Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Đánh Mất Ví - Nguyễn Tuân

Đánh Mất Ví

Tác giả: Nguyễn Tuân

Kéo một hơi thuốc lào tụt nõ, ông Khóa Liêm ngửa mặt lên mái nhà gianh thủng, nhìn cảnh trời đông mầu nhạt, qua những khung hổng của một mái nhà sắp đổ và đã nát. Làn khói thuốc lào xanh nhờ nhờ lần lần chui qua những lỗ gianh thủng; những ý nghĩ đen ngòm của kẻ đang bực dọc với mưu hồ khẩu hàng ngày cũng theo làn khói nhẹ đi đến chỗ mung lung.
Ông Khóa Liêm đang nghĩ đến ngày mai. Hình như cần phải hút thuốc lào cho nhiều thì mới giải quyết nổi những việc khó khăn thuộc về sinh kế, ông Khóa lại vê một điếu thuốc nữa bỏ vào nõ điếu, và dụi đi dụi lại thanh đóm đến ba, bốn lần vào bát điếu, tầm mắt đăm đăm đặt vào cuốn lịch Pháp Hoa treo ở đầu giường. Ông thay dáng ngồi. Ông Khóa không ngồi xổm nữa. Xếp chân vòng tròn, xốc lại chiếc áo bông lụa thâm lót màu quan lục khoác sẽ trên vai, ông mồm lẩm bẩm, mắt nhìn tay, tính bằng ngón tay. Ông xoay mình vào phía nhà bếp, gọi vợ:
- Này nhà ơi! Không phải hâm nước nữa. Cứ để đấy tôi làm cho. Ra tôi nói chuyện này!
Bà Khóa đon đả chạy ra; vừa thắt lại nút khăn vuông mỏ quạ, bà hỏi:
- Gì thế hở thầy nó? Nước gần sôi rồi.
- Này, nhà này, ngày mai là cuối tháng tây đấy. Tôi muốn ra Hà Nội, rồi sang Bắc thăm vợ chồng ông Tú, xem ông ta có giúp cho mình đồng nào không? Chứ nằm mãi ở đây mà đợi chết đói, chết rét à?
- Thầy nó lại định sang bên ông Tú à? Anh Tú tuy đối với thầy nó quá như anh em ruột, tôi vẫn biết. Nhưng, vừa mới tháng trước đã ra, bây giờ lại ra nữa, coi sao tiện! Anh Tú có phải chỉ riêng cưu mang chúng ta thôi đâu? Con người có bụng hào hiệp thường hay túng. Vả chăng, dậy chữ nho ở trường Pháp-Việt một tuần bảy tám giờ, lương lậu phỏng được bao nhiêu.
- Thế cứ ngồi ở nhà này, uống mãi nước bã chè tươi để xem mưa phùn rỏ giọt vào giữa cái nhà thủng mái à?
- Tôi có bảo thầy nó không phải đi đâu? Cái thế phải mất tiền ăn đường, nhưng nên tìm một người bạn thân khác.
- Ừ, thôi được rồi! Để tìm người bạn thân khác cũng ở Bắc Ninh.
- Đã bảo sao lại cứ định đi Bắc Ninh mãi? Thầy nó không nghe tôi sao?
- Biết rồi, nhưng sang Bắc Ninh mà tìm người khác giúp đỡ cho ít nhiều rồi sẽ tạt lại anh tú gọi là đi ghé thăm qua. Thăm không thôi. Thế anh Tú mới lấy làm lạ cho mình. Bởi vì mỗi lân ra tìm anh ấy là y như có chuyện cầu cứu; bây giờ nói lạc cả cái lệ ấy đi, anh ấy phải ngạc nhiên chứ lại. Nếu anh Tú có cố gặng hỏi tôi đi ra làm gì, tôi sẽ có sẵn một câu trả lời làm cho vợ chồng anh Tú giật mình!
Bà Khóa tươi tỉnh nét mặt tò mò hỏi:
- Thế thầy nó sẽ trả lời ra làm sao?
- Trả lời rằng chuyến này có lẽ vô Kinh viết sắc, viết bằng ở bộ Lễ. Và nhân có thời giờ rảnh, ra ngắm non sông đất Bắc cho thỏa thuê, kẻo nữa biết bao giờ mới lại từ Huế ra thăm lại chỗ cố giao tâm sự như anh Tú? Bà nó nghe thế, đã sợ chưa?
Bà Khóa tủm tỉm nhìn chồng một cách kính yêu vô hạn. Trong cái cười kín đáo của người vợ nhà nho kiết kia, người ta có thể hình dung ra cả một thế giới “mực tầu giấy bản” thủa nọ có những hiền phụ chỉ biết một việc khuất phục, tháo vát và hy sinh để cho chồng đủ lực nằm dài trên bục điểm son trang sách mộc bản, và nghêu ngao ngâm thơ Đường Tống.
Ông Khóa Liêm được thể lại càng lên nước, rung đùi rõ nhiều. Ông lại kéo một mồi thuốc nữa! Trông cặp mắt lim dim và cái mồm tròn như chữ O đang thở ra những vòng khói đặc, trông kỹ nét mặt ông Khoá đã ruỗi hết những đường gân, bà Khóa nghĩ ngợi: “Ai dám bảo chồng mình là khổ? Tưởng chồng mình như thế mà không thành được người sung sướng trên thế gian, thì cũng nên lấy làm lạ đấy. Chỉ nghe thấy tiếng nói và giọng cười thôi, thì ai cũng tưởng là sang lắm! Thật là sang sảng như chuông!”.
Bỗng ông Khóa hỏi gọn một câu:
- Bây giờ, nhà phải đi mượn đâu lấy hai đồng bạc để tôi ăn đường... Nếu không đủ thì ít ra cũng phải có một đồng rưỡi.
- Mượn ở đâu? Những chỗ quen biệt đều... vướng cả rồi!
- Nào tôi có biết! Cái đó là công việc của nhà nó chứ? Thế mọi lần thì sao? Nhà nó quên rồi à?
Bà Khóa lại cười tủm tỉm. Ông Khóa lại rung đùi ngâm thơ tướng mãi lên cho đến lúc cao hứng quá, phải cho miệng nghỉ ngâm để rít một điếu thuốc lào to và chặt hơn mấy điếu thuốc trước nữa.
Buổi chiều mùa đông ấy là hôm đầu tháng và lại là hôm chủ nhật, vợ chồng ông Tú đang sắp ngồi vào mâm cơm, thì một chiếc xe tay đã đặt ở trước hiên nhà ông Tú, một ông khách đứng tuổi, ăn mặc nửa kim nửa cổ, tay ôm một bọc lớn, tay chống chiếc ô đen đã đổi ra mầu xám xanh...
Nghe tiếng cạch của càng xe bít sắt nện vào thềm gạch ở lề đường, vợ chồng ông Tú nhìn ra, rồi đều cùng thốt ra một lúc:
- Chú Khóa Liêm!
Vợ chồng ông Tú nhìn nhau tủm tỉm trước khi ra cửa đón khách.
- Ông Khóa ở Thanh ra thẳng đây đấy à? Gói gì thế? Bà Khóa mạnh chứ?
- À, gói nem đem ra làm quà anh Tú uống ruợu đấy. Ở trong gói có cả bản sao cuốn “Việt Điện U Linh”, tôi chép cho anh theo lời anh dặn đấy.
Bà Tú vẫn mỉm cười... Ông Tú phải đưa mắt nhìn, bà mới thôi và mời ông Khóa:
- Chú đi rửa tay rồi đi xơi rượu luôn đi thôi!
Cái tình thân mật giữa vợ chồng ông Tú và ông Khóa Liêm lại càng rõ rệt thêm nữa, khi bà Tú ngồi bên mâm cơm làm bồi rượu cho chồng và cho bạn chồng.
Bà vừa ăn, vừa đợi, vừa vui vẻ nói chuyện:
- Cái số chú Khóa thực là tốt lộc! Cái bát ba ba này của chú Khách Quảng Sinh Long vừa biếu đây...
Ông Tú bây giờ mới nói:
- Chữ tôi viết xấu thế mà lão Quảng Sinh Long vẫn cứ ưa! Giá hắn mà biết chú thì hắn thích lắm.
Nếu có ai thấy cách xưng hô đằm thắm, trẻ trung, tự nhiên của ba người đứng tuổi này, người ta sẽ phải lấy làm chướng, nếu không có người giảng cho họ rằng ông Tú với ông Khóa là bạn học chữ nho một trường một thầy, và bà Tú là con cụ Đốc, và cụ Đốc vốn là thầy học cả ông Tú lẫn ông Khóa.
Ngày xưa, còn tập trường quan Đốc, ông Khóa Liêm được cái vinh dự châm đóm hầu thuốc lào quan Đốc, còn ông Tú thì được vinh dự hơn bạn: ông được pha nước trà tầu cho quan Đốc, mỗi sáng sớm, trước giờ giảng sách. Rồi, cũng được cái may hơn bạn nữa là khoa thi chữ nho của nhà nước Bảo hộ mở lần cuối cùng cho đám sĩ tử Bắc Hà, ông Tú đậu Tú tài mà ông Khóa chỉ là ông Khóa.
Và, từ ngày ông Tú dậy chữ Hán ở trường Nhà nước, ông Khóa vẫn thường ra đây quấy quả luôn, lấy cái cớ rằng “cái” Tú tài đi làm việc Tây hẳn phải kiếm ra nhiều hơn “cái” Khóa sinh chỉ ỷ vào hoa tay, có chữ tốt chép sách và viết bảng.
Một lần, hai lần... rồi dần dần, ông Tú cho như thế là một phong tục riêng của người bạn nghèo, và ông Khóa thì lại hiểu rằng thế là một luật lệ rất thường trong tình bạn hữu.
Nhưng lần này, lại ra Bắc Ninh, lại gặp ông Tú, ông Khóa không dám có can đảm hỏi tiền nữa. Ông tự xét mình như thế là không biết điều một tý nào cả. Vừa mới tháng trước đã lấy mười đồng rồi còn gì nữa! Cho nên, lúc đỏ đèn, nghỉ ngơi một lát, ông Khóa vội nói với vợ chồng ông Tú:
- Anh chị cho phép tôi lại thăm một người bạn...
- Ai thế! Từ xưa tới giờ sao không thấy chú nói?
- Ông bạn tôi cũng vừa mới ra ở đây. Có lẽ khuya tôi không về đây ngủ.
Thế rồi đêm ấy ông Khóa đã tìm tới nhà bạn và, thật là không may cho ông, đêm ấy ông đã thất vọng nhiều. Khi gia nhân người bạn kia trả lời rằng chủ nhân đi vắng xa, có lẽ đến cuối tiết trọng đông mới về, ông Khoá thất thểu bước tỉnh bước say, lại đành quay về nhà ông Tú vậy! Và tự nghĩ: “người cố hữu của mình thế này thì ra còn nửa tháng nữa mới về. Thế là hỏng cái đám này. Cái số anh Tú thật hôm nay lại vào ngày “đại tiểu hao”. Mình có muốn lấy của anh ấy nữa đâu? Thật là hai vai có quỷ thần chứng minh... một món cầm về cho qua những ngày thất nghiệp. Cái đó không sợ. Nhưng mình đã lấy tiền của vợ chồng anh ấy thì mình còn làm gì hưởng được cái khoái chí phong lưu và có những lúc nhàn tản đi ra Kinh Bắc chỉ để ngắm non sông mà thôi!”.
Ông Khóa Liêm càng nghĩ càng lấy làm buồn cười cho mình. Rồi ông ngượng nghịu, khi phải trả lời vợ chồng ông Tú:
- Ấy vì ông bạn tôi đi vắng ạ!
Vợ chồng ông Tú tủm tỉm. Ông Khóa nói tiếp:
- Tôi ở chơi đây với anh chị một đêm nay thôi, nhà bận lắm! Mai tôi xin về.
Vợ chồng ông Tú trách móc, cố giữ khách, nhưng khách van lơn nhất định xin về, kêu rằng nếu tối mai không có ở Thanh Hóa thì nhỡ hết nhiều công việc lớn!
Đêm khuya, ông Khóa vắt tay lên trán nằm nghĩ nát óc, tìm một cách gì cho đỡ ngượng để xin tiền ông Tú. Vả lại coi bộ tháng này vợ chồng ông Tú cũng túng dữ. Rét thế này mà vẫn cái áo bông đụp cũ! Nhưng nếu không mặt dạn mày dầy cố hỏi thì đừng nói gì đến mang được bảy đồng về nhà nữa: hãy một số tiền ăn đường cũng đủ khó nói rồi. Thế thì, đã đến nước này, ông Khóa đành phải cứ xin tiền của ông Tú.
Ông lại hút thuốc lào! Cái thú đêm đông sương lạnh khoác chiếc mền bông, ngồi xổm hút thuốc lào, là một cái thích dễ truyền nhiễm. Ông Tú cũng chạy lại gần giường bạn, cũng hút và hỏi:
- Chú nhất định về! Mai đi tầu nào!
- Phải đi tầu sớm, hay ô tô sớm sang Hà Nội, rồi đi xe lửa trưa về Thanh. Không thể ở lại được đâu! Anh nhớ dặn người nhà đánh thức tôi nhá.
Đêm ấy, ông Khóa nằm nghĩ:
“Có lẽ anh ấy sẽ bỏ sẵn vào phong bì rồi lúc mình gọi xe là anh ấy đưa cho. Anh Tú bao giờ cũng nhã nhặn lắm kia mà! Mình cũng chả cần phải bảo. Và, nói cho thật ra, mình nói cứ ngập ngừng thế nào ấy. Không có cản đảm nói. Thôi hãy ngủ đã”.
Sớm mai, ông Khóa hé mắt nhìn đồng hồ thấy gần giờ tầu chạy, vội choàng dậy, đòi ra tầu ầm ĩ cả lên.
Lúc bước lên xe, ông Khóa đinh ninh rằng ông Tú sẽ dúi cho một cái phong bì. Bắt tay ra xe rồi mà không thấy có gì trong lòng bàn tay, ông nóng cả mặt!
Ông vội kêu:
- Anh Tú! Sao tôi đau bụng thế này? Có lẽ phải đi chuyến ô tô thôi!
Ấy thế rồi ông Khóa đành phải lỡ tầu, ở lại để nhăn nhó và đợi chuyến ôtô.
Giờ ô tô đến, ông Khóa lại vội kêu rầm lên rằng chỉ còn một chuyến ô tô này thôi, khéo không lại nhỡ nữa thì khốn cả. Bà Tú lại gọi xe. Ông Tú lại bắt tay. Nhưng vẫn không thấy gì, ông Khóa phải sốt ruột vì những câu chuyện cầm tay người ở dặn với kẻ về:
- Chú về cho mạnh, từ giờ đến cuối năm ra chơi một chuyến tất niên nhé!
Ấy thế rồi ông Tú và bà Tú càng lấy làm cảm động khi thấy chú Khóa dùng dằng và bùi ngùi nét mặt bước lên xe.
Xe đã khuất bóng người, bà Tú ra vẻ nhớ nhung phàn nàn với chồng:
- Tội nghiệp, chú ấy độ này chả biết làm ăn ra làm sao? Trông bộ cũng vẫn thế thôi! Đi đâu mà vội thế? Giá có ở lại một đôi hôm thì tôi cũng có đủ thời giờ giật tạm giúp chú ấy ít đồng.
Hai vợ chồng ông Tú ngồi thừ ra nhìn nhau có ý trách lẫn nhau về chỗ lãnh đạm của chú Khóa.
Ngọn gió bấc thổi mạnh mưa bụi bay đã nặng hột. Vợ chồng ông Tú lại càng thêm nhớ ông Khóa Liêm. Thì quái, sao ông Khóa Liêm lại còn tiến vào kia và khua ô nói trước:
- Không thể đi được, anh chị ạ!
- Thôi chú ở đây, mai mốt hãy về. Vợ chồng tôi đang lấy làm ái ngại cho chú.
Có thế chứ!
- Thưa anh chị, kể như tôi vừa rồi thì cũng đáng ái ngại thực. Lúc lên xe ô tô lấy vé mới biết mất cả ví tiền! May họ còn bỏ xuống đường cho về đây trông thấy anh chị lúc buồn này chứ không thì đã vào cẩm rồi! Rõ đen quá và không may cho anh chị phải... đền: cấp cho tôi ít tiền lộ phí.

Đông Dương tạp chí số 23 (1937)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét