Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Gỡ Cái Vịt Ra - Nguyễn Tuân

Gỡ Cái Vịt Ra

Tác giả: Nguyễn Tuân

Từ ngày ông ấy đổi Tri huyện Thạch Thành, tính đến bây giờ chưa đầy bẩy tháng mà ông ấy đã có ý kiến xin bề trên cho đổi đi nhậm hạt khác.
Không phải vì ở đấy không có bổng lểnh, không có lễ sống và lễ chín của lũ dân Mường, không phải vì ở đấy có nhiều án mạng, có nhiều vụ kiện gay go làm khó dễ cho những vị phụ mẫu không chịu phiền làm công bộc dân một cách tận tụy với thiên chức; không phải vì ở đấy, tính dân ngang ngược, cứng đầu cứng cổ, động một tí là kéo cả làng xuống tỉnh xin liên đới chịu tù, hay là chạy tuốt cả vào Kinh đánh trống đăng văn nơi tòa Tam Pháp, hay là xin võng quan trả về bộ.
Đất Thang mộc ấp vốn lành; lành còn có nghĩa nữa là nhiều địa lợi, nhiều lâm sản, nhiều hải sản, nói tóm lại là nhiều của.
Người Thanh Hóa tính cũng lành như tính đất ấy. Theo lẽ phong thủy, chả biết rằng như thế có phải là tinh đất đã ảnh hưởng sâu đến tình người? Nhưng sự thực là như thế đấy. Và không những lũ dân đen Thang mộc ấp lành mà thôi đâu, lại còn đần nữa. Vì những lẽ thế mà có mấy ông Đồ Nghệ vốn kiêu căng với cái anh khí của chín mươi chín ngọn Hồng Lĩnh đã tạo ra các ông, các ông đã đem cái đức lành và cái đức đần của dân Thanh Hóa ra mà trào phúng. Cái tính chế riễu không có kiêng nể vật gì và người nào hết thẩy, dù vật là tối thiêng liêng, dù người ấy là tiêu biểu cái oai quyền lớn. Cho nên các ông ấy mới bảo rằng đất Thanh Hóa, vì lẽ là nơi phát tích của nhà Lê, của chúa Trịnh, của nhà Nguyễn bản triều, nên bao nhiêu cái tinh hoa đã bị người sang kẻ cả rút hết cả rồi, mà trăm nghìn phần cặn bã thì dồn lại cho bách tính. Như thế cho hết đến mấy thế hệ nữa, nếu may mà mạch đất có hồi lại thì dân khí mới mong quật khởi.
Khốn nạn thay! Nói cho rõ ràng ra thì người Thang mộc ấp đâu có đến nỗi như các ông Đồ kia tưởng. Các ông há chẳng nghe cái câu ngạn ngữ “nhất Xương, nhì Gia, thứ ba Hạc Lộc” mà các vị quan có nhậm ở Thanh Hóa đều nhớ làm lòng hay sao? Câu ấy tả toát yếu và theo thứ tự cái đức bướng của dân ba phủ huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương và Hậu Lộc.
Nhưng hẵng để yên mấy ông Đồ Nghệ và câu chuyện chế nhạo của họ.
Ta trở lại với cái tâm sự quan huyện Thạch Thành.
Ngồi ở huyện Thạch Thành là một nơi mà người thì chỉ có Mường, cảnh thì chỉ có rừng, kẻ không rõ cái khổ tâm của ông huyện Thạch hẳn phải yên chí rằng giá những lúc việc quan được thanh thản, quan huyện Thạch “đánh chết” cũng phải khoan khoái hiện ra mặt, mỗi khi nhận được thư riêng ở xa gửi đến. Những lá thư ấy chắc sẽ đưa đến huyện lỵ Thạch Thành những luồng không khí mát mẻ và đủ sức mạnh thổi tan những mây sớm mãi tám chín giờ còn giăng đầy thung lũng và sương chiều mới bốn năm giờ đã phủ đầy lối vào huyện? Trái lại, những lá thư của thân quyến, của đồng liêu, của quan đỡ đầu ở xa ở gần, một tháng kể gửi đến nhiều lắm, nhưng chính chúng nó đã làm phiền lòng quan huyện Thạch không biết đến thế nào mà kể.
Những thư đó, dù là dài hay ngắn, chia buồn hay chia vui, giọng đùa hay đứng đắn, của người thân lắm hoặc vừa mới quen, ở dòng tái bút đều có những câu đại để như là:
“... Nghe nói trên hạt Thạch Thành có thứ vịt Trạch Nhật ngon có tiếng, quan lớn (hoặc quan huynh) dành cho một cặp, khi nào tiện chúng tôi xin lĩnh...”.
Còn những thư của các quan thủ hiến bản tỉnh hoặc của quan thầy đỡ đầu ở nơi xa xôi gửi về thì lại có cái giọng hách dịch như thế này:
“Thạch Thành là nơi sở tại của giống vịt Trạch Nhật; nhân mùa lạnh tới, kiếm cho ta ít con đánh chén chơi...”.
Quan huyện Thạch Thành là một ông quan nghèo. Cái chí của ông ta lại không định hẳn vào con đường hoạn. Vả chăng, đối với chế độ quan trường, ông ta đã sẵn có một quan niệm. Ông ta chỉ mong có một cơ hội kinh doanh nào lớn lao là vui lòng đem treo kiếm ấn lên cành dương liễu ở cổng huyện, trông về Nam lạy bốn lạy, chạy tuốt về làng để theo đuổi những nghề tự do. Nhưng đấy là một sự mong mỏi.
Còn tại chức ngày nào, còn ở huyện Thạch ngày nào, ông ta cho là còn điêu đứng đủ trăm phần với vịt Trạch Nhật. Cái hình ảnh vịt Trạch Nhật ám ảnh ông hoài. Nó theo ông sát sạt như mang theo tiếng nói, bóng theo hình người. Lắm lúc vì bận việc công đường, bận đi hành hạt, hoặc mải vui cùng mấy bạn tài tử lên họa đàn, ông quên được câu chuyện vịt Trạch Nhật. Khốn nỗi, chỉ được độ dăm ba hôm thôi. Vì thể nào, dăm ba hôm, lại cũng có một lá thư gửi đến để xin vịt, để tống vịt. Trời ơi! Giá thử đấng thiêng liêng làm một trận dịch dữ dội cho toi hết giống vịt Trạch Nhật để tuyệt hết cái giống vịt ngon, ngon đến bực mình ấy đi, để hết những người thích ăn của lạ và lười bỏ tiền ra mua nhỉ! Cũng là một sự không mong cho quan Thạch, những người có tính hay “báo” vặt ấy lại là chỗ quen biết với ngài cả.
Lắm kỳ đi hội giảng ở tỉnh về, quan huyện Thạch hễ có mặt ở công đường là gắt gỏng. Như thế đến mấy hôm ấy, lũ nha thuộc và dân sự đều lấy làm kinh hãi và không hiểu gì cả. Ở nơi tư thất, những ngày ấy, lúc đêm vắng, bọn lính canh nơi trại thường không được nghe tiếng đàn nguyệt rất hay nữa - quan huyện vốn lấy đàn làm thú giải phiền.
Một đêm kia, quan huyện Thạch vừa ở tình về, tiếng máy xe hơi ở sân huyện đường chưa tắt mà trong tư thất đã thấy quan ông gắt gỏng với quan bà. Quan bà không những không tỏ vẻ giận chồng to tiếng vô lý lại còn tủm tỉm cười một cách tinh quái, hình như muốn chòng ghẹo và thử thách kẻ hay có tính làm dữ. Quan huyện Thạch phải đấu dịu. Cặp mắt hóm hỉnh, cái miệng đùa cợt của bà huyện Thạch cũng đôi lần ra vẻ hiền từ. Quan huyện Thạch làm lành.
- Sao bà lại cười? Thấy người ta đang bực dọc với những sự phiền lụy của cuộc đời hàng ngày là một chuyện đáng cười lắm hay sao? Và thứ nhất là “người ta” đây lại là chồng mình? Bà phải biết nể cái người nào đang phiền muộn, đang đau đớn, ngang như nhau mới được chứ!
- Cái gì là phiền lụy? (bà huyện vừa cười vừa hỏi). Có phải lại chuyện vịt Trạch Nhật phải không? Hẳn các cụ ở dưới tỉnh lại tống mua ít cặp phải không? Thôi phải rồi, thế nào, lão phủ Nông Cống chả vay khéo vài chục con để gửi về Huế? Chắc lão ta không vừa lòng, lại nói bóng nói gió một đôi câu chứ gì? có phải như thế không, ông?
- Quả có như thế không sai. Bà đoán giỏi đấy.
Vợ chồng ông huyện Thạch Thành chưa lấy gì làm già và lại là người của thời mới. Hai vợ chồng cộng tuổi lại chưa đầy bảy mươi. Vì trong lúc to tiếng nên vợ chồng ông huyện Thạch Thành phải dùng hai chữ ông bà để xưng hô. Phải, trong lúc gắt gỏng, người ta phải nghiêm nghị từ cả danh từ gọi nhau. Vợ chồng ông huyện Thạch đã vui vẻ nói năng với nhau thời trong câu chuyện thuộc về gia đình ở nơi tư thất, ta lại được nghe thấy những tiếng xưng hô trẻ trung.
- Mình nghĩ đi làm quan như thế này, có thấy phiền không? Không chiều bề trên thì họ bảo mình ngạo. Không làm vừa lòng bạn thì họ bảo ăn ở không có tình.
- Giá có biết thế những ngày thì... thì gì? Mình nhỉ!
Bà huyện vẫn tủm tỉm nhìn chồng ăn cháo.
- Mình có biết một con vịt Trạc Nhật thời giá bao nhiêu không?
- Thưa mình tám giác một con, lúc cao; và một chữ bạc một cặp, lúc hạ.
- Đấy mình thử tính xem, cứ cái tháng lương tri huyện hạng ba đem ra mà mua hết vịt Trạch Nhật xem được mấy trăm, mấy chục con? Họ lấy có ít đâu, mỗi người cũng là đôi ba cặp trở lên cả. Mình thử tính nữa xem tôi có bao nhiêu bạn, bao nhiêu quan thầy? Đừng nói là không đủ tiền mua nữa, nếu có bạc triệu đó cũng khó mua! Dân Mường Trạch Nhật mỗi nhà nó chỉ nuôi có ít con. Mà nó có cần đem ra chợ bán đâu? Ý chừng họ tưởng chúng ta cứ bơi thuyền thúng ra giữa cánh đồng chiêm mà quơ lấy vịt. Hết thuyền này chở nặng lại đến thuyền khác đem về. Nhặt hết lứa này lại đến lứa khác...
- Có thế này thì mình mới hiểu thấu cái nghĩa đau đớn của kẻ dâng đồ tiến, cái nghĩa không biết thương người của kẻ ngồi một chỗ yên ấm để hưởng của ngon đem đến, ngụ ở trong cổ thi: “Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu; vô nhân tri thị lệ chi lai”.
Bà huyện vốn cũng có chữ nho sở đắc được của cha anh truyền cho và chồng luyện cho, gật gù nghĩ ngợi và cố tưởng tượng ra cái thảm cảnh ngày trước người ta phải chạy ngựa từng cung, từng trạm dài để đem các thức ăn ngon tiến vô Kinh. Nhưng bản tính hay đùa, bà lại nói tiếp:
- Và có như thế này, chúng ta mới biết ái ngại cho những kẻ mới xuất chính đã phải đi cung chức hạt Thạch Thành.
- Cứ gì hạt Thạch Thành. Cứ gì có vịt ngon. Họ không tống được thứ này, họ sẽ tống thứ khách. có mất gì của họ? Mình há không nghe chuyện chú huyện Can Lộc phải dâng cỏ tươi và lá tre cho ngựa ăn tuần đó à? Mình không nhớ chú huyện nhà mỗi lúc uống rượu với tôi hay nhại tiếng cụ tuần đó và nói câu: “Hạt thầy có thứ lá tre nhiều chất đạm-khí rất hợp cho bộ tiêu hóa của chuồng ngựa tui” đấy à?
Vợ chồng ông huyện Thạch nói chuyện trong đêm ấy thế mà đã gần khuya. Lúc sắp đi ngủ, bà huyện bảo chồng:
- Tôi vừa nghĩ được một cách, may ra vợ chồng chúng ta gỡ được cái nạn vịt Trạch Nhật.
- Hay đùa lắm. Thôi, đi ngủ.
- Không đùa đâu mà. Có thể làm ngay được. Mai tôi đi tỉnh. Tôi sẽ mua độ 200 vịt đàn. Chỉ một hào một con. Đem về thả ở đầm Trạch Nhật. Vịt nó béo, nó ngon là vì nó ở nước. Vịt hôi là vịt ở cạn. Nó ngon nữa là vì vịt rúc được nhiều mồi. Đem vịt ở nơi xa về Trạch Nhật, cho nó chịu thủy thổ Trạch Nhật, nó ăn ở đầm đấy, thở không khí đấy, tắm nước đấy thì nó là vịt Trạch Nhật chứ là cái vịt gì nữa? Mình sợ như thế là đánh lừa người ta hay sao? Mình không biết chứ chính tôi đã lên tận làng Trạch Nhật rồi. Tụi Mường ở đấy nó nói chuyện rằng ở gần hai trăm mẫu đầm đó, gốc rạ nào bị ngâm nước cũng đều có tép chui vào ở trong cả. Người Mường ở đấy không thả dậu thả lưới đánh tép, nên vịt được ăn cái thứ tôm con đó. Thịt vịt đặc biệt nhờ đấy chứ đâu nữa? Mình có ỷ quyền phụ mẫu cướp nghề của ai để mưu lợi đâu mà sợ. Chẳng qua là mình cũng phải nghĩ cách mà cứu lấy mình cho nó qua cái năm nay. Sang năm xin đổi lại hạt khác. Chứ không có các ngài ấy “hặc” cho về khoản vịt thì từ giờ đến tết cũng còn là khổ. Lấy đâu ra tiền mà mua vịt? vịt đâu có nhiều mà mua?
Ấy thế rồi từ đêm ấy trở đi, thỉnh thoảng trong những đêm thu, đông mà chồng gẩy đàn nguyệt di duỡng tính tình ở nơi cô tịch, bà huyện Thạch lại tinh quái nhìn chồng mà ngâm hai câu thơ Kiều đổi đi mất một chữ:
“Cầm đường ngày tháng thanh nhàn
Sớm khuya tiếng vịt tiếng đàn tiêu dao”.

Đông Dương tạp chí số 25 (1937)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét