một đoạn nữa nhé.
Người đàn ông từ chối, viện cớ để không mở quả mứt đầu năm; người đàn bà nói lại rằng một vía lành đến nhường ấy thì phải xuống. “Với lại đầu nằm, ai cũng thế, khai hoa, rồi mới khai bút anh ạ. Sau đó, có làm gì thì mới làm. Anh vốn là người hiểu biết nhiều”.
Lòng cái ông khách chơi vừa se lại cách đây mấy phút, giờ lại mở toang. Ông cười hà hà như một người được đời sống cho mình có rất nhiều tiền để đem tiền ra mà cười với mọi người. Ông nhận lời hát mở hàng nhà Nhẫn.
Một kẻ đói rách khúm núm tiến vào. Lại vẫn lại cái người mặc áo bành tô bán roi chầu ban nẫy tại nhà bà Tếch Già.
- Bà mua cho một trăm. Hai bó này là đủ một trăm roi.
Rất tử tế, cô Nhẫn mở xắc gửi người bán roi ba đồng, không đếm số roi ở hai bộ xem thiếu hay đủ và cắt nghĩa về phía ông khách.
- Bác Đới là chỗ quen. Nhà vẫn còn nhiều roi. Có đến hàng chục ông thầu khoán tới đây đánh trống cho giãn gân giãn cốt tay cũng không gãy hết được. Nhưng tôi cứ mua để bác Đới lấy tiền tiêu tết. Bác vẫn ở trong ngõ Liên Hoa đấy chứ? Bác xem hễ lúc nào cô Hường hàng xóm dọn đi thì bảo tôi ngay, để cậu lý nó và các cháu vào trong ở kẻo ngoài này chật lắm. Độ này, cứ hai ba chầu một đêm là thường.
Ông khách vui tay rút một cây ra khỏi bó roi vừa mua. Ông thử roi vào mặt trống, rồi uốn hai đầu xuống; thân roi ưỡn ngửa mãi lên như lúc người đàn bà tránh một cái hôn bạo. Bác Đới tiến gần lại:
- Dạ thưa đấy là gỗ ruối.
Ông khách lại uốn đến cái roi khác ở bó thứ hai. Roi mới ưỡn được có một chút đường cong thì kêu đánh rắc, gẫy đôi.
- Thế cái này hẳn là gỗ găng?
- Dạ bẩm ông tinh lắm. Gỗ ruối thì dẻo bền hơn. Nhưng thường bán ra, tôi vẫn đưa một nửa ruối và một nửa găng. Được cái các bà các cô ở xóm vốn có bụng thương nên đều vui lòng nhận như thế cả. Với lại các ông tính, chúng tôi làm nghề chuốt roi chầu mà đánh đến một nghìn bài Thét Nhạc rồi mà đời một cái roi bán ra ấy vẫn cứ lành vẹn thì chúng tôi sống thế nào được, nếu không liệu thay nghề đi.
Ông khách gật gật, cười hóm hỉnh:
- Nhưng ngộ tôi muốn có một cái roi rất bền có thể dùng hết đời mình và lại còn truyền đến đời đứa con tôi sau này nữa mà không gẫy thì liệu bác có cái nào không?
- Dạ ông đùa kẻ hèn mọn này hay là ông nói thực?
- Tôi nói thực đấy.
- Dạ thế ông cứ ngồi đây, tôi về nhà lấy đem ra. Ông uống tàn ấm trà với bà Nhẫn thì tôi ra đấy.
Người bán roi đi rồi, chủ nhà nói chuyện về người bán roi:
- Anh có biết rõ về cậu Đới này không? Hát từ hồi còn Hàng Giấy kia đấy. Độ chị tôi dọn trên ấy cậu thường đến phá luôn. Tôi còn bé bằng này. Giờ thì cực lắm. Bán roi chầu cho mấy xóm. Nên gọi là Đới-Roi. Này, tài hoa lắm nhé. Cậu ta mà đánh ba tiếng trống gọi rất tròn rất đĩnh đạc thì đến bà cụ Trưởng Bảy đang ngủ cũng phải chồm dậy mà ra xóc phách. Những lúc say đùa mà cậu nhại lối hát Ấp thì cứ bò ra mà cười. Lại đánh được cả đàn đáy nữa. Giá chịu khó uốn nắn thêm ít tiếng nữa thì ghim đàn đáy được rồi đấy. Chúng tôi thỉnh thoảng có khuyên cậu nên xoay tài ra mà làm kép còn hơn là chuốt roi thì cậu kêu rằng giờ cậu rất lấy làm sợ những tiếng tơ tiếng trúc và nếu có tập thêm để đàn quanh đây thì rồi lại cũng chỉ đến thành một anh kép một để mà đắc tội thêm với tổ, nên cậu không muốn. Chữ nghĩa như thế mà không thành một cái danh phận gì thì cũng uổng cũng tội. Cái bài Tỳ Bà, chữ viết lối triện treo trên gác là chữ bác Đới-Roi đấy. Chị tôi cho mượn treo đến hai năm nay và giờ tôi có ý chiếm hẳn. Người vậy mà hay khái lắm đấy nhá. Cô Vy-Đồng-Bóng mê lắm. Mà xem cậu Đới thì hình như cứ làm như không biết ấy. Thế có lạ không?
- Vy nào? Hay là Vy lấy cái lão người Cự Đà mà nó cứ gọi là Mặt-Thủ-Lợn ấy phải không?
- Chính. Tính con bé cũng ngang lắm. Nên mấy lần dọn nhà hát đều sập cả và giờ thì chỉ đi hát mảnh thôi. Khối người chấp chới. Mà nó vẫn gan.
Đới-Roi đã lộn về, xách một cái túi vóc lam đựng đôi roi chầu. Ông khách xem qua, biết ngay là thứ roi quý. Một cây gỗ Khổng, một cây bằng gỗ Nguyệt Quế.
Roi gỗ Khổng khắc cả một bài Hữu Sở Tư chữ lệ và riêng mấy câu “Mỹ nhân hề! Mỹ nhân! Bất tri mộ vũ hề! Vi triêu vân? Tương tư nhất dạ...” thì viết theo lối hành thư.
[“Hữu sở tư” - thơ Lư Đồng]
Roi gỗ Nguyệt Quế khắc một câu Thiên Thai: “Thanh đài bạch thạch dĩ thành trần”.
[Lưu Nguyễn tái đáo Thiên Thai bất phục kiến chư tiên tử - thơ Tào Đường]
Đều là nét khắc của cậu Đới cả.
Ông khách lấy làm đắc ý lắm, ngắm mãi và uốn mãi, luôn tay thử mãi mặt trống.
- Tôi phải lấy hai cây này. Bao nhiêu?
- Cái đó tùy ông. Tôi giờ thất thế, có giữ thì cũng chẳng dùng đến nào. Nhưng ông cũng chỉ nên lấy một cây thôi. Còn cây có khắc câu Thiên Thai tôi giữ lại làm kỷ niệm.
Ông khách là người biết điều, đưa ba chục, lấy cây roi Hữu Sở Tư.
Lúc tỉnh rượu, giờ Tết lúc ấy áng chừng độ năm giờ. Ngoài ngõ, vẫn mưa phùn. Đới-Roi vào nhà trong tìm không thấy Vy đâu cả. Con sen vừa đi đâu về đưa ra một bì thư. Thư rằng “Anh Đới ơi, em phải yêu anh...”. - Đới-Roi ngồi lặng người đi. Lời thư quyết liệt lắm.
- Mợ con dặn khi nào ông dậy thì nói là mợ con phải đi hát mảnh hát đầu năm. Một mảnh chúc thọ dưới Ấp và một mảnh mở cửa hiệu trên Hàng Ngang. Mợ con dặn đun nước hạt mùi để ông tắm. Và tối thì mợ con về cùng đi ăn với ông.
Đới-Roi gật. Mặt người bán roi lại nghiêm trang và xa vắng hơn cũ. Thế này thì Vy nó muốn lấy mình và đêm nay là một tối tân hôn của nhau đây. Vy nó thương một anh bán roi không muốn cho anh bán roi phải khổ nữa!
Đới-Roi hút hết ba xu thuốc lào. Miệng Đới-Roi cười ra chua chát và mắt thì ướt dần.
Từ lúc sa sút, chưa khi nào chàng thấy bận lòng hơn phút này. Đới-Roi hiểu Vy thương mình lắm. Nhưng gắn cái thân mình vào đời Vy chàng thấy là buộc một quà chì vào đời người ta để rồi mà chịu ơn đời đời. Mà từ sau phút này, từ chối Vy nữa, chàng thấy sống là một sự hết cả vui. Mà nếu không lấy người tri kỷ thì lấy ai? Mà cứ đi chuốt roi mãi như thế này, tết ấy qua tết khác, sống bằng sự thương hại của một giáo phường thì cũng là một điều hớ.
Đới-Roi vừa nghĩ ra được một việc rất hay phải làm ngay, không thì chẳng có lúc nào làm được.
Đêm ấy, không để một chữ gì cho Vy, gọi là đáp đền nhau một cái tri ngộ, Đới-Roi đã men ra phía Cống Trắng treo cổ lên ngành tre bên dòng nước tù.
Và rồi càng về sau này, cái người trai không vợ ấy đã thành một ông mãnh rất thiêng thường hiện ra để quấy những nhà chủ cô đào ở Khâm Thiên dám vô lễ với vong hồn mình vẫn oán kết gần quanh kỹ viện. Nhiều nhà hát, những đêm không có khách, đã khóa trái cửa gác rồi mà vẫn cứ nghe thấy có tiếng trống đánh trên đầu. Cúng thì lại hết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét