Thứ Năm, 3 tháng 11, 2022

Tiệm sách cũ Biblia Q 1 - Chuyện Thứ Ba

Tiệm sách cũ Biblia Q 1
 
Tác giả - Mikami En
Người dịch: Việt Hà - Đỗ Phan Thu Hà
Hiệu đính: Hằng Nguyễn
Nhà xuất bản Văn Học - 2017

Tập 1 - Shioriko và những vị khách kỳ lạ

Chuyện Thứ Ba

Nhập môn Logic học của S.N.Vinogradov và A.F.Kuzmin
(Aoki Bunko phát hành)

Tôi gõ cửa, không thấy tiếng trả lời nên đành tự mở cửa ra luôn.
Ánh nắng cuối ngày hắt từ ngoài cửa sổ vào phòng, nơi chiếc giường bệnh bị chiếm lĩnh hơn một nửa bởi những chồng sách cao nghệu. Bệnh nhân - cô Shinokawa chủ tiệm sách nơi tôi đang làm việc - không có ở trên giường.
Có lẽ Shinokawa đang ở phòng tập phục hồi chức năng. Bình thường thì cô cũng không có mặt trong phòng vào giờ này. Lúc ra khỏi phòng cô vội vàng lắm hay sao mà lại để nguyên cái máy tính xách tay còn đang mở ở cạnh giường. Dù đây có là bệnh viện đi chăng nữa thì để máy tênh hênh thế này cũng bất cẩn quá. Ở giá đồ đầu giường có đặt một chiếc két nhỏ, song, hình như Shinokawa không có ý định sử dụng nó.
Tôi cúi người bước qua cửa để vào bên trong. Dạo gần đây ngày nào của tôi cũng trôi qua giống hệt nhau: Sáng trông cửa tiệm, chiều thì mang những cuốn sách được khách hàng kí gửi tới cho Shinokawa xem và định giá, sau đó cầm về tiệm thương lượng với khách, nếu họ đồng ý thì nhận cuốn sách rồi giữ chúng ở trong tiệm. Công việc của tôi cứ lặp đi lặp lại như thế đấy.
- C... chào anh!
Giọng nói khe khẽ khiến tôi ngoảnh lại nhìn. Ngoài cửa là một cô gái mặc pyjama màu xanh và khoác áo cardigan đang ngồi trên xe lăn. Mái tóc đen dài, mắt đeo cặp kính dày. Dường như bối rối trước ánh nhìn cửa tôi, Shinokawa cúi gằm mặt, người thì cứ ngọ nguậy mãi trên xe lăn.
- A! Chào cô.
Tôi nhanh chóng tránh sang một bên, nhường đường cho Shinokawa vào phòng. Người đang đẩy xe lăn giúp cô là một nữ y tá lớn tuổi, dáng điệu không mấy hài lòng khi phải điều khiển xe lăn tránh các vật cản trên đường từ cửa đến giường bệnh. Tuy nữ y tá đã cấn thận nhưng một bánh của chiếc xe vẫn va phải một cuốn sách, làm cho chồng sách với Hệ thống tư tưởng của Nhật Bản chất trên cùng đổ hết xuống đất.
- A!
Hai người phụ nữ cùng kêu lên. Shinokawa lo cho mấy cuốn sách, còn nữ y tá thì mải kiểm tra cái xe lăn.
- Tôi đã nhắc cô đừng để nhiều sách ở đây như thế này nữa cơ mà!
Y tá vừa giúp Shinokawa di chuyển từ xe lăn lên giường bệnh vừa cằn nhằn bằng giọng nghiêm khắc. Vậy là Shinokawa từng bị nhắc nhở về đống sách trong phòng rồi. Chuyện tất nhiên thôi.
- V... vâng. Cháu xin lỗi. Cháu sẽ chú ý hơn ạ.
Shinokawa ngồi trên giường, cúi mình trịnh trọng, có điều khó mà tin được rằng cô sẽ chú ý thật. Cô gái xinh đẹp này là một “con mọt sách” chính hiệu, và việc đọc sách đối với cô không khác gì việc hít thở để sống. Nếu trước giờ vẫn nhắc mà chẳng có ích gì thì chẳng lẽ lần này lại thành công được à?
- Cả cậu nữa! Làm ơn chú ý giùm tôi chút coi.
Đột nhiên nữ y tá nọ chuyển mũi dùi sang tôi. Đang vô tư nghe họ nói chuyện, tôi lập tức đứng thẳng người.
- Cháu ấy ạ?
- Đúng! Cậu đấy! Lần sau tới thăm bệnh đừng có mang sách vào nữa! Có là người yêu thì cũng đừng chiều chuộng quá mức như thế!
Tôi nghẹn họng, không nói nổi lời nào. Nữ y tá gập chiếc xe lăn lại, dựng vào bên cạnh giường, lừ mắt nhìn chúng tôi rồi đi ra khỏi phòng, để lại sau lưng bầu không khí kì dị.
- Rắc rối rồi đây.
Tôi phá vỡ sự im lặng bằng một câu nói mơ hồ.
Dĩ nhiên chúng tôi không phải người yêu. Có điều, cũng không chỉ đơn giản là chủ tiệm và nhân viên. Shinokawa muốn nói chuyện về sách nhưng không thể thỏa nguyện với bất kì ai khác ngoài tôi, bởi tôi - một kẻ muốn đọc sách lại không thể đọc - sẽ háo hức nghe cô kể tất cả. Nói chung, quan hệ giữa chúng tôi là kiểu quan hệ giúp đỡ lẫn nhau như vậy đấy.
- V... vâng. R... rắc rối thật! - Shinokawa ngồi trên giường, lắp bắp nói, mặt đã đỏ tới tận mang tai, - Tự dưng lại nói t... tôi là, người yêu của anh Gora, làm anh khó xử rồi nhỉ!
- Ơ không! Không, không phải vậy đâu! - Quên béng những gì đang định nói, tôi vội vàng phủ nhận, - Ý tôi là bị hiểu nhầm như thế hơi gay go, chứ không phải là tôi thấy phiền nhiễu gì đâu! Thật mà! Ngược lại tôi còn thấy phấn khởi.
Tôi ngậm miệng ngay tức thì. Chết thật! Tôi nói linh tinh mất rồi. Nghe cứ như lời tỏ tình ấy.
- À, vậy là giống tôi. Tôi cũng thấy thế.
Nghe Shinokawa thanh minh, tôi muốn hỏi xem cô nghĩ giống tôi ở chỗ nào? Là “bị hiểu nhầm như thế hơi gay go” hay “ngược lại tôi còn thấy phấn khởi”? Dù sao thì trong lúc tôi đang mải lựa chọn từ ngữ để hỏi thì thời đỉểm thích hợp cũng đã trôi qua.
- R... ra sao rồi? Việc tập phục hồi chức năng của cô ấy. Đã đi lại được chưa?
Cuối cùng, tôi đành lảng tránh sang một chuyện chẳng liên quan.
- V... vâng. Nếu có tay vịn thì đi được vài bước.
- Có ngày xuất viện chưa?
- Chưa. Tôi không rõ nữa. Có thể là tháng sau...
- Vậy à?
Người ngoài nhìn vào hẳn sẽ nghĩ đúng là một cuộc trò chuyện nhạt nhẽo, thế nhung so với trước đây thì bây giờ nói được ngần ấy đã là một tiến bộ vượt bậc rồi. Ban đầu, cô gái này còn chẳng thể trò chuyện bình thường được nếu chủ đề không phải là về mấy cuốn sách nữa cơ.
Có lẽ cũng đến lúc nên trao đổi về công việc rồi. Tôi ngồi xuống ghế, lấy một cuốn bunko từ trong túi giấy ra, đưa cho cô xem.
- Cô định giá giúp tôi cuốn này đi.
Nhập môn Logic học của Vinogradov và Kuzmin là một cuốn sách khá cũ, rìa bìa và các góc đều sờn rách cả nên khó mà nói nó là một cuốn sách được bảo quản tốt.
- A! Là sách của Aoki Bunko!
Dù vậy, Shinokawa vẫn hớn hở nhận lấy. Và như mọi lần, cô gần như biến thành một con người khác, tay vuốt ve bìa sách y như người ta hay vuốt đầu mấy chú cún nhỏ.
- Lâu lắm rồi tôi mới nhìn thấy nó! Cuốn này giờ không còn bày bán ở hiệu sách nữa đâu, và nhà xuất bản Aoki Bunko cũng đã ngừng hoạt động rồi.
Quả thật, đây là lần đầu tiên tôi nghe đến nhà xuất bản Aoki Bunko. Có lẽ cuốn này cũng là dạng tuyệt bản rồi.
- Chắc đắt lắm nhỉ?
- Không... - Shinokawa lắc đầu với vẻ tiếc nuối.
- Ơ? Chẳng phải nó hiếm sao?
- Đây là một cuốn sách hay, nhưng gần như chẳng ai muốn tìm mua nó trên thị trường sách cũ đâu. Tình trạng sách cũng khá tệ nữa, có lẽ chỉ bán được khoảng 500 yên thôi.
Tôi tròn mắt. Vậy là nó khác so với cuốn của Sanrio SF Bunko mà ông Shida mang tới trước đây.
- Aoki Bunko là một nhà xuất bản tổng hợp, hoạt động từ những năm 1950 và tồn tại được khoảng ba mươi năm, cho ra nhiều sách lý thuyết về khoa học xã hội và các tác phẩm văn học thuộc phạm trù Cộng sản của thời xưa. Cuốn Nhập môn Logic học này, đúng như tên gọi của nó, là một cuốn sách giải thích về logic học, được tái bản nhiều lần và khá nổi tiếng trong một thời gian dài. Vị khách mang nó tới trông như thế nào vậy?
- Ừm. Khoảng gần sáu mươi tuổi, mặc vest.
Tôi ngừng lại. Nói mới nhớ, người nọ có điểm gì đó mà tôi không thể miêu tả thành lời được.
- Sao vậy?
- Thật ra tôi cũng định hỏi cô về chuyện này. Vị khách ấy có hơi kì lạ...
- Lạ ư? - Cô nghiêng đầu hỏi tôi.
- Đúng vậy. Kể ra cũng khá dài.

Mới vào đâu tháng Chín nhưng người đàn ông nọ lại mặc vest doanh nhân và thắt cravat chỉn chu. Với mái tóc chải gọn gàng và râu ria cạo sạch sẽ, ông ta tạo cho tôi ấn tượng như giám đốc chi nhánh của một ngân hàng. Lạ một điều là ông ta đeo kính râm đen sì.
Lúc vào tiệm sách, người đàn ông không hề nhìn ngắm xung quanh mà tiến thẳng tới quầy tính tiền. Dù khá cao và gầy nhưng làn da rám nắng tạo cho ông một bề ngoài khỏe mạnh.
- Tôi muốn bán cuốn sách này.
Ông ta nói rành mạch bằng chất giọng lạnh lùng rồi đặt cuốn Nhập môn Logic học lên mặt quầy. Cái ấn tượng về giám đốc ngân hàng của tôi bắt đầu thay đổi. Có khi người này là một phát thanh viên hay bình luận viên kì cựu cũng nên.
- Người định giá sách hiện không có mặt. Ông có phiền không nếu tạm gửỉ cuốn sách ở đây và quay lại vào ngày mai?
Tôi giải thích một cách lưu loát. Ba tuần lễ làm việc ở Biblia đã giúp tôi dần quen với việc tiếp đón khách hàng tới cửa tiệm.
- Cũng được.
- Cảm ơn ông. Vui lòng ghi lại tên và địa chỉ vào đây giúp tôi.
Tôi lấy tờ phiếu thu và bút bi để lên trên mặt quầy, chỉ cho ông khách biết những ô cần ghi. Ông ta bèn bỏ kính râm ra, cầm lấy cây bút rồi bắt đầu viết. Tên ông ta là Sakaguchi Masashi, sinh ngày 2 tháng Mười năm 1950. Chỗ ở hiện tại là thành phố Zushi ngay cạnh Kamakura.
Khác với vẻ bề ngoài chỉn chu, chữ viết của ông Sakaguchi không được ngay ngắn cho lắm. Có lẽ ông ta cũng định viết thật cẩn thận, song cuối cùng thì chữ vẫn xíên xẹo, lấn ra ngoài khung.
Sau đó, đột nhiên tôi phát hiện một vết sẹo khá rõ ở khóe mắt bên phải của người đàn ông. Hình như cặp kính râm là để che đi vết sẹo ấy thì phải. Xem ra là một vết sẹo đã lâu năm, nó khiến gương mặt ông trở nên đáng sợ, và lại gây thêm cho tôi một ẩn tượng khác. Mặc vest phẳng phiu, giọng nói lạnh lùng, trên mặt có sẹo. Tôi cũng không rõ rốt cuộc ông ta là hạng người như thế nào nữa. Phần “Nghề nghiệp” trên tờ phiếu thu chỉ ghi ngắn gọn là “Nhân viên công ty” mà thôi.
- Thế này là được rồi đúng không?
- À, vâng.
- Giá bao nhiêu cũng được, còn nếu không bán được thì tôi sẽ mang về.
- Vâng ạ.
- Tôi sẽ quay lại vào khoảng trưa ngày mai. Nhờ tiệm định giá xong giúp tôi trước lúc đó. Nếu giờ hẹn có thay đổi, tôi sẽ liên lạc lại với tiệm. Phần tôi chi có thế. Cậu còn vấn đề gì khác không?
Tôi không có gì cần nói thêm, tuy nhiên, tôi cứ thây có điều không ổn lắm.
- Dạ không ạ.
- Ừ. Vậy nhờ cậu.
Nói đoạn, ông Sakaguchi đeo lại kính râm, bước đi như diễu hành và ra khỏi tiệm sách cũ Biblia.

Tôi vừa dứt lời, Shinokawa đã lên tiếng:
- Ông Sakaguchi có vẻ là một người cẩn trọng, nhỉ.
- Ừm. Nhưng kiểu cẩn trọng của ông ta hơi thiếu tự nhiên. Vì cứ thái quá ấy.
Hành động của ông Sakaguchi không có gì đáng ngờ cả, chỉ là ông luôn trả lời các câu hỏi một cách nhanh chóng và rành mạch, như thể đã hình dung sẵn cuộc hội thoại sẽ diễn ra thế nào và nên đáp lời ra sao. Mà, cũng có thể ông ta thuộc mẫu người quen nói chuyện cẩn thận và mạch lạc thế thôi.
- Vẫn còn lý do gì khác khiến anh Gora cảm thấy ông ấy kì lạ nữa, phải không?
Tôi thần người trước câu hỏi của Shinokawa. Quả nhiên, cô gái này vô cùng tinh ý.
- Ừm, vẫn còn đoạn sau.
Đúng vậy, vấn đề chính nằm ở phần tiếp theo đây.
- Chừng một tiếng sau khi người đàn ông có tên Sakaguchi ra về...

Tôi nhớ chính xác lúc ấy là 2 giờ chiều, giữa lúc tôi đang nói chuyện với anh chàng sedori tên Kasai. Chiều hôm nay, anh ta bỗng dưng xuất hiện ở tiệm sách Biblia và nói có việc cần nhờ. Chẳng là mới nhận được vài yêu cầu về mảng sách cũ, có điều anh ta lại không rành rẽ việc mua bán sách cũ cho lắm. Kasai cũng đã nhờ ông Shida giúp đỡ rồi, song vẫn muốn tiệm sách Biblia của chúng tôi hỗ trợ thêm, dĩ nhiên là sẽ có một khoản đáp lễ tương xứng.
Cũng không phải là chuyện gì có hại cả, tôi đang nghĩ thế thì điện thoại trong tiệm reo vang.
- Cảm ơn quý khách đã chiếu cố. Tiệm sách Biblia xin nghe, tôi là...
Tôi nhấc ống nghe, vừa định giới thiệu tên tuổi thì một giọng nói cao vút dội thẳng vào tai.
- Xin hỏi có phải tiệm sách cũ đó không? Chỗ các cậu mua lại sách cũ đúng không? Có ai tên là Sakaguchi tới đó bán sách hôm nay không? Người cao, mặt nghiêm nghị, giọng hơi cứng nghe như ông già ấy? Sakaguchi Masashi. “Saka” là “dốc”, “guchi” là chữ “khẩu”, “masa” viết là hai chữ “nhật” chồng lên nhau, còn “shi” là chữ “chí” ấy.

[Người gọi điện phải giải thích như vậy do tên người Nhật được viết bằng chữ Hán và cùng một cách đọc có thể viết bằng nhiều chữ Hán khác nhau]

Nghe tới đây, tôi mới hoàn hồn để trả lời đầu dây bên kia.
- Xin lỗi, có thể cho tôi hỏi ai đang gọi điện đấy không ạ?
- Tôi là vợ của Sakaguchi. Tự nhiên phải nói ra thế này ngại quá. Ha ha ha ha ha! Thật đấy!
Chảng hiểu tại sao, người phụ nữ bỗng dưng bật cười. Bà ta cười vì cái gì thế? Cái ông Sakaguchi kia dã đủ kì lạ rồi, người phụ nữ tự xưng là vợ trong điện thoại này còn kì lạ hơn. Mà bà ta có thật là vợ ông ta không nhỉ? Tôi cho biết tin ông Sakaguchi đã tới tiệm sách rồi thì có sao không đây?
- Thế nào? Chồng tôi có tới đằng ấy không?
Tôi cau mày suy nghĩ. Người phụ nữ này biết tên ông Sakaguchi, lại biết cả việc ông ta sẽ tới bán sách, chắc là vợ thật cũng nên. Bà ta có chuyện gì gấp cần liên lạc với chồng chăng?
- Vâng, ông nhà có ghé ạ.
- Vậy à? Thế, các cậu mua cuốn sách đó rồi? Đã bán lại cho ai khác chưa?
- Dạ chưa, chúng tôi vẫn đang giữ đây. Lát nữa sẽ có người định giá cho nó.
- Bao giờ thì xong?
- Chiều hôm nay ạ.
- Nghĩa là chồng tôi sẽ quay lại tiệm sách đúng không? Hôm nay? Hay ngày mai?
- Ngày mai ạ.
- Tôi hiểu rồi! Cảm ơn cậu nhiều lắm nhé! Tên cậu là gì vậy?
- Tôi tên là Gora.
- Cậu Gora? Hẹn gặp lại cậu sau nhé!
- Dạ?
Hẹn gặp lại cậu sau nhé” là sao cơ? Thế nhưng, điện thoại đã ngắt mất rồi.

- Nghe chừng bà ấy là người khá sôi nổi...
Tôi có cảm giác Shinokawa đang nói giảm nói tránh quá rồi. Sôi nổi ư? Tôi thấy bà ta dễ bị kích động thì đúng hơn.
- Cô nghĩ sao? Có chuyện gì đã xảy ra với cặp vợ chồng đó, đúng không?
Shinokawa chống cằm suy nghĩ một lúc rồi đột nhiên hỏi:
- Sau khi gọi đỉện thoại, vợ ông Sakaguchi có tới tiệm không?
- Không. Sao vậy?
- Bà ấy nói “Hẹn gặp lại cậu sau nhé” còn gì. Tôi nghĩ là bà ấy định tới cửa tiệm đấy.
- Hả?
Ừ nhỉ. Có thể bà ta định tới tiệm thật. Lại còn hỏi tên tôi nữa mà.
- Nhưng, bà ta định tới để làm gì? - Tôi hỏi.
- Tôi cho rảng bà ấy muốn lấy lại cuốn sách trước khi nó bị bán mất. Bà ấy đã hỏi là bao giờ nó được định giá xong và khi nào thì ông chồng quay lại tiệm đấy thôi.
- À.
Ra vậy. Thảo nào mà hỏi han tôi đủ thứ. Tuy không có bằng chứng gì nhưng nghe cũng khá hợp lý đấy.
- Thế, đây là sách cửa bà vợ à?
- Tại sao cơ?
- Bà ta muốn ngăn việc cuốn sách bị bán đi còn gì? Có lẽ vì nó là của bà ta nên...
- Tôi không nghĩ vậy đâu. - Shinokawa lắc đầu, - Nếu thế thì hẳn bà ấy đã giải thích rõ ràng với anh ngay từ đầu rồi. Bà ấy là kiểu người không thể kiềm chế cảm xúc của mình, phải không nào?
- Ừm.
Bà ta không hề lộ vẻ tức giận với chồng mình, thậm chí còn cười khi nhận là vợ ông Sakaguchi nữa. Nếu ông ta tự tiện mang sách của vợ đi bán thì chắc chắn bà phải cằn nhằn ít nhất là một, hai câu chứ.
- Ơ? Nhưng nếu thế thì chẳng lẽ ông Sakaguchi đó muốn bán sách của ông ta, còn bà vợ thì lại khăng khăng ngăn cản sao? - Tôi thắc mắc.
- Ừm, chắc là vậy.
- Họ kì lạ thật đấy, đúng không? Vì sao phải làm thế nhỉ?
Shinokawa đưa cho tôi xem bìa cuốn Nhập môn Logic học không có vỏ bọc ngoài. Bên dưới nhan đề có in một hình thù trông như hai chiếc lược lớn màu xanh áp gáy vào nhau. Kiểu bìa đó tạo cho tôi cảm giác nó đã cũ lắm rồi.
- Có lẽ vì cuốn sách này chứa đựng bí mật gì đó. - Cô vừa nói vừa giở vài trang sách.
Tôi ngồi thẳng dậy, ghé mắt nhìn vào sách. Không giống bộ Soseki toàn tập của tôi, cuốn Nhập môn Logic học trong tay Shinokawa không có bất kì một chữ viết hay kí hiệu nào cả. Dường như cuốn sách cũ tới mức này là do thường xuyên được người ta cầm đọc, chứ không phải vì không được giữ gìn cẩn thận.
- Ừm, Nhập môn Logic học nói về cái gì vậy? - Tôi hỏi.
Câu hỏi này quá đỗi cơ bản, song, xem ra Shinokawa chẳng thấy phiền hà gì nên trả lời:
- Cuốn sách này diễn giải về logic học hình thức, hay còn gọi là logic kí hiệu, ừm, ví dụ đơn giản thì là, A bằng B, B bằng C, vậy suy ra A bằng C.
Tôi cố gắng lục lọi trí nhớ cùa mình. Hình như tôi đã nghe thấy cái này ở đâu đó.
- Là tam đoạn luận* phải không?

*[Cách suy luận từ hai mệnh đề để tiến đến một kết luận tất yếu đã ngầm chứa trong hai mệnh đề đó]

- Đúng rồi. Logic học hình thức là sử dụng hình thức tư duy của tam đoạn luận cùng với các kí hiệu và quy tắc trong toán học để chứng minh tính đúng đắn của mệnh dễ cho sẵn. Đây là bản dịch tiếng Nhật của một cuốn sách giáo khoa từng được dùng để giảng dạy ở Nga vào thời còn gọi là Liên Xô. Nội dung của nó đương nhiên là về các kiến thức cơ bản của logic học. Các câu hỏi trong sách phần lớn đều liên quan tới “Người lao động” và “Nông trang tập thể” nên khá thi vị. Mặt khác, trong này còn trích dẫn nhiều danh ngôn của Stalin.
Nghe Shinokawa nói về hình thức tư duy của logic học, tôi lại nhớ tới người đàn ông tên Sakaguchi đó. Có lẽ ông ta thích những cuốn sách loại này nên mới nói năng mạch lạc như vậy.
- Đây là bản in đầu tiên đấy. - Shinokawa giở đến phần cuối sách.
Tôi rướn người đến cạnh giường hơn để nhìn, và thấy ghi: “Bản in đầu tiên, phát hành ngày mùng 1 tháng Bảy năm 1955”.
- Hình như ông Sakaguchi không mua cuốn này ở một tiệm sách mới đâu.
- Sao cô biết?
Shinokawa rút tờ phiếu thu kẹp trong sách ra, chỉ cho tôi xem phần ngày tháng năm sinh. Sagaguchi Masashi, sinh ngày 2 tháng Mười năm 1950. À, ra thế. Khi cuốn sách được xuất bản thì ông ấy mới có 5 tuổi. Cuốn sách này tuyệt đối không phải là thứ mà một đứa trẻ con học mẫu giáo sẽ mua để đọc.
- Vậy là ông ấy đã mua ở tiệm sách cũ ư?
- Hoặc có ai đó đã tặng lại cho ông ấy... Á! - Shinokawa bật kêu. Rồi, như giật nảy bởi hành động vừa rồi của mình, cô lập tức đưa tay che miệng. Hiếm lắm tôi mới thấy cô kêu lên bất ngờ thế này.
- Xin lỗi anh.
Shinokawa nhìn chằm chằm vào trang cuối của cuốn Nhập môn Logic học. Ở đó có một cái nhãn bằng giấy được dán vào phần giới thiệu sách mới. Mé bên phải nó in dòng chữ “Giấy chứng nhận sách thuộc sở hữu cá nhân”, sau đó lần lượt là các dòng “Tên sách”, “Người sở hữu”, “Ngày chứng nhận”, “Số phòng”. Tên sách được ghi là “Nhập môn Logic học”, người sở hữu là “Sakaguchi Masashi”, và vì một lý do nào đó mà phía trên cái tên có đánh số “109”.
Ngày chứng nhận là ngày 21 tháng Mười năm 47. Có lẽ không phải năm 1947 Dương lịch mà là năm Chiêu Hòa thứ 47. Tôi đã nhớ được cách tính năm từ vụ Soseki toàn tập tháng trước. Năm Chiêu Hòa thứ 47 ứng với năm 1972 Dương lịch. Hiện giờ là năm 2010, tức là cái nhãn đã được dán ở đây từ gần bổn mươi năm nay rồi.
- Cái gì thế nhỉ?
Trông không giống thẻ mượn sách ở thư viện. “Sách thuộc sở hữu cá nhân” và “Số phòng” ở đây có nghĩa là gì, tôi không hiểu lắm.
Shinokawa không trả lời câu hỏi của tôi, chỉ nhìn đăm đăm vào mảnh giấy có ghi “Giấy chứng nhận sách thuộc sở hữu cá nhân”.
- Shinokawa?
Tôi gọi to hơn một chút. Cuối cùng cô cũng chịu lên tiếng.
- Trong quá trình mua bán các cuốn sách cũ, thỉnh thoảng tôi cũng nhìn thấy mấy tờ giấy giống thế này. - Giọng Shinokawa nghe nặng nề, - Những cuốn sách mà thư viện trong nhà giam cho tù nhân mượn được coi là tài sản của Chính phủ, trong khi đó, sách của tù nhân thì được gọi là “Sách thuộc sở hữu cá nhân”. Nói cách khác, đây là giấy chứng nhận sở hữu cá nhân của cuốn sách này.
Tôi im lặng nhìn cái nhãn in dòng chữ “Giấy chứng nhận sách thuộc sở hữu cá nhân” nọ. Phải mất một lúc, tôi mới nhận thức được ý nghĩa trong câu nói của Shinokawa. Trên giấy chứng nhận có tên ông Sakaguchi. Nghĩa là...
- Ông ta đã từng ở tù sao?
- Tôi e là thế. Chắc con số “109” này là mã số tù nhân của ông Sakaguchi.
- Không thể nào...
Người đàn ông đó quả thật kì lạ, song, trông ông ta không hề giống một người đã từng phạm tội chút nào. Mà nói cho đúng thì tôi cũng chưa bao giờ gặp ai có tiền án cả.
- Chúng ta thử tìm hiểu xem ông ấy có thực sự từng lĩnh án không nhé?
- Ơ? Có thể sao?
- Có chút manh mối thì chắc là được.
Nói đoạn, Shinokawa kéo chiếc máy tính xách tay đang để trên bàn cạnh giường lại gần và bấm nút khởi động. Tôi hi vọng sẽ nhìn thấy một cái hình nền dễ thương nào đó, thế nhưng trước mắt tôi lại là hình bìa của một cuốn sách. Nhan đề là Những năm cuối đời.
Shinokawa quả thật thích sách quá nhỉ! So với ngạc nhiên, tôi cảm thấy ấn tượng nhiều hơn.
- À, ừm, cái này... Anh đừng nhìn nhé!
Shinokawa bật trình duyệt web, mặt đỏ bừng, ở cạnh bên máy tính có gắn thiết bị thu phát sóng, giúp cô kết nối mạng từ phòng bệnh này. Trang mà cô vừa truy cập vào là cơ sở dữ liệu của một tờ báo lớn. Trong khung tìm kiếm, tôi thấy cô nhập dòng chữ “Sakaguchi Masashi”.
- A!
Tôi hiểu ý định của Shinokawa rồi. Nếu “Sakaguchi Masashi” thực sự từng gây ra vụ việc gì để phải ngồi tù thì chưa chừng sẽ có tin tức trên các báo. Đơn giản thế này mà tôi lại nghĩ không ra. Tôi hồi hộp nhìn kết quả tìm kiếm xuất hiện trên màn hình. Có một vài bài báo trong phần kết quả, tất cả đều đưa tin về một vụ việc xảy ra vào ngày 9 tháng Giêng năm 1971. Là một năm trước khi phát hành giấy chứng nhận kia.

Vụ cướp ngân hàng ở Hodogaya
(Vụ truy bắt giữa thanh thiên bạch nhật)

Chiều ngày 8 tháng Giêng, tại chi nhánh Hodogaya của Ngân hàng Sagamino ở thành phố Yokohama, một thanh niên mang theo khẩu súng săn đã cướp đi 400.000 yên tiền mặt rồi lên một chiếc xe khách đậu sẵn bên ngoài để tẩu thoát. Cảnh sát nhanh chóng đuổi theo và bắt được tên cướp sau khi chiếc xe khách đâm vào một nhà dân cách đó khoảng 1 kilomet. Được biết hắn tên là Sakaguchi Masashi (20 tuổi), vốn là công nhân của một nhà máy, sinh sống tại khu vực lân cận. Hiện, cảnh sát vẫn tiếp tục điều tra vụ việc.

Tôi sốc đến mức không thể ngậm miệng lại được. Người đàn ông trông giống giám đốc ngân hàng đó té ra lại là một tên cướp ngân hàng. Một điều quá sức khó tin, nhưng lại là một sự thật không thể chối cãi. Tuổi tác trùng khớp, hơn nữa trong một bài báo khác còn có đoạn như sau:

Sakaguchi bị thương nhẹ ở mặt sau khi đâm vào nhà dân, hiện đang được chữa trị trong bệnh viện. Tuy nhiên, việc này không ảnh hưởng gì tới quá trình tra của cảnh sát”.

Tôi nhớ tới vết sẹo nơi khóe mắt của ông khách. Ắt là nó cố từ vụ cướp ngân hàng này rồi.
- Người đó thực sự có tiền án sao?
- Dường như là vậy. - Shinokawa nặng nề gật đầu, - Nhưng, cái tên “Sakaguchi Masashi” không hề tái xuất hiện trong bất kì vụ việc nào khác nữa. Có lẽ đây là lần duy nhất ông ấy phạm tội, và giờ thì ông ấy đã thay đổi rồi.
Thật lòng tôi cũng muốn nghĩ thế. Nhưng tôi vẫn cảm thấy lo lắng, ngộ nhỡ ông Sakaguchi không thay đổi gì so với năm đó thì sao? Nói gì thì nói, người ngày mai tiếp ông ta ở tiệm sách cũng sẽ là tôi mà.
- Chúng ta xử lý cuốn sách thế nào đây?
- Tôi nghĩ là cứ mua lại như bình thường thôi. Anh nói với ông ấy giá mua lại là 100 yên nhé.
Đúng là Shinokawa vẫn định giá như mọi khi. cô nói cũng không sai, dĩ nhiên chúng tôi nên làm việc của mình như bình thường cho dù khách hàng có là ai đi chăng nữa, nhưng nếu tôi bảo mình không hề cảm thấy bất an thì tức là nói dối.
- Tôi chi thắc mắc một chuyện. - Shinokawa nói, đóng máy tính xách tay lại rồi xoay người về phía tôi.
- Chuyện gì?
- Tại sao ông Sakaguchi muốn bán cuốn sách? Và tại sao vợ ông ấy lại muốn ngăn cản việc đó?
- À? Vì ông Sakaguchi không cần nó nữa chăng?
- Nhưng ông ấy đã giữ cuốn sách này gần bốn mươi năm trời rồi mà? Ông ấy nói giá mua ỉại bao nhiêu cũng được nên có lẽ không phải bởi đang cần tiền. Chưa kể, khó mà tin rằng ông ấy không có chỗ để đặt một cuốn sách cỡ nhỏ như bunko được. Hẳn phải có lý do gì khác khiến ông ấy muốn bán nó chứ, đúng không?
Tôi khoanh tay lại. Quả thật, không thể có chuyện người ta vô duyên vô cớ bán đi một cuốn sách mình đã giữ gìn suốt một thời gian dài như thế. Chắc chắn là nó có liên quan đến lý do khiến vợ ông Sakaguchi gọi điện tới để ngăn việc bán đi.
Từ trong phòng bệnh yên ắng, bỗng nghe mồn một tiếng bước chân lách cách đang tiến lại gần. Chúng tôi quay về phía cửa, đúng lúc nhìn thấy nó bật mở, rồi một phụ nữ có thân hình nhỏ nhắn bước vào.
- Xin chào! Đây có phải phòng của chủ tiệm sách không vậy?
Giọng nói cao vút dội thẳng vào tai tôi. Người phụ nữ mặc váy liền màu đỏ, tóc nâu hạt dẻ uốn xoăn ở phần đuôi. Gương mặt tròn với cặp mắt hai mí khiến thoạt nhìn người ta dễ tưởng là một cô gái trẻ, nhưng nhìn kĩ hơn một chút thì sẽ thấy vài nếp nhăn lộ ra dưới lớp trang điểm dày cộp ở cả đuôi mắt lẫn khóe miệng. Có lẽ người phụ nữ này cũng gần bốn mươi tuổi rồi.
Trừ đôi găng tay dài chống nắng trông chẳng ăn nhập gì với vẻ bề ngoài, trông bà giống hệt một tiếp viên quán bar chuẩn bị vào ca làm việc của mình.
Vào tới nơi, người phụ nữ híp mắt nhìn một vòng quanh phòng bệnh.
- Nhiều sách thật đấy! Đây là lần đâu tiên tôi được thấy nhiều sách thế này. Cô gái xinh đẹp đeo kính kia là chủ tiệm phải không nhỉ? Tháng Chín rồi mà chẳng hiểu sao hôm nay lại nóng như vậy nữa. Tôi phải đi bộ từ tận ga Ofuna tới đây đó... A! Xin lỗi nhé, chưa giới thiệu gì mà tôi đã huyên thuyên rồi.
Không cần giới thiệu tôi cũng biết bà ta là ai.
- Tôi là Sakaguchi Shinobu, vợ của ông Sakaguchi Masashi. Xin hãy trả lại cuốn sách cho tôi. - Bà cúi đầu thật thấp.
Sakaguchi Shinobu vừa cười vừa kéo chiếc ghế tròn ra rồi ngồi xuống mà chẳng đợi ai mời, vẫn nói thao thao bất tuyệt. Bà không xinh đẹp tới mức thu hút ánh nhìn của người khác, song biểu cảm trên khuôn mặt bà lại tự nhiên và tạo cho người ta cảm giác thân thiện.
- Tôi đã ghé qua tiệm mình ở Kita-Kamakura nhưng cô bé học sinh làm việc tại đó lại bảo là người biết chuyện đến bệnh viện mất rồi nên tôi đành tới thẳng đây. Ôi thôi chết! Tôi quên không mua gì cho cô rồi. Xin lỗi cô chủ tiệm nhiều nhé.
Đột nhiên bị nhắc đến, Shinokawa giật mình, đỏ mặt tía tai.
- K... không sao ạ. À, tôi là Shinokawa, rất vui được gặp bà.
Shinokawa lắp bắp chào hỏi, khẽ nhích khỏi vị trí đang ngồi như thể muốn giấu mình sau lưng tôi. Quả nhiên, nếu không phải nói chuyện về mấy cuốn sách thì cô gái này không thể giao tiếp bình thường được.
Tôi húng hắng vài tiếng rồi bắt chuyện:
- Tôi có thể hỏi vì sao bà lại muốn lấy cuốn sách về không?
- A! Cậu là người ban nãy nhận điện thoại đúng không? Vậy là cậu Gora nhỉ. Cậu cao thật, hơn cả Masa... À không, chồng tôi nữa.
Masa là tên gọi tắt từ Masashi mà ra à? Thôi, tôi quyết định tuyệt đối sẽ không suy nghĩ xem cái tên đó phù hợp với ông Sakaguchi ở chỗ nào.
- Chính chồng bà nói muốn bán nó cho chúng tôi kia mà?
- Đúng như thế, nhưng vấn đề nằm ở đây đấy! Chồng tôi vẫn luôn giữ gìn nó cẩn thận, tự dưng đùng một cái bảo bán là bán. Dù tôi có hỏi bao nhiêu lần thì ông ấy vẫn không chịu nói lý do, khuyên đừng bán ông ấy cũng không nghe. Tóm lại, tôi nghĩ mình nên lấy lại cuốn sách nên mới tới đây. À này, ông ấy nói chuyện cứng nhắc lắm đúng không?
- Dạ? À, vâng...
Chủ đề thay đổi đột ngột khiến tôi vất vả lắm mới theo kịp màn độc thoại của bà Sakaguchi.
- Do cuốn Nhập môn Logic học cả đấy. Nghe nói hồi trẻ ông chồng tôi ngớ ngẩn lắm. Sau đó, trong lúc tu hành ở chùa thì ông ấy được thầy giáo của trường cấp ba cũ tặng cho một cuốn Nhập môn Logic học. Thầy dặn rằng, nếu ông ấy chịu khó nghiền ngẫm cuốn sách thì rồi cũng sẽ nói chuyện rành mạch được với mọi người. Nó kì diệu tới nỗi có thể thay đổi cả một con người đó.
Tôi và Shinokavva liếc nhau. Chùa ư?
- Xin lỗi, bà vừa nói là ở chùa ạ?
- A! Cũng tại tôi không nói rõ. Ông nhà tôi ấy mà, từ hồi 20 tuổi đã bắt đầu tu hành ở chùa, trong khoảng năm năm thì phải. Nhà tôi không có ý định xuất gia đâu, mà là có chuyện gì đấy khiến ông ấy bắt buộc phải tới đó tu hành thôi.
Vất vả lắm tôi mới đủ sức giữ cho khuôn mặt mình không lộ vẻ khác thường. Hình như bà Sakaguchi không hề hay biết gì về việc chồng bà đã từng phạm tội, thậm chí còn bắt đầu kể về ngôi chùa đó nữa chứ.
- Ông ấy kể là chùa nghiêm lắm, ai tới thăm cũng chỉ được gặp mặt một chút thôi, lại thêm tường xây cao ngất không ra ngoài được nên sau khi tu hành xong, ông ấy đã ngạc nhiên về cuộc sống bên ngoài vì nó thay đổi nhiều quá.
Hẳn là ở chùa! Nghe miêu tả như thế mà bà ấy không hề liên tưởng tới nhà tù thì đúng là nhẹ dạ thật!
Mà không, nên nói rẳng chỉ tại bà ấy có lòng tin quá đỗi sâu sắc đối với chồng mình thôi.
- Nói chung, tôi nghĩ Masa không nên bán cuốn sách. Không thì chắc chắn ông ấy sẽ phải hối hận. À, cuốn sách đằng kia là sách của ông nhà tôi đúng không? Cô cậu chưa trả tiền nên tôi có thể cầm nó về chứ?
Bà Sakaguchi ngồi thẳng dậy và chỉ vào cuốn Nhập môn Logic học đặt trên lòng Shinokawa, trông như đã sẵn sàng vươn tay lấy cuốn sách ngay bây giờ. Tôi đang phân vân xem có nên ngăn bà lại không thì Shinokawa đã nói với giọng kiên quyết.
- Xin lỗi, tôi không thể đưa nó cho bà được.
Chẳng biết từ lúc nào mà Shinokawa đã thôi không trốn sau lưng tôi nữa, thay vào đó, cô ngồi ở phía đối diện và nhìn thẳng vào bà Sakaguchi. Đây chính là tác phong của cô khi giải quyết những chuyện liên quan tới sách.
Bà Sakaguchi tròn mắt ngạc nhiên vì bị từ chối thẳng thừng.
- Ơ? Sao lại không thể?
- Chồng bà mới là chủ của cuốn sách này và ông ấy muốn bán nó. Với cương vị chủ nhân của một tiệm sách cũ, tôi không thể từ chối yêu cầu của khách hàng. Giả như bà không muốn nó bị bán đi, xin hãy thuyết phục ông nhà, chứ không phải chúng tôi. - Tay nắm chặt cuốn sách, Shinokawa hướng về phía bà Sakaguchi, cúi đầu thật thấp.
Bà Sakaguchi thả người xuống ghế như bị rút hết sức lực. Đột nhiên bà trở nên im lặng, nhưng rồi chỉ một lát sau, bà lại nhìn Shinokawa và nở một nụ cười yếu ớt.
- Ừ nhỉ! Cô chủ tiệm nói đúng. Tôi suy nghĩ không thấu đáo nên trót đưa ra một yêu câu vô lý quá. Xin lỗi. - Nói xong, bà thở dài và hướng mắt lên trần nhà. - Có điều, tại sao ông ấy lại nhất quyết bán nó đi bằng được thế nhỉ? Tôi thấy lạ lắm. Mà ông ấy chẳng chịu hé môi gì cả. Có lẽ chẳng ai biết lý do đâu.
Đương nhiên rồi! Đến cả vợ ông ta cũng không biết thì làm gì còn ai biết được nữa. À mà không, ở đây có một người này. Tôi ngoảnh lại nhìn Shinokawa, người tài giỏi trong việc giải đáp những bí ẩn xung quanh các cuốn sách.
- Tình cảm giữa hai người gắn bó thật đấy. - Cô nói.
Bà Sakaguchi xấu hổ cười cười rồi gật đầu.
- Ừm! Gắn bó lắm! Dẫu đã kết hôn được hai mươi năm rồi nhưng tới tận bây giờ, chúng tôi vẫn cực, cực ngọt ngào đó!
Cách bà nhấn mạnh cho chúng tôi thấy rõ ràng họ thân mật đến mức độ nào. Dường như niềm hạnh phúc trong giọng bà Sakaguchi lan tỏa sang cả Shinokawa, cô mim cười.
- Bà gặp chồng mình như thế nào?
Nghe vậy, tôi biết cô đang thu thập thêm thông tin. Nét mặt bà Sakaguchi thay đổi hẳn. Bà hơi rướn người về phía chúng tôi.
- Chuyện kể ra thì dài lắm, có sao không?
Chúng tôi vừa gật đầu, bà đã kể luôn.
- Tôi gặp ông ấy sau khi tốt nghiệp cấp ba được một năm. Bấy giờ tôi đang làm tiếp viên quán. À mà bây giờ tôi vẫn đang phụ giúp tại quán bar cùa một người bạn, tôi ăn mặc thế này là để lát nữa đi làm đấy. Tôi ấy mà, không hòa thuận với cha mẹ lắm đâu. Họ đều thông minh và tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng, còn tôi thì vì học hành kém cỏi nên cứ bị mắng là ngu ngốc suốt từ bé đến lớn. Có lẽ mọi chuyện sẽ không ra nông nỗi ấy nếu tôi chăm chỉ học hành, nhưng tôi thực sự ghét học.
Thế nên, vừa tốt nghiệp cấp ba một cái tôi bỏ nhà đi luôn. Lúc đầu tôi làm nhân viên ở một công ty bình thường, song, bởi vì chậm tiêu và rốt cuộc vẫn không làm được gì ra hồn nên chỉ nửa năm sau đó, tôi đã bị đuổi việc. Để tự nuôi sống bản thân, tôi từng làm nhiều công việc bán thời gian khác, có điều dù làm việc ở đâu, tôi cũng bị mắng mỏ tối tăm mặt mũi. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ là thể nào cũng sẽ có công việc phù hợp với bản thân, và rồi tôi quyết định đi làm tiếp viên ở hộp đêm.
Dạo này thì ít rồi chứ hồi tôi còn trẻ ấy hả, vùng này có nhiều hộp đêm lắm. Tôi đã tới một hộp đêm lớn có thâm niên kinh doanh ở cửa Tây của ga Yokohama và được nhận ngay sau buổi phỏng vấn. Cô cậu nhìn nè, tôi của hiện tại rất giỏi gợi chuyện, đúng không? Hồi mới vào làm, tôi kém cỏi hơn bây giờ nhiều lắm. Trong khi công việc của tiếp viên là khiến cho khách hàng thoải mái và vui vẻ, tôi lại chỉ toàn nói về chuyện của bản thân mình thôi. Khách hàng ở hộp đêm hầu hết là người trưởng thành, làm gì có ai muốn nghe mấy câu chuyện của một con nhóc vừa tốt nghiệp cấp ba cơ chứ. Tôi thực sự đã cố hết sức để làm một tiếp viên tốt, song đến cuối cùng, thứ tôi nhận về đều chi là những lời mắng nhiếc, thậm chí chủ quán đã dọa rằng nếu tôi cứ tiếp tục như thế thì sẽ bị đuổi việc. Đúng lúc tuyệt vọng thì tôi gặp Masa. Hôm đó, ông ấy đi một mình vào hộp đêm chỗ tôi làm việc.
Trời thì nóng mà ông ấy mặc vest chỉn chu, vào hộp đêm ngồi mà sống lưng thẳng tắp. Ông ấy vẫn như thế cho đến tận ngày hôm nay. Hồi đó nhà tôi đã bước vào tuổi trung niên rồi, nhưng vẫn chưa lấy vợ, cũng nói bình thường chẳng vào hộp đêm bao giờ, tự dưng muốn tìm một chỗ để thư giãn tinh thần thôi.
Ban đâu tôi cho rằng Masa là một người đáng sợ. Chẳng hề thổ lộ về bản thân, lại thêm cách giao tiếp cứng nhắc khiến tôi cảm thấy không khác gì ông bô ở nhà. “Hẳn người này cũng tốt nghiệp một trường đại học danh giá nào đó, biết đâu đang làm việc ở ngân hàng cũng nên”, ý nghĩ khiến tôi căng thẳng cực kì. Kết quả là chúng tôi hầu như chẳng nói gì với nhau, chỉ ngồi và uống rượu suốt nửa tiếng liền. Sau đấy, Masa đột nhiên gợi ý, “Tôi không giỏi nói về bản thân mình, vì vậy, tôi muốn nghe chuyện của em. Em nói gì cũng được, chuyện gì tôi cũng sẽ nghe”. Trước giờ tôi luôn bị cảnh cáo là không được tự ý sa đà vào những chủ đề mình thích, đây là lần đâu tiên có người bảo rằng sẽ nghe mọi chuyện tôi nói. Tôi rất ngạc nhiên, song Masa thẳng thắn như thế rồi thì đương nhiên tôi không thể chối từ, đúng không? Vậy là tôi bắt đầu kể từng câu chuyện còn nhớ được, từ chuyện tối hôm trước ăn gì cho đến chuyện chú chó tôi nuôi hồi bé.
Dần dần, tôi cảm thấy thoải mái hơn và bắt đầu lan sang những chủ đề khiến tôi cảm thấy muộn phiền, như là nỗi sợ bị đuổi việc chẳng hạn, và thế là cuộc tâm tình của chúng tôi biến thành một buổi tư vấn tâm lý từ lúc nào chẳng hay. Tôi vừa khóc vừa kể lể về những thất bại trong cuộc đời mình, rằng tôi chẳng thể làm được gì ra hồn vì quá ngốc nghếch, và tôi không biết mình nên làm gì hay đâu mới là nơi dành cho tôi tồn lại. Giờ nghĩ lại, mới thấy Masa thật kiên nhẫn khi ngồi nghe hết đống than vãn ẩm ương đó.
Và, quan trọng là những gì xảy ra tiếp theo! Sau khi kể khổ xong, tôi nói, “Tiếp viên không phải là nghề dành cho kẻ ngốc. Em quá ngốc nên không thể làm một tiếp viên tốt được”. Masa đã im lặng từ đầu cho tới lúc ấy, đột nhiên đặt cạch chiếc ly đang cầm trên tay xuống bàn. Tiếng động quá lớn khiến tôi giật bắn mình. Tôi cứ tưởng mình đã làm ông ấy tức giận, nhưng không, ông nhìn tôi và nói với gương mặt nghiêm túc, “Em vừa mới nói chuyện dựa trên tam đoạn luận đấy. Một người ngốc nghếch thì sẽ không biết dùng tam đoạn luận đâu. Em tuyệt đối không ngốc”.
Kì quặc, đúng không? Dẫu không biết cái tam đoạn luận mà Masa nói là gì, tôi vẫn biết mình đang được an ủi. Bấy giờ tôi cảm động lắm. Chưa ai an ủi tôi bao giờ cả. Rồi, Masa nắm chặt lấy hai bàn tay tôi, nói tiếp, “Em thông minh hơn tôi hồi trẻ nhiều lắm, bằng chứng chính là việc em dùng hai bàn tay này để tự mình kiếm tiền nuôi sống bản thân. Dù người khác có nói thế nào đi chăng nữa, em cũng không cần phải cảm thấy xấu hổ về chính mình đâu”.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác muốn được một người đàn ông ôm vào lòng. Mà không, đúng là tôi đã bảo ông ấy ôm lấy tôi. Và ông ấy làm thật. Sau đó chúng tôi cứ thế kết hôn. Ha ha ha ha! Mặc dù cuộc hôn nhân của chúng tôi bị người ta xì xào bàn tán dữ lắm, tại tuổi tác hai bên cách biệt khá lớn, với lại tính cách của Masa cũng hơi lập dị nữa, song tôi chẳng thèm để tâm. Hai mươi năm trôi qua rồi mà chúng tôi vẫn hạnh phúc còn gì! Trông bề ngoài ông ấy khá đáng sợ, đúng không? Nhưng thật ra tính tình dịu dàng lắm cơ. Có lẽ do hồi còn trẻ đã quá vất vả nên mới tạo ra bộ dạng hung dữ như vậy thôi. Thinh thoảng tôi còn nghĩ “một người tốt hiếm có như Masa mà lại lấy phải tôi, quả thật lãng phí”.
Bà Sakaguchi mải miết kể về những điểm tốt của người chồng khiến bà tự hào.
- Sao? Đúng là một người đàn ông tuyệt vời, nhỉ?
Càng nghe, tâm trạng tôi càng trở nên nặng nề. Tôi không khỏi cảm thấy xót xa cho ông Sakaguchi. Thừa nhận rằng bản thân có tiền án với một người tin tưởng mình tới nhường này quả là một điều quá sức khó khăn. Cuối cùng thì tôi cũng đã hiểu vì sao ông Sakaguchi phải lừa vợ mình bằng câu chuyện đi tu ở chùa khó tin như thế.
- Gần đây chồng bà có gì khác lạ không?
Nghe Shinokawa hỏi, bà Sakaguchi liền tỏ vẻ lo lắng.
- Tầm một tháng nay đổ lại, Masa bắt đầu trở nên kì lạ. Ít nói hơn bình thường, chẳng mấy khi cười, cũng không nhìn vào mắt tôi... A! Còn cả cặp kính râm đó nữa! Nhà tôi mới mua nó gần đây thôi. Trông xấu chết đi được! Cái đó là lạ nhất!
Đấy không phải điều ít quan trọng nhất à?
- Ông ấy cho bà đọc cuốn sách này bao giờ chưa? - Shinokawa chìa phần bìa của cuốn Nhập môn Logic học ra cho bà Sakaguchi xem.
- Chưa. Tôi chưa đọc nó bao giờ. - Bà lắc đầu quầy quậy, - Nhà tôi quý nó lắm, với lại có đọc tôi cũng chẳng hiểu. À mà lần trước dọn nhà, tôi có giở ra xem. Nó nằm trên nóc cái tủ ly trong phòng khách và bị bụi bám bẩn nên tôi có cầm lên và lật qua vài trang.
Sắc mặt Shinokawa thay đổi hẳn. Giống hệt cái lần cô phát hiện ra bí mật trong bộ Soseki toàn tập của tôi.
- Bấy giờ chồng bà có ở đó không?
- Có không nhỉ? À, có. Tôi bảo ông ấy ra ngoài hiên ngồi để tôi dọn dẹp mà. Ông ấy ở ngoài đó nghe đài thì phải, dạo gần đây ông ấy thích nghe đài lắm.
- Vậy sao? - Shinokawa thì thầm.
Tôi nghĩ là tôi cũng hiểu tất cả mọi chuyện rồi. Cái nhãn “Giấy chứng nhận sách thuộc sở hữu cá nhân” sẽ tố cáo việc ông Sakaguchi từng ở tù. Ngộ nhỡ bà Sakaguchi phát hiện ra điều đó thì có thể cuộc hôn nhân của họ sẽ đi đến đổ vỡ. Vậy nên ông Sakaguchi muốn đẩy mối nguy, dẫu nhỏ bé, này đi càng xa càng tốt trước khi bị phát hiện, âu cũng là chuyện đương nhiên thôi.
- Mà, có thể cho tôi mượn cuốn sách một chút được không? Tôi muốn xem thử nó nói gì.
Bà Sakaguchi vừa dứt lời, tôi liền giật bắn mình, Shinokawa cũng lộ vẻ bối rối.
- À, tôi sẽ không mang nó về đâu. Tôi chỉ muốn biết nó là cuốn sách như thế nào thôi. Tự dưng bây giờ tôi mới nhận ra rằng mình chưa từng đọc nó. Chỉ đọc thử thôi thì chắc không sao chứ nhỉ?
Bà Sakaguchi mỉm cười, tự nhiên vươn tay ra, định cầm lấy cuốn sách. Thấy vậy, tôi bất giác buột miệng nói:
- N... nhưng lỡ bên trong có thứ gì mà ông ấy không muốn cho ai xem thì sa...
- Anh Gora!
Tôi im bặt khi nghe tiếng Shinokawa kêu lên. Thôi rồi, tôi đã lỡ nói ra điều không nên nói.
Không ngờ, Shinokawa lại lắc đầu:
- Không, không phải như thế.
“Không phải như thế” là sao? Tôi đã nói gì mà bảo “không phải”?
Trong cuốn Nhập môn Logic học của ông Sakaguchi có dán “Giấy chứng nhận sách thuộc sở hữu cá nhân”, thứ cho thấy ông ta từng phải ngồi tù. Vào lần dọn dẹp nhà gần đây nhất, vợ ông đã mở nó ra xem. Sau đó, ông mang sách đến bán cho tiệm chúng tôi. Dù nghĩ thế nào thì đấy cũng là hành động nhằm che giấu sự thật về quá khứ phạm tội mà nhỉ? Chẳng lẽ còn lời giải thích khác nữa ư?
- Sao vậy? Hai người đang nói gì thế? - Bà Sakaguchi hoang mang nhìn tôi và Shinokawa rồi lại nhìn xuống cuốn Nhập môn Logic học. - Trong cuốn sach này có cái gì à?
Shinokawa không trả lời câu hỏi đó. Cả căn phòng chìm vao im lặng.
Tôi thấy hối hận vì những gì vừa buột miệng nói ra. Nếu bây giờ cho bà Sakaguchi xem cuốn sách, có thể bà sẽ nhận ra thứ khiến chúng tôi bối rối là cái “Giấy chứng nhận sách thuộc sở hữu cá nhân” kia, mà không cho bà xem thì hình như càng đáng nghi hơn. Tôi không biết bây giờ chúng tôi nên làm thế nào nữa.
Đúng lúc ấy, đột nhiên có tiếng gõ cửa phòng. Tôi khẽ thở phào nhẹ nhõm.
- Mời vào.
Shinokawa vừa dứt lời, cửa phòng đã bị đẩy bật ra. Một người đàn ông cao ráo mặc vest và đeo kính râm bước vào. Ông ta thở hổn hển như thể vừa chạy vội tới đây.
- A! Masa! - Bà Sakaguchi vẫy tay, bộ điệu vui vẻ.
Người vừa tới không phải ai khác mà chính là ông Sakaguchi.
- Anh ngồi đi, đây đây!
Bà Sakaguchi kéo một chiếc ghế tròn khác lại gần chỗ mình đang ngồi. Ông Sakaguchi im lặng ngồi xuống đó. Hai người sánh vai nhau trông vô cùng thắm thiết, có điều trông giống một cô con gái lâu lâu về thăm bố hơn là một cặp vợ chồng.
- Sao anh lại tới?
- Anh gọi điện cho tiệm sách cũ để thông báo đổi giờ hẹn vì kế hoạch ngày mai thay đổi, sau đó anh nghe người ta bảo em đang ở đây nên anh đến. - Ông Sakaguchi nói với biểu cảm lạnh lùng, - Nếu được thì anh muốn em đừng gọi anh là “Masa” trước mặt người ngoài. Anh đã nhắc nhở em nhiều lần rồi đúng không?
- A! Em xin lỗi. Ừm, Masa... shi! Anh đừng bán cuốn sách!
Bà vợ đột ngột vào thẳng trọng tâm vấn đề, tuy phiên, ông Sakaguchi có vẻ cương quyết.
- Xin lỗi, song anh đã quyết rồi. Anh bán vì nghĩ mình không cần đến nó nữa thôi.
- Anh đừng nói dối là không cần nó nữa! Không phải anh đã luôn giữ gìn nó cẩn thận sao? - Bà Sakaguchi chỉ vào cuốn Nhập môn Logic học, - Nhờ nó anh mới dụ dỗ được em! Cái tam đoạn luận anh nói ngày ấy viết trong sách này đúng không? Cho nên nó cũng là một món đồ tràn đầy kỉ niệm đối với em nữa đấy nhé!
- Vốn dĩ lúc ấy anh không hề có ý định dụ dỗ em.
- Nhưng em thấy chẳng khác gì bị dụ dỗ! Sau khi tỏ tình, thậm chí anh còn hôn em nữa mà!
Ông Sakaguchi liếc nhìn chúng tôi. Dù nét mặt ông vẫn không hề thay đổi nhưng tôi có thể thấy những giọt mồ hôi to như hạt đậu đang chảy trên cổ ông. Đúng là tội nghiệp thật. Bà vợ tồng tộc tiết lộ cả những chuyện riêng tư của vợ chồng họ ra.
- Ít nhất anh cũng phải cho em biết lý do thực sự khiến anh muốn bán cuốn sách chứ? Dạo này anh lạ lắm, chẳng nói chẳng rằng, lúc nào cũng ủ dột, lại còn đeo kính râm nữa! Kì cục!
Bà ấy để ý tới cái kính râm thật đấy! Có điều, ông Sakaguchi lại quay mặt sang hướng khác sau khi nghe vợ nhắc đến kính râm. Chứng tỏ nó khiến ông nao núng. Tại sao? Kính râm thì có vấn đề gì nhỉ?
- Ông Sakaguchi. - Shinokawa chậm rãi nói, - Sớm muộn gì thì mọi người cũng sẽ biết cả thôi. Đó không phải là chuyện ông có thể giấu cả đời được. Hai chuyện khác nhau mà.
Shinokawa nhấn mạnh vào câu cuối cùng. Quả nhiên, rõ ràng là cô đang ám chỉ còn một bí mật đáng kể hơn cả tiền án trước đây của ông Sakaguchi. Tôi nghĩ tới câu “Không phải như thế” lúc nãy. Tóm lại, chuyện mà sớm muộn mọi người cũng sẽ biết là chuyện gì?
- Ừm...
Ông Sakaguchi tái mét mặt đi. Dường như đã hiểu Shinokawa ngụ ý việc ông từng ở tù. Đôi mắt đằng sau cặp kính híp lại thành hai đường chỉ, nhìn chằm chằm vào chúng tôi.
- Xem chừng cô cậu biết hết rồi nhỉ.
Suýt nữa thì tôi đã giơ tay lên, thề thốt phủ nhận, “Không, tôi có biết gì đâu”. Ngoài vụ ông Sakaguchi đã từng vào tù ra tội hồi bốn mươi năm trước thì còn bí mật nào nữa nhỉ? Và, làm thế nào mà Shinokawa lại biết? Tôi cứ nghĩ là những gì cô đã khám phá thì tôi cũng nắm được cả rồi cơ đấy.
- Em hiểu anh không giỏi nói về bản thân mình. - Bà Sakaguchi đột nhiên lên tiếng, - Nhưng nếu có điều làm anh phiền muộn, làm ơn hãy cho em biết nhé.
Ông Sakaguchi chầm chậm đưa tay tháo chiếc kính râm ra, nhìn gương mặt vợ mình một lúc lâu rồi mới thì thào:
- Cho dù ở khoảng cách gần thế này, anh cũng không thể nhìn rõ mặt em, thậm chí anh không biết em đang nhắm mắt hay mở mắt nữa.
- Ơ... - Bà Sakaguchi ngạc nhiên kêu lên.
- Mắt anh có vấn đề. Nước mắt đọng trong nhãn cầu làm giảm thị lực, và đáng tiếc là bệnh này không chữa trị được. Không may, hồi trẻ anh từng bị thương ở mắt nên bệnh chuyển nặng nhanh hơn nhiều so với bình thường. Ạnh bán cuốn sách vì không thể đọc nó được nữa.
Bầu không khí im lặng bao trùm cả căn phòng. Một lúc sau, ông Sakaguchi nhìn về phía chúng tôi và hỏi.
- Làm cách nào mà cô cậu biết chuyện này? Tôi vốn đã định giữ bí mật về nó rồi.
Tôi cũng muốn biết nữa. Manh mối nằm đâu đó trong cuộc nói chuyện giữa chúng tôi và bà Sakaguchi à? Tôi quay lại nhìn Shinokawa.
Cô bình thản đáp:
- Là nhờ cái này. - Đoạn rút tờ phiếu thu kẹp trong cuốn Nhập môn Logic học ra. Ông Sakaguchi rướn người tới để nhìn tờ giấy. - Đây là những gì ông đã viết ở cửa tiệm chúng tôi. Chữ cái bị lấn ra ngoài khung. Với một người cẩn trọng như ông thì chuyện này khá kì lạ.
- Tôi không nhận ra rằng mình đã viết lệch ra ngoài. - Ông Sakaguchi lẩm bẩm, vẻ khá bất mãn, - Giờ tôi thậm chí không thể đọc rõ chữ mình viết nữa. Chỉ thế thôi mà cô đã đoán ra tôi bị bệnh về mắt sao?
- Không. Ban nãy tôi có hỏi thêm vợ ông về tình hình hiện tại, nên mới đoán được. Ông bắt đầu nghe đài là vì không thể đọc được báo; đeo kính râm chắc để bảo vệ mắt, tránh mặt trời trực tiếp rọi vào, và cả việc để cuốn sách bám bụi là tại ông không còn mở ra đọc nữa. Tôi đoán tất cả đều là do thị lực của ông đã bị giảm sút nhiều.
Tôi ngớ người. Nghe cũng có lý thật.
Chưa từng nói chuyện với ông Sakaguchi một lần nào mà cô gái này đã đoán được bí mật ông ta che giấu qua vài câu hỏi. Thực sự quá thông minh.
- Tại sao ông lại không tâm sự với vợ mình? - Tôi hỏi. - Thông thường thì trong những trường hợp tương tự, người ta sẽ thổ lộ với người nhà đầu tiên chứ nhỉ?
Ông Sakaguchi gục đầu xuống:
- Có thể tôi sẽ bị mù và phải sống phụ thuộc cho đến hết đời. Sắp tới tôi sẽ nghỉ hưu ở công ty hiện tại, và gần như chắc chắn rằng không còn cơ hội để tìm được bất cứ một công việc nào khác nữa. Đến lúc đó, cuộc sống của chúng tôi sẽ khó khăn hơn nhiều lắm. Cô ấy đã phải chịu đựng quá nhiều khi lấy một người lớn tuổi như tôi rồi. Do vậy, tôi cho rằng mình nên suy nghĩ thật kĩ trước khi bộc bạch mọi chuyện.
Nói xong, ông Sakaguchi ngước lên nhìn tôi. Giờ tôi mới để ý thấy ông không hề nhìn thẳng vào mắt tôi. Hẳn là bởi ông đã không thể nhìn rõ nữa.
- Vì là người thân nên tôi mới càng khó mở lời. Có thể thiên hạ không nghĩ thế, nhưng tôi khác họ.
Tôi hiểu rằng ông Sakaguchi đang ám chỉ việc ông từng ở tù. Vốn ấp ủ trong lòng một bí mật động trời nên lẽ dĩ nhiên là ông sẽ không bao giờ muốn chù động nói ra những chuyện mà mình đang che giấu.
- Anh xin lỗi vì đã im lặng cho tới tận bây giờ. - Ông cúi đầu trước vợ mình.
Bà Sakaguchi nhíu mày, khoanh hai tay trước ngực. Vẻ nghiêm khắc đó không phù hợp với gương mặt trẻ trung của bà một chút nào. Một lúc sau, bà mới nói tiếp với tông giọng cao vút như ban đầu.
- Masa, em chẳng hiểu gì cả.
Lần này, ông Sakaguchi không có ý kiến gì với việc bà vợ gọi ông bằng cái tên đó nữa.
- Em không hiểu gì?
- Tóm lại thì tại sao anh bán cuốn sách?
- Anh nói rồi đấy thôi, là bởi anh không đọc được nữa. Sách là thứ để đọc, nên anh muốn nó được ai đó tiếp tục sử dụng và giữ gìn hơn là vứt trong xó.
- Không phải để em đọc là được rồi sao? Đọc cho anh nghe ấy! - Bà vợ nói như thể chuyện chẳng có gì to tát, - Nó quan trọng đối với anh mà, Masa. Em sẽ đọc nó cho anh nghe mỗi ngày. Mặc dù em chưa đọc bao giờ nên chắc sẽ không hay lắm, nhưng thế là được rồi phải không?
Bà nở một nụ cười thật tươi rồi tiếp tục.
- Cho dù có những chuyện khiến anh khó mở lời, cũng chẳng sao, bất kể Masa có nhìn thấy hay không thì em cũng vẫn ở bên cạnh anh, lúc nào anh muốn trò chuyện, là có em xuất hiện lắng nghe. Điều đó đã đủ khiến em hạnh phúc rồi.
Ông Sakaguchi vẫn đờ ra hệt như một pho tượng. Một lúc sau, ông mới mim cười:
- Anh biết rồi. Cảm ơn em.
Rồi ông đứng dậy và tiến lại gần giường, nơi Shinokawa đang ngồi:
- Xin lỗi cô, tôi không muốn bán cuốn sách nữa. Cô có thể trả lại cho tôi không?
Shinokawa cúi đầu thật thấp, đưa cuốn Nhập môn Logic học cho ông Sakaguchi:
- Tất nhiên là được ạ. Xin hãy nhận lại nó.
Cầm cuốn sách trong tay, ông Sakaguchi quay về đứng bên cạnh vợ.
- Từ giờ đến lúc đi làm em có thời gian không? Anh muốn nói về chuyện sau này một chút.
- Có anh ạ.
Bà Sakaguchi cũng đứng dậy. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn vì sự việc được giải quyết ổn thỏa mà không làm bại lộ việc ông Sakaguchi đã từng ngồi tù. Hẳn Shinokawa cũng định để câu chuyện đi theo hướng đó từ lúc phát hiện ra bệnh về mắt của ông Sakaguchi. Vậy là ông Sakaguchi sẽ có thêm thời gian để suy nghĩ xem liệu có nên nói ra chuyện cũ hay không...
- Thật lòng, anh vẫn còn một việc chưa nói cho em biết.
Ông Sakaguchi bỗng lên tiếng trong lúc tôi vẫn còn đang trầm ngâm cảm khái thay cho ông ấy.
BàSakaguchi liền ngước lên nhìn chồng:
- Chuyện gì vậy?
- Trước đây anh đã từng phạm tội.
- A!
Không phải bà Sakaguchi, mà là tôi và Shinokawa vừa đồng thanh kêu lên. Chẳng phải đã giải quyết xong mọi chuyện mà không cần nhắc tới tù ngục rồi à? Sao bỗng dưng ông Sakaguchi lại nói ra?
Ông kể lại vụ phạm tội, bình tĩnh hệt như đang đọc bản tin thời sự:
- Anh đã nói dối về việc tu hành ở chùa. Năm 20 tuổi, anh bị đuổi khỏi nhà máy đang làm, tới cả tiền để lo cho bữa ăn ngày hôm sau cũng chẳng có. Bấy giờ anh đã nghĩ, bằng cách gì cũng được, nhất định phải kiếm cho được một khoản tiền lớn để khỏi phải lo lắng cho cuộc sống sau này. Thế là anh lấy cắp xe cùng khẩu súng săn ở nhà một người quen rồi tới cướp một ngân hàng gần đó. Dĩ nhiên, anh bị bắt ngay lập tức.
Bà Sakaguchi há hốc miệng nhìn chăm chăm vào chồng mình, dường như quá sốc với những gì vừa được nghe.
Rồi, ông Sakaguchi chỉ vào vết sẹo nơi khóe mắt:
- Vết thương này là bị từ năm ấy. Anh xin lỗi không kể cho em, lại còn nói dối nữa.
Nói xong, ông cúi gằm đầu, che khuất biểu cảm trên khuôn mặt, song rõ ràng là ông đang sợ, bởi tôi thấy rõ sống lưng ông run rẩy. Dù chỉ là người ngoài cuộc nhưng mồ hôi tôi cũng vã ra như tắm, thấm ướt cả lòng bàn tay. Ấy là một lời thú nhận mang theo sức nặng của hai mươi năm ròng rã.
Bà Sakaguchi hít một hơi thật sâu, ngước lên nhìn ông Sakaguchi rồi cất tiếng phá vỡ sự im lặng đang bao trùm trong căn phòng:
- Gì vậy? Sao tự nhiên anh lại nghiêm trọng thế? Em còn tưởng là có chuyện gì cơ đấy.
Đoạn, bà ôm lấy cánh tay chồng mình:
- Chuyện đó em biết rồi.
- Ơ? - Tôi cùng Shinokawa lại đồng thanh kêu lên lần nữa. Từ nãy tới giờ, hai vợ chồng họ đã khiến chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
- Em biết rồi ư? - Ông Sakaguchi ngước mắt nhìn vợ, hỏi.
- Ừm. Chỉ cần không phải là đứa ngốc thì đều biết cả. - Bà cười đầy hàm ý, - Em không ngốc đúng không nào? Thế nên em đã biết từ trước rồi. A! Cái này là tam đoạn luận đúng không?
- À, ừ. Đúng thế đấy.
Cuối cùng, họ quay lại nhìn chúng tôi, gật đầu chào tạm biệt và rời khỏi phòng bệnh với hai cánh tay khoác vào nhau.
- Quyết định lấy em quả là đúng đắn.
Tiếng thì thầm của ông Sakaguchi vọng vào tai chúng tôi trước khi cánh cửa được đóng lại như cũ.

Chẳng hiểu vì sao mà vợ chồng nhà Sakaguchi vừa đi xong, bỗng dưng tôi có cảm giác phòng bệnh trống trải đến lạ, cứ như thể mới có một cơn bão quét qua đây.
- Bà ấy biết từ lúc nào thế nhỉ?
Tôi lên tiếng trước. Họ sống cùng nhau nên bà vợ phát hiện cũng là chuyện bình thường thôi, hẳn là có một dịp tình cờ nào đó để bà phát hiện ra bí mật của chồng.
Nhưng Shinokawa lâc đầu:
- Không đâu. Chắc chắn ban đầu bà ấy không biết.
- Ơ? Bà ấy vừa bảo là biết từ trước còn gì?
- Nếu bà ấy biết thật thì đã không kể về quá khứ của chồng một cách vui vẻ như vậy, thay vào đó, bà ấy sẽ lựa lời cẩn thận để không lỡ miệng tiết lộ cho chúng ta biết.
Tôi hồi tưởng lại câu chuyện của bà Sakaguchi. Quả thật, nếu biết chồng mình từng đi tù mà vẫn hồn nhiên kể chuyện tu hành ở chùa cho chúng tôi nghe thì đúng là kì quặc thật.
- Nhưng tại sao bà ấy lại phải nói dối...
- Vì nếu bà Sakaguchi nói là không hề biết gì cả, ông Sakaguchi sẽ biến thành kẻ lừa dối vợ mình suốt hai mươi năm trời. Dẫu đó có là sự thật đi chăng nữa thì vào lúc ông Sakaguchi vừa thú nhận việc đau ốm, chắc bà không muốn làm ông ấy cảm thấy tội lỗi thêm nữa. Tôi nghĩ đó chính là lý do khiến bà nói dối. Chỉ còn mỗi cách giải thích này thôi.
Nếu quả vậy thì đúng như lời ông Sakaguchi nhận xét, bà vợ không hề ngốc chút nào. Bà có thể giữ cho mình không thay đổi sắc mặt khi nghe kể về quá khứ của chồng, tiếp đó vẫn đủ sức tươi cười cũng như nói dối một cách tự nhiên đến thế kia mà.
- Tôi cho rằng ông Sakaguchi cũng biết vợ mình nói dối. Suy nghĩ một cách logic thì lời nói và hành động của bà ấy không ăn khớp với nhau. Chỉ hiềm, vạch trần lời nói dối cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Có lẽ ông ấy cảm thấy tốt hơn hết là nên chấp nhận lòng bao dung của vợ mình.
Vẫn như thường lệ, tôi lại vô cùng kinh ngạc trước cô gái này. Tôi có cảm tưởng rằng, hễ cứ liên quan tới sách là hầu như chẳng điều gì có thể gọi là “bí ẩn” trước mặt cô cả.
Ngắm nhìn khuôn mặt nghiêng nghiêng của Shinokawa, tôi chợt nghĩ đến việc mình hoàn toàn mù tịt về cô mặc dù đã nói chuyện cùng nhau nhiều lần, nhắc đến nhiều cuốn sách trong suốt ba tuần qua. Ngoài việc cô thích những cuốn sách cũ, thích bàn luận về sách ra thì chẳng còn gì khác nữa. Có lẽ cô cũng giống ông Sakaguchi Masashi, là một người không giỏi trong việc bộc bạch bản thân mình?
Mà thôi, vậy cũng được. Cứ như hiện tại là tôi thấy vui rồi.
- Chà! Tôi nên về tiệm thôi.
Ban nãy tôi đã nhờ em gái của Shinokawa trông tiệm giúp để đến đây. Nếu cứ ở bệnh viện mãi không về thì có khi cô bé sẽ cáu điên lên với tôi mất.
Đang định đứng dậy từ giã, tôi bỗng khựng lại. Shinokawa túm lấy một góc áo của tôi và nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu.
- Sao thế?
Tôi đột nhiên thấy nóng bừng cả người. Đây là lần đầu tiên cô tỏ ý níu giữ tôi thế này, tôi bèn ngồi trở lại ghế.
- Nếu, tôi nói là tôi cũng có bí mật đang che giấu giống như ông Sakaguchỉ thì anh nghĩ sao?
- Ơ...
- Anh có muốn nghe không?
Cô hỏi như đi guốc trong bụng tôi. Tôi cảm thấy hoang mang, thầm thắc mắc rốt cuộc là chuyện gì?
- Tôi muốn nghe.
Dù đầu óc đang rối bời, tôi vẫn trả lời một cách rõ ràng, rành mạch. Sau khi kiểm tra để chắc chắn cửa phòng đã đóng kín, Shinokawa chậm rãi kể bằng một giọng êm ái nhẹ nhàng.
- Lúc trước anh Gora có hỏi tôi rồi nhỉ. Vì sao tôi lại bị thương ở chân ấy?
- À, phải.
- Hai tháng trước, tôi tới nhà một người bạn của cha ở gần đây. Ngôi nhà nằm trên một quả đồi. Dọc đường đi, tôi vấp ở cầu thang bằng đá và bị ngã. Hôm ấy trời mưa to, chân tôi bị gãy. Đấy là chuyện mà tôi đã kể với tất cả mọi người.
Im lặng.
Tôi nuốt nước bọt, hỏi:
- Ý cô là đấy không phải sự thật, đúng không?
Shinokawa gật đầu. Chẳng biết từ khi nào mà khoảng cách giữa chúng tôi đã gần tới mức trán sắp đụng vào nhau đến nơi.
- Chuyện này tôi vẫn chưa kể cho bất kì ai. Nay tôi muốn kể cho anh Gora nghe. Anh không phiền chứ ạ?
- Vâng, không. - Tôi trả lời. Tim bất giác đập dồn dập với linh cảm sắp được nghe chuyện gì hệ trọng lắm.
- Tôi ngã là vì bị đẩy xuống cầu thang đá. Suốt hai tháng nay, tôi vẫn luôn tìm kiếm kẻ đã đẩy tôi hôm ấy.
Tôi và Shinokawa nhìn nhau. Ánh mắt cô vô cùng kiên định, là ánh mắt mỗi khi cô đi tìm lời giải đáp cho thững câu hỏi quanh các cuốn sách cũ mà tôi đã bao lần chứng kiến trước đây.
------------
Còn tiếp.
(Mọi chú thích là của người dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét