Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022

Tiệm sách cũ Biblia Q 6 - Chuyện Thứ Nhất

Tiệm sách cũ Biblia Q 6

Tác giả - Mikami En
Người dịch: Hải Hà
Nhà xuất bản Hồng Đức - 2018

Tập 6 - Shioriko và định mệnh xoay vòng

Để tranh đoạt bản in đầu tiên Những năm cuối đời, Toshio từng ra tay hãm hại cô chủ tiệm xinh đẹp, gây thù chuốc oán với Biblia, nhưng lần này hắn lại xuất hiện với tư cách khác, tư cách người ủy thác.
Và nhờ cậy một chuyện không thể tin nổi, là truy tìm một bản Những năm cuối đời còn quý giá và hiếm có khó tìm hơn bản in đầu tiên, vì trên đó có bút tích của Dazai Osamu.
Trong lúc theo cô chủ tiệm đi làm nhiệm vụ, thanh niên trông tiệm đã đào bới được một sự thật không sao tưởng nổi, có liên quan đến ông của họ vào bốn mươi bảy năm về trước.
Quá khứ bắt đầu tái hiện một cách dị kì. Những bí ẩn tuần hoàn rốt cuộc là ngẫu nhiên hay tất yếu? Và kẻ đứng đằng sau tất thảy lại là ai?

Mở Đầu

Mí mắt nặng trĩu, tôi cố mở ra. Mưa đang đập xối xả vào khung cửa sổ. Bên ngoài là bầu trời xám xịt, không tính tiếng mưa rào thì phòng bệnh tĩnh mịch đúng như nó vốn có.
Tôi đang ở bệnh viện đa khoa Ofuna, ngay gần nhà. Trong phòng bệnh lúc này chỉ có tôi và Shioriko, cô ngồi trên ghế cạnh tường chăm chú đọc một cuốn sách khổ bunko. Đó là cuốn Cô bé Dorrit* của Charles Dickens, do Chikuma Bunko phát hành. Có lẽ do trời lạnh, cô mặc áo gió màu đỏ, dựng cạnh tường là chiếc nạng bằng kim loại trông khá chắc chắn và cái ô bọc túi nhựa. Đáy túi bị thủng thì phải, vì nước đọng thành vũng nhỏ ngay bên dưới.

*[Tên tạm dịch từ Little Dorrit]

Năm ngoái tôi thường đến bệnh viện này, cũng chính là khoảng thời gian tôi vừa bắt đầu làm việc ở tiệm sách cũ Biblia. Bấy giờ tôi chỉ là người trông tiệm (mà thật ra bây giờ vẫn vậy), mỗi khi có khách đến yêu cầu mua bán sách cũ, tôi lại mang sách vào bệnh viện. Nhưng bây giờ tôi và cô đổi chỗ cho nhau, tôi nằm trên giường bệnh, người đến thăm lại là Shioriko.
Chợt Shioriko ngẩng đầu lên khỏi cuốn sách, hẳn là nhận ra tôi đã tỉnh. “Daisuke” cô gọi tên tôi, vẫn là giọng nói tôi thân thuộc bấy lâu. “Anh tỉnh rồi à?”
Tôi những muốn ngồi dậy, nhưng không sao mở miệng đáp lại được. Có lẽ một phần vì vừa phẫu thuật xong, thuốc mê chưa hết tác dụng.
Khi tôi nhận ra thì cơn buồn ngủ lại ập tới. Do thời tiết chăng, nên tôi nằm mơ thấy mưa. Tôi đang ngắm mưa rơi từ sân ga trên cao*. Mưa buông tấm màn mờ ảo qua những tòa nhà đa chức năng cũ kĩ hay những cửa hàng tiện lợi.

[Sân ga xây ở những nơi cao, ví như trên các tòa nhà, rẻo núi, đê, cầu... Sân ga này thường dùng cho monorail hay APM (automated people mover/ hệ thống vận chuyển tự hành, ray nhẹ]

Tôi biết, giấc mơ này pha lẫn những kí ức từ hiện thực. Mới tháng trước, tôi và Shioriko đến thăm một gia đình ở Fukasawa nhằm giải mã bí ẩn xung quanh tập thơ Ban cho ta tháng Năm của Terayama Shuji. Ảo ảnh trong đầu tôi chính là khung cảnh ga tàu điện một ray ngày đó.
Bên cạnh tôi là một phụ nữ tóc dài mặc áo khoác mưa màu trắng, nơi cổ tay ngoắc chiếc ô ướt sũng. Người phụ nữ ấy chính là Shioriko. À không, hôm đó Shioriko không hề mặc áo khoác mưa. Người phụ nữ ấy còn không chống nạng nữa chứ. Chỉ là người giống người, không phải Shioriko.
Tôi mở mắt, lưng áo đẫm mồ hôi. Tôi giơ cánh tay phải đã cử động được lên, thử vẫy vẫy trước mặt. Đầu óc tỉnh táo lại. Quả là một giấc mơ là lạ.
Ơ...
Đột nhiên, tôi có cảm giác lợn cợn về khung cảnh trong giấc mơ ban nãy. Nói mới nhớ, tôi nhận ra hôm ấy tôi cũng mang máng thấy điểm bất thường, nhưng sau đó lại quên bẵng đi.
- Cậu tỉnh rồi à?
Người phụ nữ trên ghế lại cất tiếng hỏi y như ban nãy. Giọng trầm hơn giọng Shioriko. Tôi chăm chú nhìn xem, áo khoác mưa màu trắng choàng vai, mái tóc đen dài buông xõa hai bên. Chiếc ô ướt dựng dựa vào ghế, nhưng chiếc nạng quen thuộc thì không thấy đâu.
- Chào cậu, cậu Gora.
Là mẹ Shioriko, Shinokawa Chieko. Bà gập cuốn sách đang để mở trên đùi lại. Khác với con gái mình, bà đang đọc một cuốn ngoại văn, bìa in dòng Holy Bible. [Kinh Thánh]
- Lâu lắm mới gặp cô.
Tôi cực nhọc cất tiếng, kèm theo sự bồn chồn. Sao bà ta lại đến bệnh viện nhỉ. Chắc là đang tính toán gì rồi.
- Chưa lâu lắm đâu, kể từ lần gần nhất chúng ta gặp nhau. Hình như mới hai mươi ngày thì phải... Thời gian thì ngắn mà sự kiện xảy ra với cậu thì nhiều, hả?
Giọng đầy vẻ giễu cợt, khóe miệng điểm nét cười nhạt. Tôi thật không hiểu bà ta đang suy tính chuyện gì.
- Shioriko không ở đây ạ?
- Khi tôi đến thì không thấy nó đâu.
Tôi chợt nhận ra phòng bệnh tối hơn ban nãy. Kim đồng hồ chỉ quá 5 giờ chiều. Từ lúc Shioriko hỏi tôi đến giờ chắc đã khá lâu rồi.
- Vết thương của cậu ra sao?
- Gãy xương đòn và xương sườn ạ... Nhưng chỉ vài ngày nữa là xuất viện được.
Tôi cũng chẳng nhớ rõ những lời giải thích của bác sĩ. Chỉ biết ca phẫu thuật đã thành công, vai trái đang cố định nên không cử động được, có điều nhờ tác dụng của thuốc mê mà tôi chưa thấy đau đớn gì.
- Chuyện thế nào vậy? Người lực lưỡng vâm váp như cậu mà cũng bị thương đến mức này...
Ánh mắt sau tròng kính râm hơi sáng lên, Chieko ngả người về phía tôi. Tôi không muốn trả lời câu hỏi của bà. Tôi không muốn thỏa mãn tính tò mò của bà. Chưa kể tôi dám chắc bà đã biết tỏng nguyên nhân khiến tôi bị thương.
- Tháng trước, cô đang đi đâu lúc chạm mặt chúng cháu ở ga một ray vậy? - Tôi bực bội hỏi vặn. - Nếu muốn biết chuyện của cháu, cô hãy trả lời trước đi. Chắc chắn hôm đó cô đợi ở ga không phải chỉ để gặp chúng cháu, đúng không ạ?
Chieko chớp mắt, xem chừng tôi đã khiến người phụ nữ này ngạc nhiên, lần đầu tiên. Dù thật ra tôi cũng chỉ nói thành lời mối hồ nghi trong cơn mơ khi nãy thôi.
- Sao cậu lại nghĩ thế?
- Mưa bắt đầu rơi trước khi bọn cháu đến ga chỉ khoảng bốn, năm phút. Nếu cô chủ đích đứng đợi chúng cháu thì sẽ đứng trong chỗ có mái che, và vì thế chiếc ô cô cầm phải khô ráo mới đúng. Vậy mà hôm ấy cái ô ướt sũng. Chứng tỏ trước khi cháu và Shioriko đến nơi, cô đã đi ra khỏi nhà ga. Cô bận việc gì à?
Xung quanh nhà ga là khu dân cư. Phải chẳng bà đến thăm người quen nào đấy? Dù sao Fukasawa cũng là nơi bà sinh ra và lớn lên.
- Tôi ghé vào cửa hàng tiện lợi thôi. Ở ngay trước ga có một cửa hàng còn gì.
Chieko đáp lại một cách đơn giản. Thấy tôi nghẹn lời, nét cười của bà nở tướng ra.
- Cậu quan sát không tồi đâu, nhưng cách hỏi còn ngây thơ lắm. Bao nhiêu cảm xúc lồ lộ hết trên mặt kìa... Có lẽ vì cảm xúc của cậu quá dễ hiểu nên con bé mới khoái cậu, nhỉ?
Máu nóng rần rần trong người tôi. Nhắc đến Shioriko thì tôi không thể để yên được.
- Shioriko không phải là người có sở thích tầm thường như vậy. Chắc cô cũng biết tính con gái mình chứ! Cô cố tình nói khích phải không?
Phòng bệnh chìm vào yên lặng. Chỉ trong tích tắc, nụ cười trên mặt Chieko vụt tắt. Nhưng tôi chưa kịp quan sát biểu cảm của bà, bà đã lên tiếng.
- Nếu cậu cho tôi biết chi tiết đầu đuôi những chuyện xảy ra với hai đứa, tôi cũng sẽ giải thích đầy đủ là ngày hôm đó tôi đã làm gì ở Fukasawa.
- Ơ? Vừa nãy cô nói là ghé vào cửa hàng tiện lợi...
- Tôi ghé vào trên đường về. Đúng như cậu nghĩ, tôi vốn bận một việc khác. - Chieko thản nhiên nói, chẳng hề lộ vẻ áy náy. - Chẳc cậu rất tò mò muốn biết mẹ Shinokawa Shioriko đã làm gì ở nơi chôn rau cắt rốn đúng không? Nếu còn điều khác muốn hỏi, tôi cũng sẽ trả lời hết sức có thể, kể cả những chuyện Shioriko không biết.
Tất nhiên tôi rất tò mò. Dạo gần đây xảy ra đủ mọi chuyện kì dị thúc đẩy tôi tìm đến ngọn nguồn cội rễ. Những điều tôi muốn hỏi người phụ nữ này nhiều không đếm xuể. Dù sao thì cũng không mấy khi gặp được đúng người nắm rõ thông tin để mà hỏi.
- Cháu hiểu rồi.
Tôi ngập ngừng đáp. Rốt cuộc Chieko vẫn đọc thấu suy nghĩ của tôi và điều khiển tôi theo ý bà. Tôi tức điên lên được, nhưng hiện giờ cũng không còn cách nào khác.
- Bắt đầu là khi vừa sang tháng Sáu...
Tôi chậm rãi kể lại, từng chuyện xảy đến với tôi và Shioriko.

Chuyện Thứ Nhất

Chạy đi, Moerus!

1

Dưới nắng gắt, trông hoa cẩm tú cầu cứ là lạ. Loài hoa với phiến lá to bóng và màu sắc rực rỡ thế kia thì phải nở ở hòn đảo phương Nam nào chứ nhỉ.
Tôi nép vào bóng đổ xanh lục và xanh lam um tùm, nhìn con dốc thoai thoải không một bóng người. Hôm nay trời đẹp, chẳng mấy khi được một ngày thế này trong tháng Sáu. Mùa mưa vừa đi qua mà thời tiết đã nực nồng tới mức khiến tôi chợt tự hỏi, hè sang rồi sao? Từ nãy đến giờ tôi phải lau mồ hôi đến mấy lần.
Tôi đang ở gần một ngôi chùa tại Hase, Kamakura. Nói đến cẩm tú cầu thì phải nhắc tới Kita-Kamakura với Meigetsu-in* lừng danh, nhưng quanh đây cũng chẳng thiếu. Thổ nhưỡng khí hậu đều thích hợp với cẩm tú cầu, nên không cần nhiều công chăm bón, hoa cũng vẫn nở tưng bừng.

*[Minh Nguyệt viện. Một tự viện thờ Quán Thế Âm ở Kita-Kamakura, nơi cẩm tú cầu nhiều và đẹp nổi tiếng nên dân gian còn gọi là Chùa Cẩm tú cầu]

Tuy nhiên, vào một ngày nóng nực thế này, tôi tới Hase không phải để ngắm cẩm tú cầu bên đường. Tôi đang chờ một người, người ấy sắp đến tảo mộ trong ngôi chùa ở đầu dốc, người ấy một năm trước đã khiến cô chủ tiệm sách cũ ở Kita-Kamakura bị thương nặng. Người ấy chính là Tanaka Toshio, một kẻ đam mê sách cũ khá nguy hiểm.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm ngoái, khi Tanaka ghé vào tiệm sách cũ Biblia ở Kita-Kamakura. Anh ta ráo riết theo dõi Shinokawa Shioriko, tìm mọi cách giành lấy bản in đầu tiên Những năm cuối đời của Dazai Osamu từ tay cô, cuối cùng đẩy cô ngã cầu thang.
Biết rõ anh ta cứng đầu cứng cổ, Shioriko đã cẩn thận ngụy tạo một cái bẫy trong lúc còn phải nằm trên giường bệnh. Cô đã dụ Tanaka, bấy giờ đang dùng tên giả Kasai Kikuya để ra vào tiệm, rồi tự tay đốt cuốn Những năm cuối đời giả mà cô đã chuẩn bị trước cho anh ta xem.
Tanaka bị bắt. Anh ta cho rằng ấn bản đầu tiên mình hằng tìm kiếm đã tan thành tro bụi, nên ngoan ngoãn chịu tội. Nhưng...
Mười ngày trước, một lá thư được ném vào tiệm sách cũ Biblia. Nội dung ngắn gọn, “Tao biết mày đã đánh tráo cuốn Những năm cuối đời. Liên lạc với tao ngay”.
Tên người gửi là Tanaka Toshio.
Tôi không biết người gửi có thực sự là Tanaka không nữa. Tất nhiên chỉ cần chúng tôi mang nộp cho cảnh sát, họ sẽ làm rõ vấn đề ngay. Nhưng chẳng may quá trình điều tra sơ hở này khác, tin tức lọt vào tai Tanaka, anh ta lại bám riết không tha Shioriko mất thôi. Cũng chính vì lý do ấy mà trừ tôi, Shioriko chưa từng tiết lộ cho ai biết bản in đầu tiên Những năm cuối đời vẫn còn nguyên vẹn.
Thành thử, người duy nhất được Shioriko chia sẻ toàn bộ câu chuyện là tôi, giờ phải đứng chờ anh ta thế này. Sau phiên xét xử, Tanaka được bảo lãnh và rời khỏi trại tạm giam. Hôm nay là ngày giỗ ông nội, chắc chắn anh ta sẽ có mặt ở Hase này. Tôi muốn hỏi chính anh ta về lá thư, dù không tự tin rằng sẽ tìm hiểu được thông tin cần thiết, nhưng dù sao cũng phải thử đã.
Tôi là Gora Daisuke, nhân viên của tiệm sách cũ Biblia từ năm ngoái. Tôi được Shinokawa Shioriko nhận vào làm khi đang lông bông không tìm được việc sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi vốn chẳng biết gì về sách, chưa nói đến sách cũ. Không phải tôi ghét đọc sách, chỉ là cơ địa tôi không thể đọc chữ in liên tục trong thời gian dài. Vì thế ở tiệm, tôi là chân sai vặt theo đúng nghĩa đen.
Bên cạnh việc kinh doanh bình thường của tiệm, tôi còn là trợ thủ cho Shioriko trong các vụ phá giải bí ẩn liên quan đến sách cũ. Suốt mười tháng qua, tôi ở bên và có dịp quan sát diện mạo chưa ai biết đến ấy của cô.
Tôi rất phẫn nộ với kẻ đã viết lá thư. Một mặt, tôi không muốn để cô chủ tiệm của mình gặp bất kì nguy hiểm gì. Mặt khác, là vì lý do cá nhân...
Tôi yêu Shioriko.
Hai tháng trước, tôi đã ngỏ lời với cô. Thấp thỏm chờ đợi mãi, đúng lúc cô nhận lời thì lá thư nhảy bổ vào. Nó khiến tôi không sao vui vẻ tập trung yêu đương được. Chúng tôi cùng bàn cách giải quyết, kết quả hôm nay tôi mọc rễ ở đây, đợi tên bị cáo vừa được bảo lãnh.
Đứng bất động hồi lâu đâm mỏi, tôi vươn vai, chỉnh lại chiếc túi đeo chéo bên sườn. Mới thả lỏng vài giây đã không nhận ra có người lại gần, cho đến khi người đó lên tiếng.
- Gora à?
Á, tôi gật đầu, cũng không nghĩ ra cách chào hỏi nào khác.
Tanaka Toshio hơi gầy đi, tay đang cầm hoa viếng, sơ mi trắng sáng chói một cách kì lạ. Đôi mắt lạnh của anh ta vẫn thế, chỉ khác là mái tóc xoăn vốn rất ấn tượng đã cắt ngắn đến mức nhìn thấy cả da đầu. Trông bề ngoài, Tanaka là một thanh niên đẹp trai dịu dàng, không có vẻ gì là loại sử dụng bạo lực. Ngay cả tôi vốn thường xuyên gặp mặt cũng không nhận ra điều đó.
- Tôi nghĩ mình không cần hỏi cậu ở đây làm gì đâu nhỉ?
Tanaka cười gượng. Anh ta đã biết tôi sẽ đến tìm ư? Vậy người gửi lá thư đó chính là anh ta rồi.
- Cậu đến canh chừng tôi hả? Xem tôi có ngừng tiếp cận Shinokawa Shioriko thật không?
Tôi nuốt tiếng thốt bất ngờ lại. Tôi chưa hề nghĩ đến chuyện canh chừng anh ta.
- Cậu không cần lo linh tinh. Tôi không lại gần cô ta nữa đâu, bằng không sẽ bị lôi về trại tạm giam mất.
Dứt lời, Tanaka bước về phía cổng chùa. Phân vân một thoáng, tôi đi theo anh ta. Tôi cũng đã định là sẽ đến thăm mộ rồi, dù không phải là đi với Tanaka. Bà tôi và ông anh ta là chỗ quen biết cũ, thậm chí còn liên quan sâu xa đến bản thân tôi. Nhưng là chuyện xưa cũ gần năm mươi năm trời, giờ có muốn kiểm chứng cũng không thể.
- Cậu đến đây, ngoài việc canh chừng chắc cũng còn việc khác?
Tanaka vẫn nhìn thẳng ra trước, nhỏ giọng hỏi. Tôi đã chuẩn bị tinh thần, nên bắt đầu câu chuyện đúng như đã bàn bạc trước với Shioriko.
- Ngày 26 tháng Năm, anh có đến Kita-Kamakura không?  Tôi hỏi mà không rời mắt khỏi Tanaka, cố gắng bắt lấy mọi phản ứng dù là nhỏ nhất. - Hôm ấy, người ta bắt gặp ai đó giống anh lảng vảng gần Biblia.
Tôi không đả động đến lá thư, dù sao tôi cũng không muốn để lộ quá nhiều thông tin.
- Không thể nào. Tôi không hề đến đó. Chắc người ta nhìn nhầm thôi.
Tanaka dứt khoát phủ nhận, thậm chí còn lắc đầu như muốn nói, thật ngớ ngẩn. Tôi không nhận thấy dấu hiệu nào là dối trá, nhưng để chắc chắn, tôi nhấn mạnh thêm.
- Thật không?
- Thật chứ. Ngày 26 còn chưa xong thủ tục bảo lãnh, tôi vẫn ngồi trong trại tạm giam, đến Kita-Kamakura sao được? Cậu cất công tới tận đây tìm tôi chỉ để xác nhận chuyện vô nghĩa như vậy thôi hả?
Câu này kiểm chứng được, nên chắc Tanaka không nói dối. Nhiều khả năng hôm ấy anh ta thực sự vẫn ở trại tạm giam. Tất nhiên nếu có đồng phạm thì thừa sức nhờ họ ném thư vào tiệm, nhưng tôi đã đến theo yêu cầu “Liên lạc với tao ngay” rồi thì Tanaka cũng không cần phải giả ngơ chứ nhỉ! Còn một khả năng nữa...
Ai đó mạo danh Tanaka để gửi thư.
Nếu vậy thì thật bất thường. Tại sao lại phải mạo danh anh ta? Chưa kể người viết thư còn nắm rõ bí mật của Shioriko. Người này là ai, làm sao biết được?
- Cậu đến tìm tôi đúng lúc đấy. Vì tôi không được phép chủ động tiếp cận Shinokawa. Mà tôi cũng không định tiếp cận nữa, nhưng tôi lại đang có chuyện muốn liên lạc với hai người.
Tanaka bước thoăn thoắt trên con đường rải đá dẫn vào chùa, tôi vội vã theo sau.
- Anh muốn liên lạc với chúng tôi làm gì?
- Tôi trước vẫn muốn nhờ Biblia tư vấn về sách cũ. Đại khái như vụ tìm sách cho ông Shida ấy. Chẳng phải tiệm có tiếng mảng này lắm à?
Shida là người vô gia cư kiêm hành nghề sedori sống ở Kugenuma. Ông là khách ruột của tiệm sách cũ Biblia, cũng là người quen của Tanaka. Đúng là tôi và Shioriko từng giúp ông tìm lại cuốn bunko bị lấy trộm. Nói mới nhớ, dạo gần đây không thấy bóng dáng ông đâu cả.
- Thỉnh thoảng cô ấy cũng nhận tìm hiểu những vụ như vậy. - Tôi ngập ngừng đáp. - Trường hợp của anh thế nào?
- Tôi có một cuốn sách muốn cô cậu tìm hiểu giúp đã qua tay những ai, giờ đang ở đâu. Tất nhiên tôi sẽ gửi thù lao đàng hoàng, cho Shinokawa Shioriko và cậu.
Tôi không biết nên nói gì. Sau tất cả anh ta lại còn định nhờ cậy Shioriko sao? Nhờ người mà chính mình đã làm trọng thương?
- Đề nghị của anh...
Tôi định đáp trả lại nhưng lại thôi. Tôi không biết ai là người đang giật dây. Có thể chính anh ta, nhiều khả năng lá thư kia là mồi nhử để dắt dây đến chuyện này. Nếu vậy liệu tôi có nên từ chối luôn khi chưa bàn bạc với Shioriko không? Trước hết, cứ nghe xem nhờ vả của anh ta thế nào rồi quyết cũng không muộn.
- Anh muốn chúng tôi tìm cuốn gì? - Tôi hỏi.
Cổng chùa không có một ai, nhưng có đặt một hòm đựng lệ phí thăm viếng. Chúng tôi thả tiền lẻ vào hộp, rồi bước qua cổng vào trong. Khuôn viên trông như một khu vườn với cỏ dại mọc um tùm. Một nhóm người có tuổi đội mũ giống nhau đang chậm rãi đi trên con đường nhỏ nở đầy cẩm tú cầu.
Tanaka vòng ra sau chính điện, khoác vai tôi thì thầm như thể bàn chuyện bí mật.
- Cuốn tôi muốn tìm là Những năm cuối đời bản in đầu tiên của Dazai Osamu. Đó vốn là sách của ông tôi.
Tôi cứng người. Tôi đã từng nghe anh ta kể chuyện này. Cuốn Những năm cuối đời mà Shioriko vẫn nâng niu vốn là sách trong thư viện cá nhân của ông anh ta, ông đem bán rẻ cho một tiệm sách, mà có lẽ chính là tiệm sách cũ Biblia.
Quả nhiên anh ta đã biết tỏng chiêu lừa của Shioriko.
- Shioriko đốt mất rồi.
Tôi cố chống chế. Nhưng trái với dự đoán của tôi, Tanaka gật đầu bình thản.
- Tôi biết. Tôi đâu có nhờ cô cậu đi tìm cuốn sách không còn trên đời nữa? Cuốn tôi muốn tìm không phải cuốn mà cô chủ nhà cậu từng sở hữu đâu.
- Sao?
Tôi khẽ thốt. Rốt cuộc chuyện là thế nào?
- Tôi cũng hiểu lầm, mãi cho đến gần đây. - Tanaka hạ giọng thấp hơn, - Cuốn Những năm cuối đời của ông tôi không phải là cuốn sách chưa rọc đã cháy đó. Cuốn của ông tôi còn hiếm hơn... Có lẽ là bản đặc biệt. Chắc chắn có người đang sở hữu nó. Tôi muốn biết tung tích của cuốn sách đó.

2

Toàn bộ phần sau chính điện là núi non, cây cối cũng um tùm hơn trong chùa. Nghĩa trang mở rộng ra ở lưng chừng núi đã được phát quang qua loa. Nhìn quanh, người viếng mộ chỉ có hai chúng tôi.
- Mấy năm trước tôi từng tham gia một diễn đàn tập hợp những người mê sách cũ ở tỉnh Kanagawa. Tuy lực lượng không đông đảo nhưng trao đổi toàn những thông tin rất hữu ích.
Ở chỗ lấy nước, Tanaka vừa kể vừa múc nước vào xô.
- À, tôi biết diễn đàn đó.
Hồi mới đi làm ở Biblia, đã có lần tôi lướt qua diễn đàn này. Tôi lần ra họ nhờ dùng từ khóa là tên tiệm. Trên đó đăng tin cuốn Những năm cuối đời ấn bản đầu tiên trưng bày ở Bảo tàng Văn học Hase là mượn từ tiệm sách cũ của chúng tôi. Chỉ thành viên đăng kí mới có quyền post bài, nhưng các chủ đề trên đấy thì ai cũng xem được.
- Tháng trước, một thành viên diễn đàn gửi tin nhắn cho tôi. Tất nhiên bấy giờ tôi còn ở trại giam, không được dùng máy tính hay điện thoại thông minh, nên không xem được trực tiếp. Một người quen đang quản lý tài khoản hộ đã in ra và mang cho tôi xem lúc đến thăm... Cậu cầm hộ tôi chỗ đồ này được không?
Tanaka đứng dậy, hai tay ôm hoa và xách xô nước, tôi nhặt cái túi nhựa đặt dưới đất lên. Trong túi là hương nén và một chai rượu nhỏ. Theo những bậc đá dọc rừng trúc, chúng tôi đi vào nghĩa trang, Tanaka mạnh mẽ bước lên dốc. Càng đi sâu vào nghĩa trang, mộ cũ càng nhiều.
- Người gửi tin nhắn cho tôi tự xưng là một người sưu tập sách cũ sống trong tỉnh. Người ta không dùng tên thật nên tôi không rõ là ai ở đâu... Tóm lại, người ta biết tên ông tôi là Tanaka Yoshio, nhận ra cháu trai ông cũng hoạt động trên diễn đàn bèn gửi thư.
- Anh... tham gia bằng tên thật hả?
Trên mạng, người ta thường dùng biệt danh tự nghĩ chứ ít khi dùng tên thật. Tôi đã lướt qua diễn đàn nọ, và không có ấn tượng gì về cái tên Tanaka Toshio.
- Hẳn là không rồi. Nhưng báo chí đưa tin về vụ của tôi đều nói rõ tôi biết được tung tích cuốn Những năm cuối đời là nhờ đọc trên diễn đàn ấy mà. Cũng không có gì lạ nếu người ta nhận ra tôi.
Chắc hẳn đeo bám ai đó chỉ vì một cuốn sách vốn là chuyện hiếm, nên vụ việc năm ngoái đã gây ồn ào, hình như có trang mạng còn tường thuật tỉ mỉ từng chi tiết nữa.
- Tóm lại, người kia biết rằng Tanaka Yoshio từng sở hữu một cuốn Những năm cuối đời bản in đầu tiên. Sau này vì hoàn cảnh mà phải bán đi với giá rẻ mặt. Hơn bốn mươi năm trôi qua, hiện giờ sách đang nằm trong tay một người mê sách cũ sống gần Kamakura. Cuốn Những năm cuối đời đó có thủ bút của chính Dazai nhưng không có chữ kí, cũng không phải là cuốn có các trang hoàn toàn chưa rọc. Rõ ràng đây là một cuốn Những năm cuối đời khác với quyển bị đốt dạo nọ.
Giải thích thêm, chưa rọc nghĩa là ruột sách không phay mà cố ý để nguyên các mép kín như cái túi. Đó là cách đóng sách phổ biến trước đây, người đọc vừa đọc vừa dùng dao trổ rọc từng trang.
- Cuốn Những năm cuối đời của ông anh không phải sách chưa rọc à?
Năm ngoái, khi đến thăm ở trại giam, tôi đã nghe anh ta kể khác cơ mà. Tanaka cau mày gật đầu.
- Sau khi ông bán đi, có thể một tên ngu xuẩn không biết đến giá trị cuốn sách đã đem rọc béng ra. Cũng không lạ... Dù rất tiếc, nhưng điều đáng để tâm ở đây là Dazai đã viết những gì. Kẻ mê sách cũ kia vẫn đang nắm giữ cuốn Những năm cuối đời này. Với bút tích quý giá trong ấy. Một câu chuyện hấp dẫn biết bao, phải không?
Tanaka quay sang tôi, nở một nụ cười tươi rói. Anh ta đang hứng thú chuyện gì, tôi không nhìn ra được.
- Nhưng có đáng tin không?
Tôi hỏi. Chẳng có một thông tin cụ thể nào cả, dù là về người nhắn hay người đang giữ cuốn Những năm cuối đời của Tanaka Yoshio. Không loại trừ đây là tin đồn thất thiệt do một kẻ mạo danh tung ra.
- Người nhắn tôi là một người luôn cung cấp các thông tin xác thực và đáng tin trên diễn đàn từ trước thời tôi bị bắt kia. Ngay cả thời điểm và lời giải thích cho việc ông tôi bán Những năm cuối đời cũng giống với các chi tiết tôi từng nghe. Ít nhất thì câu chuyện này đáng cho ta cân nhắc đấy.
- Biết cả sự tình trong quá khứ... Chắc phải lớn tuổi rồi. Người già có dùng mạng à?
- Thời buổi bây giờ ông già bà cả dùng mạng đầy ra. Quan trọng là người ta không có lý do gì để lừa tôi cả... À, phần mộ nhà tôi đây rồi?
Khu mộ nhà Tanaka trông bề thế hơn hẳn các khu xung quanh. Lối vào lắp đèn lồng đá. Khuôn viên sừng sững những tấm bia lớn, giống bia kỉ niệm hơn là bia mộ. Chỉ hiềm, tất cả đều đã đổi màu và mang vết nứt của thời gian.
Nhà Tanaka đời đời đều điều hành công ty ngoại thương, nhưng đến thế hệ của Tanaka Yoshio thì phá sản, bao nhiêu của nả mất hết. Khu mộ này là tàn tích của thời đại huy hoàng ấy.
Sau khi khấn vái, chúng tôi bắt tay vào quét dọn.
- Cậu là người ngoài, không cần đụng tay vào. Tôi dẫn cậu đến không phải vì trông mong cậu giúp đỡ đâu.
Mặc kệ, tôi vẫn im lặng nhổ cỏ dại trong khuôn viên mộ. Anh này không biết gì cả. Tanaka Yoshio yên nghỉ ở đây từng dan díu với bà tôi. Có thể còn chính là ông ngoại thật của tôi. Nếu thế thì tôi cũng đang đi tảo mộ người thân đấy.
Tuy nhiên tôi không định vạch trần bí mật. Một là chẳng có bằng chứng nào rõ ràng. Hai là, tôi còn có chuyện quan trọng hơn cần nói.
- Anh đã liên lạc với người nhắn tin kia chưa?
Tôi hỏi, Tanaka nhún vai, vừa đáp vừa tiếp tục dọn dẹp.
- Ra khỏi trại giam, tôi có gửi tin nhắn nhưng không thấy trả lời. Tôi cố nhắn một lần nữa, người ta bèn xóa luôn tài khoản ở diễn đàn. Đứt liên lạc rồi. Nếu cô cậu đồng ý giúp, tôi sẽ cho xem tin nhắn người ta gửi.
Tôi thầm xâu chuỗi vụ tin nhắn của Tanaka với lá thư ném vào tiệm sách cũ Biblia. Thời gian quá trùng hợp. Có khi nào chính là một người? Nhưng tôi không hiểu người ta cầu kì sắp đặt ngần ấy việc để làm gì.
- Sao anh không tự mình tìm hiểu?
- Tất nhiên là có chứ. Hôm qua tôi tìm được số điện thoại bạn cũ của ông nội và thử gọi xem sao. Ông ấy cũng có sở thích sưu tập sách cũ như ông nội, nên tôi đã khá hi vọng... Nhưng ông ấy lại bảo rằng không có bạn bè hay quan hệ gì với ai tên là Tanaka Yoshio cả.
- Nhầm người à?
- Không, dứt khoát không nhầm. Tôi từng nghe ông nội nhắc đến tên người này rồi. Chắc ông ấy không muốn giúp tôi thôi. Bạn bè người quen của ông nội ở Kamakura, tất thảy đều không muốn gặp tôi. Họ cự tuyệt hết.
Tôi cũng nghĩ vậy. Ai mà muốn dính líu đến cái thể loại mê sách cũ tới mức đeo bám người ta rồi bị kết án tù cơ chứ.
- Nhưng nếu là cô cậu thì có thể tìm hiểu được. Khác với tôi, cô cậu được tin tưởng. Với cả, hẳn là hai người cũng biết người quen nào đó của ông tôi, đúng chứ? Vì hôm nay cậu đã đợi tôi gần chùa.
Tôi không thốt lên lời. Cảnh sát nhắn với tôi Tanaka Toshio xuất hiện ở Kamakura, nhưng tôi không đoán được anh ta sẽ đến chùa nào. Người tìm ra thông tin này chính là Shioriko. Chủ tịch hiệp hội sách cũ có quen Tanaka Yoshio thuở sinh thời nên biết nơi ông yên nghỉ.
- Nếu tìm ra địa chỉ của cuốn Những năm cuối đời kia, anh định làm gì?
- Trước hết tôi muốn xem tình trạng của nó. Nếu chất lượng khả quan thì đề nghị người ta bán lại cho mình. Ngần ấy tiền thì tôi vẫn có.
Câu trả lời bình thường hơn tôi tưởng. Tất nhiên là thế rồi, dù có định giở thủ đoạn, anh ta cũng sẽ không tiết lộ với tôi.
- Cô chủ của cậu nghe xong, chắc chắn sẽ nhận lời. - Giọng nói đầy ắp tin tưởng.
- Sao anh biết?
Tôi đã quyết từ chối, chỉ hỏi han anh ta để thu thập thông tin mà thôi. Chúng tôi từng nhận không biết bao nhiêu ủy thác, nhưng chưa ủy thác nào đáng ngờ thế này. Biết đâu anh ta chẳng bắt tay với người có thông tin về cuốn Những năm cuối đời để trả thù Shioriko.
Tanaka đáp lại câu hỏi của tôi bằng một nụ cười như muốn lảng tránh.
- Vì sự việc liên quan đến Những năm cuối đời của Dazai. Tóm lại cậu cứ về hỏi thử xem sao.
Anh ta đặt hoa và rượu lên mộ, thắp hương, chắp tay cúng. Khuôn mặt trông nghiêng thật thanh thản, không toát ra vẻ gì nguy hiểm cả. Sau một lúc lâu, anh ta mở mắt.
- Tôi cũng không còn là tôi dạo trước nữa.
Tôi nhủ thầm, liệu có tin được không? Tôi từng ăn quả lừa của anh ta một lần. Hôm ấy tôi mà chậm trễ dù chỉ một bước thôi, Shioriko cũng bị giết hại rồi.
- Tôi biết cậu cảnh giác với tôi. Nhưng một năm qua, tôi đã học được nhiều điều... “Ngoại hình con hạn chế, chí ít hãy để người ta thương. Sức lực con yếu ớt, chí ít hãy dưỡng khỏe tâm hồn*...”.

*[Câu trong “Lá”, truyện mở đầu tập Những năm cuối đời của Dazai Osamu]

- Hả?
Tanaka nhìn xuống, không trả lời thẳng vào câu hỏi:
- Tôi rất lấy làm tiếc về chuyện đã gây ra cho cô ấy... Cậu truyền đạt lại giúp.

Tôi về bằng tàu tuyến Enoden.
Tanaka đi hướng Fujisawa, còn tôi hướng Kamakura. Toa tàu chật kín học sinh cấp ba tan trường. Tôi đứng dựa vào cửa, ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài và nhớ lại một chuyện từng nghe trước đây.
Những năm cuối đời là một tập truyện ngắn bao gồm những tác phẩm được sáng tác trong thời kì đầu của Dazai Osamu. Đây là bản in đầu tiên, do Sunagoya Shobo xuất bản vào năm Chiêu Hòa thứ 11...”
Tôi nghĩ câu chuyện bắt đầu như thế. Đó là một ngày vào tháng Chín năm ngoái, địa điểm là khu phố thương mại Ofuna. Chính tôi đã đề nghị Shioriko giải thích về Những năm cuối đời của Dazai. Giọng nói trong trẻo của cô cứ thế đều đều vang lên bên tai tôi, trong ánh hoàng hôn.
Lần in đầu tiên chỉ có 500 bản. Bấy giờ Dazai mới ngoài hai mươi, nhưng đã dành hết mười năm cho cuốn sách. Ông viết hơn năm mươi nghìn trang, số chọn in chỉ chiếm một phần rất nhỏ, còn lại đều bị xé và vứt đi.
Trong “Lau sậy suy tư”, ông tâm sự, “Tôi sinh ra chỉ để viết cuốn sách này. Hồn tôi đã bị rút hết, từ hôm nay chỉ còn là cái xác rỗng”. Trước đó ông từng viết “Ký ức”, với những dòng hồi tưởng về thời niên thiếu, nhưng một tác phẩm không đủ thỏa mãn đam mê sáng tạo của ông.
Ông muốn kể lại những trải nghiệm của mình, nên đã viết tác phẩm “Hoa của chú hề”, lấy đề tài là vụ tự sát của một cặp đôi ở Mũi Koyurugi, Koshigoe...
Tôi lơ đãng nhìn sơ đồ tuyến đường dán trên vách toa. Trước ga Enoshima là ga Koshigoe. Tôi đã từng đến Mũi Koyurugi, ngay trên tuyến Enoden cũng có thể nhìn thấy nó. Mỏm đá được thiên nhiên lưu giữ nguyên vẹn. Trên bãi cát gần đó ngư dân đang phơi cá cơm. Có ai lại đến đấy mà tự tử sao?
Tôi hiện đang ở một nơi có kết nối với một tác gia nổi tiếng ngày xưa. Những người đam mê sách hẳn vẫn thường có những trải nghiệm thế này. Như Tanaka Toshio, như Shioriko. Và tất nhiên là cả bà Chieko.
Tháng trước, Chieko đã lộ diện. Bà vốn là một phụ nữ bí hiểm, thoắt ẩn thoắt hiện. Bà muốn đưa cô con gái đi cùng, khi bị từ chối, bà đã để lại lời cảnh cáo rằng “Nếu con ở lại, thì ở lại cẩn thận nhé”.
Tôi có cảm giác bà ám chỉ đến những sự kiện sắp xảy ra với chúng tôi. Biết đâu chính bà là người viết lá thư kia rồi để lộ thông tin cho Tanaka Toshio. Người am hiểu về sách cũ, biết rõ danh tính của Tanaka đã dùng tên giả và nhận thấy bí mật không ai biết của Shioriko, ngoài bà ấy còn ai khác sao? Có khả năng những lời bà để lại cho Shioriko không phải cảnh cáo mà là tuyên chiến...
Tiếng mở cửa kéo tôi về thực tại. Tàu đã đến ga cuối Kamakura, tôi vội vàng bước xuống sân ga.
Cân nhắc đủ mọi khả năng vẫn không tìm ra câu trả lời. Tôi vốn không phải người thông minh gì. Đúng như Tanaka nói, bàn bạc với Shioriko chắc sẽ nhanh hơn.

3

Có lẽ vì trận động đất ba tháng trước mà khách du lịch đến Kamakura thưa thớt hẳn đi, nhất là hầu như không thấy bóng dáng người nước ngoài.
Tôi đi qua cửa soát vé, bước vào nhà ga JR rồi đi lên sân ga tuyến Yokosuka đúng lúc tàu chiều về rời bến. Qua cửa sổ toa tàu, tôi thoáng thấy bóng một phụ nữ nhỏ nhắn tay cầm điện thoại vẫy vẫy. Người phụ nữ mặc váy liền màu cam, khoác ngoài là áo cardigan màu tím trầm thêu kim tuyến, cái bụng to tròn cho thấy đang mang thai tháng cuối.
Chị Shinobu!
Tôi vẫy tay đáp lại, mắt nhìn theo đoàn tàu đang chạy xa dần. Chị Shinobu sống ở Zushi cùng người chồng lớn tuổi. Nửa năm trước biết tin chị mang bầu. Nói mới nhớ, cũng gần đến lúc chị lâm bồn rồi.
Tôi đang đứng đợi tàu chiều đi thì nghe âm báo mail đến. Tôi lục túi đeo lấy chiếc smartphone mới đổi gần đây. Mail của chị Shinobu, với tiêu đề “Chúc mừng chú”. Tôi lập tức có linh tính chẳng lành.

Chào chú! Chị vừa từ bệnh viện về, đang định nhắn tin cho chú. Khỏe không? Chị khỏe như vâm nè. Anh Masa cũng vậy luôn.

Anh Masa là chồng chị Shinobu, tên đầy đủ là Sakaguchi Masashi. Sau lần họ đến Biblia để bán cuốn Nhập môn Logic học, chúng tôi bắt đầu quen thân.

Gần đây anh Masa bắt đầu tập làm những việc sinh hoạt thường ngày, anh ấy giúp chị giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa. Anh ấy nói, “Anh sẽ lo liệu hết việc nhà, từ khi con lọt lòng đến khi em đi làm lại. Anh sẽ làm tất cả những gì có thể. Anh sẽ không để em vất vả một mình!”. Tinh thần trách nhiệm của anh ấy thật là tuyệt vời, đúng không chú?!

Gần đây chị Shinobu còn khoe cả những chuyện riêng tư.
Anh Sakaguchi Masashi bị bệnh mắt, thị lực ngày một kém, đến mức gặp khó khăn trong sinh hoạt bình thường. Lại thêm đứa bé sắp chào đời, cuộc sống mai sau của họ có lẽ sẽ chật vật hơn nhiều. Nhưng điều kì lạ là không một bóng đen u ám nào vương lên hai anh chị. Ngược lại ở họ toát ra một nguồn năng lượng mạnh mẽ, như thể sẵn sàng vượt qua bất cứ chuyện gì với nụ cười tươi.

Chuyện nhà chị nói đến đây thôi. Giờ thì đến chú. Gora và cô chủ tiệm đang hẹn hò hả? Chúc mừng nhé! Hóng quá! Chắc bây giờ chú đang chìm đắm trong ngọn lửa tình yêu chứ gì!

Linh tính chẳng lành của tôi quả nhiên không sai. Nói thêm là chị ấy còn dùng rất nhiều emoji giữa từng câu chữ, nhưng có lẽ vì loại máy khác nhau nên gần như không hiển thị được. Đúng lúc tàu chiều đi vừa đến, tôi vừa bước lên tàu vừa đọc tiếp mail.
Bỏ qua vụ ngọn lửa tình yêu, tôi tự hỏi ai mách lẻo với chị ấy chuyện của chúng tôi? Chắc chắn không phải Shioriko, chính cô đã nói hãy giữ im lặng cho đến lúc giải quyết xong vụ lá thư.
Cơ bản tôi cũng đoán ra được rồi, và phần tiếp theo của mail củng cố câu trả lời.

Hôm qua, Ayaka gửi mail kể cho chị biết đấy! Hai đứa đừng âu yếm nhau trước mắt con bé đang ôn thi nữa! Cứ lén lút trong góc tiệm thôi!

Tôi thở dài thườn thượt. Làm sao hành sự trong tiệm được chứ? Tôi đã mụ mẫm đến mức ấy đâu. À, nhưng có thể nhỉ... Dù sao tôi cũng phải cẩn thận hơn.
Đúng là Ayaka có khác!
Shinokawa Ayaka là cô em gái đang sống cùng với Shioriko. Cô bé năm nay học lớp Mười hai, thích chăm sóc mọi người, thích nấu ăn, quán xuyến toàn bộ việc nhà thay người chị mọt sách. Nhưng cô bé có tật xấu là hay nghe lén. Chắc cô bé đã đoán ra tình hình sau khi nghe được cuộc trò chuyện của chúng tôi.
Điều khiến tôi bận tâm là lời đồn đã lan ra đến đâu. Tôi cũng không muốn trách móc gì, nhưng cô bé quả không phải người biết giữ mồm giữ miệng. Đến chị Shinobu đã lâu không ghé tiệm còn biết... Tôi không muốn nghĩ thêm nữa.
Nhưng không muốn nghĩ cũng không được.
Tôi vừa về đến ga Kita-Kamakura thì nhận được điện thoại của Takino Renjo, anh con nhà chủ tiệm sách Takino ở Konandai, bạn chơi từ nhỏ với chị em Shinokawa.
- Vâng, Gora đây ạ.
- Lâu không gặp cậu, anh Takino đây mà. Cậu này, cuối cùng hai đứa cũng chính thức hẹn hò rồi hả? Với Shinokawa ấy?
Anh ta vào đề ngay lập tức. Tôi dừng bước, day day trán để trấn tĩnh.
- Anh nghe ai nói vậy?
- Con bé nhà anh. Nó bảo Ayaka gửi mail cho nó biết.
Em gái của Takino Renjo là Takino Ryu, rất thân với chị em nhà Shinokawa. Đặc biệt, cô và Shioriko gắn bó như con chấy cắn đôi suốt từ thời cấp hai.
- Bố mẹ anh cũng mừng lắm. Em ấy vốn chẳng có ai theo đuổi, nên mọi người đều lo.
Xem ra cả nhà Takino đều đã biết chuyện. Chắc là vì Shioriko được rất nhiều người quan tâm yêu quý. Ừ, nên nghĩ theo hướng này, tôi tự nhủ.
- Anh gọi điện cho em chỉ để hỏi như thế thôi hả?
- Anh không rảnh hơi đến vậy. Chuyện là thế này, ở phiên đấu giá vừa rồi anh tính nhầm khoản thanh toán cho Biblia. Anh tính thiếu phần bên tiệm Kiyokaido trả giá. Khi nào cậu ghé hiệp hội thì nhớ tạt qua thủ quỹ lấy nhé.
Phiên trả giá tương tự như chợ đấu giá sách cũ. Chỉ những tiệm sách là thành viên của hiệp hội sách cũ mới được tham gia. Tên chính thức của nó là Hội trao đổi sách cũ, và Takino chính là người điều hành. Tiệm chúng tôi cũng có mang hàng ra bán và thuận lợi được một tiệm sách khác mua lại. Có điều hình như quầy kế toán tính toán sai gì đó.
- Anh cũng nói với Shinokawa rồi. Giờ cậu đang ở ngoài hả?
- À, vâng. Em có chút việc, đi gặp khách.
Tôi bịa đại một lý do, không thể nói thật rằng tôi đi gặp kẻ đã đẩy ngã Shioriko được.
- Tốt rồi, chuyện với Shinokawa ấy... Cậu thì anh không lo, hãy quý trọng em ấy nhé!
Giọng Takino trở nên nghiêm túc. Anh ta nói mình không rảnh đến vậy, nhưng tôi đoán anh ta gọi cho tôi chỉ để nói những lời đó. Tôi bỗng thấy cực kì cảm động.
- Em biết. Em sẽ trân trọng cô ấy. - Tôi trả lời, rõ ràng từng chữ.
- Ừ, - anh ta nói rồi cúp máy.

Từ sân ga Kita-Kamakura đứng trông sang sẽ thấy tiệm sách cũ Biblia bên kia đường. Tiệm sách là một ngôi nhà gỗ mộc hai tầng xây đã được vài chục năm. Ngoài cửa thường xuyên vắng tanh vắng ngắt, lúc này lại có hai người.
Một người khoanh tay, ngó vào trong qua cửa kính, tóc buộc đuôi ngựa, mình mặc váy đồng phục và áo vest trắng. Chính là Shinokawa Ayaka, người mà trong ngày hôm nay tôi đã phải nghe tên hết lần này đến lần khác. Cô bé làm gì ở đây nhỉ?
Cạnh cô bé là một nam sinh hơi mập, áo cài kín cổ. Hai đứa đang nói chuyện, tiếng lọt vào tai khi tôi tiến lại gần.
- Tức là anh chị ấy mới bắt đầu hẹn hò thôi à? - Giọng nam sinh. Đuôi tóc Ayaka đung đưa.
- Ừ, chắc chưa được hai tuần đâu. Theo như chị biết.
- Nhưng anh Gora đến đây lâu lắm rồi mà. Dùng ngần ấy thời gian làm gì vậy?
- Làm gì à... thì làm việc bình thường. Dần dần hai anh chị mới thân nhau hơn. Chị Shioriko ngốc nghếch như vậy, còn anh Gora chỉ hầm hố bề ngoài chứ rụt rè lắm.
- À, cái đó em công nhận. Trông anh ấy cứ vô tích sự thế nào ấy.
- Này!
Không nhịn được nữa, tôi đành lên tiếng. Không phải hai đứa nói gì sai, nhưng giá mà chúng nói giảm nói tránh một chút. Hai đứa nhất loạt quay về phía tôi, trong một thoáng, tôi không nhận ra nam sinh kia là ai. Cậu ta để tóc undercut, đeo kính gọng đen, nhìn tôi bằng đôi mắt trắng dã vô cảm.
- Lâu không gặp anh, anh Gora.
Cậu ta cúi gập người chào, tôi cũng đã nhớ ra. Cậu ta là Tamaoka Subaru, cháu của một nhà sưu tập tác phẩm Miyazawa Kenji từng sống gần đây. Chúng tôi quen cậu ta trong quá trình truy tìm tung tích cuốn Mùa xuân và Tu la bản in đầu tiên.
Sau khi vụ việc được giải quyết, Subaru bắt đầu qua lại Biblia và thường mua bunko cũ chỗ xe sách đồng giá. Cậu ta là một người yêu sách.
- Hai đứa cũng quen nhau à?
Lần đầu tiên tôi thấy bộ đôi này. Shinokawa Ayaka gật đầu ra vẻ tất nhiên.
- Thì thỉnh thoảng em gặp cậu ấy ở tiệm. Với cả bọn em học cùng trường mà.
- Hả?
Nói mới để ý, trên áo đồng phục của Tamaoka Subaru có phù hiệu trường cấp ba quốc lập Kita-Kamakura, cũng là trường cũ của tôi.
- Em thi vào trường này à?
- Em nộp mỗi trường này thôi. Gần nhà, đi học tiện. Em cứ tưởng anh biết.
Tôi chưa nhìn thấy cậu ta mặc đồng phục bao giờ nên không để ý. Shioriko thì có lẽ đã biết rồi.
- Em bắt chuyện với cậu ấy ở thư viện... trông cậu ấy có vẻ cô đơn...
- Không, bấy giờ em đang đọc sách thôi. Ban đầu em còn tưởng chị ấy định làm gì xấu cơ. Ai lại vồn vã bắt chuyện với người mới chỉ biết mặt chứ...
- Subaru cảnh giác quá đó. Gặp người quen thì bắt chuyện là việc bình thường mà.
- Em là em lờ đi luôn. Chị chưa bị nói là “đồ phiền phức” bao giờ à?
- Hả? Chưa bao giờ. Có gì kì lạ à?
Kì lạ thì không, nhưng cô bé cũng hơi tự nhiên quá. Tôi chứng kiến cảnh này phải vài lần rồi. Dù họa hoằn mới trông tiệm, nhưng cô bé đã đánh bạn với hầu hết khách quen. Tôi cũng hiểu mọi chuyện đã muộn mằn. Một cô bé giao thiệp rộng, mồm miệng láu táu, thì chắc chắn tiến triển giữa tôi và Shioriko đã rót vào tai tất cả các người quen rồi.
- Này, anh hỏi chút, sao hai đứa lại ở đây? - Tôi cắt đứt chủ đề đang dang dở. - Vào trong tiệm mà nói chuyện có hơn không?
Thực tình tôi không muốn cho hai đứa vào chút nào. Nhưng để chúng tông tốc đàm tiếu ngoài này rồi đến người đi đường cũng biết cô chủ tiệm và nhân viên hẹn hò với nhau thì càng không hay.
- À, thì... bọn em ở trong tiệm nãy giờ đó chứ. - Shinokawa Ayaka nhìn đi hướng khác, vẻ xấu hổ. - Em chọc ghẹo chị ấy hơi quá.
- Chị lớp trên à, người thân mà chị cũng không nương tay! Ngay cả phóng viên trên ti vi thời nay cũng chẳng ai hỏi sỗ sàng như chị đâu.
- Lúc đó chị ấy xấu hổ chứ không hề khó chịu nhé! Là người thân nên chị biết chứ. Nhưng vừa nhắc đến anh Gora là chị ấy đùng đùng nổi giận... Còn đuổi bọn em ra ngoài.
- Tại chị nói linh tinh đấy. Vạ lây cả em bị đuổi theo. Rõ ràng bấy giờ em đang đứng chọn sách mà... Vừa cười nhăn nhở vừa nói “Bạn trai chị ấy, tốt thì tốt thật nhưng không rành sự đời gì cả”, ai nghe chẳng tức.
- Chị không hề nói như vậy nhé! Chị nói là, “Người tốt như anh ấy sao lại không tìm được việc nhỉ? Chắc tại anh ấy không rành sự đời”. Chị có cười nhưng không nhăn nhở nhé!
Tôi nín bặt. Đúng là tôi không rành sự đời. Tôi ngó vào tiệm nhưng không thấy Shioriko. Cô ở đâu được nhỉ?
- Shioriko kể à? Chuyện... bọn anh đang... ấy ấy?
- Vâng. - Ayaka đáp. - Thật ra là tại gần đây chị lạ lắm, nên ngày nào em cũng hỏi thử, rằng có phải chị và anh Gora bắt đầu hẹn hò không?
- Chị dai thật đấy. Em sợ rồi. - Tamaoka Subaru nói.
- Thì chị ấy cứ lần lữa mãi không trả lời. Chỉ cần nói là đang hẹn hò, hay không hẹn hò thôi, vậy mà chị ấy không nói gì, mặt thì đỏ lựng lên. Nên chị mới phải hỏi đi hỏi lại chứ.
- Chị không biết thế nào là quan sát nhỉ.
- Nhé, hôm qua chị đột ngột hỏi lúc đang ăn tối, chị ấy bỗng như hạ quyết tâm, đáp rằng “Ừ, bọn chị đang tìm hiểu nhau”.
- Chứ không phải vì bị hỏi mãi thấy phiền à?
Tôi không biết cô có thấy phiền hay không, cũng có thể cô đã mất hết kiên nhẫn. Thật ra cô chỉ cần phủ nhận là xong, nhưng Shioriko lại không thích nói dối. Có nghĩa là cô thực sự trân trọng mối quan hệ với tôi...
Nhận ra ánh mắt hai đứa nhìn mình, tôi vội vàng ngậm miệng. Hóa ra tôi lại đi cười nhăn nhở trước mặt chúng nó. Nếu Shioriko đã đuổi hai đứa ra ngoài, tôi cũng không thể để chúng vào lại tiệm.
- Thôi đừng khuấy vụ này lên nữa. Cả anh và Shioriko đều chưa quen.
Tôi quay bước vào tiệm, thầm nghĩ còn lâu nó mới thôi.
Trước tiên, tôi cẩn thận đóng cửa kính lại, dù đã cảnh báo hai đứa không được nhìn trộm, nhưng biết là vô ích nên ít nhất tôi cũng phải đề phòng việc nghe lén.
Trong tiệm, sách xếp đầy chật không chỉ trên giá mà còn trên cả lối đi và quầy tính tiền. Đây là khung cảnh thường thấy ở tiệm sách cũ Biblia. Mùi hăng xộc lên, có thể vì đã sang mùa mưa, nấm mốc khiến mùi sách cũ càng nồng đậm. Quả nhiên độ ẩm là kẻ thù của sách cũ.
Tôi vẫn không thấy cô chủ tiệm đâu. Có lẽ cô ngồi trong góc quầy tính tiền, vì đó là vị trí thường xuyên của cô.
Nhưng hôm nay lại khác. Tôi nghe tiếng động từ góc tiệm, và nhìn thấy một bóng lưng đang ngồi thừ ra cạnh máy hút ẩm. Hôm nay cô ăn vận rất khác bình thường, sơ mi xanh tay lửng cùng quần ngắn trên gối và quần tất đen. Cô ngồi lệch về một bên vì chân bị thương vẫn chưa gập lại được.
- Em sao vậy?
- Máy... máy hút ẩm không chạy... Phích cắm rời khỏi ổ điện...
Cô cao giọng đáp. Tôi cũng biết xử lý độ ẩm trong tiệm là việc quan trọng, nhưng không hiểu sao cô không quay lại nhìn tôi. Qua bờ vai cô, tôi nhận ra phích đã được cắm chặt vào ổ điện, Shioriko đang lúng túng chỉnh lại chạc nối bên trên.
- Có gì cần tôi giúp không?
- Không, không cần.
Tai cô đỏ ửng lên qua làn tóc đen. Cuối cùng tôi cũng hiểu ra, vì bị trêu chọc nên cô đang xấu hổ. Hôm qua cô vẫn đối xử với tôi bình thường mà.
- Mảnh giấy nhớ trên quầy tính tiền...
- Giấy nhớ? Là cái gì vậy?
- Tạm... tạm thời anh làm những việc em ghi trên đó đi... để em bình tĩnh lại đã...
Tôi quay lại quầy tính tiền, có một mảnh giấy nhớ với dòng chữ “Công việc hôm nay”, bên dưới liệt kê những việc tôi cần làm như nhận hàng, xuất hàng, dọn dẹp... Mặt sau cũng có chữ, viết rất nắn nót, ghi rõ tình hình của tiệm và chỉ dẫn cụ thể cho tôi.
Sao lại phải viết ra giấy...
Đành chịu, cô không thể giải thích bằng miệng cho tôi được. Vụ Tanaka Toshio để sau này kể vậy. Dù sao tôi cũng phải sắp xếp lại suy nghĩ của mình. Hơn nữa ngoài cửa tiệm có hai cô cậu học sinh cấp ba đang nhìn lén, mà đây là chuyện không thể để hai đứa nghe được.

4

Kết quả là, mãi đến chiều muộn tôi mới hoàn tất công việc ghi trên giấy nhớ. Shioriko nói để cô bình tĩnh, nhưng tình hình xem ra vẫn chưa khả quan. Cô ngồi trong góc sau quầy tính tiền, náu mình bên kia những chồng sách để xử lý đơn đặt hàng qua mạng. Không khí giữa chúng tôi còn lạnh giá hơn cả trước khi chính thức hẹn hò.
- Anh... Cho em biết chuyện xảy ra hôm nay được không?
Dù đã lên tiếng, Shioriko vẫn không chịu bước ra khỏi những chồng sách. Tiệm không có khách, hai cô cậu học sinh bên ngoài đã rút lui. Bầu trời qua lớp cửa kính phủ đầy những đám mây tối màu, áng chừng trời lại sắp mưa.
- Em ngó ra đây đi.
Tôi nói. Cứ như bị tránh mặt thế này, tôi khó mà bình tĩnh được. Một lúc sau, Shioriko ló nửa mặt ra khỏi bức tường sách. Làn da trắng hơi rám nắng giờ đỏ chín như tôm luộc. Đôi mắt to đảo quanh sau tròng kính.
Đây là lần đầu tiên trong ngày hôm nay tôi được thấy mặt cô. Trên mặt cô hiện rõ sự xấu hổ.
Tôi kể lại chuyện với Tanaka, đặc biệt về lời nhờ vả của anh ta. Nét mặt cô cứng lại. Cô di chuyển chiếc ghế có gắn bánh xe đến trước mặt tôi, ngồi thẳng người chăm chú lắng nghe.
Em hiểu rồi, cô gật mạnh đầu, bỗng như biến thành người khác, vô cùng tự tin mỗi khi bắt đầu suy luận, dĩ nhiên là phải liên quan đến sách.
- Em sẽ tìm cuốn Những năm cuối đời đó.
Cô trả lời ngay. Quả đúng như Tanaka nhận định.
- Em tin lời anh ta à?
- Không, - Shioriko rành mạch đáp. - Có thể anh ta nói dối và đang toan tính chuyện gì đó. Anh nghi ngờ đúng đấy, nhiều khả năng chính anh ta là người viết lá thư được gửi đến Biblia... Nhưng nếu cuốn Những năm cuối đời kia thực sự tồn tại, dù chúng ta có từ chối thì Tanaka cũng sẽ tự mình đi tìm. Giống như năm ngoái khi anh ta đến tiệm này lần đầu vậy.
- À...
Tôi hiểu ý cô. Chẳng có gì đảm bảo Tanaka không lặp lại hành động đã gây ra năm ngoái, như khi muốn cướp đoạt cuốn Những năm cuối đời của Shioriko.
- Em nghĩ, nên báo cho chủ nhân cuốn sách trước khi Tanaka tìm ra, rằng một người rất nguy hiểm đang nhắm đến bản Những năm cuối đời này, nên hãy cất nó vào nơi an toàn... Tất nhiên, em sẽ nói với Tanaka rằng mình không tìm ra cuốn sách.
Shioriko muốn giả vờ đồng ý nhận lời. Tôi cũng nghĩ cần phải báo cho chủ nhân cuốn sách biết. Nhưng...
- Làm như vậy có an toàn không?
Tanaka sẽ không dễ dàng từ bỏ chỉ vì chúng tôi trả lời rằng không tìm ra đâu. Shioriko thở dài.
- Không... Em đoán anh ta sẽ lùng sục đến cùng xem mình có nói dối hay không. Nhưng cũng phải ra tù anh ta mới làm được. Chúng ta sẽ có thời gian nghĩ cách khác.
Tóm lại, chỉ là kế hoãn binh. Tôi hiểu đây là vụ việc mà chúng tôi không thể không can thiệp, nhưng thực sự tôi không đồng tình với phương án này. Nếu lời nói dối vỡ lở, Shioriko sẽ gặp nguy hiểm.
- Còn một cách đảm bảo an toàn cho người chủ cuốn sách.
- Cách gì vậy?
Tôi hỏi. Thay vì vẻ chắc chắn, nét mặt Shioriko không mấy tươi tỉnh.
- Người đó bán cuốn Những năm cuối đời cho em, rồi em sẽ bán lại cho Tanaka.
- Tại sao lại làm thế? Sao có thể bán sách cho kẻ như anh ta...
Đừng có đùa... Tuy nhiên, nghĩ cho kĩ thì đây cũng là một cách. Tanaka Toshio thèm khát cuốn sách, chỉ cần có nó thì anh ta sẽ thỏa mãn. Chính anh ta cũng nói là có đủ tiền để mua lại, nếu giá cả phù hợp chắc anh ta cũng không ngại trả.
- Nhưng em nghĩ người chủ sẽ không dễ dàng bán cuốn sách đi đâu... Hẳn người ta phải hâm mộ Dazai lắm.
Tôi chăm chú nhìn Shioriko. Cô gái này cũng là một người hâm mộ thứ thiệt, sẵn sàng đem tính mạng ra bảo vệ cuốn Những năm cuối đời bản chưa rọc. Tất nhiên cô hiểu được cảm giác của chủ nhân cuốn sách.
- Cuốn Những năm cuối đời của ông nội Tanaka là sách hiếm lắm à? Anh ta nói sách không có chữ kí tác giả.
- Em lại tò mò với chính cái vụ không có chữ kí đây.
Shioriko bình thản với lấy một cuốn bunko trên bức tường sách. Là cuốn Những năm cuối đời của Dazai Osamu. Cuốn sách có bìa đen do Shinchosha phát hành, chưa cũ lắm. Không tự nhiên mà nó nằm ở đây, tôi đoán Shioriko mới mang từ đâu đó ra.
- Không có chữ kí, nhưng lại có chữ viết tay của Dazai. Nếu đúng là thế, thì hẳn là cuốn Dazai giữ lại cho chính mình.
- Giống như sách chỉnh lý của Miyazawa Kenji ấy hả?
Tôi nhớ được cụm từ “sách chỉnh lý” sau lần giúp tìm lại cuốn Mùa xuân và Tu la bị trộm khi trước. Miyazawa Kenji đã chỉnh sửa tác phẩm bằng cách viết thẳng lên ấn bản đầu tiên của cuốn Mùa xuân và Tu la. Những cuốn sách bị viết vào như vậy được gọi là sách chỉnh lý, chính Shioriko đã chỉ cho tôi biết.
- Khả năng này không cao. Em chưa nghe ai đả động đến cuốn Những năm cuối đời do Dazai chỉnh sửa bao giờ. Ngần ấy năm qua, người ta đã làm bao nhiêu nghiên cứu về Dazai, nếu sách chỉnh lý thực sự tồn tại, chắc chắn phải có manh mối ở đâu đó.
- Nhưng... Vậy, ông ấy viết gì lên sách được nhỉ?
- Em không đoán ra. Chưa kể, không có chữ kí thì cũng khó mà khẳng định những ghi chú trên sách là của Dazai. Phải có đặc điểm gì rõ ràng chứ nhỉ... Nó làm em tò mò ghê.
Tôi giật mình. Tanaka Toshio đã từng đánh giá đúng như thế lúc trò chuyện với tôi ở ngôi chùa dưới Hase. Shioriko đồng ý nhận ủy thác không phải chỉ vì muốn cảnh báo cho chủ nhân cuốn sách, mà còn vì sức thu hút của bí ẩn nằm trong cuốn Những năm cuối đời, cuốn sách không có chữ kí nhưng lại có ghi chú của Dazai kia.
Vậy là Tanaka Toshio đã đoán trước được. Anh ta biết Shioriko hâm mộ Dazai, nên nảy ra ý định lôi kéo cô vào chuyện này. Anh ta còn biết tôi cũng sẽ tham gia, vì muốn bảo vệ cô.
Một năm qua, tôi đã học được nhiều điều...”.
Những lời đó ám chỉ suy nghĩ này chăng?
- “Ngoại hình con hạn chế...”
Bỗng nhiên, tôi vô thức bật ra câu nói của Tanaka. Câu nói nghe như chứa đựng ẩn ý, rốt cuộc là ý gì nhỉ? Tôi không nhớ câu sau thế nào.
- “Ngoại hình con hạn chế, chí ít hãy để người ta thương. Sức lực con yếu ớt, chí ít hãy dưỡng khỏe tâm hồn...” - Shioriko nhắc lại rành rọt.
Tôi ngạc nhiên.
- Em biết à?
- Vâng. Đó là một câu trong “Lá”, thuộc cuốn Những năm cuối đời đấy. Cuốn sách tập hợp các đoạn ghi rời rạc, nên giữa những áng văn không có mối liên kết nào... Sao Daisuke lại biết?
Tôi kể lại tình huống liên quan đến câu trích, và cả lời xin lỗi của Tanaka. Shioriko không mảy may phản ứng trước lời xin lỗi ấy.
Nói mới nhớ, tôi chưa từng nghe cô nói gì về suy nghĩ đối với Tanaka Toshio. Mỗi khi nói đến anh ta, cô không giận dữ cũng không sợ hãi, lúc nào cũng rất bình thản. Đối với kẻ đã làm mình bị thương nặng, chắc chắn không có chuyện cô không cảm thấy gì, có lẽ chỉ là tôi không nhận ra mà thôi.
- Sau câu văn anh ta trích dẫn còn một đoạn nữa. Đây này.
Cô mở cuốn Những năm cuối đời của Shinchosha rồi đưa cho tôi. Là trang đầu tiên.

Dì dặn.
Ngoại hình con hạn chế, chí ít hãy để người ta thương. Sức lực con yếu ớt, chí ít hãy dưỡng khỏe tâm hồn. Miệng con giỏi nói dối, chí ít hãy làm việc cho tốt”.
Miệng con giỏi nói dối, chí ít hãy làm việc cho tốt”.

Shioriko ngâm nga câu văn bằng chất giọng trong trẻo. Tôi băn khoăn ở chỗ người dì không hề cấm cản việc nói dối. Tanaka nghĩ gì khi trích dẫn thế nhỉ. Anh ta ám chỉ bản thân hay nói dối, nên ít nhất là sẽ làm tốt việc này chăng?
- Đoạn văn thật hay... mỗi lần đọc, em có cảm giác người dì đang khuyên nhủ chính mình vậy.
- Không, ngoại hình em đâu có hạn chế.
Tôi chỉ buột miệng nói ra suy nghĩ chợt đến trong đầu, nhưng câu nói ấy khiến không gian trong tiệm như đông cứng. Khuôn mặt vốn đã khôi phục vẻ bình thản của Shioriko lại đỏ lên như lửa đốt, cô cúi gằm mặt, hai mắt nhắm nghiền.
- Thật... thật là... trông em... như trẻ con mà.
Dáng vẻ e thẹn của cô khiến tôi ngứa ngáy khắp người. Nhưng đang ở trong tiệm, mất lý trí lúc này là không ổn chút nào. Có lẽ vậy.
Phải một lúc sau, chúng tôi mới bình tĩnh lại. Tôi cầm sách lên đọc qua truyện “”. Lúc trước tôi mới đọc “Hoa của chú hề”, chưa đọc thêm truyện nào khác trong Những năm cuối đời cả.
Quả thật, mỗi đoạn là một nội dung rời rạc. Có những đoạn là một truyện dài nhiều trang, có những đoạn lại chỉ viết trong một dòng. Đối với người có cơ địa không chịu được chữ in như tôi, đây là tác phẩm khá dễ đọc.
Dù vậy, tôi không nghĩ Dazai chỉ đơn giản chắp vá các tác phẩm độc lập vào tập truyện này. “Tôi từng nghĩ đến việc chết đi”, “Tôi từng muốn chết”... những câu hỏi về sinh tử của bản thân hiện lên rõ ràng. Tôi cảm thấy tổng thể tác phẩm bắt đầu từ một nhóm cảm xúc của tác giả.
Tôi đọc lại một lần nữa những câu văn Tanaka từng ngâm nga. Bỏ qua đoạn về vẻ ngoài hạn chế, tôi hiểu ra anh ta ngầm chỉ Shioriko. Cô không phải người có sức vóc, cũng giỏi nói dối nữa.
- Dazai viết câu văn này với ý gì nhỉ?
Tôi đọc cả văn cảnh trước và sau câu ấy, không một từ ngữ nào đề cập đến “”. “Con” ở đây là ai được nhỉ?
- Em nghĩ Dazai viết về chính ông. - Shioriko chậm rãi nói, như thể cố thở đều trở lại. - Dazai sinh ra và lớn lên trong gia đình một địa chủ có tiếng ở Aomori. Mẹ ông vốn không được khỏe, nên người chăm sóc nuôi nấng ông thật ra là người dì sống cùng gia đình.
Ra vậy, là “dì” thật. Dazai rất nổi tiếng, nhưng tôi không biết gì về cuộc đời ông. Tôi chỉ mới nghe giải thích về cuốn Những năm cuối đời, và cũng chỉ mới đọc truyện ngắn “Chạy đi, Moerus!*” in trong sách giáo khoa.

*[Tên tạm dịch từ “Hashire, Moerus!”, truyện ngắn của Dazai Osamu. Nhân vật chính là anh chăn cừu Moerus bị vua xử tội chết, nhưng vì phải vội về nhà lo đám cưới cho em gái, nên xin vua cho gán người bạn là Selinuntius làm con tin, hứa rằng sau ba ngày không trở lại thì vua cứ việc tử hình Selinuntius. Hôm hết hạn, Moerus vội vã quay lên kinh, dọc đường gặp muôn vàn cản trở như nước lũ, hạn hán, cướp bóc, có lúc anh cũng nản chí muốn bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng anh vẫn kịp chạy tới pháp trường vào phút cuối, kịp cứu Selinuntius. Nhà vua xúc động vì tình bạn của họ, nên tha chết cho cả Moerus. Cuối truyện Dazai có ghi chú “Viết theo một truyền thuyết cổ và bài thơ của Schiller”. Truyền thuyết cổ này là của Hy Lạp, ca ngợi tình bạn giữa Damon và Pythias. Bài thơ của Schiller ở đây là bài ballade nhan đề Con tin (Die Bürgschaft), cũng dùng tên nhân vật là Damon và Pythias]

- Dazai sinh năm bao nhiêu?
- Năm 1909, năm Minh Trị thứ bốn mươi hai.
- Từ thời Minh Trị kia à?
Tôi cứ tưởng Dazai chào đời muộn hơn cơ. Ông gây ấn tượng như một tác giả thời Chiêu Hòa vậy.
- Sang thời Chiêu Hòa Dazai mới bắt đầu viết văn. Nhưng chắc chắn ông ấy được nuôi dạy trong một gia đình theo nề nếp cũ. Quay lại với “Lá”. Em không biết có phải ông ấy thực sự được người dì nhắc nhở như thế hay không, nhưng em cho rằng nội dung tác phẩm là về bản thân tác giả. Dazai thời trẻ từng tự ti về ngoại hình của mình, suốt ngày vùi đầu vào sách vở, sức vóc lẻo khoẻo. Chưa kể, ông thường xuyên, nói dối anh trai, người kế thừa sản nghiệp gia đình.
- Nói dối tức là...?
- Ngoài hai mươi tuổi, Dazai học khoa Văn chương Pháp ở Đại học Đế quốc Tokyo, nay là Đại học Tokyo. Ông lưu ban nhiều năm không tốt nghiệp được. Năm nào ông cũng nói dối rằng năm sau mình sẽ tốt nghiệp và nghiễm nhiên nhận tiền trợ cấp ở nhà gửi lên. Từ ngày nhập trường, ông không dự một tiết tiếng Pháp nào, thậm chí không đến lớp, chỉ theo đuổi sáng tác và tham gia phong trào cánh tả. Tất nhiên không đủ điều kiện tốt nghiệp.
Lối sống của nhà văn này còn tệ hơn tôi tưởng. Tự nhiên, trong đầu tôi hiện ra sơ đồ tàu điện từng nhìn thấy trong toa tàu Enoden.
- Ông ấy tự tử đôi bất thành ở Koshigoe khi nào nhỉ?
- Thời sinh viên đấy. Tháng Mười một năm 1930, ở tuổi 21, Dazai và một cô tiếp viên quán bar ở Ginza dắt nhau ra Mũi Koyurugi uống rất nhiều thuốc ngủ.
- Sao ông ta lại muốn tự tử?
- Em cũng không rõ... Do bốc đồng thì phải, muốn cùng cô gái tình cờ quen biết tìm đến cái chết. Cô gái chết, nhưng Dazai vẫn sống. Ông bị tình nghi kích động tự tử, nhưng nhờ anh trai chạy vạy, ông thoát được khởi tố... Chính Dazai cũng hồi tưởng lại rằng đó là thời kì mông muội của bản thân.
Chỉ vài năm sinh viên ngắn ngủi mà gây rắc rối đủ dùng cho cả một đời. Nghĩ mà kinh. Hay mỗi thời một khác nhỉ?
- Hồi xưa có nhiều sinh viên như ông ấy không?
- Lôi thôi chắc là có, nhưng đến mức chết người thì hẳn là ít. Vả lại ngày ấy sinh viên Đại học Đế quốc Tokyo là tinh hoa trong tinh hoa, vì thế dù họ có gây ra chuyện gì thì đa phần cũng được bỏ qua. Nhưng vụ việc ở Koshigoe lên cả báo, nên em nghĩ Dazai phải thuộc dạng sinh viên rắc rối có tiếng đấy.
- Nhưng ông ấy vẫn trở thành nhà văn nhỉ?
- Bởi vì xung quanh có những người nhìn nhận tài năng và ủng hộ ông ấy. Đặc biệt là ân sư Ibuse Masuji*. Ông luôn dìu dắt và giúp đỡ Dazai theo nhiều cách, cả về đời tư và văn nghiệp. Nếu không có Ibuse, sẽ không có nhà văn Dazai Osamu.

*[(1898-1993) nhà văn Nhật. 19 tuổi nhập học Đại học Waseda, ngành văn chương Pháp, nhưng chưa tốt nghiệp ông đã bỏ học, do bị một giảng viên đồng tính quấy rối tình dục. Họ quen nhau khi Dazai yêu thích một tập truyện của Ibuse và muốn gặp tác giả. Ibuse là người lắng nghe Dazai tâm sự rất nhiều về sống chết và cho bạn lời khuyên. Dazai từng nhận xét về Ibuse: “Anh Ibuse là ác quỷ” (Ibuse-san wa akunin desu)]

Tên tuổi Ibuse Masuji thì đến tôi cũng biết. Nhưng tôi không hề biết ông là ân sư của Dazai.
- Đối với một người giàu tự trọng như Dazai, việc không thể nuôi sống bản thân gây nên nỗi tuyệt vọng sâu sắc, là một thất bại không thể chối cãi ở đời. Em nghĩ lúc đó ông ấy đang rơi vào tình trạng có thể kết thúc mạng sống của mình bất cứ lúc nào. Nhưng cũng chính việc coi đời mình là nguyên liệu sáng tác, lại đưa Dazai đi theo con đường viết văn... Những năm cuối đời vốn là tác phẩm ông viết để làm di thư, về sau đã tạo âm hưởng lớn đối với những thanh niên có chung một suy nghĩ thời bấy giờ.

Hỡi những ai đang tồn tại trên cõi đời này, hãy cứ thật tự tin mà sống tiếp.
Vì chúng ta đều là những kẻ tội đồ.

Trước đây Shioriko từng đưa tôi xem câu văn này. Đó là dòng viết tay của Dazai trong cuốn Những năm cuối đời mà cô đang sở hữu. Cô giải thích, tác giả muốn nói rằng tất cả những người đang sống đều mang nghiệp chướng rất nặng.
- Cho đến nay vẫn còn rất nhiều người yêu thích Những năm cuối đời, trong đó có em. Mặc dù em không thích lối sống cá nhân dữ dội của Dazai, nhưng em đồng cảm với ông ấy về sự yếu đuối của con người... Có lẽ em hơi mâu thuẫn.
- Tôi không nghĩ vậy.
Ai cũng mang phần yếu đuối nào đó trong tim thôi. Đây là điều hiển nhiên chứ không phải mâu thuẫn.
- Những năm cuối đời được đánh giá cao lắm à?
Tôi đổi đề tài, Shioriko gật đầu.
- Vâng. Tác phẩm xuất bản năm 1936, chỉ trong một năm đã được tái bản không biết bao nhiêu lần. Nhờ đó Dazai cũng trở nên nổi tiếng, người ta tới tấp đặt ông viết sách, nhưng đời sống của ông vẫn không khá hơn, tiếp tục vay tiền bạn bè người quen, và tất nhiên là luôn ứng trước nhuận bút.
- Ông ấy có việc làm mà?
- Cũng tại bóc ngắn cắn dài, vung tay quá trán thôi, rồi nhiều chuyện xảy ra... Dazai không để ý đến việc lập thư viện cá nhân, ngay cả tác phẩm của chính mình ông cũng không giữ được. Ấn bản đầu tiên của Những năm cuối đời chắc chỉ ở bên Dazai một thời gian ngắn. Em vẫn chưa đoán ra ông ghi những gì trên đó, tại sao cuốn sách ấy lại đặc biệt...
Shioriko nín bặt, tôi cũng không nói gì. Thật xấu hổ là cơn tò mò bắt đầu nhen lên trong tôi.
Hai kẻ cuồng Dazai như Tanaka Toshio và Shioriko mà cũng không biết, rốt cuộc cuốn sách đó như thế nào nhỉ?
- Làm sao liên lạc được với người ủy thác? - Shioriko hỏi.
- Lúc nãy anh ta có gửi mail cho tôi. Chắc hai bên sẽ liên lạc qua địa chỉ mail này.
Đây là địa chỉ mail Tanaka mới tạo. Còn mail của tôi vẫn dùng từ trước. Hồi ấy Tanaka qua lại tiệm với cái tên giả Kasai Kikuya, chúng tôi đã khá thân thiết nên có trao đổi phương thức liên lạc.
Tôi không đồng ý để anh ta trao đổi trực tiếp với Shioriko. Tôi không tin anh ta. Và Shioriko cũng không nói là muốn tự mình liên lạc.
- Vậy anh hãy nhắn là em nhận lời yêu cầu này. Tiện anh hỏi luôn cách liên lạc với người biết rõ ông Tanaka Yoshio cũng như người cung cấp thông tin về cuốn Những năm cuối đời nhé.
- Ừ, có thể anh ta sẽ trả lời chậm đấy. Nghe bảo không có máy tính hay smartphone, cũng không thể kiểm tra mail hằng ngày.
- Không sao... Trong lúc đợi anh ta trả lời, mình cũng có việc cần làm.
- Việc gì vậy?
- Thu thập thông tin về ông Tanaka Yoshio. Anh cùng em đến hỏi chuyện người biết ông ấy nhé!

5

Cánh cửa kính mở ra, mùi thuốc lá khét lẹt xộc mũi tôi, giấy dán tường ngả vàng hẳn là vì ám khói. Quán không có chỗ riêng cho người hút thuốc, bàn gỗ trong góc đặt một chiếc gạt tàn. Đây là một quán cà phê kiểu cũ giờ đã ít thấy.
Có thể do là ngày thường, lại đang buổi sáng nên trong quán chỉ lác đác vài ông trung niên.
Bồi bàn nói chúng tôi thích ngồi chỗ nào cũng được, nên Shioriko chọn bàn cạnh cửa sổ. Hôm nay cô mặc sơ mi trơn, bên ngoài khoác áo cardigan. Cô kéo gọn vạt váy dài để ngồi xuống, rồi đặt chiếc nạng bên cạnh ghế.
Đã ba ngày trôi qua kể từ khi chúng tôi nhận ủy thác của Tanaka. Tôi cũng đã viết mail yêu cầu anh ta cung cấp thông tin cần thiết, có lẽ sắp nhận được trả lời rồi.
Hôm nay chúng tôi lên tuyến Yokosuka để đến Totsuka gặp một người quen biết Tanaka Yoshio. Đây cũng là một người trong nghề, chủ tịch hiệp hội sách cũ, chính là người trước đây cung cấp địa chỉ ngôi chùa có mộ nhà Tanaka. Ông là chủ tiệm sách cũ Vỏ Sò gần ga JR Totsuka. Ông tranh thủ giờ nghỉ để gặp chúng tôi, còn về phần tiệm Biblia, hôm nay là ngày nghỉ.
Tôi cũng biết ông chủ tiệm. Lần đầu đến hội trao đổi sách cũ để chào hàng, tôi lúng túng như gà mắc tóc, ông bèn vừa mắng vừa cẩn thận chỉ cách làm cho tôi. Ông hay chê trách, nhưng là một người thân thiện.
- Ông Tanaka Yoshio vốn là khách quen của tiệm Vỏ Sò nhỉ?
Tôi đoán dựa trên câu chuyện rời rạc của Shioriko. Cô hơi nghiêng đầu, khẽ gật, mái tóc đen dài trải rộng bên vai. Nghe chừng tôi đúng được một nửa.
- Tất nhiên ông ấy là khách quen, nhưng họ quen nhau khá lâu trước khi có tiệm Vỏ Sò. Cả hai ông đều tham gia câu lạc bộ nghiên cứu văn học ở trường đại học, người khóa trên người khóa dưới. Hình như ông chủ tiệm Vỏ Sò là khóa trên thì phải.
- Hả... Ông chủ tiệm Vỏ Sò lớn tuổi thế cơ à?
Nếu Tanaka Yoshio còn sống thì cũng phải ngoài bảy mươi tuổi rồi. Mà ông chủ tiệm trông chỉ tầm năm mươi.
- À, không đâu... Em quên chưa nói để anh biết. Ông chủ hiện tại là đời thứ hai, tuy cũng có quen ông Tanaka Yoshio, nhưng thân thiết thì phải là chủ tiệm đời thứ nhất, đã mất cách đây khoảng năm năm.
Ra thế, tôi gật gù.
- Shioriko gặp ông ấy rồi à, ông chủ đời thứ nhất ấy?
- Vâng, hồi em còn học đại học. Ông chủ đời đầu cũng làm chủ tịch hiệp hội. Mỗi khi thắc mắc hay gặp khó khăn về buôn bán, em lại được ông ấy chỉ bảo. Bấy giờ em mới bắt đầu ra giúp việc ở tiệm nên còn bỡ ngỡ lắm.
Giống tôi bây giờ. Hồi Shioriko học đại học, chính là hồi tôi nhìn thấy cô lần đầu trước cửa tiệm sách cũ Biblia. Kí ức về một thời cẩm tú cầu nở rộ trở lại trong tôi. Dạo đó tôi còn học cấp ba, chẳng làm sao ngờ được cô gái này mai sau sẽ là bạn gái mình. Càng không ngờ được ở giai đoạn đầu tìm hiểu mà ngày nghỉ chúng tôi cũng không thể hẹn hò, lại quay sang đi tìm sách cũ.
- Ông nội em cũng rất thân với ông chủ Vỏ Sò đời đầu. Hai tiệm khai trương gần như cùng một thời gian, gia nhập hiệp hội sách cũ cùng một lúc, thường qua lại giúp đỡ nhau nhiều.
Biblia mở cửa cách đây gần năm mươi năm. Bà tôi từng mua Soseki toàn tập ở đây. Thì ra, rất nhiều người đã quen biết nhau nhờ những cuốn sách cũ.
- Ông nội là người thế nào?
Ông là người dựng nên tiệm sách cũ Biblia, vậy mà rất hiếm khi tôi nghe Shioriko nhắc đến ông. Có lẽ là tại bà mẹ nên cô ít khi đả động về gia đình mình.
- Trước khi mở tiệm sách ông làm nghề khác à?
- Không, trước đó ông cũng làm việc ở một tiệm sách cũ. Ông từng đi học nghề ở tiệm Kugayama bên Yokohama. Chủ tiệm khó tính vô cùng. Ông nội tích lũy kinh nghiệm ở đó hơn mười năm rồi tự lập, mở ra tiệm sách cũ Biblia này. Khi em bắt đầu biết nhận thức thì cha mẹ đã thay ông quản lý tiệm, rồi ông qua đời trước khi em vào cấp hai. Thế nên em không nhớ được nhiều về ông. Ông kiệm lời lắm, giống cha em.
Bồi bàn mang cà phê đến nên chúng tôi tạm ngừng câu chuyện. Shioriko nhoẻn cười như vừa nhớ ra điều gì.
- Nói mới nhớ, ông từng nói ông cũng thích Dazai. Hồi tiểu học, em đã đọc Dazai Osamu toàn tập do Chikuma Bunko phát hành...
Đến giờ thì tôi không còn ngạc nhiên nữa nên không nói gì, tuy vậy tôi chưa từng nghe nói có học sinh tiểu học nào đọc toàn tập của một tác gia.
- Chắc lúc đó em đọc chăm chú lắm nên ông hỏi, “Dazai hay vậy à?”. Em đáp vâng, rất hay, ông liền nói “Nhiều người ghét tác giả này, nhưng ông ấy là một nhà văn xuất sắc, đặc biệt là các tác phẩm ra đời vào giai đoạn giữa sự nghiệp sáng tác”.
- Nhiều người ghét Dazai á? Ông ấy nổi tiếng mà.
Chắc chắn Dazai có rất nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt. Người như tôi còn nghe danh các tác phẩm của ông nữa là. “Chạy đi, Moerus!” này, Nhân gian thất cách, rồi Tà dương này...
- Dazai là một tác giả lớn của nước nhà, nhưng không ít người dị ứng với truyện của ông. Nhân vật chính trong truyện thường có phong cách lập dị, luôn thấy yếu đuối và lạc lõng, có lẽ là tấm gương phản chiếu chính cuộc đời ông. Người ta thường phán xét tác phẩm của Dazai là ẻo lả và đàn bà... Trẻ mà đọc Dazai thì không sao, nhưng trưởng thành mà vẫn đọc có thể coi là một điều xấu hổ.
Tôi cũng ngờ ngợ hiểu được. Tôi nhớ giáo viên cấp hai đã nói khá vòng vo khi giảng về Dazai.
- Những phán xét đó không phải là sai, nhưng không gây ảnh hưởng gì nhiều, vì đến giờ vẫn còn bao nhiêu người yêu thích văn chương Dazai. Theo em, nếu chỉ nhìn nghĩa trên mặt chữ để đánh giá Dazai thì sẽ là một sai lầm... Daisuke, ngoài Những năm cuối đời anh đã đọc tác phẩm nào khác của Dazai chưa?
- Tôi mới đọc “Chạy đi, Moerus!”.
Truyện nằm trong môn Ngữ văn cấp hai, vì thế tôi đã đọc hết. Ngắn, cũng khá dễ đọc.
- “Moerus đùng đùng nổi giận” nhỉ?
Shioriko gật đầu:
- Đó là câu mở đầu rất nổi tiếng. Moerus bị tên bạo chúa Dionysius tuyên án tử hình, anh đã nhờ người bạn nối khố là Selinuntius làm con tin để có thêm ba ngày tham dự lễ cưới của em gái mình... Tác phẩm được công bố vào năm 1940, đoạn giữa sự nghiệp của tác giả. Lúc này Dazai đã tìm được sự ổn định cả trong công việc và đời sống cá nhân.
- Ông ấy không còn gặp khó khăn về tiền bạc nữa à?
Tôi nhớ là từng nghe kể thời điểm ra mắt Những năm cuối đời, Dazai đang nợ nần chồng chất.
- Không dư dả, nhưng so với khi mới bước vào văn đàn thì có khá hơn... Ông luôn sống trong cảnh thiếu thốn, cơ bản cũng do lạm dụng thuốc. Từ hồi viêm ruột thừa phải nhập viện điều trị, ông bắt đầu thường xuyên dùng thuốc giảm đau, càng ngày càng tăng liều, toàn bộ số tiền kiếm được đều để mua thuốc. Năm 1936, ân sư Ibuse Masuji đã gửi ông vào bệnh viện tâm thần và Dazai được điều trị thành công.
- Vậy cuộc sống của ông ấy cũng trở nên khá hơn nhỉ?
- Không hẳn... Vài tháng sau ở suối nước nóng Minakami, ông đã tự tử đôi bất thành cùng người vợ lúc đó.
- Sao? Lại tự tử tiếp? - Tôi biết mình hơi vô phép, nhưng tự nhiên suy nghĩ cứ bật ra khỏi miệng. - Lý do lần tự tử này là gì vậy?
- Trong lúc Dazai nhập viện điều trị, vợ ông đã ngoại tình. Có thể là lý do đó, mà cũng có thể là lý do khác nữa, tóm lại không bao giờ người ta biết được sự thật. Khác với lần tự tử bất thành ở Koshigoe, lần này may thay cả hai người đều không gặp nguy hiểm tới tính mạng. Cuối cùng, sang năm 1937 thì ông ly dị vợ.
Qua lời kể của Shioriko, Dazai hiện lên với một đời sống cá nhân đầy bất ổn. Không để tôi nghĩ ngợi lan man, Shioriko mau chóng tiếp tục.
- Phải đến năm tiếp theo cuộc sống của ông mới bớt phần bất ổn. Dazai kết hôn với người phụ nữ khác qua mai mối của ân sư Ibuse, và cho ra đời khá nhiều tác phẩm xuất sắc. Thời gian từ năm 1938 đến khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai được coi là giai đoạn giữa sự nghiệp sáng tác của Dazai. Bấy giờ ông đã ngoài ba mươi tuổi, đã có con với người vợ sau, nên tinh thần phần nào ổn định.
Có lẽ thế nên ông đã viết được tác phẩm như “Chạy đi, Moerus!”. Đó là một tác phẩm trong sáng, đề cao tình bạn, khác hẳn với các tác phẩm viết ra dựa theo trải nghiệm tự tử của bản thân.
- Ngoài “Chạy đi, Moerus!”, thời kì này ông ấy còn viết tác phẩm nào khác không?
- Còn đấy, và đặc biệt đa dạng, từ “Chuyện kể dân gian” dựa theo truyện cổ tích, “Yêu cầu khẩn thiết” mượn sự tích đạo Cơ đốc, “Nữ sinh” lấy cảm hứng từ nhật kí của một cô độc giả, hay “Hữu đại thần Sanetomo” viết về giai đoạn đầu thời Kamakura...
- Không có cuốn nào dạng tự truyện nữa nhỉ?
Tôi hỏi. Có thể vì lúc đó Dazai đã trưởng thành và chín chắn.
- So với khi mới ra mắt văn đàn, tác phẩm thời kì này của ông kém nổi bật hơn. Dazai vốn có tài năng thiên bẩm trong việc biến các đề tài khác nhau thành câu chuyện của chính mình. Chính thời kì này là lúc tài năng của ông thăng hoa không ngừng. Dù vậy, chất riêng của Dazai vẫn không thay đổi nhiều. Dù là tác phẩm hư cấu, người ta vẫn thấy trong đó tâm lý chân thật của chính Dazai.
Shioriko bấu hai tay vào thành bàn, hơi nhổm người dậy. Khi nói về tác giả yêu thích, cô hào hứng hẳn lên.
- Nói mới nhớ, từng có lời nhận xét rằng “Chạy đi, Moerus!” chính là khởi đầu cho những trải nghiệm thực tế của Dazai. Là thật hay không thì em không rõ.
- Vậy à?
Tôi không hề biết. Tôi nhớ đó là câu chuyện về Hy Lạp cổ đại, làm sao trải nghiệm trên thực tế được.
- Nhà văn Dan Kazuo, bạn thân của Dazai có chép lại một chuyện... Năm 1936, hai ông chơi bời quá chén ở suối nước nóng Atami, không trả nổi tiền trọ lữ quán và tiền ăn.
Khởi đầu không được hay ho gì, nhưng tôi vẫn chăm chú nghe tiếp.
- Dazai để Dan Kazuo ở lại lữ quán làm tin, lên kinh vay tiền trả nợ. Nhưng nhiều ngày sau mà Dazai không hề quay lại.
- Biệt tăm luôn hả?
Tôi buột miệng. Nếu vậy thì tình hình trái ngược hẳn với nội dung trong “Chạy đi, Moerus!”.
- Vâng. Bị chủ quán áp tải, Dan Kazuo lên kinh tìm Dazai. Ông tới nhà Ibuse Masuji hỏi thăm, phát hiện ra Dazai đã ở đó được nhiều ngày, đang hầu cờ ân sư.
- Đánh cờ sao... tệ thật.
Tôi nhăn mặt. Nhưng Shioriko lại lắc đầu.
- À, không đâu, không chơi cờ đơn thuần... Ông đến tìm ân sư Ibuse để mượn tiền, nhưng sợ bị mắng nên mấy ngày liền vẫn chưa dám mở lời. Dan Kazuo nổi giận với ông, Dazai xanh mặt vì sợ, chỉ nói được một câu... “Người phải đợi đau khổ hay người để đợi đau khổ đây”.
Tôi ngạc nhiên đến mức không thốt lên lời. Tất nhiên đây không phải hành vi đáng khen ngợi, sự vô trách nhiệm của Dazai đã vượt quá giới hạn... Nhưng tôi cũng phần nào hiểu nổi suy tư của kẻ để người khác chờ đợi. Khoan đánh giá là tốt hay xấu, chỉ đơn giản là tôi hiểu được. Nhà văn Dazai được bạn đọc thấu hiểu như vậy đấy.

- Cha tôi cũng từng kể chuyện này.
Một giọng nói chen ngang cuộc đối thoại của chúng tôi.
Tôi quay sang, liền trông thấy một người đàn ông luống tuổi, tóc bạc, mắt đeo kính đang từ tốn gật đầu chào.

6

Ông chủ đời thứ hai tiệm Vỏ Sò cầm cốc cà phê ngồi sang bàn chúng tôi. Có lẽ cái bụng bia của ông không vừa bàn, nên ông kéo ghế ngồi chéo bên cạnh tôi.
- Bác Sugio, cháu xin lỗi. Cháu không để ý... Cháu xin lỗi bác.
Shiorioko cúi gằm, đầu muốn đụng vào bàn đến nơi. Tôi cũng cúi đầu theo. Chúng tôi hẹn ông ra đây giữa giờ làm việc, vậy mà lại mải nói chuyện rồi quên bẵng cả ông. Nhìn đồ uống được mang ra, tôi nghĩ có lẽ ông đã đến khá lâu rồi.
- Không sao không sao. Tại tôi không gọi hai đứa mà cứ mải nghe Shioriko kể...
Ông Sugio mỉm cười thoải mái, xua xua tay. Các chủ tiệm sách cũ luống tuổi đều yêu quý Shioriko, đối xử với cô như con cháu mình. Chợt, nét mặt nghiêm lại, ông đập vào vai tôi.
- Nhưng cậu Gora cũng lạ thật. Shioriko nó chỉ bảo là tốt, nhưng cậu cũng phải tự đọc sách đi chứ. Mới đọc “Chạy đi, Moerus!” và Những năm cuối đời của Dazai thì ngang học sinh cấp hai à!
- Vâ... vâng. Cháu sẽ chú ý ạ.
Tôi lí nhí trả lời. Người này không biết về cơ địa của tôi, nhưng mang tiếng là nhân viên tiệm sách, tôi khó lòng biện bạch được.
- Giờ thì còn chưa sao, vì hai đứa mới bắt đầu hẹn hò thôi. Nhưng về lâu về dài, kiến thức chênh lệch quá thì tình cảm sẽ nguội lạnh.
Cả người này cũng biết chuyện chúng tôi. Tôi không đủ can đảm hỏi xem ai cho ông biết. Shioriko vẫn ngồi im như tượng, cô vừa nói gì đó. Thấy cô còn chưa bình tĩnh, tôi bèn hỏi thay.
- Bác đến từ lúc nào vậy ạ?
- Từ lúc các cháu nói về ông Seiji, ông nội của Shioriko, bạn thân với cha tôi thì phải. Tôi chưa nghe cha kể bao giờ, nhưng ông ấy cũng từng đọc truyện của Dazai à, quả nhiên là vậy.
“Quả nhiên” cái gì nhỉ? Tôi định hỏi chi tiết, nhưng ông Sugio thoáng liếc đồng hồ đeo tay.
- Xin lỗi, hai đứa vào chuyện chính luôn đi. Muốn hỏi về chú Tanaka hả, chú Tanaka Yoshio ấy?
- Vâ... vâng... - Cuối cùng Shioriko cũng lên tiếng. - Bác có nói, ông nhà và ông Tanaka vốn là bạn bè thời đại học phải không ạ?
- À, ừ ừ, - ông Sugio gật gù đáp rồi bắt đầu lục tìm trong túi. - Chú Tanaka là hậu bối của cha tôi, cũng thường đến nhà tôi chơi. Khi cha tôi mở tiệm, người khách đầu tiên chính là chú Tanaka. Nghe kể hồi đó chú còn khá giả, từng mua rất nhiều sách cũ ở Vỏ Sò. Lần nào sang cũng quà cáp bánh trái, một ông chú tuyệt vời đối với đứa trẻ hỗn xược như tôi... À, đây rồi.
Ông lục lấy một vật từ túi áo ngực. Tôi nghĩ ông tìm bật lửa, hóa ra lại là một tấm ảnh.
- Tôi tìm thấy ảnh cha chụp cùng chú Tanaka, trong album gia đình.
Ông Sugio đặt lên mặt bàn một tấm ảnh đen trắng khá cũ. Tấm hình chụp ở một vườn nhà trên đồi cao, hậu cảnh là tường và cửa sổ của ngôi nhà gỗ. Đằng xa là là biển cả. Trong hình có năm người đang đứng ngang hàng. Có lẽ tấm ảnh chụp vào mùa hè, ba người đàn ông mặc sơ mi cộc tay màu trắng. Áng chừng hăm lăm hăm sáu tuổi. Một người đàn ông hói đầu mặc kimono đứng cách họ khoảng nửa bước chân, bên cạnh ông là một cô bé mặc áo thủy thủ. Chắc là con gái ông.
Mặc dù ảnh hơi mờ nhưng tôi vẫn nhận ra cả năm người đều đang cười, chắc ai đó trong số họ vừa nói đùa. Quả là một tấm ảnh đẹp.
- Người đứng bên góc phải là cha tôi.
Ông Sugio trỏ một thanh niên mặc sơ mi trắng, ông không nói tôi cũng nhận ra. Trừ trẻ hơn ra thì khuôn mặt hay dáng người đậm đà đều giống hệt ông chủ đời thứ hai.
- Người cao cao đứng cạnh cha chính là chú Tanaka Yoshio.
Tôi nhìn chăm chú. Tôi nghe cái tên này không biết bao lần, nhưng đây là lần đầu tiên được nhìn thấy mặt. Mặt ông dài, mày rậm, đường nét rõ ràng. Phần tóc mái lộn xộn vén sang một bên, ông đang lúng túng hay sao mà dáng điệu không được thoải mái. Nụ cười hơi gượng gạo, xem chừng là người tính khí nóng nảy.
Ông cao nhất trong năm người, hơn hẳn chủ tiệm Vỏ Sò thời ấy một cái đầu. Tôi nghĩ ông cao ngang Tanaka Toshio, và tất nhiên, cao ngang tôi bây giờ.
- Tôi đã nghĩ có khi nào chú Tanaka thích Dazai quá không. Trông chú khá giống ông ấy.
Dù rất muốn đồng ý nhưng tôi không tài nào nhận ra sự giống nhau đó. Dazai cũng có khuôn mặt dài, tính khí nóng nảy, nhưng tôi thấy ông Tanaka lại pha trộn chút gì của Akutagawa Ryunosuke hơn.
- Chắc thế... kiểu tóc cũng giống ạ.
Shioriko nheo nheo mắt, săm soi từng chi tiết của tấm ảnh:
- Ảnh chụp lúc nào ạ?
- Trong album cha tôi ghi là tháng Bảy năm Chiêu Hòa thứ ba mươi chín... tính ra lịch Tây là năm 1964.
Shioriko nói ngay, dù vẫn cúi mặt:
- Là năm ông cháu mở tiệm Biblia. Vỏ Sò cũng vậy phải không ạ?
- Đúng. Vỏ Sò mở sớm hơn nửa năm. Cha tôi làm gì ở đây nhỉ... lúc đó ông còn nghèo túng vất vả chả có thời gian rảnh mà.
- Ảnh chụp ở đâu vậy ạ? - Tôi hỏi.
Bối cảnh của tấm ảnh là đảo trên biển... Không, trên ảnh có vách đá, dù không rõ ràng nhưng tôi ngờ ngợ là đã nhìn thấy cảnh này ở đâu rồi. Nhất định là khu vực biển nào đó quanh đây.
- Tôi không nghe cha kể gì cả, trên album cũng chỉ ghi ngày tháng. Nhìn ảnh thì tôi đoán là bên Shichirigahama, à không, chắc là bên Koshigoe. Địa điểm chụp ảnh là Mũi Koyurugi chăng?
Nghe ông nói tôi cũng có cảm giác như vậy. Đó là nơi mà Dazai tự tử đôi bất thành. Có khi nào những người còn lại cũng là độc giả yêu thích Dazai không nhỉ?
- Những người còn lại là ai ạ?
Ông Sugio khoanh tay, trả lời câu hỏi của Shioriko:
- Ngoài chú Tanaka, tôi không biết ai hết. Nhưng người này từng đến tiệm nhà tôi. Chắc ông ấy cũng có sở thích về sách cũ.
Ông trỏ thanh niên mặc sơ mi trắng đứng bên trái Tanaka Yoshio. Người này mắt xếch, cằm nhọn, thân hình gầy gò. Diện mạo bình thường, nhưng thần thái lại thoải mái nhất.
- Tôi đưa ảnh cho mẹ xem thì bà nói người này từng đến tiệm cùng chú Tanaka, tôi cũng từng chào hỏi ông ấy rồi. Ông sống đâu đó ở Kamakura, họ là Kotani thì phải. Mẹ không hỏi tên ông ấy là gì.
- Hai người còn lại thì sao ạ? Người mặc kimono và cô bé mặc đồ thủy thủ ấy ạ.
Shioriko lên tiếng. Cô không phản ứng gì với cái tên Kotani, có lẽ cô cũng không biết là ai. Tôi không rõ ông còn ở Kamakura không, thậm chí còn sống không, nhưng chắc chắn ông chưa từng ghé đến tiệm chúng tôi.
- Tôi không biết. Mẹ cũng nói chưa từng gặp bao giờ.
Tấm ảnh được cất giữ cẩn thận trong album. Trông vẻ tự nhiên thoải mái của cả năm người, có thể thấy họ không chỉ quen sơ sơ. Vậy mà người trong gia đình không hề hay biết, quả là lạ.
- Ồ, ở đây còn một người nữa này?
Ông Sugio duỗi ngón tay xương xương trỏ vào chỗ cửa sổ mở hé. Ông nói tôi mới để ý, trên ảnh là một người quay lưng ra, mặc áo đen. Ông Sugio chỉnh lại kính, cúi đầu nhìn tấm ảnh gần đến mức bóng in cả lên bàn.
- Tôi không hề nhận ra... là phụ nữ à? Không, hay chỉ là quần áo treo trong phòng thôi nhỉ?
Khó lòng phán đoán thêm điều gì từ tấm ảnh, cũng không biết khai thác theo hướng nào nữa, vì thế Shioriko đổi chủ đề.
- Ông nhà và ông Tanaka hay gặp nhau lắm ạ?
Ông Sugio vuốt cái cằm đã hai ngấn, ngập ngừng đáp:
- Ừ. Hồi tôi còn nhỏ, họ thường xuyên gặp nhau cho đến khi chụp tấm ảnh này này. Cha tôi và chú Tanaka đều yêu thích Dazai, thậm chí còn lập ra câu lạc bộ nghiên cứu về Dazai nữa. Đặt tên là “Hội Romanesque” thì phải? Nói chung chính là điển hình cho thanh niên yêu văn chương thời xưa.
- Romanesque?
Dường như là một từ có liên quan với Dazai Osamu. Tôi đang cố lục lọi trí nhớ thì Shioriko ra tay tương trợ.
- “Romanesque” là một truyện ngắn trong cuốn Những năm cuối đời. Nó chép lại chuyện đời những thanh niên bất hạnh, kết thúc bằng cảnh họ gặp được nhau và tìm thấy sự đồng cảm. Đố là một tác phẩm thiên về các yếu tố mang tính ngụ ngôn.
Đúng vậy. Tôi chưa đọc nhưng đã nhìn thấy cái tên này ở mục lục Những năm cuối đời. Ông Sugio lộ vẻ nghiêm khắc, như muốn khiển trách: chuyện này mà còn không biết à.
- Cho cháu hỏi... hơi vô phép một chút, nhưng đã có chuyện gì xảy ra giữa ông nhà và ông Tanaka vậy ạ?
Ông Sugio chết sững, không biết nghĩ gì mà cứ nhìn chằm chằm vào mặt bàn một lúc bằng ánh mắt xa xăm, rồi thở dài thườn thượt.
- Ừ, đúng là có chuyện. Bẵng đi một dạo chú Tanaka vắng bóng ở Vỏ Sò... Cha cũng không nhắc nhỏm đến chú ấy nữa. Hai nhà vẫn gửi thiệp chúc mừng năm mới đều đặn nên tôi không cho rằng họ đã cắt đứt quan hệ. Cha có đi viếng đám ma chú Tanaka và cũng có đi thăm mộ chú mấy lần.
- Ông nhà không hé lộ gì về nguyên nhân sao ạ?
- Ừ. Không, ít nhất là với gia đình. Cũng khó mở lời hỏi han lắm... Thật ra, tôi đã thăm dò một lần, sau khi chú Tanaka qua đời. Rằng hai người thôi gặp nhau, có phải là từ mặt nhau luôn rồi không? Cha không trả lời thẳng, chỉ nói rằng không định đoạn tuyệt. Sau đó thẫn thờ thêm một câu nữa, “Ai mới đau khổ, người phải đợi hay người để đợi đây?”.
Gần giống với câu Dazai từng nói với Dan Kazuo. Shioriko đăm chiêu như chìm trong suy tưởng, tôi đành lên tiếng thay.
- Ý ông là sao ạ?
- Tôi cũng không biết nữa. Tôi cũng muốn hỏi xem ai biết ý cha là gì lắm.
Có khả năng là xảy ra sự cố liên quan đến tác phẩm của Dazai rồi, nếu không ông Sugio-cha đã không cố tình trích dẫn như thế. Tôi chợt nhớ đến cuốn Những năm cuối đời bí ẩn của ông Tanaka Yoshio.
- Bác có biết gì về bộ sưu tập sách cũ của ông Tanaka Yoshio không ạ, cháu nghe nói ông từng có cuốn Những năm cuối đời bản đầu tiên do Sunagoya Shobo phát hành.
Cuối cùng Shioriko cũng đề cập đến chuyện chính. Ông Sugio chớp mắt. Tôi nín thở, hồi hộp không hiểu ông sẽ cho chúng tôi câu trả lời thế nào.
- Tôi không biết chuyện đó. Tôi chỉ biết mỗi khi đến nhà chú lại đàm đạo về sách cũ với cha... tôi cũng chẳng nhớ rõ nữa.
Tất nhiên rồi. Ai mà nhớ được hồi mình còn nhỏ, một ông chú bạn của cha đến nhà chơi nói chuyện gì kia chứ. À nhưng, Shioriko là ngoại lệ.
- Mà... Chẳng chắc có liên quan gì đến chú Tanaka hay không, nhưng tôi nghe đồn có một người sưu tập sách cũ ở Kamakura đang sở hữu cuốn Những năm cuối đời quý hiếm của Sunagoya Shobo. Cuốn sách đó là do Vỏ Sò bán ra hồi mới mở cửa.
Đằng sau cặp kính, mắt Shioriko chợt lóe lên. Lời đồn này trùng khớp với việc Tanaka Yoshio từng mua rất nhiều sách cũ vào thời gian đầu của tiệm Vỏ Sò.
- Quý hiếm đến mức nào ạ?
Shioriko hơi rướn người tới trước, nhưng ông Sugio lắc đầu.
- Tôi không biết tường tận như vậy. Tin đó tôi nghe sau khi cha mất, nên cũng không hỏi ông được nữa... Xin lỗi cháu nhé, toàn chuyện tôi không biết. Chỉ thế này chắc không giúp gì được cháu rồi, cháu cũng là đi tìm sách hộ người ta mà.
Tôi nuốt nước bọt. Tại sao ông Sugio lại biết Tanaka Toshio nhờ chúng tôi tìm sách. Hay chính Shioriko nói ra... Không thể nào, cô cũng đang ngạc nhiên không thốt nên lời. Ông Sugio nhìn phản ứng của chúng tôi, bắt đầu bối rối.
- Ơ, không phải à?
- Cháu có nhận lời tìm hộ sách... nhưng, sao bác lại...
- Thì từ xưa đến giờ, người bên Biblia vẫn thường đến tiệm nhà tôi hỏi chuyện mà. Người nhà tôi nhiều năm đều làm chủ tịch hiệp hội, nên chuyện trong nghề kiểu gì nhà tôi cũng biết... Thấy nhớ chuyện cũ ghê.
- Là mẹ cháu phải không ạ? - Shioriko hạ giọng hỏi.
Trước khi biệt tăm, Shinokawa Chieko cũng từng nhận các ủy thác liên quan đến sách cũ. Chắc chắn tâm trạng Shioriko rất phức tạp khi biết mình đang làm những việc giống hệt người mẹ mà cô ghét.
- Chieko thì tất nhiên rồi, nhưng thật ra người hay sang nhà tôi hỏi nhất là chú Seiji cơ, ông nội cháu ấy.
- Sao ạ?
Hai chúng tôi đồng thanh lên tiếng. Tại sao ông nội Shioriko lại xuất hiện trong câu chuyện này. Ông Sugio tròn mắt.
- Cháu không hề biết? Thật ra thì cũng không còn mấy người ở hội biết chuyện này... Chieko không kể với cháu à?
Shioriko im lặng gật đầu, ông Sugio thì đưa tay vỗ trán.
- Tôi không ngờ đấy. Cũng tại ông nội và mẹ cháu đều không phải người hay tâm sự với gia đình... Người khởi đầu cho việc tiếp nhận ủy thác của khách hàng ở Biblia là ông nội cháu đấy. Đôi khi chú ấy nhận thù lao, coi như nghề tay trái. Sau này chú ngừng quản lý tiệm, nhường lại việc buôn bán sách cũ cho cậu con trai Noboru, còn nghề tay trái thì chuyển giao cho con dâu là Chieko.
Bất ngờ thật, nhưng cũng hợp lý thôi. Chieko không thể thay mặt Biblia hành nghề nhận ủy thác về sách mà chồng và bố chồng không hay biết được. Bà lại còn hoạt động rất tự do, không hề bị chủ tiệm ngăn cấm? Nay xét khả năng nghề tay trái đó được chính chủ tiệm đời đâu truyền lại, thì câu chuyện trở nên dễ hiểu hơn.
- Tức là tiệm sách cũ Biblia từ xưa đến nay vẫn luôn nhận những ủy thác như thế này từ khách hàng ạ? - Tôi hỏi.
- Ừ. Chắc vậy. Tôi nghĩ là bắt đầu từ khi mới mở tiệm cơ.
Tức là gần năm mươi năm qua, người của tiệm Biblia đã luôn giải quyết những bí ẩn xoay quanh sách cũ. Chúng tôi kế tục công việc đó mà chẳng hề hay biết gì cả.
- Có một dạo tối nào chú Seiji cũng đến nhà tôi, thảo luận chuyện gì đó rất nghiêm trọng với cha tôi... Có khi nào cha tôi trao đổi với chú về khúc mắc với chú Tanaka không nhỉ?
- Phải chăng là liên quan đến cuốn Những năm cuối đời mà tiệm Vỏ Sò đã bán ạ?
Shioriko cất lời, rõ là khát khao tìm hiểu cuốn sách bí ẩn có ghi chú của tác giả là cuốn sách thế nào.
- Phán đoán bây giờ đều vô ích. Nhưng nếu đúng như vậy, tôi đã hỏi cha cho rõ trước khi ông mất rồi... Vì chính tôi cũng tò mò muốn biết. - Ông Sugio cười đau khổ, nhấp một ngụm cà phê đã nguội ngắt. - Tuy nhiên, việc phải nhờ đến ông nội cháu, ắt là việc liên quan đến sách vở quý hiếm. Điều này thì chắc chắn luôn.

7

Tạm biệt ông Sugio, chúng tôi lên chiếc xe van của tiệm để quay về Kita-Kamakura. Xe chạy qua khu phố mua sắm trước ga Totsuka, rồi rẽ ra tinh lộ chạy dọc đường sắt. Shioriko ngồi im lặng trên ghế phụ lái, một lúc sau cô khẽ nói.
- Em không hề biết ông nội cũng từng nhận lời tìm kiếm sách như chúng mình đang làm bây giờ... Em không tưởng tượng nổi.
Tôi cũng vậy. Chúng tôi đang tìm hiểu chuyện xảy ra vào thời ông nội còn quản lý tiệm. Có lẽ vì thế mà mọi chuyện trở mông lung hơn mọi khi.
Tôi vừa lái xe vừa thầm sắp xếp lại mọi sự kiện xảy ra cho đến lúc này.
Chúng tôi đang lần theo dấu vết cuốn Những năm cuối đời bản in đầu, vốn thuộc sở hữu của ông Tanaka Yoshio. Cuốn sách này từng bán ở tiệm sách cũ Vỏ Sò cách đây gần năm mươi năm. Ông chủ tiền nhiệm của Vỏ Sò và ông Tanaka Yoshio đều là độc giả yêu thích Dazai, là bạn thân đến mức cùng nhau thành lập câu lạc bộ văn chương. Rồi họ thành ra xa cách, vì một nguyên nhân mà tôi chưa rõ. Ông chủ Vỏ Sò tiền nhiệm tìm đến ông nội Shioriko, tức ông chủ Biblia tiền tiền nhiệm, trao đổi chuyện gì đó. Ông nội Shioriko cũng rất rành về Dazai.
Hiện thời tôi chỉ biết đến thế. Rốt cuộc có ẩn tình gì, ông nội Shioriko liên quan thế nào, tôi không suy đoán được.
Chưa kể, người gửi thư khiến chúng tôi bị lôi vào mớ bòng bong này, người úp mở thông tin về cuốn sách cho Tanaka Toshio, người trong tấm ảnh chụp cùng Tanaka Yoshio và ông chủ tiệm Vỏ Sò... tất cả đều còn nằm trong màn bí ẩn. Cả cuốn Những năm cuối đời bản in đầu tiên có ghi chú viết tay của Dazai là thế nào, cũng không một manh mối.
- Toàn những thứ không thể hiểu được!
Quả đúng như lời ông Sugio nói lúc nãy. Duy có một điều tôi không
nghĩ là trùng hợp.
Chính là việc tất cả mọi người liên quan đều yêu thích Dazai. Tôi linh tính rằng chỉ cần khám phá được những bí ẩn, một lúc nào đó chúng tôi sẽ tìm thấy cuốn Những năm cuối đời mà ông Tanaka Yoshio từng sở hữu. Nhưng cũng có thể đó chỉ là mong mỏi vẩn vơ của tôi.
Chợt nghe gai người ở mé trái, tôi nhìn sang thì thấy, Shioriko đang chăm chú nhìn tôi từ ghế phụ lái.
- Xin lỗi em, tôi chỉ lẩm bẩm một mình thôi.
Tôi chống chế, mắt nhìn thẳng ra trước. Vì vướng một chiếc xe buýt, tôi không thể chạy nhanh hơn được. Sau đó thì dừng đèn đỏ. Tôi đang chằm chằm nhìn chiếc xe buýt phối màu kem và da cam tinh tế ấy thì nghe Shioriko hắng giọng.
- Em nghĩ là Daisuke đang rất cố gắng. Bác Sugio nói quá lời rồi. Nhưng... bác ấy không có ý gì đâu.
- Sao?
- Anh đừng bận lòng quá... em sẽ không nguội lạnh với anh đâu...
Như để khẳng định sự chân thành, tay cô nắm lại đặt lên ngực áo.
- Em nói gì vậy?
Shioriko sững người.
Giọng khàn khàn của ông Sugio bỗng như vang lên, “Nhưng về lâu về dài, kiến thức chênh lệch quá thì tình cảm sẽ nguội lạnh”. À, là chuyện đó à? Shioriko hiểu lầm rằng tôi vẫn băn khoăn về lời thuyết giáo của ông Sugio khi nãy à.
Khuôn mặt đang căng thẳng của Shioriko thoắt cái đỏ bừng. Cô gượng gạo quay đầu, giả vờ nhìn xa xăm ra phía cửa sổ.
- Không, em không nói gì cả.
Giọng điệu cô trở nên kì lạ, còn tôi thì gần như muốn la lên.
- Rõ ràng...
Shioriko vươn tay che miệng tôi. Bàn tay rất nóng. Đây là cảm giác gì vậy nhỉ, tim tôi cứ đập thùm thụp. Tôi chầm chậm gỡ tay cô khỏi miệng mình. Giữa chừng cô có kháng cự, nhưng sau đó cô nắm lại tay tôi thật chặt.
- Cảm ơn em.
Tôi chân thành nói. Dù rằng cô hiểu nhầm, nhưng tôi rất vui vì cô đã động viên tôi như vậy.
- Không... không có chi.
Shioriko vẫn cúi gằm mặt, nhấm nhẳng như thể đang giận dỗi. Dường như cô vẫn còn bối rối nên cứ ngọ ngoạy liên tục trên ghế. Cũng vì vậy mà bàn tay nắm tay tôi chặt hơn. Tôi biết là rất lạ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thực sự cảm nhận được chúng tôi đang hẹn hò.
Tôi còn muốn nắm tay cô lâu hơn nữa, nhưng vì đèn giao thông đã chuyển xanh nên tôi đành buông tay.
- Em nói không tưởng tượng được, tức là có thể chuyện ông nội nhận ủy thác không phải sự thật à?
Tôi đợi đến lúc cô bình tĩnh lại mới lên tiếng hỏi. Xe buýt đằng trước đã rẽ sang hướng khác, tầm nhìn của tôi thoáng ra. Trên nền trời mây đen bắt đầu bao phủ, dường như sắp mưa.
- Không, em nghĩ đó là sự thật. Chính bác chủ Vỏ Sò đã nói vậy mà. - Shioriko trả lời. - Nhưng ông nội mà em biết là người nghiêm nghị, cau có... hơi khó gần. Em chưa từng thấy ai đến ủy thác ông việc gì bao giờ cả...
Nghe chữ khó gần, tôi nhớ ngay đến cha Shioriko. Đàn ông nhà Shinokawa, vẻ ngoài và nội tâm trái ngược cũng không phải điều gì kì lạ. Như cha Shioriko, vợ bỏ đi đằng đẵng mười năm trời ông vẫn một lòng chờ đợi.
- Nhưng chắc chắn ông nội khác mẹ, ông không phải người đe dọa hay dồn người khác vào chân tường như bà ấy... Hồi còn trè, ông từng muốn trở thành cha xứ.
- Cha xứ là linh mục bên Thiên chúa giáo ấy hả?
Đúng là một nghề không ngờ tới. Xung quanh tôi không có ai làm nghề đó, vì thế tôi không tưởng tượng ra được.
- Vâng. Ông sinh ra trong một gia đình bên giáo rất sùng đạo. Ông tên Seiji, viết theo chữ Hán là “Thánh Ty”. Chữ Thánh trong từ “Kinh Thánh” đó.
Shinokawa Seiji, cuối cùng tôi cũng biết tên đầy đủ của ông nội.
- Ông không trở thành cha xứ nhưng vẫn luôn sùng đạo. Vì thế tiệm nhà mình mới tên là Biblia.
Tôi nghiêng đầu khó hiểu, Biblia thì liên quan gì nhỉ.
- Trong tiếng Latinh, Biblia nghĩa là “Kinh Thánh”.
- Á? Vậy ư?
Tôi làm việc ở đây gần một năm, mà đến bây giờ mới biết ý nghĩa tên cửa tiệm. Tôi còn chưa bao giờ buồn thắc mắc sao tiệm lại tên là Biblia nữa chứ.
- Ngày xưa rất ít tiệm sách cũ lấy tên tiếng nước ngoài, nên khi tiệm mới mở cũng gây nên lời đồn này khác. Có khách nước ngoài còn tưởng nhầm tiệm chuyên bán Kinh Thánh.
Nghe nói tôi mới nghĩ ra, cả Shioriko và bà Chieko đều học trường dòng nữ sinh. Cô gái này lớn lên trong gia đình thấm nhuần đạo Thiên chúa.
- Vậy Shioriko có đi nhà thờ không? Hình như không nhỉ?
Có buổi cầu nguyện vào Chủ nhật nhưng Shioriko luôn bận rộn làm việc trong tiệm.
- Ông nội quan niệm, tôn giáo là tự do của mỗi người, kể cả người trong gia đình cũng không nên ép buộc. Em vẫn đọc Kinh Thánh đấy, nhưng không theo đạo. Nhà Shinokawa chỉ có ông nội là chịu lễ rửa tội... Mẹ thì em không rõ.
Tôi chợt tò mò về bầu không khí giữa ông Seiji nghiêm nghị và bà Chieko bất cần. Tôi không nghĩ họ hợp tính nhau, nhưng nếu không tin tưởng con dâu, đời nào ông truyền công việc của mình lại cho bà?
- Ông nội đọc Dazai hình như cũng vì liên quan đến tôn giáo. Dazai hiểu rõ Kinh Thánh, cũng từng viết tác phẩm lấy đề tài từ Kinh Thánh. Trong cuốn Những năm cuối đời, có “Đứa trẻ tội đồ”, hơi mang màu sắc Thiên chúa giáo.
Xe chúng tôi đã về đến Kita-Kamakura. Vừa dừng lại trước chắn tàu gần ga, thì điện thoại báo có mail đến. Tôi kiểm tra xem ai gửi.
- Là Tanaka.
Tôi đang đọc mail thì tàu đi qua, thanh chấn cũng nâng lên. Tôi đưa điện thoại nhờ Shioriko cầm hộ rồi cho xe chạy. Dọc đường có rất nhiều du khách đang đi bộ nên tôi không thể lái nhanh được.
- Em xem mail giúp tôi được không?
Dù sao đó cũng là tin nhắn cho Shioriko thôi. Cô bắt đầu đọc với vẻ mặt căng thẳng.
- Anh ta trả lời câu hỏi của mình. Anh ta nhắn lại tên tài khoản người đã cung cấp thông tin về cuốn Những năm cuối đời trên mạng xã hội và địa chỉ liên lạc với bạn của ông Tanaka Yoshio... Ồ!
- Sao vậy?
- Bạn ông Tanaka Yoshio có gọi điện cho anh ta.
- Sao, bạn ông ấy chủ động liên lạc à? Rõ ràng là từng từ chối giúp đỡ mà.
- Vâng... Ông ấy hỏi tại sao anh ta lại muốn tìm Những năm cuối đời, anh ta bèn giải thích rõ mọi chuyện, kể cả chuyện nhờ chúng ta tìm giúp. Nghe giải thích xong, ông ấy dập máy luôn...

Chúng tôi về gần đến tiệm sách cũ Biblia. Hôm nay là ngày nghỉ nên tiệm đóng cửa, nhưng có ai đó đang ngó vào trong qua cửa kính. Là một người đàn ông luống tuổi, mặc sơ mi trắng cộc tay, đội mũ nồi xám màu.
- Người bạn đó tên là Kotani. Kotani Jiro.
- Kotani....
Tôi lầm bầm, đó là tên người đàn ông mắt xếch trong bức hình của ông Sugio. Người đàn ông đang đứng trước cửa tiệm của chúng tôi, dù chỉ nhìn thấy một bên mặt nhưng đường nét vẫn nhận ra được. Tôi chạy xe lại gần ông, hạ kính cửa sổ xuống.
- Ông... Ông đến có việc gì ạ?
Shioriko rụt rè lên tiếng. Người đàn ông bỏ mũ xuống, vẫn đứng im.
- Tôi có chuyện cần nói với các cháu. - Kotani Jiro đáp bằng giọng khàn khàn.

8

Shioriko đưa ông Kotani vào căn phòng kiểu Nhật trong nhà Shinokawa. Ông ngồi quỳ ngay ngắn, thẳng lưng, đối diện với chúng tôi. Hiển nhiên, trông ông khác hẳn với người trong ảnh. Tóc trên đầu gần như không còn, làn da nhăn nheo hằn những nếp sâu.
Nhưng điểm khác biệt nhất chính là nét mặt. Trên mặt ông không còn điệu cười sảng khoái như trong ảnh nữa, thay vào đó là vẻ u ám khó tính.
- Một thanh niên tên là Tanaka Toshio đã tìm đến tôi.
Ông không tự giới thiệu bản thân, cũng không vòng vo mà nói thẳng luôn. Tôi không biết có phải ông khó chịu hay không mà nét mặt ông nhăn lại.
- Chắc hai cháu cũng biết, cậu ta chính là tội phạm. Cậu ta được bảo lãnh để tại ngoại và đang đi săn tìm cuốn sách cũ của Dazai mà ông nội cậu ta để lại. Cậu ta cũng đã gọi điện cho tôi. Tôi từng từ chối một lần, nhưng lo lắng không biết cậu ta nung nấu âm mưu gì nên đã gặng hỏi. Tiện đây, cháu gái chính là người bị tên đó làm hại đúng không?
Vậy là ông biết vụ việc năm ngoái. Dù sao ông cũng ở Kamakura, biết cũng không có gì lạ.
- Vâ... vâng, chính là cháu ạ.
- Đã vậy, tại sao cháu lại nhận lời giúp tên bất lương kia đi tìm sách chứ? Một cô gái trẻ như cháu.... Nếu cậu ta đe dọa thì cháu cứ cho tôi biết. Tôi sẽ cùng cháu đi báo cảnh sát.
Thái độ sốt sắng nhiệt tình của Kotani khiến tôi thay đổi hoàn toàn ấn tượng về ông. Có lẽ ông đến tìm chúng tôi vì lo cho Shioriko.
- Không ạ, cháu không bị đe dọa gì hết ạ. Cháu đã nghĩ kĩ rồi mới nhận đề nghị đó... Cháu cảm thấy cần phải tìm cuốn sách ấy.
Cô bắt đầu giải thích mọi chuyện. Rằng cô đồng ý tìm cuốn sách là để cảnh báo người chủ hiện tại về mối nguy hiểm đang rình rập. Nhưng dù tìm thấy cuốn sách, cô cũng không có ý định cho Tanaka biết. Tất nhiên cô giấu chuyện lá thư đe dọa gửi tới Biblia.
Ông Kotani ngồi im lắng nghe câu chuyện, gương mặt vẫn khó đăm đăm.
- Nhưng mà những việc đó để cảnh sát làm có phải hơn không? Nhỡ có chuyện gì xảy ra thì sao?
- Hiện tại mọi động thái của Tanaka Toshio chỉ xoay quanh việc tìm cuốn sách cũ của ông mình, nên cháu nghĩ ngay cả cảnh sát cũng không làm gì được anh ta đâu.
Giọng Shioriko đã trở nên lưu loát tự lúc nào. Cứ nhắc đến sách là cô lập tức chuyển trạng thái.
- Tất nhiên cháu sẽ báo cảnh sát ngay khi cảm thấy nguy hiểm. Dù sao cháu cũng không định đi tìm cuốn sách một mình. Anh ấy luôn đi cùng cháu.
Giọng Shioriko pha lẫn chút ngượng ngùng. À, cô ấy đang nhắc đến mình, mất một lúc tôi mới nhận ra. Thực sự Shioriko bắt đầu dựa dẫm vào tôi rồi.
- Cháu cũng sẽ chú ý ạ. Cháu sẽ không để cô ấy gặp nguy hiểm.
Tôi ưỡn ngực nói, ông Kotani ngước nhìn tôi, có phần ngạc nhiên nể phục. Ánh nhìn đã bớt lạnh nhạt.
- Cậu to cao quá nhỉ! - Giọng ông vang lên đều đều. - Ban nãy tôi cứ tưởng là Tanaka chứ.
Câu nói của ông khiến tôi sững lại. Tanaka ở đây không phải là cậu cháu trai bất kham đang săn lùng cuốn sách kia, mà là Tanaka Yoshio quá cố. Đã nhìn trên ảnh, tôi chắc chắn mặt mình và ông không hề giống nhau. Có lẽ vóc dáng có điểm tương đồng.
- Cháu nghe nói ông rất thân với ông Tanaka Yoshio, rằng hai ông vốn là bạn...
Nghe Shioriko hỏi, ông Kotani sầm mặt.
- Không! Chúng tôi không phải bạn bè.
Tôi nghiêng đầu thắc mắc. Chính Tanaka Toshio đã khẳng định người này là bạn của ông nội, mẹ ông Sugio cũng kể hai người họ từng cùng đến Vỏ Sò.
- Thỉnh thoảng tôi và hắn gặp nhau, trao đổi dăm ba câu, nhưng không thân đến mức là bạn bè... Sao nhiều người cứ hiểu lầm vậy nhỉ?
- Hai người quen nhau như thế nào ạ?
- Hồi đó tôi làm việc trong phòng chế tác của một trường quay phim ở Ofuna. Khi còn độc thân, tôi hay ăn tối ở quán cơm gần trường quay. Gọi là quán cơm nhưng đến tối thì cũng có chút đồ nhắm và rượu nữa, là chỗ nhân viên chúng tôi hay tụ tập. Nhưng hình như quán đóng cửa rồi. Ngày ấy, quanh trường quay có rất nhiêu quán như vậy. Tôi và Tanaka gặp nhau ở quán đó. Tanaka quen nhiều người ở trường quay nên thường đến Ofuna.
- Có phải quán cơm Gora không ạ?
Tôi nói tên quán cơm nhà mình. Sắc mặt ông Kotani thay đổi.
- Tại sao cậu biết? Gượm đã, cậu tên là Gora nhỉ. Phải chăng cậu là con trai Kinuko?
- Bà Gora Kinuko là bà cháu ạ.
Ông Kotani mỉm cười tự giễu khi nghe câu trả lời của tôi.
- Ừ nhỉ, làm sao con trai được chứ... Đã năm mươi năm rồi chứ ít gì. Nhưng thật là hữu duyên, cô ấy vẫn khỏe chứ?
- Bà cháu mất được hai năm rồi ạ. Bà bị u não.
- Vậy à? Cô Kinuko cũng... tôi không đến thắp được nén hương, thật không phải.
Đột nhiên, ông Kotani lịch sự cúi người xin lỗi, khiến tôi phải vội vàng cúi người đáp lễ. Ừ thì hữu duyên, nhưng câu chuyện bắt đầu trở nên kì lạ rồi. Không chỉ nhà Shinokawa, mà cả nhà Gora cũng liên quan đến vụ việc. Chỉ đơn giản là tình cờ thôi sao?
- Ông Tanaka Yoshio cũng thường đến quán cơm Gora ạ?
Tôi hỏi, cố nén xúc động. Có thể người đàn ông này biết gì đó về mối quan hệ giữa ông Tanaka Yoshio và bà tôi. Ông Kotani trả lời ngay.
- Hẳn là khách quen, nhưng không đến thường xuyên như tôi. Có điều tôi nhớ là lần nào đến hắn cũng trò chuyện rất lâu với Kinuko. Toàn là đàm đạo văn chương... Hình như còn hay cho nhau mượn sách nữa.
- Cho mượn sách ạ?
- Ừ. Tôi và nhiều khách quen khác cũng vậy. Hình như Kinuko yêu thích văn học cận đại giai đoạn Minh Trị và Đại Chính, nhưng cô ấy cũng biết cả những tác phẩm mới, thời thượng, mà các khách quen đến quán có nhắc tới. Cô ấy đối xử rất tốt với khách nào yêu thích sách... Còn cho ăn chịu ghi sổ nữa.
Chuyện với ông Tanaka Yoshio thì tôi biết, nhưng đây là lần đầu tôi biết bà đối xử tốt với cả những khách quen khác nữa. Quán cơm Gora thời ấy còn sôi động, khác hẳn với quán cơm Gora vắng khách mà tôi biết.
- Ông cũng thường trò chuyện với ông Tanaka về văn học ạ?
- Không... Tôi và hắn không có chung sở thích, nhất là niềm yêu thích hắn dành cho Dazai, rất thiếu chín chắn, không hợp với hắn. Các cháu đây làm trong ngành sách thì chắc cũng hiểu chứ. Văn của Dazai nổi thì có nổi nhưng thiếu chiều sâu.
- Có thể cũng có những ý kiến như vậy.
Shioriko đáp lại rất khẽ. Nét mặt cô vẫn vậy, nhưng người luôn ở bên cô như tôi lập tức nhận ra cô đang tức giận, ông Kotani liếc tôi đang lo lắng rồi tiếp tục câu chuyện.
- Ông ta rất giỏi tự trào phúng những dằn vặt trăn trở của bản thân và mang chúng vào tiểu thuyết. Khả năng đó tôi công nhận, nhưng chỉ hợp để đọc khi còn là học sinh thôi chăng? Chính tôi đây cũng thế. Khi trưởng thành tôi không còn hứng đọc lại tác phẩm nào của ông ta. Nếu không chết trẻ, chắc ông ta đã bị lãng quên lâu rồi. Xét trong Vô Lại phái* thì Sakaguchi Ango hay Ishikawa Jun mới là tác giả tuyệt vời. Chưa kể...

*[Tên gọi một nhóm nhà văn sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Họ cổ súy chống đạo đức giả, chống quyền uy, theo đuổi sự thanh cao]

- Cháu không nghĩ thế. - Shioriko cắt ngang, khiến ông Kotani ngạc nhiên. - Cháu công nhận, việc ra đi quá sớm mang lại cho Dazai danh tiếng nhất định. Nhưng Dazai không phải là tác giả duy nhất vướng bê bối trong Vô Lại phái. Tài năng của ông được đông đảo quần chúng và chính các đồng nghiệp công nhận. Ngay Sakaguchi Ango và Ishikawa Jun ông vừa đề cập cũng đã viết điếu văn tưởng nhớ và ca ngợi Dazai...
Shioriko ngừng lời, dường như đã nhận ra tôi đang nắm lấy khuỷu tay cô. Cô cúi đầu xin lỗi ông Kotani.
- Cháu... Cháu xin lỗi, tại cháu thích Dazai...
- Không sao... tôi cũng quá lời.
Ông Kotani bối rối nhìn lảng đi hướng khác. Tôi nhận ra sự thay đổi trong thái độ của ông. Không rõ thay đổi theo hướng nào, chỉ biết cảm giác rất kì lạ. Dường như ông đang muốn che giấu điều gì.
- Cháu có một thứ muốn nhờ ông xem giúp. Daisuke, ảnh ban nãy đâu anh?
Nghe hỏi, tôi lục túi xách trên đùi lấy ra tấm ảnh đen trắng. Khi chia tay, ông Sugio đã cho chúng tôi mượn. Trong một khoảnh khắc, tôi nhận ra ông Kotani đang cứng người lại.
- Các cháu lấy ở đâu ra vậy?
- Tấm ảnh này là của con trai ông Sugio, cũng có mặt trong ảnh đó ạ. Ông biết tiệm sách cũ Vỏ Sò chứ?
- Tôi có tạt qua vài lần, tại tôi cũng thích sách cũ.
Shioriko trỏ hình hai cha con mà chúng tôi chưa biết tên.
- Hai người này là ai vậy ạ?
Ông Kotani nheo mắt lại, người hơi ngả ra sau. Tại ông đang đeo kính lão, nhưng trông cũng giống như ông đang muốn tránh xa tấm ảnh.
- Người mặc đồ Nhật là Tomizawa, giáo sư đại học. Bên cạnh là cô con gái. Tomizawa nghiên cứu về Dazai nhiều năm, cũng từng viết nhiều bài bình luận, có danh tiếng nhất định trong giới nghiên cứu Dazai. Ông ấy giảng dạy ở trường đại học của Tanaka và Sugio. Đối với hai người họ mà nói thì ông ấy chính là ân sư.
Ông Kotani chầm chậm nói như thể cân nhắc để sử dụng từ ngữ cho đúng. Hóa ra họ vẫn giữ liên lạc với thầy giáo cũ dù đã tốt nghiệp.
- Ảnh chụp ở Koshigoe phải không ạ?
- Đúng. Vườn nhà Tomizawa. Nghe nói ông Tomizawa mua ngôi nhà vì đó là nơi có liên hệ với Dazai. Hình như ông vẫn ở đó, cô con gái đã ra ở riêng, nhưng vẫn qua lại chăm sóc ông luôn. Tanaka thường xuyên đến nhà Tomizawa, nghe ông giảng về Dazai.
Thì ra người đàn ông mặc trang phục Nhật cũng là một độc giả cuồng nhiệt. Người bình thường không ai mua nhà chỉ vì lý do kia cả.
- Vì sao ông lại đến nhà cụ Tomizawa vậy ạ?
- Tôi có nói tôi làm việc ở phòng chế tác của trường quay phim rồi nhỉ? Có lần tôi phải tìm một ngôi nhà trông ra Mũi Koyurugi để làm phim, thế là Tanaka giới thiệu nhà ông Tomizawa. Hôm đó tôi đến nhà ông ấy để khảo sát địa hình trước, đúng hôm Tanaka và Sugio tới nghe ông Tomizawa giảng về Dazai, theo lịch hoạt động của câu lạc bộ nghiên cứu Dazai do hai người họ lập ra.
- Là hội Romanesque phải không ạ? - Shioriko nhớ ra.
- À, đúng cái tên đó... Hội viên chỉ có hai người họ.
- Có phải tên hội là lấy từ truyện ngắn “Romanesque” của Dazai không ạ?
- Tôi không rõ, tôi chưa đọc tác phẩm đó. Tóm lại trong lúc hai người họ nghe ông Tomizawa giảng giải, tôi ra vườn chụp ảnh khảo sát. Xong xuôi mọi người cùng chụp ảnh kỉ niệm với nhau.
- Vậy sau hôm chụp ảnh ông có qua lại nhà cụ Tomizawa không ạ?
- Không. Bọn họ đều mê cuồng Dazai mà. Sở thích về sách của tôi khác bọn họ... Tôi có gặp lại ông ấy vài lần, không hơn. Chắc ông ấy cũng lớn tuổi rồi.
Mọi chuyện bắt đầu xâu chuỗi với nhau rồi đây. Nhưng tôi vẫn thắc mắc về nụ cười của ông Kotani trong tấm ảnh. Lời ông kể lúc này dường như có điểm mâu thuẫn. Tôi nghĩ ông biết cặn kẽ hơn về tình hình năm mươi năm trước. Tôi liếc Shioriko, xem vẻ cô cũng chưa thỏa mãn với câu chuyện đó. Mà đây lại là chuyện liên quan đến chúng tôi.
- Không lâu trước khi chụp tấm ảnh này, hình như ông Tanaka Yoshio đã mua cuốn Những năm cuối đời bản in đầu ở tiệm Vỏ Sò... Ông có biết chuyện này không ạ?
Shioriko đề cập vào vấn đề chính. Ông Kotani nhíu mày như suy nghĩ. Ông đang cố lục lại kí ức, hay đang tìm cách trả lời tránh đi, tôi không thể đoán được.
- Tôi từng nghe Tanaka nói hắn đang sở hữu một cuốn Những năm cuối đời rất quý. Nhưng tôi không biết nó quý ở chỗ nào... Hắn còn nói định đưa cho ông Tomizawa xem hộ vì không đủ tự tin xác định là sách thật hay giả.
- Sau đó thì sao ạ?
Shioriko nôn nóng rướn người tới trước, nhưng ông Kotani chỉ lắc đầu.
- Tôi không biết rõ đến thế. Các cháu tìm ông Tomizawa mà hỏi... Tôi sẽ cho số điện thoại, cả tên con gái ông ấy nữa.
Ông lục túi lấy sổ tay, xé một tờ, mở xem danh bạ trên sổ tay rồi chép tên và số điện thoại ra giấy. Hai cái tên là “Tomizawa Hiroshi” và “Tomizawa Noriko”. Số điện thoại có mã vùng Kamakura.
- Đừng đả động đến cái tên Kotani với ông Tomizawa, cứ nói thác rằng ai đó cho các cháu số điện thoại này.
Ông Kotani nói chắc nịch và chìa tờ giấy cho chúng tôi. Chắc chắn giữa họ đã từng có khúc mắc. Bằng không ông đã không ra điều kiện này.
Shioriko không hỏi tại sao, cũng chẳng trả lời rằng đã hiểu. Cô cứ nhìn chằm chằm vào ông Kotani qua cặp kính. Tôi nín thở im lặng quan sát, liệu có cách nào khiến người đàn ông bướng bỉnh này trải lòng với chúng tôi không nhỉ?
- Một thời gian sau khi chụp tấm ảnh này, ông Tanaka và ông Sugio không còn nhìn mặt nhau nữa. Ông biết không ạ?
- Không. - Ông Kotani đáp cộc lốc, rồi chuẩn bị đứng dậy rời đi. - Nếu không còn chuyện gì...
- Cháu có nghe bác Sugio nhắc một câu khi kể chuyện ngày xưa... - Shioriko ngắt lời. - Ai mới đau khổ, người phải đợi hay người để đợi đây?
Trong một tích tắc, mắt ông Kotani mở lớn, dường như chợt nhớ ra điều gì. Nhưng ông lập tức kiềm chế sự xao xuyến.
- Câu này trong cuốn Tiểu thuyết Dazai Osamu của Dan Kazuo nhỉ. Tôi từng đọc rồi. Nó vốn là một câu trong phần mở đầu của “Chạy đi, Moerus!”. Chắc không có ý gì khác đâu.
- Cháu nghĩ là có. “Chạy đi, Moerus!” viết về tình bạn, Tiểu thuyết Dazai Osamu cũng viết về tình bạn, giữa Dan Kazuo và Dazai Osamu... Ông đọc “Chạy đi, Moerus!” rồi, đúng không ạ?
- Đúng, dù không thích, đọc cũng chỉ vì thầy dạy Văn hồi cấp hai khuyên đọc. Chẳng phải là tác phẩm gì ghê gớm. Tôi không hiểu sao người ta lại đánh giá cao nó nữa.
Đột nhiên tôi nhận ra thái độ của ông Kotani kì lạ ở điểm nào rồi. Ông phê phán gay gắt các tác phẩm của Dazai. Không chỉ vậy, còn đề cập rất thường xuyên và dùng từ rất cay nghiệt. Không thích thì đừng đọc chứ? Hay thật ra là thích cực kì? Ông nói chỉ đọc những tác phẩm nổi tiếng, vậy tại sao lại ghét đến thế?
- “Chạy đi, Moerus!” là tác phẩm tiêu biểu của Dazai, nhưng nó được cấu tứ từ những tiền thân khác.
- Ồ thật vậy ạ?
Tôi buột miệng hỏi. Lần đầu tôi nghe đến chuyện này. Như thể bắt trúng mạch, ông Kotani thao thao tiếp tục.
- Nhà thơ, kịch tác gia người Đức Friedrich Schiller có sáng tác bài thơ Con tin, dựa trên thần thoại La Mã. Nhà vua độc ác phán án tử hình, hôn lễ của em gái, hoãn xử ba ngày, bạn thân làm con tin, hòa giải với nhà vua... Tất cả những chi tiết đặc trưng tạo nên “Chạy đi, Moerus!” đều từ đó mà ra. Dazai chỉ chuyển thể thơ Schiller thành văn xuôi mà thôi.
- Ở phần cuối “Chạy đi, Moerus!” có ghi rõ tác phẩm dựa trên truyền thuyết cổ và thơ của Schiller mà ạ.
Shioriko hạ giọng đáp, ông Kotani chỉ lạnh nhạt cho qua.
- Dù sao cũng chỉ là tác phẩm chuyển thể. Ai mà đọc Con tin rồi thì cần gì đọc “Chạy đi, Moerus!” nữa. Bài thơ Con tin hay và cô đọng hơn nhiều.
- Con tin quả là một áng thơ đẹp. Ông đọc bài thơ trong Tổng quan văn học thế giới do Chikuma Bunko phát hành phải không ạ?
- Đúng. Cũng từ tuyển tập đó, tôi đã đọc được rất nhiều tác phẩm. Truyền thuyết đó tôi cũng đọc được trong nhiều cuốn sách khác. Như Bàn về nghĩa vụ* của Cicero chẳng hạn, hình như là ấn phẩm có obi màu xanh của Iwanami Shoten thì phải? Trong đó cũng giới thiệu ngắn gọn về Moerus và Selinuntius. Cuốn nào cũng ấn tượng hơn truyện của Dazai.”

*[Tên tạm dịch từ De Officiis, tác phẩm triết học của Marcus Tullius Cicero (106-43 TrCN), triết gia, chính khách, nhà lý luận chính trị La Mã. Ông cũng được đánh giá là nhà hùng biện xuất sắc nhất thời đại, vì sở hữu nhiều kĩ xảo đa dạng và là bậc thầy về cách vận dụng ngôn ngữ La tinh]

Shioriko im lặng. Ông Kotani với tay lấy mũ định về. Nếu để ông về lúc này, chắc chúng tôi sẽ không thể gặp lại được nữa. Tôi đang không biết giữ chân ông bằng cách nào thì Shioriko lên tiếng.
- Ông đọc lại tên nhân vật chính trong tác phẩm cho cháu nghe được không?
Cô tỏ ra quyết liệt một cách kì lạ. Ông Kotani chau mày.
- Cháu nói sao?
- Bài thơ Con tin của Schiller cũng được, hay Bàn về nghĩa vụ của Cicero cũng được. Ông cho cháu biết tên nhân vật chính và người bạn được không ạ? Nếu hai tác phẩm gây ấn tượng với ông đến thế, hẳn ông phải nhớ tên nhân vật chứ ạ.
Cả căn phòng chìm vào yên lặng. Ông Kotani im lặng như thể bị tấn công bất ngờ. Tôi tự dưng hoang mang. Rõ ràng ban nãy ông còn thao thao về hai tác phẩm kia, chưa kể lại là nguyên tác của “Chạy đi, Moerus!” nữa mà.
- Là Moerus và Selinuntius nhỉ?
Tôi khẽ hỏi. Thật ngạc nhiên, Shioriko lắc đầu dứt khoát.
- Có rất nhiều tác phẩm dựa theo truyền thuyết đó, nhưng tên nhân vật không đồng nhất. Ví như trong bài thơ Con tin của Schiller hay Bàn về nghĩa vụ của Cicero, tên nhân vật không phải Moerus và Selinuntius, mà là Damon và Pythias.
- Sao... khác hẳn à?
- Vâng. Ở Nhật Bản, mọi người đều cho rằng tên nhân vật chính của truyền thuyết này là Moerus. Nhưng ở châu Âu cái tên Damon mới phổ biến. Khi bài thơ Con tin của Schiller xuất bản ở Nhật, người dịch đã dịch tên nhân vật chính thành Moerus. Dazai đã tham khảo bản dịch đó.
Toàn là chuyện lần đầu tôi được biết. Cho dù có là một độc giả cuồng nhiệt của Dazai đi chăng nữa, kiến thức của cô gái này quả là đáng nể. Cô đang dùng những kiến thức đó buộc ông Kotani phải nói sự thật.
- Ông chưa hề đọc bài thơ Con tin hay tác phẩm Bàn về nghĩa vụ đúng không ạ? Nhưng ông lại biết rõ bản gốc của “Chạy đi, Moerus!”. Cháu nghĩ ông vốn là độc giả yêu thích Dazai, đã từng tìm hiểu về nguồn gốc các tác phẩm của ông ấy phải không ạ?
Ông Kotani nuốt nước miếng, môi run run:
- Không phải... tôi không hề đọc Dazai.
Đến nước này mà ông ấy vẫn không thừa nhận.
- Cháu không nghĩ thế. Ông nói mình ghét Dazai, nhưng kì lạ là xung quanh ông lại có rất nhiều người yêu thích Dazai. Thật ra ông cũng là thành viên hội Romanesque như hai ông Tanaka và Sugio phải không ạ? Trong “Romanesque” của Dazai, các thanh niên đều trải qua nhiều chuyện bất hạnh, gặp được nhau, tìm thấy sự đồng cảm và cuối cùng trở thành bằng hữu thâm tình. Xét cái kết đó, hội Romanesque mà chỉ có hai thành viên là một điều bất thường, số lượng không đủ.
- Con bé này, chỉ nói linh tinh! Thiếu một người thì có sao đâu!
Dứt lời, ông Kotani giật mình. Ngay cả kẻ chưa đọc tác phẩm như tôi cũng nhận ra. Chắc chắn đây chính là điều Shioriko đang chờ đợi. Cô phản biện ông Kotani không phải với tư cách độc giả yêu thích Dazai, mà vì muốn người đàn ông này hé lộ những gì ông biết về Dazai.
- Sao ông lại nghĩ “Romanesque” có ba thanh niên ạ?

9

- Thật ra, tôi đọc Dazai từ khi mới mười mấy tuổi, và đã thôi không đọc nữa.
Ông Kotani cất giọng khàn khàn. Ngoài cửa sổ, cơn mưa bất chợt rơi xuống mặt đất. Căn phòng tối lại nhưng chưa đến mức phải thắp đèn.
- Việc tôi chuyển sang yêu thích các nhà văn khác thuộc Vô Lại phái cũng là sự thật. Dù làm việc ở trường quay phim, nhưng tôi yêu thích văn chương hơn là phim ảnh. Vì thế tôi không giao lưu với ai ở nơi làm việc, ngày nghỉ hầu như chỉ đọc sách một mình, cũng không có ai thực sự là bạn cả. Thế rồi một ngày, tôi tình cờ ngồi chung bàn với Tanaka và Sugio ở quán cơm Gora. Hai người họ vừa uống rượu vừa đàm đạo về sự tuyệt vời trong văn chương Dazai... Tôi nghĩ chủ đề chính là về “Chạy đi, Moerus!”. Bấy giờ tôi tuổi trẻ máu nóng, nghe thấy là không nhịn được nên đã chen vào phản biện.
- Vì thế mà các ông quen nhau ạ? - Shioriko nhẹ nhàng hỏi.
- Đúng. Tôi không thể chịu nổi Tanaka luôn bắt chước Dazai trong mọi chuyện. Nhưng không cãi nhau không thành huynh đệ, chúng tôi trở thành bạn bè. Họ nói có người chỉ trích Dazai như tôi thì bàn luận càng thú vị. Khi đó chúng tôi đều còn trẻ. Cuối cùng sau khi thẳng thắn tranh luận, thấy tâm đầu ý hợp Tanaka bèn đề xuất thành lập hội ngay tại quán cơm. “Ba con người ba số phận, tình cờ uống rượu ở quán cơm. Chúng ta chính là hội Romanesque của Dazai rồi. Cái tên rất thú vị phải không?”, hắn đã nói thế.
Thế rồi, ông Kotani quay sang phía tôi, cười bảo:
- Kinuko vừa làm việc vừa tủm tỉm lắng nghe chúng tôi. Tối hôm đó cô ấy đã đãi cả bọn... Thế là chúng tôi thành bạn bè.
Dù không tận mắt chứng kiến, tôi vẫn hình dung ra khung cảnh lúc bấy giờ. Khung cảnh xảy ra trong quá khứ xa xôi, ở ngôi nhà tôi đang sống hiện tại.
- Dù là hội nhóm do một lũ nghiệp dư lập nên, nhưng Romanesque cũng duy trì được mấy năm. Mỗi người chúng tôi tự nghiên cứu về đề tài văn chương yêu thích, rồi tụ tập ở quán cơm Gora công bố thành quả. Giáo sư Tomizawa đã giúp đỡ nhiệt tình. Ông có rất nhiều ấn bản đầu tiên và nhiều tài liệu nghiên cứu quý hiếm, không chỉ của mỗi Dazai. Ông cho phép chúng tôi vào kho sách đọc tự do. Một lũ trẻ con trong hình hài người lớn bèn bái sư, gọi ông là thầy. Nhưng...
Ông Kotani nghẹn lời, mặt hiện rõ vẻ đau đớn. Có lẽ tình tiết tiếp theo rất khó nói. Rốt cuộc giữa ba người bọn họ đã xảy ra sự cố gì?
- Chúng cháu muốn biết rõ nội tình để tìm được cuốn Những năm cuối đời kia. Chúng cháu sẽ không nói cho ai biết hết.
Shioriko giải thích thêm, để tìm sự đồng cảm. Ông Kotani hơi lắc đầu.
- Giờ thì có giấu cũng chẳng để làm gì. Tôi sẽ kể hết... Nhưng rồi, ba người chúng tôi bị thầy Tomizawa cấm cửa, chừng vài tháng sau khi chụp tấm ảnh này. Tôi nhớ là tầm giữa thu...
Tôi nhẩm tính mạch thời gian, có lẽ là khoảng tháng Mười năm 1964.
- Tôi có nói tôi hỏi mượn khu vườn để làm nơi quay phim. Đó là sự thật. Tấm ảnh này cũng chụp khi tôi đến nhà thầy khảo sát địa hình. Quay phim xong, tôi được nghỉ vài ngày nên đã đến nhà thầy Tomizawa chơi. Nhưng bị đuổi ngay từ cổng. Cô con gái kể, ai đó trong hội Romanesque đã lấy cắp cuốn sách quý hiếm mà thầy trân trọng nhất.
- Cuốn sách quý hiếm đó là...?
- Cô bé không cho tôi biết, chỉ nói thầy dừng nghiên cứu về sách cũ rồi nên chúng tôi đừng có bén mảng đến nữa.
Ông Kotani thờ ơ đáp. Tôi biết ông cố tình không thay đổi cảm xúc.
- Tôi biết kho sách của thầy có nhiều sách quý, nhưng tôi chưa bao giờ manh nha ý định lấy cắp cả. Tôi nghĩ nên tìm gặp Tanaka và Sugio để bàn bạc... Nhưng Tanaka tránh mặt, dù tôi gửi thư hay gọi điện. Tôi đến tận nhà tìm, hắn liền giả vờ vắng nhà.
- Người lấy cắp là ông Tanaka ạ?
Tôi rụt rè hỏi. Nếu thật vậy, không chỉ đứa cháu mà người ông cũng là tội phạm ăn cắp sách cũ.
- Tôi chỉ đoán thôi. Nhưng tôi không tin. Tanaka cũng như Dazai, là dạng công tử yếu đuối, không phải loại người đi lấy cắp đồ của người khác. Bấy giờ Tanaka giữ chức vụ quan trọng trong công ty gia đình, là người khá giả nhất trong số ba người chúng tôi. Thành ra tôi rất ngạc nhiên vì không liên lạc nổi với hắn. Tôi đoán hắn bỏ trốn nên gửi một bức điện tín, hẹn rằng ngày mai tôi và Sugio sẽ đợi hắn ở quán cơm Gora, nơi cả ba gặp nhau lần đầu. Chúng tôi sẽ giúp đỡ hết sức, nên hãy nói sự thật cho chúng tôi biết đi... Hắn không hề xuất hiện. Từ ngày ấy, hội Romanesque giải thể.
- Vậy cuốn sách bị lấy cắp bây giờ ra sao ạ? - Shioriko hỏi.
- Câu chuyện cũng lạ lắm. Hình như một người quen của Sugio đã trả lại cuốn sách. Tôi không biết người quen đó là ai.
Các tình tiết đang kết nối với chuyện cũ chúng tôi vừa nghe ở Totsuka. Hẳn là ông chủ tiệm Vỏ Sò đã nhờ ông nội của Shioriko tìm cuốn sách. Ông nội tìm ra và đem trả lại cho người chủ.
- Sugio không kể rõ sự tình cho tôi biết, cũng không dứt khoát Tanaka có phải thủ phạm hay không. Thế nên tôi bắt đầu nghi ngờ Sugio, phải chăng hắn cũng dây máu ăn phần trong vụ bê bối này... Tóm lại, ba chúng tôi đoạn tuyệt từ đó.
Và có lẽ, đó cũng là lúc người đàn ông rạng rỡ trong tấm ảnh đánh mất nụ cười. Nỗi ngờ vực đối với bạn bè kéo theo thái độ phủ định các tác phẩm Dazai trong ông.
- Rồi tôi lấy vợ, sống nhàn nhã qua ngày. Tanaka và Sugio đều đã lìa xa trần thế. Tuy nhiên nhiều khi nghĩ lại, tôi vẫn trăn trở, dạo ấy Tanaka nghĩ gì, tôi có thể giúp gì cho hắn. Thỉnh thoảng tôi còn băn khoăn có khi nào Tanaka vẫn chờ tôi ở quán cơm Gora kia, hay chính Tanaka cũng đang để tôi chờ đợi không nhỉ?
Ông Kotani nhắm mắt lại, chừng như hồi tưởng một kỉ niệm xa xưa.
- “Selinuntius ơi, tha thứ cho tôi. Bạn luôn luôn tin tưởng tôi, tôi cũng chẳng bao giờ lừa gạt bạn. Chúng mình quả thật là đôi bạn tốt, chẳng khi nào nghi kị nhau. Bây giờ chắc bạn đang yên tâm chờ tôi? Ôi, phải chăng đang đợi chờ tôi?”.
Ông đọc đoạn trích một cách trơn tru, đoạn trích trong “Chạy đi, Moerus!” mà ngay cả tôi cũng biết. Vậy là ông đã nói dối khi bảo rằng chỉ đọc tác phẩm này một lần. Có lẽ suốt năm mươi năm qua, ông đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần.
Người phải đợi đau khổ hay người để đợi đau khổ, ông Sugio dùng câu này chắc để ám chỉ ông Kotani và ông Tanaka Yoshio. Tanaka đã đoạn tuyệt bạn bè nhưng vẫn nói với gia đình rằng Kotani là bạn. Xem ra kẻ để đợi cũng chẳng bình tâm được phút nào.
- Thật ra tôi cũng rất tò mò về cuốn Những năm cuối đời mà các cháu đang tìm. - Ông Kotani lại nói. - Hai, ba tháng trước khi tuyệt giao, Tanaka đã mua cuốn sách ở tiệm nhà Sugio và mang đến cho thầy Tomizawa xem. Có lẽ cuốn sách đó có liên quan.
- Ông đã nhìn thấy nó chưa ạ, nó thế nào?
Họ thân như thế, chắc ông Tanaka phải khoe cuốn sách với bạn rồi chứ. Nhưng ông Kotani lắc đầu tiếc nuối.
- Chưa bao giờ. Nghe bảo trên đó có ghi chú của chính Dazai... Nhưng cuối cùng Tanaka không cho tôi xem.
- Cuối cùng... là sao ạ?
- Tanaka vốn định tìm hiểu xem những ghi chú trên đó là thật hay không, rồi thông báo tại hội Romanesque, nên muốn giữ bí mật đến khi công bố kết quả, không nói gì với cả Sugio và thầy Tomizawa. Tôi đã rất háo hức chờ đợi.
- Vậy ư?
Shioriko không giấu được sự thất vọng. Tôi cũng vậy. Chúng tôi hoàn toàn không có manh mối gì về mức độ quý hiếm của cuốn sách này. Nhưng ông Kotani lại nói.
- Tanaka từng thu thập tài liệu về những vụ tự tử bất thành của Dazai. Tôi nghĩ có thể có liên quan.
- Tự tử bất thành, là vụ ở Koshigoe phải không ạ?
- Có lẽ thế. Hắn nói rằng, trong khi tìm hiểu tài liệu đã phát hiện ra một sự thật còn kinh khủng hơn, và sẽ công bố cùng với cuốn sách kia. Có lẽ thầy Tomizawa hay biết ít nhiều, vì Tanaka sử dụng tài liệu có ở nhà thầy mà.
Shioriko đặt tay lên miệng, vẻ trầm ngâm. Sự thật vẫn đầy bí ẩn. Những năm cuối đời kia là cuốn sách thế nào, Tanaka Yoshio có thực sự là hung thủ lấy cắp sách hay không... Muốn biết những chuyện đó, chúng tôi buộc phải tìm gặp người đàn ông tên là Tomizawa.
- Nếu tìm hiểu được điều gì, cho tôi biết nhé. - Ông Kotani nói, giọng trầm và nặng, nhưng khuôn mặt đã hết vẻ u ám. - Dù sự thật có tồi tệ đến mức nào cũng không sao. Tôi sẵn sàng chấp nhận... Tôi muốn biết suy nghĩ thực sự của Sugio và Tanaka hồi đó... Tôi muốn khi sang thế giới bên kia, có thể bình thản đi gặp cả hai.
Tim tôi se lại. Đây là tâm nguyện thực sự của người đàn ông lớn tuổi này. Ông đang nhờ cậy chúng tôi một việc hệ trọng, một nỗi niềm u uẩn mang trong tim đã mấy chục năm qua.
- Cháu hiểu. - Shioriko gật đầu thật mạnh. - Cháu nhất định sẽ nói cho ông biết.
------------
Còn tiếp.
(Mọi chú thích là của người dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét