Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

Tiệm sách cũ Biblia Q 7 - Chuyện Thứ Nhất

Tiệm sách cũ Biblia Q 7

Tác giả - Mikami En
Người dịch: Ngọc Bích
Nhà xuất bản Hồng Đức - 2018

Tập 7 - Shioriko và sân khấu bất tận

Câu chuyện về mối ràng buộc với sách cũ sẽ còn tiếp tục mãi.
Bóng đen hắc ám đang loang dần đến tiệm sách cũ Biblia. Nhà buôn đồ cổ xảo trá ghé tiệm vì một vụ giao dịch liên quan đến bản in Những năm cuối đời “Để tự dùng” của Dazai Osamu, ông ta rời đi sau khi để lại một cuốn sách cũ khác...
Đuợc dẫn dắt bởi mối ràng buộc diệu kì từ quá khứ, cuốn sách cũ của kịch tác gia William Shakespeare xuất hiện, kéo theo vô vàn bí ẩn. Thanh niên trông tiệm và cô chủ xinh đẹp từng bước rơi vào cái bẫy tinh vi ông ngoại cô giăng sẵn...
Cuốn sách cũ được truyền từ người này sang người khác...
Rồi sợi dây liên kết mạnh mẽ giữa các thành viên trong gia đình.
Thời khắc khép màn câu chuyện đã điểm.

Mở Đầu

Ba quyển sách khổ lớn bày trên chiếc bàn gỗ mun thấp rộng.
Trên lớp da bê rất đẹp phủ ngoài bìa và gáy không đề tên sách hay tên tác giả, hai đáy và mép sách được thếp một lớp vàng khá dày. Các cuốn có khổ giống nhau, thiết kế y hệt, duy chỉ có màu da bìa là khác.
Đỏ, lam, trắng.
Đây là gian phòng của một nhà hàng ryotei* nằm trên rẻo đất cao ở Nishi-Kamakura. Trong ánh nắng chói chang rọi vào từ ô cửa tuyết shoji*, những tấm bìa da trơn láng hắt lên tia sáng sắc lẻm. Bên ngoài cửa sổ, lá thích* xanh rung rinh.

*[Một kiểu nhà hàng truyền thống sang trọng của Nhật. Phục vụ những món ăn truyền thống với nguyên liệu được lựa chọn kĩ lưỡng, phòng thường có kiến trúc kiểu Nhật lót chiếu tatami, nội thất thường là tác phẩm của những nghệ nhân hàng đầu, được bài trí kĩ lưỡng thay đổi theo mùa và mục đích cá nhân của khách hàng. Đây cũng là nơi khách đến có thể thưởng thức văn hóa chính thống của Nhật Bản như mỹ thuật, nội thất, geisha, âm nhạc Nhật Bản. Chỉ chấp nhận khách hàng được giới thiệu và phải đặt trước ít nhất vài ngày. Tại các nhà hàng kiểu này thường diễn ra các cuộc họp chính trị hoặc kinh doanh cấp cao kín đáo]
**[Một loại cửa lùa truyền thống của Nhật. Phần bên dưới là cửa gập, dễ dàng mở ra và đóng lại khi trời lạnh mà vẫn có thể thưởng thức cảnh tuyết trắng bên ngoài, phía trên được thiết kế che đi một phần bầu trời để tầm nhìn của người ngồi trong nhà gần với mặt đất. Đây là thủ thuật để mọi người tập trung ngắm cảnh tuyết rơi lặng lẽ, chầm chậm phủ kín mặt đất]
***[Loại phong có bề mặt lá rộng, không tách sâu thành các đầu lá nhỏ thuôn dài như phong Nhật. Hình chiếc lá được vẽ trên cờ Canada cũng là một loại trong đó]

Ông già đậm người mặc bộ kimono màu chàm đang ngả mình trên chiếc ghế tựa bệt có tay vịn. Ngấn cổ ông ta chờm ra ngoài cổ áo.
- Hãy chọn một cuốn trong số này!
Âm thanh trầm đục phát ra từ đôi môi dày. Phía bên kia chiếc bàn thấp là cô gái trẻ có mái tóc đen dài đang ngồi quỳ. Cô mặc sơ mi trắng kiểu đồng phục, chân váy tím than, đeo cặp kính gọng đen. Vẻ ngoài thanh nhã nhưng trí tuệ tinh nhạy và tính cách mạnh mẽ đến đáng sợ, chẳng hề e ngại trước cái nhìn chòng chọc của ông già.
- Cuốn duy nhất có giá trị. Hãy tìm được nó mà không mở sách ra. Đừng đoán mò. Tao sẽ hỏi lý do.
Vờ mang thái độ hời hợt nhưng cách nhả từ của ông lộ ra chút hân hoan. Chỉ vì thích khoa trương mà ông ta bỏ hẳn món tiền lớn đến khó tin để tạo ra những cuốn sách khác màu.
- Nếu con nhận ra được thì sao ạ?
- Thì tao sẽ chuyển quyền sở hữu cuốn sách cho mày, cùng cửa tiệm và những cuốn khác trong bộ sưu tập tao từng cho mày xem ngày trước. Đây là bài kiểm tra dành cho mày.
Ông ta trịnh trọng tuyên bố bằng giọng điệu khoa trương rồi dừng một quãng dài.
- Nếu đỗ, mày sẽ là người thừa kế của tao. Tao sẽ chính thức để mày làm chủ tiệm.
Gian phòng bỗng lặng thinh, chi còn nghe thấy tiếng thở gấp của ông già. Các cơ quan trong cơ thể ông ta chứa đầy bệnh tật do những năm dài sống không điều độ.
Cô gái khẽ nhún vai.
- Ngoài con ra bố vẫn còn cô con gái khác. Bố không thể cho cô Tsuruyo thừa kế sao?
Cô gái vừa thốt ra cái tên của người chị chung nửa dòng máu, nếp nhăn trên má ông già khẽ rung rung. Các con gái của ông chắc chắn chưa gặp nhau, từ bao giờ con bé lại biết cái tên kia?
- Nó chỉ là đứa con gái thích văn chương. Nó khác mày, chẳng biết kinh doanh sách cũ. Nghề này cần sự chuẩn bị cùng lòng nhiệt thành đoạt hàng về bằng mọi cách và bán ép giá. Chỉ mày mới có thể kế thừa trọn vẹn những gì tao đã gây dựng đến giờ...
- Con xin từ chối. - Cô gái dứt khoát cắt ngang lời cha.
- ... Mày bảo sao?
- Con có thể nhận ra sách thật. Nhưng con không cần thừa kế cửa tiệm.
- Liều liệu cái mồm! Mày sẽ hủy hoại vận may hiếm có của mình đấy... Vì mẹ mày phản đối à?
- Đúng là mẹ ghét công việc của những người làm ở tiệm sách cũ. Nhưng con có lý do khác.
Trái với giọng nói có phần yếu thế của ông già, cô gái mạnh mẽ tiếp tục.
- Con ghét để một bài kiểm tra do người khác soạn ra quyết định cuộc đời mình. Đó không phải là con. Làm gì, khi nào, ở đâu, sống ra sao... những chuyện như vậy con sẽ tự quyết định.
- Mày không thích thứ tao dọn sẵn cho hả?
- Dĩ nhiên là thích. - Câu trả lời thẳng băng như một mũi tên. - Đó hẳn là cuốn sách rất giá trị đúng không ạ? Nhưng, cả cuốn đó lẫn những cuốn khác, nếu muốn, con sẽ tự mình giành lấy. Đúng vậy đấy, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.
Cô gái điềm nhiên đứng dậy. Ông già vẫn ngồi ì ra như tảng đá. Dù muốn nhưng chân tay yếu ớt của ông ta cử động không mấy dễ dàng.
- Chào bố. Con sẽ không bao giờ gặp lại bố nữa.
Câu từ biệt vang lên cực kì quyết đoán lạnh lùng.
Cô gái xoay người, rời khỏi căn phòng kiểu Nhật.
Bị bỏ lại, ông già run lên từng chặp. Hẳn là ông không hề ngờ đến lời từ chối.
Công sức bị đạp đổ, chẳng gì nhục nhã hơn. Khắp Đông Tây kim cổ, thảm hại nhất là trang nam nhi bị khước từ.

Tôi nghĩ thôi thì cũng đã đến nước này...
- Nghe lén phải có chừng mực chứ, thằng ngu!
Tiếng rống của ông già vọng sang. Tôi kéo tấm vách ngăn, nhún vai bước sang phòng kế bên.
- Em đâu dám nghe lén thầy. Ở phòng bên thì không thích cũng lọt vào tai thôi.
- Đừng có trả treo, thằng ngu kia. Mày phải biết xấu hổ chứ!
Tôi đưa mắt nhìn những cuốn sách khổ to vẫn đang nằm yên trên bàn. Tuy không biết cuốn nào là đáp án đúng nhưng tôi biết bên trong là gì. Nếu bán ra sẽ mang về một khoản lớn đến mức nào nhỉ?
- Ai cho mày sờ vào đấy?
- Cho em xem một lần thầy cũng đâu bị trời phạt, đúng không? Nào có mất gì.
- Tránh ra. Không ai được chạm vào hết.
Tôi miễn cưỡng rút tay lại. Đâu cần lạnh lùng đến thế. Dù gì tôi cũng là học trò cuối cùng còn sót lại của ông mà. Cả sau khi những người khác bỏ đi vì không chịu nổi tính khí nóng nảy và thâm độc của ông, tôi vẫn theo ông như một cái bóng, ăn ở tại nhà ông để chăm sóc ông, đánh xe đến tận nơi này hôm nay cũng là tôi.
- Con lỏi! Con bất hiếu... ăn cháo đá bát... Mày đã quên ơn nuôi nấng bao năm của tao... Rồi biết tay tao...
Ông già còng cái lưng rộng, lẩm bẩm. Điệu bộ như thể con gấu bị bắt nạt, mà đầu óc hẳn cũng đã thoái hóa xuống ngang với con vật rồi.

Cô nàng ban nãy là đứa con gái do nhân ngãi ông ta sinh ra, vẫn bị ông ta ghẻ lạnh đến tận vài năm trước. Không trông chờ gì được ở cô con gái vợ chính thức nên ông vội vã muốn lôi kéo đứa con ngoài giá thú đó, chuyện chỉ có vậy.
Mạng ông cũng sắp tàn rồi.
Thật ra để tôi thừa kế gia tài của ông cũng ổn đấy chứ. Một kẻ từ đầu đến cuối được ông thẳng tay dạy dỗ như tôi có lòng nhiệt tình và sẵn sàng thực hiện bất cứ giao dịch nào.

- Tao phải trị nó... Tao nguyền rủa nó. Tao nguyền nó bị tất cả vứt bỏ như cái cách nó vứt bỏ tất cả. Đúng rồi, tao sẽ bắt nó phải phiêu bạt khắp thế giới... Này, mày có đang nghe không hả? Thằng ngu kia?
- Có nghe ạ. Em không cần nhét nút vào tai đâu nhỉ? Thầy toàn nói mấy lời ghê rợn.
- Mang bút đây.
Tôi cau có đưa ông chiếc bút máy. Tôi đúng thật là ngu ngốc. Ở cạnh một lão già hà khắc chẳng được điểm gì, tôi vẫn ngần ngừ không thể rời bỏ. Đám lanh lợi thì đã lỉnh đi tự khi nào.
- Hãy chuẩn bị những thứ tao sắp viết. Tuyệt đối không được cho ai biết.
Ông ta cúi gập người, hí hoáy viết vào sổ tay. Dù thế nào, tôi cũng sẽ ở cạnh ông ta đến phút cuối. Suy đến cùng đó là nghĩa vụ của tôi mà. Xong xuôi tôi sẽ tự suy tính và dốc sức làm điều mình muốn. Giống như cô con gái kia.

Chuyện Thứ Nhất

Mọi cảm xúc ngoài niềm vui

1

Kéo mở cánh cửa kính, gió bỗng tràn vào dinh dính như hơi thở của một chú cún. Chớp mắt, khung cảnh sáng trắng đã trở lại bình thường. Tôi thấy đoàn tàu điện với đường sọc xanh lá trườn vào sân ga của tuyến Yokosuka.
Cố gắng không dùng vai trái, tôi kéo tấm biển hiệu dạng xoay bằng sắt ra ngoài cửa. Chẳng biết có phải do lâu ngày không lau chùi mà mặt trước biển hiệu bám một lớp bụi mỏng. Tôi dùng khăn tỉ mỉ lau dòng tên cửa tiệm được viết bằng sơn trắng.
Tên cửa tiệm là “Tiệm sách cũ Biblia”.
Đây là một tiệm sách cũ lâu đời nằm ngay sát ga JR Kita-Kamakura. Tôi tên Gora Daisuke, tốt nghiệp đại học năm ngoái, hiện đang làm thêm tại cửa tiệm này. Tôi được chủ tiệm thuê về giữa lúc đang lông bông không kiếm được việc làm. Tôi nghỉ đã một tháng trời, vài ngày trước mới đi làm lại.
Cái nóng tháng Bảy như hành hạ tấm thân biếng nhác. Mồ hôi vã ra ướt lưng chiếc áo phông.
- Hôm nay tiệm đóng cửa hả?
Quay về phía giọng nói trầm khàn, tôi thấy một bà cụ mặc váy liền màu chàm mát mắt đang đứng che ô. Tôi nhận ra ngay mái tóc bạc cắt ngắn gọn gàng như đàn ông này. Đó là vị khách thường ghé cửa tiệm vào buổi sáng.
- Cháu xin lỗi, ngày mai tiệm sẽ mở cửa ạ...
- Thế hả. Vậy tôi sẽ ghé lại sau.
Bà quay gót đi về phía chùa Engaku, chẳng lộ chút nuối tiếc nào. Bà ấy sống gần đây chăng? Nhiều người cao tuổi chọn đi qua cửa tiệm trong lộ trình dạo bộ nhưng họ hầu như không mua sách. Tình hình này đặc biệt đúng kể từ sau tháng Ba.
Sau thảm họa động đất và sóng thần Tohoku*, khách đến mua sách giảm hẳn. Có lẽ người ta chẳng còn thời gian đâu mà đọc sách cũ. Chưa kể, một tháng nay, việc thu mua hay bày hàng của tiệm sách cũ Biblia cũng gặp khó khăn. Do tôi bị gãy xương vai trái nên tiệm chẳng còn nhân viên nào khuân vác được những chồng sách nặng. Hôm nay cửa tiệm tạm đóng để thay đổi sách trên kệ.

*[Trận động đất và sóng thần diễn ra tại mạn Đông Nhật Bản, mạnh 9 độ richter (mạnh nhất trong lịch sử động đất Nhật Bản), xảy ra vào lúc 14:46 ngày 11/3/2011 khiến gần 16.000 người thiệt mạng, hơn 6000 người bị thương, gần 2600 người mất tích trên 18 tỉnh thành. Ngoài ra, hơn 125.000 công trình dân sinh, công cộng bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn]

Tôi để nguyên tấm biển hiệu tại đó rồi quay vào trong. Những giá sách cao nằm đối diện nhau kéo dài vào sâu trong cửa tiệm. Trên sàn nhà cũng chồng chất đầy sách cũ. Những lúc thay đổi sách trên giá thế này, sàn nhà còn thiếu chỗ đặt chân hơn bình thường. Tôi lôi tấm biển hiệu ra ngoài một phần cũng vì nó gây vướng víu khi làm việc.
Tôi không biết nội dung của hầu hết lượng sách cũ khổng lồ nơi đây. Do thứ “cơ địa” kì quặc khiến người bứt rứt nếu đọc sách in một lúc lâu, nên dù rất thích tôi cũng không đọc sách được.
- Anh thay cả sách của Fukutake Bunko vào được không?
Tôi ngoảnh mặt cất tiếng hỏi vào sâu trong tiệm. Không có câu trả lời. Đúng hơn là không ai ở quầy. Mới đây thôi cô chủ tiệm vẫn đang ở đó dán nhãn giá cơ mà.
Tôi ngừng tay, nhón chân quay trở lại quầy. Trên đó vẫn bày cuốn bunko tuyệt bản chưa dán xong nhãn giá và chiếc bút chì. Sổ ghi nợ bản mới* của Uchida Hyakken. Fukutake Bunko. Tôi kiểm tra trang cuối, giá còn chưa được điền.

*[Tạm dịch từ Shin Daihincho, là tuyển tập được xuất bản lần đầu năm 1989 của Uchida Hyakken với những bài luận viết về nợ nần]

Tôi bỗng nghe tiếng ghế kêu kẽo kẹt.
Phía sau quầy thu ngân hình chữ L có một không gian khá rộng để sắp xếp sách cũ nhập về. Sách cũ chất đống, chồng lên nhau cao như tường rào nhưng vẫn có khoảng hở đủ để một người núp được bên trong. Cô chủ tiệm sách đang ngồi trên ghế ở đó.
Mái tóc đen dài ngang lưng. Sơ mi không tay cùng chiếc váy dài và tấm tạp dề mặc khi làm việc. Luôn là dáng vẻ giản dị ấy. Dù vậy, bờ vai tròn để hở thật gợi cảm. Cô đang ngồi quay ngang nên vẫn chưa nhận thấy ánh nhìn của tôi.
Tên cô gái này là Shinokawa Shioriko. Dù không chênh tuổi tôi là mấy nhưng cô đã là chủ tiệm đời thứ ba của tiệm sách cũ Biblia. Cô luôn vận dụng kiến thức phi thường về sách cũ và khả năng nhìn thấu vấn đề của mình để giải quyết các bí ẩn liên quan đến sách được mang tới tiệm.
Chuyện đó tốt thôi, chỉ là cứ nhập được cuốn sách nào ưa thích là Shioriko lại chui vào chỗ trú ẩn lén lút đọc dù đang giữa giờ làm việc. Nhiệm vụ của tôi mỗi lần như vậy là nhắc nhở cô “Hãy làm việc đi”.
- Hãy làm...
Tôi đang nói dở câu cằn nhằn thì ngưng lại. Thứ Shioriko đang nhìn chòng chọc vào không phải trang sách cũ nào mà là màn hình máy tính. Trên mặt quầy dài có bày máy tính, chủ yếu dùng để kinh doanh qua mạng, nhưng lúc này màn hình đầy những con số chi li, trông giống phần mềm kế toán. Hình như là bảng thống kê thu chi của cửa tiệm.
- Thật gay go quá...
“Phù”, cô thở dài, gác cằm lên mặt quầy.
Tôi đâm áy náy, thì ra không phải cô trốn việc lén đọc sách. Khác với gã nhân viên làm thêm như tôi, chủ tiệm còn bao nhiêu chuyện phải lo nghĩ. Chắc chắn kinh doanh tiệm sách cũ không phải công việc nhẹ nhàng gì. Hẳn từ trước đến giờ cô ấy vẫn luôn lo nghĩ mà tôi không biết.
Hử?
Vẫn gác cằm trên quầy, Shioriko bắt đầu chậm rãi quay đầu hết bên phải lại sang bên trái.
- Gay quá... Thật là gay go quá...
Cô phổ nhạc, khe khẽ hát. Tôi từng thấy cô ngâm nga nhưng hát ra cả ca từ thì đây là lần đầu nghe. Chất giọng thật êm và đẹp. Dù hơn tuổi tôi nhưng cô rất dễ thương. Dễ thương hết sức luôn ấy. Tiện thì kể, tôi với cô ấy đang hẹn hò, cũng được hai tháng rồi.
- Tháng này, chắc lại lỗ... tháng sau, không chừng cũng... hừm hừm...
Âm điệu là lạ, và lời bài hát có chút u ám.
- Phải làm sao với... lương của... anh Daisuke...
- Hả?
Tôi lỡ thốt lên. Shioriko giật thót, cô chầm chậm quay mặt về phía tôi. Đôi mắt ẩn dưới hàng mi dài mở lớn sau cặp kính gọng dày. Làn da trắng như sứ, hài hòa vô cùng với không gian ngập sách cũ này. Cô không thuộc dạng nhan sắc nổi bật nhưng vẻ ngoài rất cân đối. Chỉ có bầu ngực đầy luôn khiến lần áo căng lên là bất cân đối mà thôi. Dù đã quá muộn nhưng cô vẫn đưa hai tay bịt chặt miệng.
- A, quên mất... anh Daisuke đã trở lại rồi mà...
Giọng cô mơ hồ lọt qua kẽ ngón tay.
- Xin lỗi, em, thật ra trước giờ em vẫn có tật hát một mình... e, em đã hết sức chú ý không làm thế trước mặt người khác, nhưng dạo này anh Daisuke không ở tiệm nên em lỡ... À, phải dán giá sách nhỉ.
Cô giật lấy cuốn Sổ ghi nợ bản mới tôi đang cầm rồi loạt soạt lật qua để xác định tình trạng sách.
- Sách đã được cầm nhẵn bóng cả ra, dây đánh dấu cũng đứt rồi, có thể đưa vào xe sách đồng giá.
Cô trả cuốn sách như một cách để kết thúc câu chuyện. Màn hình máy tính tôi thấy qua vai cô vẫn hiển thị danh sách thu chi. Hơn cả thói quen hát hò của cô, cái tôi quan tâm là một chuyện khác.
- Tình hình kinh doanh của tiệm tệ đến thế sao?
- ... Cũng không hẳn... - Cô lúng túng lấp lửng. - Đúng là dạo này có lỗ, tuy nhiên... Em đã để trong tài khoản của tiệm chút tiền phòng khi cần nhập hàng với số vốn lớn. Vì thế, anh đừng lo chuyện lương nhé.
Tôi chẳng yên tâm được là mấy. Tuy không thể nói “Chuyện lương lậu sao cũng được”, nhưng tôi không khỏi lo lắng về việc cô phải đụng đến tiền vốn nhập hàng. Bà tôi mở quán cơm nhiều năm ở Ofuna vẫn bảo “Phân chia rõ ràng từng khoản tiền sử dụng là cốt lõi để duy trì kinh doanh” mà. Xoay lương cho tôi bằng số tiền cứu chữa lúc bế tắc, có nghĩa là cửa tiệm đang kẹt, không phải sao?
- Tại tôi nghỉ đúng không? Những hơn một tháng.
Chính xác là bốn mươi ngày. Ayaka đang thi cử, chắc là không thể nhờ cô bé giúp đỡ được nên một mình Shioriko với đôi chân bị thương khó lòng vận hành công việc trơn tru. Thế thì doanh thu sụt giảm cũng là chuyện tất nhiên.
- Anh Daisuke.
Shioriko gọi lớn. Cô xỏ chiếc nạng đang dựng bên tường vào khuỷu tay rồi đứng dậy. Cô hơi loạng choạng, làm tôi phải vội vàng đỡ lấy cánh tay cô. Đôi đồng tử đen láy ngước nhìn tôi như tức giận.
- Anh Daisuke không làm gì sai cả. Anh bị thương mà? Lăn từ cầu thang đá đó xuống mà hồi phục nhanh thế này đã là quá tuyệt rồi...
Vai Shioriko run khẽ. Có lẽ, nỗi sợ hãi khi chính mình bị ngã lại vừa nhen lên. Chúng tôi bị ngã vào hai thời điểm khác nhau tại cùng một cầu thang đá ở Kita-Kamakura và phải nhập viện.
Tất nhiên chẳng phải do ngẫu nhiên.
Chuyện rất phức tạp, liên quan đến hai cuốn Những năm cuối đời của Dazai Osamu.

2

Một năm trước, Shioriko bị một kẻ cuồng sách cũ tên là Tanaka Toshio bám đuôi. Thứ anh ta nhắm tới là Những năm cuối đời bản in đầu tiên, chưa rọc, một bản in được truyền qua các đời chủ nhân Biblia.
Tanaka đã đẩy Shioriko xuống cầu thang đá, khiến cô bị thương đến nỗi giờ chân vẫn mang di chứng. Nghĩ thế nào thì anh ta cũng chẳng phải loại tốt đẹp gì, thế mà lại có quan hệ họ hàng với tôi đấy. Bà tôi ngoại tình với ông anh ta, sinh ra mẹ tôi. Tất nhiên cực kì ít người biết chuyện này.
Để bảo vệ cuốn sách, Shioriko đã đốt bản sách giả, dàn dựng như cuốn sách chưa rọc đã bị tiêu hủy, còn huy động cả tên trông tiệm mới là tôi để giao được Tanaka cho cảnh sát. Tuy nhiên, hồi cuối tháng Năm năm nay, thư đe dọa kí tên Tanaka Toshio bay vào tiệm với nội dung, anh ta đã biết màn kịch của Shioriko.
Tôi đến gặp Tanaka hiện đang tại ngoại, anh ta đưa ra lời ủy thác kì lạ với vẻ mặt như không biết gì về bức thư đe dọa, rằng muốn chúng tôi tìm bản in đầu Những năm cuối đời khác, không phải bản chưa rọc của Shioriko mà là bản từng nằm trong bộ sưu tập sách của ông chúng tôi, Tanaka Yoshio.
Chúng tôi vẫn điều tra, dù nghi ngờ mục đích của Tanaka, và biết được rằng ông Tanaka Yoshio đã bị chủ một tiệm sách cũ có tính cách tàn nhẫn từng sống ở Kita-Kamakura tên là Kugayama Shodai đe dọa ép bán cuốn Những năm cuối đời. Người thừa kế cuốn Những năm cuối đời sau khi Shodai qua đời là cụ bà quả phụ Kugayama Mari, hiện đang nằm liệt giường.
Khác với Tanaka Toshio, người phụ nữ cũng bị Những năm cuối đời ám ảnh này không thỏa mãn với việc sở hữu mỗi một cuốn “Để tự dùng” của Dazai. Cụ ta nung nấu âm mưu chiếm cả bản sách chưa rọc của Shioriko. Vụ ném thư đe dọa vào Biblia cũng là chủ ý của cụ, nhằm thăm dò phản ứng chúng tôi.
Do giằng co với Kugayama Hiroko (cháu ruột và tay sai của Mari) để lấy lại cuốn Những năm cuối đời, mà tôi ngã lộn cổ xuống cầu thang đá.
Trong khi tôi nằm viện, Mari được chuyển đến bệnh viện trên Tokyo do bệnh tình trở nặng. Đáng ra cụ ta phải bị kết tội đe dọa, trộm cướp không thành, gây thương tích... mới phải. Tuy nhiên, cảnh sát không thể thẩm vấn một phụ nữ tuổi cao sức yếu, còn Hiroko sau khi bị bắt lại một mực khai rằng “Tự làm tất cả vì bà rất muốn có cuốn Những năm cuối đời chưa rọc”, nên kết cục mọi nghi vấn đều đổ dồn về một mình Hiroko.
Có lẽ cô ta định chịu tội thay bà mình.
Chúng tôi đã nói với cảnh sát rằng chủ mưu là bà Mari, nhưng không có chứng cứ.

- Người nhà Kugayama gần đây ra sao?
Nghe hỏi, Shioriko cụp mắt nhìn xuống.
- Bà Mari hiện vẫn nằm viện... Hôm qua, em nói chuyện điện thoại với bác Tsuruyo, bác bảo gần đây bà gần như mất ý thức. Có vẻ bác cũng khá mệt mỏi rồi. Vì còn phải vào trại tạm giam thăm nom Hiroko nữa.
Trong vụ việc xảy ra hồi tháng Sáu, người chịu thiệt hại là chúng tôi, nhưng tôi nghĩ con gái Mari, tức mẹ Hiroko, cũng là nạn nhân. Không hề hay biết hành động của hai người kia, mà giờ phải chạy vạy thu xếp hậu quả. Bà tới tận nhà tôi tạ lỗi, đề nghị trả phí điều trị và tiền bồi thường, nhưng chúng tôi chỉ nhận lệ phí nhập viện, còn lại đều từ chối.

Để cướp cuốn Những năm cuối đời, Mari và Hiroko đã xúi Tanaka Toshio tấn công tôi. Nếu Tanaka không đổi ý tráo phe đúng lúc mấu chốt, thì chắc đã có nhiều người bị thương hơn.
Tanaka bị tòa xét xử, hiện đang cải tạo trong tù. Dù Shioriko đã khai nhận việc dàn cảnh cất giấu bản Những năm cuối đời chính hiệu, nhưng Tanaka vẫn bị giữ nguyên mức án. Chúng tôi cũng không tiết lộ việc bị anh ta tấn công.
Chúng tôi và Tanaka hợp tác với nhau, nhưng suy đến cùng đều không thật lòng tin tưởng đối phương. Tiệm sách cũ Biblia chỉ giữ lời hứa mua lại cuốn Những năm cuối đời bản in đầu tiên của Mari và bán lại cho Tanaka thôi.
Nếu không thực hiện được lời hứa đó, chẳng biết chúng tôi sẽ bị báo thù ra sao khi Tanaka mãn hạn.
Nghe kể ngọn ngành sự việc, Kugayama Tsuruyo đã đáp ứng nhất định sẽ làm theo nguyện vọng của chúng tôi. Xem chừng bà cũng định khi nhận thừa kế từ mẹ mình thì sẽ đẩy bộ sưu tập sách của ông bố đi chứ không giữ lại.

Hiện tại, đang có một vấn đề.
- Đã tìm thấy cuốn Những năm cuối đời bên nhà Kugayama chưa?
Vào ngày tôi ngã cầu thang, bộ sưu tập sách của cụ Shodai, bao gồm cả cuốn Những năm cuối đời “Để tự dùng” của Dazai chắc chắn vẫn còn nằm trên giá sách có cửa trong thư phòng nhà Kugayama. Nhưng không biết từ lúc nào, giá đã trống trơn. Mà không phải là do cảnh sát mang đi, vì cuốn sách này không liên quan trực tiếp đến vụ án chiếm đoạt bản sách chưa rọc của Shioriko.
Chắc chắn Mari đã giấu đi đâu đó, nhằm trả đũa Shioriko can tội gây cản trở kế hoạch của mình.
Tuy vậy, do tình trạng sức khỏe của cụ không tốt nên chúng tôi vẫn chưa thể hỏi cuốn sách ở đầu.
- Lúc nói chuyện với bác Tsuruyo, em đã đề cập đến vấn đề đó. Và tin xấu đây... Cuốn Những năm cuối đời “Để tự dùng” của Dazai đã rơi vào tay người khác.
Tôi thoáng nghẹn họng trước câu trả lời của Shioriko.
- Rơi vào tay người khác, nghĩa là bị bán rồi sao?
- Dạ. Em cũng bất cẩn. Cứ đinh ninh là với tính cách của bà Mari thì bà sẽ không từ bỏ hay gây tổn hại đến bộ sưu tập sách... Thế mà trước khi chuyển lên viện ở Tokyo, nhằm lúc bác Tsuruyo đi vắng bà đã gọi một nhà buôn sách cũ quen biết đến, để họ khuân đi toàn bộ. Bác Tsuruyo bảo có một bản kê chi tiết hàng thu mua trị giá 1.000.000 yên được chuyển phát tới. Số tiền thanh toán đã được chuyển vào tài khoản cá nhân của bà Mari.
- Thế thì tệ quá!
Kể từ thời điểm số tiền 1.000.000 yên được thanh toán thì giao dịch đã hoàn thành mất rồi. Một khi sách ra đến thị trường, rõ ràng việc thu hồi không còn đơn giản. Nếu sách lọt vào tay một người cuồng Dazai thì đời nào họ chịu buông bản in hiếm đến thế của tác giả mình quý trọng cơ chứ?
- Chắc là không sao đầu. Em đã liên hệ được với nhà buôn sách kia rồi. Người đó nói chưa bán cuốn nào trong bộ sưu tập sách mua lại từ nhà Kugayama cả. Tối nay người đó sẽ đến đây để bàn việc nhượng cuốn Những năm cuối đời cho chúng ta.
- Ra vậy. Tốt rồi.
Tôi nhẹ cả người. Tức là chỉ thay đổi đối tượng giao dịch, từ nhà Kugayama sang nhà buôn sách mà thôi.
Nhưng miệng nói không sao, mà Shioriko lại rầu rĩ ra mặt.
- Sao thế?
- Em băn khoăn một điều. Tại sao bà Mari lại quyết định bán bộ sưu tập sách nhỉ?
- À thì, muốn gây rắc rối cho Shioriko chăng? Để chúng ta không thể thực hiện lời hứa với Tanaka chẳng hạn?
- Nếu thế thì bà sẽ sắp đặt sao cho sách tới bộ sưu tập tư nhân nào đó càng sớm càng tốt chứ. Đằng này nhà buôn sách kia cũng bảo bà không đưa ra yêu cầu nào tương tự.
- Hay bà quên nhờ thôi?
Tôi chẳng thể nghĩ ra nguyên nhân nào to tát, dù sao cũng là hành động của một người già ốm yếu.
- Nếu thế thì tốt quá, nhưng mà... em cảm thấy như còn có ẩn tình gì...
Tôi thì lo lắng về chi phí nhập hàng hơn. Hẳn sẽ cần một số tiền lớn lắm. Nói là cửa tiệm có tiền dành để nhập hàng cần vốn lớn nhưng hiện nay tình hình kinh doanh đang thua lỗ. Liệu có ổn thật không!? Cứ mãi lo lắng mà chẳng làm được gì mới thật thảm hại.
- Tiệm sách cũ nào mua lại vậy?
- Không phải tiệm chuyên sách cũ, mà là một tiệm đồ cổ ở Yokohama có tên “Tiệm đồ cổ Maisuna”, chuyên buôn bán đồ cổ nước ngoài và sách Tây. Nghe nói họ đã giao thiệp với nhà Kugayama từ xưa rồi.
- Em không biết họ ư?
Shioriko gật đầu. Cô gái này cuồng sách cũ hạng nặng, tất nhiên cũng tường tận các tiệm buôn bán sách cũ. Vậy mà cũng có nơi cô không biết sao.
- Họ đóng cửa cũng được mười lăm năm rồi, từ ấy chỉ còn bán hàng theo danh mục* cho một số khách quen nhất định. Người em liên hệ bảo ông chủ gần như sinh sống ở nước ngoài. Nghe giọng cũng khá luống tuổi. Nếu là mẹ em có lẽ bà sẽ biết.

*[Cửa tiệm chuyển từ trạng thái kinh doanh trực tiếp (khách hàng vào tiệm, chọn sách rồi thanh toán tiền) sang hình thức bán hàng trung gian. Săn tìm và mua hàng từ tiệm này và bán lại cho khách hàng quen hoặc cửa tiệm khác. Khách hàng có thể chọn sản phẩm muốn mua bằng cách tham khảo danh mục sản phẩm của cửa tiệm]

Tôi giật thót. Chủ đề chuyển sang một nhân vật ngoài dự tính. Shinokawa Chieko. Một phụ nữ hiểu biết về sách cũ hơn cả Shioriko, người không bao giờ sơ sót. Mười năm trước, bà theo đuổi cuốn sách nào đó và rời khỏi tiệm sách cũ Biblia, mất tích cho đến mãi gần đây.
- Sao lại thế?
- Vì mẹ ở nước ngoài suốt, chắc chắn có mua bán sách ngoại. Dù em cũng chẳng muốn hỏi bà có biết rõ các đồng nghiệp Nhật Bản không...
Giọng Shioriko pha lẫn gai góc. Tôi nhìn chằm chằm vào khuôn mặt cô. Shioriko giống mẹ như đúc. Hẳn cũng vì thế mà cô không thể tha thứ cho mẹ. Tại ghét người giống mình chăng?! Nếu biết thêm một bí mật, không chừng cô lại có thêm người để ghét.
Dù chứng cứ chưa rõ ràng, nhưng xem ra Chieko chính là con gái của Shodai với bà nhân ngãi ở Fukasawa thuộc Nishi-Kamakura. Cũng có nghĩa chủ tiệm sách cũ nguy hiểm đã đe dọa khách, cưỡng ép giao dịch chính là ông ngoại Shioriko.
- Anh Daisuke?
Tôi nhận ra điều này qua cuộc nói chuyện với Chieko khi bà vào thăm tôi nằm viện vì gãy xương vai. Có lẽ bà đã gợi ý để tôi nhận ra. Tôi có cảm giác mình bị bà nắn gân, xem thử người đang hẹn hò với con gái mình sẽ phản ứng thế nào. Tất nhiên tôi chưa nói chuyện đó với ai, nhưng...
- A... Anh Daisuke. Chuyện này...
Tôi sực tỉnh. Shioriko đang nhắm tịt mắt, co rúm cổ.
- Đ... đang giờ làm việc, không được đâu... Vì, Aya sắp về rồi...
Cô thì thào, giọng nhỏ như muỗi.
- Ý em là sao?
- Hả?
Shioriko ngẩng đầu. Khoảng cách giữa hai đứa gần hơn tôi nghĩ. Mà không, là tôi đang ghé mặt lại phía cô. Hình như trong lúc nghĩ ngợi tôi đã nghiêng tới trước. Từ khi cô đứng lên, đôi tay tôi vẫn nắm cánh tay cô không rời.
Chắc Shioriko tưởng tôi định hôn cô. Tôi bất giác rê mắt đến miệng cô ấy.
Đôi môi căng mọng thoa son bóng màu hồng đang hé mở.
Tôi khẽ nuốt nước bọt...
Đúng lúc đó, cánh cửa ngăn giữa nhà chính và tiệm sách mở tung ra kèm theo âm thanh chói tai.
- Có cặp đôi nào đang tình tứ quanh đây không!
Người xuất hiện kèm theo câu thoại kiểu lễ hội Namahage* là một cô gái nhỏ nhắn tuổi tầm học sinh cấp ba. Với chiếc quần cộc dài qua gối và áo phông kẻ sọc ngang, trông cô bé như vừa đi biển về. Bím tóc đuôi ngựa rất hợp với làn da rám nắng, khuôn mặt như con thú nhỏ cũng mang sắc thái khác hẳn chị, vậy mà cô bé này lại là em gái của Shioriko. Tên cô bé là Shinokawa Ayaka. Học sinh lớp Mười hai đang nghỉ hè.

*[Lễ hội truyền thống ở vùng Oga thuộc tỉnh Akita Nhật Bản. Vào dịp năm mới, những người đàn ông sẽ đeo mặt nạ quỷ, mặc áo rơm đi quanh khu, dọa những đứa trẻ hư. Họ vừa đi vừa rao to, “Có đứa trẻ hư nào quanh đây không?” Ayaka đã nhại câu rao ấy]

- A, có thật kìa...
Một nụ cười lúng túng hiện trên mặt cô.
- Em xin lỗi. Thật lòng xin lỗi. Em chỉ định đùa thôi... Không không không, không sao không sao. Cứ tiếp tục, cứ tiếp tục đi ạ...
Cô bé hướng hai lòng bàn tay về phía chúng tôi, lùi dần, tính rút vào nhà chính.
- Khoa... khoan đã Aya! Hiểu lầm thôi.
Shioriko vội vã gọi em gái. Tôi nghĩ, có phải hiểu lầm hay không thì cũng thật khó mà nói rõ tình huống lúc đó.

Trên màn hình điện thoại di động là ảnh một người đàn ông đứng tuổi đeo kính râm tối màu bế một em bé mặc đồ sơ sinh màu trắng. Địa điểm là hiên nhà, chụp được cả cửa kính phía sau. Cả hai cùng nheo mắt nhìn vào ống kính, những nếp nhăn nơi ấn đường giống hệt nhau cho thấy họ là ruột thịt.
- Đúng không, giống hệt chú Sakaguchi luôn.
Ayaka chìa điện thoại của mình cho chúng tôi xem.
Hôm nay cô bé đã đến căn hộ của vợ chồng Sakaguchi ở Zushi. Nhờ vụ anh Sakaguchi tới bán cuốn Nhập môn Logic học mà hai nhà trở nên thân thiết. Đứa con đầu lòng của họ vừa chào đời đầu tháng này nên Ayaka thay chúng tôi đến gửi quà mừng. Thật ra chúng tôi muốn đi lắm mà bận việc, đành thôi.
- Nhưng cũng rất giống chị Shinobu. Dù là bé trai.
Tấm hình tiếp theo, em bé đã được chuyển sang đặt trên đầu gối người phụ nữ mặt tròn. Đó là chị Shinobu, vợ anh Sakaguchi. Không biết có phải ai vừa nói đùa gì không mà chị cười rạng rỡ. Tôi như nghe tiếng cười vọng đến tận đây. Quả thật các đường nét trên khuôn mặt hai mẹ con giống hệt nhau.
- Nhìn tấm hình này, em nghĩ cũng chẳng mấy chốc mà đến ngày em được bế em bé.
- Chẳng mấy chốc... Ý Aya là con của em á?
- Không phải của em, mà là của chị chứ. Lúc nào đó chị sẽ kết hôn còn gì.
- Cái...
Shioriko bật ra một tiếng nghẹn tắc.
- Không có đâu! K... kết hôn vẫn là chuyện xa xôi... Chị còn chưa đến thăm mẹ anh Daisuke và chào hỏi đàng hoàng cơ mà!
Cô ấy đã nghĩ đến đó rồi ư? Nghe vậy mới nhớ Shioriko chưa gặp mẹ tôi. Mang tiếng là hẹn hò để tiến tới hôn nhân mà tôi lại chẳng bận tâm gì.
Sắp tới phải mời Shioriko đến nhà vậy!
Chỉ là, đúng như cô ấy nói, tôi cũng nghĩ kết hôn vẫn là chuyện xa xôi.
Trong thời gian điều trị chấn thương, tôi đã thấm thía một điều. Khi không hoạt động bình thường thì tôi chẳng làm nổi việc gì, khác hẳn Shioriko nhập viện mà vẫn quán xuyến cửa tiệm như hồi năm ngoái. Giờ tôi không thể nghĩ rằng chỉ cần lợi thế về thể lực là đủ. Tôi muốn có thêm chút thời gian để suy tính xem, cưới cô gái này rồi thì mình sẽ tiếp tục làm việc ra sao tại tiệm sách cũ Biblia.
- À, nhân đây, anh Gora này.
Ayaka cất điện thoại, chuyển qua bắt chuyện với tôi.
- Anh có biết ông Shida giờ sao không?
- Ông Shida à?
Đó là một sedori vô gia cư sống dưới gầm cầu ở Kugenuma, vẫn thường xuyên qua lại Biblia cho đến khoảng ba tháng trước. Ông Shida là người sôi nổi, lại hào sảng, thẳng tính. Nếu ông tới, có lẽ tôi sẽ tâm sự cùng ông chuyện kết hôn với Shioriko. Chẳng người quen lớn tuổi nào biết tường tận nội tình tiệm sách cũ Biblia và cả mối quan hệ giữa mẹ con Shinokawa như ông Shida.
- Không, anh cũng không biết. Từ cuối tháng Tư bỗng nhiên ông không đến tiệm nữa, cũng bất chợt ngừng gọi điện và email.
Trước đây từng có đôi lần ông Shida đột nhiên biến mất vài ngày, nhưng tình hình lần này rất khác. Khi chúng tôi tới xem cái ổ của ông ở gầm cầu sông Hikiji, lều ngủ đã được dọn dẹp sạch bách. Có vẻ như sau tháng Năm ông cũng không xuất hiện ở các tiệm sách cũ khác, nơi ông vẫn hay tới bán sách nữa.
- Có chuyện gì với ông Shida à?
- Nao ấy... Lúc nãy em gặp cậu ấy ở ga Kamakura, hình như từ lúc nghỉ hè cậu ấy đã tìm ông Shida khắp nơi. Bận ôn thi mà cậu ấy vẫn nhớn nhác lo lắng, sợ “Nhỡ thầy lại chết đường chết chợ ở đâu”.
Nao... Kosuga Nao hiện đang học cùng trường cấp ba với Ayaka. Nhờ cuốn Người đi mót lúa - Thánh Andersen của Koyama Kiyoshi do Shincho Bunko phát hành mà cô bé đã thân thiết với ông Shida và thường hay nói chuyện sách vở với ông ở bãi sông. Cô bé tôn kính gọi Shida là “thầy”.
- Anh nghĩ chẳng may có chuyện thì ông sẽ liên lạc với tiệm sách cũ nào đó thôi. Nhất định ông phải có danh sách số điện thoại hay địa chỉ các tiệm sách đã lui tới... Có lẽ chỉ là chuyển nhà thôi.
Tôi liếc Shioriko. Có một lý do nữa để suy đoán rằng ông đã chuyển nhà. Vài tháng nay, Shioriko cố không đả động tới chuyện ông Shida. Tôi đoán có lẽ cô biết điều gì. Hồi cuối tháng Tư, cô xử lý vụ ồn ào liên quan đến các số cũ của Nguyệt san Hosho. Ngay sau đó, ông Shida biến mất. Đó là vụ việc có can hệ tới bạn của ông.
- Dạ, thì, đúng thế nhỉ... Ông Shida cũng chẳng phải kiểu người có thể chết đường chết chợ được. Nhưng chuyển đi thì ít ra cũng nên đến chào mọi người một câu chứ.
Đúng thế. Dù phải đi đâu, thì ít nhất cũng nên gửi một bức thư báo tin. Tôi đã luôn cho rằng tính ông trọng tình trọng nghĩa.
- Em sẽ nói chuyện với Nao, khuyên cậu ấy không cần lo lắng quá.
Dứt lời, Ayaka ngoảnh về phía chị gái.
- Thôi, em sẽ ở trong phòng làm bài tập đến chiều tối. Em đã chuẩn bị trà bánh trong bếp, khách đến thì chị đem ra nhé.
Cô bé toan mở cánh cửa dẫn vào nhà chính. Tôi bỗng nghi hoặc. Nghe như thể khách sẽ đến vào ban ngày ấy, chuyện này tôi mới nghe lần đầu.
- Khoan đã Aya... Khách đến vào buổi tối chứ nhỉ?
Shioriko vội vàng lên tiếng. Em gái cô quay lại, miệng há hốc gần rõ cả cuống họng, rồi bỗng đưa hai tay ôm mặt ngửa lên trần nhà.
- Ôi... đúng là lúc đó chị không nghe hả? Em chỉ định xác nhận lại thôi. Bó tay thiệt!
- Hả? Nghĩa là sao?
- Sau bữa sáng em nói rồi còn gì. Rằng ban sớm có điện thoại của khách, người ta bảo nếu được thì chiều nay đến. Chị này, bấy giờ chị trả lời hời hợt nên em đã đoán không biết lời em nói có lọt vào tai chị không...
Nghe đáp, Shioriko biến sắc mặt, như thể sực nhớ ra điều gì.
- Chắc là cái lúc... em nhắc chị “Đọc sách hay đánh răng, hãy chọn làm một thứ thôi” ấy hả?
- Đúng, chính lúc đó!
Ayaka chỉ thẳng ngón tay vào Shioriko.
Khi đang đọc sách cô không nghe cũng chẳng có gì lạ. Mà như thế nghĩa là, đánh răng cũng đọc sách sao cái con người này!
Thật ra tôi cũng không quá bất ngờ.
Bỗng cửa tiệm xịch mở.
- Xin phép.
Câu chào với âm điệu ngân nga như tiếng hát vang lên trong tiệm. Người đàn ông thấp lùn mặc bộ vét kẻ sọc xanh thẫm với chiếc mũ cũng kẻ sọc bước qua ngưỡng cửa đang mở. Dải cà vạt to màu cam trông thật chói mắt. Ông ta xách một chiếc ca táp có vẻ được làm bằng da.
Trông ông ta rất nổi bật, hoàn toàn chẳng phù hợp với cảnh sắc Kita-Kamakura tháng Bảy.
Trong khoảnh khắc, tôi cứ ngỡ một nghệ sĩ biểu diễn lạ mặt vừa ghé đến vậy.
Dáng người tròn trịa nhưng bước chân thì nhẹ tênh. Ông ta thoăn thoắt tránh những chồng sách để tiến đến quầy. Chúng tôi đứng đực ra, không ai nói được tiếng nào.
- Chào các bạn ở tiệm sách cũ Biblia. Tôi là Yoshiwara Kiichi của tiệm đồ cổ Maisuna.
Ông xưng tên với tông giọng chậm rãi nhưng khỏe khoắn rồi bỏ mũ bằng một động tác rất kịch. Cái đầu bóng lưỡng không một sợi tóc. Đường nét khuôn mặt nhẵn như gọt, nhưng khóe miệng và đuôi mắt hằn rõ nếp nhăn, xem chừng đã khá lớn tuổi.
- Tôi mạn phép đến vì vụ giao dịch cuốn Những năm cuối đời của Dazai Osamu. Chẳng hay tôi có thể thưa chuyện luôn bây giờ không?
Tôi vỡ lẽ. Ông già này chính là nhà buôn đã mua lại bộ sưu tập sách Shodai từ gia đình Kugayama. Trông khác với bất cứ chủ tiệm sách cũ nào tôi biết trước giờ. Ông tỉ mỉ chăm chút đến từng ngóc ngách cả dáng điệu lẫn trang phục, không mảy may thiếu sót, nhưng lại phảng phất mùi công nghiệp. Như thể ông ta đang diễn lại y hệt một nhân vật được tạo hình từ đâu vậy.
Tôi mang máng thấy bất an.

3

Shioriko dẫn khách vào gian phòng kiểu Nhật trong nhà chính.
Ở căn bếp bên cạnh, tôi vừa rót trà lúa mạch ra chiếc cốc thủy tinh dùng để đãi khách vừa nghe ngóng tình hình. Câu chuyện còn chưa bắt đầu.
Ông già tự xưng là Yoshiwara nhìn chằm chằm vào Shioriko đang ngồi bên kia chiếc bàn thấp. Ông ta vẫn nheo mắt niềm nở nhưng nét mặt chẳng mảy may đổi khác, như thể ngũ quan đã cứng lại thành đồ trang trí bày trong tủ kính.
Shioriko luống cuống sửa lại dáng ngồi.
Vừa bảo sẽ làm bài tập hè nhưng Ayaka lại đang nép chặt sau bóng chiếc tủ để chén bát, từ căn phòng kiểu Nhật không nhìn được tới chỗ này.
- Aya, em làm gì thế?
Tôi khẽ hỏi, cô bé liền dựng ngón trỏ ra dấu im lặng.
- Em tính nghe trộm. Chẳng phải có gì đó rất khả nghi sao, ông già kia ấy.
Lần đầu tiên tôi thấy hành vi nghe trộm được tuyên bố một cách đường hoàng đến thế. Cô bé này có tật tự ý nghe lén chuyện của khách. Đằng nào có muốn ngăn lại chắc cô bé cũng không rời khỏi đây, nhưng tôi vẫn nhắc nhở đúng như một người lớn, “Đừng nói lung tung, em về phòng đi”, rồi mang khay cốc và trà bánh vào phòng Nhật. Từ bên cạnh, tôi đặt cốc thủy tinh xuống trước mặt hai người, bất chợt ông già mở miệng, mặt vẫn tươi cười.
- Bị cho là khả nghi, tôi cũng phần nào hiểu được, nhưng xin đừng cảnh giác quá.
Tiếng ho khan bật ra từ đằng bếp. Chúng tôi đã cố nói thầm mà hình như vẫn đến tai ông. Shioriko cúi đầu thật thấp.
- Xi... xin lỗi ông.
Tôi cũng vội vã xin lỗi. Nghĩ sao chúng tôi vẫn là bên sai. Nhân tiện, không dấu hiệu nào cho thấy có người đi khỏi bếp. Có vẻ cô bé kia cương quyết nghe lén.

- Do sống ở nước ngoài lâu năm mà tôi có tật nói năng giống kịch, nhất là bởi người Âu và Mỹ không hiểu được cách diễn đạt mơ hồ rào trước đón sau của Nhật. Lúc đầu tôi cũng chưa quen nhưng bây giờ tôi lại cho rằng thế giới này giống như một sân khấu vậy. Ai cũng phải diễn một vai nào đó.
Ông ta nháy mắt đầy hàm ý. Dù ban đầu có không quen thì giờ ông ta cũng đã khá thoải mái với tác phong này rồi. Phải chăng vì nó phù hợp với tính cách ông ta.
- Maisuna... là tên của ai thế ạ?
Trước mặt Shioriko là danh thiếp của ông già. Cạnh họ tên “Yoshiwara Kiichi” có in dòng chữ “Tiệm đồ cổ Maisuna”. Địa chỉ là quận Motomachi thành phố Yokohama. Yoshiwara đan những ngón tay gân guốc trên chiếc bàn thấp, mắt không rời Shioriko. Mất một lúc ông ta mới trả lời.
- Ông tôi là người Đức, họ Meissner. Cửa tiệm chúng tôi thoạt tiên là tiệm tạp hóa bán hàng nhập khẩu, mở cửa vào đầu thời Đại Chính (thập niên 1910). Ban đầu cũng để nguyên Meissner làm tên tiệm, nhưng khi Thế chiến thứ Hai nổ ra, bố tôi thừa kế cửa tiệm, ngại dùng tên ngoại lai giữa thời buổi như thế nên đem phiên tên ra tiếng Nhật. Chuyện xảy ra hồi tôi còn nhỏ nên cũng không nhớ rõ nữa.
Nói mới thấy quả là mặt ông già phảng phất nét Âu Mỹ. Nếu sinh ra trong Thế chiến thứ Hai thì ông ta cũng khá có tuổi rồi. Ít nhất cũng phải ngoài bảy mươi.
- Ông thân với bên tiệm sách cũ Kugayama lắm, đúng không ạ?
Lại một khoảng im lặng kéo dài. Ông già này luôn chú ý quan sát biểu cảm của Shioriko, như thể muốn đọc vị xem người đối diện đã biết điều gì. Không hiểu sao tôi bỗng nhớ tới Shinokawa Chieko, mẹ của Shioriko. Bà cũng từng có thái độ y như vậy.
- Tôi vốn hứng thú với sách cũ hơn đồ cổ. Bố tôi lại là bạn thân của ông Shodai nên có hồi gửi tôi đến ở và làm việc tại nhà Kugayama. Mấy năm trước khi ông Shodai qua đời, tôi đã giữ vị trí như người học nghề kiêm quản lý ở đấy. Sau khi ông mất, tôi quay về tiếp quản cửa tiệm của bố.
Chẳng biết tự lúc nào, cơ lưng tôi căng lên. Nếu Yoshiwara từng là “quản lý” thì chắc chắn ông ta cũng biết những vụ giao dịch xấu xa của ông cụ Shodai, chưa chừng còn tiếp tay ấy chứ.
- Ông biết ông nội cháu, đúng không ạ?
Biểu cảm của Shioriko không khác mọi ngày... Tức là nói lí nhí và không dám nhìn vào mắt người đối thoại. Những khi không phải chuyện liên quan sách vở.
- Ý cô là Shinokawa Seiji? Tất nhiên, tôi biết chứ.
Ông ta ngừng một thoáng rồi gật đầu.
- Chúng tôi có vài năm làm việc cùng nhau ở Kugayama. Anh Seiji làm quản lý ở Kugayama, về sau tách ra mở Biblia nên tôi được làm quản lý tiếp theo. Quản lý chỉ là cách gọi văn hoa cho chân chạy vặt. Dù trong hay ngoài giờ làm, tôi vẫn thường bị ông Shodai mặc tình sai phái.
Lại thêm một mối lo nữa. Nếu ngoài công việc ra ông ta còn làm chân sai vặt, chắc chắn ông ta sẽ rất tường tận về cuộc sống riêng tư của Shodai. Chẳng lạ gì nếu ông ta biết chủ mình có con riêng, Chieko.
- Vì duyên nợ đó, bà Mari đã nhờ tôi mua lại bộ sưu tập sách của ông Shodai. Xin lỗi, tôi nói chuyện lan man quá. Chúng ta vào chuyện chính thôi nhỉ, còn phiền cô mua lại cuốn sách cũ tôi mang đến nữa chứ.
Yoshiwara mở chiếc ca táp da màu trắng, lấy món đồ bọc khăn rồi cởi ra, tở rộng trên mặt bàn.
Cuốn sách cũ mang tên Những năm cuối đời xuất hiện.
Shioriko xin phép xem qua, nhận lấy cuốn sách và cẩn thận lật từng trang giấy.
- ... Đúng là nó rồi.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Có vẻ ông ta thật lòng muốn bán cho chúng tôi.
- Tốt quá. Vậy tôi nhượng lại cho cô nhé. Giá là tám triệu yên.
Tám triệu yên? Trước con số mà ông già đưa ra không hề do dự, tôi thấy nghi ngờ chính tai mình.
Đang trả cuốn sách về trên tấm khăn bọc, Shioriko chợt khựng lại.
- Tám triệu yên ấy ạ?
- Ừ, thì đồ hiếm mà. Tôi nghĩ nó xứng với mức giá “hiếm” cỡ đó.
Chắc chắn ông ta không ngu ngốc đến thế. Tôi từng nghe Shioriko nói rằng bản in đầu Những năm cuối đời nếu không phải bản chưa rọc thì chỉ bán được với giá trên dưới một triệu yên. Kể cả cuốn sách hiếm mà Dazai giữ “Để tự dùng” cũng không có giá cao đến thế. Nhất là, ông già này chỉ trả Mari 1.000.000 yên cho toàn bộ số sách. Dù nâng giá cũng có chừng mực chứ.
- Cháu thấy giá đó khá cao so với thị trường ạ. - Shioriko nói bằng giọng kiềm chế.
- Vậy hả? - Yoshiwara nghiêng cái đầu hình quả trứng, khuôn mặt vẫn cười. Tuy nhiên, ánh nhìn của ông ta không rời khỏi Shioriko. - Tôi thì nghĩ đó là giá hợp lý. Tôi tin có khách sẽ mua nó ngay cả với giá 8.000.000 yên.
- Đúng là nhiều nhà sưu tập bày tỏ niềm thích thú với cuốn Những năm cuối đời “Để tự dùng” của Dazai, nhưng... Cháu nghĩ không ai bỏ ra số tiền ấy đâu ạ.
- Khách của cửa tiệm này thì có thể đúng thế thật. Ví như người hiện đang trong tù vì tội làm cô bị thương nặng, cậu Tanaka Toshio ấy, chắc sẽ chẳng bỏ ra nhiều đến thế đâu, dù có là cháu nội Tanaka Yoshio đi chăng nữa.
Tôi đã hiểu ra. Ông già này biết tỏng tiệm sách cũ Biblia phải có được cuốn Những năm cuối đời “Để tự dùng” bằng mọi giá. Chắc chắn ông ta cũng biết Tanaka Yoshio đã bị tiệm sách cũ Kugayama ép giá khi mua cuốn Những năm cuối đời này. Và, ông ta tính vắt kiệt Biblia đến hết mức có thể. Đúng là một nhà buôn sách cũ tàn nhẫn, tham lam, y hệt thầy ông ta.
Có lẽ Mari cũng đoán được chuyện sẽ thành ra thế này, nên mới nhượng bộ sưu tập cho quản lý cũ của Kugayama. Dứt khoát là trò để trả thù Shioriko.
- Nếu cô không hứng thú thì tôi buộc phải bán cho bên khác. Dĩ nhiên, bổn tiệm tôn trọng quyền riêng tư của khách nên sẽ tiến hành sao cho tuyệt đối không ai biết được sách đã tới tay vị nào. Nếu cô bỏ lỡ hôm nay thì có lẽ không còn cơ hội thứ hai để mua cuốn Những năm cuối đời này nữa. Hoặc nếu có thì chắc cũng không kịp lúc cậu Tanaka Toshio ra tù. Rồi cậu ta sẽ lồng lộn tới mức nào chứ, tưởng tượng thôi đã đủ sợ rồi. Nghe đồn cậu ta là người sẵn sàng bất chấp tất cả vì sách cũ...
Ông ta giả vờ run bắn người. Đùa hả? Chẳng phải ông đang dồn ép chúng tôi sao? Chúng tôi mà cung cúc tuân theo một kẻ như thế này á? Đừng đùa!
- Cháu hiểu rồi. Cháu sẽ trả tám triệu yên.
Shioriko tuyên bố bằng giọng rất trầm. Tôi bất giác nhìn cô, toan hỏi cô đang nghiêm túc sao. Cô khẽ lắc đầu ngăn tôi lại.
- Vì có vẻ không còn cách nào khác.
Cô thì thầm, mặt vẫn nhìn ra trước. Dù không muốn thừa nhận nhưng thực sự thì quyền chủ động trong giao dịch này đâu nằm trong tay chúng tôi. Nếu ông ta ngừng giao dịch, tất cả sẽ kết thúc.
- Tôi xin cảm ơn.
Yoshiwara cúi chào kiểu lịch sự thái quá. Chỉ nhìn cái đầu nhẵn bóng của ông ta tôi cũng thấy khó chịu.
- Vậy xin hỏi cô sẽ thanh toán thế nào? Bởi có lẽ trả ngay toàn bộ số tiền thì hơi khó, nên tôi sẽ chờ ít bữa vậy.
- Ngày mai cháu sẽ trả một nửa... Phần còn lại để tháng sau được không ạ?
- Tất nhiên là được rồi. Vậy ta làm hợp đồng luôn tại đây nhé. Chỉ cần cô đặt cọc một ít thì ngay hôm nay tôi xin giao cuốn Những năm cuối đời này cho cô.
Tôi chỉ biết im lặng nhìn giao dịch từng bước diễn ra. Tôi nhớ lại câu chuyện của Shioriko ban nãy. Dù Shioriko đã nói có một khoản gửi trong ngân hàng phòng khi nhập hàng với số vốn lớn, nhưng chắc chắn khoản đó không đủ. Cô định lấy thêm tiền ở đâu đây? Vả lại, giờ tiệm sách cũ Biblia còn đang rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ.
- ...Vậy là thương lượng hoàn tất. Xin hãy nhận hàng.
Yoshiwara đẩy cuốn Những năm cuối đời về phía chúng tôi. Trước khi Shioriko cầm lên, ông ta lại đặt thêm một cuốn sách nữa bên cạnh.
Cuốn sách mỏng khổ nhỏ trông như ấn phẩm quảng cáo [dạng tờ gấp tờ rơi]. Tên sách là Vụ án thế chấp thịt người. Chất lượng giấy và tình trạng đổi màu cho thấy sách đã tương đối cũ.
- Món quà cảm ơn vì đã mua cuốn Những năm cuối đời. Cuốn này miễn phí.
Shioriko nhìn lướt qua trang bìa. Rõ ràng là bối rối. Không biết tại sao mình lại được tặng món quà này.
- Đây là sách trong bộ sưu tập của ông Shodai đúng không ạ? Nó được trưng bày trong tủ cùng cuốn Những năm cuối đời...
- Đúng thế. Một trong những cuốn tôi đã mua.
Yoshiwara gật đầu. Shioriko cầm Vụ án thế chấp thịt người lên, thoăn thoắt kiểm tra các trang. Yoshiwara chằm chặp dõi theo hành động của cô.
- Cháu cảm ơn. Cháu xin phép nhận cuốn sách này với lòng biết ơn sâu sắc.
Shioriko cúi đầu. Có lẽ cô cũng nghĩ chẳng có lý do gì phải từ chối. Cô đặt nó lên trên cuốn Những năm cuối đời.
Tôi thầm nhủ giao dịch đã xong, nhưng Yoshiwara chẳng có vẻ gì muốn cử động. Thấy khách vẫn ngồi trầm ngâm, Shioriko định lên tiếng.
- À, ngoài ra...
- Chieko kể cô nghe về tôi bao giờ chưa?
Yoshiwara cướp lời. Dù vẻ niềm nở vẫn không đổi, nhưng bầu không khí có phần khác ban nãy.
Vừa nghe đến tên mẹ, mặt Shioriko cứng đờ.
- ...Chưa ạ.
- Gần đây cô có gặp Chieko không?
- Lâu rồi cháu không gặp, cũng không liên lạc gì. Thậm chí không biết mẹ đang ở đâu. Sao ông lại hỏi về mẹ cháu?
Ánh nhìn của Yoshiwara bỗng trở nên đanh sắc.
Trống ngực tôi đập thình thịch.
- Vì tôi có quen mẹ cô. Thời Chieko còn là sinh viên, tôi chính là người dạy cô ấy những điều căn bản về sách Tây. Chieko là một học trò cực kì xuất sắc. Bấy giờ cô ấy học chuyên ngành lịch sử, tiện thể nghiên cứu về sách cũ Âu Mỹ. Mà, nói là nghiên cứu chứ xem chừng cũng chỉ để phục vụ sở thích cá nhân.
Tôi cảm thấy như bị một vật lạnh chạm vào sau lưng vậy. Ngày trước, tôi từng nghe bạn thân của bà nói rằng thời sinh viên, Chieko có hứng thú với “quá trình xuất bản ở châu Âu thời cận đại”. Nếu ông già trước mắt chúng tôi đây nói thật, thì ông chính là thầy của Chieko.
Ánh mắt ông ta đáng sợ như đang cố nhìn thấu cảm xúc của đối phương. Ban nãy tôi nghĩ người này giống Chieko, nhưng có lẽ ngược lại. Chieko rất giống người này.
- Thật ra ông Shodai muốn tự mình huấn luyện Chieko, nhưng dù thành thạo kinh doanh sách Tây cũ, ông lại không rõ về nội dung sách vở. Ông là người hầu như không đọc sách mà. Vì thế tôi được giao nhiệm vụ dạy dỗ Chieko. Cũng bởi có người ông sinh ra ở Đức, tôi lớn lên với sách Tây bao quanh.
Ông ta nhấn mạnh tên nước Đức với vẻ tự mãn. Shioriko bất giác nhoài người tới.
- Sao ông Shodai lại dạy về sách cũ cho mẹ cháu?
Trong khoảnh khắc, mắt Yoshiwara nheo lại đầy nghi hoặc. Rồi ngay lập tức, nét mừng vui chưa từng thấy lan rộng khắp mặt ông ta.
“Tệ quá”, tôi nghĩ. Shioriko không biết về mối quan hệ giữa Shodai và Chieko. Xui xẻo sao, điều đó còn bị vị khách này nhận ra.
Yoshiwara vỗ đốp vào đầu mình.
- Bất ngờ đấy. Chuyện đó mà cô không biết sao? Rõ thật là Chieko cũng chẳng tốt đẹp gì.
- ...Là sao ạ?
- Gì chứ, chuyện đơn giản lắm. Ông Shodai với Chieko là...
- Khoan đã! - Tôi bất giác hét lên.
Phản ứng thật sai lầm.
Ông già liếc nhìn tôi. Những người ở đây đều hiểu, kẻ ngoài cuộc này đã tỏ tường một bí mật của nhà Shinokawa mà đến Shioriko cũng không biết.
Yoshiwara nói tiếp như thể không nghe thấy gì.
- Ông Shodai là cha của Chieko. Ông muốn để cô ấy thừa kế tiệm sách Kugayama nên mới muốn huấn luyện, dù cuối cùng ông đã thất bại. Cũng có nghĩa, cô là cháu ngoại ông Shodai.
- Hả!
Tiếng hét không phải của Shioriko, cũng không phải của tôi.
Cả ba người trong phòng khách nhất loạt nhìn về phía tấm cửa trượt ngăn cách căn phòng với bếp. Có vẻ cô bé kia vẫn tiếp tục nghe lén. Nghĩ lại, em gái Shioriko thì cũng là cháu của Shodai mà.
- Cháu hiểu rồi. Ngoài ra ông còn việc gì nữa không ạ?
Shioriko nói. Xem ra đã lấy lại bình tĩnh. Cô tiếp nhận sự việc thế nào, tôi chẳng làm sao biết được.
- Không, không còn chuyện gì nữa. Thật lòng mong đợi những đề nghị khác từ cô.
Yoshiwara đặt tay lên ngực, cảm ơn một cách cường điệu.
“Không đời nào có lần thứ hai đâu!”. Tôi nghĩ vậy nhưng chẳng thế nói ra lời.

4

Ngày hôm sau, tiệm sách cũ Biblia mở cửa trở lại.
Tôi đang đổi hàng ở góc truyện tranh cũ cạnh quầy thanh toán. Khách đứng đọc sách* đã đi từ lúc nào, trong tiệm còn một mình tôi. Chẳng biết có phải do cái nóng chết người hay không mà chiều rồi vẫn không có mấy khách ghé tiệm.

*[Dù quyết định cuối cùng có là mua hay không, người Nhật cũng thường đứng đọc sách rất lâu trong các tiệm sách và cửa hàng tiện lợi. Hình ảnh này đã trở thành nét đặc trưng trong tập quán đọc Nhật Bản]

Shioriko đã ra ngân hàng để chuyển tiền cuốn Những năm cuối đời cho tiệm đồ cổ Maisuna.
Hôm qua, sau khi Yoshiwara Kiichi ra về, tôi những tưởng mình sẽ bị tra hỏi nhiều lắm, nhưng Shioriko chỉ nói vỏn vẹn một câu, “Ngày mai bình tĩnh lại mình trao đổi nhé”.
Nhưng sáng nay, khi tôi vào làm, ngoài các yêu cầu công việc ra chúng tôi hầu như không trao đổi gì cả.
Đang nhét cuốn Con ma Q taro* của Fujiko Fujio vào giá sách, tôi dừng tay.

*[Tên tạm dịch từ Obake no Q taro, bộ truyện tranh của Fujiko Fujio về một con ma tên Q taro sống với gia đình Ohara. Q taro rất sợ chó, hay gây phiền phức cho xung quanh bằng cách bay dọa mọi người hoặc ăn trộm thức ăn. Các tập truyện đi theo một khuôn mẫu nhất định, thường là những câu chuyện hài hước về Q taro và bạn bè của cậu]

Lẽ ra tôi không nên im lặng.
Tôi phát hiện Chieko là con gái Shodai cũng được hơn một tháng rồi. Tự viện cớ không đủ bằng chứng, tôi vẫn giữ kín sự việc với Shioriko. Tôi cũng không định tự kiểm tra xem có phải sự thật không. Tôi nghĩ mình đã lo sợ. Tôi không muốn nhìn Shioriko khổ tâm vì mối quan hệ với ông ngoại hay với mẹ mình hơn nữa. Nhưng so với việc bị bại lộ thế này, đáng lẽ tôi nên tự nói ra thì tốt hơn.
Cánh cửa sâu trong quầy thanh toán mở ra. Shioriko xuất hiện từ nhà chính.
- ...Em về rồi ạ.
Cô vào qua nhà chính sao? Chắc chắn cô đã đi ngang cửa tiệm, vậy mà tôi chẳng nhận ra. Hình như vào nhà rồi sang đây luôn nên cái gáy trắng và bắp tay vẫn lấm tấm mồ hôi.
- Em vất vả rồi. Bên ngoài nóng lắm nhỉ.
Trong tiệm cũng khá nóng. Tôi ngoảnh ra thì thấy cửa kéo đang mở một nửa. Chắc vị khách ra ngoài ban nãy quên đóng vào.
- ...Nóng ạ.
Shioriko rụt rè đáp, không nhìn thẳng vào mắt tôi. Tình trạng này kéo dài suốt từ hôm qua. Đúng là tôi phải xin lỗi cô thôi. Tôi ngừng tay, nhìn về phía cô.
- Anh Daisuke.
Shioriko đột nhiên mở lời trước. Mắt vẫn nhìn xuống quầy, cô nói tiếp.
- Mẹ em kể với anh đến đâu rồi? Về ông bà em ấy.
Thế là bại lộ, việc tôi biết được bí mật là do nghe Chieko kể ấy. Mà cũng phải thôi. Còn ai khác nói cho tôi được.
Xác định đâu ra đấy xong, tôi giải thích ngắn gọn. Rằng mẹ Chieko là người tình của Shodai, xem ra bà cụ hiện vẫn sống cùng gia đình mới tại Fukasawa, thành phố Kamakura. Rằng chỉ người thừa kế tiệm Kugayama mới có tư cách xem bộ sưu tập sách của gia đình, nhưng không hiểu sao Chieko vẫn biết hết. Tóm lại những người nắm rõ về bộ sưu tập ấy là vợ con Shodai, và cô con ngoài giá thú của ông cụ...
Tôi đã kể xong nhưng Shioriko vẫn giữ nguyên dáng điệu, chẳng hề nhúc nhích. Thấy tôi cúi đầu xin lỗi, cô nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên.
- Xin lỗi gì ạ?
- Vì... tôi biết mà cứ im lặng suốt.
- Tất nhiên anh sẽ không nói rồi. Chuyện đó em không để ý đâu.
Shioriko dứt khoát bác đi. Xem vẻ cô không giận tôi thật. Tôi nhẹ cả người.
- Em cũng đã đoán có thể mẹ là con gái ông Shodai.
- Thật sao?
- Dạ. Như anh Daisuke vừa nói, mẹ em biết về tình trạng bộ sưu tập sách của Shodai. Không loại trừ khả năng mẹ đã lén xem, nhưng em không nghĩ họ sẽ dễ dàng tha thứ cho hành vi đó. Tuy nhiên nếu mẹ là con gái ông Shodai, thì bà có cơ hội như thế cũng không có gì lạ.
Quả nhiên Shioriko đã luôn nghi ngờ. Đúng là, làm gì có chuyện tôi nhận ra mà cô lại không.
- Chỉ riêng việc biết bà ngoại còn tại thế là em đã mừng lắm rồi. Mẹ từng kể mẹ “Không có gia đình”, nhưng giờ nghĩ lại thì mẹ chưa hề nói họ đã mất. Có lẽ ý mẹ là bà ngoại đã đổi họ nên đó không phải gia đình của mẹ nữa.
Giọng Shioriko rộn ràng nhưng tôi thật lòng không vui nổi. Tôi hiểu việc người bà kia tái hôn và có gia đình mới. Nhưng kể cả thế, đã ở gần nhau thế này, đúng ra phải đến nhìn mặt cháu mình chứ. Xem chừng có lý do khiến bà cụ không thể đến, hoặc đơn giản là tính cách bà cũng không như người bình thường, mẹ của Chieko cơ mà...
- Ơ, anh Daisuke, anh không sao chứ?
- Hả? À, xin lỗi. Em vừa nói gì ấy nhỉ?
Shioriko đang nói chuyện mà tôi lại sao lãng.
Loay hoay đổi cách cầm nạng tới mấy lần, Shioriko mới như đủ dũng khí để hỏi lại.
- Nhà em... không rắc rối quá chứ?
- Hả?
Tôi hoàn toàn không hiểu cô đang nói gì.
- E... em hiểu, bị hỏi dồn thế này anh sẽ chẳng thừa nhận “gia đình em rắc rối” được, nhưng... Mẹ thì như thế, rồi người ông đó cũng khó lòng gọi là người tốt được... Liệu anh Daisuke có chán ghét hẹn hò với em không...
- Không hề.
Tôi lỡ nói hơi to quá. Shioriko tròn xoe mắt. Tôi hít thật sâu, lấy lại bình tĩnh.
- Tôi chưa từng nghĩ sẽ chán ghét gì hết... Mẹ hay ông ngoại làm gì cũng đâu liên quan đến Shioriko. Nói chứ, nhà tôi cũng có chuyện không thể kể cho người khác đấy thôi?
Bà tôi ngoại tình đến đẻ cả con ngoài giá thú. Dù tính chất sự việc khác với nhà Shioriko, nhưng tương đồng ở điểm không tiện khơi khơi nói ra. Nhà ai chẳng có vấn đề riêng khó mà công khai.
- Thế em thấy nhà tôi rắc rối lắm à?
Shioriko lắc đầu quầy quậy.
- Vậy là được rồi còn gì. Tất cả là chuyện đã qua. Chỉ cần từ giờ về sau chúng ta chú ý là được.
Có lẽ Shioriko cũng chưa tự nhận ra. Rằng điều khiến cô thực sự bất an không phải gia đình rắc rối, mà là khả năng một ngày nào đó cô cũng sẽ như ông và mẹ, dồn ép người khác hay ruồng rẫy gia đình vì sách cũ, hoặc thậm chí còn làm những việc đáng sợ hơn.
Tôi không tưởng tượng nổi cô gái này mà lại chà đạp ai đó vì lòng tham của mình. Tôi tin dù có chuyện gì xảy ra, dứt khoát cô cũng sẽ tìm con đường khác. Tôi muốn được làm chỗ dựa cho một Shioriko như thế.

- “Ôi, hết thảy mọi xúc cảm ngoài niềm vui sẽ tan biến vào hư vô. Cả vô số hoài nghi, nỗi tuyệt vọng chực chờ phía trước, cả nỗi bất an đến run rẩy lẫn cơn ghen đến xanh tròng mắt...
Shioriko lẩm nhẩm, đầu vẫn cúi gằm. Những tiếng cuối khẽ run.
- Mấy câu đó là gì thế?
Em gái Shioriko hỏi. Đúng vậy, tôi cũng định thắc mắc. Trích dẫn từ tác phẩm nào chăng?
- Em làm gì đấy?
Chẳng biết từ khi nào Ayaka đã xuất hiện ngay cạnh chúng tôi với đôi tay khoanh trước ngực.
- Làm gì là sao! Này nhé, nghe lén là không tốt, nên em tính đường đường chính chính nghe đây.
Cô bé chẳng chút ngại ngần. Tôi thở dài.
- Em chẳng bỏ tật nghe lỏm gì cả...
- Bởi em cũng có liên quan chứ bộ! Họ cũng là ông em, bà em mà!
Cô bé cãi lại kịch liệt. Đúng nhỉ! Cô bé cũng không phải người ngoài cuộc.
- Chồng bà Mari là ông ngoại chúng ta, nên nhà Kugayama có quan hệ họ hàng với chị em mình, đúng không? Bác Tsuruyo là bác ruột của chúng ta, Hiroko là chị họ... À, bà Mari thì không có quan hệ máu mủ nhỉ. Bà ngoại chúng ta đang sống ở Fukasawa mà.
Cô bé vung vẩy ngón trỏ hết hướng này hướng khác, rồi tự gật gù một mình.
- Chỉ nói chuyện này ở đây thôi nhé, Aya. Chúng ta không rõ bác Tsuruyo và Hiroko đã biết chưa.
Shioriko nghiêm mặt nhắc nhở. Hiroko mà biết mình là chị em họ của hai người này, chắc cũng chẳng vui vẻ gì, có khi lại còn ác cảm thêm vì chung dòng máu với Shioriko.
- Biết rồi biết rồi... Nhưng em muốn đi gặp bà ngoại. Bà sống ngay gần đây, không qua lại thì phí quá.
Nói rồi cô bé hất cằm về hướng Fukasawa. Dường như nếu bà cho phép, ngay ngày mai cô sẽ đi gặp, làm thân với bà rồi về. Cô bé nói đầy thiện ý, chẳng chút ngại ngần hay châm biếm.
- Chuyện kia như thế, chị có sao không?
- ...Chuyện gì cơ?
- Tiền tiền nong nong đó. Tiền mua cuốn sách của Dazai Osamu. Nhà ta đâu dư dả để trả 8.000.000 kia.
Ayaka đi thẳng vào trọng tâm mà không ái ngại hay mai mỉa. Shioriko bối rối liếc nhìn tôi.
Quả nhiên không đủ hả?!
- Không sao. Chị sẽ tìm cách.
Shioriko quả quyết. Cô em dường không hiểu rõ nhưng bỗng dang rộng tay ôm lấy chị. Cô chị cũng ôm lại em như một lẽ dĩ nhiên. Chị em nhà này có thói quen ôm người thân.
Sau vài giây, họ buông nhau ra như chẳng có chuyện gì to tát.
- Hôm nay đến đây thôi! Nhưng nếu có khó khăn về tiền bạc chị phải bàn với em nhé, em vẫn quản lý chi tiêu phía nhà chính mà... Vậy em đến lò luyện thi đây. Em còn ghé siêu thị mua đồ nên chắc sẽ về muộn một chút.
Dứt lời, Ayaka đi sang nhà chính. Cô bé vẫn quán xuyến việc nhà, lại phải lo ôn thi nên chắc chẳng dễ dàng gì.
Cửa đã đóng lại được một lúc, chúng tôi vẫn không nói nên lời.
- Nếu chỉ là vấn đề tiền nong của tiệm, thì em nghĩ là ổn thôi.
Cuối cùng Shioriko cũng mở lời, như thể cảm thấy tôi sắp hỏi.
- Ngoài kinh doanh của tiệm còn có việc gì?
- À, lần này em sẽ thẳng thắn. Em muốn anh Daisuke cũng biết.
Có vẻ là chuyện khó nói ở tiệm.
- Ngoài chuyện kia ra, hiện em còn lo lắng một việc nữa. Vụ mua bán với ông Yoshiwara có lẽ chưa kết thúc tại đây đâu.
- Ông già đó lại nói thêm gì à?
- Không ạ, nhưng... Chỉ là, ý đồ của người ta là gì, đến giờ em vẫn chưa hiểu rõ. Không chỉ muốn bán Những năm cuối đời với giá cao đâu, ông ta còn một mục đích khác.
Ánh mắt nhìn thấu tâm can y hệt mắt Chieko của ông già đó hiện lên trong đầu tôi. Quả thật lý do “trục lợi” chưa đủ để lý giải cho hành vi của ông ta.
- Anh xem cái này đi.
Shioriko cầm cuốn sách mỏng khổ nhỏ đặt trên quầy, giơ bìa cho tôi xem.
Vụ án thế chấp thịt người.
Cuốn sách cũ mà ông già nọ để lại cùng Những năm cuối đời của Dazai Osamu. Tôi đón cuốn sách, lật từng trang giấy. Bìa sách mỏng, trừ tranh minh họa và lời tựa, chính văn chỉ vỏn vẹn hai, ba chục trang.
Rõ ràng đây là một cuốn sách tương đối cũ, toàn bộ chữ Hán bên trong là chữ cổ*. Không có lấy một dấu chấm, dấu phẩy hay một lần xuống dòng.

*[Kiểu chữ Hán sử dụng trước khi Nội các Nhật Bản thông qua Bảng chữ Hán thường dùng vào năm 1949. Văn chương viết bằng Hán cổ không có dấu chấm, dấu phẩy hay xuống dòng]

...Thẩm phán Portia ngăn Bassanio bấy giờ đang chực đưa tiền lại đừng vội trả tiền cho qua Shylock nếu ngươi cắt thừa hay thiếu một pound thịt thế chấp...

Đột nhiên, tôi thấy xây xẩm mặt mày. Tôi lắc đầu, ngước nhìn lên. Gần đây, cơ địa không đọc được sách đã đỡ hơn một chút, nhưng nhìn trang giấy chi chít chữ nghĩa thế này quả thật quá sức. Nội dung sách thì, có thể nói tôi hoàn toàn mù tịt. Nhan đề có chữ “Vụ án” nên chắc là chuyện tranh tụng trên tòa chăng.
- Sau khi đưa ra cuốn sách cũ này, rõ ràng ông Yoshiwara đã thăm dò phản ứng của chúng ta... Anh! Anh có ổn không?
Tiếng Shioriko vang lên bên tai. Tôi đáp ổn, và một lần nữa nhìn xuống cuốn Vụ án thế chấp thịt người.
Cuốn sách cũ này hẳn phải có ý nghĩa gì đó. Tôi lật một mạch đến trang cuối để xem xi nhê. Nhà xuất bản là một công ty tên Kakumeido. Dịch giả là Inoue Tsutomu. Còn có dòng chữ “Giấy phép tái bản ngày 9 tháng Tám năm Minh Trị thứ 19”.
- Năm Minh Trị 19 là...
- 1886. Gần một trăm ba mươi năm trước.
Shioriko tức khắc trả lời. Chỉ lùi lại thêm chút nữa là đến thời Edo rồi. Cuốn sách này cổ hơn mọi cuốn tôi từng thấy ở tiệm sách cũ Biblia.
- Đây là tác phẩm văn học chuyển thể từ kịch bản, một trong những danh tác đầu tiên được dịch sang tiếng Nhật. Cuốn sách phát hành năm Minh Trị thứ 19 này là sách in lại. Lần xuất bản đầu tiên là của một nhà khác, vào năm Minh Trị thứ 16*.

*[Nhà phát hành đầu tiên là Kinkodo (Kim Cổ Đường). Bản in năm 1883 của họ có độ dày 76 trang cỡ tương đương 13x18 cm. Bản in lại năm 1886 của Kakumeido (Hạc Minh Đường) có cùng khổ, dày 79 trang. Đều rất nhiều hình minh họa].

Cách nói chuyện của cô gái này vẫn thế, hễ liên quan tới sách là lại trở nên lưu loát như được bật công tắc.
- Dịch, có nghĩa là tác phẩm nước ngoài?
- Dạ. Em nghĩ anh Daisuke cũng biết nhan đề vở kịch được chuyển thể đấy.
Nếu bản dịch được xuất bản vào năm Minh Trị thứ 16 thì nguyên tác phải ra đời trước đó nữa. Văn học cổ điển nước ngoài là thứ tôi ít có duyên nợ nhất trong đời. Nếu đến ngày nay vẫn tiếp tục được xuất bản thì hẳn phải nổi tiếng lâu dài lắm.
- ... Tôi chịu.
Thấy tôi đầu hàng, Shioriko tiết lộ câu trả lời.
- Vở Người lái buôn thành Venice của William Shakespeare*.

*[Tác giả truyện “Người lái buôn thành Venice” là Mary Lamb (1764-1847), người Anh. Bà cùng em trai chuyển thể gần hết các vở kịch của Shakespeare thành truyện ngắn và in chung trong tập Tales from Shakespeare (Truyện kể Shakespeare) với hình thức diễn ngôn tóm tắt gọn gàng đơn giản để người trẻ dễ tiếp cận, nhan đề vẫn giữ nguyên. Inoue Tsutomu rút “Người lái buôn thành Venice” từ tập này, dịch ra tiếng Nhật và cho xuất bản với tên mới là Vụ án thế chấp thịt người, có lẽ để dễ bề hút khách]

5

Suýt nữa thì tôi “À!” lên một tiếng.
Quả đúng là tôi có nghe tên Người lái buôn thành Venice rồi. Hình như là chuyện về một gã thương nhân độc ác đòi thế chấp thịt người ta mới cho vay tiền, đã bị quan tòa hay ai đó thắng lý. Nghĩ lại thì Vụ án thế chấp thịt người cũng là nhan đề tóm nguyên cốt truyện rồi. Đoạn tôi đọc ban nãy cũng xuất hiện mấy từ “thịt” và “thế chấp”.
Tất nhiên, tôi chưa đọc vở kịch, cũng chưa xem công diễn bao giờ. Không chỉ Người lái buôn thành Venice mà tác phẩm nào của Shakespeare cũng thế.
- Nói đến Shakespeare thì, để coi... Có Romeo và Juliet nhỉ?
- Dạ. Nổi tiếng nhất hẳn nhiên là Romeo và Juliet, còn được dựng phim không biết bao lần.
Duy tác phẩm ấy thì tôi biết cốt truyện, vì có xem phim do Leonardo DiCaprio thủ vai chính. Đó là bi kịch về đôi nam nữ sinh ra trong hai gia đình đối địch đã phải lòng nhau, cuối cùng chết cả đôi. Mẹ tôi là fan của DiCaprio nên tôi bị ép tham gia cùng “Hội xem phim chiếu tại gia bằng DVD” của mẹ đến phát ngán. Bối cảnh phim là thời hiện đại.
- Shakespeare là người thời nào nhỉ?
Tôi còn mỗi ấn tượng về một vĩ nhân thời xưa xuất hiện trong sách giáo khoa. Chân dung ông cũng chỉ lờ mờ hiện lên trong đầu.
- Ông sinh năm 1564 ở Stratford-upon-Avon thuộc miền Trung nước Anh, hoạt động chủ yếu trong vai trò kịch tác gia tại London từ cuối thế kỉ 16 tới đầu thế kỉ 17. Ông mất năm 1616 ở tuổi 52. Tính theo niên đại của Nhật thì Shakespeare sống từ thời Azuchi-Momoyama đến đầu thời Edo. Năm mất của ông trùng với năm Tokugawa Ieyasu* qua đời. Do các ghi chép về Shakespeare hầu như không còn nên cuộc đời ông vẫn tồn tại nhiều bí ẩn?

*[Tokugawa Ieyasu: Người sáng lập và trị vì Mạc phủ Tokugawa từ năm 1603 đến năm 1868 sau khi ép thiên hoàng ban tước đại tướng quân, ông duy trì thiên hoàng trên danh nghĩa, còn thì tự nắm mọi thực quyền]

Shioriko đáp vanh vách. Nếu đổi sang niên đại Nhật Bản thì Shakespeare là một người rất, rất xưa, cùng thời với các võ tướng Chiến Quốc.
- Tuy vậy, ông vẫn là một trong những tác giả nổi tiếng nhất thế giới. Ở Nhật, từ đầu thời Minh Trị, sau khi Vụ án thế chấp thịt người phát hành thì vở kịch cũng chính thức được dịch hoặc remake*. Gần đây người ta lại phát hành tuyển tập bản dịch mới các tác phẩm của ông đấy?

*[Làm phiên bản mới của tác phẩm, giữ nguyên thể loại và nội dung, chỉ thay đổi chi tiết của phiên bản cũ cho hợp với văn hóa, thị trường, xu hướng thời đại... Ở đây có thể hiểu là dựng vở kịch với cốt truyện tương tự nhưng bối cảnh, địa điểm, trang phục, tập quán, tên nhân vật... đều đã được Nhật hóa]

Nói mới nhớ, tôi có thấy tác phẩm chuyển thể từ kịch của Shakespeare được bày thành hàng với số lượng lớn trong các nhà sách. Có lẽ rất nhiều người không chỉ xem kịch mà còn đọc truyện nữa.
- Các tác phẩm của ông thế nào nhỉ?
- Có nhiều thể loại... nhưng trước hết phải kể đến bi kịch. Không chỉ Romeo và Juliet mà loạt Tứ đại bi kịch Hamlet, Macbeth, Othello, Vua Lear đều lừng danh.
- Nghe em kể, tôi cũng ngờ ngợ là đã từng nghe qua những cái tên đó. À, Othello thì chưa bao giờ.
- Cái tên Othello rất nổi tiếng đấy. Xem nào, có một board game* tên là Othello đúng không? Trò chơi sử dụng các viên đá có hai mặt sấp ngửa chia màu đen trắng để đi đánh thành... Nghe nói ban đầu được gọi là Reversi...

*[Một thể loại trò chơi gồm hai hoặc nhiều người dùng vật dụng đi kèm như các lá bài, xí ngầu, quân cờ để tương tác trực tiếp với nhau]

- Ồ, vậy cái tên Othello có nguồn gốc từ Shakespeare sao?
Shioriko gật đầu.
- Othello lấy bối cảnh nước Ý thời Trung cổ. Câu chuyện kể về tướng quân người Moor* là Othello, do mắc mưu của thuộc hạ là Iago đã nổi cơn ghen và sát hại Desdemona, vợ mình. Có vẻ trò chơi dựa theo màu da của Othello và Desdemona cùng cách xây dựng các nhân vật “lật mặt” nhanh tới chóng mặt.

*[Nhóm người có nguồn gốc Bắc Phi đã xâm chiếm bán đảo Iberia (thuộc miền Tây Nam châu Âu) trong gần tám trăm năm]

Tôi không hề hay biết. Hóa ra Shakespeare lại có mối liên hệ với những điều gần gũi đến vậy.
- Nói mới nhớ, có một câu thoại nổi tiếng trong vở bi kịch của Shakespeare nhỉ? Hình như là “To be...”*
- “... or not to be, that is the question”* trong “Hamlet”.

*[Tạm dịch: Sống hay không sống, đó là một vấn đề nan giải]

Shioriko đáp như muốn cướp lời. Cô phát âm tiếng Anh đặc lối Nhật. Lòng tôi trào lên cảm giác quen thuộc.
- Bối cảnh câu truyện đặt tại vương triều Đan Mạch thời Trung cổ. Hoàng tử Hamlet dù suy tính trả thù người chú đã ám sát vua cha nhưng đồng thời cũng đau khổ khi nghĩ về đời mình... Quả đúng là câu thoại khi đau khổ anh nhỉ. Hình tượng Hamlet lưỡng lự nghi hoặc đã gây ảnh hưởng lớn đến nền văn học sau này. Dazai Osamu cũng được truyền cảm hứng từ Hamlet và viết ra cuốn tiểu thuyết Tân Hamlet* đấy.

*[Tạm dịch từ Shin Hamlet (1941) viết về cuộc đấu tranh nội tâm của những người đàn ông thiếu quyết đoán trong khi phụ nữ lại vùng lên mạnh mẽ.
Cuốn sách đánh dấu sự phát triển có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp của Dazai Osamu khi ông bắt đầu hướng tới việc viết tiểu thuyết dài mà đỉnh cao sau đó là hai tác phẩm kinh điển Tà dương (1947) và Nhân gian thất cách (1948)]

Dazai Osamu và độc giả trung thành của ông thấp thoáng thấy bóng mình ở hình tượng “thanh niên lạc lối trong nghi hoặc”, dù Hamlet là hoàng tử Đan Mạch... Tôi chợt lấn cấn.
- Cả Hamlet lẫn Othello đều không kể về nước Anh nhỉ? Tác giả là người Anh cơ mà?
- Nhiều vở kịch cổ lấy bối cảnh hoàng tộc Anh trước thời Nữ hoàng Elizabeth lắm anh... Nhưng hầu như không có vở nào lấy bối cảnh nước Anh thời Shakespeare còn sống cả*. Những vở như Julius Caesar* hay Antony và Cleopatra* còn lấy bối cảnh La Mã cổ đại. Dường như điểm đáng giá nhất trong phong cách sáng tác của Shakespeare là sự linh hoạt, khi ông viết được nhiều thể loại với khung thời gian đa dạng. Ông còn viết nhiều hài kịch nữa.

*[Shakespeare ra đời vào năm thứ sáu của triều đại Nữ hoàng Elizabeth I (1533-1603).
Julius Caesar: Vở kịch dựa trên các sự kiện có thật trong lịch sử La Mã quanh vụ ám sát Julius Caesar, lãnh tụ quân sự và chính trị lớn của La Mã cổ đại.
Antony và Cleopatra: Viết dựa trên các sự kiện có thật trong lịch sử về mối tình giữa thống chế La Mã Antony và nữ hoàng Ai Cập Cleopatra]

- Hài kịch?
Tôi hỏi lại. Chắc là tại Romeo và Juliet mà tôi mang một ấn tượng rất mạnh là tác phẩm nào của Shakespear cũng bi thảm.
- Vâng. Nhiều tác phẩm vẫn có yếu tố bi kịch nên khó mà phân rõ mức độ để được xếp là hài kịch... Tuy nhiên tiêu biểu có thể kể đến Thuần hóa cô nàng đanh đá*, Như em muốn*, Giấc mộng đêm hè, Mất công yêu*, Có gì đâu mà rộn*...

[*Thuần hóa cô nàng đanh đá: tạm dịch từ The Taming of the Shrew. Kể về quá trình Petruchio “thuần hóa” cô nàng Katherina bất kham trở thành cô dâu ngoan ngoãn.
*Như em muốn: tạm dịch từ As you like it. Theo chân cô gái Rosalind giả trai cùng em họ Celia và tên hề trốn chạy khỏi người chú độc ác, tìm thấy sự an toàn và tình yêu trong khu rừng Arden nơi cha cô bi lưu đày.
*Mất công yêu: tạm dịch từ Love”s Labours” Lost. Kể về nhà vua của vương quốc Navarre (một vùng tự trị nằm ở phía Bắc Tây Ban Nha) và ba người bạn thân của mình thề trong ba năm sẽ không qua lại với phụ nữ để tập trung vào việc học. Nhưng họ đã yêu công chúa đến thăm vương quốc và ba cô hầu gái của nàng.
*Much Ado About Nothing. Kể về hai cặp đôi: Benedick và Beatrice bị lừa bày tỏ tình cảm cho nhau, và Claudio từ chối Hero do hiểu lầm nàng không còn trinh trắng. Cuối cùng mọi sự trở nên tốt đẹp với cái kết là cuộc hôn nhân của hai cặp đôi]

Shioriko liến thoắng. Riêng tác phẩm tiêu biểu cho hài kịch thôi đã rất nhiều rồi. Shakespeare soạn kịch nhiều đến cỡ nào chứ. Đã thế tên vở nào cũng quen quen.
- ...Tất nhiên, Người lái buôn thành Venice cũng là một vở hài kịch nổi tiếng.
- Thế à... Hả? Đó là hài kịch ư? Người lái buôn thành Venice á?
Tôi đã nghĩ chắc đây là một câu chuyện đen tối với nội dung thảm khốc, có cả cảnh xẻo thịt cơ mà.
- Có nhiều yếu tố đan xen, nhưng tác phẩm tạm được xếp vào loại hài kịch. Tên kịch của Shakespeare cũng theo quy tắc nhất định, những tác phẩm có nội dung nghiêm túc như bi kịch hoặc kịch lịch sử thì tên nhân vật thường được lấy làm nhan đề. Các tác phẩm hài kịch thì khác, ví như vở Người lái buôn thành Venice.”
Tôi nhớ lại tên các vở kịch Shioriko đã điểm qua. Quả nhiên là thế.
- Tôi không rõ nội dung lắm nhưng... nó hài ở chỗ nào vậy?
- Ừ nhỉ, em nên giải thích từ đâu đây...
Shioriko bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế đẩu cạnh đó, rồi cô cũng tự nhiên ngồi xuống một chiếc khác. Nghe chừng dài đây. Tôi xua ý niệm “đang giờ làm việc” ra khỏi đầu. Chuyện này thú vị hơn.
Câu chuyện bắt đầu khi chàng trai trẻ Bassanio ở Venice ngỏ lời vay tiền người bạn thân của mình, lái buôn Antonio, để cầu hôn tiểu thư Portia xinh đẹp. Antonio không đủ tiền mặt nên đi mượn tiền của lão Do Thái chuyên cho vay nặng lãi là Shylock. Tuy nhiên, vốn nuôi ác tâm với Antonio nên Shylock đã ra điều kiện là đến hạn mà không trả được thì lão sẽ xẻo một pound thịt bất kì trên người Antonio.
- Một pound thịt là chừng nào?
- Tầm gần năm lạng... Chắc khoảng này nhỉ?
Shioriko chập hai bàn tay đang nắm lại. Khá to. Tùy vào chỗ lấy mà có thể chết được.
- Antonio đồng ý với điều kiện đó, nhưng vì mất tàu buôn do bão nên đến kì hạn không trả được tiền và bị ép thực hiện theo thỏa thuận. Shylock không thèm đếm xỉa đến những lời thuyết phục của người xung quanh, nhất định yêu cầu lấy một pound thịt của Antonio.
Chẳng biết từ lúc nào, hình ảnh Shylock hiện lên trong đầu tôi là ông già đầu hói như quả trứng. Yoshiwara Kiichi cũng đưa ra điều kiện quá đáng khi bán Những năm cuối đời. Y như Shylock, có lẽ ông ta cũng nuôi ác tâm nào đó với Shioriko.
Tôi liếc cuốn Vụ án thế chấp thịt người trên quầy. Nghĩ lại, lúc nãy Shioriko đưa tôi xem cuốn sách này đã nói có ý nghĩa gì đó.
- ...Em đang nghĩ đây liệu có phải là phép thử của ông Yoshiwara không.
Shioriko thì thầm. Chẳng biết tự khi nào mắt cô cũng hướng về cuốn sách cũ.
- Phép thử?
- Đưa cuốn sách ra để xác nhận xem tầm hiểu biết của em đến đâu...
Quả thật là lúc Shioriko kiểm tra bên trong cuốn sách, mắt Yoshiwara theo sát từng cử động của cô, như thể cố để không nhìn sót bất cứ thứ gì vậy.
- Ông ấy đã nói, “Bây giờ tôi lại cho rằng thế giới này giống như một sân khấu vậy. Ai cũng phải diễn một vai nào đó”. Anh nhớ không?
- À, đúng là có nói thế.
Tôi gật đầu. Cách ví von thật kì lạ nên tôi vẫn ấn tượng.
- Trong kịch Shakespeare có một ẩn dụ lặp đi lặp lại, là “Theatrum Mundi (Khán trường thế giới)”, diễn nôm ra là “Thế giới là sân khấu, con người là diễn viên”. Trong màn một của Người lái buôn thành Venice, Antonio cũng nói với bạn thân của mình, “Thế gian là thế gian, chẳng có gì to tát, Gratiano à, đó là một sân khấu mà thôi, và ai cũng phải đóng một vai”.
Thật giống lời ông già kia.
Dễ dàng nhìn thấu điều đó, cô gái này cũng đâu phải hạng thường. Khi ấy, Yoshiwara đã nháy mắt đầy ẩn ý. Đúng vậy, chính bằng điệu bộ diễn kịch. Tôi không nhận thức được rõ ràng, nhưng ông ta đã luôn ra ám hiệu về Người lái buôn thành Venice.
- Nghĩa là ông ta muốn thử xem Shioriko có hiểu rõ về Shakespeare không hả?
- Đúng vậy. Với lại thử xem người nghe sẽ dao động vì những chuyện gì... đó là cách mẹ em vẫn hay làm.
Hóa ra không chỉ mình tôi nhận thấy bóng dáng Chieko khi nhìn thái độ của Yoshiwara. Đúng rồi, đó là tác phong của mẹ mình, dĩ nhiên Shioriko phải nhận ra.
- Thế nên em đã không để lộ cảm xúc nhiều?
Dù căng thẳng thật đấy, nhưng ngoài trạng thái đó, Shioriko hầu như không bộc lộ gì khác.
Cho đến khi cái tên Chieko được nói ra.
- Vâng, thì... Nhưng cuối cùng em vẫn thất bại. - Shioriko thở dài thườn thượt.
Không, có lẽ Yoshiwara đã nổi cáu với cô gái này vì có trưng ra cái gì mặt cô vẫn không biến sắc. Thế nên ông ta đã lôi mẹ cô ra như quân át chủ bài. Dù kẻ lỡ phản ứng lại là tôi.
- Xin lỗi anh, em đang giải thích dở về Người lái buôn thành Venice nhỉ.
Shioriko cất giọng phấn chấn, thay đổi bầu không khí vừa chững lại. Tôi phụ họa bằng cách ngồi ngay ngắn lại trên ghế đẩu.
- Cuộc chiến xoay quanh bản cam kết thế chấp một pound thịt chuyển sang cảnh tại tòa án. Shylock lấy cam kết đó làm chứng cứ dồn ép Antonio, đến lúc lão sắp sát hại anh thì Portia, vợ người bạn thân Bassanio, đã sáng suốt ra điều kiện là khi xẻo thịt không được để chảy một giọt máu nào.
- Ra vậy, nhờ thế mà đã chiến thắng nhỉ.
Chẳng thể cắt được thịt mà không làm chảy máu. Lần đầu tiên tôi thấy trước kết cục của một câu chuyện.
- Vâng. Shylock đã thua trong phiên tòa, tội danh giết người bất thành với Antonio được thành lập nên suýt bị tịch thu toàn bộ gia sản, nhưng cuối cùng lão được tha nhờ lòng nhân từ của công tước xứ Venice với điều kiện lão sẽ để lại một nửa gia sản cho con gái và cải đạo sang Thiên chúa giáo.
- Hả, sao lại có Thiên chúa giáo trong đây?
Có vẻ không liên quan cho lắm đến câu chuyện này. Shioriko nhăn mặt như vừa nếm phải thứ gì đắng chát.
- Thật ra Người lái buôn thành Venice có vấn đề... Tác phẩm được khắc họa như lời khẳng định về sự bức hại người Do Thái của tín đồ đạo Thiên chúa. Tạo hình nhân vật Shylock tham lam và thù dai khắc họa nguyên bản thành kiến đối với người Do Thái thời bấy giờ. Tín đồ Thiên chúa là Antonio ngày ngày chỉ trích gay gắt tín đồ Do Thái Shylock vì cho vay nặng lãi, thậm chí nhổ nước bọt vào Shylock.
- Vậy thì Shylock căm thù Antonio cũng đâu có gì khó hiểu.
- Vâng, dù em nghĩ vì thế mà định sát hại người ta thì cũng hơi quá... Tuy vậy, hẳn khán giả thời bấy giờ chấp nhận tác phẩm như vở hài kịch cho người xem cảm giác thỏa mãn khi kẻ tham tiền lố bịch cuối cùng cũng bị trừng trị. Thời vở này được viết, tín đồ Do Thái hầu như không sinh sống ở London, nhưng thành kiến cho rằng họ là những kẻ dị giáo chuyên cho vay nặng lãi thì cứ bị truyền khắp.
- Đến nay vở kịch vẫn được diễn chứ?
Trước đây, tôi từng nghe cô nói rằng có những chương truyện Bác sĩ quái dị của Tezuka Osamu không được đăng trên tạp chí truyện tranh do khiếu nại từ hội người khuyết tật. Tôi nghĩ dù là tác phẩm từ vài trăm năm trước đi nữa thì thời nay vẫn có người cảm thấy khó chịu.
- Hiện nó vẫn được trình diễn khắp thế giới đấy anh. Dù là một vở kịch có vấn đề nhưng mặt khác, nội dung câu chuyện cho phép người ta lý giải theo nhiều cách khác nhau. Shakespeare đã dốc lòng tỉ mỉ khắc họa Shylock là một con người giận dữ vì bị tổn thương chứ không phải một vai phản diện thông thường. Lão liên tục bị người đời phủ nhận đức tin và công việc của mình nên mới tính sát hại Antonio để phục thù... Đoạn lão kêu than vì con gái mình bỏ trốn cùng một tín đồ Thiên chúa giáo rất nổi tiếng. Shylock đã thét lên với tín đồ Thiên chúa giáo khinh miệt lão và cướp thứ quý giá của lão thế này, “Người Do Thái thì không có mắt sao? Người Do Thái thì không có tay sao, không có lục phủ ngũ tạng, thân thể tứ chỉ, cảm giác, cảm xúc, hỉ nộ ái ố hay sao? Hay bọn ta không ăn đồ ăn giống tín đồ Thiên chúa, không bị thương bởi cùng một vũ khí, không mắc cùng loại bệnh, không khỏi bằng cùng cách chữa, không cảm nhận cùng một cái lạnh của mùa đông hay cái nóng mùa hè như các người?”.
Shioriko bình thản ngâm lại bầng chất giọng trong trẻo. Nhưng sự gay gắt trong lời thoại như càng nổi bật. Nếu chỉ nghe những câu thoại đó, hẳn người ta chẳng thể tưởng tượng ra vở kịch có nội dung nào khác ngoài phản đối phân biệt đối xử.
- Em nghĩ Shakespeare thật phi thường khi sắp đặt những lời thoại này cho vai phản diện ở thời đại sự phân biệt chủng tộc còn chưa được công khai xóa bỏ. Hình như từ sau thời cận đại, khi công diễn, Người lái buôn thành Venice cũng hay được diễn xuất sao cho khán giả thấy cảm thông với vai Shylock. Vở kịch đã được khắc họa như một bi kịch đối với Shylock... Em thấy đây là một vở xuất sắc, cả ở chỗ cách giải thích này được xây dựng đâu ra đấy.
Tiếng ngâm nga của Shioriko vẫn đọng lại trong tôi. Cảm giác như tôi vừa hiểu được một chút lý do khiến người đời ca tụng Shakespeare.

- ...Tôi lại nghĩ nếu quá nhấn mạnh vào Shylock dưới góc độ nạn nhân thì câu chuyện phía Antonio sẽ thành nông cạn và mất tự nhiên.
Chúng tôi nhổm dậy theo phản xạ. Mải nói chuyện quá nên chẳng để ý có khách đi vào. Một người đàn ông nhỏ thó mặc chiếc áo thun cổ bẻ màu đen và quần chinos* đứng trên lối đi hẹp. Làn da trắng láng còn dấu vết xanh xanh của râu vừa cạo. Vầng trán cao hơi hói cho thấy người này ít nhất cũng phải ngoài ba lăm.

*[Kiểu quần dáng ôm, được làm bằng vải cotton pha một số loại vải nhân tạo co dãn giúp vận động thoải mái nên trọng lượng khá nhẹ].

Chính người nói cũng mang vẻ ngạc nhiên. Hình như anh ta đang cân nhắc lúc thích hợp để đánh động hai đứa đang say sưa trò chuyện, thì cuối cùng lại lơ đễnh lỡ mở miệng. Chắc anh ta là một người thích kịch của Shakespeare.
- X, xin lỗi... Anh cần gì ạ?
Shioriko đứng dậy hỏi, người đàn ông nhíu mày vẻ khó chịu.
- Tôi chỉ theo hộ tống. Người có việc cần là bố tôi cơ.
Từ sau lưng người đàn ông, một ông cụ chống gậy nghiêng người ló ra. Chiều cao tương đương và nét mặt giống hệt cậu con trai nhưng nước da rám nắng trông thật khỏe mạnh, ông thắt một chiếc cà vạt dây bolo* hiếm thấy ở thời này dưới lớp áo khoác bằng vải gai màu trắng và đội chiếc mũ cói vành nhỏ có ruy băng.

*[Loại cà vạt chỉ gồm một đoạn dây hoặc da bện với đầu kim loại trang trí]

- Xin chào, xin chào. Hôm nay nóng ghê!
Vẫn ở tư thế nghiêng người bất ổn ấy, ông cụ bỏ mũ chào to, rồi ngay lập tức mất thăng bằng, cánh tay ông được cậu con trai đỡ lấy. Vẫn với dáng điệu đó, ông bước đến gần Shioriko.
- Tôi là Mizuki. Mizuki Rokuro. Cháu là Shinokawa Shioriko đúng không?
- V, vâng... - Shioriko đáp.
Biết được cả họ tên đầy đủ của cô, người này có vẻ không phải khách đến mua bán sách cũ bình thường.
- Thật ra, tôi với cháu là... Thì, nên nói sao nhỉ? Ờ, nói gọn một lời thì...
Ông cụ nhắm mắt, bắt đầu khe khẽ vung vẩy chiếc mũ. Khoảng im lặng vẫn tiếp diễn trong ánh nhìn chăm chăm của mọi người. Xem chừng chẳng giải thích nổi bằng một lời, ông đặt chiếc mũ lên quầy như thể đã bỏ cuộc, trỏ tay vào ngực mình với gương mặt căng thẳng.
- Tôi là Mizuki Rokuro!
Tôi cắn chặt răng nín cười, ông cụ bắt đầu lại từ đoạn xưng tên.
- Vợ tôi là Mizuki Eiko... Eiko là bà cháu.
Tôi biết Shioriko đang chết lặng. Lần đầu tiên tôi biết tên bà cô. Không chỉ tôi, chắc chắn cô cũng mới nghe lần đầu. Ông Mizuki bỗng thả chiếc gậy ra, loạng choạng chống hai tay vào quầy rồi cúi đầu trước Shioriko.
- Cháu có thể tư vấn cho tôi được không. Về cuốn sách của vợ tôi... Eiko. 

6

- Ôi chao, nhà đẹp ghê!
Ngồi khoanh chân phía trước chiếc bàn thấp, ông Mizuki Rokuro nheo mắt nhìn quanh căn phòng kiểu Nhật. Vẫn là căn phòng hôm qua chúng tôi bàn chuyện với Yoshiwara Kiichi.
- K, không đâu ạ... Cũ cả rồi ạ... - Shioriko rụt cổ.
- Đâu có đâu có. Quả thật nhà kiểu Nhật từ xưa vẫn là nơi thanh tĩnh hơn. Ngày xưa bọn tôi cũng sống trong một ngôi nhà kiểu Nhật, sàn chỗ cao chỗ thấp không đều, cầu thang lại dốc. Dần dà tôi đi lại khó khăn nên tầm hai năm trước đã chuyển về căn hộ chung cư gần ga tàu điện một ray Fukasawa. Thằng con tôi cũng sống cùng tòa nhà nhưng khác tầng... A, cảm ơn cậu.
Vừa chỉ tay về cậu con trai đang ngồi bên cạnh, ông vừa cảm ơn khi tôi đặt cốc trà lúa mạch xuống. Anh con trai bị bố chỉ cúi đầu không nói năng gì. Nãy giờ anh cũng không định xưng danh. Anh ta có vẻ khó chịu, đúng như lời thừa nhận mình chỉ đi hộ tống.
Còn ông Mizuki, có thể nói là đang phấn chấn. Ông hoạt ngôn và xem chừng là người vui vẻ tốt bụng, nhưng tấm gương Yoshiwara hôm qua còn đó nên tôi vẫn chưa thể gỡ bỏ hàng rào cảnh giác.
- Cháu xin lỗi nhưng, cháu, chưa từng được nghe mẹ kể bất cứ điều gì về... bà. Thật không phải, dạ, ông bà kết hôn khi nào ạ...?
Ông cụ bỗng nghiêm mặt, đặt cốc xuống.
- Cháu đâu có gì không phải chứ. Chính chúng tôi mới có lỗi, khi bao lâu nay biết cháu sống ở đây mà không đến gặp.
Ông lại cúi đầu thật thấp. Giữ tư thế đó một lúc, rồi ông nhìn Shioriko và cười chữa ngượng.
- Kết hôn khi nào ấy hả. Tôi với Eiko đổi về cùng một họ* cũng phải gần ba chục năm rồi đấy, sau khi mẹ cháu, Chieko về làm dâu nhà này không lâu. Tôi có hai đứa con với người vợ trước, bản thân bà ấy thì đã qua đời. Cô chị cả hơn thằng này khá nhiều tuổi, sau khi con bé kết hôn thì tôi cũng bắt đầu chung sống với Eiko.

*[Đa phần phụ nữ Nhật đổi họ mình theo họ chồng khi kết hôn (đàn ông ở rể thì đổi theo họ nhà vợ]

Tôi sắp xếp lại mọi chuyện trong đầu. Nghĩa là họ lấy nhau khi cả hai cùng có con riêng và tất nhiên họ không có quan hệ máu mủ với con của người kia. Ban nãy ông cụ không thể miêu tả mối quan hệ với Shioriko chỉ bằng một lời là bởi ông không phải ông ruột của cô.
- Bấy giờ chúng tôi đã ngoài năm mươi, thi thoảng cũng đau ốm. Cuộc sống không có nửa kia thật dài. Chúng tôi cảm nhận được nỗi cô đơn của nhau. Ryuji này, khi Eiko đến mày mấy tuổi?
Ông hỏi anh con trai. Cuối cùng tôi cũng biết tên anh ta.
- Mười một... hay mười hai nhỉ!
Mizuki Ryuji đáp với vẻ miễn cưỡng. Mẹ qua đời, người chị lớn hơn nhiều tuổi lại lập gia đình sớm, mẹ kế xuất hiện vào năm lớp Năm lớp Sáu... Nếu tiếp nhận được ngay thì quá già dặn, nếu xa cách thì lại quá ấu trĩ. Phải chăng anh ta đã xoay xở không mấy ổn thỏa?
- Giờ thì ông bà sống với nhau ạ?
- Ừ ừ. Từ khi thằng này vào đại học là chỉ còn tôi và Eiko ở với nhau... Kể cả khi tốt nghiệp và bắt đầu làm việc tại nhà nó cũng không ở cùng mà ra căn hộ chung cư gần đấy.
Ông cụ liếc con trai với vẻ bất mãn. Có lẽ ông muốn sống cùng anh ta.
- Còn thích tự lập thì phải tự lập hẳn đi chứ. Bố mày cũng muốn mày một vừa hai phải rồi cưới vợ đi. Gần bốn mươi vẫn độc thân mà cứ bình chân như vại...
Lời lẽ dần biến thành cằn nhằn. Mizuki Ryuji nghiêm mặt lại.
- Chuyện đó đâu có liên quan gì chứ.
Anh ta nhỏ tiếng trách bố mình. Tôi rất lấy làm đồng cảm. Cưới cheo là chuyện của “chính chủ”, hẳn anh ta không muốn chuyện riêng tư của mình lại bị bới tung ra trước mặt đám người mới gặp lần đầu như chúng tôi.
- Ông bảo bắt đầu làm việc tại nhà... nghĩa là ông đang điều hành công ty ạ?
Shioriko đổi chủ đề. Ông cụ khẽ xua tay trước mặt.
- Không đến mức công ty gì đâu, chỉ là một phòng khám răng nho nhỏ trong khu thôi. Nếu cháu đi tàu một ray qua gần ga Fukasawa sẽ thấy bảng hiệu “Nha khoa Mizuki” trên tầng hai một tòa nhà cũ. Phòng khám ở đó đấy.
Tôi lần lại trí nhớ. Nghe ông cụ nói mới cảm thấy hình như có thật.
- Giờ thì tôi giao phòng khám cho thằng này quản lý, sống thân hưu an nhàn thôi... Dù vậy, bệnh nhân từ xưa thì tôi vẫn cố khám, nên tuần vẫn đi làm một hai lần đấy.
- Vậy bà... Ông quen biết bà ở đâu thế ạ?
- Bà là bệnh nhân chỗ tôi.
Ông Mizuki Rokuro cười toe khoe hàm răng trắng. Nha sĩ có khác, hàm răng sáng bóng khỏe mạnh.
- Thật ra bệnh nhân không phải Eiko mà là Chieko. Hồi còn học tiểu học, con bé được mẹ dẫn đến chữa răng sâu. Từ hồi ấy con bé đã có tác phong mạnh mẽ, chỉn chu rồi.
Ông Mizuki nhìn xa xăm như hoài niệm. Tôi thì chẳng thể hình dung ra nổi Chieko hồi bé. Dù con người chẳng phải đùng một cái thành người lớn.
- Trong lúc đợi khám, hai mẹ con cứ lặng im ngồi đọc cả chồng không biết bao nhiêu quyển sách dày cộp ôm từ nhà đến. Cuốn nào cũng có vẻ là sách khó, nên họ nổi bật trong phòng chờ lắm.
Shioriko gật đầu như thể đó là điều hiển nhiên. Chắc hồi bé cô gái này cũng làm điều tương tự ở bệnh viện. Cùng với Chieko, hai mẹ con đọc cả chồng sách... Tôi sửng sốt.
- Bà ngoại của Shioriko... bà Eiko cũng là người thích sách ạ?
Tôi buột miệng chen ngang. Nói mới nhớ, lúc nãy ông cụ bảo có chuyện về sách của vợ muốn bàn.
- Đúng rồi. Do tính chất công việc, bà là người khá yêu thích sách. Đến tận bây giờ bà vẫn hay ghé các hiệu sách khi có ấn bản mới.
- Dạ, bà làm công việc gì thế ạ...?
Shioriko hỏi. Ông Mizuki làm động tác như đang dùng bút viết gì đó.
- Biên dịch tự do cháu ạ. Hình như bà cũng làm cả bên dịch sách xuất bản, nhưng nếu nói về công việc thực sự của bà, thì chủ yếu là dịch hợp đồng hay tài liệu doanh nghiệp sang tiếng Nhật hoặc tiếng Anh. Giờ đã về hưu rồi nhưng... quả thật Eigo* của Eiko là nhất đấy.

*[“Eigo” nghĩa là “tiếng Anh”]

A ha ha, ông cười lớn khiến bả vai rung lên. Cận con trai thì mang nét mặt chán nản. Có lẽ đây là kiểu chơi chữ nhạt nhẽo quen thuộc của ông cụ.
- Bà làm nghề biên dịch từ thời trẻ ạ?
Từ “sách” vừa xuất hiện là Shioriko liền ăn nói mạch lạc như được bật công tắc. Nhà Shinokawa từ thời ông bà đã toàn người liên quan đến sách và sách cũ. Mà có thể còn từ trước đó nữa cũng nên. Do vậy, sinh ra người như Shioriko thì cũng là lẽ thường.
- Nghe bảo từ hồi là sinh viên khoa Anh văn đại học nữ sinh bà đã nhận dịch một chút coi như làm thêm, sau khi sinh Chieko mới coi là công việc chính thức. Nghề đó có thể vừa làm ở nhà vừa trông con mà. Bà nuôi lớn Chieko rồi còn cho học đến thạc sĩ hầu như chỉ bằng công việc biên dịch đấy, thật đáng nể... Nhưng vì làm việc quá sức nên bà trở bệnh.
Ôi, Shioriko thốt lên. Có vẻ cô đã nhận ra điều gì.
- Không lẽ, vì thế nên mẹ cháu bỏ ngang chương trình cao học?
- Cháu cũng biết hả?
Ông Mizuki Rokuro gật đầu. Tôi nghe nói Chieko “Vì việc gia đình” đã bỏ ngang bậc cao học và bắt đầu đi làm tại tiệm sách cũ Biblia.
- Thế chắc cháu cũng đã nghe chuyện Eiko từ mặt Chieko rồi nhỉ?
- Dạ?
Chuyện này tôi mới nghe lần đầu. Shioriko cũng bàng hoàng.
- V... Vì sao thế ạ?
- Vì biết Chieko bắt đầu làm việc cho tiệm này. Eiko căm ghét những người buôn bán sách cũ. Bà ấy cho rằng “Kẻ buôn sách cũ lợi dụng điểm yếu của người khác để mua sách với giá rẻ rồi bán lại với giá cao”... Ôi, tôi lại nói năng thất lễ rồi. Dù từ xưa tôi vẫn bảo bà rằng “Chắc chẳng có mấy người như thế đâu”.
Thật khó mà không đồng ý với ông được. Nhà buôn sách cũ lợi dụng điểm yếu của người khác để bán cuốn Những năm cuối đời bản đầu tiên với giá cao ngất vừa hôm qua còn ngồi đúng chỗ của ông bây giờ.
- Sao bà lại ghét những người buôn sách cũ... đến nhường ấy ạ?
Shioriko hỏi. Ông Mizuki nãy giờ vẫn linh hoạt đối đáp, đến đây bỗng tỏ ra lúng túng do dự.
- Đó là vì... hồi còn trẻ, Eiko đã bị chủ một tiệm sách cũ lừa.
- ...Bị lừa ấy ạ?
- Ừ. Trước khi tốt nghiệp đại học, Eiko có qua lại với người chủ tiệm sách cũ thường xuyên ra vào thư viện trường, nhưng ông ta giấu giếm việc mình đã có vợ con. Biết chuyện, bà liền thẳng thừng cắt đứt quan hệ, nhưng khi ấy đã trót mang bầu. Chủ tiệm sách cũ đó là cha Chieko...
- Ông Kugayama Shodai, đúng không ạ?
Shioriko đọc ra, nét mặt đầy đau khổ. Luôn thêm đại từ “ông”, nhưng có vẻ cô muốn tránh gọi là “ông ngoại”.
Ông Mizuki Rokuro chết lặng.
- Cháu biết đến đó rồi sao... Về người đàn ông. Tôi còn chưa gặp bao giờ. Từ khi chia tay với Kugayama, Eiko đã quyết không đến gần tiệm sách cũ nào nữa. Bà không sang gặp cháu cũng vì lý do này. Chẳng biết nên nói bà mạnh mẽ hay cứng đầu đây...
Ông thở dài đánh thượt rồi nói tiếp.
- Nghe nói Kugayama không đưa tiền cấp dưỡng, nhưng khi Chieko trưởng thành ông ta lại ngỏ ý muốn đón con gái về tiếp quản cửa tiệm. Dĩ nhiên Eiko nhất quyết không đáp ứng. Khi biết rằng vì chuyện đó mà Chieko tới làm nhân viên tiệm sách cũ Biblia, họ đã cãi vã ỏm tỏi...
Tôi có cảm giác là từng mảng trống của bộ ghép hình đang được lấp đầy. Không phải chỉ riêng Shioriko với mẹ cô, mà mẹ cô với bà cô, cũng đều dây dướng tới sách vở. Đều là mẹ con bất hòa vì sách cũ.
- Chẳng biết chuyện đó bao nhiêu phần là thật. - Mizuki Ryuji vốn yên lặng nãy giờ bỗng nhiên lẩm bẩm, làm ông bố đổi sắc mặt. - Vì cũng chẳng có chứng cứ gì rõ ràng. Chỉ là lời nói một phía thôi.
- Eiko có cố chấp thật đấy nhưng không nói dối đâu.
Mizuki Rokuro lên giọng sắc lẻm.
- Mày cũng biết còn gì. Bà cố chấp nhưng rất thành thật. Đừng nói xấu mẹ thế, dù là mẹ kế đi nữa. Từ xưa, khi chuyện với Eiko vừa được quyết thì mày... Tôi xin lỗi, toàn chuyện xấu trong nhà, để cháu chê cười rồi.
Lời xin lỗi là dành cho chúng tôi. Quả nhiên Mizuki Eiko có quan hệ không tốt lắm với con riêng của chồng. Và có vẻ bà là người tương đối kì dị. Đến chính chồng bà, người bảo đứa con không được nói xấu mẹ kế cũng liên tục nói bà là người “cố chấp”.
- Vậy, chuyện ông muốn nói với cháu là...? - Shioriko hỏi.
Ông cụ lại bắt đầu giải thích.
- Thật ra vài ngày trước, một người ở tiệm đồ cổ tên Yoshiwara đã tới nhà chúng tôi. Người đó từng làm việc cho Kugayama.
Vai Shioriko chợt run lên. Yoshiwara Kiichi. Ông già đến đây hôm qua cũng đã tới chỗ ở của Mizuki Eiko... Tôi chỉ thấy đây là điềm không lành.
- Ông ấy tới có chuyện gì vậy ạ?
- Yoshiwara nói đã mua bộ sưu tập của Kugayama từ bà góa phụ, nhưng ông ta không tìm thấy một cuốn đáng lẽ phải có, mà thay vào đó là một tờ giấy mượn đã cũ.
- Giấy mượn... - Shioriko nhắc lại.
- Yoshiwara nói trên đó viết tên Eiko... nghĩa là về mặt giấy tờ Eiko vẫn đang mượn sách của Kugayama, quyền sở hữu sách được chuyển từ Kugayama sang bà góa phụ, và từ bà lại chuyển tới ông ta, nên ông ta muốn Eiko trả lại sách cho mình... Chuyện là như thế.
Quyền sở hữu được chuyền đi, đơn giản như cây gậy chạy tiếp sức vậy sao?
Với cả, nếu việc xảy ra từ trước khi Chieko chào đời, tức là phải trên năm mươi năm rồi. Tờ giấy mượn xưa đến thế liệu có còn hiệu lực không?
- Giấy mượn có phải là thật không ạ?
- Ừ, có vẻ là thật. Nghe bảo ngay sau khi Chieko từ chối làm người thừa kế, bỗng nhiên Kugayama gửi cho Eiko một cuốn sách Tây cũ thay lời xin lỗi vì đã gây ra những cảm xúc tiêu cực cho bà. Eiko trả lại ngay, nhưng ông ta nhất định không nhận. Nghe nói ông ta năn nỉ bà ít nhất hãy coi như mượn đọc, và viết giấy mượn. Có lẽ Eiko cũng thấy hứng thú với cuốn sách.
Tôi đâm nghi. Theo như tôi biết, Kugayama Shodai không phải dạng người đi xin lỗi ai như vậy. Cái cách đưa sách cũng đầy cưỡng ép.
- Giữa lúc Eiko đang đọc dở thì Kugayama mất. Eiko đem đến trả cho bà vợ nhưng bà ta cũng dứt khoát không nhận. Bà ta nói Kugayama chuyển lời nhượng lại cho Eiko nên bà không còn cách nào khác, phải cầm về.
Thế nên giờ chỉ còn lại tờ giấy mượn ở nhà Kugayama. Nhưng Shioriko xem chừng vẫn khúc mắc.
- Một cuốn sách gắn với sự kiện như thế... bà đã rất trân trọng đúng không ạ?
- Đúng vậy.
Mizuki Rokuro gật mạnh đầu trước câu hỏi của Shioriko.
- Hồi mới cưới tôi thấy Eiko cũng chỉ bảo quản quyển sách như các cuốn khác, nhưng thật ra đấy chắc là một cuốn sách quý khó có được. Tầm mười năm trước, cả khi bìa sách bị cháy sau vụ hỏa hoạn nhỏ, Eiko cũng không bỏ đi mà cho sửa lại. Bà còn nhờ thợ dán lại bìa da sao cho không thấy vết cháy rồi cẩn thận cất vào tủ có khóa. Cuốn sách được thiết kế nổi bật, đóng bìa da màu đen, trông như những quyển sách bày ở thư viện châu Âu vậy.
Ở đây không bán sách Tây nên tôi chưa thấy cuốn nào như miêu tả, nhưng nghe mà thấy ấn tượng quá. Hẳn đó là một cuốn sách có giá trị lớn. Shioriko trầm tư rồi nói.
- Cháu không rõ lắm về luật vay mượn... Nhưng giả sử giấy mượn có hiệu lực đi nữa thì cũng không rõ bà có nhất thiết phải thực hiện nghĩa vụ trả lại cuốn sách cũ không. Trước khi làm theo yêu cầu của ông ta, nên thảo luận với chuyên gia ngành luật...
- Không, khi đó vợ tôi đã đưa luôn cuốn sách cho Yoshiwara rồi.
- Đưa rồi ạ...? - Shioriko tròn mắt.
- Tôi có hỏi sao lại dễ dàng từ bỏ thế, nhưng Eiko không hé miệng. Có lẽ vì thân già này chẳng còn mấy thời gian nên bà không muốn cuốn tôi vào một vụ lộn xộn. Nhưng chắc chắn bà rất miễn cưỡng. Sống cùng bà nhiều năm, điều này tôi hiểu rõ.
- Tôi thì nghĩ bà Eiko đang che giấu điều gì đó. - Mizuki Ryuji bất chợt chen lời. - Cứ cho rằng bà không nói dối, thì hẳn bà cũng đã tránh kể những phần nội dung gây bất lợi cho bản thân. Quá trình bà nhận cuốn sách cũng không tự nhiên mà.
Ông bố nhăn mặt vẻ khó chịu, nhưng tôi nghĩ không phủ nhận được khả năng này. Dù cuốn sách là do người bà ghét gửi tặng, nhưng bà đã giữ nó cẩn thận suốt nhiều năm trời, thế mà chỉ vì một tờ giấy mượn còn chưa rõ có hiệu lực hay không bà đã giao sách ra... Những hành động của bà không ăn khớp nhau, khiến người ta phải cho rằng bà đang có điều giấu giếm.
- Hôm nay tôi đến đây vì muốn mua lại cuốn sách đó. Tôi đã đặt vấn đề mua nó với Yoshiwara nhưng bị ông ta cự tuyệt, rằng “Định bán nó cho người khác trong ngành và bắt đầu đàm phán rồi”.
- Dối...
Dối trá! Nhưng tôi nuốt vội mấy chữ đó vào. Ông Mizuki có lẽ đã tin những lời ấy, nhưng ông già kia là kẻ tham lam. Chẳng phải đây là trò bịp hòng đẩy giá lên sao!
- Nghiệp dư như chúng tôi thì không thể rồi, nhưng người cùng làm trong ngành buôn bán sách cũ với ông ta như cháu chắc sẽ can thiệp được vào vụ đàm phán đó. Tôi biết lời nhờ vả này thật trơ trẽn nhưng tôi chẳng còn ai để nhờ cậy cả. Tất nhiên tôi sẽ trả số tiền cần thiết. Cháu có thể dốc sức giúp tôi lần này chứ?
Ông Mizuki đặt hai tay lên chiếu, cúi chạm cả trán xuống mặt chiếc bàn thấp. Bất giác ngực tôi thắt lại. Tôi nghĩ bà ngoại Shioriko đã gặp được một người bạn đời tuyệt vời. Vì người vợ cố chấp mà ông sẵn sàng cúi đầu không biết bao lần với một người đáng lẽ chỉ gặp thôi cũng đủ khó xử.
- Ông hãy ngẩng đầu lên đi ạ. - Shioriko nói, giọng thật trong trẻo. - Cháu sẽ làm tất cả những gì có thể.
Ông già ngẩng phất lên, khuôn mặt sáng bừng. Vui như thể cuốn sách đã quay trở lại vậy. Chờ những lời cảm ơn ngưng bớt, Shioriko hỏi.
- Cuốn sách bà từng giữ là cuốn thế nào ạ?
- Cái đó... tôi không rõ lắm. - Ông Mizuki lắc đầu. - Nội dung viết bằng tiếng Anh, bìa và gáy sách đều không đề tên tác phẩm lẫn tác giả. Đại khái là sách khổ to, trông như in lâu lắm rồi. Tôi nghĩ là tiểu sử của Shakespeare hay đại loại thế vì trang mở đầu có in tên Shakespeare và chân dung rất to.
Lại là Shakespeare. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên. Yoshiwara đã mang Vụ án thế chấp thịt người đến chỗ chúng tôi. Chắc nó có mối liên hệ với vụ này.
- Trước hết, tên sách là không biết rồi... Ngoài ra có điều gì đáng lưu ý không ạ? Rất nhỏ thôi cũng được ạ.
- Tôi chưa từng mở trang nào khác ngoài trang đầu, nên... À, đúng là một điểm rất nhỏ, nhưng, năm mất của Shakespeare được in dưới bức chân dung. Là năm 162... 3... nhỉ.
- ...Năm mất của Shakespeare là trước đó một chút.
Anh con trai đính chính với nét mặt ngạc nhiên. Nói mới nhớ, Shioriko cũng nói là cùng năm mất với Tokugawa Ieyasu. Mizuki Rokuro ngoảnh nhìn vẻ không tự tin lắm.
- Thế hả? Có thể tôi nhớ nhầm chăng.
- A...
Đột nhiên, Shioriko khẽ thốt lên. Như thể giật mình vì giọng của bản thân, cô đưa hai tay che miệng. Mắt mọi người đổ dồn vào cô.
- ...Cháu xin lỗi ạ.
Shioriko đằng hắng. Đôi mắt sau tròng kính ánh lên sự hào hứng mạnh mẽ. Có lẽ cô đã nhận ra điều gì về cuốn sách đó.
- Thật ra ông Yoshiwara cũng đã tới đây và đề xuất giao dịch một cuốn sách cũ với giá rất cao. Cháu nghĩ kể cả muốn mua lại thì ông ấy cũng không phải người dễ đối phó... Trước hết, ông có thể cho cháu biết tình hình cụ thể khi đó không ạ?
- Tình hình cụ thể... - Ông Mizuki khoanh tay nhìn lên trần nhà. - Sau khi nói ra chuyện giấy mượn thì ông ta không ở lại lâu. Trước đó ông ta chỉ toàn huyên thuyên về người quen, toàn những chuyện ngồi lê đôi mách. Nhìn vẻ mặt Eiko, tôi nghĩ bà ấy đã nghe một cách rất miễn cưỡng.
- Bà và ông Yoshiwara quen biết nhau từ trước ạ?
- Ừ. Sau khi Eiko kết hôn với tôi, Yoshiwara cũng từng đến hai, ba bận. Ông ta đến bán sách cũ cho Eiko, nhưng mỗi lần như thế lại bị bà ấy đuổi về. Hình như ông ta có qua lại với mẹ Chieko của cháu và hỏi được sở thích của Eiko. Nghe nói ông ta đã nhiều lần ra nước ngoài gặp Chieko vì công việc. Yoshiwara còn lấy ra cả album ảnh và cho Eiko xem hình của mẹ cháu... Ông ta còn chụp ảnh với nhiều người khác và lưu giữ thành album vì mục đích làm ăn.
Hôm qua ông Yoshiwara không hé một lời về chuyện đó. Một suy nghĩ lóe lên trong đầu tôi, nhưng cũng chẳng thể khẳng định ông ta có thông đồng với Chieko.
- Ông ta cũng nhắc nhỏm đến mày đấy.
Đột nhiên, ông Mizuki Rokuro bắt chuyện với cậu con trai. Ryuji tỏ vẻ lúng túng.
- Con đâu biết nhà buôn sách cũ đó.
- Không, lúc ông ta đến nhà, mày cũng từng chào hỏi rồi. Hồi mày còn học cấp hai hay cấp ba ấy.
Xem chừng anh con trai không nhớ ra. Nếu chỉ chào hỏi một lần vào hồi mười mấy tuổi thôi thì không nhớ cũng phải.
- Người đàn ông đó còn nhớ mày đấy. Hình như hồi đi Úc công tác, ông ta tình cờ quen bạn cũ của mày. Nhớ chứ, mày có du học tiếng một năm ở đại học bên ấy mà. Ông ta bảo người kia giới thiệu là có bạn người Nhật, ông ta hỏi thử thì hóa ra là mày?
Thật khó lòng chấp nhận chuyện “tình cờ quen” kiểu này. Chắc chắn Yoshiwara đã thu thập thông tin về tiệm sách cũ Biblia và nhà Mizuki từ trước, ông ta ra vẻ gặp chúng tôi lần đầu nhưng thực tình đã nắm rõ hầu hết mọi chuyện.
- ...Sau khi trò chuyện và xem album, ông ta nói sang chuyện tờ giấy mượn ạ?
- Hình như thế. Đúng lúc người chuyển phát đến nên tôi đi nhận hàng, khi quay vào thì ông ta đưa ra tờ giấy mượn.
Shioriko đặt bàn tay nắm hờ trước miệng, bất động. Trông bộ dạng tưởng sẽ nghĩ ngợi lâu, nhưng chẳng mấy chốc, đôi vai cô đã thả lỏng.
- Cháu đoán được vài điều, nhưng để khẳng định thì còn thiếu thông tin ạ... Giá được nói chuyện với bà thì hay quá...
- Tất nhiên rồi. Nếu tiện thì bây giờ ta đi gặp luôn nhé!
Ông Mizuki Rokuro lập tức dứt khoát. Câu trả lời tức thì khiến chúng tôi bối rối.
- Bây giờ ấy ạ? - Shioriko hỏi lại.
- Ừ. Chẳng cần đặt ngày đâu. Xin phép trước bà cũng sẽ đáp “Không” thôi. Thế thì đi luôn hôm nay cũng được.
- Nếu vậy, hôm nay chúng cháu đến chẳng phải bà sẽ không chịu nói gì sao ạ? - Tôi hỏi.
Tự dưng kéo đàn kéo lũ đến có khi lại khiến mọi việc tệ hơn.
- Chắc không thế đâu. Bà tuy bướng bỉnh, nhưng gặp mặt trực tiếp thái độ sẽ thay đổi. Chắc Yoshiwara cũng hiểu điều đó. Già như chúng ta rồi, hễ còn gặp được người khác thì nên gặp... Lưỡng lự sẽ đánh mất cơ hội.
Bỗng tôi nhớ lại lời ông Shida, “Hai đứa mày vẫn còn nhiều thời gian để ở bên nhau, [...] khác hẳn lũ già bọn tao...”.
Ngay trước khi biến mất, ông đã nói thế. Có lẽ những người tự nhận thức rằng mình có tuổi đều suy nghĩ tương tự chăng.
Có lẽ mục đích của ông Mizuki Rokuro không chỉ là lấy lại cuốn sách, mà còn để vợ mình gặp mặt cháu ngoại.
- Cháu hiểu rồi ạ. - Shioriko đáp, giọng cứng lại đầy căng thẳng. - Bây giờ cháu sẽ đến nói chuyện với bà.

7

Shioriko và ông Mizuki Rokuro đều phải chống nạng/gậy nên tôi đã lấy xe van của tiệm ra. Shioriko ngồi ở ghế phụ, cha con ông Mizuki ngồi ghế sau. Tôi gọi điện cho Ayaka, vì đi gặp bà ngoại nên nếu được thì chúng tôi cũng muốn cô bé đi cùng, nhưng chắc cô bé đang bận học ở lò luyện thi nên không có phản hồi. Tôi đành để lại lời nhắn.
Không may hôm nay rơi vào ngày nghỉ nên tỉnh lộ đông nghẹt. Bên ghế phụ, Shioriko bồn chồn hết nắm lại xòe lại hai bàn tay. Chắc cô đang căng thẳng.
- Mà này, có chuyện nãy giờ tôi thắc mắc mãi. - Giọng ông Mizuki Rokuro khỏe khoắn vang lên từ phía sau. - Cậu đang lái xe đây là họ hàng hay gì của Shioriko thế?
- À, không ạ... Cháu là, à, nhân viên tiệm ạ.
Tôi ngày càng liên quan sâu hơn tới nhà Shinokawa, nên đáp ngập ngừng, nhưng nếu chỉ là nhân viên thì tính ra còn kì cục hơn. Vì tôi cứ thò mặt vào chuyện thân nhân chủ tiệm như là lẽ tất nhiên vậy.
- Vậy à? Cậu cũng thân với Shioriko ghê nhỉ... À, hay hai đứa cưới nhau rồi?
Bất giác tôi ho sặc sụa. Thật may là đang lái chậm. Sao đùng một cái đã hỏi ngay đến cưới gả cơ chứ. Tôi nhìn ông Mizuki Rokuro qua gương chiếu hậu, trông ông không giống đang đùa.
- Dạ không, cũng không phải đã cưới...
Tiết lộ mối quan hệ đến mức nào thì ổn đây? Tôi định trao đổi qua ánh mắt với Shioriko, nhưng lúc mấu chốt thì đôi mắt cô lại đang đảo liên hồi. Cô còn bối rối hơn cả tôi nữa.
- D... dạ, chúng cháu chưa cưới ạ.
Tiếng nói chói tai vang lên trong xe. Tôi gồng cứng tay nắm vô lăng. Ban nãy cố nói vòng vo, giờ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
- “Chưa” không có nghĩa là “sẽ”, mà chính xác là hiện tại chúng cháu chưa quyết định gì hết. Vì dẫu, dẫu sao đó cũng là chuyện cả đời, cần cân nhắc nhiều điểm... À, nhưng không phải “chưa” có nghĩa là “không”... Cháu cũng không định nói thế để gây áp lực lên anh ấy đâu... A a, thật là...
Shioriko đưa hai tay che mặt, hẳn không chịu nổi việc tự đào mồ chôn mình nữa. Tôi thấy thật hạnh phúc, nhưng mồ hôi cứ túa ra. Phải làm sao với bầu không khí gượng gạo này nhỉ. Tôi bẻ lái ra khỏi tỉnh lộ, dòng xe cũng trở nên thoáng hơn nhưng vẫn chưa thể đến nơi trong chốc lát.
Tiếng vỗ tay bôm bốp vang lên phá tan sự im lặng. Tôi rụt rè liếc gương chiếu hậu, thấy ông Mizuki Rokuro đang vỗ tay cực kì vui vẻ.
- Nghĩa là hai đứa đang hẹn hò để kết hôn đây. Trông các cháu hạnh phúc thế này thật tuyệt. Ôi, rất đáng chúc mừng đấy!
Nghe những lời chúc phúc từ tận đáy lòng của ông, tôi càng thêm bấn loạn.
- Bố cũng thôi đi, người ta có phải trẻ con đầu... Xin lỗi, bố tôi hỏi chuyện linh tinh rồi.
Mizuki Ryuji đã chen vào nói đỡ, nhưng ông bố lại vỗ vai anh ta, vẻ hứng khởi vẫn nguyên xi.
- Hay mà. Mày cũng nhìn đó mà học tập chút đi. Tao không bảo mày lập gia đình ngay, nhưng thấy mày chẳng có cô nào tao cũng nghĩ ngợi lắm. Mọi người xung quanh đều lo đấy.
- Lo bò trắng răng.
- Mà nói đến chuyện trăng hoa mày từng kể, hồi đang du học thì phải, mày có hẹn hò với bạn diễn đóng vai người yêu trong vở kịch của câu lạc bộ kịch...
- Bố thôi đi! Thật là...
Anh chàng sừng sộ ngắt lời. Tự dưng bị bóc trần chuyện yêu đương quá khứ kể cũng đắng. Có vẻ ông Mizuki Rokuro là người luôn vô tư nói ra những điều mình nghĩ. Dù không có ý xấu nhưng lời lẽ của ông lại vô tình khiến người khác khó xử.
- Chắc vì tham gia câu lạc bộ kịch nên anh biết rõ về Shakespeare nhỉ.
Shioriko cuối cùng cũng bình tĩnh lại và bắt chuyện với Ryuji. Nói mới nhớ, khi vào tiệm, anh ta đã bật ra cảm nghĩ của mình về vở Người lái buôn thành Venice.
- Khó mà nói là biết rõ. Tôi tham gia diễn xuất có một lần, chính là vở Người lái buôn thành Venice. Câu lạc bộ cũng nhỏ, chẳng tăm tiếng gì. Tất cả đều là những diễn viên tay mơ.
Ryuji bất giác phì cười. Lần đầu tiên tôi thấy khuôn mặt khi cười của người đàn ông này.
- Nhưng anh diễn bằng tiếng Anh nhỉ. Hẳn nhớ lời thoại thôi cũng vất vả lắm.
Tôi hỏi. Cuối cùng bầu không khí đã thay đổi, tôi thấy nhẹ cả người.
- Thì tác phẩm viết ở thời đại ngữ pháp và diều đạt tiếng Anh chưa được quy định chặt chẽ nên cũng có nhiều từ và cấu trúc câu không phổ biến vào thời nay nữa. Nhưng những đoạn gieo vần hay chơi chữ trong bản gốc lại dễ hiểu hơn là đọc bản dịch đấy.
Vậy sao? Sau những tiết ngoại ngữ ở trường đại học, tôi nhận ra đây đúng là một thế giới mà kẻ học dốt tiếng Anh như tôi chẳng thể thông được. Shioriko ngoảnh lại nhìn Ryuji.
- Anh tham gia vở Người lái buôn thành Venice ạ?
- Ừ, nhưng cũng không phải vai gì to tát lắm.... Tôi chủ yếu lo đạo cụ nhỏ và trang phục thôi. Để tái hiện được sân khấu thời Nữ hoàng Elizabeth cũng phải tra cứu khá vất vả. Vì sân khấu thời đó khác xa bây giờ.
- Khác thế nào ạ?
Shioriko hỏi, quay mặt lên đằng trước. Chiếc xe van đang chạy dưới cầu đường sắt trên cao.
- Đầu tiên là do không có thiết bị chiếu sáng nên về cơ bản sân khấu phải được dựng ở nơi có ánh sáng tự nhiên. Vì thế họ chẳng điều chỉnh được độ mạnh yếu của ánh sáng. Thời đó chưa tồn tại màn sân khấu nên diễn viên sẽ xuất hiện từ cánh gà và biến mất trong cánh gà. Cũng không có phông cảnh lớn. Âm nhạc tất nhiên là nhạc sống, chỗ của nhạc công được bố trí ngay trên bậc giật cấp của sân khấu. Nhưng chúng tôi không tái hiện lại được đến mức ấy.
- Vậy khi chuyển cảnh thì thế nào ạ?
- Tận dụng lời thoại của nhân vật lúc xuất hiện và các đạo cụ nhỏ để thuyết minh. Nếu thoại là “Trời sáng rồi” thì nghĩa là buổi sáng, còn nếu cầm đuốc ra sân khấu thì là ban đêm, đại loại thế. Vậy nên cốt lõi vở kịch nào của Shakespeare cũng là lời thoại.
- Nhờ đó mới hiểu được nhỉ.
- Chắc khán giả thời ấy giỏi tưởng tượng từ lời thoại của diễn viên lắm... Và dù không nắm được đó là cảnh nào, có lẽ chỉ cần nghe lời thoại của nhân vật cũng thưởng thức được vở kịch rồi. Tôi nghĩ, vì khán giả phần đông đều đứng xem, nên tập trung theo dõi cốt truyện trong suốt thời gian dài là điều rất khó.
Mizuki Ryuji hào hứng nói, thái độ thay đổi hẳn so với lúc mới bước vào tiệm sách cũ Biblia. Dù tự nhận không biết rõ nhưng hẳn anh ta thích các tác phẩm của Shakespeare lắm.
- Rõ là mày với Eiko có chung sở thích còn gì.
Ông Mizuki Rokuro bỗng thổi bay bầu không khí thuận hòa.
- Cả hai đều thích văn học Anh. Tao chỉ muốn mày sớm thân với bà ấy một chút. Eiko cũng luôn cố gắng để mở lòng với mày đấy.
Anh con trai lại yên lặng. Anh ta không còn lên tiếng trong xe nữa.
Chung cư nằm cách ga tàu một ray chừng hai, ba phút chạy xe. Từ bãi gửi xe dưới tầng hầm, chúng tôi đi thang máy lên căn hộ nhà họ. Nỗi bất an và căng thẳng của Shioriko toát ra qua từng cử động của cô.
Ông Mizuki Rokuro đã nói nếu gặp mặt thì thái độ bà Eiko sẽ khác, nhưng tôi nghĩ chẳng thể biết được ruột gan bà. Lái xe đến đây mất chưa đây mười lăm phút. Vậy mà bà không đến gặp cháu mình nổi một lần... Bảo là “cố chấp” có lẽ không đúng lắm, chỉ đơn giản là bà không quan tâm.
Dù đã mở cánh cửa trước của căn hộ nằm ở tầng cao nhất ra, chúng tôi cũng không bắt gặp dấu hiệu nào cho thấy bà Eiko sẽ lộ diện. Lúc chúng tôi ra khỏi tiệm sách, bà có nói chuyện điện thoại với chồng nên chắc chắn đã biết Shioriko sẽ đến.
- Tôi ở đằng kia nhé.
Mizuki Ryuji đi một lèo vào phòng khách với vẻ chẳng quan tâm, còn ba người chúng tôi đứng trước cửa căn phòng ông Rokuro giới thiệu là thư phòng của bà Eiko.
- Eiko, tôi đưa Shioriko đến này.
Phải mất một lúc, tiếng trả lời mới vọng ra từ phía bên kia cánh cửa.
- ...Tôi đã bảo không gặp rồi mà.
Chất giọng trầm khàn. Tôi nghi nghi. Nếu không nhầm, hình như tôi từng nghe giọng nói này ở đâu đó. Shioriko cũng trưng vẻ mặt kì lạ.
- Nhưng tôi đưa con bé đến rồi. Eiko, tôi vào nhé.
Sau câu nói có vẻ cưỡng ép cố hữu đó, Mizuki Rokuro mở cửa.
Bên trong là một căn phòng kiểu Nhật khá rộng. Thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là giá sách thô kệch bằng thép áp vào tường. Những cuốn sách khổ to lèn chặt giá. Giữa phòng là một chiếc bàn và ghế sắt trông không mấy bắt mắt, trên đó cũng chất đầy sách. Căn phòng hệt như một thư viện. Tôi biết một nơi giống chỗ này, phòng của Shioriko.
Cạnh cửa sổ kê bàn làm việc bằng gỗ, với bộ máy tính để bàn có vẻ cũ kĩ. Ngồi bên bàn là người phụ nữ với mái tóc trắng cắt ngắn gọn gàng, mặc áo len mỏng mùa hè màu vàng. Hình như đúng lúc bà đang đọc sách. Bà tắt đèn bàn, tháo kính, miễn cưỡng ngoảnh ra phía chúng tôi.
- A...
Cả tôi và Shioriko đều tròn mắt. Người đang nhăn nhó ngồi trước mặt chúng tôi chính là bà lão sáng hôm qua đã hỏi “Hôm nay tiệm đóng cửa hả?” khi tôi đang lau tấm biển hiệu trước cửa tiệm. Dù bà chưa bao giờ mua sách nhưng lại là khách quen hay ghé qua tiệm sách cũ Biblia.

8

- Cháu là Shinokawa Shioriko ạ... Thưa bà...
- Tôi không quan tâm đến cuốn sách đó. Nó cũng chẳng đáng giá gì.
Bà Eiko cắt ngang bằng giọng điệu áp đảo Shioriko.
- Khiến các cháu tốn công tới đây thật không phải, nhưng tôi chẳng có chuyện gì muốn nhờ cháu đâu.
- Không phải thế ạ. Thỉnh thoảng bà vẫn đến tiệm cháu nhỉ?
Shioriko vừa hỏi, bà Eiko đã mím chặt môi. Nhìn hai người thế này mới thấy họ có điểm chung là đôi mắt to và sống mũi dài.
- Sao cơ? Thật thế à?
Ông Rokuro rất ngạc nhiên. Có vẻ ông cũng không biết.
- Dạ, từ khi cháu tiếp quản Biblia thì khoảng mỗi tháng một lần... dù bà chưa mua sách bao giờ... nhưng cũng có nhiều vị khách chỉ ghé tiệm trên đường đi dạo, nên cháu cũng không lưu tâm lắm ạ...
- Nhầm người rồi. Tôi chưa đến đó bao giờ.
Bà Eiko phủ nhận sạch trơn. Nhưng ông chồng cứ gật gù có vẻ cảm động lắm.
- Ra thế, ra thế... Khi nghe đồn bố các cháu mất, Eiko từng nói, “Chỉ với bàn tay phụ nữ mà duy trì cửa tiệm thì vất vả lắm”. Chắc thi thoảng bà qua coi tình hình nhỉ. Không lẽ, hôm qua bà cũng đến sao? Lúc sáng bà đã ra ngoài đi dạo khá lâu thì phải.
- Không, hôm qua tôi đến tận công viên Fueda rồi mới về thôi.
Bà vẫn giả vờ. Gặng hỏi chắc bà sẽ bối rối, nhưng tôi cũng không thể yên lặng nữa.
- Hôm qua bà đã gặp cháu mà? Trước cửa tiệm ấy ạ. Rõ ràng bà mặc chiếc váy liền màu chàm và che ô...
- Đúng là bộ bà mặc ra ngoài hôm qua rồi!
Ông Rokuro thêm vào. Nhưng kể cả thế, bà Eiko vẫn lắc đầu.
- Không... tình cờ người giống người thôi.
Lần đầu tiên tôi gặp một người có thể bảo mình giống người khác nhẹ bẫng như vậy. Ngoan cố được đến mức này kể cũng lạ. Tuy nhiên, bà là típ người dù biểu cảm cứng như đá tảng nhưng nỗi bất an vẫn bộc lộ ra ngoài. Đôi tai bà dần ửng đỏ. Điểm này cũng thật giống Shioriko.
- Bộ sưu tập tuyệt quá.
Chẳng biết từ khi nào Shioriko đã đi đến trước giá sách, nhẩn nha nhìn qua từng hàng gáy sách.
- Bộ bách khoa toàn thư và từ điển ngôn ngữ của bà thật đầy đủ quá. Bà sưu tập làm tư liệu phục vụ cho công việc ạ?
Khi Shioriko quay đầu lại, đôi mắt cô sáng lấp lánh. Eiko gật đầu như đã dính câu.
- Đúng đấy... Vì tôi đã nghỉ hưu nên chỗ này cũng là bỏ đi kha khá rồi đấy.
- Cả bộ sách liên quan đến Shakespeare cũng thật đồ sộ. Bộ đầu tiên bà đọc là toàn tập bản của NXB Penguin này đúng không ạ?
Ngón tay Shioriko ve vuốt những gáy sách khổ nhỏ có vẻ là sách Tây. Vài chục quyển được xếp ở đó quyển nào cũng khá rách nát.
- Bộ đầu tiên tôi đọc là Shakespeare toàn tập bản của Tsubouchi Shoyo trong thư viện. Hồi cấp ba, tôi xem vở Người lái buôn thành Venice, thấy hay quá nên nảy sinh hứng thú...
- Đó là từ thời bản dịch của Fukuda Tsuneari còn chưa được xuất bản đúng không ạ?
- Toàn tập bản dịch của Fukuda Tsuneari phát hành sau khi tôi vào đại học. Cũng khi đó, tôi may mắn có được toàn tập cũ của Penguin nên đã đọc tham khảo toàn bộ bản dịch của Fukuda Tsuneari... Tiện thể cũng để học tiếng Anh nữa.
- Bà còn sưu tầm cả toàn tập Arden* nữa này. Tuyệt quá...

*[The Arden Shakespeare. Toàn tập các vở kịch và thơ của Shakespeare, thiên về tính học thuật, phù hợp cho mục đích nghiên cứu hơn giải trí, với những giới thiệu và bình luận dài, đầy đủ. Arden là họ thời con gái của mẹ Shakespeare, nhưng Arden ở đây được đặt theo tên khu rừng bối cảnh cho Như em muốn, với nghĩa bộ sách này là khu rừng tác phẩm của Shakespeare]

- Mãi về sau tôi mới mua đấy. Bộ đó chú thích rất đầy đủ. Cháu tường tận ghê nhỉ, rõ là tiệm nhà không buôn bán sách Tây cơ mà.
Trong lúc nói chuyện, giọng bà Eiko đã dần mềm mỏng hơn. Tôi chẳng hiểu gì về nội dung câu chuyện, chỉ cảm nhận được rõ ràng là họ đang hào hứng. Quả đúng là bà của Shioriko. Động đến sách là cởi mở liền.
- Tấm hình này...
Shioriko cầm một tấm hình đặt trên chiếc giá bày đầy trước tác Shakespeare. Tôi ngó qua vai cô. Người đàn ông phanh ngực mặc sơ mi trắng và một gã cầm dao khoác tấm áo choàng nặng nề đang đối mặt với nhau tại một sân khấu ngoài trời nào đó. Cả hai đều có vẻ là người nước ngoài.
- Đoạn cao trào của vở Người lái buôn thành Venice đây nhỉ. Chắc là cảnh Shylock bị hỏi dồn tại tòa án khi định cắt thịt ở ngực Antonio. Ồ, đây là anh Ryuji!
Shioriko trỏ vào góc sân khấu. Một người đàn ông mặc áo choàng đen trông như thẩm phán đang nói gì đó với hai người phía trước. Đúng là Mizuki Ryuji rồi. Có vẻ thời đó anh ta còn rất trẻ nên vẫn nhiều tóc và gầy hơn bây giờ.
- Đó là tấm hình lão Yoshiwara mang đến. Lão ta cũng tới chỗ các cháu rồi nhỉ. Nãy tôi nghe ông nhà nói qua điện thoại.
Giọng Eiko lại trầm xuống. Vẻ khó chịu khi gọi “lão” khiến tôi hiểu cảm giác của bà về những kẻ kinh doanh sách cũ.
- Vâng ạ. Nhưng sao ông ấy lại có ảnh của anh Ryuji?
- Lão bảo tình cờ gặp bạn thân cũ của Ryuji rồi trong lúc nói chuyện đã được tặng. Lý do là vì lão tỏ ra hứng thú khi nghe đến việc tái hiện Người lái buôn thành Venice đúng theo phong cách thời Nữ hoàng Elizabeth I. Lão đưa cho tôi tấm hình và bảo, “Một người thích Shakespeare như bà tất nhiên biết cậu con chồng đã tham gia hoạt động này thời du học nhỉ?”
Bà cụp mắt, nói tiếp với vẻ mệt mỏi.
- Tôi không biết. Rõ là tôi đã có bao nhiêu cơ hội để hỏi.
- Không, tôi cũng có biết đâu. Thằng đó từ nhỏ đã là đứa chẳng mấy khi tâm sự chuyện mình cho ai rồi.
Ông Rokuro cao giọng động viên.
Tôi nghĩ phải chăng Ryuji đã cố tình che giấu việc mình tham gia biểu diễn với gia đình để mẹ kế không biết? Bà tường tận về Shakespeare đến nhường ấy, nếu biết được hẳn sẽ bám lấy bắt chuyện với mình, chắc anh ta ghét chuyện đó.
Tôi cũng lờ mờ mường tượng được lý do khiến Yoshiwara giao tấm hình này ra. Giống như khi muốn đọc phản ứng của Shioriko về cuốn Vụ án thế chấp thịt người vậy. Ông ta muốn xác nhận bà Eiko hòa hợp với gia đình hiện tại đến mức nào hòng lợi dụng để trao đổi đây mà.
- Cháu có điều muốn hỏi về cuốn sách Tây ông Yoshiwara đã đem đi ạ. - Shioriko hỏi bằng giọng nghiêm trọng. - Đó là một cuốn sách liên quan tới Shakespeare phải không ạ?
- Đúng. Nhưng như tôi vừa nói, nó không phải đồ đáng giá gì đâu.
- Cháu cũng nghĩ thế. Nhưng để cho chắc, bà cho phép cháu xác nhận lại một chút nhé. Có thật trang đầu ghi năm 1623 không ạ?
- Đúng.
Nghe câu trả lời, Shioriko nhắm mắt điều chỉnh nhịp thở.
- Chuyện đó có gì quan trọng sao?
Tôi hỏi nhỏ, Shioriko gật đầu rất mạnh.
- Ở trang đầu sách Tây cổ đôi khi có in imprint.
- “Imprint”?
- Giống trang xi nhê ở Nhật ấy ạ. Đề nơi in, năm in, người chịu trách nhiệm xuất bản, nhà sách...
- Xi nhê... Nghĩa là cuốn sách đó được xuất bản năm 1623?
Nếu quả thật như thế thì nó cổ lắm rồi. Cuốn sách của gần bốn trăm năm trước.
- Đúng. Vỏn vẹn bảy năm sau khi Shakespeare qua đời. Sách vở liên quan được xuất bản vào quãng đó chẳng còn cuốn nào ngoài First Folio.
Thư phòng lại chìm vào im lặng. Vì không ai nói gì nên tôi đành hỏi.
- Xin lỗi, nhưng First Folio là gì?
- Đó là tuyển tập tác phẩm đầu tiên tập hợp những vở kịch của Shakespeare. Folio nghĩa là sách khổ đôi, ý chỉ quyển sách có khổ bằng một tờ giấy in gập đôi. Ngoài ra còn có sách gập bốn, sách gập tám...
Tôi im lặng nghĩ. Nghĩa là thuật ngữ chỉ khố sách, như A5 hay B4 gì đó.
- Đầu thế kỉ 17, do giá giấy đắt nên khổ sách càng to thì càng được coi là sách xa xỉ. Tuy nổi tiếng từ khi còn sống nhưng việc tuyển tập tác phẩm của cá nhân nhà viết kịch được xuất bản lại là một bước ngoặt lớn. Nghe nói các bạn diễn của Shakespeare đã xuất bản nó để tưởng nhớ ông, tác phẩm được tạo nên từ những kịch bản chính thức sử dụng trên sân khấu kịch. Cũng không quá khi nói rằng nhờ First Folio xuất hiện trên đời mà những vở kịch của Shakespeare còn được truyền lại cho hậu thế.
- Gọi là First (đầu tiên), nghĩa là cũng có Second (thứ hai) nhỉ?
- Second Folio ra đời năm 1632, Third Folio năm 1663, Fourth Folio năm 1685. Nhu cầu về cuốn sách lớn đến vậy đó. Tất nhiên, nổi tiếng nhất vẫn là First Folio.
- Họ phát hành bao nhiêu bản thế? À, First Folio ấy?
- Em không rõ con số chính xác, nhưng nghe nói số lượng phát hành là khoảng bảy trăm năm mươi cuốn, số bản hiện vẫn tồn tại được xác nhận là khoảng hai trăm mấy chục cuốn. Rất nhiều trong số đó là sách không hoàn thiện, đã mất một phần trang gốc hoặc phải bổ sung nhiều bản Folio khác vào thành một quyển... Dù vậy, chắc chắn đó vẫn là thứ các nhà sưu tập sách cũ trên thế giới thèm muốn.
Nghe mà tôi nổi hết cả da gà. Ở tiệm sách cũ Biblia, đã bao lần tôi nhìn thấy những cuốn sách cũ quý hiếm, nhưng cuốn này có tính chất khác hẳn. Là thứ ngoài sức tưởng tượng.
- Nếu tìm thấy một quyển thì nó khoảng bao nhiêu tiền?
- Tất nhiên là còn tùy tình trạng sách, nhưng... có một cuốn được đấu giá tại Sotheby”s* năm 2006 đã được mua với mức giá đổi ra yên Nhật thời đó là khoảng 600 triệu yên**.

*[Sàn đấu giá nổi tiếng với gần tám mươi điểm đấu giá trên toàn cầu]
**[Tương đương 128 tỉ đồng Việt Nam]

- Sáu trăm triệu...
Tôi nghẹn cả lời vì số tiền quá lớn. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng nổi trên đời tồn tại những cuốn sách cũ có giá như vậy. Mà không, chờ đã. Từng có một cuốn như thế trong phòng này sao?
- Eiko! Bà bị người đàn ông đó lấy đi thứ quý giá đến mức ấy ư?
Ông Rokuro xiêu vẹo bước đến bên vợ. Bà lão để chồng ngồi vào chiếc ghế mình vừa ngồi, vẻ mặt ngán ngẩm.
- Bình tĩnh lại. Chuyện đó liệu có thể sao? Chắc Shioriko cũng biết chứ?
Shioriko gật đầu.
- Vâng ạ. Suy cho cùng chỉ khi cuốn sách là đồ thật thôi... Bản bà từng giữ là bản facsimile đúng không ạ?
- Facsimile... nghĩa là gửi fax á? Bằng điện thoại?
Tôi chen vào. Bà Eiko lắc đầu.
- Cái đó cũng gọi là facsimile, nhưng trong trường hợp này từ facsimile nghĩa là bản sao từ sách gốc. Cuốn tôi có chỉ là bản sao lại và đóng thành sách từ First Folio được tìm ra trước đó thôi.
Nghĩa là không phải hàng thật.
Hầy, chẳng phải chuyện tất nhiên sao. Tôi thả lỏng người.
- Nói vậy nhưng nó cũng là một bản rất lạ. Kugayama bảo cuốn sách được làm theo bản facsimile do một nhà nghiên cứu tên là Hinman biên soạn. Tôi không rõ lắm về First Folio, nhưng quyển đó có lẽ là...
- Norton Facsimile. Xuất bản năm 1968. Tập hợp bản sao những trang có tình trạng tốt nhất trong ba mươi cuốn First Folio.
Cháu gái bà lập tức giải thích. Bà Eiko gật đầu nói tiếp.
- Ừ, đúng là cuốn facsimile đó. Kugayama in cảm quang nó và thiết kế tỉ mỉ đến từng chi tiết theo sở thích cá nhân.
- Sao lại cả bản facsimile ấy ạ? - Shioriko tròn mắt.
- Ừ. Ông ta nói đang tính chuyện buôn bán bản sao theo yêu cầu riêng của từng khách, và đó là cuốn ông ta làm hàng mẫu. Tôi tự hỏi bao nhiêu phần trong những lời đó là sự thật.
Đúng là đáng ngờ. Có khi ông Shodai đã nung nấu một giao dịch xấu xa nào đó.
- Cả lý do thực sự của việc ông ta làm ra nó lẫn lý do ông ta cho tôi cuốn sách tôi đều không biết. Mà tôi cũng chẳng hứng thú đến thế với First Folio. Tôi đọc tác phẩm của Shakespeare ở những bộ toàn tập khác rồi.
- Nhưng bà đã giữ gìn nó rất cẩn thận mà.
Bà Eiko yên lặng chuyển ánh nhìn ra ngoài cửa sổ. Không hứng thú mà vẫn giữ gìn cẩn thận thì thật kì lạ. Sự thế là thế nào, tại sao bà lại buông tay... Xem chừng bà không định cho chúng tôi biết những chi tiết quan trọng.
Shioriko chợt ngoảnh mặt về phía tôi và ông Rokuro.
- Cháu trao đổi riêng với bà một chút được không ạ?
Có vẻ như cô định làm gì đó. Ông Rokuro cười tươi, gật đầu.
- Tất nhiên rồi. Đừng nói “một chút” chứ, cứ trò chuyện bao nhiêu lâu cháu muốn. Chúng ta đi ra ngoài nhé. Nào!
Tôi bị ông nắm cánh tay kéo ra cửa.
- Anh Daisuke! - Shioriko gọi giật lại trước khi tôi ra khỏi phòng.
- Ơi.
Tôi vừa ngoái đầu, Shioriko đã nói nhỏ.
- Anh chờ em ở bãi gửi xe dưới tầng hầm nhé.
- Hả...?
Chưa kịp hỏi lại cho rõ ràng, tôi đã bị lôi ra hành lang.

9

Chẳng có lý do gì để bỏ ngoài tai chỉ thị của Shioriko nên tôi cứ thế một mình quay lại bãi gửi xe.
Sao lại đuổi tôi ra ngoài nhỉ?
Chắc cô có chuyện muốn nói riêng với người nhà Mizuki. Làm gì và tại sao vốn là vấn đề riêng của gia đình Shioriko. Người ngoài như tôi có nghe thì cũng kì, nhưng tôi cảm thấy hơi lạc lõng.
Bãi gửi xe dưới hầm không có người hay xe ra vào. Chờ tầm mười phút mà không thấy gì, đúng lúc tôi định vào trong xe van đợi thì cửa thang máy tôi vừa đi xuống ban nãy mở ra.

Ryuji ôm một hộp các tông, đi cùng Shioriko ra khỏi thang máy. Tôi vội chạy đến chỗ hai người.
- Để tôi bê cho. Đem chất lên xe đúng không?
Vừa hỏi tôi vừa nhận lấy chiếc hộp. Nó không nặng như vẻ bề ngoài. Ryuji chớp mắt ngạc nhiên.
- Cậu, không phải đang bị gãy xương không bê được đồ sao?
- Dạ? Không ạ, hầu như cũng khỏi rồi.
Ryuji ngoảnh nhìn Shioriko đầy nghi hoặc.
- “Vì không ai mang được sách từ thư phòng xuống nên tôi muốn nhờ anh giúp...”. Nãy chẳng phải cô nói thế sao?
- Tôi xin lỗi. Tôi nói dối đấy.
Shioriko cúi đầu.
- Vì có chuyện muốn nói với anh Ryuji nên tôi đã vờ như thế... Trong hộp chỉ là báo cũ thôi.
Cuối cùng tôi đã hiểu được tình hình. Thì ra từ đầu cô đã định viện cớ bê đồ để rủ Ryuji ra ngoài. Nếu bảo tôi đi trước thì chỉ còn anh ta là nhờ được. Hẳn cô có chuyện không muốn vợ chồng Mizuki nghe thấy.
- Anh có thể đi cùng chúng tôi một lúc không? - Shioriko hỏi khẽ nhưng âm điệu rành rọt.

Chúng tôi vào một quán ăn gia đình nằm dọc tuyến tàu một ray. Đã quá giờ ăn trưa nên quán hầu như không có khách. Shioriko chọn bàn cạnh cửa sổ trong góc. Ở chiếc bàn gần nhất, một nam một nữ trẻ có vẻ là cặp đôi đang hăng say trò chuyện, nhưng giọng họ không vọng đến đây.
- Cô muốn nói chuyện gì?
Ryuji tựa lưng vào ghế, tạo khoảng cách với chúng tôi đang ngồi đối diện, chẳng định che giấu sự cảnh giác.
- Anh xem cái này đi.
Shioriko đặt một tấm hình lên bàn. Đó là hình chụp buổi diễn vở Người lái buôn thành Venice mà chúng tôi xem ban nãy ở thư phòng nhà Mizuki. Ngay lập tức, mắt Ryuji trừng to như muốn nhảy ra ngoài.
- Cái này, ở đâu...?
- Trước khi nói thì, còn một việc này nữa tôi muốn xin phép anh.
Shioriko giơ ngón tay trỏ, đưa mắt về phía tôi đang ngồi cạnh.
- Anh Daisuke đây không biết chuyện gì cả. Anh có thể yêu cầu anh ấy ra ngoài kể từ lúc này. Nhưng anh ấy rất kín miệng... tôi đảm bảo anh ấy là người có thể tin tưởng được.
Cô ngượng ngùng nhưng vẫn nói liền một mạch. Tôi thấy vui vì được khen, đồng thời cũng ngạc nhiên. Trước giờ cô đã có nhiều cuộc trò chuyện về sách cũ, nhưng đây là lần đầu tiên cô hỏi đối phương xem tôi ngồi cùng có được không. Hẳn có lý do lớn lắm.
Ryuji hít sâu rồi thở dài, lắc đầu như muốn xua đi xúc cảm trong lòng.
- Không, cậu có biết cũng chẳng khác gì. Vậy, cô có được tấm hình này từ đâu?
- Hôm trước, ông Yoshiwara đã đưa cho bà ngoại. Khi ông lấy sách đi ấy ạ.
- Vậy sao... Nếu thế thì người đó hẳn cũng nhận ra rồi. Đành vậy.
Ryuji cười chua chát, uống một ngụm trà đá. Trước mặt tôi và Shioriko là những chiếc cốc cũng đựng món đồ uống tương tự.
- Tấm hình này làm sao?
Đó là hình chụp cảnh cao trào của phiên tòa. Đúng như lời giải thích tôi đã nghe trên xe, vở kịch thể hiện ở một sân khấu ngoài trời đơn giản, không có cả thiết bị chiếu sáng lẫn màn sân khấu.
- ...Khi nghe anh Ryuji nói về chuyện diễn kịch thời Shakespeare, tôi đã thấy lạ. Ngoài ánh sáng và thiết bị sân khấu ra thì thời đó còn một điểm khác biệt lớn so với diễn kịch ngày nay. Anh hoàn toàn không đả động đến điểm này. - Shioriko bắt đầu bình thản giải thích. - Ngoài ra, dường như anh luôn tránh trả lời về vai diễn mình đảm nhiệm... Nhìn tấm hình này tôi đã hiểu lý do.
Tôi nhìn thật kĩ tấm hình lần nữa, chẳng thấy được gì khác ngoài đám nam sinh mặc trang phục bảnh bao đang say sưa diễn xuất trong vở kịch nghiệp dư.
- Thật ra, vào thời Shakespeare hoạt động trong vai trò diễn viên kịch thì sân khấu không tồn tại diễn viên nữ.
Tôi ngẩng đầu:
- Hả, nhưng có nhân vật nữ cơ mà.
- Toàn bộ nhân vật nữ sẽ do các thiếu niên chưa vỡ giọng đóng. Hẳn ý nghĩa của việc phụ nữ bị cấm diễn kịch cũng giống kabuki của Nhật đấy*, ở Anh, diễn viên nữ xuất hiện trên sân khấu từ thời khôi phục chế độ quân chủ nửa cuối thế kỉ 17.

*[Khi kabuki mới ra đời, chỉ có phụ nữ tham gia diễn xuất, nhưng họ nhanh chóng lôi cuốn sự “chú ý” của nhiều đàn ông hủ bại khiến người khác không vừa lòng và chính quyền cảm thấy người dân mất phẩm giá vì nghệ thuật kabuki. Năm 1629, phụ nữ bị cấm diễn xuất kabuki và mọi hình thức sân khấu khác]

- Vậy trước đó chỉ toàn đàn ông bước lên sân khấu thôi hả? Kể cả những vở như Romeo và Juliet?
Shioriko gật đầu. Cả cặp đó cũng là đôi nam đóng sao. Quả thật thời Shakespeare khác hẳn với hiện tại. Thế mà, đến ngày nay những vở kịch vẫn tiếp tục được diễn, đúng là cả một thành tựu.
- Nhưng thế thì liên quan gì tới tấm hình này?
Trong tấm hình cũng toàn con trai, không có diễn viên nữ nào. Shylock và Antonio, cả vị thẩm phán mà Ryuji đóng nữa. Shioriko trỏ người thẩm phán.
- Đây là vị thẩm phán đã dồn Shylock vào thế thua, nhưng trong câu chuyện này người đó không phải đàn ông. Portia, người nhận lời cầu hôn của Bassanio đã giả trai và trở thành thẩm phán. Nhờ nhanh trí đưa điều kiện “Khi xẻo thịt không được để chảy một giọt máu nào” mà cô cứu được bạn thân của chồng là Antonio.
Đầu tôi bắt đầu loạn cả lên. Nam thì đóng nữ, còn vai nữ này trên sân khấu lại giả nam... Chẳng phải chỉ là nam vẫn đóng nam hay sao.
- Có vẻ là một câu chuyện rối rắm, nhưng mà... khán giả không bị lẫn sao?
- Em nghĩ không những hiểu rõ mà họ còn thưởng thức điều đó nữa cơ. Trong kịch của Shakespeare có rất nhiều nữ chính giả trai. Ngoài Người lái buôn thành Venice còn có Như em muốn, Đêm thứ mười hai*, Cymbeline**... Ở nước Anh thời bấy giờ, mỗi giới tính đều có những chuẩn mực nghiêm ngặt nên người mặc trang phục khác với đặc điểm giới tính của mình sẽ thành đối tượng bị chỉ trích. Chính vì vậy, đối với phía người xem mà nói việc hoán đổi giới tính hẳn là việc rất kích thích.

*[Twelfth Night (tên khác là What You Will) kể một câu chuyện vui nhộn về những kẻ si tình mù quáng và những trò chơi khăm tinh quái trong đêm tiệc cuối cùng của dịp lễ Giáng sinh. Cô gái Viola cải trang thành một chàng trai trẻ dưới cái tên Cesario, trở thành chàng hầu của quận công Orsino và rơi vào tam giác tình yêu với quận công Orsino và cô nàng Olivia]
**[Còn có tên khác là Cymbeline, vị vua nước Anh (tạm dịch từ Cymbeline, King of Britain). Vì một quyết định sai lầm của vua Cymbeline, nàng công chúa Imogen rơi vào bi kịch ái tình, phải xa cách và bị người mình yêu hiểu lầm. Để đuổi theo chàng, Imogen giả trai xâm nhập vào quân đội La Mã. Cuối cùng người nàng yêu cùng hai người anh bị bắt cóc từ nhỏ của nàng mang lại chiến thắng cho nước Anh. Đức vua nhận sai, mọi hiểu lầm được xóa bỏ]

Tôi bất chợt nhớ lại câu Shioriko từng nói, “Thế giới là sân khấu, con người là diễn viên”. Ngược lại, sân khấu cũng lại là một phần của thế giới, nhân vật cũng chẳng khác chi người thật. Có lẽ họ đã tận hưởng cảm giác sung sướng như thể ranh giới bị phá bỏ.
- Nghĩa là anh Mizuki đã đóng vai Portia nhỉ. Vậy sao lúc nãy anh không nói ra...
Tôi ngưng bặt. Ông Rokuro từng nói con trai mình “hẹn hò với bạn diễn đóng vai người yêu trong vở kịch của câu lạc bộ kịch”. Người yêu của Portia là Bassanio. Nếu tái hiện vở diễn dưới thời Elizabeth thì cả hai diễn viên đều là nam.
Nghĩa là anh ta hẹn hò với một người đàn ông.
Tôi nhìn Ryuji. Không nói gì nghĩa là đã thừa nhận. Đây là lần đầu tôi quen một người đồng tính. Dù kinh ngạc nhưng tôi lại nhanh chóng nghĩ “Tất nhiên họ có tồn tại trên đời rồi”.
Mà không, có thể cho đến giờ tôi cũng quen biết họ ở đâu đó. Chỉ là bọn họ không nói với tôi thôi.
- Từ nhỏ tôi đã không rõ lắm về giới tính của mình. - Ryuji nói bằng giọng rất thanh. - Bình thường tôi sống như một người đàn ông, nhưng đôi lúc lại tự nhiên muốn có những bộ đồ hay mỹ phẩm của chị. Cảm giác chênh vênh như thể đi lại giữa ranh giới của nam và nữ vậy... Nhưng giới tính của người tôi yêu lại luôn rất rõ ràng. Chỉ có đàn ông mà thôi.
- ...Trong gia đình anh có ai biết không ạ? - Shioriko hỏi.
- Có lẽ chị tôi đã để ý ít nhiều. Nhưng kể cả thế thì hẳn chị ấy chỉ nghĩ đó là “chuyện thời trẻ con” thôi. Bố tôi thì chẳng biết gì. Dù không có ác ý nhưng gần đây ông cứ càn nhằn giục tôi cưới vợ.
Anh ta thở dài. Ông Rokuro cứ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi vụ yêu đương và cưới hỏi của cậu con trai. Nếu chủ đề này được lặp đi lặp lại hằng ngày, với Ryuji chắc nhức nhối chẳng khác nào kim châm.
- Tôi giữ khoảng cách với bà Eiko cũng do không muốn bị để ý. Thật ra tôi đã định rời xa quê hương, nhưng từ nhỏ tôi đã mong làm nha sĩ, lại muốn duy trì phòng khám của bố. Tôi cũng chưa từng bộc bạch với bạn bè xung quanh, cứ lao đầu vào công việc mà chẳng tìm được người yêu cho mình.
Dứt lời, Ryuji nhìn về phía đôi tình nhân trẻ đằng xa. Hai người họ đang bắt đầu ăn chung một set thịt băm viên rán.
- Chắc bà Eiko đã bị đe dọa bằng câu chuyện của tôi thời du học nhỉ! Vì cái ông tên là Yoshiwara ấy.
- Nghe bảo dù không nói thẳng ra nhưng ông ta ám chỉ sẽ nói cho bố anh. Ông ta đã để tấm hình này lại để đổi lấy cuốn sách.
Cơn phẫn nộ đối với Yoshiwara trào lên trong tôi. Để đạt được mục đích, ông ta thản nhiên lợi dụng điểm yếu của đối phương. Thật giống Shodai khi mua ép giá cuốn Những năm cuối đời của Tanaka Yoshio.
- Sao bà Eiko lại giữ cuốn sách cẩn thận đến vậy?
- Mười năm trước, bìa cuốn sách bị cháy, người làm lại sách cho bà là mẹ tôi.
Ngồi cạnh Shioriko, tôi giật mình kinh ngạc.
- Mẹ cô... là chị Chieko ấy hả. - Ryuji hỏi.
Shioriko gật đầu.
- Hồi sinh viên, mẹ tôi nghiên cứu sách Âu Mỹ thời cận đại, có vẻ bà cũng sửa chữa và đóng sách cũ vì sở thích. Như anh biết, hai người đã từ mặt nhau, họ tình cờ gặp lại ở ga Kamakura, tán gẫu vài câu sau bao ngày xa cách... rồi mẹ nghe chuyện sách cũ của bà và đề nghị sửa giúp.
Hay bà Eiko có ý khôi phục lại mối quan hệ nhỉ. Vì sách cũ mà phá hỏng mối quan hệ, rồi lại vì sách cũ mà hàn gắn, quá đúng tác phong của những người này. Thậm chí chẳng để tâm đến nội dung nhưng vẫn trân trọng cuốn sách vì con gái đã sửa nó cho mình.
- Nếu vậy bà chỉ cần nói rõ là được mà... Sao phải giấu chứ? - Ryuji lầm bầm.
- Việc trân trọng cuốn sách cũ do con gái đã từ mặt sửa cho cũng khó nói ra lắm chứ. Bà bảo “Bản thân đã là người nhà Mizuki, nên không muốn bị hiểu lầm”.
Ngược lại, chính quyết định đó mới gây ra hiểu lầm. Chỉ vì bà bướng bỉnh không nói mà cuối cùng lại bị chính người mình cố bảo vệ nghi ngờ.
- Nhưng bà lại nói với cô, nghĩa là bà đã quyết định sẽ lấy lại cuốn sách nhỉ. Bà đã bị cô thuyết phục.
- Không ạ, bà đã từ bỏ cuốn sách rồi. Bà nói rõ rằng anh quan trọng hơn... Bà chỉ nhờ tôi chuyển lời thôi ạ. Thật ra bà muốn nói trực tiếp với anh nhưng lại lo anh không muốn nói chuyện với bà.
- Chuyển lời, - Ryuji lẩm bẩm lặp lại. - Chuyển lời gì thế?
- Bà bảo, sau khi biết sự tình, bà muốn ủng hộ anh. “Con tiếp tục giữ kín hay mở lòng với gia đình thì cũng đều được cả...”. Chúng tôi cũng sẽ hành động theo hướng đó.
Cô nhìn tôi như tìm kiếm sự đồng ý. Tất nhiên tôi chẳng có ý kiến nào khác. Dù rất căm tức Yoshiwara, nhưng chủ nhân cuốn sách đã nói từ bỏ thì cũng chẳng đến lượt chúng tôi xen vào. Suy đến cùng, điều bà mong muốn vẫn quan trọng hơn hết thảy.
- Vậy hả...
Ryuji cúi người, đan hờ hai tay lên bàn. Hai ngón tay cái xoa tròn như đang nói lên tâm trạng lưỡng lự của anh ta.
- Bà Eiko nói gì về tôi? Chuyện tôi chỉ thích đàn ông.
- Bà bảo là ngạc nhiên. Và... tôi thì nghĩ không thích hợp trong hoàn cảnh này lắm nhưng bà bảo tự dưng câu thoại nổi tiếng của Shylock trong Người lái buôn thành Venice lại hiện lên trong đầu...
- Có phải là câu, “Hay bọn ta không ăn đồ ăn giống tín đồ Thiên chúa, không bị thương bởi cùng một vũ khí, không mắc cùng loại bệnh, không khỏi bằng cùng cách chữa, không cảm nhận cùng một cái lạnh của mùa đông hay cái nóng mùa hè như các người?”.
Ryuji ngâm trôi chảy đoạn dịch tiếng Nhật, khóe miệng hiện lên một nụ cười khô khốc.
- Đúng là không thích hợp thật. Đây chẳng phải chuyện tôn giáo hay dân tộc, tôi cũng chẳng có ý trả thù như Shylock. Thật là ngốc nghếch.
Câu từ thì mắng là ngốc nghếch đấy nhưng giọng Ryuji lại thật dịu dàng. Những ngón tay cái đã thôi xoay tròn vội vã.
- Chỉ là, ngày ấy, tôi cũng từng nghĩ tới câu thoại đó. Kiểu như là, dù khác với mọi người xung quanh thì cũng đều là con người cả mà.
Rồi anh ta ngẩng mặt lên, hướng ánh mắt quyết tâm về phía Shioriko.
- Tôi sẽ kể sự tình với bố. Xin cô hãy lấy lại quyển sách cho bà Eiko.
- Nhưng, chuyện đó...
- Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra. Thà để tôi tự mình nói rõ ràng còn hơn để bố biết từ ai khác. Có lẽ tôi sẽ nhờ bà Eiko cùng nghe. Trước tiên, tôi sẽ nói chuyện với bà đã.
Ryuji dừng trong phút chốc, anh nheo mắt ngắm chiếc bàn nơi có đôi tình nhân trẻ. Đồ ăn đã được dọn đi. Cả hai đều đang rướn mình qua, tươi cười nhìn vào màn hình một chiếc điện thoại.
- Thật ra hồi du học tôi không có người yêu.
Chúng tôi á khẩu trước lời bộc bạch đường đột.
- Đúng là tôi thích người đóng vai Bassanio và cố thổ lộ tình cảm sau vở diễn, đó không phải nói dối. Nhưng tôi đã bị từ chối thẳng thừng. Tôi vẫn luôn sĩ diện với bố... Có lẽ điều tôi không muốn bị ai biết nhất không phải chuyện mình chỉ yêu được đàn ông, mà là chuyện ngoài gia đình ra, tôi chưa từng được ai yêu thương bao giờ...

- ...Trong Người lái buôn thành Venice có ba đôi.
Sau khi đưa Ryuji về đến chung cư, trên đường quay lại tiệm sách cũ Biblia, Shioriko nói.
- Bassanio, người nhờ Antonio trợ giúp tiền bạc, và tiểu thư Portia, cô hầu gái Nerissa của Portia và bạn thân Bassanio là Gratiano, con gái Shylock là nàng Jessica và người đàn ông hào hoa theo Thiên chúa giáo Lorenzo.
- ... Nhiều nhỉ.
Vừa lái xe tôi vừa thật thà nói ra cảm nhận của mình.
- Dạ. Thật ra đó là một vở kịch có nhiều tương tác giữa những người yêu nhau. Tuy vậy, cặp đóng vai trò quan trọng nhất trong câu chuyện này là đôi Bassanio và Portia.
Khuôn mặt trắng xanh của Ryuji hiện lên trong đầu tôi. Chắc giờ này anh ta đang nói chuyện với mẹ kế.
- Portia là cô gái trẻ được thừa hưởng gia tài khổng lồ. Theo di ngôn của người cha đã mất, cô phải kết hôn với người đàn ông đưa ra lựa chọn đúng trong ba chiếc hộp vàng, bạc, chì. Những kẻ cầu hôn có địa vị cao mở chiếc hộp vàng và bạc hào nhoáng, duy nhất chàng trai nghèo Bassanio mở chiếc hộp chì đơn điệu. Với ý nghĩa là “Vẻ ngoài đẹp đẽ biết đâu lại khác thứ bên trong”.
- Hộp chì là đáp án đúng hả?
Bảo vật được được đặt trong chiếc hộp giản dị nhất, đó là mô típ quen thuộc. Shioriko gật đầu.
- Dĩ nhiên rồi. Đó là bài kiểm tra nhìn thấu được bản chất của đối phương... Bị cuốn hút bởi Bassanio từ lần đầu gặp mặt, Portia đã nói những lời cực kì xúc động trước khi chiếc hộp được mở ra, “Ôi, hết thảy mọi xúc cảm ngoài niềm vui sẽ tan biến vào hư vô. Cả vô số hoài nghi, nỗi tuyệt vọng chực chờ phía trước, cả nỗi bất an đến run rẩy lẫn cơn ghen đến xanh tròng mắt... Ôi, tình yêu, hãy bớt sôi nổi, đừng bay bổng vô ích, đừng để cơn mưa hạnh phúc lặng lẽ rơi quá nhiều!”.
Lời thoại còn có những câu ban nãy Shioriko nói trong tiệm. Thì ra đó là thoại của Người lái buôn thành Venice. Nhưng âm thanh tôi nghe thấy dường như còn hơn cả tiếng đọc lời thoại, đó là âm thanh từ trái tim cô, nó khiến cơ thể tôi bỗng nóng bừng.
- Chắc chắn trên sân khấu, anh Ryuji cũng đã nói ra lời thoại này. Cả lúc luyện tập nữa, hẳn đã rất nhiều lần.
Không để vẻ bề ngoài lay động mà chọn bản thân vì thứ bên trong... Tôi không khỏi đồng cảm với anh ta.

Đường về may thay rất thưa người. Xe chạy trên con đường tỉnh dọc tuyến Yokosuka.
- Nếu anh ta bộc bạch với bố mình thì... Em nghĩ liệu có thể lấy lại cuốn sách không?
Tôi cứ lợn cợn mãi chuyện này. Nếu chúng tôi thất bại, vụ việc sẽ kết thúc mà chỉ có bí mật của Ryuji bị bại lộ.
- Em cũng không tự tin. Em nghĩ vụ này vốn cần khởi kiện về việc tờ giấy mượn vô hiệu, nhưng không biết có nên làm to chuyện ra như thế không. Rõ ràng mua lại từ ông Yoshiwara thì sẽ nhanh hơn... Có lẽ ông Yoshiwara đã tính toán trước nhà Mizuki sẽ đề xuất giao dịch như vậy. Bất kể chúng ta có là trung gian hay không.
- Nếu thế thì chẳng phải ông ta sẽ đến ép giá như hôm qua sao?
Ông ta làm thế bằng cái mặt cười như muốn xé thịt đối phương. Nhớ đến vụ trao đổi hôm qua, tôi lại thấy lộn cả ruột. Cả việc chúng tôi bị ông ta quay mòng mòng cũng thật khó chịu.
- Em nghĩ mục đích của Yoshiwara là gì?
Rõ ràng đến tôi cũng hiểu mục đích của ông già đó không chỉ có mỗi tiền. Vụ nào cũng liên quan đến Shakespeare... Và bóng dáng Chieko lẩn quất.
- Em chưa rõ. Nhưng chắc chắn mọi việc cho đến giờ đều đã được ông ta lên kế hoạch tỉ mỉ. Từ nay về sau hẳn sẽ còn xảy ra nhiều chuyện. Để tìm hiểu mục đích của ông...
Chuông di động reo. Không phải của tôi.
- Chờ em chút nhé.
Shioriko lấy điện thoại, mặt hướng ra cửa sổ bắt đầu nói chuyện. Giữa chừng chỉ có một tiếng “Hả!?” đầy ngạc nhiên, những phần còn lại cô nói nhỏ đến mức khó mà nghe được.
- Cảm ơn anh đã cất công gọi điện. Chúng em sẽ đến xác nhận. Dạ, chào anh ạ.
Cô cúp máy. Nét mặt sầm lại cho biết có chuyện không hay đã xảy ra.
- Ai thế em?
- Anh Renjo ạ. Hình như giờ anh ấy đang ở chợ sách cũ.
Takino Renjo. Người chủ đời thứ hai của tiệm sách Takino ở Konandai, là bạn từ thuở bé của Shioriko, cũng giúp đỡ tôi rất nhiều. Anh còn là thành viên ban tổ chức hội trao đổi của hiệp hội sách cũ. Một người đáng tin cậy.
- Một quyển sách có vẻ là bản sao First Folio của bà sẽ được trưng bày ở hội chợ ngày mai. Nếu bỏ lỡ có thể nó sẽ bị tiệm sách khác mua mất.
------------
Còn tiếp.
(Mọi chú thích là của người dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét