Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

Tiệm sách cũ Biblia Q 7 - Chuyện Thứ Hai

Tiệm sách cũ Biblia Q 7

Tác giả - Mikami En
Người dịch: Ngọc Bích
Nhà xuất bản Hồng Đức - 2018

Tập 7 - Shioriko và sân khấu bất tận

Chuyện Thứ Hai

Tôi không phải tôi

1

Tiệm sách cũ Biblia thuộc chi nhánh Shonan của hiệp hội sách cũ tỉnh Kanagawa.
Tại chợ sách cũ của chi nhánh Shonan ở Totsuka, mỗi tuần hai lần người ta mở buổi trao đổi để các tiệm thành viên tiến hành mua bán sách cũ. Trong hội chợ được tổ chức vào hôm nay (thứ Hai), người mua xem sách được bày trong hội trường và bỏ giấy ghi giá tiền sẽ trả, gọi là “Đấu giá hàng trưng bày”.
Khi dừng lại tại con đường trước chợ sách cũ, ngoài xe van mà tôi và Shioriko lái đến còn cả dãy xe bán tải chất rất nhiều hàng. Chợ sách cũ được tổ chức tại tòa nhà bốn tầng cũ xây cách đây năm mươi năm, trong khu đất không có bãi để xe rộng. Những hội viên đến muộn chỉ còn cách đỗ xe dưới đường.
- Lâu rồi chúng ta mới cùng đến đây với nhau nhỉ.
Shioriko vừa xuống xe vừa nói. Giọng cô yếu ớt. Hẳn không chỉ do cái nóng gay gắt mà còn vì mệt mỏi với những chuyện xảy ra mấy ngày nay. “Đúng vậy”, tôi đồng tình. Lần cuối chúng tôi đến đây là trước khi tôi bị thương, từ đó đã hai tháng trôi qua rồi.
Chúng tôi đến đây để mua lại First Folio. Ngay khi Shioriko vừa nhắn bà Eiko rằng cuốn sách được bày bán ở hội chợ, bà đã liên lạc lại nhờ chúng tôi thay bà đến đấu giá sáng nay. Bà không cho biết Ryuji đã thú thật với bố chưa. Shioriko cũng không hỏi. Đó chẳng phải chuyện những kẻ không liên quan như chúng tôi nên tò mò.
Nhân tiện, hôm nay nhà Mizuki sẽ đến thăm Ayaka. Thấy bảo tối qua, sau khi nghe kể sự tình, cô bé lập tức gọi điện chào hỏi bà và đặt hẹn ngay được, lại còn làm cả thạch hoa quả làm quà.
Chúng tôi đeo thẻ có tên tiệm lấy ở quầy tiếp tân rồi lên cầu thang. Cả tầng hai được dùng làm hội trường đấu giá sách. Vẫn khá lâu nữa mới đến lúc mở phong bì đấu giá nhưng người từ các tiệm sách cũ đã nhốn nháo. Không biết có phải do điều hòa bị hỏng hay không mà khí nóng bao phủ dinh dính.
Hôm nay có khá nhiều sách được bày bán. Trên chiếc bàn gần đó là truyện tranh và sách khổ bunko được cột dây xếp chồng cao hơn cả người tôi. Để khách biết được nội dung, gáy cuốn nào cũng hướng ra ngoài, mỗi chồng sách cũ lại kẹp một phong bì màu vàng. Người mua phải bỏ giấy đấu giá vào các phong bì đó.
Những người quen nhau chuyện trò đây đó, nhưng bầu không khí không đơn thuần chỉ có sự ôn hòa. Ai cũng chú ý nhìn quanh hội trường, cẩn trọng phán đoán sách cũ tiệm mình cần.
Vẫn là hội chợ đấu giá như bình thường.
Chúng tôi tính tìm Takino Renjo, người đã cho thông tin về bản sao First Folio. Hẳn anh ấy phải ở đâu đó quanh đây.
- Cô cậu cũng đến hả?
Một giọng nói vô cùng trầm vang lên bắt chuyện. Chúng tôi quay lại, thấy người đàn ông gầy nhom với ánh nhìn sắc bén đang chống cây gậy to. Màu tóc trắng và cặp kính gác lên trán không thay đổi nhưng mái tóc cắt ngắn hơn cả lúc trước, trên người là chiếc sơ mi trắng mới tinh.
- Bác Inoue, lâu rồi mới gặp bác ạ.
Chúng tôi cúi đầu chào. Đó là ông Inoue Taichiro, chủ tiệm sách cũ Hitori ở Tsujido thuộc Fujisawa. Trước đây, vì mối bất hòa với Chieko mà ông từng có cái nhìn thù địch với tiệm sách cũ Biblia, nhưng từ khi chúng tôi phá giải bí ẩn về di sản của nhà sưu tập sách Edogawa Ranpo, ông đã ít nhiều thân thiết với chúng tôi hơn.
- Vết thương đỡ chưa? - Ông hỏi tôi.
- Dạ, mấy việc chân tay vẫn khó khăn nhưng cháu đỡ rồi ạ.
- Không có cậu chắc bên đó chẳng tiến hành mua hàng tại nhà được nhỉ. Hôm nay cô cậu đến nhập hàng hả?
- Dạ, hình như có sách bên cháu muốn đấu giá.
Thấy Shioriko ngập ngừng, Inoue khẽ nhíu mày. Chắc ông đoán được chúng tôi có chuyện muốn giấu.
- Cháu đến đây vì nhận được liên lạc của anh Renjo, bác biết anh ấy đang ở đâu không ạ?
- Takino hả, vừa rồi còn thấy cậu ta ở đó mà.
Nói rồi ông nhìn sâu vào trong hội trường, nhưng có vẻ không thấy.
- Nếu gặp thì tôi nhắn cho.
- Nhờ bác ạ.
Ông Inoue dợm bước đến chiếc bàn có chồng sách bunko cũ, bỗng ngoảnh lại.
- Nếu có gì tôi giúp được thì cứ nói bất cứ lúc nào. Tôi còn nợ cô cậu mà. Chuyện Naomi ấy.
Vừa nói tên bà Naomi, ông đã sải bước đi luôn như giấu thẹn. Bà Kayama Naomi hiện đang làm việc tại tiệm sách Hitori là bạn từ nhỏ của ông Inoue. Shioriko đã tháo gỡ được hiểu lầm giữa bà với người cha là nhà sưu tập sách của Ranpo, cuối cùng lại tạo điều kiện để ông Inoue và bà thổ lộ tình cảm với nhau. Nghe đồn hai người họ đang tính về cùng một họ. Chắc vì vậy mà ông Inoue cảm thấy biết ơn tiệm sách cũ Biblia.

Chúng tôi quyết định sẽ đi xem bản sao của First Folio trước khi nói chuyện với Takino. Trên chiếc kệ bên cửa sổ có rất nhiều quyển đi lẻ. Ngoài những cuốn sách chuyên ngành còn được gọi là “sách đen” và sách hiếm, ở đây còn bày cả áp phích phim cũ hay những cuốn trông như bản đồ cổ thời Edo.
Mắt chúng tôi bị hút vào một cuốn sách bìa da màu đen to, nổi bật ở một bên cạnh kệ.
- Đây rồi. - Shioriko nói.
Bìa cuốn sách không thấy có nhan đề và tên tác giả, một sợi dây nhựa buộc hờ theo hình chữ nhất, chiếc phong bì dùng để đấu giá kẹp ở đó. Trên phong bì là dòng chữ nghệch ngoạc, “Norton Facsimile tự đóng, có sửa chữa”. Nhìn phong bì thì không thể biết ai đã đưa sách ra nhưng chắc chắn đây là trò của Yoshiwara chứ chẳng ai khác.
- Phong bì đấu giá đầy quá nhỉ. - Tôi nói.
Chiếc phong bì căng phồng đến thế, có vẻ rất nhiều tiệm sách đấu giá cuốn này.
- Vì cuốn sách đóng rất đẹp, trông hút mắt. Nhưng em nghĩ ông ấy không định bán nó theo lệ thường cho ai ở đây hôm nay. Huống chi ngoài chúng ta có lẽ chẳng còn ai để giá cao.
Đúng là quyển sách được đóng rất đẹp, ba mép sách đều được thếp vàng. Gáy và góc bìa sách được phủ da mềm màu đen có chất liệu khác. Chắc đó là những chỗ được sửa.
- Chỗ da ở gáy sách lồi lồi kia có ý nghĩa gì không?
Vài chỗ trên gáy sách nổi lên như những lằn u. Thấy thế tôi bỗng cảm giác hình như mình đã từng thấy cuốn sách Tây cũ na ná ở đâu đó rồi.
- Cái đó là vỏ lớp buộc gáy sách. Dưới lớp vỏ đó là sợi dây dùng để buộc nối các trang sách với nhau. Thời chưa có loại keo bền chắc để dán gáy sách, người ta dùng cách này.
- Nhưng đây là bản sao cơ mà. Có cổ đến thế đâu.
- Có thể người ta tái hiện lại cách làm sách Tây cũ. Cũng có khi cuốn này đã được làm lồi lên, giả dây buộc để trang trí theo ý thích của chủ nhân.
- Chủ sách vẫn thường làm lại sách như thế à?
- Ở châu Âu thời Trung cổ, tiệm sách chỉ bán ruột của sách mới phát hành. Khách mua sách sẽ đặt hàng thợ đóng sách, khâu lại thành một quyển. Nếu mua sách cũ, người chủ cũng sẽ đóng lại sách theo sở thích của mình.
- Hả, vậy thì mỗi lần phải bóc bìa nham nhở ra nhỉ.
- Tất nhiên rồi. Những nhà sưu tập sách cũ ở châu Âu đi theo xu hướng không chỉ xử lý những vết xước, chỗ bẩn mà còn phải chỉnh trang thật đẹp để sách cũ giống hệt sách mới. Mua được sách rồi, thường người ta sẽ xén ba mép sách đi một chút và thay mới cả bìa lẫn gáy sách. Vì thế, những cuốn First Folio hàng thật còn lại đến ngày nay mỗi cuốn đều có vẻ ngoài khác hẳn nhau.
Tôi nhìn xuống cuốn sách khổ to nằm trước mắt. Ở điểm đó, cuốn sách này cũng như hàng thật vậy. Như bà Eiko nói, không rõ tại sao ông Shodai cất công tạo nên bản sao đẹp thế này.
Thật ra nếu đây là hàng xịn thì chuyện sẽ khác.

Shioriko dùng một tay tháo dây, lật bìa sách lên. Bìa khá nặng nên tôi cũng đỡ tay bên cạnh.
Giấy trang lót cũng có màu đen giống như góc bìa, và vài tờ tiếp theo vẫn là những trang trống đồng màu. Có vẻ chúng được làm giống màu bìa. Lật thêm chút nữa cuối cùng cũng thấy trang có bức chân dung. Tranh một người đàn ông trung niên có râu, trán hói với đường chân tóc mọc từ đỉnh đầu vẽ theo lối tả thực. Cái này gọi là tranh khảm đồng* thì phải. Mái tóc dài che tai và cổ áo to bản tùy ý quấn quanh cổ đúng kiểu châu Âu thời xưa.

*[In hình ảnh lên chất liệu là giấy hoặc vải bằng kĩ thuật in ấn sử dụng khuôn in chế tác bằng chất liệu đồng]

Đó là khuôn mặt Shakespeare.
Phía trên bức chân dung có in dòng chữ “MR. WILLIAM SHAKESPEARES COMEDIES, HISTORIES, & TRAGEDIES”.
Chắc dòng chữ đó nghĩa là “Những vở hài kịch, sử kịch và bi kịch của William Shakespeare”.
Phông chữ có gì đó khác với bây giờ, cảm giác bản in cũng hơi mờ. Kẻ tay mơ như tôi thấy cuốn sách rất cũ rồi, nó thực sự là bản sao ư?
- Vậy là sao nhỉ?
Shioriko trầm giọng thì thầm. Nhìn đôi trang sách có bức chân dung đang mở một cách nghiêm túc. Rồi cô loạt soạt lật giở những trang giấy. Có vẻ cô đã phát hiện ra điều gì quan trọng. Tôi chợt giật mình, dù trong đầu cũng nghĩ, chuyện đó sao có thể.
- Có khi nào đây đúng là cuốn First Folio thật không?
- Không, chắc chắn đây là facsimile.
Phán đoán của tôi lập tức bị phủ nhận.
- Chất giấy rõ ràng là của thời hiện đại. Chỉ là có điều rất lạ.
Shioriko trỏ vào một trang đang mở. Có vẻ là phần đầu của vở kịch. Dưới nhan đề là lời thoại được in thành hai cột trái phải. Phần lề xung quanh hai cột chữ vốn thường để trắng lại có màu đen y như các trang lót.
- Cái gì lạ vậy?
- Vốn văn bản của First Folio được in trong khung, phần xung quanh là lề trắng. Nhưng bản facsimile này phần lề lại màu đen. Những bản facsimile bình thường sẽ không như vậy.
Cô chống một tay xuống kệ, mặt ghé sát đến nỗi cặp kính như sắp áp vào trang giấy. Cô vội giữ mái tóc dài cho khỏi chạm vào sách.
- Cái này là làm thủ công. Không phải in đâu. Người ta đã quết mực hoặc sơn lên lề trắng ngoài khung chữ.
- Hả.
Tôi không nói nên lời. Gọi là lề nhưng diện tích cũng khá lớn, đã vậy cuốn sách này còn dày cỡ cuốn bách khoa toàn thư, nếu quết mực lên từng trang một thì tốn công kinh hoàng.
- Sao lại đi làm cái việc phiền phức đến vậy chứ.
- Em không biết. Không đoán ra được.
Chuyện cô gái này khẳng định bản thân không hiểu cũng thật hiếm gặp. Việc đầu tiên có thể đoán chắc, là đây không phải hành động của một nhà sưu tập sách cũ hay tiệm sách cũ nào. Và rõ ràng cuốn sách này không phải bản sao bình thường. Nó đang che giấu một bí mật nào đó.
Xung quanh chợt huyên náo hẳn. Chúng tôi vẫn yên lặng nhìn xuống trang sách đang mở.
Thật ra tôi đã để ý nhan đề vở kịch từ nãy.
“THE TRAGEDIE OF ROMEO and IVLIET”.
Tôi không đọc được từ cuối cùng. “Iv” là sao?
- Đây là vở gì vậy?
- “Bi kịch Romeo và Juliet”. Vở Romeo và Juliet nổi tiếng đó anh.
Tôi nhìn lại từ cuối lần nữa. “IVLIET”, đọc thế nào cũng không ra “Juliet”.
- Tên nữ chính không phải Juliet sao?
- Không, từ này đánh vần là “Juliet?” ạ. Cách viết chữ cái Latinh trong tiếng Anh ở thế kỉ 17 khác bây giờ, có thể dùng chữ khác để thay thế một chữ cái, có cả những chữ khác hiện tại nữa. Có thể viết chữ J là I, U là V, W là VV. Vở Romeo và Juliet còn viết nhan đề khác nhau giữa các trang đấy.
Shioriko lật từng trang. Trang nào cũng in nhan đề ở trên cùng nhưng tên Juliet thì lúc dùng “I” lúc dùng chữ giống như “J”, lẫn lộn. Thật khiến người ta sốt ruột.
- Họ chẳng nghĩ đến chuyện thống nhất lại nhỉ.
- Thời ấy người ta không để tâm đến chi tiết đó. Mà kể có muốn thống nhất cũng không đủ khuôn. Khuôn chữ đắt nên các xưởng in không sở hữu nhiều. First Folio cũng chỉ được in vài trang một thôi.
- In ấn ngày xưa là nhặt từng khuôn chữ bằng kim loại xếp vào thứ như cái hộp nhỉ?
- Đúng rồi! Đó gọi là in khuôn hàng loạt*. Anh Daisuke biết rõ ghê.

*[Tên gọi khác của công nghệ in Letterpress thời kì đầu. Xếp các thỏi khuôn kí tự vào khuôn rồi phết mực lên in xuống các chất liệu in như giấy hoặc vải]

Nghe khen thì mát tai đấy, nhưng thật ra tôi cũng đâu rõ ràng lắm. Chỉ là tôi nhớ cảnh nhân vật chính có hình dáng chú mèo nhặt khuôn chữ trong phiên bản anime của Chuyến tàu đêm trên dải Ngân Hà* từng xem hồi bé.

*[Của Miyazawa Kenji, theo chân chuyến du hành qua những vì sao của Giovanni, cậu bé có hình dáng chú mèo đứng trên hai chân, mặc áo quần. Tác phẩm rất nổi tiếng và có sức ảnh hưởng rộng, được ví ngang tầm ảnh hưởng của Alice ở xứ sở diệu kỳ tại Anh hay Hoàng tử bé tại Pháp]

- Ngày đó họ phết mực in từng tờ một nên cần một lượng thời gian khổng lồ. Cuốn First Folio có khoảng chín trăm trang mà tốn đến hai năm để in đấy.
- Lâu dữ!
Tôi trót hét toáng lên. Shioriko mỉm cười trước phản ứng của tôi.
- Ngoài ra, tiêu chuẩn kĩ thuật in ấn ở thế kỉ 17 hoàn toàn không cao. Sai khuôn chữ các thứ nhiều lắm. Cũng do nguyên liệu giấy đắt nên kể cả trong lúc in có phát hiện ra sai sót và sửa lại thì có khi họ vẫn dùng chứ không bỏ các trang đã in trước đó.
- Nghĩa là cả những trang lỗi cũng được mang đóng sách sao?
- Dạ. Chuyện nội dung sách giống nhau nhưng quyển ít lỗi quyển nhiều lỗi cũng không hiếm. Nhất là, nhà in First Folio là Jaggard lại là một bên có tiếng mắc nhiều lỗi. Không chỉ hình thức mà cả nội dung trong mỗi quyển cũng có những sai khác nhỏ. Ngoài ra, còn nhiều điều mà bây giờ chẳng thể ngờ tới. Nào là các kí tự trong từ đơn khác nhau theo sở thích của người xếp, rồi số vở kịch tập hợp được bất chợt tăng lên trong quá trình in nên nombre bị lộn xộn.
Nombre là số được in ở góc trang. Từ này tất nhiên khi vào làm trong tiệm tôi mới biết.
- Sách thời đó khác nhỉ.
- Vâng ạ. Không chỉ có vở kịch in bên trong mà còn cả quá trình từ khi làm sách đến khi lưu thông đều khác so với bây giờ. Thú vị thật đúng không anh.
Tự nhiên tôi bỗng nhớ tới mẹ cô. Hồi sinh viên, Chieko nghiên cứu về “quá trình xuất bản ở châu Âu thời cận đại”. Phải chăng bà làm thế vì tìm thấy cảm xúc giống như Shioriko vừa nói?
Có lẽ rốt cuộc hai mẹ con sẽ đi theo cùng một con đường.

- Shinokawa, Gora!
Có tiếng gọi từ phía sau. Ngoảnh lại, chúng tôi thấy một người đàn ông đáng cao cằm lún phún râu đứng đó. Đang là mùa hè nhưng anh lại mặc đồ đen và đeo tạp dề đỏ.
- Anh xin lỗi, nghe nói đã khiến mấy đứa phải đi tìm.
- Không ạ. Chúng em mới phải cảm ơn anh, anh Renjo. - Shiriko nói lời cảm tạ Takino Renjo.

2

- Hai đứa vẫn thân thế này đúng là không còn gì bằng. - Anh Takino nói, khẽ cười. - À, anh không có ý chế giễu hay trêu chọc gì đâu. Anh thấy rất mừng. Mà hễ nhắc đến sách vở là hai đứa say sưa quá nhỉ.
Nói vậy hẳn nãy giờ anh nghe hết rồi.
- Xin lỗi, tụi em không để ý thấy anh.
Thấy tôi xin lỗi, anh Takino xua tay.
- Không, đừng bận tâm. Chuyện về First Folio thú vị mà. À, đúng rồi Shinokawa, em nghe chuyện bác Makita chưa? Bác là chủ tịch thời chú Shinokawa là ủy viên ấy.
- Chưa ạ. Từ khi cha em mất hai bên chỉ trao đổi thiệp năm mới thôi. Em cũng không thấy bác ấy ở chợ sách cũ.
- Nghe đâu bác Makita đóng cửa tiệm. Có vẻ bác ấy yếu lắm rồi.
- Dạ. Thế ạ.
Giọng hai người trầm dần. Nghe đồn đoán về người mình chưa gặp cũng kì, nên tôi vờ xem xét bản sao còn mở nguyên ở trang “Romeo và Juliet”. Dù Shioriko nói chất lượng giấy khác với ngày nay nhưng tôi thì chẳng biết gì. Tôi chưa chạm tay vào cuốn sách Tây cũ nào nên không biết cũng là tất nhiên thôi.
Tôi lật trang, tiếp sau “Romeo và Juliet” là một vở kịch khác. “THE TRAGEDIE OF Troylus and Cressida”. Một nhan đề mà tôi chưa biết.
Hử?
Tôi dừng tay lại. Tự nhiên không biết số trang hiện tại nữa. Trang cuối của “Romeo và Juliet” là 77, vở kịch tiếp theo bắt đầu từ trang 78 nhưng sau trang 80 thì không còn số trang ở góc dưới nữa. Trang tiếp theo cũng tương tự. Tôi lật lung tung một lúc, qua mấy chục trang đều không đánh nombre.
Chuyện “nombre bị lộn xộn” mà Shioriko nói chắc là đây. Để một lượng lớn trang không có nombre thì thật bừa bãi, nhưng chắc sách thời đó nó vậy.

- Thế, hôm nay em đến đây chỉ vì cuốn sách của Shakespeare thôi hả?
Giọng Takino kéo tôi trở lại. Có vẻ họ đã tạm dừng câu chuyện về vị chủ tịch cũ.
- Vâng. Thật ra em vốn đã định hỏi anh Renjo xem quyển sách này có được đưa ra hội chợ hôm nay không.
Shioriko dừng lời. Thế nghĩa là anh Takino đã tự gọi điện trước. Vậy mà tôi cứ chắc mẩm Shioriko đã nhờ anh Takino liên lạc nếu thấy sách được đưa ra.
- Sao anh lại báo cho em biết việc bản facsimile này được bày bán?
Kể ra cũng kì. Cuốn facsimile và tiệm sách cũ Biblia chẳng hề có mối liên quan. Anh Takino gãi đầu ngượng nghịu.
- Anh tính hỏi Shinokawa xem sao thứ này lại ở đây. Vốn nó là sách của ai?
- Đây là cuốn sách bà ngoại em rất trân trọng. Mấy ngày trước, vì vài lý do bà đã từ bỏ nó. Em định mua lại.
Cô giải thích đơn giản, giấu chuyện về Yoshiwara.
- Bà ngoại, tức là mẹ của cô Shinokawa nhỉ. Chẳng phải em chưa từng gặp sao?
Anh Takino tròn mắt. Là người quen Shioriko đã lâu, anh biết rõ chuyện nhà Shinokawa.
- Em mới gặp gần đây. Bà sống ở Fukasawa. Và quả nhiên là người thích sách.
Báo cáo chuyện người ta thích sách trước cả khi nói về tuổi tác, tính cách hay nghề nghiệp, đúng là chỉ có cô gái này.
- Vậy hả, hẳn phải thế rồi.
Anh Takino cũng dễ dàng tiếp nhận câu nói đó. Nghĩ lại thì anh chàng cũng thích sách.
- Anh từng thấy cuốn sách này trong tiệm sách cũ Biblia, khoảng mười năm trước.
Chúng tôi đều ngạc nhiên. Khoảng mười năm trước là thời điểm Chieko nhận sửa cuốn sách giúp mẹ. Shoriko tỏ ra nghi hoặc.
- Khi ấy nó được bày trong cửa tiệm ạ?
- Không hẳn là bày trong cửa tiệm. Cha anh có đồ muốn gửi tiệm nên anh đến Biblia và thấy cô Shinokawa đang dán da vào bìa cuốn sách này ở quầy. Thấy lạ nên anh có đứng cạnh nhìn một lúc. Anh cứ nghĩ nó thuộc bộ sưu tập sách của cô cơ.
- Mẹ em nói sao ạ? Về quyển sách này ấy?
- Ngoài chuyện đây là bản facsimile của tuyển tập cũ tác phẩm của Shakespeare, cô không giải thích gì rõ ràng. Lúc đó cô làm chuyên tâm lắm. Trong cửa tiệm không có chú mà cũng chẳng có khách. À, nhằc mới nhớ cô đã nói một điều rất lạ.
- Điều rất lạ? - Shioriko nhỏ giọng lặp lại.
- Cái gì mà cuốn này là bản facsimile được đóng đặc biệt. Ngoài ra còn ba cuốn khác màu.
- Anh có hỏi những cuốn khác có màu gì không?
- Không nhầm thì... hình như là màu đỏ, lam và trắng. Anh nhớ mình đã nghĩ nó giống màu cờ Pháp.
Bất giác, tôi nhìn xuống bản sao. Bìa màu đen chứ không phải đỏ, lam hay trắng.
- Tức là, tính cả cuốn này thì tổng cộng có bốn cuốn hả?
Tôi chen vào, anh Takino gật đầu rồi mân mê râu trên cằm.
- Đúng nhỉ. Khi ấy anh không để ý nhưng giờ nghĩ lại thấy chuyện thật kì lạ. Chắc anh không nhớ nhầm đâu.
- Anh Renjo, chuyện đó chính xác xảy ra khi nào vậy? - Đột nhiên Shioriko hỏi dồn.
- Tầm đầu tháng Chín năm anh vào đại học. Cả tiệm nhà anh và Biblia đều tham gia sự kiện tại trung tâm thương mại dưới lòng đất ở ga Yokohama. Trong đống hàng đem về có lẫn sách của Biblia, bấy giờ anh đang nghỉ hè ở nhà nên đã đánh ô tô chở sang. Lúc ấy em và Ayaka đều đến trường rồi.
- Anh Takino, đến giờ rồi! - Một thành viên ban tổ chức gọi. Takino liếc nhìn đồng hồ đeo tay.
- Thôi chết, sắp mở phong bì đấu giá. Nếu em muốn bỏ phiếu đấu giá cho quyển sách đó thì nhanh lên đi.
Takino nói và đi mất. Tại hội chợ trao đổi tổ chức ở tỉnh Kanagawa, việc kiểm phiếu đấu giá để xác nhận xem ai là người thắng sẽ được thực hiện lần lượt ở từng dãy bàn dài xếp trong hội trường. Chỗ chưa bắt đầu mở phong bì kiểm phiếu thì vẫn được tiếp tục đấu giá. Do chỗ này được kiểm cuối cùng nên vẫn dư dả thời gian.
- Thời điểm sửa cuốn sách có vấn đề gì sao?
Tôi hỏi Shioriko. Nhưng cô chỉ thất thần nhìn quanh chứ không trả lời. Gương mặt trông nghiêng tái mét.
- Em không sao chứ? Shioriko?
Cuối cùng cô cũng nhìn về phía tôi khi tôi chạm vai cô.
- Em không sao. Trước tiên phải bỏ phiếu đấu giá đã.
Cô trả lời như nhắc nhở chính mình, rồi nhìn xuống cuốn sách trước mắt. Tôi cũng nuốt câu hỏi lại.
- Dù việc đóng sách và quết màu các trang đều được gia công khá kĩ nhưng bên trong vẫn là facsimile. Có thể mua được bản Norton Facsimile phát hành năm 1968 trong các tiệm sách cũ ở Nhật. Kể cả bản giới hạn thì giá bán ra ở hầu hết các cửa tiệm cũng chỉ dưới năm mươi nghìn yên, các bản khác thì mười nghìn đến dưới hai mươi nghìn yên là có thể giao dịch được rồi.
Tôi gật đầu tán thành. Giá đó so với các cuốn sách bình thường là cao, nhưng với một cuốn sách chuyên môn khổ to như vậy thì cũng không có gì lạ.
- Chúng ta không định bán nó ở tiệm nên không cần nghĩ đến lợi nhuận. Chắc bỏ ra 50.000 yên là có thể thắng đấu giá. Chỉ sợ khả năng sẽ có phiếu sàn thôi.
Tôi biết từ này. Đến hội chợ nhiều lần nên tôi cũng từng nghe.
- Phiếu sàn là phiếu chính người chủ cuốn sách nhét vào phong bì nhỉ. Mục đích là can thiệp vào mức giá thắng thấp nhất.
Tôi có nghe làm vậy là để phòng tránh tình trạng cuốn sách cũ mình bán ra bị đấu giá thấp quá. Lúc nãy, Shioriko đoán Yoshiwara không có ý bán cho ai ở đây hôm nay, mà định giao dịch với tiệm sách cũ Biblia sau. Nếu thật vậy, chắc chắn ông ta sẽ bỏ phiếu sàn với giá tiền để không ai thắng nổi.
- Đúng. Trong trường hợp này, chúng ta phải nghĩ xem giá trong phiếu sàn của ông Yoshiwara là bao nhiêu.
Shioriko chạm bàn tay nắm hờ lên môi, trầm tư suy nghĩ. Cô cứ thế đứng lặng một, hai phút, có vẻ không đưa ra được phán đoán. Trong khi đó, sau lưng chúng tôi, việc kiểm phiếu đang diễn ra nhanh chóng. Khi tôi bắt đầu sốt ruột thì cuối cùng cô cũng rút tập giấy đấu giá gần đó. Tập giấy nhỏ có hình dáng như cuốn sổ ghi chép không dòng kẻ, khi dùng tách từng mảnh rời từ trên xuống. Các tập giấy cùng loại được đặt khắp nơi trong hội trường.
Tạm bỏ chiếc nạng khỏi cánh tay phải, Shioriko dựa vào bệ, viết số tiền vào giấy đấu giá, dáng vẻ liêu xiêu. 72.000 yên, 62.000 yên, 52.000 yên, 42.000 yên.
Giấy bốn nấc.
Tôi tự nhủ. Khi đấu giá với số tiền lớn, có thể viết nhiều mức tiền khác nhau. Nếu giá cao nhất trên 5.000 yên thì viết hai mức, trên 10.000 yên là ba, trên 50.000 nghìn yên là bốn, họ lần lượt gọi đó là “giấy hai nấc”, “giấy ba nấc”, “giấy bốn nấc”. Thế nghĩa là phiếu đề giá trên càng cao, càng có thể linh hoạt trong đấu giá. Tuy vậy, tôi hầu như chưa có cơ hội được nhìn thấy giấy bốn nấc.
Shioriko viết rất nhiều mức tiền trên năm mươi nghìn yên có khả năng thắng đấu giá. Nếu phiếu sàn của Yoshiwara và phiếu của các tiệm khác viết mức tiền cao hơn số đó nhưng dưới 72.000 yên, sách vẫn thuộc về tiệm chúng tôi. Trường hợp mức giá cao nhất của tiệm khác đưa là 60.000 yên thì chúng tôi có thể thắng đấu giá với mức cao thứ hai của mình là 62.000 yên.
Viết xong rồi mà Shioriko vẫn chưa cho lá phiếu vào phong bì luôn. Có vẻ cô đang lưỡng lự. Cô tách mảnh giấy rồi lại tốn kha khá thời gian viết vào tờ mới. Nhưng các mức giá vẫn không khác gì những số đã viết ra ở mảnh giấy ban đầu.
Lần đầu tiên tôi thấy cô gái này do dự đến vậy khi đấu giá. Hẳn vì khó phán đoán, nhưng cũng có thể do còn lấn cấn câu chuyện của anh Takino ban nãy.
- A!
Mảnh giấy đấu giá rơi từ tay Shioriko xuống lối đi. Cô hiếm khi sơ suất thế này. Tôi vội nhặt lên, gấp làm tư rồi bỏ vào phong bì. Sắc mặt Shioriko còn tệ hơn lúc nãy. Hội trường đã nóng, bầu không khí lại chẳng thể coi là tốt được. Người qua lại cũng đông.
- Ta xuống tầng một nhé.
Bỏ phiếu vào rồi thì cũng không cần đứng đây nữa. Kẹp cây nạng vào tay, Shioriko khẽ gật đầu.
- Vâng. Mình đi thôi.
Ngoảnh lại tôi bỗng giật mình. Một ông già thấp người, mặc bộ vest trắng chỉn chu đang đứng cười trước mặt chúng tôi. Chẳng biết có phải do thân hình tròn trịa và màu sắc trang phục hay không, hôm nay không chỉ cái đầu mà cả người ông ta trông như một quả trứng.
- Xin chào hai vị. - Yoshiwara Kiichi bỏ mũ chào. - Gặp nhau ở nơi thế này thật tình cờ quá.
Tình cờ cái gì chứ, tôi nghĩ bụng. Rõ ràng ông ta đã đoán được Shioriko sẽ đến đây đấu giá.
- Hôm qua cháu gặp bà rồi ạ.
Đột nhiên, Shioriko cao giọng. Tôi biết cô chưa khỏe lại vì bờ vai đang lên xuống phập phồng.
- Vậy hả, thế thì tốt quá rồi. - Yoshiwara đáp lời bằng giọng điệu giả tạo, nghe như đang khiêu khích. - Eiko đã vất vả từ thời trẻ nên có cháu gái tuyệt vời như cô đây hẳn bà an tâm lắm. Mà không, tiếc thay giờ bà vẫn chưa hết nhọc nhằn. Bà còn hơi thiếu hòa thuận với cậu con riêng của chồng.
- Vất vả gì chứ. Ông đã đe dọa người ta lại còn...
Lời trong lòng chợt bật ra miệng. Chính lão già này là kẻ khiến bà Eiko mang nỗi khổ mới.
- Nói là đe dọa thì thật sai quá. Cậu đang nói đến chuyện gì?
- Ông đã dùng tấm hình để đe dọa bà mà nhỉ. Phía chúng tôi có thể báo cảnh sát đấy.
- Được thôi, nhưng tôi không biết cậu sẽ báo gì với cảnh sát. Tôi chỉ tặng bà tấm hình nhận được từ khách hàng của mình thôi mà.
Ông ta đáp trả bằng vẻ mặt vô tội. Thật lòng, tôi không nghĩ kẻ tinh ranh như Yoshiwara sẽ phát ngôn để bị bắt vì tội đe dọa. Mà nếu đến gặp cảnh sát, chúng tôi sẽ phải tiết lộ chuyện riêng tư của Ryuji cho bên thứ ba. Có lẽ chuyện này cũng bị ông ta nhìn thấu rồi.
- Chúng cháu không định khiến sự việc trở nên nghiêm trọng. - Shioriko tiến lên một bước để ngăn tôi lại. - Người nhà Mizuki nói muốn mua lại quyển sách này. Vì thế họ sẽ chuẩn bị hết mức có thể. Tuy nhiên, cháu rất muốn có một cuộc giao dịch với mức giá hợp lý. Là một thành viên chuyên nghiệp thuộc hiệp hội sách cũ, hẳn ông cũng là người có lương tâm tương xứng với vị trí của mình.
Trong khoảnh khắc, Yoshiwara im lặng ngớ người. Chỉ có các tiệm đã qua thẩm tra, gia nhập hiệp hội sách cũ mới được quyền trưng bày hàng tại hội chợ trao đổi sách cũ.
- Tất nhiên, lương tâm thì tôi vẫn có đủ. Tôi đã làm cái nghề này từ trước khi cô cậu ra đời cơ mà.
Cách nói có chút mơ hồ so với ngày thường. Quả nhiên đâu thể tuyên bố không màng cái gọi là “lương tâm”. Ông ta vẫn là kẻ có lòng tự trọng.
- Vậy ông sẽ không thực hiện những hành vi như nâng giá phiếu thắng lên một cách bừa bãi đâu nhỉ! Ông có lương tâm mà. Như lúc nãy anh Daisuke nói, chúng cháu cũng có thể sẽ nói chuyện với cảnh sát đấy ạ.
Nửa thân trên của Shioriko ngả tới trước. Tôi vội đỡ vai cô. Có vẻ đã gần đến giới hạn chịu đựng, nhưng cô vẫn trừng mắt nhìn Yoshiwara. Ánh mắt như dò xét cô của Yoshiwara chợt chếch ngang.
- Tốt thôi. Vốn hôm nay tôi cũng chưa cho phiếu sàn có mức giá cao vào. Tôi sẽ không thêm nữa mà chỉ quan sát cô thắng cuộc đấu giá thôi vậy.
Lời ông ta nói nghe chẳng có vẻ gì vui mừng, nhưng chính như thế mới mang cảm giác chân thật.
- Cháu hiểu rồi ạ. Cháu tin ông. - Shioriko nói rành mạch, khổ sở che giấu biểu cảm của mình. - Cháu xin phép.
Cô che miệng, bước về phía cửa hội trường. Tôi vội theo sau. Đến cửa, khi ngoảnh lại, tôi còn thấy ông già áp mũ vào ngực tiễn chúng tôi với bộ dáng cường điệu.

3

Shioriko vào nhà vệ sinh nữ dưới tầng một.
Tôi đợi cô ở ghế dài nghỉ chân trên hành lang. Tiếng máy nén khí từ dãy máy bán hàng tự động vang lên rền rĩ. Nghe nói trước đây, chỗ này là nơi hút thuốc, nhưng từ khi có quy định cấm hút thuốc trong tòa nhà thì người sử dụng chỗ này giảm hẳn. Ngoài tôi ra, giờ ở đây chẳng còn ai.
Trong lúc chúng tôi chờ dưới này, việc kiểm phiếu vẫn đang diễn ra tại hội trường. Tôi nhớ lại cuộc nói chuyện vừa rồi giữa Shioriko và Yoshiwara.
Tôi không cho rằng cô thực sự tin tưởng vào lương tâm của ông già đó. Có lẽ cô chỉ cố gắng làm giảm dù chỉ chút ít khả năng ông ta cho phiếu sàn giá cao vào. Đấu giá ở hội chợ có luật gọi là “sửa đổi” cho phép bỏ thêm phiếu có giá cao hơn, áp dụng cho cả phiếu sàn của chủ sách. Nghĩa là nếu Yoshiwara có ý định làm vậy thì muốn nâng giá lên bao nhiêu cũng được, chúng tôi vô phương ngăn chặn. Kết quả có đáng nghi thì chúng tôi cũng chỉ còn nước lên án lương tâm ông ta mà thôi.
Tôi thấy Shioriko đi ra từ nhà vệ sinh. Có mail hay sao mà cô đang nhìn điện thoại. Thấy tôi, cô chống nạng bước nhanh tới. Trông cô đã khá hơn nhiều.
- Em nghỉ một chút không? - Tôi hỏi.
Cô gật đầu, ngồi xuống bên cạnh. Đây là góc trong cùng của hành lang nên máy lạnh có tác dụng hơn ở hội trường đông người.
- Em xin lỗi vì đã làm anh lo lắng.
- Không, có gì đâu. Em uống gì?
Tôi nhổm dậy, nhưng cô lại chỉ tay vào chai nước tôi vừa đưa lên miệng.
- Em xin một ngụm thôi được không?
Tôi đưa chai nước cho cô mà không hỏi cô có ngại đó là chai uống dở không. Những lúc thế này tôi mới cảm nhận được mình đang hẹn hò với cô. Mắt tôi vô thức nhìn xuống cổ họng trắng ngần đang chuyển động của cô.
- Đã quá.
Cô thở ra một hơi dài, duỗi chân song song với chiếc nạng đang tựa. Hôm nay cô mặc váy dài và đi xăng đan. Bộ móng chân màu cam được sơn cẩn thận.
- Sao em lại hỏi anh Takino thời điểm mẹ em sửa quyển sách?
Tôi nói ra thắc mắc giữ trong lòng nãy giờ. Cứ nghĩ Shioriko sẽ bối rối nhưng cô lại đáp rất nhanh.
- Năm anh Renjo là sinh viên năm nhất, em đang lọc lớp Chín. Mẹ biến mất vào giữa tháng Chín năm đó. Tức là ngay sau khi sửa cuốn sách của bà.
- A.
Sao tôi lại không để ý chứ. Rõ là đã nghe nói Chieko rời tiệm sách cũ Biblia từ mười năm trước rồi mà.
- Nghĩa là chuyện mẹ em rời đi có liên quan tới cuốn sách?
- Có thể ạ.
Trước đây tôi từng nghe ông Shida kể, rằng bà Chieko đang theo đuổi một “quyển sách cũ quý giá mà khi lòng và đời còn bình yên thì còn chưa có được”. Và đến giờ bà vẫn tiếp tục tìm kiếm nó.
- Có khi nào quyển sách mẹ em tìm là First Folio?
Một cuốn sách hiếm đáng giá vài trăm triệu yên chỉ có hai trăm mấy chục bản trên thế giới là thứ không có vẻ sẽ sở hữu được khi lòng và đời còn bình yên.
- Em cũng từng nghĩ thế, nhưng toàn bộ First Folio được xác nhận còn tồn tại đều có công bố thông tin chi tiết về đặc điểm cũng như người sở hữu từng quyển. Già nửa số đó thuộc về các cơ quan nghiên cứu và những nhà sưu tập sách cũ nổi tiếng. Mù quáng theo đuổi chỉ trắng tay thôi. Cũng có vài cuốn không rõ tung tích do bị trộm cắp và các lý do khác, tuy nhiên nếu chúng xuất hiện trên thị trường thì nhiều khả năng sẽ được hoàn trả cho chủ cũ. Đằng nào cũng không thể thuộc về người đã tìm thấy nó mà. Dẫu sao em cũng không cảm thấy chuyện có liên quan đến cuốn facsimile.
Nếu vậy, có lẽ Chieko đang theo đuổi một cuốn sách khác hẳn. Dĩ nhiên, chẳng cách nào xác nhận được lời ông Shida nói có đúng hay không.
- Nhưng có thể trong cuốn facsimile có manh mối. Em định nếu thắng đấu giá sẽ xin bà cho phép nghiên cứu kĩ càng.
Nói cách khác, nếu không lấy lại cuốn sách thì sẽ không biết được gì cả.
Cánh cửa thang máy đầu hành lang mở ra, nhân viên tiệm nào đó đeo tạp dề bước ra cùng xe cút kít chất đầy sách cũ. Anh ta đang chuyển hàng đã được đấu giá ra ngoài.
- Chắc cuốn facsimile cũng sắp được kiểm phiếu xong rồi. Mình đi thôi.
Shioriko kẹp cây nạng vào tay phải và đứng dậy.
Tại hội trường tầng hai, hoạt động đấu giá đã kết thúc. Đây đó, nhân viên các tiệm sách chất sách cũ đã thanh toán lên xe cút kít. Tại chiếc kệ cạnh cửa sổ, nơi để bản sao, có vẻ việc kiểm phiếu chỉ vừa kết thúc. Đúng lúc anh Takino đang thu lại cọc chắn lối lúc trước được dựng để ngăn người không có nhiệm vụ ra vào.
Nhân viên các tiệm sách cũ tiến lại xác nhận hàng vừa đấu giá. Cũng có nhiều người lại chỗ bản sao này nhưng tất cả đều rời đi với những cái lắc đầu nghi hoặc. Chắc vì thấy mức giá họ không thể thắng.
Một tờ phiếu đấu giá được dán chỗ sợi dây nhựa buộc hờ. Theo luật, tờ giấy ghi số tiền cao nhất sẽ được dán ở đó. Nếu phiếu sàn có giá cao nhất thì chỗ đó sẽ dán phiếu sàn.
Tờ giấy đó là phiếu đấu giá của Shioriko hay phiếu sàn của Yoshiwara đây. Tôi và Shioriko cùng lúc nhìn vào tờ giấy.
- Hả?
Tôi trợn tròn mắt. Tờ phiếu được dán không phải của ai trong hai người. Trong tờ “giấy bốn nấc” ghi số tiền được viết từ trên xuống dưới lần lượt cách nhau 5.000 yên là: 90.030 yên, 85.030 yên, 80.030 yên, 75.030 yên, con số thứ hai là 85.030 yên được khoanh tròn. Đó là giá tiền thắng đấu giá. Dưới những con số viết tên “Tiệm sách Hitori”. Đó là phiếu ông Inoue của tiệm Hitori đã bỏ vào.
Tại sao tiệm sách đó lại...?
Hitori là tiệm sách cũ chuyên buôn bán chủ yếu dòng sách kì bí và khoa học viễn tưởng. Dù tiệm có mua bán sách gốc và tạp chí nước ngoài nhưng tôi chưa từng nghe chuyện họ giao dịch sách cũ thể loại văn học Anh như Shakespeare.
- Thế này là...
Tiếng lẩm bẩm trầm thấp vang lên ngay bên cạnh. Yoshiwara trong bộ vest trắng đang đứng ngay cạnh chúng tôi. Nụ cười “thương hiệu” giờ đã biến mất.
- Vị này là người của tiệm nào thế?
Xem chừng kết quả nằm ngoài dự tính của ông già này. Shioriko nhìn chằm chằm vào khuôn mặt trông nghiêng đó bằng ánh mắt dữ dội.
- Ông Yoshiwara, sau khi chúng cháu rời khỏi hội trường, ông vẫn bỏ thêm phiếu sàn “sửa đổi” nhỉ.
Cô trỏ lá phiếu của tiệm sách Hitori. Tôi cũng đưa mắt nhìn theo. Người đấu giá đã thắng ở mức giá thứ hai là 85.030 yên, nghĩa là ai đó đã bỏ phiếu trong khoảng 80.030 yên và 85.030 yên. Hiển nhiên số tiền đó cao hơn mức trong lá phiếu Shioriko bỏ vào.
Ông Yoshiwara cũng không định phủ nhận. Ông ta đâu màng lời hứa đã cược cả lương tâm.
- Chính cô cũng dùng tiểu xảo còn gì.
Cuối cùng, nụ cười trở lại trên môi ông ta. Đôi mắt cẩn trọng thăm dò xung quanh khác xa vẻ giả lả dễ gần ngày thường.
- Đấu giá thắng lợi trót lọt!
Ông Inoue với mái đầu bạc trắng bỗng đâu xuất hiện, bắt chuyện với Shioriko.
- Thế này được chưa? Tôi đã bỏ phiếu theo lời cô đấy.
- Vâng. Làm phiền bác quá.
- Có gì to tát đâu. Lần tới gặp trả tiền sau cũng được. Cô cầm cuốn sách về đi.
Cuối cùng tôi cũng hiểu ra. Shioriko đã nhờ ông Inoue đấu giá thắng cuốn sách thay mình. Nói mới nhớ, lúc ra khỏi phòng vệ sinh cô có cầm điện thoại trên tay. Chắc bấy giờ cô đã gửi mail hoặc liên lạc nhờ giúp đỡ.
- Cháu cảm ơn bác. À, chắc chắn cháu sẽ trả ơn.
- Không cần. Tôi đã nói còn nợ cô cậu mà.
Ông Inoue đáp cụt lủn rồi rời đi. Shioriko nhìn thẳng vào Yoshiwara, cô ưỡn ngực, đường đường đứng nhìn ông già không còn mang sắc mặt tươi tỉnh thường trực, tựa hồ hai bên đã đổi vai so với ban nãy.
- Ông Yoshiwara, cháu có chuyện muốn nói với ông. Bây giờ ông có thể cho cháu chút thời gian không ạ?

4

- Cô khó đối phó hơn tôi nghĩ đấy. Cô đã qua mặt tôi khá dễ dàng.
Chúng tôi đang ở trong một quán cà phê theo chuỗi gần chợ sách cũ. Sau khi mua cà phê ở quầy thanh toán, vừa ngồi vào ghế thì Yoshiwara đã nói với Shioriko như vậy.
- Tôi đã hoàn toàn mất cảnh giác. Đúng là chỉ kẻ ngu ngốc mới nghĩ mình khôn ngoan.
- Còn kẻ khôn ngoan thì biết mình ngu ngốc. Câu trích từ vở Như em muốn nhỉ.
Shioriko lạnh lùng nói nốt phần còn lạỉ, có vẻ chẳng động lòng trước lời khen của lão già.
Dường như chính cô cũng không thỏa mãn với kết quả kia.
- Ông có tâng bốc cũng chẳng thể thay đổi sự thật cháu đã phải mua bản facsimile này với mức tiền cao hơn giá thực.
Bản sao đã được cho vào túi giấy, đặt dưới chân Shioriko.
- Xin lỗi... là sao?
Trước khi hai người vào đề, tôi ngại ngần hỏi.
Ngoài chuyện Shioriko nhờ ông Inoue để thắng đấu giá cuốn sách phục chế, tôi chưa biết gì cả.
- Ôi chà chà, - Yoshiwara nhún vai đầy cường điệu.
- Cô còn chưa giải thích cho cậu ta nhỉ? Thế nên bộ dáng cậu ta lo lắng cho cô mới thật đến vậy. Tôi đã bị lừa bởi điều đó nữa. Quý cô đây đã diễn trọn một vở kịch đấy. Thậm chí không ngại cả giả bệnh.
- Hả?
Shioriko cúi đầu, tỏ ý xin lỗi:
- Khi nói chuyện với anh Renjo đúng là em có chóng mặt thật. Về sau thì một nửa là diễn. Em đã muốn giải thích nhưng lại bỏ lỡ thời cơ. Em xin lỗi.
Cô cúi đầu với tôi. Một nửa cô thực sự thấy không khỏe. Nói vậy mới nhớ, sau khi ra khỏi nhà vệ sinh, cô hầu như đã khỏe lại. Có lẽ cô đã định nói khi ở chỗ nghỉ. Nhưng tôi lại mở lời hỏi về phán đoán của cô sau cuộc nói chuyện với anh Takino.
- Chuyện đó thì không sao, nhưng vì cớ gì mà em phải diễn?
- Vì khi nhìn quanh hội trường, em thấy ông Yoshiwara đang thăm dò tình hình phía chúng ta, nên...
Cô ngập ngừng. Tiếp theo thế nào nhỉ? Đúng rồi, Shioriko bỏ phiếu chậm đến kì lạ. Tôi bỗng vỡ lẽ, chẳng những cô ghi lại phiếu, còn làm rơi tờ phiếu xuống lối đi? Đúng lúc đó ngoảnh lại tôi đã thấy Yoshiwara đứng ngay bên cạnh.
- Tức là... em đã cố tình làm rơi phiếu để cho người này nhìn thấy?
Tôi đã nắm được tình hình. Shioriko không cản được dự định nâng giá hòng ngăn cô thắng của Yoshiwara. Nhưng nếu Yoshiwara biết Shioriko đấu giá với số tiền bao nhiêu thì ông ta sẽ không cần bỏ thêm phiếu sàn với mức giá quá cao, bởi chắc chắn không hiệu sách nào đấu giá với mức cao hơn tiệm sách cũ Biblia cả. Chỉ cần viết số tiền nhỉnh hơn một chút là được.
Nghĩa là, bằng việc tự để lộ số tiền của mình, dù Yoshiwara có bỏ thêm phiếu sàn cô cũng điều khiển được mức giá ông ta viết ra. Yoshiwara cười, tỏ vẻ khâm phục Shioriko.
- Giờ nghĩ lại, cô đã khiến tôi cảm thấy nhà Mizuki có ý định mua lại dù giá cao đến đâu. Cả câu chuyện trẻ con về lương tâm này kia hẳn cũng là cố ý. Tôi đã xem thường cô và bị những lời bóng gió dụ cho nhét thêm phiếu sàn lần nữa. Với một chiến lược tâm lý nảy ra tức khắc thì phải nói nó cực kì tỉ mỉ đấy.
Những lời của Yoshiwara không giống bao biện khi thua cuộc mà nghe như lời khen tự đáy lòng. Nhưng tôi cứ thấy lợn cợn khó chịu. Cảm giác càng được lão già này đánh giá cao thì càng không giống con người nữa ấy.
- Không. - Shioriko dứt khoát phủ nhận. - Chuyện lương tâm cũng là những lời thật lòng của cháu. Cháu chỉ viết mail nhờ bác Hitori nếu thấy ông bỏ thêm phiếu thì mới đấu giá theo số tiền cháu nhắn. Cháu cũng ít nhiều hi vọng có thể tin tưởng ông. Dù sao ông cũng là người làm việc cho ông ngoại cháu mà.
Ngực tôi thắt lại. Trước giờ tôi tưởng mình hiểu, hóa ra tôi chẳng hiểu gì cả. Cô gái này thấy hình bóng người ông Shodai của mình trong Yoshiwara. Và cô không muốn nghĩ rằng người ông ruột thịt của mình và những người quanh ông là kẻ xấu.
Sự im lặng bao trùm chiếc bàn chúng tôi ngồi.
Nụ cười rời xa khuôn mặt Yoshiwara, chỉ còn lại nỗi ưu tư tựa ánh chiều tà. Thoắt một cái, nét mặt ông ta trở nên nhu hòa như của một người già bình thường.
- Cô Shioriko muốn thông qua tôi để biết chuyện về ông Shodai nhỉ.
Lời thì thầm của Yoshiwara vang lên như lời độc thoại. Chẳng đợi Shioriko trả lời, ông ta nói tiếp.
- Đáng tiếc, ông Shodai lại là kẻ bất lương, vẻ dễ gần chỉ là vỏ bọc, ông ta còn không xem con người là người. Có lẽ tại thời trẻ, ông ta luôn bị bắt nạt vì vô học và nghèo đói, nên sau này ông ta không chịu được chèn ép. Ông ta thường nói rằng nếu công việc này cần thứ gì thì đó chính là lòng nhiệt thành và sự chuẩn bị kĩ để đoạt hàng và bán ép giá. Nghĩa là vắt kiệt cả tiền và sách của người khác đó. Một kẻ xấu, cách rất xa hai từ “ngay thẳng”. Chẳng có gì lạ khi ông Seiji của cô và những đệ tử khác lần lượt bỏ đi, còn Chieko chẳng thèm đếm xỉa đến những lời ông ta nói. Ông ta kiêu căng, tự phụ, keo kiệt, lại còn thù dai. Khó mà tìm thấy điểm tốt nào trên con người ấy.
Nói xấu người ta đến thế mà giọng Yoshiwara lại mang âm hưởng hoài niệm. Tôi thậm chí như đọc được ý ngược lại so với lời ông ta nói.
-  Tuy nhiên, cuối đời ông lại là người buồn khổ và cô độc như đang quanh quẩn một mình trên đồng hoang. Thế nên tôi...
Yoshiwara đột nhiên ngừng lời, nụ cười chua chát hiện lên. Có vẻ ông ta đã lỡ tiết lộ quá nhiều và không định nói nốt phần sau nữa.
- Mà người có việc là cô chứ đâu phải tôi nhỉ. Tôi cứ nghĩ cô sẽ chưa hỏi đến việc này cơ.
Shioriko im lặng gật đầu. Cô hẹn Yoshiwara vì chuyện gì, tôi không hề hay biết.
- Điều cháu muốn hỏi là mục đích thực sự của ông Yoshiwara ạ.
- Mục đích thực sự... ư?
Yoshiwara cứ lặp đi lặp lại câu đó như thể đây là lần đầu tiên từ khi sinh ra ông ta nghe được những lời này.
- Ông mua lại bộ sưu tập sách nhà Kugayama từ bà Mari, rồi mấy ngày gần đây lại kiếm được món tiền lớn từ chúng cháu, ông bán cuốn Những năm cuối đời của Dazai với mức giá cắt cổ cho tiệm sách cũ Biblia, rồi lại dùng thủ đoạn bất chính lấy đi First Folio từ nhà Mizuki.
- Quan điểm về ngay thẳng và bất chính của chúng ta có sự khác biệt, nhưng lúc này tạm chưa tranh luận về nó. Cô nói tiếp đi.
Yoshiwara chìa lòng bàn tay về phía Shioriko như thúc giục. Điệu bộ khiến người ta phát bực.
- Nhưng chắc chắn mục đích của ông không chỉ là tiền bạc. Cháu đã cảm nhận được từ khi ông đưa cháu cuốn Vụ án thế chấp thịt người, nhưng sau ngày hôm nay cháu đã hiểu ra đôi chút. Nếu mục đích của ông chỉ là bán cho nhà Mizuki cuốn facsimile này với giá cao thì việc đưa nó ra hội chợ chẳng có ý nghĩa gì. Vì dù ông định đánh động chúng cháu thì cũng có khả năng chúng cháu sẽ không để ý đến cuốn sách được đưa ra.
Nói mới nhớ, lần này anh Takino báo tin cho chúng tôi là vì từng tình cờ thấy cuốn sách ở tiệm sách cũ Biblia. Shioriko bảo định hỏi anh ấy xem cuốn sách có được đưa ra hội chợ không, nhưng đó là do chúng tôi nhận lời ủy thác của ông Rokuro hôm qua. Kể cả Yoshiwara có đoán trước được cả việc nhà Mizuki sẽ bàn với Shioriko thì cũng đâu thể tính toán được mọi chuyện sẽ diễn ra khi nào.
- Vậy cô nghĩ tôi định làm gì?
- Ông muốn khiến chúng cháu chú ý đến hành động của ông và liên lạc với một người. Có thể ông không biết địa chỉ liên hệ hoặc bị người ta phớt lờ. Nên ông mới phải mất công làm vậy.
- Có vẻ cô nói thiếu tân ngữ quan trọng rồi. Người tôi muốn cô liên hệ là ai chứ?
- Tất nhiên là mẹ cháu, Shinokawa Chieko.
Shioriko thẳng thắn nói ra cái tên đó.
- Nếu ông dồn ép, đánh động nhà Shinokawa và nhà Mizuki, biết đâu ai đấy trong chúng cháu sẽ tới bàn bạc với người quen cũ của ông, tức mẹ cháu, ông mua lại bộ sưu tập của nhà Kugayama như một công cụ phục vụ cho chuyện này ạ?
Tôi nhớ lại lúc Yoshiwara tới tiệm sách cũ Biblia. Ông ta đường đột hỏi Shioriko từng nghe Chieko nói gì về ông ta chưa, ông ta còn đưa cả tấm hình kia cho nhà Mizuki để đặt vấn đề.
Nghĩ lại thì, Chieko đâu liên quan gì tới cả hai vụ giao dịch, ít nhất là trên bề nổi.
- Nếu đó là ý định của tôi thì chẳng phải chỉ cần nhờ cô và bà Eiko chuyển lời là được sao?
- Nếu bản thân phải đợi câu trả lời thì chẳng thể nắm quyền chủ động, ông muốn bằng mọi giá mẹ cháu phải liên lạc với ông. Việc này vô cùng cần thiết. Giống như ảo thuật gia chuẩn bị cho màn diễn mà không giải thích tất cả, và rồi điều khiển khán đài.
- Đúng vậy. Còn lý do tôi đưa cuốn facsimile ra?
- Cháu nghĩ ông muốn để mẹ cháu phát giác ra điều gì đó, chắc là một điều liên quan đến Shakespeare. Trong hiệp hội có nhiều người quen của mẹ nên chưa biết chừng ai đấy sẽ truyền thông tin cho mẹ.
Ông già khoanh hờ hai tay, nhìn chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống Shioriko. Dù không nói được gì nữa, ông ta vẫn cố đánh giá đối phương.
- Thế nghĩa là cả cô và bà Eiko đều chưa liên lạc với Chieko sao? - Ông ta hỏi, xen lẫn tiếng thở dài.
Vậy là thừa nhận rồi nhé, tôi nghĩ. Nghe chuyện, tôi bán tín bán nghi nhưng... mà không, chưa biết chừng đây cũng là một mánh lừa gạt thôi.
- Tại sao cô không bàn bạc với mẹ mình?
- Vì mẹ đã bỏ đi mười năm trước. - Shioriko lạnh lùng đáp.
- Nhưng nghe nói mấy tháng nay thi thoảng Chieko có về Kita-Kamakura mà. Cô ấy còn từng đến thăm căn hộ của bà Eiko một lần. Chẳng phải cô ấy đã hòa giải với gia đình sao?
- Không ạ. - Shioriko lắc đầu.
Quả thật từ tháng Tư, chúng tôi có gặp mặt nhau mấy lần nhưng thế cũng không đồng nghĩa với làm hòa. Đến giờ chúng tôi còn chưa rõ, con người đó là đồng minh hay kẻ địch.
- Chúng cháu thực sự không có cách nào để liên hệ. Mẹ là người như vậy đấy, trừ phi bản thân mẹ muốn, nếu không chẳng ai liên lạc được. Đúng là bà ngoại có gặp mẹ cháu một lần vào tháng Năm, nhưng bà cũng không biết cách để liên lạc với mẹ.
Lúc Chieko vào thăm khi tôi đang nằm viện, bà có nói đã gặp mẹ đẻ. Thế là có ý gì nhỉ. Dù bà bảo chỉ “đến chào một câu rồi đi luôn”, nhưng...
- Ông nghĩ mẹ cháu là người có lương tâm, sẽ xuất hiện giúp đỡ khi thấy mẹ và con gái mình khốn khổ sao?
- Tôi không kì vọng đến mức ấy, nhưng vẫn có câu “Lương tâm cắn rứt” đấy thôi. Dù nhỏ nhưng đã là tiếng than oán thì sẽ vang xa. Biết đâu lại khiến Chieko động lòng. Cô hẳn biết ít nhất một địa chỉ liên lạc cá nhân của cô ấy chứ?
Shioriko không trả lời.
Khi bỏ đi, Chieko có ghi email liên lạc trong cuốn Nhật ký Cra-cra của Sakaguchi Michiyo bà để lại cho Shioriko. Nhưng giờ có nhắn tin qua đó cũng chẳng mong phản hồi.
- Chẳng phải dù tôi không xuất hiện thì cô cũng có chuyện cần bàn với Chieko sao? Ví như, học phí của cô em gái?
- Hả?
Chẳng hiểu ông ta đang nói chuyện gì. Tôi bất giác nhìn Shioriko. Mặt cô tái mét.
- Ông nghe từ đâu chuyện ấy?
- Ôi chà, có vẻ cậu Gora cũng chưa biết nhỉ? - Yoshiwara quay sang nói tiếp với tôi hòng ngắt lời Shioriko. - Nhà Shinokawa giờ chẳng còn khoản tích cóp nào. Họ đã tốn một số tiền lớn để chữa trị cho người cha quá cố, lại phải gia cố chống động đất cho ngôi nhà sau thảm họa kép dạo nọ. Suy đến cùng ngôi nhà cũng được truyền lại từ đời trước, chẳng phải nhà đi thuê, việc kinh doanh của tiệm dù có chút khó khăn nhưng cũng không đến mức phải đóng cửa. Vấn đề chỉ là cô em gái Ayaka sắp lên đại học. Cô bé rất kiên quyết, định vào trường mình thích bằng học bổng dạng cho vay.
Những tách cà phê rung lên lách cách. Tôi đấm bàn tay chẳng biết đã nắm chặt tự khi nào xuống mặt bàn. Tôi giận bản thân mình đã không nhận ra. Vào đại học thì phải tốn tiền. Đâu thể có chuyện chị em Shinokawa không khổ tâm vì điều đó.
Sáng hôm qua, khi nói chuyện trả tiền cuốn Những năm cuối đời, Shioriko bảo lần này có chuyện muốn thẳng thắn cho tôi biết, thì ra là chuyện này. Vì cô bé kia có tật hay nghe lén nên mới khó nói trong tiệm.
- Biết vậy mà ông vẫn bóp chẹt mấy triệu yên của người ta hả!
Điều tôi nói ra lại khác điều đang nghĩ. Hiển nhiên ai cũng sẽ nổi điên với Yoshiwara trước.
Kẻ dồn ép hai chị em đáng tuổi cháu mình theo cái cách thế này.
- Nói bóp chẹt nghe đau lòng quá. Thôi thì, nếu cậu đã nói thế, 4 triệu yên còn lại xóa nợ cũng được.
- Hả?
Tôi hoàn toàn choáng váng, chẳng tư duy kịp.
- Nếu cô cậu nhắn Chieko để cô ấy liên lạc với tôi thì không cần trả phần tiền còn lại của cuốn Những năm cuối đời nữa. À, nếu hai người thấy khó lòng tin tưởng thì để tôi viết giấy cam kết tại đây luôn nhé.
Chẳng đợi chúng tôi trả lời, Yoshiwara đã mở chiếc ca táp của mình, bắt đầu lấy bút giấy.
- Chuyện cháu muốn nói còn chưa hết. Ông có việc gì với mẹ cháu? - Shioriko hỏi.
Ông già hăm hở đẩy tách cà phê sang bên, mở tập giấy viết có lót chống hằn đi kèm, chắc là loại giấy có tính năng sao chép.
- Tất nhiên là bàn chuyện làm ăn rồi. - Yoshiwara vừa nói vừa mở nắp bút máy. - Đến nước này rồi, giấu cô cũng chẳng nghĩa lý gì. Tôi đang sở hữu thứ có thể khiến Chieko hứng thú. Món hàng giá trị nhất với cả hai bên. Mà, chẳng giao dịch với Chieko thì tôi giao địch với cô cũng được. Tất nhiên nếu cô chấp nhận điều kiện của tôi.
Cái gì mà “nếu cô chấp nhận điều kiện” chứ. Tự tin quá nhỉ! Chắc chắn từ giờ trở đi không có chuyện giao dịch gì với Yoshiwara nữa. Nếu ông ta muốn gặp Chieko thì tự đi mà tìm.
Tôi đã nghĩ vậy đấy. Nhưng Shioriko lại phản ứng khác.
- Nếu liên lạc được với mẹ thì cháu cần truyền đạt điều gì ạ?
Tôi kinh hãi. Không lẽ cô định chấp nhận điều kiện của ông già này sao?
Không, chờ đã.
Có lẽ nếu liên lạc thôi thì cũng không phải chuyện gì xấu. Chỉ là Shioriko sẽ bị cuốn vào cuộc mua bán của Yoshiwara và Chieko. Dẫu đã bị bóp chẹt nhưng nếu sự việc xong xuôi mà không phải trả 4 triệu yên còn lại thì cũng tốt.
Yoshiwara dừng bút nghĩ ngợi.
- Ừ nhỉ.
Ông ta lặng im đầy giả tạo, sau một lúc mới quay bản mặt cười tà đầy nếp nhăn về phía Shioriko.
- “Tôi đang giữ số còn lại”. Bảo Chieko là Yoshiwara nói thế, chắc chắn cô ấy sẽ hiểu.

5

Ấn tờ cam kết viết vội cho chúng tôi, Yoshiwara đứng dậy bỏ đi. Vì có chuyện cần nói nên chúng tôi ở lại quán.
- Chuyện học phí của Ayaka là thật hả?
Tôi chuyển sang ghế đối diện Shioriko, lập tức hỏi. Cô nhắm mắt một hồi, vẻ mặt khổ sở.
- Đáng lẽ nếu cố gắng, em có thể chi trả. Em đã được học đại học bằng tiền của bố mẹ, nên em không muốn để Aya phải khổ.
Nếu là học bổng dạng cho vay thì sẽ phải trả lại. Quanh tôi cũng có mấy người như thế. Nói là trả dần từng chút nhưng gánh món nợ lên đến mấy triệu yên cũng vất vả lắm.
- Từ khi anh Daisuke vào làm, chúng ta đã có mấy bận nhập được những lô hàng lớn còn gì. Em cũng bắt đầu có khoản tiết kiệm. Em đã tính sau này bán bộ sưu tập sách của mình, hoặc vay trả góp là ổn, nhưng...
- Con bé đã phản đối nhỉ.
Tôi đoán chắc điều ấy. Shioriko gật đầu tiếc nuối.
- Em là chị, nên muốn làm được nhiều nhất có thể cho nó. Mà hai đứa mãi chẳng có tiếng nói chung.
Tôi hiểu cảm giác của người chị, nhưng tôi không nghĩ cô em sẽ bình thản tiếp nhận cách nghĩ đó. Gì thì gì, mười mấy tuổi cô bé đã lo chuyện sổ sách chi tiêu trong nhà, nắm toàn bộ dòng tiền của gia đình Shinokawa. Chắc chắn cô bé không muốn khiến chị vất vả vì mình.
- Và rồi tất cả xôi hỏng bỏng không hết nhỉ. Vì ông già đó.
Vốn cô đã ở trong hoàn cảnh “nếu cố gắng” thì mới cáng đáng được học phí cho em. Vậy mà còn bị đòi 8 triệu yên, trả một nửa thôi cũng khó khăn lắm rồi.
- Dạ. Để trả khoản hôm qua em đã lấy cả vốn để nhập sách và số tiền định dùng làm học phí cho Aya. Bây giờ có giao dịch lớn cũng lực bất tòng tâm.
Nhất thời không hiểu ý cô, tôi chống tay xuống bàn, nhoài người lên.
- Chẳng lẽ... em định dây vào chuyện ban nãy thật sao?
“Món hàng giá trị nhất” nghe thật đáng ngờ, đầy mùi nguy cơ như bãi mìn giăng sẵn. Dù sao đây cũng là giao dịch do kẻ từng là quản lý của Shodai đề nghị với cô con gái từng là ứng cử viên thừa kế của ông. Không cẩn thận là có cơ bị cả hai bên lợi dụng.
- Không, em không nghĩ đến chuyện đó.
Shioriko mạnh mẽ phủ nhận, dù thoáng ngập ngừng.
- Em chưa nghĩ đến việc liên lạc với mẹ. Ban nãy em chỉ muốn lấy thêm thông tin chứ chưa có mục đích gì rõ ràng.
Sao cũng được. Miễn là cô không hứng thú với giao dịch kia.
- “Số còn lại” nghĩa là sao nhỉ?”
- Em cũng không chắc. Nhưng em cảm giác có liên quan đến bản facsimile này.
Shioriko nhìn xuống túi giấy dưới chân. Gương mặt trang điểm nhạt thoáng trầm tư. Khi đắm mình vào những suy nghĩ về sách cũ, cô thật đẹp.
- Anh Daisuke biết mẹ em đã đến Fukasawa thăm bà hồi cuối tháng Năm nhỉ?
- Hả? À, ừ. - Đang say sưa ngắm cô, tôi luống cuống hoàn hồn. - Nhưng mẹ em bảo đã về luôn.
- Dạ. Khi em hỏi bà, bà cũng bảo họ chỉ đứng nói chuyện tầm mười phút ở thư phòng. Nhưng bà nói mẹ đã mở cuốn facsimile ra. Bà thấy thật lạ khi sau mười năm, mẹ đột nhiên xuất hiện rồi lại xem xét tỉ mỉ mỗi quyển sách đó.
- Mẹ em cố ý đến xem quyển sách sao?
- Có thể là như thế. Em không biết có liên quan gì không, nhưng bà đã hỏi mẹ, về lý do mẹ buông bỏ gia đình.
Đó là một câu hỏi thực sự mang tính công kích đối với cô con gái sau mười năm mới xuất hiện, nhưng với người có tính cách dứt khoát như bà Eiko thì cũng không lạ. Cảnh tượng đó như hiện lên trước mắt tôi.
- Mẹ em trả lời thế nào?
- Mẹ bảo “Vì con nhận ra, con bây giờ không phải con nữa”.
- Gì cơ?
Câu trả lời thật khiến người ta khó chịu. Như lũ trẻ vẫn lấy lý do “đi tìm bản thân, đành lìa bỏ gia đình vậy”.
- Câu đó cũng là trích dẫn từ kịch Shakespeare. Oxymoron, còn gọi là phép nghịch hợp, là cách diễn đạt với nội dung mâu thuẫn thường được sử dụng trong kịch của Shakespeare. Câu “Sạch sẽ là bẩn thỉu, bẩn thỉu là sạch sẽ” trong Macbeth là nổi tiếng nhất. Câu “Tôi không phải tôi” xuất hiện trong Đêm thứ mười haiOthello. Trong Troilus và Cressida cũng có cách diễn đạt tương tự.
- Nhưng mà... mình thì là mình chứ.
- Em nghĩ đó là lối diễn đạt ám chỉ cảm giác nóng ruột, ý là tôi ở đây chỉ là cái xác, tôi thực sự đang ở một chỗ khác. Chuyện đó chẳng phải có thật trong thực tế sao?
Như tự nhận thấy điều gì, gọng Shioriko bỗng nhỏ hẳn.
- Không phải em bênh vực mẹ đâu.
Cô bối rối ngoảnh đi. Dù là lời của người mẹ chẳng chút thân thiết nhưng đó là câu trích dẫn trong sách nên cô đã trót thể hiện là mình hiểu.
- Nói mới nhớ, vở đó tiếng Nhật là Troilus và Cressida nhỉ. Lúc nãy mở bản sao kia, tôi có trông thấy nhưng không biết đọc thế nào.
Tôi đổi chủ đề. Nhan đề gốc trong sách là “THE TRAGEDIE OF Troylus and Cressida”, dĩ nhiên tôi chẳng biết nội dung là gì.
- Troilus và Cressida là tên nhân vật xuất hiện trong vở kịch. Đó là kịch vấn đề* lấy bối cảnh chiến tranh của người Troia và người Hy Lạp trong trận chiến thành Troi**.

*[Problem plays, thuật ngữ được đặt ra bởi nhà phê bình kịch FS Boas để chỉ ba vở kịch Shakespeare viết vào cuối những năm 1590 và những năm đầu thế kỉ 17, bao gồm Tiền hung hậu cát (tạm dịch từ All”s Well That Ends Welt), Ăn miếng trả miếng (tạm dịch từ Measure for Measure) và Troilus and Cressida. Các vở kịch vấn đề có đặc trưng là giọng điệu phức tạp, mơ hồ, có sự chuyển đổi tâm lý, khó phân biệt là bi hay hài kịch]
**[Ở Việt Nam còn được biết đến với tên “Cuộc chiến thành Tơ-roa”, là một cuộc chiến quan trọng trong thần thoại Hy Lạp và được nhắc đến trong hai trường thi của Homer: Iliad và Odyssey. Cuộc chiến xảy ra khoảng năm 1184 TCN tại thành Troia]

- Kịch vấn đề? Không phải là bi kịch sao?
Tựa đề có ghi “TRAGEDIE” nên tôi đã chắc mẩm đó là bi kịch.
- Nội dung bi kịch nhưng yếu tố châm biếm lại được sử dụng vô cùng hiệu quả. Các nhà nghiên cứu sau này gọi những vở khó phân loại là kịch vấn đề. Trước First Folio, vở Troilus và Cressida cũng từng được xuất bản nhưng tùy bản in mà nhan đề có từ “TRAGEDIE” hoặc không.
- Nhan đề khác nhau tùy sách ấy hả?
Shioriko gật đầu.
- Cả nội dung cũng có nhiều chỗ khác biệt. Còn ở First Folio, ban đầu người ta không rõ “Troilus và Cressida” có được cho vào không nên họ không đưa tên tác phẩm này vào mục lục.
- Hả? Không có tên trong mục lục nhưng lại có trong sách á?
- Đúng vậy. Có 36 tác phẩm được tập hợp trong First Folio nhưng mục lục chỉ có tên 35 tác phẩm. Nghe nói khâu bản quyền không thuận lợi, lúc in sắp xong họ mới xoay được.
Có lẽ nếu là thời nay thì người ta sẽ in lại. Tôi cứ ngỡ vào thời sách là đồ quý thì họ sẽ làm thật cẩn thận những khâu hình thức như thế, nhưng hóa ra không phải vậy. Có lẽ chính vì quý giá nên nếu cứ dễ dàng làm lại thì sẽ không có lời.
- Xếp tác phẩm vào đâu cũng là chuyện phức tạp, có lẽ vì thế mà phần “Troilus và Cressida” hầu như không in nombre.
- À, thảo nào.
Lúc nãy, ở chợ sách cũ tôi cũng để ý thấy. Vì không biết mình đang giở trang mấy nên tôi đã thấy lạ.
- Vậy chắc phải có lý do người ta mới đưa nó vào sau “Romeo và Juliet” chứ nhỉ.
Tôi chỉ vô tư nói ra điều đó nhưng nét mặt Shioriko đanh lại. Cô ngây ra như thể công tắc chợt bị ngắt.
- Shioriko?
Tôi lo lắng gọi. Cô thình lình cử động, thoắt cái lấy ra cuốn sách bìa đen trong chiếc túi giấy dưới chân, đặt lên bàn đánh rầm. Cuốn sách to dày hút bao ánh nhìn xung quanh, nhưng cô chẳng bận tâm. Shioriko lật sách với tốc độ khủng khiếp, cẩn thận xem xét mặt trước mặt sau từng trang.
- Lạ thật.
- Cái gì lạ cơ?
- Đây, anh xem.
Cô trỏ vào trang 77. Titre courant* là “The Tragedie of Romeo and Iuliet”. Như cô nói lúc trước, chữ “J” đã thành chữ “I” nên đây là vở Romeo và Juliet. Dưới phần nội dung là chữ “FINIS” và một ấn kí có thiết kế giống huy hiệu được in to. Chắc vở kịch kết thúc ở đây.
Dòng chữ ở đầu mỗi trang sách, nằm tách biệt với chính văn, thường để ghi tên tác giả hoặc tác phẩm.
Giở tiếp là trang 78, từ trang này tiêu đề thành “THE TRAGEDIE OF Troylus and Cressida”, nghĩa là trang đầu vở Troilus và Cressida. Chẳng có gì kì lạ cả.
- Hai trang này thì sao?
- Người ta không in vở Troilus và Cressida ở phần này. Trong các bản First Folio khác, nó là vở bi kịch đầu tiên, được đặt ngay sau phần sử kịch. Có giả thuyết cho rằng, nội bộ biên tập có các luồng ý kiến khác nhau trong việc phân loại vở kịch nên đã xếp nó vào giữa sử kịch và bi kịch.
- Nếu vậy thì loạn trang mất. Ơ, nhưng số trang liền nhau này.
Tôi tự lật trang trước, mở trang sau thì thấy số trang vẫn liền tiếp. Từ trang 77 rồi 78, 79, 80. Tuy nhiên mấy trang tiếp theo thì không còn nombre nữa.
- Nghĩa là chỗ này mới là trang 70, 80 thôi nhỉ. - Quyển sách dày cộp, trông nửa sau cũng phải đến mấy trăm trang là ít.
- Điều này có lý do. Ban nãy em nói những vở kịch được tập hợp trong First Folio đều phân chia thể loại, nhưng cả nombre cũng được đánh độc lập theo thể loại luôn, xếp đầu tiên trong Folio là hài kịch, tiếp theo là sử kịch, cuối cùng là bi kịch. Vì thứ tự như vậy nên nombre ở các trang phía sau vẫn nhỏ. Có cảm giác đây là ba cuốn hài kịch, sử kịch, bi kịch gộp lại thành một nhỉ?
Ra vậy. Trong một cuốn mà số trang cũng được chia theo từng phần riêng biệt. Thật khác với cách đánh số trang hiện nay.
- Thứ tự đã bị thay đổi nhưng nombre vẫn liên tục cũng có thể lý giải được. Có vẻ họ vốn đính đặt “Troilus và Cressida” sau “Romeo và Juliet”. Trong quá trình in, thứ tự bị thay đổi, họ quyết định đặt tác phẩm lên đầu phần bi kịch. Khi đó, họ vẫn tận dụng nguyên trang đầu đã in từ trước khi thay đổi. Em chưa được xác nhận cẩn thận xem một cuốn Folio thực sự thì thế nào, nhưng theo thứ tự thì chắc chắn nombre không liên tục.
Dù có lỗi hay chỉnh sửa thì vẫn dùng những trang đã in, đúng như Shioriko đã giãi thích lúc ở chợ sách cũ.
- Vậy nghĩa là ai đó đã tự ý thay đổi thứ tự, để nombre của “Romeo và Juliet” cùng “Troilus và Cressida” liền mạch nhau.
- Em nghĩ vậy. Không biết ở thời nào, nhưng có lẽ người sở hữu cuốn sách đã cảm thấy cách sắp xếp kịch không hợp lý...
Như thể công tắc lại bị ngắt, câu nói bỗng tắt ngấm giữa chừng. Shioriko vẫn nhìn thẳng, như trong mắt chẳng có người đang ngồi đối diện này. Cô nhìn về xa xăm, mắt quắc lên thật đáng ngại.
- Shioriko!?
Không có câu trả lời. Chắc đầu óc cô đang hoạt động hết công suất. Tôi biết rõ biểu hiện của Shioriko khi cô suy nghĩ về bí ẩn trong những cuốn sách. Hoặc ít nhất tôi nghĩ vậy. Nhưng hôm nay có điều khang khác. Như thể Shioriko không phải là Shioriko, mà một ai khác đang ở đây. Cơ vai tôi run lên.
Tôi vô thức nhỏm dậy, đưa hai bàn tay bao lấy khuôn mặt cô. Máy lạnh không mở lớn mà da cô lạnh ngắt. Chẳng hiểu sao tôi thấy thật may vì vẫn đang ở khoảng cách có thể chạm tới cô bằng đôi tay này.
- Shioriko, nhìn tôi đi!
Tôi gọi cô từ ngay sát phía trước. Đôi mắt như hai viên bi thủy tinh dần dần tập trung điểm nhìn. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Má cô cũng ấm trở lại. Không, nói đúng hơn là thân nhiệt cô đột ngột tăng mạnh.
- M... - Môi cô khẽ chuyển động.
- Hả?
- M... mọi người…đa, đa, đang nhìn...
Tôi cũng đã nhận ra, vội ngồi lại xuống ghế. Tôi cảm nhận được ánh nhìn của những vị khách xung quanh đổ dồn vào mình. Tại tôi to tiếng quá. Đúng là nếu có đôi nào tán tỉnh nhau theo cách kì lạ kiểu ở giữa kẹp một cuốn sách to đùng thì chắc tôi cũng tò mò.
- Mình về cửa tiệm nhé. - Tôi hỏi nhỏ.
Shioriko khẽ gật đầu.

6

Quay về tiệm rồi mà ngày hôm đó hầu như cũng chẳng được việc gì.
Không còn biểu hiện lạ lùng như lúc mở bản sao màu đen, nhưng Shioriko kiệm lời hơn hẳn bình thường. Cô chỉ nói, vụ lần này nằm ngoài chuyên môn của bản thân nên tối nay sẽ tìm hiểu kĩ, rồi chìm vào suy tưởng. Thật hiếm khi có chuyện liên quan đến sách mà cô lại mơ hồ thế.
Tôi định lôi thứ tự các vở kịch ra để mở lời, nhưng không biết nó liên quan thế nào nên đành thôi.
Chỉ là trước khi tôi đóng cửa tiệm ra về, cô có nói “Ngày mai là ngày nghỉ nhưng nếu không bận anh có thể đến chứ? Khi đó em sẽ kể mọi chuyện”.
Tất nhiên tôi đáp rằng sẽ đến. Có việc “bận” nào quan trọng hơn việc này đâu.

- Gì đấy, mày chán ăn à?
Nghe tiếng mẹ, tôi vội nắm chặt chiếc thìa. Món cà ri hôm qua đã được đun lại đang tỏa khói trước mắt.
- À, không ạ. Con đói mà.
Tôi đưa miếng gà chiên ăn kèm vào miệng. Vẫn ngon như mọi ngày. Tôi và mẹ đang ngồi quanh chiếc bàn ăn tối ở nhà. Hai mẹ con sống trên tầng hai của quán cơm đã đóng cửa nằm cách nhà ga Ofuna vài phút đi bộ.
Người kinh doanh quán ăn là bà ngoại tôi mất hai năm trước. Bố tôi thì đã sang thế giới bên kia từ trước khi tôi ra đời. Tôi được bà ngoại và mẹ nuôi dạy.
Ngồi trước đĩa Caesar salad* đầy ụ, mẹ đang uống bia nhắm thịt gà xiên nướng. Mẹ mua salad và gà rán ở cửa tiệm bán đồ nhắm trong khu thương mại trước ga, đem về bày cạnh bát rau chân vịt bà tự xào.

*[Món khai vị nổi tiếng được sáng tạo bởi đầu bếp người Ý, Caesar Cardini vào năm 1924. Nguyên liệu cơ bản gồm phô mai Parmesan, xà lách Roman, xốt Worcestershire, dầu oliu và các loại gia vị]

- Ngày thường mà mẹ uống nhiều thế có sao không?
Tôi hỏi khi mẹ cầm lên lon thứ hai.
- Không sao. Mẹ được nghỉ có lương đến hết mai. Mẹ chưa nói với mày à?
Mẹ tôi, Gora Eri đang làm nhân viên bán hàng tại một công ty thực phẩm ở Yokohama. Mẹ cũng có thể trạng to khỏe giống tôi, và không may thay, mặt chúng tôi giống nhau như đúc.
- Giờ con mới nghe lần đầu đấy. Ơ nhưng sáng nay lúc con dậy mẹ không có nhà mà.
- Mẹ dậy sớm nên đi bộ quanh đây. Mẹ vòng từ chỗ tượng Quan Âm Ofuna đến Tamanawadai, lúc về ghé qua vườn bách thảo* nữa. Mày cũng vận động cơ thể đi con. Sau khi bị thương dễ béo lên lắm.

*[Vườn bách thảo tỉnh Kanagawa là một vườn thực vật nằm ở 1018 Okamoto, Kamakura, Kanagawa, Nhật Bản]

- Con biết rồi, khổ lắm. Mà mẹ nghỉ phép có lương sao không đi du lịch?
- Mày chẳng biết gì cả. Đối với người lớn, ngày không có dự định gì mới xa xỉ nhất đấy. Đặc biệt là dạo này mẹ mày còn bận bù đầu.
Từ khi bà mất, thường tôi và mẹ ai ăn thì tự nấu, nhưng tuần vài lần cũng ngồi quanh bàn ăn với nhau thế này. Tôi nghĩ quan hệ mẹ con nhà tôi không tệ.
Tôi đặt thìa xuống, hắng giọng đánh tiếng.
- Dịp tới con muốn mời Shioriko đến nhà. Tầm nào mẹ rảnh ạ?
Tay nghiêng lon bia, mẹ nheo đôi mắt ba phần lòng trắng giống hệt mắt tượng Quan Âm Ofuna di truyền từ bà ngoại, nhưng không phải mang ý khó chịu gì. Chỉ là đang nghiêm túc suy nghĩ.
- Tháng này mẹ không bận lắm, nên lúc nào cũng được. Không thì xin nghỉ phép là xong.
Mẹ nói rồi đặt lon bia xuống. Có vẻ mẹ đang suy xét ý định của tôi khi đưa Shioriko đến chào hỏi, từ góc độ người lớn trong nhà.
- Chúng ta thì không sao nhưng Shinokawa cố ổn không con? Con bé nói muốn đến vào ngày nào?
- Con chưa hỏi cô ấy chuyện đó.
Đột nhiên đôi mắt ba phần lòng trắng của mẹ lóe lên. Giờ thì bà thực sự khó chịu rồi.
- Thằng này, mày dốt thật đấy. Phải hỏi Shinokawa trước chứ. Chuyện này hai đứa nên bàn kĩ với nhau rồi mới nói với mẹ. Nếu con bé chưa định đến chào hỏi thì làm thế nào hả?
Xấu hổ thay, mẹ nói đúng. Thấy lời Shioriko nói khi đó như có ý tới chào hỏi mẹ nên tôi cứ mặc định như thế.
- Khác với mày, Shinokawa chắc là bận lắm. Con bé còn công việc, em gái thì sắp thi cử, lại không có bố mẹ. À? Mà gần đây con bé có gặp mẹ nó nhỉ?
- Chờ đã. Sao mẹ biết cả chuyện đó?
Tôi không nhớ mình từng nói chuyện nhà Shinokawa cho mẹ. Mà chắc cũng chẳng có ai khác đi rêu rao chuyện này.
- Mày nói gì thế hả. Dĩ nhiên là nghe Shinokawa kể rồi.
Tôi ngạc nhiên. Chuyện này tôi chẳng hề hay biết.
- Khi nào ạ?
- Khi mày bị thương phải nhập viện đấy. Lúc mẹ chạy đến viện thì Shinokawa ở đó, con bé cúi đầu nói xin lỗi mẹ, chắc nó thấy bản thân có trách nhiệm vì mày bị cuốn vào rắc rối của nó. Rõ là lỗi đâu phải tại con bé cơ chứ. Rồi nó kể cho mẹ nghe từ đầu câu chuyện.
- Từ đầu, là từ đâu ạ?
- Nhiều lắm. Tất nhiên có chuyện về nhà Shinokawa, những điều xảy ra trong một năm từ khi mày bắt đầu đi làm. Chuyện cuốn sách hiếm của Dazai Osamu suýt bị tên bám đuôi quái gở trộm mất, sau mấy đứa lừa giấu cả cảnh sát, rồi mày nổi giận bỏ việc một lần, cả chuyện lần đó mày bắt tay với tên bám đuôi kia lừa dụ một kẻ cuồng sách điên khùng khác vào tròng.
Shioriko đã kể đến cả những chuyện đó. Tôi bất giác vã mồ hôi lạnh.
- Cô ấy có nhắc nhỏm gì đến bà không ạ?
- Gì cơ? Bà nhà mình á? Sao lại có cả bà nữa?
Mẹ trông không có vẻ đang giả khờ. Chắc Shioriko vẫn giấu kín bí mật về Gora Kinuko bà ngoại tôi và ông Tanaka Yoshio. Hẳn cô chỉ nói chuyện liên quan đến bản thân thôi.
- À, vì bà ngày xưa là khách của tiệm sách cũ Biblia mà, ngoài ra còn có một vị khách thích sách và hay đến đấy cũng thường qua quán nhà mình. Nên con ngỡ cô ấy sẽ kể.
Tôi vội lấp liếm. Mẹ chẳng tỏ ý nghi ngờ gì, chỉ ra điều “Thế à” nhẹ tênh.
- Nói vậy nghĩa là quán ăn nhà ta và tiệm nhà đó cũng có duyên từ xưa nhỉ. Nhưng chắc chẳng có gì to tát nên con bé mới không nhắc nhỏm. Dù sao người đó cũng chỉ là bà lão xấu xí ở một quán ăn xuềnh xoàng thôi mà?
Giọng mẹ bỗng trở nên gay gắt. Từ khi tôi biết nhận thức, quan hệ giữa bà và mẹ đã không tốt sẵn. Chỉ hiềm người có nét mặt và tính cách giống “bà lão xấu xí” đó nhất lại chính là mẹ.
- Lần đầu gặp mặt mà Shioriko đã nói nhiều thế cơ ạ?
Tôi hỏi thế bởi ngoài những chuyện liên quan đến sách, tính cô nhút nhát vô cùng. Như nhớ ra điều gì, mẹ khúc khích cười.
- Ừ thì, chẳng thể nhận xét là con bé nói năng trôi chảy, nhưng mẹ lại thấy có thiện cảm. Nó cứ một mực muốn tự mình giải thích cho rõ ràng. Câu chuyện về người mẹ đã bỏ đi rõ ràng không phải điều người ta muốn kể cho mẹ của bạn trai mình, vậy mà...
Mẹ khẽ lắc đầu ra chiều khâm phục. Mẹ nói vậy tôi mới để ý, hai người có điểm chung là đều bất hòa với mẹ ruột. Hơn hết, cả hai đều giống mẹ mình một cách đáng sợ.
- Cơ mà, Shinokawa thực sự rất thích mày đấy nhỉ. - Cầm lon bia và que gà xiên nướng, mẹ cười trêu tôi.
- Dạ?
- Dạ gì mà dạ. Con bé cứ khen mày hết lời, mắt lấp la lấp lánh. Nào là anh Daisuke hiền lành, đáng tin, không khoe khoang bao giờ nhưng trực giác tốt, đầu óc nhanh nhạy, nét mặt và phong thái đều tuyệt vời. Mẹ mày đã phải hỏi đi hỏi lại cả chục lần “Có thật cháu đang nói về thằng ăn hại nhà này không?” đấy.
- Mẹ gọi con trai mình là thằng ăn hại ấy ạ? Còn lặp lại đến cả chục lần nữa á?
Hình như có đôi ba bận tôi cũng nghe mẹ nói với người ta về “thằng ăn hại”. Tôi không hề nghĩ là mẹ đang nói mình.
- Con bé kể lúc đầu hai đứa chỉ ở cạnh nhau như nhân viên làm thêm và chủ tiệm, về sau ngày càng thấy hồi hộp khi làm chung, có khi còn sao lãng công việc. Con bé bảo tối hôm được mày thổ lộ, nó còn vui quá không đọc nổi sách. Ơ, mà ngẫm lại thì chuyện đó có gì to tát đâu nhỉ.
- Với cô ấy to tát lắm đấy mẹ.
Vậy ra Shioriko nghĩ về tôi như thế. Tôi cũng hồi hộp lắm, nhưng nếu có thể, tôi muốn được nghe chính Shioriko kể chứ không phải chuyển tải qua cái miệng nồng nặc mùi rượu của bà mẹ say mèm.
- Nhưng mà chuyện trò đến thế rồi thì chẳng phải cũng coi như đã chào hỏi xong hay sao ạ?
Shioriko bảo cô chưa chào hỏi mẹ cho đàng hoàng nghĩa là sao nhỉ. Còn chuyện gì chi tiết hơn để nói nữa đâu.
- Chào hỏi để hướng tới hôn nhân khác với nói chuyện bình thường chứ. Nếu thực sự con bé muốn làm thế thì mẹ mừng lắm. Con bé thực sự là đứa quá tốt. Thật thà, xinh đẹp lại có gu nữa. Nhất là bầu ngực.
- Con không chọn người ta vì ngực!
Thật hâm khi nói mấy chuyện này với mẹ! Mở đến lon bia thứ ba, mẹ như bừng tỉnh khỏi cơn say, khuôn mặt trở nên nghiêm túc.
- Mày định cưới rồi dọn ra ngoài hử?
Trong tôi cũng nhen nhóm ý nghĩ này. Mà có lẽ nên gọi là “dự cảm buồn” thay vì “ý nghĩ”.
- Con chưa biết. Nhưng con phải giúp việc ở Biblia nên chắc sẽ ở đó. Nhà chính bên ấy cũng rộng.
- Hừ.
Mẹ dốc ngược lon bia, vừa uống vừa ngước nhìn trần bếp cao một cách kì lạ. Từ thời cụ nội tôi, ngôi nhà này đã được cơi nới nhiều lần nên thiết kế nhiều chỗ trở nên kì quặc. Chiều cao trần nhà giữa các phòng cũng khác nhau.
- Mẹ đang nghĩ, mày mà kết hôn rồi chuyển ra thì ngôi nhà này thanh lý đi cũng được. Giờ ngôi nhà đang đứng tên cả mày và mẹ nhỉ.
Đúng vậy. Các bác tôi xây dựng gia đình ở nơi khác đã từ chối quyền thừa kế với lý do tôi và mẹ là người chăm sóc bà lúc cuối đời.
- Chẳng phải mẹ từng nói muốn cải tạo lại sao. Mà quan trọng nhất là thanh lý rồi mẹ tính ở đâu chứ?
- Vì mẹ tưởng mày sống lâu dài ở đây nên mới định cải tạo thôi. Mẹ chẳng lưu luyến gì cả cái nhà lẫn quán cơm này. Chắc mẹ sẽ thuê chung cư gần công ty. À, hay mua lại căn chung cư cũ nào rẻ rẻ cũng được. Chia tiền bán chỗ này cho mày xong hẳn sẽ đủ tiền cọc. Được sống ở nơi có thể đi bộ đi làm là ước mơ bí mật của mẹ đấy.
- Nhưng... đây là ngôi nhà mọi người sinh ra và lớn lên. Quán cơm nhà mình cũng có lịch sử lâu đời.
- Quán cơm cũng chẳng còn nữa. Những người sinh ra và lớn lên ở đây đều đi rồi, để lại mỗi ngôi nhà cũng đâu có ý nghĩa gì.
Tôi là người tính chuyển ra khỏi nhà trước, nên chẳng có tư cách lên tiếng. Mẹ cũng có cuộc sống riêng của mình. Thực sự thì tôi rất rõ điều đang níu kéo mình.
- Ở bên kia, chẳng biết bà có giận không nhỉ.
- Tất nhiên không giận rồi. Khi mẹ hỏi xem xử lý thế nào với sách của bà, bà đã bảo cả sách và tài sản thừa kế chúng ta muốn làm sao thì làm mà.
- Đúng vậy nhỉ.
Ừ thì câu cửa miệng của bà là “Người mất rồi không thể mang theo bất cứ thứ gì sang thế giới bên kia”. Có vẻ bà không mấy bận tâm đến những thứ hữu hình.
- Vì thứ quý giá không phải ngôi nhà hay quá khứ, mà là người sống. Người đó đã luôn ưu tiên nghĩ cho hạnh phúc của chúng ta và những điều chúng ta muốn làm đấy.
Cháu sẽ lấy người như thế nào nhỉ?”. Giọng bà văng vẳng bên tai tôi. Đó là câu bà đã hỏi vào hôm tôi đến thăm trước khi bà mất không lâu. Ngày ấy, tôi đã trả lời rằng “Bây giờ còn quá sớm để nói tới chuyện kết hôn” nhưng từ đó tới nay mới có ba năm trôi qua. Thật ra, tôi cũng không rõ khi nào mình cưới. Nhưng tôi tin những điều bà nói sau đó đều đúng.
Cháu mà lấy được một cô gái thích đọc sách thì hay biết mấy nhỉ”. 

7

Ngày hôm sau trời vẫn nắng phát nản.
Tôi đến tiệm sách cũ Biblia vào giờ đi làm như mọi bữa, nhưng hôm nay không cần mở cửa tiệm. Tôi đỗ chiếc scooter ở bãi đỗ xe đằng sau cửa tiệm. Tôi vừa rút chìa khóa, cất mũ bảo hiểm vào cốp thì cửa nhà chính bật mở.
Người phụ nữ nhỏ nhắn mặc bộ váy liền giản dị màu kaki xuất hiện. Tôi chưa kịp lên tiếng, bà đã đứng lại, cúi đầu thật sâu.
- Lâu rồi mới gặp cháu. Cảm ơn cháu hôm trước đã dành thời gian cho bác.
Bà Tsuruyo lên tiếng, giọng nói nghe ra cả sự căng thẳng và mỏi mệt. Chắc bà đang nhắc về hôm đến nhà xin lỗi tôi. Mái tóc ngang vai của bà điểm những sợi bạc lần trước tôi gặp còn chưa có. Đôi má căng đầy như thiếu nữ giờ cũng hóp lại. Trông bà bỗng chốc như già đi cả chục tuổi.
- Sau hôm đó, sức khỏe cháu thế nào?
Cách nói chuyện nhún nhường của bà với kẻ chỉ đáng tuổi con cháu nghe thật khổ sở. Vì thu xếp hậu quả do mẹ và con gái mình gây ra, người phụ nữ này lại thành người phải khẩn khoản cúi đầu trước chúng tôi.
- Cháu khỏi hẳn rồi ạ. Cũng đã bắt đầu quay lại tiệm làm việc.
Tôi đáp lại, tỏ ra hăm hở nhất có thể. Dù chưa hồi phục hoàn toàn nhưng tôi không muốn khiến người phụ nữ này nặng lòng thêm.
Cuộc trò chuyện chững lại giữa chừng. Giờ này mà bà ở đây thì hẳn do có việc gì đó với nhà Shinokawa. Tôi đang phân vân có nên hỏi không thì bà đã dứt khoát mở lời.
- Trước khi tới đây bác đã đi gặp Hiroko.
Tôi có nghe chuyện Hiroko bị đưa vào trại tạm giam. Tòa cũng sắp mở phiên xét xử. Trong sự việc xảy ra hồi tháng Sáu, cô ta và tôi cùng lăn xuống cầu thang đá nhưng cô ta bị thương nhẹ hơn.
- Con bé nói, tại nó mới khiến Gora bị thương, nó rất áy náy. Nó sẽ viết thư xin lỗi Gora và Shioriko nữa.
Tôi ngạc nhiên trước câu chuyện bất ngờ này. Cho đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kì lời xin lỗi nào từ Hiroko.
- Thế ạ.
Tôi không định nói gì thêm. Tôi không đoán được trong vòng một tháng nay tâm tính cô ta đã thay đổi hay chỉ muốn gây ấn tượng tốt với thẩm phán.
- Lúc cháu đang bận mà lại giữ chân cháu thế này thật không phải. Bác đi trước nhé.
Bà Tsuruyo cúi chào tôi rồi rời đi. Con gái bà vì ác cảm với Shioriko nên đã làm theo kế hoạch của bà ngoại. Tôi không quá tức giận chuyện cô ta khiến tôi ngã, ngược lại còn thấy nhẹ nhõm vì sự việc kết thúc mà chỉ một người bị thương. Sự việc có thể đã khiến nhiều người phải chịu thương tích hơn thế.
Dù sao nếu thư đến tôi sẽ đọc. Con người chẳng phải mãi không đổi thay. Tôi thì sao cũng được, nhưng nếu có khi nào Hiroko xin lỗi Shioriko tử tế và hai người hòa giải thì quá tốt. Dù suy nghĩ này thật ngây thơ.
Tôi không bấm chuông mà mở cửa hiên nhà rồi đánh tiếng.
- Chào buổi sáng!
- Anh vào đi.
Tôi nghe tiếng trả lời từ căn phòng kiểu Nhật gần hiên.
Shioriko đang đợi tôi trước chiếc bàn thấp.
Bản sao bìa đen khổ to mang về từ hội chợ hôm qua và một cuốn sách màu xanh lục nhỏ hơn một chút được bày trên bàn. Bìa cuốn sách hình như làm bằng vải.
- Cảm ơn anh đã đến.
Shioriko cúi đầu. Không thấy cô em gái đâu. Cô bé từng bảo phải đến lò luyện thi làm thủ tục cho khóa ôn ngắn hạn nên chắc giờ đã ra ngoài.
- Anh vừa gặp bác Tsuruyo ngoài kia đấy. - Tôi vừa nói vừa ngồi xuống bên cạnh.
- Biết em muốn hỏi chuyện về cuốn sách này nên bác đã cất công đến đây.
Shioriko nói, giọng khàn hơn bình thường. Bọng mắt cô hơi sưng nhưng đôi đồng tử lấp lánh lạ kì. Chắc cô không ngủ. Cùng với niềm háo hức, một nỗi bất an mơ hồ nhen lên trong ngực tôi.
- Em nhận ra điều gì à?
Shioriko gật đầu:
- Chuyện hơi phức tạp. Em sẽ giải thích theo trình tự nhé.
Cô dịch đầu gối, tiến lại gần hai cuốn sách rồi mở cuốn màu xanh lục. Cuốn sách hẳn lâu ngày không được mở ra nên bốc mùi ẩm mốc. Khác với bản sao bìa đen tôi mở ra hôm qua, phần lề cuốn này có màu trắng như bình thường. Khung chữ nhật bao quanh phần nội dung chữ viết cũng rất rõ ràng.
- Cuốn này là Norton Facsimile. Đến nay, cuốn sách đã được in hai lần, đây là bản cũ hơn.
Có nghĩa, cả hai cuốn đều là bản sao của First Folio.
- Shioriko, em có cả sách Tây cổ nữa cơ đấy.
Tôi cảm thán. Dĩ nhiên tôi đã vào phòng cô không biết bao lần nhưng trong ấn tượng, nơi đó chỉ toàn sách tiếng Nhật. Ngay lập tức, Shioriko nhăn mặt.
- Không, cuốn này trong bộ sưu tập sách mẹ để lại. Nên hầu như em chẳng động vào.
Đúng chỉ có cô gái này mới nói “hầu như”. Nghĩa là dù đó là bộ sưu tập sách của người mẹ nhiều năm nay cô không thể tha thứ nhưng cô vẫn có lần chạm tới.
- Cuốn Norton Facsimile này, ông Shodai đã in cảm quang từ nó và gia công thành cuốn màu đen nhỉ.
Bà Eiko đã giải thích như vậy. Bà bảo nghe từ Shodai. Nhưng Shioriko lắc đầu.
- Có vẻ không phải vậy đâu.
- Vậy nó là bản sao một cuốn sách khác?
- Dạ. Như anh vừa nói, vì bà không rõ về First Folio lắm nên có lẽ không để ý. Em cũng sẽ giải thích chuyện đó ngay đây.
Shioriko mở ra những trang ở nửa sau cuốn Norton Facsimile, trang đánh nombre số 79, có vẻ là phần kết của “Romeo và Juliet”. Chỉ là ở trang bên trái ngay trước lại là trang 76. Không có trang 77 và 78.
- Ồ, nombre bị cách quãng này.
- Có thể là do vị trí của “Troilus và Cressida” bị thay đổi nên họ đã tính sai số trang. Đó là lỗi thường thấy ở cuốn này. Tuy vậy đây mới là cách sắp xếp vốn có. Tiếp theo là vở kịch “Chàng Timon ở Athens”*.”

*[Tạm dịch từ Timon of Athens, vở kịch kể về nhân vật Timon ngây thơ tự đẩy bản thân vào bi kịch do ảo tưởng về lòng tốt của con người]

Cô giở sang trang tiếp theo, có nhan đề “THE LIFE OF TYMON OF ATHENS”, bắt đầu từ trang 80.
- Quả nhiên vị trí vở “Troilus và Cressida” khác với cuốn màu đen.
- Dạ. Nhưng vấn đề không phải ở đó.
Shioriko vươn một tay lật cuốn sách đen, giở tới chỗ vở “Romeo và Juliet” kết thúc. Cả hai cuốn đều có in chữ “FINIS” và huy hiệu. Xem ra hai trang hoàn toàn giống nhau.
- Anh nhìn kĩ xem.
Cô nói rồi đồng thời mở trang kế tiếp ở cả hai cuốn sách. Trang tiếp theo của cuốn Norton Facsimile là trang đầu của vở “Chàng Timon ở Athens”, còn của cuốn màu đen là trang đầu của vở “Troilus và Cressida”. Cả hai cuốn đều chẳng có gì kì lạ...
- A!
Cuối cùng tôi cũng nhận ra. Có lẽ ai đó khi phục chế cuốn sách đen đã chuyển toàn bộ vở “Troilus và Cressida” đến đây. Nhưng nếu thế thì cùng lúc sẽ chuyển cả trang trước ở mặt sau của tờ giấy. Vậy thì thật kì lạ khi những trang trước của cuốn sách liền mạch với trang cuối của vở “Romeo và Juliet”.
- Nghĩa là, tồn tại hai loại trang có mặt trước là trang kết của “Romeo và Juliet”. Một loại mặt sau in phần đầu của “Chàng Timon ở Athens” và một loại in phần đầu của “Troilus và Cressida”.
Cô vừa đếm vừa dựng từng ngón tay. Tôi xoa ấn đường, cố gắng sắp xếp suy nghĩ.
- Ơ? Nhưng, chờ đã. Cuốn đen này là sách sao bằng cách chụp ảnh từng trang nhỉ. Vậy thì trang cuối của “Romeo và Juliet” không nhất thiết có hai loại, vì chẳng phải thông thường người ta chỉ cần đổi thứ tự trang là được sao?
- Không ạ, thật ra, mỗi trang được in trong hai cuốn này đều khác nhau. Anh hãy xem chỗ này đi.
Shioriko lật lại trang kết của vở “Romeo và Juliet” ở cả hai cuốn sách, chỉ vào góc từng bản. Cuốn Norton Facsimile là trang 79. Cuốn đen là 77. Tôi cũng đã hiểu.
- Ra vậy. Cả nombre cũng khác.
- Có thể sự thật là thế này, “Troilus và Cressida” ban đầu được in cùng lúc với trang cuối của “Romeo và Juliet”.”
- À, nghĩa là không phải họ in lần lượt từng trang hả?
Tôi bất chợt bẻ sang chuyện khác. Tôi chưa từng thấy máy in ngày xưa nhưng hôm qua chính Shioriko đã bảo sách được đóng khuôn in bằng cách dập lần lượt từng trang một.
- Với folio, cứ ba tờ giấy gập đôi chồng lên nhau tạo được sáu tờ, mười hai trang, thì tạo thành một đơn vị tiêu chuẩn gọi là “tay”. Khi in sẽ in từng tay một, công đoạn này vô cùng phức tạp. Anh chỉ cần biết là dù phát sinh lỗi khi in thì cũng không dễ thay thế mỗi trang bị lỗi đó.
Tôi im lặng gật đầu. Tự nhiên lại xuất hiện từ chuyên môn nên tôi không hiểu lắm. Tôi chỉ ghi nhớ câu cuối của cô.
- Tuy thế, về sau “Troilus và Cressida” được quyết định xếp ở vị trí vở bi kịch đầu tiên. Vì vậy quả nhiên hai trang có phần mở đầu “Troilus và Cressida” và phần kết “Romeo và Juliet” đã được in lại. Phần mở đầu chương vốn không cần thiết đã được in thay vào chỗ trang kết của “Romeo và Juliet” để thống nhất các trang. Nhưng như em đã từng nói, thời bấy giờ, những trang in lỗi họ cũng vẫn dùng chứ không bỏ đi. Trang này không phải ngoại lệ. Nói cho dễ hiểu, một phần số bản Folio sử dụng trang in cũ. Em nghĩ người chủ sách gốc đã thấy như thế bất hợp lý, nên khi phục chế sách bèn đổi lại thứ tự vở kịch. Nếu chỉ nhìn vào nombre thì sắp xếp thế này tự nhiên hơn.
- Hả? Vậy thì trang cuối vở “Romeo và Juliet” ở cuốn đen bị lặp lại hả?
Dù trang của bản trước vẫn được dùng đang ở đây nhưng chắc chắn trang in lại vẫn phải tồn tại đâu đó. Shioriko gật đầu.
- Dạ, đúng thế. Anh xem, nó đây.
Cô lật những trang tiếp theo của vở “Troilus và Cressida” trong cuốn màu đen. Khi giở đến chỗ kết có in từ “FINIS”, trang bên phải để trắng, còn ở phần trang bên trái đã đột ngột xuất hiện trang kết của “Romeo và Juliet”. Lật tiếp sẽ là “Chàng Timon ở Athens”. Chính đoạn này bị sắp xếp lại.
- Bình thường, nếu dùng loại trang cũ thì trang trùng được đánh dấu “X”, nhưng không có trang X nào trong cuốn đen cả.
- Sao lại không có nhỉ?
- Nguyên do thì em cũng không rõ. Có thể là quên đánh dấu, hoặc đã xóa đi trong quá trình nào đó. Em nghĩ vì thế chủ nhân cuốn sách mới đổi thứ tự. Vốn dĩ vở “Troilus và Cressida” đã không có tên trên mục lục nên người ta không biết vị trí đúng của nó. Nghe chừng chủ cuốn sách đã nghĩ mình có một bản đóng nhầm trang và vở “Troilus và Cressida” bị xếp sai vị trí.
- Nhưng lỗi như thế chỉ cần so với quyển First Folio khác là biết ngay.
Tôi ngưng ngang. Đầu sách này chỉ phát hành khoảng bảy trăm năm mươi bản. Có lẽ người ta cũng chẳng có cơ hội so sánh với các cuốn khác. Hiểu lầm là chuyện tất nhiên.
Dù vậy, phán đoán được cả tình hình in ấn của vài trăm năm trước đến hành động của chủ sách để giảng giải cho tôi, cô gái này thật không phải người thường.
- Cuốn sách bìa đen này là bản sao từ quyển nào?
Đúng là bà Eiko đã nói nó được sao lại từ cuốn Norton Facsimile. Nhưng, theo câu chuyện của Shioriko thì có vẻ không phải thế. Bỗng cô dịch gối đến gần, ngước nhìn tôi. Ánh mắt tôi như bị hút vào khuôn mặt cô.
- Thật ra, em không biết. - Cô thì thầm như đang nói ra một bí mật.
- Em không biết sao?
- Vâng. Hẳn nhiên chuyện cuốn sách được sao in từ quyển Norton Facsimile là một lời nói dối của ông Shodai. Những điểm như tình trạng bay màu cũng khác hẳn. Cuốn này còn dùng cả những trang đã bị bỏ đi nữa, nguyên bản của nó phải là một cuốn First Folio rất đặc biệt. Chưa kể kích thước cuốn sách nữa.
- Kích thước?
Tôi nhắc lại. Tôi đã rất cố gắng tập trung vào câu chuyện, nhưng Shioriko cứ liên tục tiến sát lại gần.
- Em từng nói sách Tây khi xưa được đóng theo ý muốn của chủ nhân rồi nhỉ? Mép sách và hai cạnh trên dưới đều được xén lại cho đẹp mỗi lần đổi chủ, do đó kích thước trang của các quyển First Folio cũng khác nhau. Đến nỗi điểm đó cũng trở thành manh mối giám định. Trong số những cuốn Folio còn tồn tại đến nay, nếu so cuốn lớn nhất với cuốn nhỏ nhất thì mỗi chiều ngang dọc phải chênh nhau từ 40 đến 50 milimet.
- Chênh lệch đến vậy sao?
Giọng tôi tự nhiên cũng nhỏ lại. Kính Shioriko đã sát ngay đầu mũi tôi rồi.
- Em không rõ cuốn sách đen này có tái hiện nguyên kích thước sách gốc không, nhưng theo chiều dọc đo được là 350 milimet, chiều ngang 225 milimet thì kích cỡ cuốn này còn lớn hơn cuốn Folio to nhất vài milimet. First Folio thì không to đến thế. Vì khổ to thì có thể cắt được chứ khổ nhỏ thì không thể làm cho to lên được.
Tôi thoáng thấy ánh xanh trong đôi mắt mở to của cô. Thứ ánh sáng khiến tôi bất an ở sâu trong đáy mắt cô tỏa ra mạnh mẽ. Biểu cảm của cô giống hệt biểu cảm hôm qua trong quán cà phê.
Tôi chợt hiểu. Bấy giờ cô đã nhận ra. Không chỉ vở kịch bị đổi chỗ mà cả việc sử dụng trang cũ nữa. Cô đã nhận ra cuốn sách đen được sao in từ một quyển Folio khác cuốn Norton Facsimile. Có lẽ tại tôi đã đề cập tới sự liên tục của nombre.
Tôi cảm nhận được cơn ớn lạnh giống như lúc đó. Có lẽ nào việc tôi lỡ khiến cô nhận ra là một sai lầm. Mà giờ thì không thể vãn hồi được nữa rồi.
- Lúc này... Chẳng phải người ta đã biết rõ đặc trưng của từng cuốn First Folio rồi sao?
Hai trăm mấy chục cuốn được xác nhận là còn tồn tại đều có thông tin công khai. Chính Shioriko từng nói vậy.
- Đúng rồi. Nhưng...
Shioriko cười nhếch môi. Chẳng hiểu sao biểu cảm này lại khiến tôi nhớ tới mẹ cô.
- Nếu có một-cuốn-First-Folio-chưa-được-xác-nhận, một cuốn thế giới vẫn chưa biết đến, thì câu chuyện sẽ khác. Cuốn sách này là bản facsimile được tạo ra từ cuốn Folio như thế.

8

- Nghĩa là ông Shodai sở hữu một cuốn First Folio như vậy?
- Em đang nghĩ thế. Hiện nay ở Nhật có mười lăm cuốn First Folio, già nửa số đó được mua từ những năm 1970 đến 1980. Có lẽ bởi đó là thời kì kinh tế Nhật Bản đạt đến đỉnh cao, nên nhiều người đủ khả năng mua những cuốn sách hiếm Âu Mỹ. Nghe nói cũng không ít tiệm sách cũ nước ngoài đến Nhật làm ăn.
Shioriko tiếp tục thao thao bất tuyệt. Tôi dịch người ra xa một chút, cố gắng điềm tĩnh lắng nghe.
- Ông Shodai cũng mua của một tiệm sách cũ nước ngoài nhỉ.
- Em không rõ. Nhưng nếu ông mua qua tiệm chuyên về sách cũ của nước ngoài thì ít nhất cũng phải có tin đồn. Hình như tiệm sách Kugayama có một con đường riêng để nhập sách Tây nên có thể ông đã thông qua con đường đó để bí mật sở hữu bản Folio mà thế giới chưa phát hiện.
Những ngón tay Shioriko vuốt ve tấm bìa da màu đen đầy trân trọng. Nãy giờ cô cứ lặp đi lặp lại hành động này.
- Thật ra ban nãy em đã được nghe bác Tsuruyo kể như thế.
Tôi nhớ lại người phụ nữ vừa gặp ở thềm nhà chính. Ngoài bà chẳng còn người thân nào của Shodai biết chuyện ngày xưa mà nói cho chúng tôi nữa.
- Bác kể cách đây ba mươi lăm năm, vào năm 1976, ngay trước năm ông Shodai mất, bác từng nghe được ông mua sách hiếm gì đó với giá cao từ nước ngoài. Bấy giờ ông đã bán biệt thự nghỉ dưỡng ở Karuizawa để lấy tiền làm vốn nhập sách.
- Cuốn sách đó là First Folio hả?
Sách có giá bằng cả một ngôi nhà cũng không lạ. Ngược lại còn là mua hời.
- Ông Shodai không nói chuyện làm ăn với bác Tsuruyo nên bác cũng không biết gì hơn. Tuy nhiên, bác nhớ là sau khi biệt thự bị bán đi không lâu thì những cuốn sách khổ lớn được chuyển tới nhà Kugayama, tổng cộng bốn quyển, gồm cuốn sách đen này và ba cuốn khác giống hệt nhưng khác màu.
- Khác màu...? Hay đó là những cuốn anh Takino đã nhắc?
Anh Takino từng nghe Chieko kể về cuốn sách màu đen trước khi bà biến mất, bà nói còn ba quyển giống thế nhưng có màu khác nhau là đỏ, lam, trắng.
Nụ cười của Shioriko càng tươi tắn. Trống ngực tôi lại đập rộn.
- Khi đó, anh Daisuke cũng nói thế nhỉ, “Tính cả cuốn này thì tổng cộng có bốn cuốn hả?”. Em cũng tưởng thế. Nhưng một trong số đó phải là sách thật thì tổng cộng mới là bốn cuốn. Phục chế cẩn thận cuốn sách thật rồi tạo ra ba bản facsimile phỏng theo. Một ý tưởng hết sức thú vị.
Ánh mắt Shioriko nói rõ ràng dù ra sao cô cũng muốn xem thử. Với tôi, vẻ hân hoan của cô là một mối lo. Cũng phải thôi, cô đang theo đuổi bí ẩn về cuốn sách hiếm tầm cỡ thế giới mà, nhưng rõ ràng cô háo hức với cuốn sách cũ kia hơn hẳn bình thường.
- Ông làm ra những bản sao giống hệt để làm gì?
- Nếu chỉ để kỉ niệm thì công phu quá, nên em nghĩ ông có ý đồ khác. Càng kì lạ hơn là một thời gian ngắn sau khi những cuốn sách được hoàn thành, ngay trước khi mất, ông Shodai đã bán ba cuốn sách bìa đỏ, trắng, lam cho thương nhân nước ngoài, ông đã yếu nên bác Tsuruyo làm thủ tục chuyển phát thay ông.
- Hả.
Tôi á khẩu. Trong bốn quyển có một cuốn là First Folio thật, cuốn màu đen này là bản sao, nghĩa là...
- Tức là một trong ba cuốn kia là sách thật phải không? Ông ta đã sang nhượng cả biệt thự nghỉ dưỡng để có được cuốn sách mà lại bán đi dễ dàng thế sao?
- Vâng. Theo lẽ thường thì chẳng ai tưởng tượng được. Còn một điều nữa, mẹ em cũng biết chuyện ba cuốn sách bị bán ra nước ngoài từ bác Tsuruyo. Từ khi bắt đầu làm việc ở tiệm sách cũ Biblia, mẹ thân với bác hơn hẳn.
Tôi từng nghe chính Chieko nói rằng bà ta với bà Tsuruyo thân nhau từ xưa. Bà cũng nói bà Tsuruyo là “Người tử tế nhất cái nhà đó”. Chẳng lẽ vì bà Tsuruyo biết Chieko là em gái cùng dòng máu với mình?
- Khoảng mười năm trước, họ đã cùng uống trà trong căn phòng kiểu Nhật này. Rồi chẳng hiểu sao câu chuyện biến thành buổi ôn lại kỉ niệm gia đình, tình cờ bác nhắc tới việc giúp ông Shodai gửi sách đi ngay trước khi ông mất. Bác đã xem lại nhật kí để xác nhận, đó là chuyện xảy ra chỉ vài ngày trước khi mẹ em biến mất.
Nghĩa là cùng thời gian Chieko được bà Eiko nhờ sửa cuốn sách đen. Tôi không nghĩ là chuyện ngẫu nhiên. Hẳn chính Chieko đã khơi gợi và đưa ra đề nghị.
- Ừ, vậy thì...
Trong đầu tôi, cuối cùng mọi thứ đã kết nối lại.
Phải chăng khi được nhờ sửa lại cuốn sách đen, Chieko đã đi đến kết luận giống Shioriko. Cuốn Norton Facsimile để so sánh cũng là sách trong bộ sưu tập của bà. Nếu Chieko biết Kugayama Shodai đã mua cuốn First Folio chưa được thế giới phát hiện, và bán ra nước ngoài cùng những bản sao thì...
- Mẹ em bỏ nhà ra đi để theo đuổi cuốn sách đó sao?
- Chắc là thế nhỉ.
Shioriko hờ hững gật đầu. Tôi thấy không đúng, hiểu được lý do thực sự mười năm trước mẹ mình biến mất nhưng cô lại thờ ơ đến lạ.
- Cứ cho là trước khi mất, ông Shodai đã thực sự bán cuốn First Folio ra nước ngoài, nhưng giao dịch thành công mà không ai phát giác thì thật kì quái. Nhìn bản facsimile này đủ biết chắc chắn tình trạng sách gốc còn mới. Nếu có thành tin nóng trên toàn thế giới cũng không có gì lạ.
Xem chừng Shioriko quan tâm đến bí ẩn xoay quanh First Folio hơn cả sự vụ của mẹ mình. Tôi vừa định hỏi thì bỗng nhớ lại lời nhắn của Yoshiwara Kiichi.
- Tôi đang giữ số còn lại.
Phải chăng câu đó ám chỉ rằng ông ta đang giữ ba cuốn khác màu (đỏ, lam, trắng) còn lại?
- Không lẽ Yoshiwara đã lén lút mua và giấu chúng suốt? Hôm qua ông ta cũng nói thế đúng không?
- Em cũng nghĩ vậy, nhưng thế cũng kì lạ. Chắc chắn bán đấu giá trên các sàn uy tín, như Sotheby”s chẳng hạn, thì sẽ lời hơn nhiều so với bỏ công bán trực tiếp cho cá nhân như mẹ em. Cả lý do khiến ông Shodai buông bỏ thứ quý giá đã một lần có được. Rõ ràng cuốn sách này còn giấu nhiều bí ẩn.

- Em về rồi.
Tiếng cửa hiên nhà mở, giọng Ayaka vọng đến căn phòng Nhật. Chắc cô bé từ lò luyện thi về. Nhưng sau đó không thấy tiếng bước chân hay tiếng cửa đóng. Tôi và Shioriko cùng nghi hoặc. Nói mới thấy, giọng Ayaka cũng không khỏe khoắn như mọi khi.
Shioriko chống nạng đứng lên trước. Tôi cũng theo cô ra hành lang. Ayaka vẫn đứng nguyên ngoài cửa, quay lưng về phía nắng hè.
- Em về rồi hả Aya, sao thế?
Shioriko hỏi. Em gái cô chau mày khổ sở, mím chặt môi. Và rồi, sau lưng cô bé, một ông già với chiều cao khiêm tốn mặc vest trắng xuất hiện trong nắng, bệ vệ đi qua cửa hiên. Có lẽ ông ta đã chạm mặt Ayaka ngay ở ngoài thềm.
- Xin chào. Cảm ơn cô vì ngày hôm qua.
Yoshiwara Kiichi bỏ mũ chào với vẻ hòa nhã.
- Tôi có chút chuyện muốn nói. Liệu có thể làm phiền không ạ?
------------
Còn tiếp.
(Mọi chú thích là của người dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét